top of page

             Tràng Hạt

                                Sakya Minh-Quang

     Trong Khóa Tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 7 tổ chức tại Chicago từ ngày 20-23 tháng 07, 2017, có một vị Thượng tọa đánh mất một xâu chuỗi trầm hương. Ban tổ chức khóa tu đã phát loa thông báo đại chúng nếu có ai thấy hay nhặt được, xin cho biết hoặc đem gởi lại bàn thư ký cho Thượng tọa. Sau một buổi giảng Pháp, lúc đang đi về phòng nghỉ, một Phật tử tưởng bút giả đánh mất xâu chuỗi nên đến chào, rồi quan tâm hỏi: “Bạch thầy, có phải thầy vừa đánh mất xâu chuỗi?” Bút giả mỉm cười bảo: “Thầy đâu có chuỗi để mà mất!” Vị Phật tử ngạc nhiên hỏi: “Sao thầy tu mà không có chuỗi?” Trả lời: “Thầy tu đâu nhất định phải có chuỗi!” Lại nói thêm: “Có chuỗi hay không thì can hệ gì đến việc tu?” Thấy vị Phật tử này có vẻ nửa hiểu nửa không, nên bút giả liền ứng khẩu đọc bốn câu thơ:

                Trên cổ không, mà tay cũng không!
                Xưa kia ưa thích “cái lòng vòng”
                Bây giờ nhận được “một tâm thẳng”
                Ba ngàn thế giới thảy đều không!

     Vị Phật tử này nghe xong hoan hỷ, khen hay. Nhưng bút giả lắc đầu, sợ vị này chấp không, nên đọc thêm bốn câu:

tambao14vang_master.jpg

               Ba ngàn thế giới thảy đều không
               Biết chúng sinh ưa “cái lòng vòng”
               Phương tiện trang nghiêm vì đại chúng
               Công phu chân thực ở trong lòng!

Đọc xong, bút giả cười lớn rồi trở về phòng, chuẩn bị cho buổi giảng tiếp theo dành cho tăng ni cùng với thầy Ân Giao, một giáo thọ người Mỹ đệ tử cố trưởng lão Thích Thiên Ân, một trong những vị thầy đã đặt viên đá đầu tiên cho nền móng của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

     Đối với những ai tri âm, những chia sẻ trên đã quá đủ, có giải thích thêm cũng chỉ dư thừa như vẽ rắn thêm chân. Song đối với những người cần thêm phương tiện dẫn nhập, có lẽ sẽ được phần lợi ích từ những dài dòng văn tự sau đây.

     Lần tràng niệm Phật là phương tiện tu tập truyền thống rất quen thuộc với Phật tử theo truyền thống Đại Thừa Đông Á nói chung và Phật tử Việt Nam nói riêng. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh khi viếng thăm phong cảnh chùa Hương đã từng ghi nhận:

          Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt, 
          Chập chờn mấy lối uốn thang mây. 
          Chừng giang sơn còn đợi ai đây, 
          Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt? 
          Lần tràng hạt niệm “Nam-mô Phật”, 
          Cửa từ bi công đức biết là bao. 
         Càng trông phong cảnh càng yêu!

                   (Hương Sơn Phong Cảnh Ca)

Có lẽ tác giả đã thấy những cụ bà, cụ ông… thành kính hành hương, vừa leo lên dốc núi chùa Hương hay leo xuống dốc hang “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, vừa lần tràng niệm Phật. Tiếng niệm Phật hòa quyện cùng tiếng suối reo, tiếng chim hót của núi rừng cùng với đoàn người hành hương chiêm bái thánh tích đã tạo thành cái đẹp rất riêng của Hương Sơn. Đây không chỉ là cái đẹp của sông núi hữu tình, mà còn là cái đẹp của lòng từ bi hòa quyện cùng phong cảnh thiên nhiên, chuyển biến con người và cảnh vật trở thành chánh báo và y báo trang nghiêm của tịnh độ nhân gian, ngay trong giờ phút hiện tại!

     Lại nữa, lần tràng niệm Phật còn là phương pháp tu tập có kinh điển y cứ. Trong Kinh Mộc Hoạn Tử, đức Phật dạy vua Ba Lưu Ly: “Nếu muốn diệt trừ phiền não chướng và báo chướng, nên xâu một trăm lẽ tám hạt cây mộc hoạn để thường mang theo mình. Khi đi đứng ngồi nằm hằng luôn chí tâm, không luận tâm ý có tán loạn  hay không đều xưng niệm Phật, Pháp, Tăng rồi lần một hạt chuỗi. Lần từng hạt mộc hoạn như vậy, hoặc mười, hai mươi, một trăm, một ngàn, cho đến trăm ngàn vạn hạt. Nếu có thể lần tràng niệm Tam Bảo đủ hai trăm ngàn lần, thân tâm bất loạn, không có quanh co dua nịnh thì khi chấm dứt sinh mệnh sẽ sinh về cõi trời Diệm Ma thứ ba, cơm áo tự nhiên, thường sống an lạc. Nếu lại có thể niệm Tam Bảo được một triệu lần sẽ được đoạn trừ một trăm lẽ tám kết nghiệp. Đây mới gọi là ngược dòng sinh tử, hướng đến niết-bàn, dứt hẵn gốc phiền não, được quả Vô thượng.”[1] Như vậy, ban đầu lần tràng là để niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, mục đích giúp người tu nhiếp niệm, khiến thân tâm bất loạn nhằm dứt trừ phiền não, nghiệp chướng để hướng đến niết-bàn. Sau này, những hành giả tu pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ hay trì chú theo Mật giáo cũng sử dụng tràng hạt để nhiếp niệm.

     Về một ý nghĩa nào đó, lần tràng niệm Phật cũng giống như sổ tức niệm Phật, hay mượn việc đếm hơi thở hoặc theo dõi hơi thở vào ra để nhiếp tâm niệm Phật. Đối với hành giả đã có công phu nhất định, hơi thở ra vào chính là tràng hạt tự nhiên tốt nhất, vì nó luôn hiện hữu với ta, không sợ bị thất lạc! Nhưng với hành giả sơ cơ, vì tràng hạt là vật cụ thể, nên giúp người niệm Phật dễ nhiếp tâm hơn. Mặt khác, đeo tràng hạt như giữ bên mình một pháp khí, luôn nhắc nhở người tu không quên công phu tu tập.

     Ngày nay, đối với nhiều người, tràng hạt như một món đồ trang sức, dùng để trang nghiêm thân hơn là trang nghiêm tâm! Cho nên, họ chú trọng cái đẹp bề ngoài và giá trị vật chất của tràng hạt hơn là cái đẹp bên trong và giá trị tâm linh. Người viết thường nghe nhiều người khoe về xâu chuỗi mình đeo đắt giá hay quý hiếm như thế nào. Như vậy, tràng hạt càng đắt người đeo càng dễ sinh lòng tham và kiêu mạn! Họ lại phải lo lắng gìn giữ và khi mất đi lại càng khổ đau phiền não! Đây thực trái ngược với mục đích của việc sử dụng tràng hạt! Thực ra, tràng hạt không luận quý tiện, chỉ cần chuyên tâm nhiếp niệm, thì mỗi câu niệm Phật đều là tâm kim cương vô giá, là hạt giống thành Phật chắc thực, gieo vào ruộng tâm màu mỡ tín nguyện hạnh của mình! 

     Hòa thượng Đổng Tuyên đã kể lại một câu chuyện như sau: Một vị Phật tử có xâu chuỗi tràng rất quý hiếm, nên cất giữ rất cẩn thận và thỉnh thoảng lại đem ra khoe với bạn bè. Một hôm, vị này gặp Hòa thượng nên khởi tâm kính mộ, tỏ ý muốn dâng cúng xâu chuỗi cho ngài. Hòa thượng đã từ chối. Vị Phật tử này ngạc nhiên hỏi vì sao ai cũng thích mà ngài lại từ chối? Hòa thượng trả lời: “Cô cho xâu chuỗi này là quý, còn tôi cho lòng không tham là quý. Nếu tôi tham nhận xâu chuỗi quý của cô là tôi đã đánh mất cái quý nhất của mình là lòng không tham!” Đây là câu chuyện thực đáng cho chúng ta suy gẫm để học hỏi!

      Cho nên, tràng hạt là một trong những phương tiện giúp người chánh niệm, không quên Phật, không quên Pháp và không quên Tăng, mà không phải nhất định cần có tràng hạt mới có thể niệm Phật, niệm Pháp, và niệm Tăng được. Nói thẳng ra, công phu tu hành nằm ở nơi tâm niệm, mà không phải ở nơi miệng niệm, huống chi tràng hạt là vật bên ngoài? Đây chính là ý mà người viết muốn nói qua bốn câu thơ đầu:

            Trên cổ không, mà tay cũng không!
            Xưa kia ưa thích “cái lòng vòng”
            Bây giờ nhận được “một tâm thẳng”
            Ba ngàn thế giới thảy đều không!

“Cái lòng vòng” ở đây là hình ảnh của “vòng chuỗi” mà cũng là chỉ cho những phương tiện vòng vo mà mình đã trải qua lúc chưa nhận ra được yếu nghĩa của Phật Pháp. Song cũng nhờ những phương tiện vòng vo ban đầu này, nên hành giả mới có thể:

           Bây giờ nhận được “một tâm thẳng”
           Ba ngàn thế giới thảy đều không!

     Nói theo Kinh Pháp Hoa, nếu đức Phật không phương tiện thiết lập ra ba thừa tùy theo căn cơ sai khác, làm sao có thể giúp chúng sinh cuối cùng nhận ra “nhất thừa thực tướng”? Nói cách khác, tuy bảo tu hành gốc tại tâm, nhưng đối với phần lớn chúng sinh, cần hình tướng như tượng Phật, kinh sách v.v… mới nhớ đến Phật và Pháp. Cũng vậy, nhờ miệng niệm và tay lần chuỗi sẽ giúp nhiều người lần lần được thành tựu công phu, bước vào cửa ngỏ giải thoát và giác ngộ.

     Thuở nhỏ bút giả cũng từng bị thầy bắt học thuộc lòng và hành trì những điều mình không hiểu được trong truyền thống thiền môn, nhiều lúc nghi ngờ thậm chí bất bình vì sự bất cập này. Nhưng nhờ việc học thuộc lòng và hành trì, càng lớn khối nghi càng vỡ lần, càng thâm nhập kinh tạng người viết lại càng tri ân thầy đã khai tâm!

    Nếu không có căn bản Phật Pháp và công phu huấn luyện trong thiền môn, chỉ đọc hiểu một số lý thuyết bát-nhã tánh không, rồi tự cho mình là Đại thừa liễu nghĩa hay tối thượng thừa mà bài bác người khác là chấp tướng, mắc kẹt ngôn ngữ văn tự v.v…, thì chỉ là tăng thượng mạn, dối mình dối đời! Cho nên Thiền Sư Từ Thọ dạy người mới xuất gia:

            Chớ học người ngu nói thoát không
            Thoát không nói được cũng như không!
            Trong tối tưởng rằng không ai biết
            E rằng khó dấu Mã tướng công![2]

“Nói thoát không” chính là nói lý suông bát-nhã, đồng với hý luận, thậm chí nói một đàng làm một nẻo, mà không có sự tu hành chân thực. Người như vậy có thể gạt người, gạt đời, nhưng làm sao có thể gạt được luật nhân quả? “Mã tướng công” là hình ảnh ngục tốt đầu trâu mặt ngựa nơi địa ngục theo tín ngưỡng nhân gian, dùng để dụ cho quả báo khổ đau nơi địa ngục!

      Cho nên, trước khi hoạt dụng được tuệ giác bát-nhã, thấy tất cả các pháp là không, thì cần phải có “một tâm thẳng.”  Như vậy, tu hành mới có được lợi ích chân thực. Vậy thế nào gọi là “một tâm thẳng”? Thực ra, căn bản của việc tu hành là cần phải chân thực ngay thẳng. Trong Kinh Di Giáo, trước lúc nhập niết-bàn, đức Phật đã ân cần dặn dò các hàng đệ tử: “Này Tỳ-kheo các ông, tâm dua nịnh trái Đạo! Cho nên phải giữ tâm luôn chân thực ngay thẳng. Nên biết tâm dua nịnh chỉ vì dối gạt người. Người đã vào trong đạo đừng dua nịnh như vậy. Cho nên các ông phải đoan chánh tâm ý mình, lấy tâm ý ngay thẳng làm gốc của tu hành.”[3] Kinh Duy-ma-cật cũng nói: “Tâm ngay thẳng là đạo tràng vì không có giả dối.”[4] Đạo tràng là nơi thành đạo của đức Phật. Cho nên, chính “một tâm thẳng” này là chỗ thành đạo của mỗi hành giả!

      Lại nữa, nếu giữ được tâm luôn ngay thẳng này, hành giả có thể vượt trên thị phi, thương ghét, ấm lạnh của tình đời và đi ngược dòng lợi danh của thế tục, đến tận cùng ngọn nguồn của bản giác chân tâm:

            Nhân tình ấm lạnh lợi với danh
            Dở người khinh dễ, giỏi lại ganh
         Khốn khó ít ai ra tay đỡ
         Công thành lắm kẻ khởi tâm giành!
         Chim hết vứt cung: ân bạc thếch
         Cầu qua rút ván: nghĩa lạnh tanh!
         Trượng phu “tâm thẳng”, hề thương ghét
         Hỏi lòng không thẹn, mặc ai tranh!

                      (Sakya Minh-Quang-Nhân Tình)

      Lại nữa, tuy tu hành lấy tâm ngay thẳng làm cội gốc, lấy trí bát-nhã để dẫn đường, nhưng vì lợi ích căn cơ bất đồng, nên hành giả nhiều khi phải phương tiện tùy duyên, mượn hình tướng trang nghiêm để dẫn dắt chúng sinh. Thực ra, “không” trong Phật Pháp là “không thực có” vì duyên khởi tánh không, mà không phải là “không có”, phủ định thế gian. Cho nên nói “Phật Pháp không hoại thế gian pháp” là vậy! Do đó, chỉ cần đừng “chấp thực” thì có không đều vô ngại. Các pháp duyên khởi nên tánh không và vì tánh không nên duyên khởi, bản chất vốn không hai.

             Ba ngàn thế giới thảy đều không
             Biết chúng sinh ưa “cái lòng vòng”
             Phương tiện trang nghiêm vì đại chúng
             Công phu chân thực ở trong lòng!

     Như vậy, chư tôn đức mang tràng hạt là vì đại chúng mà không phải vì chính mình. Cho nên, nhiều vị thiền đức tu hành lâu năm, đạo cao đức trọng mà vẫn cổ đeo tay lần tràng hạt. Đây là các ngài vì lòng từ bi, trang nghiêm pháp tướng, khiến đại chúng sinh tâm hoan hỷ và làm gương nhắc nhở người niệm Phật. Còn công phu của quý ngài nằm ở trong lòng mà không phải ở nơi tràng hạt! Đó cũng là lý do vì sao Hòa thượng Hư Vân, một đại thiền sư nổi tiếng cận đại, vẫn mang chuỗi tràng như hình chụp của ngài cho thấy!

     Tóm lại, bút giả đã dài dòng, vẽ rắn thêm chân. Kính mong người đọc trước hết không vì người mà bỏ lời, kế nữa được ý quên lời, để cùng nhau gột rửa thân tâm trong dòng nước pháp thanh tịnh qua lời Phật ý tổ trong mùa an cư kiết hạ.

              Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

              Viết tại Tu Viện Thiện Tường
              Champaign, IL ngày 26 tháng 07, 2017

              Sakya Minh-Quang

---------------------------------------------------------------------

[1] Đại Chánh Tạng, q.17, kinh 786, tr.726, a20-28. 「若欲滅煩惱障、報障者,當貫木槵子一百八,以常自隨。若行、若坐、若臥,恒當至心,無分散意,稱佛陀、達摩、僧伽名,乃過一木槵子,如是漸次度木槵子,若十、若二十、若百、若千,乃至百千萬。若能滿二十萬遍,身心不亂,無諸諂曲者,捨命得生第三焰天,衣食自然,常安樂行。若復能滿一百萬遍者,當得斷除百八結業,始名背生死流,趣向泥洹,永斷煩惱根,獲無上果。」

[2] Thiền Sư Từ Thọ Dạy Tập Sự Xuất Gia (Từ Thọ Thiền Sư Huấn Đồng Hành), Sakya Minh Quang dịch. Xem Nghi Thức Huân Tu Hằng Ngày.

[3] KInh Di Giáo, Sakya Minh-Quang dịch, xem Nghi Thức Huân Tu Hằng Ngày.

[4]Đại Chánh Tạng q.14, kinh 475, tr.542, c10.  直心是道場無虛假故

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page