top of page

Lập Trường và Phương Pháp Nghiên Cứu Phật Pháp 

Ấn Thuận Đại Sư giảng

Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch 

Lập Trường và Phương Pháp Nghiên Cứu Phật Pháp

    Thưa Tăng Ni sinh Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Trung Quốc của Phật Quang Sơn,

    Bốn năm nay tôi gầy bệnh. Mọi người có ý tốt tới thăm, tuy trong lòng vô cùng hoan hỷ nhưng vì sức khỏe không tốt, đầu óc có lẽ cũng kém đi, nên không có gì hay để nói ra cống hiến cho các vị.

 

    Các vị đang tu học trong Học Viện, trong giai đoạn nghiên cứu Phật Pháp. Còn riêng tôi, theo nhiều người nhìn cũng là người nghiên cứu Phật Pháp. Tôi chỉ là người nhân đọc được một số bài viết, hay nói chuyện sơ qua với Thái Hư Đại Sư và Pháp Tôn Pháp Sư mà có chỗ khai phát. Tôi không có phước như các vị có thể tu học lâu dài trong Học Viện. Có thể nói, tôi chỉ tự mình tìm tòi, học hỏi mà thôi.

 

    Có người hỏi tôi học như thế nào? Thú thật, tôi cũng không biết trả lời ra sao. Đây là vì tôi không có chân chính học với người nào, cho nên tôi cũng không biết cách dạy người khác. Các vị hôm nay đến, tôi cũng chỉ đem những gì mình học trước đây, cùng những gì mình suy nghĩ, như vì sao phải học Phật? Phải học Phật Pháp như thế nào? để chia sẻ cùng đại chúng. Cho nên, [những điều tôi nói đây] không nhất định sẽ hữu dụng đối với các vị. Đây là tổng kết quá trình tu học và hình thành tư tưởng của tôi từ trước đến nay.

 

    Lúc tôi còn ở quê nhà có duyên tình cờ biết được Phật Pháp. Quê tôi ở Hải Ninh là nơi Phật Pháp vô cùng suy vi, không có tốt như ở Đài Loan. Nơi đó chỉ lo cúng kiến, tán tụng kinh sám cho tín đồ. Sau khi tôi biết liền tìm vài bộ kinh, luận để xem. Sau khi xem xong, tôi có hai cảm nhận. Một mặt, tôi thấy lý luận Phật Pháp rất cao thâm, tinh thần Phật Pháp rất vĩ đại. Mặt khác, tôi cảm thấy Phật Pháp là một chuyện, còn Phật giáo trước mắt lại là một chuyện khác! Những người xuất gia đại diện Phật giáo mà tôi thấy ở quê nhà dường như khác xa với Phật Pháp mà tôi thấy trong kinh điển!

 

    Tuy nhiên, tôi không có tâm chấn hưng, hay cải cách Phật giáo như Thái Hư Đại Sư hay Ngài Viện Trưởng của các vị (chỉ Hòa thượng Tinh Vân khai sáng Phật Quang Sơn). Tôi chỉ muốn nghiên cứu tìm hiểu vấn đề: Phật Pháp hay như vậy, cao thâm như vậy, vì sao Phật giáo trong thực tế lại có khoảng cách quá xa với Phật Pháp như vậy? Vấn đề này nằm ở chỗ nào?

 

    Khi chưa xuất gia, tôi đã băn khoăn suy nghĩ như vầy: “Phật Pháp rất hay. Đây là cái học nhất thiết trí (thông đạt tất cả pháp thế và xuất thế gian), cao thâm nhất, vậy vì sao Phật giáo lại trở thành tín ngưỡng dân gian theo tập tục như vậy?” Hiện nay có sinh viên đại học Phật giáo nghiên cứu Phật Pháp, nhưng lúc đó không có. Ít ra là đến thời kỳ đó Phật Pháp và Phật giáo không khế hợp với nhau lắm!

 

    Sau này tôi tự đọc kinh sách, tìm kiếm các chỗ, rốt cuộc cũng không hiểu lắm. Sau khi cha mẹ tôi qua đời, không còn gì vướng bận, tôi mới đi xuất gia. Tâm niệm tu học Phật Pháp và nghiên cứu kinh luận của tôi, ngoài việc muốn hiểu Phật giáo cứu cánh là gì, còn muốn hiểu Phật Pháp đã lần lần diễn biến như thế nào? Nguyên nhân nằm ở đâu? Những điều này tôi để trong lòng, trở thành sức mạnh thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu mãi.

 

    Nói về Phật Pháp, người xuất gia lẽ ra chỉ có ba con đường. Bậc thượng là tu hành. Bậc trung là học vấn. Bậc hạ là tu phước, như làm các việc xây dựng, sửa sang chùa tháp. Ở trong Phật Pháp tu học, nói Phật Pháp hay thì phải có lợi ích chút nào cho mình mới đúng. Nếu mình học Phật Pháp mà không có lợi ích gì cho mình, lại kêu gọi mọi người học Phật là điều thực không đúng!

 

    Tôi tự mình cảm thấy xấu hổ vì không thể chân chính bước lên con đường tu chứng. Chẳng qua đối với phương diện Phật Pháp vẫn là người tìm cầu chân lý, tìm cầu nguyên lý căn bản của Phật Pháp cứu cánh là gì? Phật Pháp đã dần phát triển như thế nào? Ở Ấn Độ có diễn biến gì? Đến Trung Quốc vì sao lại phát triển thành hiện tượng ngày nay? Tôi chính dựa vào ý nghĩa này mà nghiên cứu Phật Pháp.

 

    Do đó, tôi có thái độ học Phật: Tôi tin Phật mà không phải tin người khác. Tôi không nhất định phải tin Tổ sư. Có người cho rằng người Trung Quốc nhất định phải tin giáo lý của Tổ Sư Trung Quốc. Tôi hoàn toàn không có quan niệm như vậy. Nếu là Phật Pháp chân chính, tôi đương nhiên tin. Nếu chư Tổ nói không đúng Phật Pháp, dù là người Trung Quốc tôi cũng không tin. Tôi tin Phật Pháp, cho nên trên nguyên tắc, tôi tìm hiểu, nghiên cứu Phật Pháp mà tôi tín ngưỡng. Tôi là người lấy Phật Pháp làm trung tâm.

 

    Tôi hiểu biết không nhiều về học vấn trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng viết khá nhiều văn chương, sách vở, nội dung chủ yếu là tìm hiểu chân lý Phật Pháp. Tôi muốn lấy Phật Pháp căn bản, Phật Pháp chân thật làm đức tin của tôi. Tôi muốn hiểu Phật Pháp này đối với nhân loại chúng ta, đối với cá nhân tôi có ích lợi gì? Đây chính là động cơ căn bản [khiến tôi nghiên cứu Phật Pháp].

 

    Cho nên, tôi tuy không thể dụng công trên phương diện tu chứng, nhưng động cơ nghiên cứu Phật Pháp của tôi khác với một số vị khác. Có người nghiên cứu Phật Pháp như một môn học vấn (học thuật thế gian). Họ nghiên cứu và nghiên cứu, đề xướng và đề xướng, nhưng việc đó dường như không liên quan chút nào đến [đời sống] bản thân họ. Theo nguyên tắc, đây không phải là thái độ của người học Phật chúng ta. Đối với người học Phật, Phật Pháp cần phải gắn bó với bản thân mình. Nếu không có sự gắn bó này thì tại sao mình phải học Phật? Nếu bạn không hiểu được lợi ích của Phật Pháp, vì sao lại kêu gọi người khác tin? Cho nên, chúng ta càng biết rõ chỗ lợi ích của Phật Pháp, càng biết rõ đặc chất siêu xuất thế gian của Phật Pháp, thì càng có thể tăng trưởng tín tâm của mình.

 

    Có người hỏi tôi theo tông phái nào? Tôi không biết nên nói như thế nào. Theo cách nghĩ chung của nhiều người, mình phải quy thuộc về một tông phái nào đó mới đúng. Còn theo tôi, “tông” đều là Phật Pháp thích ứng theo thời đại, thích ứng với văn hóa và tư tưởng đặc thù nào đó mà dần dần phát triển, hình thành từng tông, từng phái riêng biệt. Ví dụ, có rất nhiều con đường để chúng ta đi đến đỉnh núi. Tôi không có theo tông nào. Chẳng qua có người cho tôi là Tam Luận Tông, có người gọi tôi là Luận Sư. Tôi cũng không hiểu vì sao họ cho là như vậy! Thực ra, tôi không phải vậy. Người ta muốn gọi như thế nào cũng được, chẳng qua tôi biết mình không phải như vậy là được!

 

    Tôi dựa vào ý niệm này mà nghiên cứu (không chấp thuộc một tông nào), dần dần phát hiện được nguyên lý căn bản, trọng yếu nhất của Phật Pháp. [Từ nguyên lý căn bản này], tôi lần lần hiểu được tư tưởng khác nhau như thế nào giữa các tông phái. Các vị nhất định cho rằng các tông, các phái thực sự phức tạp. Theo tôi, nếu từ từ nghiên cứu sẽ hiểu được không có gì phức tạp. Nói chung, một vấn đề được nêu ra không phải là như thế này thì cũng là như thế kia, nhiều lắm chỉ có ba cách nhìn. Chẳng qua khi vấn đề nhiều lên, liên quan với nhau, nên xem ra dường như có nhiều điểm bất đồng.

 

    Tôi không phải là người nghiên cứu từng tông phái riêng. Tuy tôi có viết một chút về từng tông phái, nhưng đều là cành to lá lớn (chỉ khái quát), mà không có nghiên cứu chuyên sâu. Tôi không muốn làm con cháu của một tông phái nào cả, mà cũng không muốn làm một vị đại sư của tông phái!

 

    Tôi đi theo con đường như vậy. Có lẽ có người cho rằng tôi không hợp trào lưu, không hợp thời nghi. Lúc tôi viết, tôi không quan tâm đến những điều này. Mình viết ra, có người đọc thì tốt, không có người đọc cũng được. Viết xong in để đó, có hay không có người xem tôi đều không nghĩ đến. Tôi chỉ cảm thấy mình đối với Phật Pháp có thành tâm, tôi muốn tìm hiểu chân lý Phật Pháp, muốn hiểu rõ ý nghĩa cốt yếu của Phật Pháp. Tôi chỉ muốn cống hiến cho Tam Bảo, dù hay dỡ, tốt xấu thế nào tôi cũng không nghĩ đến. Lâu nay, thái độ nghiên cứu Phật Pháp của tôi đều là như vậy.

 

    Về ý nghĩa này, tôi học Phật Pháp khác với người mở cửa hàng bán đồ. Ví dụ như công ty bách hóa, món nào cũng có, ai cần gì thì mình bán món đó. Tôi không có khái niệm như vậy. Tôi sở dĩ tìm tòi bên Đông một chút, bên Tây một ít, cũng chẳng qua là muốn tìm được Phật Pháp căn bản và tình hình phát triển Phật Pháp trong đó. Trong sự phát triển này, có thể có những điều tốt đẹp, nhưng cũng có thể có những điều không được hay lắm. Phật Pháp có cái gọi là “phương tiện”. Phương tiện mang tính thời gian và không gian. [Ví dụ], phương tiện trong một giai đoạn nào đó thì rất tốt, nhưng qua lúc đó, thời đại đã khác nhau, rất có thể phương tiện này sẽ trở thành một loại chướng ngại!

 

    Kinh Pháp Hoa có một câu mà tôi cảm thấy hay vô cùng. Đó là “Chánh trực xả phương tiện, đản thuyết Vô thượng Đạo”, hay: “Ngay thẳng bỏ phương tiện, chỉ nói Đạo Vô thượng.” Vậy bỏ phương tiện như thế nào? Đây chính là đạt đến một giai đoạn nào đó, nếu có phương tiện nào hay hơn, thích hợp hơn thì phải đề xướng cái đó mà xả bỏ những thứ không còn hợp thời nghi. Cho nên, trong việc nghiên cứu của tôi, không phải điều gì cũng đề xướng. Tôi cũng không có chuyên đi phê bình.

 

    Con người của tôi sinh ra đến nay đã không hợp thời nghi rồi. Nếu tôi cảm thấy điều gì đó chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh thì tôi có thể không nói. Nếu bạn bảo tôi nói, thì tôi phải nói thẳng! Nếu muốn tôi nói lời dễ nghe, lấy lòng người thì tôi không làm được! Trên nguyên tắc, tôi mang khí chất của tên ngốc luôn theo kinh sách, bao giờ cũng coi trọng Phật Pháp cứu cánh. Con người tôi như vậy có thể phát triển như thế nào? Có được bao nhiêu đồ chúng đi theo? Tôi không bao giờ nghĩ đến những điều này. Đây phần lớn là do động cơ và thái độ học Phật của tôi, thậm chí có thể nói là do con người tôi vốn như vậy!

 

    Trải qua nhiều năm sau đó, có lẽ khoảng trước năm 1941, tôi đối với Phật Pháp đã có nhận thức khái quát. Phật Pháp có sự diễn biến, phát triển như vậy, có một số thích hợp hơn, thích ứng hơn với thời hiện đại. Tuy nhiên, có một số tốt nhất là không nên nói đến! Cho dù những điều này trong quá khứ rất tốt, nhưng ngày nay đã không còn thích hợp. Tôi có được nhận thức này rồi nên trước hết viết một quyển sách, lấy tên Phật Giáo Ấn Độ (Ấn Độ chi Phật Giáo). Quyển sách này tôi nghĩ đến liền viết, chỉ biểu đạt suy nghĩ của mình mà thôi. Tuy sách có dẫn chứng nhưng rất đơn giản, không giống như người hiện nay viết sách chịu sự ảnh hưởng của văn hóa cận đại. Những gì tôi nói tuy có thể bày tỏ tư tưởng của mình, nhưng rốt cuộc cũng phải có chứng cứ. Cho nên tôi lại nghĩ: Hay là mình dựa vào đây mà viết lại thành vài quyển sách lớn, có dẫn chứng rõ ràng. Tất cả quyển sách này hợp lại thì có thể biểu đạt hoàn chỉnh cách nhìn và hiểu biết của tôi về Phật Pháp.

 

    Chẳng qua, về việc nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ, đến nay tôi chỉ viết được hai quyển sách. Đó là quyển Lấy Nhất Thiết Hữu Bộ Làm Chủ, Nghiên Cứu về Luận Thư và Luận Thư và quyển Sự Kết Tập và Hình Thành Thánh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy. Ngoài ra, những quyển sách khác đều do vì nhân duyên nào đó mà viết ra, không phải  tôi định viết. Hiện nay, sau khi có bệnh, những điều tôi muốn viết trước đây đều viết chẳng thành. Chẳng qua, theo tôi thì cũng không có gì đáng tiếc. Chúng ta đang ở trong sinh tử vô biên này, có thể làm được bao nhiêu thì làm. Chỉ cần mình làm hết sức mình là được. Làm được bao nhiêu đó là nhờ vào phước đức, nhân duyên, cho đến sự phối hợp của các mối quan hệ thời đại. Cho nên, không phải mình muốn làm bao nhiêu thì có thể làm được bao nhiêu. Tôi không có gì tiếc nuối!

 

    Giả sử sức khỏe cho phép, tôi hiện nay muốn viết một quyển sách quan trọng nhất. Sách này sẽ trình bày quá trình diễn tiến Phật Pháp từ ban đầu cho đến Phật Pháp Đại Thừa. Ý nghĩa vốn có của Phật Pháp Đại Thừa là gì? Rốt cuộc cái gì gọi là Đại Thừa? Chúng ta không nên miệng nói Đại Thừa mà trên thực tế lại không phải như vậy! Chẳng qua có viết thành hay không, bản thân tôi cũng không biết. Mạng người vô thường, không chừng tôi chỉ còn sống được vài hôm! Trên đây chỉ nói một cách khái lược việc nghiên cứu của tôi mà thôi.

 

    Trước đây, tôi có viết một bài là “Dùng Phật Pháp Nghiên Cứu Phật Pháp”. Có lẽ, các vị cũng có người đã đọc qua. Làm cách nào để nghiên cứu Phật Pháp? Đương nhiên là nghiên cứu những đạo lý trong kinh, luận và các tông phái. Nhưng lúc nghiên cứu phải có phương pháp. Đó gọi là “phương pháp luận”. Cách suy nghĩ của tôi rất ngoan cố. Chúng ta là người tin Phật, nên phải dùng phương pháp Phật giáo của mình. Vậy chúng ta làm cách nào để nghiên cứu Phật Pháp? Đức Phật từng nói ra một chân lý phổ biến trong hiện thực thế gian. Cũng có thể nói, tất cả tồn tại trên thực tế đều không xa lìa pháp tắc phổ biến này. Đây chính là “các hành vô thường, các pháp vô ngã”. Tôi cho rằng, chúng ta nghiên cứu Phật Pháp cần nên dẫn dụng phương pháp này để xử lý tất cả vấn đề.

 

    Nói một cách đơn giản, “chư hành vô thường” là nói tất cả một sự vật tồn tại trong đời đều không ngừng diễn biến. Ví dụ, đức Phật nói ra lời gì, trải qua một thời gian sau đệ tử Phật lần lần hoằng dương, thì lời Phật tự nhiên ít nhiều cũng có sự diễn biến. Lại nữa, chế độ sinh hoạt mà đức Phật quy định, điều chúng ta gọi là giới luật, cũng sẽ tùy theo địa phương mà lần lần có sự thay đổi. Nếu bạn nói hoàn toàn không thay đổi, vẫn giống như lúc trước, đây là đều không có khả năng. Ngay cả Thái Lan hiện nay, chế độ xuất gia của họ là mọi người đều có thể xuất gia. Có người xuất gia bảy ngày, có người xuất gia mười lăm ngày. Nói một cách nghiêm khắc, xuất gia thọ giới Tỳ-kheo phải là thọ trì suốt đời, không có nói: tôi phát tâm thọ Tỳ-kheo giới bảy ngày hoặc hai tuần. Nếu phát tâm [thọ giới] như vậy, căn bản không thể đắc giới Tỳ-kheo! Vậy cách làm của họ, bạn thấy có tốt không? Đây không phải là vấn đề tốt hay không tốt. Chỉ cần chúng ta hiểu được đây là phương tiện trong sự diễn biến của Phật Pháp là được!

 

    Nói đến “chư pháp vô ngã” là chỉ tất cả các pháp đều không có thật thể tồn tại độc lập. Ví như, nghiên cứu một chế độ nào đó, chúng ta phải xét đến yếu tố thời đại, xét đến hoàn cảnh mà chế độ đó ra đời. Nếu bỏ qua thời đại và hoàn cảnh mà bàn đến chế độ, thì đó là trừu tượng, không thực tế. Nếu có được quan niệm này, khi mình nghiên cứu vấn đề gì đều cần phải xét đến rất nhiều vấn đề đương thời khác có liên quan. Hiểu được những vấn đề đương thời khác có liên quan này, thì việc nghiên cứu của chúng ta sẽ chính xác hơn!

 

    Có người hỏi nội dung nghiên cứu của tôi là gì? Tôi nói ra không được. Tôi chỉ dựa dịch vào chỗ lý giải của mình để nghiên cứu Phật Pháp. Chẳng qua, tôi xem sách người khác viết phần nhiều là nghiên cứu trong phạm vi hẹp, không quan tâm đến vấn đề khác. Chuyên nghiên cứu một vấn đề mà có thể nghiên cứu được tinh tế, thì đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, nhìn từ toàn thể Phật giáo, có lẽ điều đó không được chính xác. Tôi cho rằng, mình nên mở rộng tầm nhìn ra để nghiên cứu sẽ có nhiều thành tựu hơn.

 

    Nếu không quan tâm đến những vấn đề khác, chỉ thu hẹp phạm vi nghiên cứu, thì nghiên cứu ra cũng chỉ là vấn đề nhỏ. Như vậy đối với ý nghĩa Phật giáo chỉnh thể không thể có thành tựu tốt. Tôi nghiên cứu bắt đầu từ sự để mắt nơi pháp tắc “vô thường” và “vô ngã”. “Vô thường” là sự diễn biến trước sau của thời đại. “Vô ngã” là mối quan hệ ảnh hưởng đồng thời. Đây có nghĩa, chúng ta nhìn một vấn đề từ khía cạnh thời gian và không gian để xem nó vì sao mà diễn biến. Cho nên, tôi nói với mọi người, tôi không có phương pháp nghiên cứu nào khác. Phương pháp nghiên cứu trên đời này có rất nhiều. Tôi không có xem qua. Tôi cũng không hiểu. Tôi chỉ dùng phương pháp căn bản của Phật Pháp chúng ta, tức là “vô thường”, “vô ngã”, để làm phương pháp luận nghiên cứu của mình.

 

    Các vị vẫn còn đang học. Trong tương lai không nhất định mọi người đều có thể tiếp tục công việc nghiên cứu. Có người sẽ ra hoằng Pháp, hoặc chuyên tu. Chẳng qua, có lẽ cũng có người vẫn tiếp tục nghiên cứu Phật Pháp. Cho nên tôi nói đến điểm này.

 

    Trong quá trình nghiên cứu, có một điểm mà tôi cho rằng rất quan trọng. Đó là Phật Pháp rốt cuộc có gì khác với thế gian và tốt hơn những thứ khác của thế gian? Mình có thể phân làm hai phương diện để nói. [Đó là phương diện chế độ và lý luận].

 

 1. Phương diện chế độ

 

    Trước hết nói về chế độ. Thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni có chế độ [sinh hoạt Tăng đoàn] hoàn thiện. Đó là giới luật. Khi truyền đến Trung Quốc thì có chế độ tùng lâm. Hiện nay, có lẽ cũng có chế độ sinh hoạt Tăng đoàn mới. Không nên cho rằng tất cả chế độ sinh hoạt Tăng đoàn này đều giống nhau. Trên thực tế, người nghiên cứu chế độ [sinh hoạt Tăng đoàn] của đức Phật rất ít. Bản thân tôi cũng không có nghiên cứu. Trung Quốc hiện nay giảng về giới luật thì nói những gì? Như bảo: Buổi tối không ăn cơm, vào nhà xí thì phải đổi giày dép v.v…. Họ cho rằng đây là những điều trọng yếu, nhưng thực sự họ lại không biết điểm trọng yếu trong giới luật! Cho nên, trong những người xuất gia chúng ta, phải có người phát tâm nghiên cứu giới luật!

 

    Theo tôi hiểu, giới luật Phật giáo là phương cách sống chung với nhau. Tu hành phải được đào luyện từ trong cuộc sống chung này. Theo quan điểm giới luật, Phật Pháp hoàn toàn không coi trọng việc cất am, xây thất tu hành một mình. Điều này giống với [ở nhà riêng] trong thế gian. Tuy nhiên, người bình thường vẫn rất kính trọng những người tu như vậy. Vậy giới luật Phật giáo có đặc sắc gì? Điểm đặc sắc của giới luật Phật giáo là sự thống nhất giữa cảm hóa bằng đạo đức và chế tài theo pháp luật. Khi bạn phạm sai lầm, trong giới luật có các loại quy định để xử phạt. Nhưng giới luật Phật giáo không phải chỉ có vậy. Giới luật Phật giáo là một loại pháp luật chế tài, hạn chế hành vi sai lầm trong tinh thần cảm hóa đầy đạo đức! Cho nên, vào thời đức Phật, những vị xuất gia chân chính ai cũng đều là người xuất cách! Ngay cả người có động cơ xuất gia không thuần chánh, sống trong giới luật Phật giáo vài năm, trải qua sự huấn dục của thầy bạn và huân tập bởi hoàn cảnh, cũng lần lần trở thành những bậc long tượng. Trong đời sống tập thể này, mọi người có tín niệm chung, có hành vi thanh tịnh, thiện lành, và hòa hợp với nhau. Từ tính chất đặc biệt này của giới luật đã tạo ra tác dụng vĩ đại, đó là làm cho Chánh Pháp trụ thế!

 

    Tổ chức Tăng Đoàn không giống với tổ chức trong xã hội. Đây là vì tổ chức Tăng Đoàn là sự kết hợp giữa đạo đức cảm hóa và giới luật chế tài. Sinh hoạt trong tổ chức Tăng Đoàn rất bình đẳng và pháp trị. Mỗi một luật chế đều không phải vì một số người nào đó chế ra. Như trong học viện, nếu học sinh không đồng ý thì thầy giáo cũng tuyệt đối không đồng ý. Chế độ Phật chế là bình đẳng. Cho dù đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, Ngài cũng giống Chư Tăng y theo pháp mà hành. Luật chế của đức Phật chân chính bình đẳng và dân chủ. Nhờ sự cảm hóa bởi đạo đức và chế tài của giới luật, mọi người đều tu trì Phật Pháp, nghiên cứu Pháp nghĩa, ai cũng phát huy hết khả năng của mình.

 

    Đương nhiên, nói một cách nghiêm khắc, hiện nay hoàn toàn không có điều này, tức là một Tăng đoàn y theo giới luật mà trụ! Chúng ta nên nghiên cứu, rút ra nguyên tắc và tinh thần chân chính từ luật chế của đức Phật, rồi dùng phương thức hiện nay để thực hiện. Tôi nghĩ như vậy sẽ phù hợp với Phật Pháp, hơn là tổ chức Tăng Đoàn theo ý mình, hay tham khảo làm theo tổ chức chính trị, xã hội của người khác. Đây là tính chất đặc biệt vĩ đại của Phật Pháp! Theo tôi hiểu, đức Phật Thích-ca Mâu-ni [lập ra luật chế] không giống với những thứ khác trong thế tục. Nghiên cứu [giới luật] giúp tôi có tín tâm sâu sắc hơn [đối với Phật Pháp]. 

 

2. Phương diện lý luận

    Chúng ta đã nói phương diện chế độ [sinh hoạt Tăng đoàn] của đức Phật, giờ đây nói đến phương diện khai thị, dùng Pháp (Dharma) để hướng dẫn tu hành. Thời đức Phật, không có việc nghiên cứu các bộ Kinh Pháp Hoa hay Kinh Hoa Nghiêm… như hiện nay, mà chỉ đơn giản hướng dẫn phương pháp tu hành hay giải thích nghĩa lý. Vậy những Pháp mà Đức Phật giảng trọng tâm nằm ở chỗ nào? Có gì khác với pháp thế gian? Theo tôi hiểu, Phật Pháp xác thực là “Pháp bất cọng”, tức Pháp không đồng với thế gian. Tôi nghĩ, các vị học mấy năm rồi, có lẽ cũng biết sự khác nhau giữa Phật Pháp và thế gian pháp. Chúng ta cần phải xác nhận Phật Pháp là Pháp bất cọng! Có rất nhiều tôn giáo trên thế giới, như các tôn giáo ở Trung Quốc, Ấn Độ, và phương Tây. Nhưng Phật Pháp đều có chỗ khác với họ. Lại như triết học, từ phương Đông đến phương Tây không biết có đến bao nhiêu nhà triết học. Nhưng Phật Pháp cũng có chỗ khác với họ. Nếu mình cho rằng Phật Pháp là vĩ đại, mà những gì Phật Pháp nói lại đồng với họ thì thực là thảm họa! Vì nếu như vậy, đã có tôn giáo, triết học khác rồi thì cần gì Phật Pháp?

 

    Pháp bất cọng mà thế gian pháp không có chính là “duyên khởi tánh không”. “Không” chính là Pháp bất cọng trong Phật Pháp. “Các hành vô thường, các pháp vô ngã” đều y nơi “duyên khởi tánh không” mà trình bày. Duyên khởi là chỉ tất cả thế gian, không luận là thiên văn, địa lý, thế giới tự nhiên, thế giới động vật, cho đến hiện tượng tâm lý, sinh lý nơi cá nhân chúng ta đều nương nơi duyên mà tồn tại. “Duyên khởi” mà đức Phật nói là pháp tắc phổ biến nhất. Từ duyên khởi nhìn mới hiểu chế độ [sinh hoạt Tăng đoàn] của đức Phật khác với những chế độ thế gian. Lý luận và chế độ có liên quan với nhau. Điều này trong Phật Pháp gọi là “y Pháp nhiếp Tăng” (y nơi Giáo Pháp để thu nhiếp Tăng Đoàn). Nắm vững nguyên tắc duyên khởi sẽ thấy được chỗ bất đồng giữa Phật Pháp và thế gian trên bất cứ phương diện nào, từ tư tưởng, chế độ hay thực tế tu hành. Về mặt tư tưởng, thế gian đã tiến bộ rất nhiều, có cái đến gần với duyên khởi, nhưng họ vẫn không thể triệt để đạt đến mục tiêu này.

 

    Chúng ta vì sao tin Phật? Vì đức Phật là bậc đại triệt đại ngộ. Đức Phật đại triệt đại ngộ như thế nào? Bạn không biết được, mà tôi cũng không biết được. Vậy làm sao chúng ta sinh khởi lòng tin? Sau khi đức Phật đại triệt đại ngộ dưới cội Bồ-đề, vì giúp người cũng có thể triệt ngộ nên Ngài đã thuyết Pháp. Pháp và nghĩa mà đức Phật nói ra, nhằm hướng dẫn đời sống, quy phạm việc nên làm của người xuất gia (luật chế), 43 Lập Trường và Phương Pháp Nguyên Cứu Phật Pháp đều khác với thế gian. Điều này cho thấy nội dung chứng ngộ của đức Phật không đồng với người khác. Đây là điều mình có thể hiểu được. Những gì xảy ra trong tâm [của đức Phật] chúng ta không biết, nhưng những gì [đức Phật] nói hay làm, chúng ta có thế quan sát thấy một chút. Nghiên cứu nguyên tắc căn bản chế độ Phật giáo trong sự thống nhất giữa lý luận và hiện thực, tôi phát hiện ra chỗ đặc thù siêu việt thế gian của nghĩa lý Phật Pháp. Chứng trí của đức Phật chúng ta đều không biết. Nhưng từ chỗ thể hiện bất đồng với thế gian, chúng ta thấy được chỗ vĩ đại đặc biệt của Phật Pháp. Tôi từ những điểm này mà có được niềm tin sâu chắc nơi sự chân thật chứng ngộ của đức Phật.

   

    Nhiều quan điểm Phật Pháp của tôi bất đồng với người khác. Ví dụ nói người nào đó tu hành, người nào đó đã khai ngộ rồi! Tu hành, khai ngộ đương nhiên là việc tốt. Chẳng qua, đâu chỉ Phật Pháp nói đến “tu hành”. Tôn giáo trên thế giới đều phải tu hành. Đạo gia có phương pháp tu hành của mình; Nho gia Trung Quốc cũng có một ít. Bà-la-môn giáo và sáu phái triết học ở Ấn Độ có một số kinh nghiệm tu hành đặc thù. Đây là điều mà người tín ngưỡng tôn giáo phải nên tin, cho dù bản thân bạn có được kinh nghiệm tu hành đó hay không. Điều này tuyệt đối đáng tin. Trong nội tâm hay trên thân thể đạt được kinh nghiệm đặc thù, đây là chỗ dựa cứu cánh của tôn giáo! Trong Phật Pháp, thần thông là một trong những kinh nghiệm đặc thù này.

 

    Cho nên, chỉ nói tu hành không nhất định là Phật Pháp. Trên thế giới các tôn giáo đều có tu hành. Anh nói anh thấy cái gì, kinh nghiệm ra sao, đều không thể bảo chứng kinh nghiệm đó là Phật Pháp. Vậy dùng phương pháp nào để biện biệt [đúng hay không đúng Phật Pháp] đây?  Có hai phương pháp: Một là xác định kinh nghiệm đó có tương hợp với nghĩa lý căn bản của Phật Pháp hay không. Hai là biểu hiện hành vi từ kinh nghiệm đó ra sao.

 

    Hãy thử nêu ra một việc để nói. Người Trung Quốc chúng ta có lúc thực sự cảm thấy rất tự hào. Trong phong trào hippy ở Mỹ (vào thập niên 60-70) có nhiều người muốn học thiền, Hàn Sơn cũng rất được hoan nghinh, sùng bái hết mực. Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu lấy đây làm mô phạm để người học Phật chúng ta noi theo, thì học như vậy rốt cuộc thành ra thể thống gì? Phật Pháp hay các tôn giáo khác cũng vậy, đều dạy mình chân chánh, bình thường.

 

    Người tu hành cũng phải chân chánh, bình thường. Trong quá khứ, nhiều vị Đại sư Trung Quốc có thể tổ chức Tăng Đoàn, phát dương Phật giáo, đều là những vị bình đạm, chân chánh và bình thường! Lại như đức Phật  Thích-ca giáo hóa, có cái gọi là “thần thông luân, giáo hóa luân, ký tâm luân”, tức thân, miệng, ý đều có thể giáo hóa. Nhưng trọng điểm của Phật Pháp là “giáo giới luân”, tức dùng ngôn ngữ để dẫn dắt, khai phát khiến bạn hướng thượng. Hiện nay có một số người mới tu hành đôi chút liền nói đến chuyện đời trước, đời sau, nói đến thần thông. Đây đều không phải là Phật Pháp chân chính!

 

    Theo sự thật lịch sử, sau khi đức Phật chứng ngộ, Ngài biểu hiện giữa cuộc sống sinh hoạt với các đệ tử đều không có những thứ quái đản, lạ lùng, như kiểu [thần bí] của Hàn Sơn, [điên cuồng] cách Tế Công, và [quỷ dị] như nghi thức Lạt-ma. Đức Phật sinh ra trong loài người, chủ yếu dùng giáo giới để dẫn dắt chúng sinh mà không lạm bàn thần thông. Vì ngoại đạo cũng có thần thông, nên nếu từ thần thông mà kiến lập Phật giáo, thì Phật giáo sẽ không khác gì ngoại đạo!  Chúng ta nghiên cứu Phật Pháp phải để tâm đến hai phương diện này. Tôi nhờ hiểu rõ hai phương diện này nên tín tâm tăng trưởng vững chắc, có thêm năng lượng để duy trì thân thể rất suy yếu này. Nhờ đó, tôi có thể phụng hiến ít nhiều một phần tâm lực của mình cho Phật Pháp.

 

    Trọng điểm nghiên cứu của tôi nằm ở căn bản. Nếu các vị thỉnh tôi giảng duy thức học, tôi sẽ giảng không tốt. Nhưng nếu bảo tôi giảng về tư tưởng “căn bản” của duy thức, tôi biết được một số. Tôi đọc sách vẫn có thói quen của người Trung Quốc. Đó là đọc sách cốt biết được đại thể. Tôi hiện nay viết lách cũng phải dẫn chứng. Đây chỉ vì thích ứng theo thời đại này mà thôi!

 

    Chúng ta nghiên cứu Phật Pháp đương nhiên phải đọc sách xưa. Ví dụ như kinh luận phiên dịch từ Ấn Độ và chú giải đời trước ở Trung Quốc. Bước thứ nhất phải  đọc hiểu được những sách vở này nói cái gì. Nhưng điều này chưa đủ. Khổng Tử nói: “Ôn cố tri tân” hay “Ôn cũ biết mới”. Chúng ta xem sách xưa, không thể chỉ hiểu là đủ, rồi dừng ở chỗ đó, không có tiến bộ gì thêm. Bạn phải “ôn cũ biết mới”, tức từ trong kinh sách xưa mà có kiến giải riêng của mình.

 

    Đương nhiên, không nhất định ai xem sách cũng có thể viết ra được tâm đắc. Lại nữa, có viết ra được tâm đắc cũng chưa chắc đã chính xác, cũng không nhất định phải phát biểu (hay in ấn xuất bản). Bạn để nó trong lòng, chỉ là cảm giác xem sách. Nghiên cứu như vậy Phật Pháp chúng ta mới có thể tiến bộ, mới có thể phát dương. Còn như, sách nói sao mình cho vậy, trước giờ giảng thế nào thì mình nói thế đó, không sai một điểm. Không sai một điểm thì có gì hay? Không sai một điểm là không có tiến bộ! Thế giới này luôn luôn thay đổi vì “các  hành vô thường”. Nếu bạn dừng lại thì đồng với thụt lùi. Học vấn cũng như vậy.

 

    Có nhiều người không biết đọc sách. Họ chỉ đọc một cách cứng nhắc, ghi nhớ một cách máy móc. Thầy giảng thế nào, mình ghi xuống thế đó, để sau này dựa theo đó mà giảng. Nói về nghiên cứu học vấn, người như vậy nhập môn còn chưa được, nói chi đến chuyện tiến bộ! Lúc chúng ta đọc sách phải có sự lĩnh ngộ mới. Ban đầu đọc sách có chút suy nghĩ riêng của mình (tư duy độc lập). Sau này biết mình suy nghĩ sai, biết sai thì liền có tiến bộ. Nếu ba năm trước cho rằng như vậy, đến hiện nay vẫn là như vậy, thì bạn không có tiến bộ. Đối với điều mình sai, chúng ta nhất định phải thường xuyên tư duy, tìm ra lý do xác đáng và thuyết phục, thấy được mình sai ở chỗ nào. Trong quá trình không ngừng điều chỉnh, sửa đổi những sai lầm về mặt nhận thức, thì nhận thức của mình đối với Phật Pháp càng lúc càng chính xác, và càng có nhiều cống hiến cho mọi người hơn. Cho nên, chúng ta phải bồi dưỡng tinh thần “ôn cố tri tân”. Không nên đọc sách chỉ để hiểu, ghi nhớ, đọc nằm lòng, hay đem ra nói lại!

 

    Mặt khác, Phật Pháp là tôn giáo. Sau khi chúng ta học rồi, bạn có cảm thấy lý luận này sinh ra tác dụng trong tâm mình không? Có chỗ nào dùng được không? Phật Pháp rốt cuộc phải giúp chúng ta giảm phiền não, thêm từ bi, khích phát lòng nhiệt thành, hộ trì Thánh giáo và nghĩ đến chúng sinh đau khổ để tìm cách cứu độ. Giả sử chúng ta nghiên cứu Phật Pháp không có được những lợi ích này, mà chỉ thấy một số “khái niệm” trên kinh sách, như vậy mình không có biến những điều đã học thành cái của mình!

 

    Chúng ta phải luôn lấy Phật Pháp định hướng và dẫn dắt mình. Đây không phải chỉ trên con đường tu chứng mới vậy, mà cho dù đang nghiên cứu học vấn, hoặc đang giúp Phật giáo làm các việc phước đức cũng phải lấy Phật Pháp để chỉ đạo mình. Nếu chúng ta ghi nhớ nằm lòng nguyên lý căn bản của Phật Pháp, luôn lấy đó làm tiêu chuẩn cho hành vi, lấy đó để cảnh sách mình, thì dù không có chỗ chứng ngộ sâu sắc, nhưng vẫn có lợi ích trong Phật Pháp.

 

    Có người học Phật Pháp mà càng học càng phiền não, cả ngày từ sáng đến tối cứ lo lắng, bất an. Có người học Phật Pháp rồi cảm thấy mình hay giỏi, coi thường người khác, thấy sư phụ, sư huynh, sư đệ… đều chẳng bằng mình. Nếu bạn học Phật như vậy chỉ tăng thêm khổ não cho mình mà thôi! Người học Phật chân chánh, phải biết cảm thông nỗi khổ niềm đau của người khác, phải dùng Phật Pháp để huân tu bản thân, và luôn cải thiện khí chất của mình. Nếu trước đây hay nóng giận thì nhờ học Phật mà bớt nóng giận. Nếu trước đây lười nhác không chịu làm việc, nhờ học Phật mà dần phát tâm siêng năng công quả. Như vậy, học Phật ít ra cũng có chỗ lợi ích.

 

    Phật Pháp rốt cuộc là tôn giáo mà không phải là tri thức thế gian. Hy vọng các vị trong khi đang học không nên quên điểm này. Nếu quên điểm này thì có khác gì với việc nghiên cứu học vấn ở thế gian? Như vậy, Phật giáo sẽ chẳng còn Phật giáo! Nếu nghiên cứu Phật Pháp theo cách đó, cho dù bạn nghiên cứu giỏi bao nhiêu, viết được vài bộ sách lớn để ở thư viện, thì cũng vẫn vô dụng!

 

   Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đi khắp nơi tham học. Những vị thiện tri thức mà Thiện Tài đến tham học đều không có nói những việc khác, họ chỉ nói việc mình làm. Đây không phải bạn muốn nghe thiền thì vị thiện tri thức đó giảng thiền cho bạn. Bạn muốn gì thì Thầy giảng thứ đó. Tôi trước giờ không thể bỏ công phu nhiều trong việc 53 Lập Trường và Phương Pháp Nguyên Cứu Phật Pháp tu chứng, mà chỉ chuyên nghiên cứu Phật Pháp. Tôi cũng chỉ có thể ở phương diện này mà nói cho các vị nghe để tham khảo. Hy vọng chúng ta học tập và nghiên cứu, có thể nghiên cứu trong tinh thần Phật Pháp. Như vậy, sự nghiên cứu mới có lợi ích cho mình và cống hiến cho Phật giáo. Mình nghiên cứu không phải chỉ nghiên cứu mà thôi! Hy vọng mọi người ghi nhớ kỹ! Học Phật mang tính trường kỳ. Học Bồ-tát cần phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Chúng ta một đời học Phật cũng chỉ là việc của vài năm! Kính mong đại chúng tiếp tục tinh tấn.

 

Pháp sư Y Quang ghi.

Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch.

Khởi dịch ngày 11 tháng 10, 2021

Dịch xong ngày 15 tháng 10, 2021

tại Tu Viện Thiện Tường 

001Byhbpzy6Uh3IsBtY96&690.jpg

I'm a paragraph. Click here to add your own text and edit me. It's easy.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page