top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết  <   Tứ Ân

Tứ Ân

    Rằm Tháng Mười chính là Ngày Lễ Tạ Ơn theo truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì đây là lúc nông nhàn rảnh rổi sau mùa gặt hái, người dân Việt với nền kinh tế nông nghiệp có điều kiện vật chất và thời gian để về chùa cúng lễ, tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên và chư Phật Bồ-tát đã gia hộ cho mình có được một năm bình an, mùa màng tươi tốt. Cho nên, tục ngữ Việt Nam nói:

                "Rằm Tháng Giêng ai có tiền thì quảy
                Rằm Tháng Bảy kẻ quảy người không
                Rằm Tháng Mười mười người mười quảy."
    Quảy có nghĩa là cúng quảy, hay cúng kiếng theo ngôn ngữ địa phương.
    Lễ Tạ Ơn này phù hợp với tinh thần biết ơn và đền ơn trong Phật giáo. Cho nên, truyền thống văn hóa dân tộc này được đưa vào sinh hoạt Phật giáo từ xưa. Rằm Tháng Mười đã trở thành một trong những ngày rằm lớn theo truyền thống Phật giáo Đông Á nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
    Ơn hay ân 恩 theo âm Hán Việt được viết bằng chữ Hán với chữ nhân 因 là nguyên nhân hay nguồn gốc ở trên và chữ tâm 心 ở dưới. Như vậy, chữ ân có nghĩa là lòng biết suy xét nguyên nhân hay nguồn gốc từ đâu mà có được những gì mình đang có. Ví dụ, hiếu thảo chính là lòng biết ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình nên người. Cho nên sách có câu: "Cây có cội mới nảy mầm sinh lá, nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông. Làm người có tổ có tông, nếu không cha mẹ cũng không thân này."
    Biết ơn và đền ơn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tu học của người con Phật. Cho nên Đức Phật từng dạy:
                 Này các thầy Tỳ-kheo
                 Nếu có chúng sinh nào
                 Biết ơn và đền ơn
                 Người này thực đáng kính
                 Ơn nhỏ cũng không quên
                 Huống chi là ơn lớn?
                 Người ấy dù cách ta
                 Đến trăm ngàn muôn dặm
                 Cũng không phải là xa
                 Vẫn gần ta bên cạnh.
                 Vì sao lại như vậy?
                 Ta luôn luôn tán thán
                 Người nhớ ơn, đền ơn.
                                 (Kinh Biết Ơn, Sakya Minh-Quang dịch)

    Đức Phật dạy, không luận người xuất gia hay tại gia đều mang bốn ơn nặng. Theo Kinh Tâm Địa Quán, bốn ơn nặng là ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn quốc vương và ơn Tam Bảo. Trong thời phong kiến quân chủ thì là ơn quốc vương, còn trong thời dân chủ hiện nay là ơn chính phủ và đất nước mình đang sống. Đối với người xuất gia, trong bốn ân nặng trên còn có ơn thầy tổ và ơn đàn na tín thí. Còn người Phật tử tại gia, ơn thầy tổ và ơn Pháp sư thuyết Pháp cũng được nói đến. Nhân ngày Rằm Tháng Mười, cũng là Lễ Tạ Ơn trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, xin gởi đến đại chúng Bài Tụng Bốn Ơn như một chút Pháp cúng dường.
               

  • Lời Tựa Kinh Bát Đại Nhân Giác

bottom of page