top of page

Lập Trường và Phương Pháp Nghiên Cứu Phật Pháp 

Ấn Thuận Đại Sư giảng

Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch 

Lời giới thiệu của người dịch

 

   Ấn Thuận Đại Sư (1906-2005) là ngôi sao bắc đẩu của vòm trời Phật học thế giới. Thừa kế tinh thần “Nhân Sinh Phật Giáo” của Thái Hư Đại Sư (1889-1947), Ấn Thuận Đại Sư đề xướng “Nhân Gian Phật Giáo”, một Phật giáo lấy con người làm trung tâm, dựa trên chánh kiến, chánh tín Phật Pháp để tu tập, hành đạo và giáo hóa. Hình mẫu lý tưởng của Đại Sư là “Nhân Bồ-tát”, tức Bồ-tát nơi cõi người, hay Bồ-tát là người phát Bồ-đề tâm, đem trí tuệ và từ bi ra giúp đời.

 

   Ngoài ra, Đại Sư là người nghiên cứu Phật Pháp thâm sâu, có “trước tác đẳng thân”, tức “tác phẩm nhiều đến mức chất cao đến thân người”! Những tác phẩm nghiên cứu của Đại Sư đều vô cùng giá trị, như Trung Quán Kim Luận, Duy Thức Học Thám Nguyên, Tánh Không Học Thám Nguyên, Nguyên Thủy Phật Giáo Thánh Điển Tập Thành, Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Vi Chủ đích Luận Thư dữ Luận Sư chi Nghiên Cứu, Trung Quốc Thiền Tông Sử, Sơ Kỳ Đại Thừa Phật Giáo chi Khởi Nguyên dữ Khai Triển, Như Lai Tạng Nghiên Cứu, Tạp A-hàm Luận Biên v.v....

   

   Tư tưởng của Đại Sư ảnh hưởng sâu rộng đến giới Phật giáo Đại Thừa Đông Á. Các Ngài như Thiền sư Thánh Nghiêm Pháp Cổ Sơn, Hòa thượng Tinh Vân Phật Quang Sơn, Ni Sư Chứng Nghiêm Hội Từ Tế v.v... đều đi theo con đường “Nhân Gian Phật Giáo” của Ngài. Ngoài ra, nhiều vị Trưởng lão uy đức cận và hiện đại ở Việt Nam cũng kính ngưỡng và học hỏi rất nhiều từ nơi Đại Sư. Vào thập niên chín mươi, bút giả có đưa Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Chùa Từ Đàm, Huế đến viếng Ấn Thuận Đại Sư nơi Ngài tịnh tu ở Yilan, Đài Loan. Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001) đã đảnh lễ Đại Sư và nói lời tri ân. Bút giả là người phiên dịch nên còn nhớ rõ. Hòa Thượng Thiện Siêu nói: “Con xin được đảnh lễ tri ân Đại Sư. Con đã học được rất nhiều từ Ngài qua bộ Diệu Vân Tập (bộ sách biên tập những bài giảng, bài viết, sách nghiên cứu của Đại Sư gồm 24 tập). Hôm nay con đến thăm Ngài, xin được đảnh lễ để tỏ lòng tri ân!” Ngoài ra, riêng bút giả cũng là người thọ ân Pháp nhũ của Đại Sư thông qua kinh sách Ngài viết. Tư tưởng của Đại Sư đã góp phần tạo nên định hướng tu hành và hoằng Pháp của bút giả hiện nay.

 

   Gần đây nhiều tin không hay đưa đến. Nhiều vị Tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã lặng lẽ ra đi vì đại dịch. Trong số đó, có những vị là huynh đệ ngày xưa, hay trong tông môn, có những người là Phật tử, bà con, quen biết.... Theo thường lệ, bút giả chỉ ngồi một mình tưởng niệm, cầu nguyện và làm một việc gì đó có ý nghĩa và lợi ích, để hồi hướng công đức, tiễn đưa người đã ra đi.

 

   Tối nay tưởng nhớ đến người đã mất, ngồi chiêm nghiệm lại thế sự vô thường, tâm tư có ít nhiều cảm xúc. Mở ra Đại Tạng Kinh, tùy ý giở đọc vài trang kinh để tâm mình lắng xuống. Tình cờ đọc được bài “Lập Trường và Phương Pháp Nghiên Cứu Phật Pháp của Ấn Thuận Đại Sư”. Bài viết rất hay và ý nghĩa, có lợi ích thực tế trong việc giúp định hướng đường lối học Phật cho Tăng Ni và quý Phật tử.

 

   Cho nên, thay vì đọc chỉ lợi ích riêng mình, bút giả xin phiên dịch ra đây để cúng dường, chia sẻ đại chúng cùng đọc. Xin hồi hướng công đức này về cho tất cả Giác Linh chư Tôn đức Tăng Ni, Hương linh chư Phật tử và tất cả những ai đã mất vì đại dịch hay những thiên tai, nhân họa khác.

 

   Kính bạch Đức Thế Tôn,

   Con biết rằng: “Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu-di, có thể sâu dường biển cả, có thể chướng ngăn Thánh đạo”. Con cũng xin góp đôi bàn tay bé nhỏ của mình để dời đá của núi Tu-di, tát vơi biển cả nghiệp lực của mình và chúng sinh! Nguyện cầu Chánh Pháp trường tồn, Tăng Đoàn nghiêm tịnh, và dịch bệnh, thiên tai, nhân họa sớm tiêu trừ, mọi người được sống và tu tập bình an trong Chánh Pháp.

 

   Nam-mô Công Đức Lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.

   Sa-môn Sakya Minh-Quang cẩn chí.

   Tu Viện Thiện Tường, Champaign Ngày 11 tháng 10, 2021

yinshun_logo4.jpg
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page