KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Dịch giả Sakya Minh-Quang
Mục Lục
-
-
Phẩm Từ Nhân Thứ 8
-
Phẩm Ngôn Ngữ Thứ 9
-
Phẩm Song Yếu Thứ 10
-
Phẩm Phóng Dật Thứ 11
-
Phẩm Tâm Ý Thứ 12
-
Phẩm Hoa Hương Thứ 13
-
Quyển Thứ 2
-
Phẩm Dụ Hoa Hương Thứ 14
-
Phẩm Ngu Ám Thứ 15
-
Phẩm Minh Triết Thứ 16
-
Phẩm A-La-Hán Thứ 17
-
Phẩm Thuật Thiên Thứ 18
-
Phẩm Ác Hạnh Thứ 19
-
Phẩm Đao Trượng Thứ 20
-
-
Quyển Thứ 3
-
Phẩm Lão Mạo Thứ 21
-
Phẩm Ái Thân Thứ 22
-
Phẩm Thế Tục Thứ 23
-
Phẩm Thuật Phật Thứ 24
-
Phẩm An Ninh Thứ 25
-
Phẩm Hiếu Hỉ Thứ 26
-
Phẩm Phẫn Nộ Thứ 27
-
Phẩm Trần Cấu Thứ 28
-
Phẩm Phụng Trì Thứ 29
-
Phẩm Đạo Hạnh Thứ 30
-
Phẩm Quảng Diễn Thứ 31
-
Phẩm Địa Ngục Thứ 32
-
Phẩm Tượng Thứ 33
-
Phẩm Ái Dục Thứ 34
-
-
Quyển Thứ 4
-
Phẩm Dụ Ái Dục Thứ 35
-
Phẩm Lợi Dưỡng Thứ 36
-
Phẩm Sa Môn Thứ 37
-
Phẩm Phạm Chí Thứ 38
-
Phẩm Nê Hoàn Thứ 39
-
Phẩm Sinh Tữ Thứ 40
-
Phẩm Đạo Lợi Thứ 41
-
Phẩm Kiết Tường Thứ 42
-
QUYỂN THỨ NHẤT
Đời Tây Tấn, Sa Môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán.
Tỳ Kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.
Phẩm Đa Văn Thứ 4
Thí dụ 11
Thuở xưa, nước Xá-vệ có hai vợ chồng nhà đã nghèo mà lại keo bẩn, không tin đạo đức. Đức Phật thương xót họ ngu mê, muốn cứu độ nên hóa làm một vị Sa-môn tướng mạo tầm thường, đói rách đến nhà đó khất thực. Lúc ấy, người chồng đi vắng, người vợ thấy Sa-môn liền nặng lời mắng chưởi, bất kể đạo lý. Vị Sa-môn nói:
-“Tôi là tu sĩ đi xin để sống qua ngày. Cô không nên chưởi mắng như vậy. Tôi chỉ mong được một bữa cơm thôi.”
Bà vợ bảo:
-“Dù ông có đứng chết ngay đó tôi cũng không cho, huống chi là mạnh khỏe như vậy mà mong tôi cho ăn! Ông ở đó chỉ tốn thời gian vô ích, nên sớm cút đi cho rồi!”
Nghe vậy, vị Sa-môn liền đứng ngay đó trợn mắt tắt hơi, hiện ra tướng chết, thân thể sình chướng, miệng mũi giòi bò, bụng nứt ruột rã, đồ bất tịnh chảy tràn. Bà ấy trông thấy sợ hãi, hoảng hồn bỏ chạy. Bấy giờ Sa-môn hiện tướng lại như cũ, bỏ đi đến gốc cây cách nhà ấy vài dặm ngồi nghỉ.
Người chồng về giữa đường bỗng thấy vợ mình chạy hớt hơ hớt hãi, lấy làm lạ liền hỏi nguyên do. Bà vợ kể lại có một ông Sa-môn làm mình sợ hãi như vậy. Chồng nghe xong, đùng đùng nổi giận, bèn hỏi:
-“Ông ấy bây giờ ở đâu?”.
Vợ đáp:
-“Đã bỏ đi rồi, nhưng chắc chưa xa lắm”.
Ông chồng vội mang cung, xách đao lần theo dấu vết tìm đến chỗ Sa-môn, định chém chết ông ta.
Vị Sa-môn liền hóa ra một tòa thành pha lê nhỏ vây bọc quanh mình. Người chồng đi quanh mấy vòng không cách nào vào được, nên hỏi đạo nhân:
-“Này đạo sĩ, sao ông không mở cửa thành?”
Sa-môn đáp:
-“Muốn mở cửa thành, ông hãy quăng bỏ cung đao đi.”
Người chồng suy nghĩ:
-“Mình nên nghe lời ông ấy. Nếu vào được trong thành, mình tay không cũng đủ sức đánh chết ông ta.”
Nghĩ vậy xong, ông quăng bỏ cung đao, song cửa thành vẫn không mở. Ông thấy vậy nói với Sa-môn:
-“Tôi đã quăng bỏ cung đao đi rồi, sao cửa thành vẫn không mở?”
Sa-môn đáp:
-“Ta muốn nói ông hãy ném bỏ cung đao ác ý trong tâm, chớ không phải ném bỏ cung đao trong tay!”
Bấy giờ, người chồng trong lòng kinh sợ, không ngờ Sa-môn là bậc thần thánh biết được tâm mình. Ông bèn dập đầu sám hối rồi bạch rằng: “Con có vợ tệ hại không biết bậc chân nhân, đã khiến con khởi ác niệm. Xin ngài từ bi tha thứ lỗi lầm. Nay con xin dẫn vợ đến sám hối, nghe lời khuyên dạy để biết tu đạo.”
Nói xong, người ấy đứng dậy ra về. Người vợ đón chồng hỏi:
-“Ông Sa Môn ấy đâu rồi?”
Người chồng bèn thuật lại đầy đủ oai đức thần thông của vị Sa Môn, rồi khuyên:
-“Vị Sa Môn ấy vẫn còn ở đó, bà nên đến sám hối để diệt trừ tội lỗi.”
Hai vợ chồng đến chỗ Sa Môn, năm vóc phủ phục sát đất[1] đảnh lễ xin sám hối, nguyện làm đệ tử, rồi quỳ thẳng hỏi rằng:
-“Ngài là bậc thần thông oai đức, có thể hóa ra tòa thành pha lê kiên cố khó thể vượt qua, tâm định trí sáng, mãi mãi không còn sầu lo là do thực hành đạo đức gì mà được như vậy?”
Sa Môn đáp:
-“Ta nhờ học rộng giáo pháp không biết nhàm chán, phụng hành chánh đạo không có giải đãi, tinh tấn trì giới tu tuệ không có phóng dật, nên đạt đến Niết Bàn.”
Bấy giờ vị Sa Môn liền nói kệ:
Đa văn: sức kiên cố
Phụng pháp: bờ tường thành
Tinh tấn: khó phá vượt
Nhờ đó giới tuệ sinh.
***
Đa văn giúp sáng tâm
Tâm sáng, trí tuệ tăng
Có trí hiểu rộng nghĩa
Rõ nghĩa tu không lầm.
***
Đa văn hết ưu phiền
Luôn vui trong thiền định
Khéo nói Pháp cam lộ
Đến được chỗ vô sinh.
***
Nhờ nghe, biết pháp luật
Hết nghi, thấy đạo chánh
Do nghe hết phi pháp
Tu đến bất tử thành.
多聞能持故 Đa văn năng trì cố [2]
奉法為垣牆 Phụng pháp vi viên tường
精進難踰毀 Tinh tấn nan du hũy
從是戒慧成 Tùng thị giới tuệ thành.
***
多聞令志明 Đa văn linh chí minh
已明智慧增 Dĩ minh trí tuệ tăng
智則博解義 Trí tắc bác giải nghĩa
見義行法安 Kiến nghĩa hành pháp an.
***
多聞能除憂 Đa văn năng trừ ưu
能以定為歡 Năng dĩ định vi hoan
善說甘露法 Thiện thuyết cam lộ pháp
自致得泥洹 Tự trí đắc Nê Hoàn.
***
聞為知法律 Văn vị tri pháp luật
解疑亦見正 Giải nghi diệc kiến chánh
從聞捨非法 Tùng văn xả phi pháp
行到不死處 Hành đáo bất tử xứ.
Sa Môn nói kệ xong, hiện lại thân Phật, hào quang rực rỡ soi sáng cả đất trời. Hai vợ chồng vừa kinh ngạc, vừa sợ hãi, hết lòng ăn năn cải ác, đảnh lễ đức Thế Tôn. Nhờ đó, họ tiêu được hai mươi ức kiếp tội ác, đắc quả Tu-đà-hoàn.
***************************************
Thí dụ 12
Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá Mỹ Âm nước Câu-siểm-ni vì tứ chúng đệ tử giảng nói chánh pháp. Lúc ấy, có một vị Phạm Chí thông minh học rộng, hiểu biết rất nhiều kinh sách, không việc gì mà không thông. Ông ta nhân đó cống cao ngã mạn cho là thiên hạ không ai bằng mình. Ông đi khắp nơi tìm người tranh luận, nhưng không ai dám. Một hôm, giữa ban ngày ông cầm đuốc đi vào trong thành. Người ta lấy làm lạ hỏi:
-“Ông vì sao ban ngày cầm đuốc đi đường?”
Phạm Chí đáp:
-“Trên đời đều là người ngu tối, mắt không trông thấy gì cả, cho nên ta cầm đuốc để soi sáng cho họ. Tôi đã tìm khắp nơi mà chẳng có ai dám cùng tôi biện luận.”
Đức Phật biết Phạm Chí có phước duyên đời trước, có thể độ được. Song nếu ông ta cống cao cầu danh, không nghĩ đến vô thường, cậy mình khinh người như vậy sẽ đọa vào địa ngục vô số kiếp khó mong ra khỏi. Ngài liền hóa ra một nhà hiền triết ngồi giữa chợ, gọi vị Phạm Chí lại hỏi:
-“Vì sao ông lại làm như vậy?”
Vị Phạm Chí đáp:
-“Vì mọi người ngu tối, ngày đêm không thấy ánh sáng nên tôi cầm đuốc soi rọi cho họ.”
Nhà hiền triết lại hỏi:
-“Trong kinh có nói đến bốn pháp sáng suốt, ông đã nghe qua chưa?”
Đáp rằng:
-“Tôi chưa nghe qua.”
Nhà hiền triết nói:
-“Bốn pháp đó là:
1. Hiểu thông thiên văn địa lý và sự điều hòa bốn mùa.
2. Hiểu thông tinh tú và sự chuyển vận ngũ hành.
3. Nắm vững cách trị nước an dân.
4. Nắm vững việc cầm quân giữ nước.
Ông là Phạm Chí có thông thạo bốn pháp này không?”.
Phạm Chí nghe nói trong lòng rất hổ thẹn, ném bỏ đuốc đi, rồi chắp tay cung kính, thầm biết rằng mình còn kém cỏi. Đức Phật biết tâm ông đã thuần liền hiện lại thân Phật, hào quang rực rỡ tỏa khắp đất trời, rồi nói kệ:
Nếu hiểu biết chút ít
Tự cao, khinh khi người
Như đuốc, kẻ mù cầm
Người sáng, mình tối tăm.
Nhuợc đa thiểu hữu văn
Tự đại di kiêu nhân
Thị nhu manh chấp cự
Chiếu bỉ bất tự minh.
*******************************
Thí dụ 13
Thuở xưa, nước Xá-vệ có một vị đại trưởng giả tên là Tu Đạt[3] đã chứng quả Tu-đà-hoàn. Bạn ông là trưởng giả Hiếu Thí lại không tin đạo Phật và các y thuật.
Một hôm, trưởng giả Hiếu Thí lâm trọng bệnh nằm liệt trên giường. Thân thuộc và bè bạn nghe tin đến thăm, khuyên ông nên trị bệnh, nhưng ông khăng khăng dầu chết cũng không chịu.
Ông trả lời với mọi người:
- Tôi thờ mặt trời, mặt trăng, trung với vua, hiếu với cha. Tôi nguyện theo suốt đời, dầu chết cũng không đổi chí.
Trưởng giả Tu Đạt nói:
- Thầy tôi chính là đức Phật, oai đức khắp nơi, ai gặp đều được lợi ích. Anh hãy thử thỉnh Ngài đến giảng kinh, chú nguyện. Nghe được lời Phật dạy sẽ cải thiện ngôn hành, không giống với các đạo khác đâu. Còn việc theo hay không theo, đó là tùy ở ý anh. Anh bệnh lâu ngày như vậy, biết đâu nhờ phước thỉnh Phật sẽ được thuyên giảm.
Hiếu Thí đáp:
- Tốt lắm, xin anh hãy thỉnh Phật và chúng đệ tử giùm tôi.
Trưởng giả Tu Đạt liền thỉnh đức Phật và Tăng chúng. Đức Phật đến trước cửa nhà trưởng giả Hiếu Thí bèn phóng hào quang soi sáng khắp trong ngoài. Hiếu Thí thấy được ánh sáng tâm sinh hoan hỷ, thân thể nhẹ nhõm. Đức Phật đến trước Hiếu Thí ngồi xuống, rồi an ủi thăm hỏi:
- Ông bệnh ra sao? Trước giờ tin thờ vị thần nào và đã trị liệu gì chưa?
Trưởng giả thưa rằng:
- Bạch đức Phật, con phụng thờ mặt trời, mặt trăng, vua chúa, tổ tiên. Con từng kính giữ trai giới để cầu xin được mọi điều may mắn. Thế nhưng nay bị bệnh đã lâu mà vẫn chưa được ân cứu giúp. Còn việc y dược, châm cứu là điều gia đình kiêng kỵ. Đến như việc tu học kinh giới, gây tạo phước đức chúng con vốn không biết gì. Từ tổ tiên truyền đến nay, gia đình chúng con đều tuân thủ nghiêm ngặt như thế.
Đức Phật nói với trưởng giả:
- Người sống ở đời có ba trường hợp bị chết oan:
1. Có bệnh không điều trị.
2. Điều trị không cẩn thận.
3. Không biết hay dỡ, tự tiện điều trị.
Bệnh này không thể nhờ vào mặt trời, mặt trăng, trời đất, tổ tiên, vua chúa hay cha mẹ mà có thể trị lành. Phải sáng suốt hiểu đạo, tùy thời trị liệu cho được an ổn.
1. Tứ đại bất hòa nóng lạnh thì cần y dược.
2. Bị tà ma nhiễu loạn thì cần tu niệm kinh giới.
3. Phụng thờ các bậc hiền thánh, thương yêu cứu giúp khổ nạn chúng sinh, đem oai thần phước đức bảo bọc quần sinh, dùng đại trí tuệ diệt trừ ấm cái.
Ông nếu làm được như vậy thì đời này sẽ sống an lành, không bị chết oan. Nhờ giới đức trí tuệ thanh tịnh nên đời đời thường được an ổn.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Thờ mặt trời vì sáng
Thờ cha vì biết ân
Thờ vua vì uy lực
Thờ thầy vì nghe đạo.
***
Cầu y sĩ vì mạng
Dựa cường hào vì hơn
Hiểu pháp nhờ trí tuệ
Tu phước đời đời vui.
***
Xét bạn: xem việc làm
Rõ bạn: lúc nạn gấp
Hiểu vợ: khi hoan lạc
Biết kẻ trí: qua lời.
***
Là thầy giỏi thấy đạo
Giải nghi, giúp trò hiểu
Dạy cho pháp thanh tịnh
Gìn giữ được Pháp tạng.
***
Nhờ nghe hiện đời lợi
Cả vợ con anh em
Đời sau cũng lợi ích
Nghe nhiều thành thánh trí.
***
Thu nhiếp nhờ hiểu nghĩa
Hiểu nghĩa giới trang nghiêm
Người thọ pháp hành trì
Nhờ đó bệnh được an.
***
Được vậy, hết giận sầu
Cũng không có tai ương
Muốn an ổn kiết tường
Hãy thờ người học rộng.
事日為明故 Sự nhật vị minh cố
事父為恩故 Sự phụ vị ân cố
事君以力故 Sự quân dĩ lực cố
聞故事道人 Văn cố sự đạo nhân.
***
人為命事毉 Nhân vị mệnh sự y [4]
欲勝依豪強 Dục thắng y hào cường
法在智慧處 Pháp tại trí tuệ xứ
福行世世明 Phúc hạnh thế thế minh.
***
察友在為務 Sát hữu tại vi vụ
別伴在急時 Biệt bạn tại cấp thời
觀妻在房樂 Quán thê tại phòng lạc
欲知智在說 Dục tri trí tại thuyết.
***
為能師見道 Vi năng sư kiến đạo
解疑令學明 Giải nghi linh học minh
亦與清淨本 Diệc dữ thanh tịnh bổn
能奉持法藏 Năng phụng trì pháp tạng.
***
聞能今世利 Văn năng kim thế lợi
妻子昆弟友 Thê tử côn đệ tử
亦致後世福 Diệc trí hậu thế phúc
積聞成聖智 Tích văn thành thánh trí.
***
能攝為解義 Năng nhiếp vị giải nghĩa
解則戒不穿 Giải tắc giới bất xuyên
受法猗法者 Thọ pháp ỷ pháp giả
從是疾得安 Tùng thị tật đắc an.
***
是能散憂恚 Thị năng tán ưu nhuế
亦除不祥衰 Diệc trừ bất tường suy
欲得安隱吉 Dục đắc an ổn kiết
當事多聞者 Đương sự đa văn giả.
Bấy giờ trưởng giả nghe Phật thuyết pháp, những nghi ngờ liền dứt sạch như mây mù tan tác. Ông cho mời lương y đến trị bệnh và chuyên tâm tu học đạo. Nhờ vậy tứ đại điều hòa, bệnh tật không còn, như uống nước cam lộ, trong ngoài khoan khoái, thân tâm an định, đắc quả Tu-đà-hoàn. Thân thuộc và người trong nước ai nấy đều kính nể ông.
***************************
Thí dụ 14
Thuở xưa, phía nam thành La-duyệt-kỳ có một núi lớn cách thành hai trăm dặm. Các con đường lớn phía nam đều đi ngang qua núi này. Trong núi có năm trăm tên cướp dựa vào địa thế hiểm trở để cướp bóc. Về sau chúng lại lộng hành gây hại bừa bãi, khiến các thương buôn bị cướp không dám đi qua. Giao thông do đó bị tắc nghẽn. Quốc vương đã nhiều lần đem binh truy bắt bọn chúng nhưng vẫn không dẹp được.
Bấy giờ đức Phật đang giáo hóa ở trong nước. Ngài thương xót chúng sinh, nghĩ rằng bọn cướp kia không biết tội phước. Như Lai ra đời mà mắt họ không thấy, trống Pháp vang rền mà tai họ không nghe. Ta nếu không đến hóa độ, họ sẽ mãi mãi sa đọa như đá chìm dưới khe sâu.
Vì vậy, đức Phật liền hóa ra một người cưỡi ngựa ăn mặc đẹp đẽ, vai mang kiếm báu, tay cầm cung tên. Con ngựa được thắng yên vàng, dàm nạm bạc, lại có đeo viên ngọc Minh Nguyệt trên mình. Người ấy cưỡi ngựa thúc chạy vào núi.
Bọn cướp trông thấy mừng rỡ vì gặp được món hời. Chúng nghĩ: "Mình nhiều năm ăn cướp mà chưa gặp món hàng nào đắt giá như vậy. Với sức một người mà chống lại chúng ta có khác chi lấy trứng chọi đá?" Suy nghĩ như vậy nên cả bọn đều kéo ra chặn đầu ngựa lại, rồi bao vây rút đao giương cung định sát hại người kia.
Lúc ấy hóa nhân liền giương cung bắn, múa kiếm chém khiến mỗi tên cướp đều trúng tên và mang thương. Vì mũi tên sâu, vết thương nặng nên cả bọn đều té lăn lộn trên đất. Năm trăm tên cướp lần lượt dập đầu xin quy hàng, thưa rằng:
- Ngài là thần tiên phương nào mà oai lực như vậy. Xin ngài hãy tha cho chúng con được sống. Chúng con bị thương, đau nhức không chịu đựng nổi, xin hãy mau nhổ tên, trị lành vết thương cho chúng con ngay.
Hóa nhân đáp:
- Vết thương này chưa phải nặng, mũi tên này chưa phải sâu. Trong thiên hạ, vết thương nặng nhất không gì hơn âu lo; tai hại lớn nhất không gì hơn ngu muội. Các ông mang mối âu lo do lòng tham cầu, có tâm ngu muội của sự giết hại. Đao thương độc tiển này không thể chữa khỏi. Gốc rễ của hai thứ này rất sâu chắc, dầu kẻ lực sĩ mạnh mẽ cũng không nhổ nổi. Chỉ có giáo pháp giới luật, đa văn trí tuệ mới có thể trị lành tâm bệnh, nhổ sạch buồn, yêu, ngu si, cống cao và chế phục tham dục mạnh mẽ. Hãy gây tạo phước đức, tu học trí tuệ mới có thể trừ được các tai họa trên, mãi mãi được an ổn.
Bấy giờ hóa nhân liền hiện lại thân Phật sắc vàng thù diệu và nói kệ:
Sầu lo vết thương nặng
Ngu muội mũi tên sâu
Dầu mạnh không nhổ nổi
Đa văn trừ được thôi.
***
Mù nhờ nghe được mắt
Tối nhờ nghe được đèn
Ai dạy bảo thế gian
Như người sáng dẫn lòa.
***
Vậy hãy dứt si mê
Bỏ sang giàu kiêu mạn
Siêng học bậc đa văn
Đó là tích tụ đức.
斫瘡無過憂 Chước sang vô quá ưu
射箭無過愚 Xạ tiển vô quá ngu
是壯莫能拔 Thị tráng mạc năng bạt
唯從多聞除 Duy tùng đa văn trừ.
***
盲者從得眼 Manh giả tùng đắc nhãn
闇者從得燭 Ám giả tùng đắc chúc
示導世間人 Thị đạo thế gian nhân
如目將無目 Như mục tương vô mục.
***
是故可捨癡 Thị cố khả xả si
離慢豪富樂 Ly mạn hào phú lạc
務學事聞者 Vụ học sự văn giả
是名積聚德 Thị danh tích tụ đức.
Bấy giờ năm trăm tên cướp thấy hào quang đức Phật, lại được nghe kệ khai thị nên đảnh lễ quy y, hết lòng ăn năn chừa đổi. Do đó, vết thương họ cũng tự nhiên lành lại. Họ vô cùng hoan hỷ, tâm trí khai thông, thọ trì ngũ giới. Từ đó trong nước trở lại yên bình, nhân dân ai cũng hoan hỷ.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
[1] Năm vóc phủ phục sát đất, nguyên văn “Ngũ thể đầu địa.” (****). Năm vóc là chỉ hai tay, hai gối và đỉnh đầu. Khi hành lễ cả năm phần này đều chạm đất để tỏ lòng tôn kính tuyệt đối. Cách lễ này còn gọi “Ngũ luân đầu địa”, “Đầu địa lễ”, “Tiếp túc lễ”, “Đầu diện lễ”, “Đảnh lễ”.
[2] ĐCTT ghi *, *bốn bản Tống, Nguyên, Minh và Thánh ngữ ghi *. **là kiên cố hợp nghĩa hơn.
[3] Tu Đạt là người ở thành Xá-vệ. Tánh ông thương người, thường bố thí giúp đỡ cho những kẻ bần cùng cô độc nên được xưng tặng là trưởng giả Cấp Cô Độc. Thuở Phật còn tại thế, ông là một vị Phật tử hộ pháp rất đắc lực, đã cùng thái tử Kỳ Đà cúng Phật miếng vườn lớn để xây dựng Tinh xá Kỳ Hoàn (Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên).
[4] ĐCTT ghi *, bốn bản Tống, Nguyên, Minh và Thánh ngữ ghi *. Hai chữ đồng nhau, dịch giả chọn chữ thứ hai vì thông dụng.