Trang Nhà < Pháp Thoại < DVD
Ý Nghĩa Ba Lễ
Cảnh cũ chân như vạn lối về
Đường tuy khác lối vẫn đồng quê
Trong thiền có tịnh: trời Lư lãnh
Nơi tịnh gồm thiền: nước Động khê
Tiến bước nguồn tâm ngời bóng nguyệt
Quay nhìn bể tục ngát hương thề
Bao giờ học kẻ cười hoa được
Đem ý sen lành rãi bến mê!
(HT Thích Thiền Tâm)
Tư Tưởng Dung Hợp Giữa Thiền và Tịnh được chư Tổ sư diễn đạt qua ba lễ đầu trong nghi thức tụng niệm của Thiền môn. Đối với người nắm vững Phật Pháp, thiền và tịnh vốn không hai, cùng xây dựng chung trên chánh kiến bất nhị của Đại Thừa Phật Pháp, lấy Bồ-đề tâm là nền tảng xuất phát. Thánh Đạo Môn là con đường tất yếu phải đi của ba đời chư Phật qua tu tập giới định tuệ. Thực ra, thiền chính là công phu định tuệ, hay chỉ quán để phá vô minh, dứt phiền não, cứu cánh giải thoát. Còn Tịnh Độ Môn là phương tiện thù thắng, dựa vào tín nguyện vãng sinh, khế hợp ba cơ thượng trung hạ theo tinh thần rộng độ chúng sinh. Nhưng Tinh Độ không thể xa lìa nguyên tắc giới định tuệ, vì muốn giác ngộ, giải thoát phải dứt vô minh, hết phiền não. Đó chính là ý "hoa khai kiến Phật, ngộ vô sinh" trong Tịnh Độ. Nếu không hiểu thấu đáo Tịnh Độ, hành giả rất dễ trở thành ngoại đạo tà kiến. Cho nên, các Tổ sư hoằng dương Tịnh Độ khi xưa, đều là những người đã vững chắc giáo pháp, thâm ngộ thiền tông, mới có thể hoằng dương Tịnh Độ. Đó là ý:
"Bao giờ học kẻ cười hoa được
Đem ý sen lành rãi bến mê!"
Xin đại chúng cùng lắng nghe bài pháp Ý Nghĩa Ba Lễ giảng tại chùa Từ Bi - Kansas City, MO để thấy rõ hơn mối tương quan giữa thiền và tịnh.