top of page

Trang Nhà  < Bài Viết  < Ý Nghĩa Thọ Trỉ Kinh Điển 

Ý Nghĩa Thọ Trì Kinh Điển 

I. Ý nghĩa hai chữ thọ trì

     Thọ trì (受持) tiếng Phạn là udgrahana. Thọ là nhận lấy, còn trì là giữ gìn, ghi nhớ không quên. Do sức mạnh của lòng tin nên có thể nhận lấy, nhờ sức mạnh của chánh niệm nên có thể gìn giữ không quên. Trong kinh điển thường ghi, sau khi nghe đức Phật thuyết Pháp xong, các đệ tử liền "tín thọ phụng hành." "Tín thọ phụng hành" hay "tin nhận vâng làm" chính là thọ trì lời dạy của đức Phật.

     Trong ngôn ngữ Phật giáo, tùy theo ngữ cảnh mà thọ trì có những nghĩa cụ thể khác nhau. Thông thường, thọ trì có ba nghĩa:

     

      1. Thọ trì giới luật: 

      Tức thọ giới và trì giới. Đây là chỉ việc nhận giới do giới sư truyền thọ đúng pháp và giữ gìn giới luật thanh tịnh, không vi phạm.

       

       2. Thọ trì ba y: 

      Tức nhận và gìn giữ ba y của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từ giới sư sau khi thọ đại giới.

      3. Thọ trì kinh điển

      Thọ trì kinh điển là một hình thức của thọ trì Pháp. Đây là cụm từ mà người Phật tử hay gặp trong kinh sách hay nghe giảng.Thông thường chúng ta nghĩ, "thọ trì kinh điển" là đọc tụng kinh điển. Nhưng hàm nghĩa của "thọ trì kinh điển" vừa rộng lại vừa sâu, đọc tụng kinh điển chỉ là một phần của thọ trì kinh điển.

      Ví dụ, Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã Ba-la-mật nói: “Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A-nan: Ông nên thọ trì kinh Bát-nhã Ba-la-mật này. Bấy giờ, A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y bày vai bên hữu, quỳ gối bên phải, chắp tay hướng về phía Phật, đầu lạy sát đất, rồi bạch đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, thế nào là thọ trì? Đức Phật bảo A-nan: Thọ trì kinh này có mười pháp. Những gì là mười? (1) biên chép, (2) cúng dường, (3) Lưu truyền, (4) Lắng nghe, (5) tự đọc, (6) ghi nhớ, (7) nói cho người nghe, (8) miệng tụng, (9) tư duy, (10) tu hành. Này A-nan, mười pháp này có thể thọ trì kinh này như đại địa là chỗ nương tựa và sinh trưởng cho tất cả cây thuốc và hoa cỏ. Cũng vậy, tất cả pháp lành đều sinh từ Bát-nhã Ba-la-mật. Này A-nan, ví như vua Chuyển Luân nếu ở trong đời thì bảy báu thường xuất hiện. Bát-nhã Ba-la-mật cũng lại như vậy. Kinh này nếu ở trong đời thì giòng giống Tam Bảo thường còn không dứt."
      Như vậy, theo Kinh Bát-nhã, "thọ trì kinh điển" không chỉ bao gồm phần tự tu (lắng nghe, tự đọc, ghi nhớ, miệng tụng, tư duy, tu hành), mà còn là việc gìn giữ và hoằng dương Chánh Pháp (biên chép, cúng dường, lưu truyền, nói cho người nghe, miệng tụng). Ở đây, theo bút giả, tụng kinh bao gồm tự giác và giác tha, một phần ý nghĩa của thọ trì kinh điển.

II. Thọ trì Pháp

      Pháp (dharma) là chân lý hay sự thật. Chúng ta có lòng tin sâu chắc nơi Pháp mới có thể thọ Pháp hay tin nhận Pháp. Ví dụ, vô thường là một sự thật của cuộc đời. Khi chúng ta nghe giảng về vô thường, chúng ta có chấp nhận vô thường như một sự thật hay không? Chúng ta tiếp nhận vô thường ở mức độ nào? Đó là sự tin nhận từ hiểu biết của ý thức? Hay sự tin nhận từ thâm tâm (tiềm thức)? Hoặc sự tin nhận từ toàn bộ sinh mệnh của mình? 
Nhiều khi, chúng ta nghe Pháp thấy hay, có đạo lý, nhưng khi gặp cảnh vô thường vẫn đau khổ, không chấp nhận. Ví dụ, dù biết rằng sinh lão bệnh tử khổ là điều không tránh khỏi, khi đối diện trước bệnh khổ, mình lại không chấp nhận, tự dằn vặt: "Tại sao tôi ăn ở hiền lành lại mắc bệnh như vậy? Người kia ăn ở ác đáng lẽ phải chịu quả báo mới đúng?" 

      Trong kinh đức Phật nói, người như vậy là người trúng mũi tên thứ nhất (thân khổ), sau đó lại rút ra tự đâm lại mình (tâm khổ) như trúng mũi tên thứ hai! Người biết khéo tu sẽ chấp nhận trúng mũi tên thứ nhất. Nhưng họ không để trúng mũi tên lần thứ hai, thứ ba, hay nhiều hơn nữa bằng cách rút ra rồi lại tự đâm lấy mình! Người như vậy, thân đã khổ mà tâm lại càng khổ. Đó là người không tin nhận Pháp dù có nghe Pháp rất nhiều! Đây gọi là:

 

             Lòng con như chiếc lá khoai
             Nghe bao nhiêu Pháp, ra ngoài bấy nhiêu!

      Cho nên, bút giả thường bảo:" Người biết khéo tu, vẫn già, bệnh, chết. Nhưng già, bệnh, chết của người khéo tu khác với người không biết tu. Người biết tu tuy già, nhưng già mà không sinh tật! Người biết tu tuy bệnh, nhưng thân bệnh mà tâm không bệnh. Người biết tu tuy chết, nhưng mà không sợ chết!"

      Từng có một Phật tử đến xin bút giả một lời khuyên khi biết mình mắc bệnh ung thư. Bút giả hỏi vị đó bình thời tu như thế nào. Vị này trả lời tu niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh Độ. Bút giả khuyên vị này hãy thường xuyên tham cứu câu sau:

             "Thân này đã có bác sĩ lo, tâm này đã có Phật A-di-đà lo, hỏi còn chỗ nào để mình lo?" Hãy buông gánh  lo và an tâm niệm Phật:

              Cho dù ngày mai tận thế
              Đêm nay sen vẫn gieo trồng
              Đem lòng gió mát trăng thanh
              Xưng tán A-di-đà Phật!

Đây là Pháp môn an tâm đệ nhất của Tịnh Độ! Hằng ngày nhớ Phật niệm Phật, làm mọi phước lành đều hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ, như cây nghiêng hướng nào, khi ngã chắc chắn sẽ ngã về hướng đó.

III. Thọ Pháp còn phải trì Pháp

      Lại nữa, có người tin nhận Pháp (thọ) trong nhất thời, hay chỉ một thời gian ngắn, rồi đánh mất tín tâm ban đầu, quên mất Pháp, và không có chánh niệm. Đây gọi là có "thọ" nhưng không có "trì"! Cho nên bước đầu nhờ sức mạnh của lòng tin (tín lực một trong ngũ lực: tín, tấn, niệm, định, tuệ) nên thọ Pháp. Sau đó, nhờ sức mạnh của chánh niệm, một trong ngũ lực, để hành trì Pháp. Ngược lại, càng hành trì Pháp, thì niềm tin và sự tiếp nhận Pháp (chân lý, sự thật) càng sâu sắc, ban đầu từ hiểu biết của ý thức, dần dần chuyển hóa đến nhận thức từ tiềm thức, và cuối cùng là sự thay đổi toàn bộ sinh mệnh. Đây gọi "ngộ". Cho nên thọ trì Pháp qua việc tụng kinh, nghe Pháp, tư duy v.v... mục đích là "ngộ" mà không phải là hiểu. Có ngộ mới hết phiền não, đau khổ, được thanh tịnh an lạc thật sự. Tin hiểu chỉ là bước đầu của quá trình tu học.

IV. Kết luận

      Tóm lại, thọ trì kinh điển là một hình thức phổ biến của việc thọ trì Pháp. Thọ trì Pháp cũng có thể là như lý tác ý, thiền quán v.v.... Thọ là tin nhận, trì là ghi nhớ hành trì qua việc giữ gìn chánh niệm, đọc tụng, thiền quán v.v..., mục đích của việc thọ trì kinh điển hay thọ trì Pháp là nuôi dưỡng Đạo tâm, tăng trưởng trí tuệ, tịnh hóa phiền não, cuối cùng là giác ngộ, giải thoát. Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ đức Phật dạy:

 

             Tuy tụng đọc kinh nhiều
             Không hiểu nghĩa ích chi?
             Hiểu được một câu Pháp 
             Hành theo đắc được Đạo.

 

       Vì vậy, tụng kinh phải hiểu rõ ngữ nghĩa và Pháp nghĩa, cũng như quán chiếu và chứng nghiệm chân thật nghĩa của Như Lai. Đây gọi là:
           
 Nguyện giải Như Lai Chân Thật nghĩa!
       

        Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. 
        Sakya Minh-Quang 

        Tu Viện Thiện Tường 08/15/2018

8ff40fabtb6aea73d204f&690.jpg
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page