top of page

Bài Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư

Kính lạy bao đời chư Tổ

Nối truyền Chánh Pháp Như Lai

Xả thân trao đèn tiếp lửa

Đến con thế hệ hôm nay.

Tăng Hội ươm mầm Phật Việt [1]

Trúc Lâm lớn rộng rừng thiền [2]

Phế hưng bao triều thay đổi

Nhờ Người Pháp vẫn hoằng truyền.

Buổi đầu khai sơn tạo tự

Khổ tâm nuôi dạy Tăng tài.

Ngày đêm dịch kinh, chú giảng

Xây nền Phật Pháp tương lai.

Thân giáo hành trì miên mật

Âm thầm tên tuổi ai hay?

Cùng viết nên trang sử Phật

Mấy ngàn thu vẫn chưa phai!

Người vượt núi rừng sa mạc

Biển khơi gió bão vô thường

Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ

Thương đời một quyết lên đường.

Vì Đạo dấn thân cõi hiểm

Cung tên tà ác khắp nơi

Một giáp cà sa an nhẫn

Gươm tuệ vô úy sáng ngời.

Sư Tử đầu rơi bình thản [3]

Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn [4]

Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp [5]

Đạo tâm thực chẳng nghĩ bàn!

Tây Trúc dấu truyền kinh quý

Rọc da xẻ thịt mang đi [6]

Chịu bao đớn đau, khổ nhục

Miễn đời biết Đạo, sá gì.

Đông Độ cao tăng cầu Pháp

Xương phơi sa mạc Gobi

Ngàn đi, bao người trở lại?

Huyền Trang… vài vị sử ghi! [7]

Phật Việt gặp thời Pháp nạn

Thiêu thân thức tỉnh lương tri

Trái tim Bồ-tát Quảng Đức

Mãi còn một phiến từ bi. [8]

Con nay nhận lãnh Chánh Pháp

Đổi bằng xương máu người xưa

Bao đời giúp nên huệ mạng

Nát thân cũng trả chưa vừa.

Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ

Trao đèn tiếp lửa tương lai

Trải thân một lòng hành đạo

Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.

Nguyện cầu Chánh Pháp cữu trụ

Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì

Tri ân, dâng lời thệ nguyện

Cầu trên Phật Tổ chứng tri.

 

Sa-môn Sakya Minh-Quang viết tại Tu Viện Thiện Tường

Ngày 15 tháng 01, năm 2021, tưởng niệm ngày Phật Thành Đạo.

Facebook: Tu Viện Thiện Tường

 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

[i] Tăng Hội: tức Khương Tăng Hội (?-280), sinh tại Giao Chỉ, là vị Thiền sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Phật Việt chỉ Phật giáo Việt Nam.

 

[ii] Trúc Lâm: Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam đời nhà Trần.

 

[iii] Sư Tử tức Tôn giả Sư Tử, Tổ thứ 24 ở Tây Thiên. Sau khi đắc Pháp đến nước Kế Tân truyền Đạo. Một hôm Vua đến hỏi: “Thầy được năm uẩn không chưa?” Đáp: “Đã được năm uẩn không.” Vua hỏi tiếp: “Đã lìa sinh tử chưa?” Đáp: “Đã lìa sinh tử.” Vua bảo: “Nếu đã lìa sinh tử có thể cho tôi đầu của thầy không?” Đáp: “Thân tôi còn chẳng phải có, tiếc chi cái đầu?” Vua liền vung gươm chém đầu Tôn giả. Máu phun cao mấy thước, màu sửa trắng. Cánh tay phải của Vua cũng lập tức rụng xuống! Xem Phật Tổ Đạo Ảnh.

[iv]. Bồ-đề tức Bồ-đề Đạt-ma, Tổ thứ 28 ở Tây Thiên và là Sơ Tổ ở Đông Độ. Tương truyền, vì ganh ghét, có người đã hạ độc Ngài đến sáu lần. Ngài vẫn an nhàn vượt qua tai nạn. Lấy từ hai câu chuyện của Tổ Sư Tử và Tổ Bồ-đề Đạt-ma, Ngài Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca nói: “Túng ngộ phong đao thường thản thản, giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn.” Tức: “Dẫu gặp gươm đao luôn thanh thản, Nếu vương thuốc độc cũng an nhàn.” Hai câu “Sư Tử đầu rơi bình thản, Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn” là lấy từ ý và điển tích trên.

 

[v] Đây là chỉ câu chuyện Ngài Thần Quang chặt tay cầu Pháp với Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Sau đắc Pháp trở thành Tổ thứ hai Đông Độ, được Pháp hiệu là Huệ Khả. Tương truyền, ban đầu Thần Quang đến cầu Pháp với Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Để thử lòng Ngài, Tổ tọa thiền diện bích trong động không nói. Thần Quang đứng bên ngoài suốt đêm, tuyết xuống ngập đến ngang gối. Tổ cuối cùng hỏi: “Ông đứng lâu trong tuyết để cầu gì?” Thần Quang rơi lệ đáp: “Con đến cầu Pháp.” Tổ bảo: “DIệu lý chí cao vô thượng của chư Phật rộng lớn tinh thâm, chính phải trải qua tu hành khổ hạnh lâu xa, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn, mới có thể khế đạt diệu Đạo vô thượng của chư Phật. Há có thể dùng tiểu đức tiểu trí và tâm khinh thường tán mạn để có thê liễu đạt giáo pháp thậm thâm ư?” Nghe vậy, Thần Quang chặt đứt cánh tay để tỏ lòng tha thiết. Sau đó, Tổ mới hứa khả.

 

[vi] Tương truyền, Ngài Bát-thích-mật đế (般剌密諦; S. Pramiti) nhiều lần định đem Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến Trung Quốc để phiên dịch và truyền bá. Nhưng đương thời, Kinh này được vua xem là quốc bảo nên cấm không được mang ra nước ngoài. Sau nhiều lần mang kinh thất bại, Tổ Bát-thích-mật-đế mới xẻ thịt nơi đùi mình, viết kinh vào lụa mỏng rồi cuộn lại nhét sâu trong vết thương. Ngài cất dấu kinh thành công vượt đường sang Trung Quốc, lại một lần nữa mổ lấy kinh ra, dùng nước thuốc đặc biệt rửa sạch. Sau đó, Thích Hoài Địch phiên dịch và Phòng Dung bút thọ, thành bản kinh chữ Hán.

 

[vii] Trong lịch sử Tây du cầu Pháp, có rất nhiều vị cao Tăng đã bỏ thân nơi sa mạc Gobi dài hơn tám trăm dặm nối miền tây bắc Trung Quốc với các nước Tây vực thời đó. Pháp Hiển, Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh… chỉ là một số ít người ra đi thành công trở lại, còn được sử sách khắc ghi. Pháp sư Nghĩa Tịnh từng nói: “Tấn Tống Tề Lương đến thạnh Đường, Cao Tăng cầu Pháp bỏ quê hương, Đi trăm về chỉ vài ba vị, Phần nhiều gởi xác lại bên đường!”

 

[viii] Trái tim bất diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người tự thiêu thức tỉnh lương tri của nhân loại để bảo vệ Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn năm 1963.

6356520861147558607425879.png
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page