top of page

Kinh Công Đức Xuất Gia

TÁN THÁN ĐỨC PHẬT

Pháp Vương vô thượng trong đời
Nhân thiên ba cõi không người sánh ngang
Là Thầy dạy khắp thế gian
Là Cha lành của vô vàn chúng sanh
Quy y trong một niệm lành
Nghiệp vô lượng kiếp hóa thành sạch không
Tán dương Phật đức mênh mông
Dù trăm ngàn kiếp cũng không tận cùng (1 xá).  

QUÁN TƯỞNG ĐẢNH LỄ

Chúng sanh, chư Phật vốn đồng
Cả hai rỗng lặng, một dòng tánh không
Chí thành quán tưởng suốt thông
Đạo giao cảm ứng thực không nghĩ bàn.
Mười phương Phật, một đạo tràng
Lại qua ảnh hiện như màn lưới châu
Nay con quy mạng cúi đầu
Lễ trước chư Phật nhiệm mầu chứng minh (1 xá).

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

1. Kính lạy Phật Cha lành giác ngộ

Đã bao đời cứu khổ quần sanh

Như trăng giữa tháng tròn vành

Sáng soi mỗi bước tu hành con đi.  (1 lạy

2. Kính lạy Pháp thuyền từ phổ độ

Đưa người qua biển khổ mênh mông

Giúp con sống trọn tấm lòng

Thương yêu tỉnh thức giữa vòng tham sân. (1 lạy)

3. Kính lạy Tăng bậc Thầy cao cả

Thay Phật-đà giáo hóa quần sanh

Dạy con biết lối tu hành

Trao đèn Chánh Pháp, phước lành thế gian. (1 lạy)

 

TÁN LƯ HƯƠNG

Lư hương vừa bén chiên đàn
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Tâm thành tưởng Phật thiết tha
Tùy nơi cảm ứng hiện ra mây lành
Vừa sinh một niệm chí thành
Toàn thân Phật hiện phước lành vô biên.

Nam mô Hương vân cái Bồ-tát  (2 lần)
Nam mô Hương vân cái Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật  (3 lần).

PHÁT NGUYỆN THỌ TRÌ

Kính lạy Tam Giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Thọ trì Kinh Công Đức Xuất Gia
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nguyện kẻ thấy người nghe
Đều phát Bồ-đề tâm
Hết một báo thân này
Đồng sinh về Tịnh Độ.
Nam-mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần)

 

KỆ KHAI KINH

Vô thượng thậm thâm: Pháp nhiệm mầu                            
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay thấy nghe được thọ trì.
Nguyện hiểu chân nghĩa, Phật ý sâu.    

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)

 

KINH CÔNG ĐỨC XUẤT GIA
   

     Như vậy tôi được nghe: Một thuở đức Thế Tôn ở nước Tỳ-xá-ly, sắp đến giờ thọ trai, đức Phật đi vào thành theo thứ lớp khất thực. Lúc đó có Vương tử, thuộc dòng tộc Lê-xa (Licchavī), tên Tỳ-la-tiên-na (Virasena) đang cùng các mỹ nữ hoan lạc trên lầu cao, đam mê nơi sắc dục như chư thiên cõi trời đắm mình cùng thiên nữ.


     Lúc đó, đức Thế Tôn sở hữu nhất thiết trí nghe thấy tiếng nhạc này, liền biết việc sắp đến. Ngài mới bảo A-nan: “Ta biết được người này tham vui nơi ngũ dục, bảy ngày sau sẽ chết, bỏ lại mọi quyến thuộc. Này A-nan nên biết, người này nếu không biết bỏ tham đắm dục lạc, biết xuất gia tu hành, sẽ đọa vào địa ngục.”  

 

     Bấy giờ Ngài A-nan, nghe Phật dạy như vậy, vì muốn giúp Vương tử, nên đến chỗ của ông. Vương tử nghe A-nan đang đứng ở bên ngoài liền đi ra nghênh đón. Vì có lòng tin kính, nên ông mời A-nan vào trong nhà ngồi nghỉ. A-nan vào nhà xong, an tọa không bao lâu, Vương tử liền cung kính bạch với Tôn giả rằng: “Lành thay, thiện tri thức. Hôm nay được gặp Ngài, tôi vô cùng hoan hỷ. Xin Ngài cũng hoan hỷ chỉ dạy lại cho tôi giáo Pháp của Như Lai, giúp tôi được an vui.” Lúc bấy giờ Vương tử lặp lại lời thỉnh cầu đến ba lần như vậy.


     A-nan vì muốn ông được lợi ích to lớn, nên im lặng không nói. Vương tử lại thưa rằng: “Bậc Đại Tiên Mâu-ni làm lợi ích chúng sinh. Còn Ngài giận hờn gì mà im lặng không nói?” 

 

     Lúc ấy Ngài A-nan, người giữ kho Chánh Pháp làm lợi ích thế gian, buồn bả bảo Vương tử: “Hãy lắng nghe cho kỹ, đúng bảy ngày sau đây thọ mạng ông sẽ hết! Nếu ông vẫn đam mê thú vui trong năm dục, không tỉnh thức xuất gia, chết sẽ đọa địa ngục! Đức Phật chính là bậc sở hữu nhất thiết trí, lời nói rất chân thật, đã bảo ông như vậy. Ví như lửa đốt vật phải cháy không có sai. Ông hãy khéo tư duy.” 


     Vương tử nghe lời này rất sợ hãi đau buồn. Nghe A-nan khuyên mình nên xuất gia tu hành, ông mới thưa như sau: “Tôi quyết sẽ xuất gia, nhưng xin cho tôi được vui chơi sáu ngày nữa! Khi đến ngày thứ bảy tôi sẽ bỏ gia đình, xuất gia thọ tịnh giới.” A-nan liền hứa khả.


     Vào đến ngày thứ bảy, vì sợ việc sinh tử, nên Vương tử xin Phật cho phép mình xuất gia. Đức Phật liền chấp thuận. Vương tử một ngày đêm, xuất gia giữ tịnh giới, rồi sau đó mạng chung. 

 

     Sau khi tang lễ xong, A-nan cùng quyến thuộc của Tỳ-la-tiên-na đến chỗ Phật, bạch rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, vị tân học tỳ-kheo tên Tỳ-la-tiên-na hôm nay đã mạng chung, thần thức sinh về đâu?” 


     Lúc đó đức Thế Tôn, Đạo sư của trời người, sở hữu nhất thiết trí, dùng âm thanh Đại Phạm, uy chấn hơn tiếng sấm, vi diệu hơn âm thanh chim ca-lăng-tần-già, đầy đủ tám loại âm, bảo với A-nan rằng: “Ông Tỳ-la-tiên-na vì sợ khổ địa ngục ở trong đường sinh tử, nên xả dục xuất gia. Nhờ trong một ngày đêm giữ đầy đủ tịnh giới, nên sau khi mất đi, ông sinh làm thiên tử, con trai của Thiên vương Tỳ-sa-môn phương Bắc ở cõi trời thứ nhất tên là Tứ Thiên Vương, thọ mạng năm trăm năm. Ông ấy hưởng năm dục, vui đắm cùng thiên nữ. 


     Sau đó năm trăm năm, ông sinh làm thiên tử, con Vua trời Đế Thích ở tầng trời thứ hai tên Tam Thập Tam Thiên, hưởng thụ đủ năm dục, thỏa ý cùng thiên nữ, sống đến một ngàn tuổi. 


     Sau khi thọ mạng hết, ông sinh làm thiên tử ở tầng trời thứ ba tên là Diệm-ma thiên. Ông tận tình hưởng dục sắc thanh hương vị xúc, thọ mạng hai ngàn năm. 

 
     Sau khi ông chết đi, lại sinh làm thiên tử ở tầng  trời thứ tư tên là Đâu-suất-đà. Ở cõi này ông cũng hưởng thụ mọi ngũ dục, nhưng mắt nhìn tướng dục mà tâm tự nhàm chán, thường đàm luận giáo Pháp và trí tuệ giải thoát, thọ mạng bốn ngàn tuổi.


     Sau đó ông chuyển sinh lên tầng trời thứ năm tên là Tự Tại Thiên, làm thiên tử cõi này. Ông hưởng thụ tất cả mọi thú vui năm dục cùng với các thiên nữ, thọ mạng tám ngàn tuổi. 


     Sau đó ông mất đi, sinh lên làm thiên tử ở tầng trời thứ sáu tên Tha Hóa Tự Tại. Dục lạc cõi trời này vi diệu hơn tất cả mọi dục lạc thế gian, ngay cả là dục lạc ở năm tầng trời dưới. 


     Cho nên vì hưởng thụ dục lạc tối vi diệu và là nguồn vui sướng của mọi dục lạc này, tâm ông bị mê luyến, đắm mình trong năm dục, sống mười sáu ngàn năm, sau đó lại chuyển sinh xuống các tầng trời dưới. Như vậy ông chuyển sinh bảy lần lên và xuống nơi sáu trời cõi dục, hưởng đủ mọi dục lạc.  


     Tỳ-la-tiên-na này nhờ một ngày một đêm biết xuất gia giữ giới mà suốt hai mươi kiếp không đọa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, thường sinh cõi trời người, hưởng phước báo tự nhiên. Đời cuối cùng của ông, sinh trong nhà giàu sang, có đủ mọi trân bảo. Khi qua thời tráng niên, bước vào lúc tuổi già, vì sợ khổ sinh tử, nên nhàm chán thế gian, cạo bỏ râu tóc mình, đi xuất gia học đạo, thân mặc y ca-sa, tinh tấn tu thiền định, giữ gìn bốn oai nghi, luôn thật hành chánh niệm, quán năm ấm khổ không, không có ngã chủ tể, chứng ngộ pháp duyên sinh, thành bậc Bích-chi Phật, hiệu là Tỳ-lưu-đế. Lúc đó Phật Bích-chi Tỳ-lưu-đế phóng ra ánh hào quang rực rỡ, sáng soi khắp mọi nơi,  khiến cho nhiều trời người sinh khởi được căn lành, cũng khiến các chúng sinh, gieo nhân duyên giải thoát nơi ba thừa Phật Pháp.”


     Bấy giờ Ngài A-nan, chắp tay bạch đức Phật: “Kính bạch đức Thế Tôn, nếu có người cho phép người khác được xuất gia theo chí nguyện của mình, thì phước báo thế nào? Còn nếu ai phá hoại duyên xuất gia người khác thì tội báo ra sao? Kính mong đức Thế Tôn, từ bi chỉ dạy rõ!” 

     Đức Phật bảo A-nan: “Ông nếu như hỏi ta suốt trong một trăm năm về việc tội phước này, ta dùng trí vô tận, ngoài lúc ăn uống ra, trong suốt một trăm năm để giảng nói cho ông công đức của người cho người khác xuất gia, cũng không sao nói hết. Người này luôn sinh ra ở cõi trời cõi người, thường làm bậc quốc vương hưởng phước trong thế gian. 

 

     Nếu như có người nào cho người khác xuất gia trong giáo Pháp Như Lai, hay tạo duyên giúp đỡ cho người khác xuất gia thì thường hưởng an vui ở trong đường sinh tử. Ta dù kể phước đức người đó đến trăm năm, cũng  không có cùng tận. Cho nên, này A-nan, ông hỏi ta suốt đời, ta trả lời suốt đời, đến lúc nhập niết-bàn, cũng không giảng nói hết!”


     Phật lại bảo A-nan: “Nếu như có người nào phá hoại duyên xuất gia của một người nào đó, tức cướp đoạt kho báu phước lành vô cùng tận, làm hư ba mươi bảy pháp trợ đạo bồ-đề, là hạt giống niết-bàn của người muốn xuất gia. Cho nên ai có ý phá hoại duyên xuất gia phải suy xét cẩn thận lại việc làm của mình. Vì sao lại như vậy? Vì nghiệp tội như vậy sẽ đọa vào địa ngục, thường đui mù không mắt, chịu khổ đến cùng cực. Nếu làm loài súc sinh, hay làm loài ngạ quỷ, cũng thường bị đui mù, ở trong ba đường ác, rất lâu mới giải thoát. Khi sinh ra làm người, trong bụng mẹ đã mù. Nếu ông hỏi Như Lai tội này như thế nào trong suốt một trăm năm, ta dùng trí vô tận, giảng thuyết một trăm năm, cũng không thể nói hết. Người này dù sinh ra ở đâu trong bốn đường là địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và con người đều đui mù tăm tối. Ta cũng không nói được bao giờ người như vậy có ngày được giải thoát. Vì sao lại như vậy? Vì phá hoại xuất gia!


     Nếu người được xuất gia sẽ có công đức nhiều đến vô lượng vô biên. Mình phá duyên xuất gia thiện lành như thế đó sẽ chịu tội vô lượng, vì chướng ngại xuất gia. 


     Người nếu được xuất gia sẽ soi mình trong gương trí tuệ sáng thanh tịnh để tu tập pháp lành hướng đến chỗ giải thoát. Nếu thấy người xuất gia, tu trì các tịnh giới, hướng đến chỗ giải thoát mà phá hoại đường tu, gây khó khăn, cản trở thì vì nhân duyên này, sinh ra liền đui mù, không thấy được niết-bàn. Tội này do phá hoại duyên xuất gia người khác. 


     Nếu người được xuất gia sẽ quán mười hai duyên: vô minh duyên khởi hành… cho đến duyên già  chết, nhờ đó được giải thoát. Nhưng mình lại phá hoại mắt trí tuệ như vậy, cản trở họ xuất gia, che lấp mắt trí tuệ, nên đời đời sinh ra đều phải bị đui mù, không thấy được ba cõi, do cản trở xuất gia. 


     Người nếu được xuất gia sẽ thấy được năm ấm và hai mươi ngã kiến, hướng đến con đường chánh. Nếu phá hoại nhân duyên xuất gia của người này, là hũy hoại chánh kiến, nên phải chịu tội báo, sinh ra dù ở đâu cũng đều bị đui mù, không thấy được chánh đạo. 


     Nếu người được xuất gia sẽ thấy các pháp tụ, trú xứ của thiện pháp, cũng sẽ quán pháp thân thanh tịnh của chư Phật. Vì vậy ai phá hoại duyên xuất gia người này, dù sinh ra nơi nào cũng phải chịu đui mù, không thấy pháp thân Phật. 


     Người nếu được xuất gia sẽ có đủ biểu tướng của một vị sa-môn, cho đến trì tịnh giới, làm ruộng phước thanh tịnh, gieo trồng giống Phật đạo. Cho nên ai phá hoại duyên xuất gia người này, sẽ đoạn hết hy vọng thành tựu các thiện pháp. Vì nghiệp tội như vậy, đời đời chịu đui mù vì phá người xuất gia. 


     Người xuất gia lẽ ra khéo quán sát thân tâm, thấy là khổ, bất tịnh, vô thường và vô ngã. Cho nên ai phá hoại duyên xuất gia người này, hay làm khó, cản trở thì cũng như phá hư con mắt thiền trí tuệ của người muốn xuất gia. Vì phá hư mắt này, khiến người muốn xuất gia không thấy được bốn đường, không thấy bốn niệm xứ, không thấy bốn chánh cần và bốn như ý túc, cũng không thấy năm căn, năm lực, bảy giác chi, cho đến tám chánh đạo, hướng đến thành niết-bàn. Vì tội duyên như vậy, ai phá hoại xuất gia, sinh ra thường đui mù, cho đến không thấy được các pháp lành vô lậu: không, vô tướng, vô tác, hướng đến thành niết-bàn. 


     Vì vậy người trí tuệ biết ai muốn xuất gia, nên giúp họ thành tựu được pháp lành như vậy, mà không nên phá hoại nhân duyên pháp lành này. Nếu không sẽ phải chịu tội báo rất nặng nề. Còn ai mà hũy hoại duyên xuất gia của người có chánh kiến xuất ly muốn làm bậc sa-môn, thì người đó sẽ không thấy được thành niết-bàn, sinh ra thường đui mù.


     Nếu có người xuất gia tu trì các tịnh giới ở cõi nước phương khác lâu đến một trăm kiếp, so với người xuất gia ở cõi Diêm-phù đề, tu trì các tịnh giới chỉ một ngày một đêm, hay chỉ trong chốc lát được thanh tịnh trang nghiêm, thì công đức xuất gia của người ở phương khác cũng không thể sánh bằng chỉ một phần mười sáu công đức người xuất gia nơi cõi Diêm-phù-đề. 


     Nếu như có người nào vì dục vọng điên đảo, dâm loạn đến chị em hay con gái của mình, khi không được thỏa mãn chỗ không nên hành dâm, lại sinh lòng ghen tuông, thì phải chịu tội báo thật không thể tính kể. Nếu ai chánh tư duy, có tâm muốn xuất gia, xả bỏ các điều ác, mà có người phá hoại duyên xuất gia như vậy, khiến không được mãn nguyện, thì nhân duyên nghiệp tội còn nặng hơn rất nhiều người dâm loạn nói trên, khổ lâu gấp trăm kiếp.” 


     Bấy giờ Ngài A-nan lại bạch đức Phật rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, vị Tỳ-la-tiên-na sớm trồng được căn lành, sinh ra nơi phú quý, hưởng thọ các phước lạc. Không biết đời quá khứ ông làm hạnh lành gì mà đời nay xuất gia 
chỉ trong một ngày đêm, nhờ vào công đức này có  phước như vậy?”


     Đức Phật bảo A-nan: “Ông không nên quán xét nhân duyên đời quá khứ! Ông ấy nơi đời này xuất gia một ngày đêm được thanh tịnh, trang nghiêm, nhờ nơi căn lành này, bảy lần sinh lên xuống sáu cõi trời dục giới, trong suốt hai mươi kiếp thường hưởng phước vui sướng trong thế gian sinh tử. Trong thân người cuối cùng, ông ấy sẽ sinh ra trong gia đình giàu sang, hưởng đủ mọi phước lạc, qua tuổi tráng niên rồi, khi các căn già lão, sợ sinh, lão, bệnh, tử, nên xuất gia trì giới, thành vị Bích-chi Phật.” 


     Đức Phật bảo A-nan: “Ta nay nói thí dụ, ông nên khéo lắng nghe! Như bốn châu thiên hạ: cõi Đông Thắng Thần Châu, cõi Nam Diêm-phù-đề, cõi Tây Ngưu Hóa châu, cõi Bắc Câu-lô châu, trong đó có rất nhiều các bậc A-la-hán như cây trong rừng rậm, hay lúa mè ngoài đồng. Có người trong trăm năm hết lòng lo cúng dường những vị La-hán này, như y phục, ẩm thực, y dược và ngọa cụ. Cho đến khi chư vị A-la-hán niết-bàn lại xây dựng tháp miếu, dùng đủ loại châu báu, hương hoa, chuỗi anh lạc, tràng phan và kỹ nhạc, treo các loại linh báu, quét dọn rải nước thơm, dùng các bài kệ tụng để tán thán cúng dường. Nếu so sánh công đức của người cúng dường này với công đức của người phát tâm vì niết-bàn mà xuất gia thọ giới trong một ngày một đêm, cũng không thể sánh bằng, dù một phần mười sáu! Do nhân duyên như vậy, thiện nam tử hãy nên phát tâm đi xuất gia, thọ trì các tịnh giới. 


     Này các thiện nam tử, những ai tu công đức, tìm cầu các pháp lành, hãy tự thọ trì Pháp, không làm việc phá hoại hay ngăn trở nhân duyên xuất gia của người khác. Phải nên tìm phương tiện khuyến khích người xuất gia, khiến họ được thành tựu.”


     Khi nghe Phật giảng xong, đại chúng đều phát tâm nhàm chán đời thế tục, xuất gia thọ trì giới. Nhiều vị chứng Thánh quả từ quả Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán. Cũng có vị gieo xuống hạt giống Bích-chi Phật, có vị lại phát khởi 
tâm Bồ-đề vô thượng. Mọi người đều hoan hỷ, đảnh lễ và phụng hành.


TÂM KINH

Kinh Ma-ha Bát-nhã 
Ba-la-mật Tâm Yếu
Bồ-tát Quán Tự Tại
Khi thực hành Bát-nhã
Ba-la-mật thâm sâu
Quán chiếu thấy năm uẩn
Đương thể đều là không
Vượt qua vòng khổ ách.
Xá-lợi-phất lắng nghe
Sắc chẳng khác tánh không
Tánh không chẳng khác sắc
Sắc chính là tánh không
Tánh không chính là sắc
Thọ, tưởng, hành và thức
Bản chất cũng như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi-phất
Các pháp thật tướng không
Không sinh cũng không diệt
Không sạch cũng không nhơ
Không thêm cũng không bớt;
Không có năm thủ uẩn:
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức;
Không có sáu căn: mắt
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý;
Không có sáu trần: sắc
Thanh, hương, vị, xúc, pháp;
Cũng không có sáu thức:
Nhãn thức đến ý thức;
Mười tám giới đều không.
Không có mười hai duyên:
Vô minh đến già chết;
Không có hết vô minh
Cho đến hết già chết
Lưu chuyển và hoàn diệt
Cả hai chiều đều không.
Không có bốn thánh đế:
Khổ, tập, diệt và đạo.
Không có trí có đắc
Vì không có sở đắc.
Bồ-tát y Bát-nhã
Ba-la-mật-đa này    
Tâm không còn chướng ngại
Do không có chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Lìa mộng tưởng đảo điên
Đến Niết-bàn cứu cánh.
Chư Phật trong ba đời
Đều y nơi Bát-nhã
Đắc Vô Thượng Bồ-đề.
Thế nên biết Bát-nhã
Là chân ngôn đại thần
Là chân ngôn đại minh
Là chân ngôn vô thượng
Không chân ngôn nào bằng
Có vi diệu công năng
Diệt trừ tất cả khổ
Chân thực không dối hư
Liền nói ra chú rằng:
Ga-tê, ga-tê, ba-ra ga-tê, ba-ra sam-ga-tê, bô-đi xóa-ha  (3 lần).
(Gate gate para gate para samgate bodhi  svaha)

 

 

KINH HÀNH NIỆM PHẬT

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật (ít nhiều tùy nghi)
Nam-mô Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát (3 lần).

THỪA KẾ CHÁNH PHÁP

Kính lạy đức Từ Phụ
Bổn sư Thích-ca Văn 
Nay con ôn lời Phật
Quán chiếu để tự răn.
“Sinh từ tin hiểu Phật
Lớn lên nhờ Pháp hành
Thừa kế Pháp Phật chứng
Mới con Phật xứng danh.” 
Từ Phụ từng thiết tha:
“Ai là con của Ta
Hãy thừa kế Chánh Pháp
Đừng tài vật xa hoa.” 
Tham danh, tham lợi dưỡng
Thích cung kính, cúng dường
Là thừa kế tài vật
Cùng tử, thực đáng thương! 
Tinh tấn văn, tư, tu
Giới, định, tuệ công phu
Là thừa kế Chánh Pháp
Bậc Pháp khí, trượng phu! 
Phật lại dặn lời này:
“Chánh Pháp của Như Lai
Nhờ người hành trì Pháp
Mới tồn tại lâu dài.
Không phải nơi vật chất
Chùa to, kiến trúc sang
Mà ở nơi tâm hạnh
Giải thoát những buộc ràng.” 

Chùa chiền là phương tiện
Hoằng Pháp lợi nhân thiên
Không tu, không hoằng hóa
Chùa lớn càng oan khiên!
Con nay được làm người
Xuất gia theo Như Lai
Chỉ e mình thất niệm
Theo dòng đời không hay.
Kinh Phật: gương soi mình
Lời Tổ: roi chuyên tinh
Ngày đêm tự cảnh sách
Thệ chứng pháp vô sinh!
Nguyện thừa kế Pháp Phật
Trao truyền lại tương lai
Đền đáp ơn Phật Tổ
Cho con được hôm nay.
Nguyện cầu Tăng nghiêm tịnh
Hoằng hoá khắp mọi miền
Chánh Pháp được cữu trụ
Lợi ích cõi nhân thiên!
Nam-mô Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

HỒI HƯỚNG

Trì kinh quán niệm phước vô biên 
Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền                                  
Nguyện ai còn đắm trong biển khổ 
Sớm về nước Phật được an nhiên.  
Nguyện tiêu ba chướng hết phiền não 
Nguyện được Bát-nhã trí rộng cao 
Nguyện thực hành theo Bồ-tát đạo 
Đời đời tinh tiến chẳng lãng xao. 
Nguyện đem công đức tu này 
Hướng về tất cả, chung xây phước lành      
Con cùng pháp giới chúng sanh 
Đồng nên Phật đạo, đồng thành Như Lai. 
                                   

TỰ QUY Y

Con tự quy y Phật
Nguyện tất cả chúng sanh
Tin hiểu Đạo Vô Thượng
Đồng phát Bồ-đề tâm (1 lễ).


Con tự quy y Pháp
Nguyện tất cả chúng sanh
Thâm nhập nghĩa kinh tạng
Trí tuệ sâu như biển (1 lễ).


Con tự quy y Tăng 
Nguyện tất cả chúng sanh
Hòa hợp cùng đại chúng
Sống vô ngại, an lành (1 lễ).

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành. 

bottom of page