top of page
Chữ Duyên Trong Đạo Phật
     Người ta thường bảo: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên," tức việc toan tính và thực hiện là do con người, nhưng thành hay bại là do ý trời. Song theo đạo Phật, không có một vị trời nào quyết định hạnh phúc hay đau khổ của con người. Trời chỉ là một loại chúng sinh có phước báo hơn con người mà thôi. Trời cũng trong vòng vô thường sinh tử, khi phước báo hết sẽ tùy nghiệp thọ khổ. Hơn nữa, đứng trên phương diện tu tập để giác ngộ và giải thoát, con người có đủ điều kiện hơn tất cả các loài. Con người không quá sung sướng như cõi trời cũng không quá đau khổ như địa ngục, đói khát như ngạ quỷ, ngu si như súc sinh nên dễ tỉnh giác vô thường và có thời giờ tu tập. Lại nữa, Kinh A Hàm nói, con người hơn các chúng sinh trong các nẻo khác ở ba phương diện: (1) khả năng tư duy, (2) khả năng tu phạm hạnh, và (3) khả năng chịu đựng. Nên trong Kinh Hoa Nghiêm bảo" "Con người đáng quý hơn các loài khác" (Nhân thị tối thắng cố.) 
     Nếu đã không phải do trời quyết định, vậy tại sao người xưa lại bảo "mưu sự tại thiên"? "Thiên" ở đây nên hiểu theo triết học Đông Phương. Sách Lão Tử hay còn gọi là Đạo Đức Kinh nói: "Con người lấy TRỜI làm phép tắc, TRỜI lấy ĐẠO làm phép tắc, ĐẠO lấy TỰ NHIÊN làm phép tắc" (Nhân pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiện.) Khổng tử trong sách Luận Ngữ cũng nói: "Bốn mùa vận hành, vạn vật sinh trưởng, TRỜI có nói gì đâu? TRỜI có nói gì đâu?" (Tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai? Thiên hà ngôn tai?) Như vậy TRỜI theo các bậc hiền triết Phương Đông hiểu là Đạo Tự Nhiên, tức quy luật vận hành tự nhiên của vũ trụ vạn hữu. 
 
                                          

     Cũng vậy, trong Đạo Phật, TRỜI ở đây được hiểu là quy luật nhân quả hay duyên khởi tự nhiên của vũ trụ nhân sinh: Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không.... Sự cố gắng của con người chính là nhân (cái này) còn thành tựu là quả (cái kia). Song quá trình từ nhân đến quả còn phải cần có nhiều trợ duyên khác, nếu chưa đủ duyên thì quả mong đợi chưa thành. Thực ra, nhân cũng chính là một duyên trong mối quan hệ duyên khởi. Chẳng qua, vì nó là duyên trực tiếp, có lực dụng mạnh nhất đưa đến một kết quả cụ thể nào đó nên gọi là nhân. Còn các điều kiện khác gián tiếp hay yếu hơn, gọi là duyên. Cho nên, Lương Khải Siêu nói: "Lực cường vi nhân, lực nhược vi duyên" (Lực dụng mạnh gọi là nhân, lực dụng nhẹ gọi là duyên." Vì vậy, duyên cũng thường được gọi là nhân duyên.Cho nên, câu nói" "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên," nên đổi thành "mưu sự tại nhân, thành sự tại DUYÊN," theo Phật giáo. Chữ DUYÊN trong Phật Pháp còn có KẾT DUYÊN, TÍCH DUYÊN và TÙY DUYÊN. Để hiểu thêm về chữ DUYÊN trong đạo Phật thế nào, kính mời đại chúng cùng nghe: CHỮ DUYÊN TRONG ĐẠO PHẬT, giảng tại chùa Diệu Pháp, California trong Khóa Tu Mùa Đông 2015.

           Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

           Sakya Minh-Quang

download (4).jpg
bottom of page