top of page

      Tịnh Nghiệp Mười Thương
Người tu Tịnh Độ đẹp sao
Như hoa sen sạch giữa ao bùn lầy
Công phu Tịnh nghiệp sâu dầy
Người tu Tịnh độ mỗi ngày dễ thương!

Một thương hiếu dưỡng mẹ cha
Biết lo gia nghiệp, nết na ngoan hiền
Hai thương biết kết Phật duyên
Tôn sư trọng Đạo, thường siêng hộ trì.

Ba thương nếp sống từ bi
Không hại sinh mạng, sân si dứt trừ.
Bốn thương vì bởi tâm từ
Khéo tu thập thiện, sám trừ nghiệp xưa.

Năm thương tin hiểu Phật thừa
Quy y Tam Bảo, sớm trưa hộ trì
Sáu thương giới luật nhớ ghi
Giữ gìn thanh tịnh, từ bi giúp đời.

Bảy thương dù ở mọi nơi
Nói năng đi đứng không rời oai nghi.
Tám thương khởi đại từ bi
Bồ-đề tâm phát, khổ chi chẳng nài.

Chín thương chánh kiến không sai
Tin sâu nhân quả, mặc ai nói gì.
Mười thương thọ Pháp tu trì
Đại Thừa tụng đọc, nhớ ghi thực hành.

Cùng khuyên bạn Pháp, chúng sanh
Đồng tu tịnh nghiệp, đồng thành Như Lai.

Dễ thương hạnh đẹp những ai
Gieo nhân gặt quả, chắc ngày vãng sanh.
Không quên nguyện lớn độ sanh 
Lại về đây để thực hành mười thương!

        Sakya Minh-Quang cẩn bút
        Ngày 24/08/2018
        Tu Viện Thiện Tường

     Tịnh Nghiệp Mười Thương là diễn thơ của ba phước nghiệp, chánh nhân của việc vãng sinh Tịnh độ, gồm mười một hạnh tu, có xuất xứ từ Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi:
     Bấy giờ đức Thế Tôn nói với Vi-đề-hy: “Bà có biết hay không? Đức Phật A-di-đà cách đây thực chẳng xa. Bà nên để tâm nhớ, quán sát kỹ Tịnh nghiệp giúp thành tựu vãng sinh về cõi nước Cực Lạc. Ta nay sẽ vì bà mà giảng nói cụ thể Tịnh nghiệp này là gì, cũng khiến đời vị lai tất cả hàng phàm phu muốn tu tập Tịnh nghiệp đều sẽ được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc. Nếu ai muốn vãng sinh về nước đó nên tu ba loại phước như sau: 
     -Một hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự bậc sư trưởng, từ tâm không sát sinh, và tu mười nghiệp thiện. 
     -Hai, thọ trì Tam Quy, giữ đầy đủ các giới, không trái phạm oai nghi. 
     -Ba phát tâm Bồ-đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh Đại Thừa, khuyên hành giả tiến tu. Tu ba phước như  vậy, đây gọi là Tịnh nghiệp.”

     Phật bảo Vi-đề-hy: “Bà hôm nay có biết? Ba loại nghiệp như vậy, là chánh nhân Tịnh nghiệp của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.”
     Ba phước vãng sinh Tịnh Độ được đức Phật giảng cụ thể thành mười một điều: (1) Hiếu dưỡng cha mẹ, (2) phụng sự sư trưởng, (3) từ tâm bất sát, (4) tu mười nghiệp thiện,(5) thọ trì Tam Quy, (6) đầy đủ các giới, (7) không phạm oai nghi, (8) phát tâm Bồ-đề, (9) tin sâu nhân quả, (10) đọc tụng Đại Thừa, (11) khuyến tấn hành giả. 
     Xét ra, Tịnh nghiệp vãng sinh vô cùng thực tế, bắt đầu từ đạo đức thế gian như hiếu thảo cha mẹ, tôn sư trọng đạo, bỏ ác làm lành, cho đến tu học Phật Pháp, từ căn bản như Tam quy, ngũ giới, cho đến phát tâm Bồ-đề, thọ trì Kinh điển Đại Thừa và hành Bồ-tát đạo khuyến hóa chúng sinh. Như vậy Tịnh nghiệp vãng sinh của Tịnh Độ hoàn toàn khế hợp với quan điểm của Phật giáo nhân gian: 
     (1) Tin có sáu nẻo chúng sinh, nhưng lấy con người làm trung tâm tu học và giáo hóa. “Đức trọng quỷ thần kinh”, Phật Pháp không phải là quỷ thần giáo, chú trọng cúng tế quỷ thần, bàn nói việc ma quỷ vô hình.
     (2) Tin sâu nhân quả ba đời, nhưng lấy hiện tại làm trọng tâm tu hành. Đức Phật đã khẳng định: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, quá khứ đã đoạn tận, tương lai lại chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây.” Việc vãng sinh Tịnh độ chỉ là kết quả của chánh nhân tịnh nghiệp trong hiện tại, như cây mọc nghiêng hướng nào sẽ ngả về hướng đó.
     (3) Tin có Tịnh độ trong mười phương, đây là y báo và chánh báo trang nghiêm của chư Phật, kết quả từ nhân địa tu hành trong vô lượng kiếp. Nhưng việc tu Tịnh độ của hành giả phải được thực hiện ngay nơi cõi này, cũng như sen chỉ mọc trong bùn lầy nước đọng.
     Cho nên Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói đến việc vãng sinh Tịnh độ được quyết định bởi chánh nhân Tịnh nghiệp nơi cõi này. Vì vậy, Cổ Đức từng bảo:


           Nguyện đem đất ở Ta-bà
           Trồng sen Tịnh độ, chín tòa ngát hương!

           (Nguyện tương thử độ tam thiên giới
           Biến trực Tây phương cửu phẩm liên.)


     Đất Ta-bà, hoa Tịnh độ. Gốc rễ của phẩm sen Cực Lạc nằm ngay trong tâm của hành giả, môi trường để sen mọc là hoàn cảnh khổ đau của chúng sinh ngay trong cõi trược này. Cho nên, việc tu tập Tịnh nghiệp phải bây giờ và ở đây! Chúng sanh phải độ mình trước, Phật mới độ mình sau. Hoàn toàn không có việc:


Tu lai rai, Như Lai cũng rước
Tu là đà, Di-đà cũng tiếp dẫn!


     Người tu Tinh độ nếu giáo lý không thông, chánh kiến không có, sẽ trở thành tín đồ của nhất thần giáo mà không hay. Họ biến chánh tín Tịnh độ, lý sự dung thông, khế lý khế cơ thành tín ngưỡng cứu rỗi của nhất thần giáo, xem đức Phật A-di-đà giống với Thượng đế, cõi Tịnh độ không khác với thiên đường. 
     Tịnh độ không phải là thiên đường cho chúng ta sinh về đó để hưởng phước hay sống mãi mãi. Tịnh độ là đạo tràng tu học lý tưởng, với Thầy là đức Phật và bạn là Bồ-tát. Cho nên, đặc thắng của Tịnh độ là “cùng các bậc Thượng thiện ở chung một chỗ” (Dữ Thượng thiện nhân câu hội nhất xứ-Kinh A-di-đà). Người tu Tịnh độ vãng sinh mang trái tim của Bồ-tát, phát tâm vãng sinh để thành tựu Đạo nghiệp, đủ khả năng giáo hóa chúng sinh. Sau khi chứng ngộ vô sinh pháp nhẫn, không còn lo thoái chuyển, hành giả Tịnh độ lại thừa nguyện tái lai, hành Bồ-tát đạo, cứu độ chúng sinh. Đây gọi là “thế thế thường hành Bồ-tát đạo.” Như vậy, Bồ-tát mới có thể thành tựu phước đức và trí tuệ rộng lớn như đức Phật, tức thành Phật. Cõi Tịnh độ an vui, không có chúng sinh khổ nên không thể hành Bồ-tát đạo. Cho nên, cứu cánh tu hành của Đại Thừa Bồ-tát đạo là không bỏ chúng sinh, nhờ chúng sinh mà thành tựu Phật đạo. Điều này được Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện giải thích rõ ở hạnh nguyện thứ chín: “hằng thuận chúng sanh.” Tịnh độ thuộc Đại Thừa Phật giáo, nên không thể bỏ qua Bồ-đề tâm và Bồ-tát hạnh. 
     Tóm lại, Tịnh nghiệp vãng sinh Tịnh Độ có mười một điều, được bút giả diễn thơ thành Tịnh Nghiệp Mười Thương. Tuy chỉ nói mười thương, nhưng thực ra sự “dễ thương” của hành giả Tịnh Độ là vô cùng vô tận! Mong rằng, người tu Tịnh độ có thể nằm lòng Tịnh Nghiệp Mười Thương để có lòng tin và hiểu biết Pháp môn Tịnh độ chân chánh, đồng thời tự nhắc nhở mình tinh tấn hơn trong việc tu tập chánh nhân Tịnh nghiệp.
Nam-mô Pháp Giới Tạng Thân A-di-đà Phật.

Sakya Minh-Quang cẩn bút       

Ngày 24/08/2018       

Tu Viện Thiện Tường

tinh nghiệp 10 thương.jpg
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page