top of page

               Đi Tìm Xuất Xứ Bài Kệ Tắm Phật

     Lễ Phật Đản (佛誕節) trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa Đông Á (East Asian Buddhism) còn được gọi là Lễ Tắm Phật (浴佛節), vì nghi thức tắm Phật là một phần quan trọng, không thể thiếu trong đại lễ này. Trong nghi thức tắm Phật, bài kệ tắm Phật chính là tinh thần và cốt tủy của nghi thức tắm Phật nói riêng và đại lễ Phật Đản nói chung. Bởi lẽ, bài kệ này không những giúp người con Phật tưởng nhớ và tôn vinh đức Phật, mà còn là phương tiện thực hành thiền quán để tịnh hóa thân tâm, và xiển dương tinh thần Đại Thừa Phật Pháp.  Vì vậy, việc tìm ý nghĩa bài kệ tắm Phật để có thể khởi tâm quán chiếu, thực hành nghi thức tắm Phật đúng pháp và có ý nghĩa là điều vô cùng thiết yếu.

     Bài kệ tắm Phật hiện được sử dụng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam có ba bài kệ bốn câu, gồm mười hai câu tất cả, được ghi bằng âm Hán Việt, chưa có bản dịch Việt ngữ khả tín và thống nhất vì chưa xác minh được bản gốc chữ Hán. Một bản dịch tốt cần phải có ba yếu tố là tín, đạt và nhã. Tín là trung thực, chính xác, đạt là sáng sủa dễ hiểu, còn nhã là nét đẹp văn chương. Nếu tiêu chuẩn ban đầu của bản dịch là tín không có, những giá trị như đạt và nhã cũng không có cơ sở để thành lập. Vì vậy, việc tìm ra xuất xứ của bài kệ tắm Phật trong

f87f98d1428f2989a4be97909102359d--lotus-

Đại Tạng Kinh Phật giáo, căn cứ vào đó để phiên dịch nhằm có được một bài kệ tắm Phật bằng Việt ngữ khả tín, có thể dùng làm định bản trong nghi thức Lễ Phật Đản Việt Nam, là nhu cầu cấp thiết cho việc Việt hóa nghi thức Phật giáo hiện nay. Bài kệ tắm Phật âm Hán Việt mà các chùa Việt Nam thường dùng như sau:

Ngã kim quán mộc chư Như Lai

Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân
          ***

Tỳ-la thành lý bất tằng sinh
Ta-la thọ gian bất tằng diệt
Bất sinh bất diệt lão Cù-đàm
Nhãn trung khan kiến trùng thiêm tiết
          ***
Kim triêu chánh thị tứ nguyệt bát
Tịnh Phạn vương cung sinh Tất-đạt
Phún thủy cửu long thiên ngoại lai
Bổng túc liên hoa tùng địa phát.[1]

     Bài kệ tắm Phật trên được đọc tụng bằng âm Hán Việt, khiến người Phật tử không biết Hán văn đương nhiên không hiểu, mà người biết Hán văn nhưng nếu không có chữ Hán đối chiếu cũng không thể xác định ý nghĩa bài kệ một cách chắc chắn, vì có rất nhiều chữ đồng âm dị nghĩa. Lại nữa, âm Hán Việt nhiều khi không chính xác do tam sao thất bản (typo), rồi lâu ngày được mặc nhiên công nhận.[2] Vì những lý do này, muốn xác định ý nghĩa của bài kệ tắm Phật, trước hết phải tìm ra nguyên bản chữ Hán để đối chiếu và kiểm chứng.  Nếu không, chúng ta chỉ có thể đoán ngữ nghĩa để phiên dịch và giải thích nhưng không có căn cứ thuyết phục. Ví dụ, trong câu “nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết” ở bài kệ trên, có bản viết là “trùng thiên tiết.” Vậy rốt cuộc là “trùng thiên 重天” hay “trùng thiêm重添”? Lại nữa, “tiết” là gì? Tiết có nghĩa lễ hội (節) hay tiết là mạt bụi (屑)? Tất cả khả năng nói trên dường như đều hợp lý (make sense) trong ngữ cảnh.[3] Ngoài ra, “phún thủy cửu long噴水九龍” hay “cửu long phún thủy九龍噴水” như một số chùa thường đọc? Điều này có thể được xác định qua quy luật đối ngẫu của văn thơ. Nếu câu dưới là “bổng túc liên hoa” thì ở trên phải là “phún thủy cửu long” vì “bổng túc” (nâng chân) là động từ + túc từ phải đối với “phún thủy” (phun nước) cũng động từ + túc từ. Tuy nhiên, có lẽ vì cụm từ “cửu long phún thủy” nghe thuận theo ngữ pháp hơn, nên mới có sự sai sót này. Thực ra, đây là câu đảo ngữ (inversion) trong ngôn ngữ học, một hiện tượng tu từ phổ biến.  Nhưng đây chỉ là dựa trên ngữ cảnh để xác định, còn cần phải tìm nguyên bản chữ Hán để xác chứng. Đó là lý do khiến bút giả quan tâm tìm chỗ xuất xứ của bài kệ này.

     Vì không có bản chữ Hán đối chiếu, ở đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, bút giả dù đã dịch ra bài kệ tắm Phật dựa trên việc hoàn nguyên chữ Hán, kiến thức Phật Pháp, ngữ cảnh và cảm thụ ngôn ngữ của mình, nhưng trong lòng vẫn mãi băn khoăn vì chưa thể tìm ra nguồn gốc và nguyên bản Hán văn của bài kệ do thiếu tư liệu và phương tiện tra cứu. Thực ra, điều này đã khiến bút giả mất không ít công phu qua một thời gian dài trăn trở.[4] Khi mới du học ở Đài Loan, lần đầu tham dự Lễ Tắm Phật do Phật Quang Sơn tổ chức năm 1995, bút giả ngạc nhiên nhận thấy bài kệ tắm Phật sử dụng trong nghi thức tắm Phật của Phật giáo Trung Quốc chỉ có bốn câu, tương đồng với bốn câu đầu của bài kệ mười hai câu mà Phật giáo Việt Nam sử dụng.[5] Vậy hai bài kệ bốn câu còn lại của bài kệ tụng tắm Phật mà Phật giáo Việt Nam hiện nay sử dụng có xuất xứ từ đâu?

     Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và 卐Tục Tạng Kinh ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam nhờ công đức ấn tống của các Phật tử Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội Đài Loan và nhất là khi việc số hóa (digitalize)  của các tạng kinh và sử liệu Phật giáo được thực hiện bởi Trung Hoa Phật Điển Điện Tử Hiệp Hội (CBETA), thì việc tra cứu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhờ vào hoàn cảnh thuận lợi này, chúng ta có thể nghiên cứu xuất xứ và tìm hiểu chính xác ý nghĩa bài kệ tắm Phật ở trên.

     Theo nghiên cứu, bốn câu đầu của bài kệ tắm Phật có xuất xứ từ sách Thích Thị Yếu Lãm 釋氏要覽biên tập bởi Thích Đạo Thành 釋道誠 (998-1007) đời Bắc Tống,  sách Phật Tổ Thống Kỷ 佛祖統紀biên tập bởi Thích Chí Khánh 釋志磬 (?-?)  xuất bản năm 1269, và sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy敕修百丈清規được Thích Đức Huy 釋德輝 (?-?) biên soạn năm 1335 theo sắc chỉ của vua Thuận Đế nhà Nguyên. Ngoài ra, Sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu do Luật sư Độc Thể 讀體hiệu Kiến Nguyệt 見月(1601-1679) soạn, một trong “bốn bộ luật tiểu” mà người sơ tâm xuất gia phải học thuộc và thực hành, cũng có ghi bài kệ tắm Phật bốn câu này. Trên danh nghĩa, thiền tông vẫn là dòng chính của Phật giáo Việt Nam, cho nên sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, nói về quy củ của thiền môn, có ảnh hưởng trực tiếp đến nghi thức của Phật giáo Việt Nam.  Cho nên, trước hết chúng ta thử xét về bài kệ tắm Phật trong sách này.

     Trong phần nghi thức Phật Đản, Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy ghi: “Tuyên sớ xong, [Duy-na] cử xướng bài kệ tắm Phật: Ngã kim quán mộc chư Như Lai/ Tịnh trí Trang Nghiêm công đức tụ/ Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu/ Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân. Khi đi nhiễu tắm Phật sắp xong, cử xướng chú Lăng Nghiêm….”[6] Như vậy, Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy có ghi rõ nội dung bài kệ bốn câu và nghi thức tắm Phật nhưng không có ghi chỗ xuất xứ của bài kệ này. Tuy nhiên, sách Phật Tổ Thống Kỷ đời Tống cho chúng ta đầy đủ thông tin hơn. Ở mục tắm Phật, sách này ghi: “Ngày mùng tám tháng tư là ngày Phật ra đời (theo Kinh Ma-ha Sát Đầu), nhân dân tưởng nhớ Phật nên tắm tượng đức Phật. Lúc tắm Phật tụng bài kệ: Ngã kim quán mộc chư Như Lai/Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ/ Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu/ Nguyện chứng Như Lai tịnh pháp thân (theo Kinh Tắm Phật).”[7] Như vậy, sách Phật Tổ Thống Kỷ đời Tống không những nhắc đến căn cứ ngày Phật đản mùng tám tháng tư dựa trên Kinh Ma-ha Sát-đầu, mà còn đề cập đến chỗ xuất xứ của bài kệ tắm Phật là từ Kinh Tắm Phật (Dục Phật Kinh).[8]

     Kinh Tắm Phật có hai bản trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Một là Kinh Công Đức Tắm Phật (Dục Phật Công Đức Kinh浴佛功德經) do Pháp sư Nghĩa Tịnh 義淨 (635-713) đời Đường dịch và dị bản của kinh này là Kinh Phật Thuyết Công Đức Tắm Phật (Phật Thuyết Dục Phật Công Đức Kinh佛說浴佛功德經) do ngài Bảo Tư Duy 寶思惟(Ratnacinta; ?-721) người Bắc Ấn dịch. Trong Kinh Công Đức Tắm Phật do ngài Nghĩa Tịnh dịch, có bài tụng gồm ba bài kệ bốn câu, nhằm nói lên ý nghĩa tắm Phật và tán thán công đức của đức Phật sau khi kết thúc nghi thức tắm tôn tượng. Bài kệ bốn câu mở đầu trong bài kệ tụng đó như sau:

         Ngã kim quán mộc chư Như Lai
         我今灌沐諸如來
         Tịnh trí công đức trang nghiêm tụ
          淨智功德莊嚴聚
         Nguyện bỉ ngũ trược chúng sinh loại
          願彼五濁眾生類
         Tốc chứng Như Lai tịnh pháp thân
          速證如來淨法身.[9]

   Dịch:

         Con nay tắm gội đức Như Lai
          Trí sạch trang nghiêm, phước sâu dày
          Nguyện các chúng sinh trong năm trược
          Sớm chứng pháp thân, sạch trần ai. [10]

     Như vậy, bốn câu trong bài kệ tắm Phật có chữ và nghĩa gần giống với bốn câu trong Kinh Công Đức Tắm Phật. Ý nghĩa chỉ hơi khác ở hai câu cuối, “Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu/ đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân” (khiến các chúng sinh trong năm trược/ chứng pháp thân Phật, sạch trần ai) so với “Nguyện bỉ ngũ trược chúng sinh loại, tốc chứng Như Lai tịnh pháp thân” (Nguyện các chúng sinh trong năm trược/ Sớm chứng pháp thân sạch trần ai). Nhưng theo Kinh Công Đức Tắm Phật, bài kệ này được đọc lên sau lễ tắm tượng Phật, mà không phải lúc đang tắm tượng Phật.

     Còn trong Kinh Phật Thuyết Công Đức Tắm Phật do ngài Bảo Tư Duy dịch, chỉ có một bài kệ bốn câu. Kinh này nói: “Lúc rưới nước lên tượng Phật nên tụng bài kệ:

           

          Ngã kim quán mộc chư Như Lai
         我今灌沐諸如來
         Tịnh trí công đức trang nghiêm tụ
          淨智功德莊嚴聚
          Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu
          五濁眾生令離垢
          Nguyện chứng Như Lai tịnh pháp thân
           願證如來淨法身 [11]

    Dịch:

            Con nay tắm gội đức Như Lai
           Trí sạch trang nghiêm, phước sâu dày
           Chúng sinh năm trược khiến lìa nhơ
           Nguyện chứng pháp thân sạch trần ai.

     Như vậy, xét về mặt ngữ cảnh và ngữ nghĩa, bài kệ bốn câu trên gần giống hoàn toàn với bài kệ tắm Phật trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, nhất là câu thứ ba. Hơn nữa, bài kệ này được sử dụng trong lúc tắm tượng Phật và chỉ có bốn câu, gần gũi trực tiếp hơn với nghi thức Phật đản.  Cho nên, chúng ta có thể kết luận bài kệ tắm Phật mà Phật giáo Trung Quốc hiện dùng có căn cứ nơi Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, còn bài kệ trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy lại có xuất xứ từ Kinh Phật Thuyết Công Đức Tắm Phật do ngài Bảo Tư Duy dịch. Tác giả Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy chắc cũng có tham khảo Kinh Công Đức Tắm Phật của ngài Nghĩa Tịnh dịch khi biên soạn vì cả hai chỉ là dị bản của cùng một kinh.

     Câu hỏi kế tiếp được đặt ra là: Tại sao bài kệ tắm Phật trong Thích Thị Yếu Lãm, Phật Tổ Thống Kỷ, Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu và nghi thức tắm Phật hiện hành của Phật giáo Trung Quốc chỉ có một bài kệ bốn câu, còn bài kệ tụng tắm Phật của Phật giáo Việt Nam lại gồm ba bài kệ, có tất cả mười hai câu?[12] Vậy tám câu còn lại của bài kệ tắm Phật ở Việt Nam có xuất xứ từ đâu?

     Thực ra, theo nghiên cứu, hai bài kệ bốn câu còn lại của bài kệ tụng tắm Phật chúng ta dùng là những bài kệ thượng đường thị chúng của ngài Đại Huệ Tông Cảo 大慧宗杲 (1089-1163) nhân ngày lễ tắm Phật. Theo sách Ngũ Đăng Toàn Thư, thấy trong Tục Tạng Kinh, nhân lễ tắm Phật, ngài Đại Huệ thượng đường bảo:

           Tỳ-lam viên lý bất tằng sinh

            毗藍園裏不曾生
            Song lâm thọ hạ hà tằng diệt
           雙林樹下何曾滅
           Bất sinh bất diệt kiến Cù-đàm
           不生不滅見瞿曇
            Nhãn trung hựu thị trùng thiêm tiết
           眼中又是重添屑.[13]

   Dịch:

           Vườn Lâm-tỳ-ni chưa từng sinh
           Trong rừng song lâm đâu từng diệt
           Chẳng sinh chẳng diệt: thấy Cù-đàm
            Trong mắt lại càng thêm vướng bụi!

Như vậy, đoạn kệ thứ hai của bài kệ tắm Phật: “Tỳ-la thành lý bất tằng sinh/ Sa-la thọ gian bất tằng diệt/ Bất sinh bất diệt lão Cù-đàm/ Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết” có nội dung ý nghĩa hoàn toàn giống với bài kệ trên, chỉ khác một chút ở chỗ sử dụng từ ngữ. Từ bài kệ này, chúng ta có thể xác định được ngữ nghĩa “trùng thiêm tiết” còn chưa rõ trong bản Hán Việt như đã đề cập ở trên.

     Như vậy, xuất xứ và ý nghĩa của bốn câu kế tiếp bài kệ tắm Phật đã rõ, còn bốn câu cuối có xuất xứ từ Đại Huệ Ngữ Lục. Cũng nhân ngày Lễ Tắm Phật, ngài Đại Huệ thượng đường bảo:

             

            Kim triêu chánh thị tứ nguyệt bát
           今朝正是四月八
           Tịnh Phạn Vương cung sinh Tất-đạt
           淨飯王宮生悉達
            Thổ thủy cửu long thiên ngoại lai
           吐水九龍天外來
            Bổng túc liên hoa tùng địa phát
            棒足七蓮從地發.

     Dịch:

             Tháng tư mùng tám sáng đẹp tươi
              Thái tử Đạt-đa mới ra đời
              Rồng đến đón mừng phun nước tắm
              Bảy đóa sen nâng bảy bước Người. [14]  

    

     Bốn câu cuối bài kệ tắm Phật có ý nghĩa hoàn toàn giống với bài kệ này, chỉ có sai khác một chút về cách dùng từ như “phún thủy” so với “thổ thủy” và “bổng túc liên hoa” so với “bổng túc thất liên.”[15] Chúng ta cũng có căn cứ để xác định “phún (thổ) thủy cửu long” mà không phải là “cửu long phún thủy”. Trong Ngữ Lục, ngài Đại Huệ còn tiếp tục bài kệ trên để hiển bày Đại Thừa Phật Pháp qua phong cách thiền tông. Vì không phải là phạm vi thảo luận nên không bàn rộng ở đây.

     Tóm lại, bài kệ tắm Phật mười hai câu mà các chùa Việt Nam thường sử dụng có bốn câu đầu xuất xứ từ Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, nằm trong một ngữ cảnh lớn hơn là Kinh Phật Thuyết Công Đức Tắm Phật do ngài Bảo Tư Duy dịch và Kinh Công Đức Tắm Phật do ngài Nghĩa Tịnh Dịch. Tám câu còn lại có xuất xứ từ lời khai thị của ngài Đại Huệ Tông Cảo. Đây là sự kết hợp giữa lời Phật dạy (Kinh điển) và ý Tổ (ngữ lục).[16] Cho nên, muốn hiểu rõ thâm nghĩa của bài kệ tắm Phật, chúng ta cần tìm hiểu bài kệ trong nội dung Kinh Công Đức Tắm Phật và Đại Huệ Ngữ Lục.[17] Vì phạm vi có hạn, xin hẹn sẽ bàn luận vấn đề này ở bài viết khác. Ở đây, chúng ta có đủ chứng cứ cho bài kệ tắm Phật hiện đang lưu thông, làm chỗ dựa cho bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh sau đây:

      Việt ngữ:

                 Kệ Tắm Phật
         Con nay tắm gội đức Như Lai
         Trí sạch trang nghiêm, phước sâu dày
          Khiến các chúng sinh trong năm trược
          Chứng pháp thân Phật, sạch trần ai.
                      ***
          Phật chẳng từng sanh ở Ca-tỳ
          Chưa từng nhập diệt nước Câu-thi
          Pháp thân sao thấy còn sinh diệt?
          Bụi vướng vào tròng, phải lấy đi!
                      ***
          Tháng tư mùng tám, sáng đẹp tươi
          Thái tử Đạt-đa mới ra đời
          Rồng đến đón mừng phun nước tắm
          Sen nở nâng theo mỗi bước Người!

     Anh ngữ:

              Verse of Bathing the Buddha

        To bathe the Buddha,
        Whose merit and insight are perfect,
        Is to purify the defilement of all beings
        So all can attain pure Dharma body.

                      ***
        Neither was the Buddha born in Lumbini,
        Nor did He pass away among sala trees

       The true Buddha has no birth and death.
       Birth and death: an illusion that we see.
                   ***

        On the eighth day of the fourth month,
        Siddhartha, son of King Suddhodana, was born.
       From the sky, nine dragons descended and showered his body with water.
       On the earth, a lotus emerged to support his every step.

     Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2561-2017, bài viết cũng như bản dịch Anh-Việt bài kệ tắm Phật này xin dâng lên cúng dường đức Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni cùng tất cả những người con Phật hữu duyên để đền đáp ân Phật và ân chúng sinh trong muôn một.

      Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát.

      Sakya Minh-Quang

                  

________________________________________________

[1]Bài kệ trên được bút giả hoàn nguyên chữ Hán:
我今灌沐諸如來 / 淨智莊嚴功德聚/五濁衆生令離垢/同證如來淨法身.
毘羅城裏不曾生/娑羅樹間不曾滅 /不生不滅老瞿曇/眼中看見重添屑.
今朝正是四月八/淨飯王宮生悉達/噴水九龍天外來/捧足蓮花從地發.

[2]Đây là hiện tượng tương đối phổ biến trong nghi thức đọc tụng kinh điển âm Hán Việt của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Ví dụ, chúng ta thường đọc câu “tăng-kỳ cữu viễn tu  nhân” thành “tăng-kỳ cữu viễn tu chân” trong nghi thức công phu sáng, hay câu “Ta-bà phi thị cữu cư thành” thành “Ta-bà cư thị cữu cư thành” trong nghi thức tụng Kinh Dược Sư.

[3] Trùng thiên tiết, có thể được hiểu là ngày lễ Phật. Phật hiệu là “thiên trung thiên天中天”, tức bậc trời của các trời, vậy “trùng thiên” trong ngữ cảnh này cũng có thể hiểu là Phật. Vậy “trùng thiên tiết重天節” cũng có thể hiểu là ngày lễ Phật. Nhưng đây chỉ là ức đoán, không đúng với nguyên tác. Điều này sẽ bàn ở phần sau.

[4] Bút giả từng đem vấn đề này hỏi học giả Lê Mạnh Thát, một nhà nghiên cứu Phật Giáo Việt Nam quảng bác, nhưng cũng không có được câu trả lời. Còn khi hỏi thầy Lệ Trang, một vị rất giỏi về Nghi Lễ và Hán Văn, thầy cho biết rằng trong nghi thức tống táng của Tăng sĩ, có bài kệ nhập tháp tương tự với bài kệ thứ hai: “Tích nhật gia nương vị tằng sinh/ Kim triêu sơn cốc bất tằng diệt/ Bất sinh bất diệt lão thiền ông.” Dịch: “Ngày xưa cha mẹ chưa từng sinh/ Hôm nay trong núi chẳng từng diệt/ Bất sinh bất diệt: lão thiền ông.” Nhưng cụ thể xuất xứ bài kệ tắm Phật như thế nào, thầy cũng không rõ.

[5]Bài kệ tắm Phật bốn câu các chùa Đài Loan thường tụng: Ngã kim quán mộc chư Như Lai我今灌沐諸如來/Tịnh trí trang nghiêm công đức hải淨智莊嚴功德海/ Ngũ trược chúng sinh ly trần cấu五濁眾生離塵垢/ Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân 同證如來淨法身. Có vài chữ khác nhau giữa bài kệ này và bốn câu đầu của bài kệ tắm Phật ở Việt Nam, ví dụ hải so với tụ, ly trần cấu so với linh ly cấu, nhưng ý nghĩa đại thể tương đồng.

[6]Đại Chánh Tạng, q 48, kinh số. 2025, tr. 1116, phần a dòng 1-3 《敕修百丈清規》「宣疏畢。舉唱浴佛偈云 (我今灌沐諸如來。淨智莊嚴功德聚。五濁眾生令離垢。同證如來淨法身) 行道浴佛將畢。舉楞嚴呪。」Đại Chánh Tạng, q 48, kinh số 2025, tr. 1116, phần a, dòng 1-3.

[7] 《佛祖統紀》「浴佛 四月八日是佛生日。人民念佛浴佛形像(摩訶剎頭經)浴像時誦偈云。我今灌沐諸如來。淨智莊嚴功德聚。五濁眾生令離垢。願證如來淨法身(浴佛經)」Đại Chánh Tạng, q 49, kinh số 2035, tr. 318, phần b, dòng 23-26.

[8] Kinh Ma-ha Sát-đầu nói: “Phật bảo với mọi người trong thiên hạ: mười phương chư Phật đều sinh ra lúc nửa đêm ngày mùng tám tháng tư.《佛說摩訶剎頭經》「佛告天下人民。十方諸佛皆用四月八日夜半時生。」Đại Cháng Tạng, q 16, kinh số 696, tr. 797, phầnc, dòng 16-17.

[9]《浴佛功德經》「我今灌沐諸如來,淨智功德莊嚴聚,願彼五濁眾生類,速證如來淨法身」Đại Chánh Tạng, q 16, kinh số 698, tr. 800, phần c, dòng 1-2

[10]Hai bài kệ còn lại của Kinh Công Đức Tắm Phật như sau:           

Giới định tuệ giải tri kiến hương/ Biến thập phương sát thường phân phúc/Nguyện thử hương yên diệc như thị/Vô lượng vô biên tác Phật sư.  Diệc nguyện tam đồ khổ luân tức/ Tất linh trừ nhiệt đắc thanh lương/Giai phát vô thượng Bồ-đề tâm/Vĩnh xuất ái hà đăng bỉ ngạn. Dịch: Hương giới, định, tuệ, hương giải thoát/Giải thoát tri kiến ngát mười phương/Nguyện khói hương này cũng như vậy/Làm các Phật sự số không lường. Nguyện ba đường ác hết khổ đau/ Dứt trừ nhiệt não, được thanh lương/Đều phát Bồ-đề tâm vô thượng/ Sông ái lên bờ, Đạo chứng nên. (Xin xem bản dịch Kinh Công Đức Tắm Phật trong Nghi Thức Huân Tu Hàng Ngày (2003), tr.174-175, Sakya Minh-Quang soạn).

[11]Kinh Phật Thuyết Công Đức Tắm Phật 《佛說浴像功德經》 Đại Tạng Kinh quyển 16, kinh số. 697, tr. 799, phần b dòng 11-14

[12] Bài kệ tắm Phật bốn câu của nghi thức Phật giáo Trung Quốc cũng có sai biệt vài chữ so với Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy: “Ngã kim quán mộc chư Như Lai/ Tịnh trí trang nghiêm công đức hải/ Ngũ trược chúng sinh ly trần cấu/Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân” (我今灌沐諸如來/淨智莊嚴功德海/五濁眾生離塵垢/同證如來淨法身). Thay vì “công đức tụ” lại là “công đức hải”, thay vì “linh ly cấu” lại là “ly trần cấu.”

[13] Ngũ Đăng Toàn Thư, Tục Tạng q 82, kinh số. 1571, tr. 94, phần c dòng 23-tr.95, phần a dòng 1.

[14]Đại Huệ Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục, Đại Chánh Tạng 47, kinh số. 1998, tr. 814, phần c, dòng 20.

[15] Đại Chánh Tạng dùng chữ bổng棒  bộ mộc木 nghĩa là cây gậy nghi lầm với chữ bổng 捧 bộ thủ手 có nghĩa là nâng, đỡ….

[16] Chúng ta đã biết được chỗ xuất xứ của từng bài kệ bốn câu trong bài kệ tụng gồm mười hai câu mà Phật giáo Việt Nam thường sử dụng. Nhưng bút giả vẫn còn thắc mắc là bài kệ tụng tắm Phật mười hai câu này do ai biên tập và được sử dụng ở Việt Nam từ lúc nào? Tất cả các chùa ở Bắc, Trung, Nam đều dùng bài kệ này hay không? Xin các bậc thức giả chia sẻ và đóng góp để làm sáng tỏ những vấn đề này. 

17] Bút giả có dịch Kinh Công Đức Tắm Phật, in trong Nghi Thức Huân Tu Hàng Ngày, 2013. Ai muốn tìm đọc có thể vào www.thientuongtemple.com phần kinh sách để đọc hay download.

hhh13.gif
photo1490277177389.jpg
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page