top of page

Sám Quy Mạng

Đây vốn là bài văn phát nguyện của thiền sư Liễu Nhiên ở núi Di (怡山然禪師) được biên tập trong sách Truy Môn Cảnh Huấn, Đại Chánh Tạng, quyển 48, trang 1072. Bài phát nguyện này ảnh hưởng sâu rộng trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa Đông Á, và được đưa vào công khóa để tụng niệm sáng chiều trong chốn thiền môn. Đây không những nhờ vào ý nghĩa sâu sắc của bài văn  mà còn nhờ vào giọng văn  lúc tha thiết, khi hùng tráng … qua nhịp câu ngắn gọn, dứt khoát đi thẳng vào trái tim của người tụng đọc. Vì vậy, khi dịch sang Việt ngữ, dịch giả cố gắng giữ nguyên nhịp câu bên chữ Hán cũng như đối ngẫu trong câu chữ hầu bảo tồn cái hồn của tác phẩm. 

tung-kinh-niem-phat.jpg

Quy mạng Điều Ngự trong mười phương           

Pháp mầu thanh tịnh khéo tuyên dương

Thánh Tăng bốn quả, ba thừa Pháp [1]

Xin dũ lòng từ, nguyện xót thương.

Đệ tử chúng con,

Tự xa chân tánh,

Uổng đọa dòng mê

Theo sinh tử mãi thăng trầm

Tham sắc thanh luôn ô nhiễm.

Mười triền[2] mười sử[3]

Kết thành hữu lậu nghiệp nhân;

Sáu căn[4] sáu trần[5]

Lầm tạo biết bao tội lỗi.

Đắm chìm biển khổ

Lạc bước đường tà

Chấp ngã, chấp nhân

Sai lầm điên đảo.

Nhiều đời nghiệp chướng

Tất cả tội khiên

Nguyện Tam Bảo đức từ bi

Chứng lòng thành con sám hối. (C)

Kính nguyện:

Thế Tôn cứu độ                       

Bạn tốt dắt dìu

Ra khỏi phiền não sông mê

Bước lên Bồ-đề bến giác.

Hiện đời bình an phước lạc

Sở nguyện tựu thành;

Kiếp sau mầm giác đơm hoa

Bồ-đề kết quả.

Sinh nơi Phật Pháp

Sớm gặp minh sư

Chánh tín xuất gia

Tuổi thơ vào Đạo.

Sáu căn thông lợi

Ba nghiệp[6] sạch trong

Chẳng nhiễm duyên đời

Thường tu phạm hạnh.

Nghiêm trì giới cấm

Chẳng vướng nghiệp trần

Vững chãi oai nghi

Không hại sinh vật.

Không gặp tám nạn[7]

Chẳng thiếu bốn duyên[8]

Bát-nhã trí được hiện tiền

Bồ-đề tâm luôn bất thoái.

Tu tập Chánh Pháp

Liễu ngộ Đại Thừa

Hành môn sáu độ[9] lợi sinh

Vượt biển ba kỳ[10] thành Phật.

Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi

Phá lưới nghi ngờ lớp lớp

Hàng phục chúng ma

Nối dòng Tam Bảo.

Phụng sự mười phương chư Phật

Chẳng nệ nhọc nhằn,

Tu tập tất cả pháp môn

Thảy đều thông đạt.

Rộng tu phước tuệ

Lợi lạc quần sinh,

Chứng được sáu loại thần thông

Chỉ trong một đời thành Phật.

Sau đó,

Không bỏ pháp giới

Vào chốn trần lao

Từ bi đồng với Quán Âm

Hạnh nguyện rộng như Phổ Hiền.

Phương đây phương khác

Tùy thuận muôn loài

Ứng hiện sắc thân

Tùy cơ thuyết Pháp.

Trong đường địa ngục

Ngạ quỷ khổ đau

Hoặc phóng ánh quang minh

Hoặc hiện các thần biến

Nếu ai thấy thân con

Cho đến nghe được tên

Đều phát Bồ-đề tâm

Thoát hẵn luân hồi khổ.

Nơi có lò lửa sông băng
Thành rừng chiên-đàn.

Kẻ nuốt nước đồng hoàn sắt

Hóa sinh Tịnh Độ.

Mang lông đội sừng

Thiếu nợ hàm oan

Hết nỗi tân toan

Thảy đều lợi lạc.

Trong đời dịch bệnh

Hiện thành cây thuốc

Cứu bệnh trầm kha,

Lúc đói mất mùa

Hóa ra lúa gạo

Giúp người nghèo đói;

Chỉ cần lợi ích

Thệ chẳng từ nan.

Lại nguyện:

Oán thân nhiều kiếp

Quyến thuộc hiện tiền

Hết đắm chìm trong bốn loại

Dứt ân ái buộc nhiều đời

Cùng với chúng sanh

Đồng thành Phật đạo.

Hư không có hạn

Nguyện con không cùng

[Hư không có hạn

Nguyện con không cùng]

Hữu tình vô tình

Đồng nên Phật trí.

-----------------------------------------------------

[1] Ba thừa Pháp: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa.

[2] Mười triền: Mười loại tâm lý trói buộc chúng ta trong vòng sinh tử. 1. vô tàm (không biết hổ với mình) 2. vô quý (không biết thẹn với người) 3. tật (ghen ghét) 4. xan (keo kiệt) 5. hối (hối tiếc) 6. thùy miên (tham ngủ nghỉ) 7. điệu cử ( tâm loạn động) 8. hôn trầm (tâm hôn ám dã dượi) 9. phẫn (giận hờn) 10. phú (che dấu lầm lỗi của mình).

[3] Mười sử: mười loại tâm lý sai khiến mình tạo nghiệp thọ khổ. 1. tham, 2. sân, 3. si, 4. mạn, 5. nghi, 6. thân kiến, 7. biên kiến, 8. kiến thủ, 9. giới cấm thủ, 10. tà kiến.

[4] Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

[5] Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

[6] Ba nghiệp: Thân, miệng, ý.

[7] Tám nạn: Tám chướng nạn khiến chúng sinh khó tu học Phật pháp. 1. Địa ngục, 2. Ngạ quỷ, 3. Súc sinh, 4. cõi trời Trường Thọ, 5. Biên địa, nơi không có Phật pháp, 6. Thế trí biện thông, giỏi biện luận thế gian nhưng không tin pháp xuất thế, 7. Đui điếc câm ngọng, 8. Sinh ra trước Phật hay sau Phật.

[8] Bốn duyên: Bốn nhân duyên phát tâm Bồ Đề. Theo Kinh Bồ-tát Địa Trì đó là: 1. Thấy đạo lực thần thông không thể nghĩ bàn của chư Phật, Bồ tát nên phát tâm Bồ-đề. 2. Nghe nói đến công hạnh của Bồ tát nên phát tâm Bồ Đề. 3. Thấy đời mạt pháp, chánh pháp suy vi nên phát tâm Bồ Đề. 4. Vì lòng thương xót chúng sinh khổ nên phát tâm Bồ-đề.

[9] Sáu độ tức sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.

[10] Ba kỳ: Ba A-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ có nghĩa vô số. Đây là ước lượng số kiếp lâu xa hành Bồ tát đạo để thành tựu quả Phật viên mãn.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page