top of page

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

                                               Dịch giả Sakya Minh-Quang

Mục Lục

                

                       QUYỂN THỨ NHẤT

 

           Đời Tây Tấn, Sa Môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán.

           Tỳ Kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.

 

                     Phẩm Duy Niệm Thứ 7

 

Thí dụ 18

   Thuở đức Phật còn tại thế, vua Phất-gia-sa và vua Bình-sa là bạn thân với nhau. Vua Phất-gia-sa chưa biết Phật pháp. Ông làm một bông hoa bằng bảy báu rồi tặng vua Bình-sa. Vua Bình-sa nhận được, đem dâng lên Phật, thưa rằng:

      - Bạch đức Thế Tôn, vua Phất-gia-sa là bạn, tặng con đóa hoa báu này. Nay con đem dâng lên Phật, nguyện cho vua Phất-gia-sa tâm ý mở mang, gặp Phật nghe Pháp, cung kính thánh Tăng. Nay con nên lấy vật gì để tặng lại vua ấy?

   Đức Phật đáp:

      - Vua hãy chép Kinh Thập Nhị Nhân Duyên đem tặng. Vua ấy nhận được kinh, xem xong sẽ tin hiểu lời Phật.

   Vua Bình-sa nghe lời, viết kinh Thập Nhị Nhân Duyên rồi gởi kèm theo một lá thư, nói rằng: "Bạn tặng tôi đóa hoa bảy báu, nay tôi tặng lại đóa hoa chánh pháp. Xin hãy suy nghĩ rõ ràng những nghĩa lý trong kinh sẽ được lợi ích to lớn, tốt đẹp. Tôi muốn bạn tụng đọc và tu tập để cùng tôi chia sẻ pháp vị".

   Vua Phất-gia-sa nhận được kinh, liền đọc và suy xét nghĩa lý cẩn thận, rồi bỗng tin hiểu chánh pháp. Vua hết lời tán thán:

      - Phật lý thật vi diệu, có thể giúp cho tâm người an định, nước nhà phồn vinh. Năm dục là cội nguồn ưu não, ta đã nhiều đời đam mê nay mới tỉnh ngộ. Ta còn tham luyến dục lạc thế gian nữa làm gì?

   Vua bèn triệu tập quần thần nhường ngôi cho thái tử, rồi tự xuống tóc làm Sa-môn. Phất-gia-sa mặc pháp phục, ôm bình bát đến ngoài thành La-duyệt-kỳ tá túc tại lò nung của nhà một người thợ đồ gốm, định sáng mai vào thành khất thực, thọ trai xong sẽ đến chỗ Phật lãnh thọ kinh giới.

   Đức Phật với thần thông biết được ngày mai lúc khất thực Phất-gia-sa sẽ mạng chung. Ông ta từ xa lại mà không được gặp Phật, không được nghe kinh pháp thật đáng xót thương! Vì thế đức Thế Tôn hóa thành một vị Sa-môn cũng đến nhà người thợ đồ gốm xin nghỉ qua đêm. Người chủ nói:

      - Có một vị Sa Môn đã ở trước trong lò nung, ông có thể ở chung qua đêm với vị ấy.

   Vị Sa-môn bèn mang cỏ vào lò nung, trải ngồi bên cạnh Phất-gia-sa, rồi thăm hỏi:

      - Ông từ đâu đến? Thầy ông là ai? Vì nhân duyên gì mà làm Sa-môn? Đã gặp Phật         chưa?

   Phất-gia-sa đáp:

      - Tôi chưa gặp Phật, chỉ nghe kinh Thập Nhị Nhân Duyên mà xuất gia làm Sa-môn. Tôi định ngày mai vào thành khất thực sẽ đến ra mắt Phật.

   Vị Sa Môn kia nói:

      - Mạng người mong manh sớm còn tối mất. Vô thường nghiệp báo không hẹn chợt đến. Chỉ cần quán sát thân tứ đại do đâu mà có, tạm hợp thành rồi sẽ hoại diệt. Đất nước gió lửa sẽ trả về cho đất nước gió lửa! Hãy tư duy tỉnh giác, tâm vắng lặng không có vọng tưởng, chuyên niệm Tam Bảo, bố thí, giới đức. Nếu có thể biết được lẽ vô thường thì cũng như thấy Phật! Nghĩ đến việc ngày mai chỉ là vọng tưởng vô ích.

   Bấy giờ vị Sa Môn liền nói kệ:

        Phàm người được thiện lợi

        Là tự quy y Phật

        Cho nên ngày lẫn đêm

        Thường niệm Phật Pháp Tăng.

             ***

        Tỉnh giác biết rõ mình

        Đó là đệ tử Phật

        Ngày đêm thường nên niệm

        Phật Pháp và chúng Tăng.

                ***

       

 

        Niệm thân, niệm vô thường

        Niệm giới, đức, bố thí[1]

        Không, bất nguyện, vô tưởng [2]

        Đêm ngày niệm như trên.

                   Phù nhân đắc thiện lợi

                   Nãi lai tự qui Phật

                   Thị cố đương trú dạ

                   Thường niệm Phật Pháp Chúng.

            ***

                    Kỹ tri tự giác ý

                    Thị vi Phật đệ tử

                    Thường đương trú dạ niệm

                    Phật dữ Pháp cập Chúng.

            ***

                    Niệm thân, niệm phi thường

                    Niệm giới, bố thí, đức

                    Không, bất nguyện, vô tưởng

                    Trú dạ đương niệm thị.

   Lúc đó vị Sa-môn lại giảng thuyết yếu nghĩa vô thường cho Phất-gia-sa. Phất-gia-sa nhất tâm thiền quán liền chứng quả A-na-hàm. Đức Phật biết Phất-gia-sa đã giác ngộ, liền hiện lại thân Phật đức tướng quang minh. Phất-gia-sa kinh ngạc vui mừng khôn tả, liền cúi đầu đảnh lễ Phật. Đức Phật lại dặn ông lần nữa: 

      - Tướng tội báo cũng vô thường, ông đừng nên lo sợ.

   Phất-gia-sa đáp:

      - Con xin vâng lời dạy bảo.

   Sau đó đức Phật từ giã ra đi. Giờ ngọ ngày hôm sau, Phất-gia-sa vào thành khất thực. Khi đi ngang qua cổng thành, Phất-gia-sa bị một con bò mẹ mới sinh con húc thủng bụng chết. Ông liền sinh lên cõi trời A-na-hàm.

   Đức Phật sai các đệ tử đem thi thể ông trà tỳ, xây tháp thờ. Đức Phật nhân đó dạy đại chúng: 

      - Hãy cẩn thận đối với những nguyên nhân gây ra tội báo.

--------------------

Chú thích:

[1] Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thân, niệm vô thường, niệm giới, niệm đức, niệm bố thí là tám niệm (**) thường được nói đến trong Kinh. Đại Trí Độ Luận quyển 21 ghi: Đệ tử Phật ở chỗ vắng vẻ, núi rừng, đồng trống… khéo tu các pháp quán như bất tịnh v.v… để không còn tham chấp thân này, bỗng sanh tâm sợ hãi hoặc bị các loài thú dữ đe dọa khiến tâm não loạn, buồn sợ gia tang. Đức Như Lai thấy vậy mới nói ra bát niệm pháp. Nếu ai tâm giữ được tám niệm này sẽ không còn mọi kinh sợ.

      1. Niệm Phật: Người tu thiền quán lúc gặp sợ hãi chướng nạn nên suy niệm chư Phật từ bi, cứu độ chúng sinh công đức vô lượng.

      2. Niệm Pháp: Pháp lực rộng lớn, thông đạt vô ngại, diệt trừ được phiền não.

      3. Niệm Tăng: Tăng là đệ tử Phật, tu theo thánh đạo, có thể chứng được thánh quả, làm phước điền cho chúng sinh.

      4. Niệm giới: Giới là cội gốc của vô thượng bồ đề, ngăn được điều ác, đến được chỗ an ổn.

      5. Niệm xả: Xả có hai:

          a. Thí xả: Có thể sinh công đức lớn.

          b. Xả phiền não: Nhờ đây được đại trí tuệ.

      6. Niệm thiên: Tứ Thiên Vương cho đến Tha Hóa Tự Tại Thiên v.v… quả báo thanh tịnh, an ổn lợi lạc trong tất cả việc.

      7. Niệm xuất nhập tức hơi thở ra vào: Hơi thở ra vào là lương dược trị bệnh tán loạn, đường tắt dẫn đến thiền định.

      8. Niệm tử: Tử có hai:

           a. Tự tử: Nghiệp báo hết nên chết.

           b. Tha duyên tử: Gặp ác duyên nên chết.

     Hai loại chết này từ khi sinh ra đến nay luôn đeo bên mình không sao trốn được.

     Ai nhất tâm quán niệm miên mật tám niệm trên. Mọi chướng ngại kinh sợ sẽ không còn. (PQĐTĐ trang 286-287, mục Bát Niệm).

Xét ra ở đây niệm vô thường là niệm tử, niệm bố thí là niệm xả, niệm đức là niệm thiên, niệm thân là niệm xuất nhập tức. Danh từ và thứ tự có hơi khác, song ý nghĩa vẫn đồng.

[2] Không bất nguyện, vô tưởng là tam giải thoát môn (Trini Vimoksa-mukhàni).

    1. Không môn (**; phạn: Sunyatà): Quán tất cả pháp đều không tự tánh, do nhân duyên hòa hợp mà sinh. Nếu không đạt được như vậy thì sẽ được tự tại đối với các pháp.

    2. Vô tướng môn (***; phạn: animatta), còn gọi là vô tưởng môn. Đã biết tất cả pháp đều không, nên quán các tướng nam nữ, đồng dị đều bất khả đắc. Nếu có thể thông đạt các pháp vô tướng như vậy sẽ lìa sai biệt tướng mà được tự tại.

    3. Vô nguyện môn (***; phạn: apranihita), còn gọi là vô tác môn, vô dục môn: Nếu biết tất cả pháp vô tướng thì không mong cầu điều gì trong tam giới cả. Nếu không mong cầu sẽ không tạo tác nghiệp sinh tử. Không có nghiệp sinh tử sẽ không có quả báo khổ, được tự tại. (PQĐTĐ trang 644, mục Tam Giải Thoát Môn).

Xét ra, bất nguyện ở đây chính là vô nguyện.

bottom of page