top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết 

Biết Ơn Và Đền Ơn
Là Nhân Duyên Phát Tâm Bồ Đề

Người dịch giảng: Sa-môn Sakya Minh-Quang
Khóa Tu Mùa Đông 30/11/2019-1/12/2019 tại Chùa Diệu Pháp, LA.
Tài liệu giảng dạy: Trích dẫn từ Phát Bồ Đề Tâm Văn.

Tác giả: Pháp sư Thật Hiền, đời Thanh.
 

Trích dẫn 1:

      Từng nghe: Cửa trọng yếu vào Đạo, trước hết phải phát tâm; việc cần gấp tu hành, đầu tiên nên lập nguyện. Nguyện đã lập, thì độ được chúng sinh; tâm có phát, mới viên thành Phật đạo. Nếu không phát tâm sâu rộng, lập nguyện vững bền, dù bao số kiếp trải qua, vẫn ở trong vòng sinh tử; tuy có tu hành cựu khổ, cuối cùng phí sức uổng công.

     

     Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quên mất tâm Bồ-đề tu hành các pháp lành, đây gọi là nghiệp ma!

      Quên mất còn như vậy, huống chi là chẳng phát tâm?

     Cho nên biết, muốn học Như Lai thượng thừa, trước phải phát Bồ-tát nguyện, không được chậm trễ.

        (Sakya Minh-Quang dịch)

6356520861147558607425879.png

Trích dẫn 2:

     Tâm Bồ-đề này là vua tất cả pháp lành. Nên phải có nhân duyên, mới có thể phát khởi. Nay nêu mười nhân duyên khiến phát tâm Bồ-đề.

Một, vì nhớ ân đức Phật. Hai, vì nhớ ân cha mẹ.
Ba, vì nhớ ân sư trưởng. Bốn vì nhớ ân thí chủ.
Năm, vì nhớ ân chúng sinh. Sáu, vì nhớ sinh tử khổ.
Bảy, vì tôn trọng tánh linh. Tám, vì sám hối nghiệp chướng.
Chín, vì cầu sinh tịnh độ. Mười, vì Chánh Pháp cửu trụ.

Sao gọi là vì nhớ ân đức Phật?

 

     Đức Phật Bổn Sư Thích-ca lúc mới phát tâm Bồ-đề, vì chúng ta hành đạo Bồ-tát, trải vô lượng kiếp, chịu bao khổ nhọc. Lúc ta tạo nghiệp, đức Phật từ bi, dùng phương tiện khéo dạy dỗ dắt dìu, mà ta ngu si không chịu tin nhận. Ta đọa địa ngục Phật lại xót thương, muốn thay chịu khổ; song do nghiệp nặng, không thể cứu cho. Ta sinh là người, Phật dùng phương tiện, khiến trồng căn lành đời đời theo độ, luôn cạnh bên ta, quan tâm chẳng tạm rời xa. Lúc Phật ra đời ta lại trầm luân, nay được thân người, Phật đà diệt độ. Nghiệp tội gì sinh vào thời mạt pháp? Duyên phước chi dự hàng ngũ xuất gia? Sao chướng nạn chẳng trông thấy kim thân? Lại may mắn được ngưỡng chiêm xá lợi?

     Lại nghĩ như vầy: Giả như không có căn lành, sao được lắng nghe Phật Pháp. Nếu không được nghe Phật Pháp, sao biết thường thọ Phật ân? Ân đức như vậy, núi cao khó sánh, nếu không phát khởi đại tâm, hành bồ-tát đạo, dựng lập Phật Pháp, cứu độ chúng sinh, cho dù thịt nát xương tan, ân ấy dễ đâu đáp đền? Đây là nhân duyên thứ nhất phát tâm Bồ-đề.

 

Sao gọi là vì nhớ ân cha mẹ?

     Thương thay cha mẹ, sinh ta khổ nhọc, mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, nhường khô lau ướt, đắng cay cha mẹ, bùi ngọt phần con, nhờ đó mới được thành người. Nay ta lại đi xuất gia, lạm xưng Thích tử, thẹn gọi sa môn, sống không phụng dưỡng song thân, chết lại không lo tế tự. Đã không giúp được phần thân, cũng không độ được phần thức. Đối với thế gian thiếu sót lớn lao, về mặt xuất thế lại càng vô ích. Hai đường đều lỗi, khó tránh tội sâu!

 

      Lại nghĩ như vầy: Chỉ có trăm kiếp ngàn đời thường hành Phật đạo, mười phương ba cõi độ khắp chúng sinh, mới cứu được cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời; mới độ được cha mẹ của mình và cha mẹ chúng sinh. Đây là nhân duyên thứ hai phát tâm Bồ-đề.

Sao gọi là nhớ ân sư trưởng?

 

     Cha mẹ sinh dưỡng, không thầy thế gian sao biết lễ nghĩa? Không thầy xuất thế đâu hiểu Phật Pháp? Không biết lễ nghĩa đồng như cầm thú, không hiểu Phật Pháp khác chi tục phàm? Nay chúng ta, biết sơ lễ nghĩa, hiểu qua Phật Pháp, mình đắp ca sa, thân thọ giới phẩm, ơn nặng này đều nhờ sư trưởng có ra. Nếu cầu tiểu thừa, chỉ lợi riêng mình; nay hướng đại thừa, lợi khắp quần sinh! Không luận thế gian thầy quí, xuất thế ân sư, đều được đượm nhuần pháp lợi. Đây là nhân duyên thứ ba phát tâm Bồ-đề.

Thế nào gọi là vì nhớ ơn thí chủ?

 

     Chúng ta hiện nay, nhu cầu hàng ngày đều nhờ kẻ khác. Hai thời cơm cháo, bốn mùa áo y, ăn mặc chi phí, bệnh tật thuốc men đều do tín thí cúng dường.

     

     Người ta khó nhọc cày bừa, chưa chắc đủ ăn hai bữa; ta lại ngồi yên thọ nhận, còn chưa vừa ý nọ kia. Người ta may dệt chẳng ngơi, sự sống e còn khốn khó, ta nay ăn mặc dư dã, đâu từng quí tiếc đàn na? Người ta lều lá cửa tre, suốt đời lao đao lận đận, ta lại nhà to sân rộng, quanh năm nhàn nhã ung dung! Nhọc nhằn kẻ khác, yên ổn thân ta, hỏi lòng có an chăng? Lợi ích của người, vun đắp cho mình, xét lý có thuận không?

     Nếu mình bi trí chưa tròn, phước tuệ chưa đủ thì ân sâu tín thí, vật cúng đàn na, dù hạt gạo tấc tơ cũng phải đền trả, quả báo xấu ác, sao tránh được đây? Đây là nhân duyên thứ tư phát tâm Bồ-đề.

Sao gọi là vì nhớ ân chúng sinh?

 

     Ta cùng chúng sinh từ vô thủy cho đến ngày nay, đời đời kiếp kiếp, thường làm cha mẹ lẫn nhau, nên đều có ân qua nghĩa lại. Nay tuy cách ấm muội mê, không còn nhớ nữa, song nếu theo lý suy ra, đâu thể không có báo đáp? Ngày nay mang lông đội sừng, biết đâu cháu con kiếp trước? Hiện giờ côn trùng giòi bọ, ai ngờ cha mẹ thuở xưa! Như trẻ thơ xa cha mẹ, lớn lên dung mạo đều quên, huống chi nhiều kiếp nhân duyên, nay đổi họ tên khó nhớ. Họ rên la nơi địa ngục, thống khổ nào ta có hay? Họ lăn lộn trong ngạ quỉ, đói khát biết ai bày tỏ! Ta tuy không thấy không nghe, họ lại cầu cứu cầu giúp. Nếu không Kinh giáo chỉ bày, ai hay được việc như vậy? Chẳng nhờ đức Phật nói ra, mắt tục làm sao thấy biết? những kẻ tà kiến, chẳng rõ chẳng hay. Vì vậy, Bồ-tát quán loài trùng kiến, đều là cha mẹ thuở xưa, và là chư Phật tương lai, nên nghĩ cứu giúp, nhớ tưởng ân sâu. Đây chính là nhân duyên thứ năm phát tâm Bồ-đề.

     

       (Sakya Minh-Quang dịch)

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page