top of page

 Ý Nghĩa và Phương Pháp Tụng Kinh

     Đại sư Hám Sơn từng bảo:

             Tụng kinh việc dễ, nghĩa khó thông
         Tụng không hiểu nghĩa, luống uổng công
         Hiểu được không làm, thêm phí sức
         Tu mù luyện quáng, cũng bằng không.

                (Phí Nhàn Ca- Sakya Minh-Quang dịch)

     Như vậy, ý nghĩa và mục đích của việc tụng Kinh là nghe lại những lời đức Phật đã giảng dạy, tư duy để hiểu rõ nghĩa lý kinh điển, và cuối cùng là chân thực tu tập dựa trên chỗ tin hiểu này. Nói khác đi, đây là quá trình tu tập qua văn-tư-tu, tức nghe Pháp, tư duy nghĩa lý và y giáo phụng hành.[1] Đây cũng chính là quá trình tu tập: tín, giải, hành, chứng. Trước hết, phải tin hiểu sâu chắc, sau đó mới có thể hành chứng chân thật.

Ngữ nghĩa và Pháp nghĩa

     Cho nên, nếu tu tập chỉ có lòng tin không thì chưa đủ, vì nó dễ khiến người học Phật rơi vào mê tín, tà tín, và thậm chí cuồng tín. Vì vậy, trong Phật Pháp, tin và hiểu phải đi đôi, tin và hiểu vốn không khác, như chánh kiến không khác với chánh tín. Bước đầu của việc tụng kinh là xây dựng và tăng trưởng chánh kiến và chánh tín này.

ct5.jpg

     Vì vậy, người phát tâm đọc tụng kinh điển bước đầu phải hiểu nghĩa kinh. Nghĩa có hai loại là ngữ nghĩa và Pháp nghĩaNgữ nghĩa là ý nghĩa trên phương diện ngôn ngữ. Nói rõ hơn, ngữ nghĩa là nghĩa lý kinh điển qua công đức phiên dịch của bao thế hệ đi trước và hiện nay, những người chuyển ngữ từ Sanskrit, Pali, Hán văn… ra ngôn ngữ mà mình hiểu được. Song tuy đã hiểu kinh điển trên phương diện ngôn ngữ, người đọc tụng chưa chắc đã rõ nghĩa lý sâu xa mà kinh điển muốn truyền tải. Nghĩa lý sâu xa này gọi là Pháp nghĩa, bao gồm những tư tưởng phong phú và triết lý thâm sâu như nhân quả, duyên khởi, tánh không, bất nhị v.v…. Để hiểu rõ Pháp nghĩa, người tụng kinh cần phải nghe giảng, đọc luận giải, tham hỏi thiện tri thức và tự mình khéo tư duy….

     Ngày nay người Phật tử Việt Nam tụng kinh chủ yếu bằng âm chữ Hán, ngay cả ngữ nghĩa cũng chưa hiểu được, huống chi là Pháp nghĩa! Pháp nghĩa nếu không thể tin hiểu thì làm sao có thể hành chứng được chân thật nghĩa?

      Tương tợ nghĩa và chân thật nghĩa

     Pháp nghĩa có hai loại là tương tợ nghĩa và chân thật nghĩa. Muốn khai ngộ và giải thoát, người đọc tụng kinh phải chứng nghiệm được chân thật nghĩa mà không phải tương tợ nghĩa. Cho dù người học Phật có thông hiểu tư tưởng và triết lý Phật giáo đến đâu, nhưng nếu chưa khai ngộ cũng chỉ là người hiểu được tương tợ nghĩa mà không phải là chân thật nghĩa. Vì sao? Vì sự hiểu biết đó chỉ là kiến giải của ý thức phân biệt, mà không phải khai ngộ, hay kinh nghiệm thực chứng từ sự chuyển hóa tâm thức sâu xa (cả ý thức lẫn tiềm thức). Ví như chúng ta muốn biết mùi vị chân thật của một ly nước cam, phải trực tiếp uống và thưởng thức nó. Còn nếu chỉ biết mùi vị của ly nước cam qua mô tả của người khác, thì chỉ là tương tợ mà thôi. Đó là điều mà chư Tổ nhấn mạnh “Như người uống nước, nóng lạnh tự biết.” Cũng vậy, nếu không có lòng tin nhận và phát tâm tinh tấn hành trì, thì chúng ta cũng không thể nào hiểu được chân thực nghĩa, tức cảnh giới khai ngộ. Cho nên, mục đích cứu cánh của việc tụng kinh là “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.” Nhưng muốn đọc tụng kinh để thấu đạt được chân thật nghĩa, chúng ta phải biết phương pháp trì niệm mà ngày xưa chư Tổ đã trải qua và truyền lại.

      Nuôi Dưỡng Tâm Chí Thành

     Trước hết, người tụng kinh phải có tâm chí thành. Ngài Ấn Quang bảo: “Một phần thành tâm được một phần công đức, mười phần thành tâm được mười phần công đức, còn vô lượng phần thành tâm sẽ được vô lượng phần công đức.” Thuở xưa, chư vị Tôn đức Tổ sư đều rất quý trọng kinh điển, khi đọc tụng kinh phải ngồi ngay ngắn không được nằm, lại còn xông hương trầm để thanh tịnh hoàn cảnh vì sợ hơi thở mình làm ô uế kinh điển. Trong oai nghi của người xuất gia cũng dạy như vậy. Thuở nhỏ bút giả cho là người xưa quá câu nệ hình thức, nghĩ rằng mục đích kinh điển là dùng để đọc hiểu rồi y đó tu tập, thì cần gì phải có hình thức trang trọng như vậy? Sau này bút giả mới hiểu người xưa quy định những quy tắc như vậy nhằm giúp người tụng đọc khởi tâm chí thành và nuôi dưỡng tín tâm. Nếu tu tập không có tâm chí thành, thì dù có lý luận và lý giải hay đến đâu cũng chỉ là hý luận!

 

      Thu nhiếp thân tâm

     Cho nên, trước khi tụng kinh, người Phật tử phải súc miệng sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề. Khi vào đạo tràng tu tập hay đối trước bàn Phật, người Phật tử phải giữ gìn oai nghi và im lặng; khi cần phải nói, thì nói khẽ khàng những điều cần thiết, tuyệt đối không nói chuyện tạp thế gian. Phật tử cần phải coi đạo tràng tu học là Pháp hội trang nghiêm, lúc nào cũng có chư Phật và Bồ-tát hiện tiền. Như vậy, khi bước vào đạo tràng tâm chí thành của hành giả sẽ tự nhiên phát khởi.

     Lúc ngồi tụng kinh, Phật tử phải quán tưởng mình đang ngồi trong Pháp hội, trước mặt là đức Phật, chung quanh là Thánh chúng. Hành giả đang nghe đức Phật trực tiếp nói Pháp cùng với đại chúng trong Pháp hội. Quán tưởng được như vậy, thân tâm của hành giả tự nhiên thúc liễm, tâm lăng xăng vọng tưởng sẽ trở về an trú trong hiện tại. Còn nếu hành giả chỉ thấy mình đang ngồi trước hình Phật, tượng Phật… mà không phải đang ngồi trước đức Phật, thì tâm không thể đạt đến trạng thái chí thành, trang nghiêm và thanh tịnh được.

 

      Văn-tư-tu đồng thời

     Đọc tụng kinh hay nghe Pháp không phải chỉ để hiểu trước rồi mới tu sau, mà khi đọc tụng hay nghe Pháp là đang tu rồi. Văn-tư-tu nói ra thì có thứ lớp trước sau, nhưng khi thực hành thì không thể tách rời. Trước hết, nghe và tư duy là định hướng cho việc tu; ngược lại, tu là để nghiệm chứng những điều mình nghe và tư duy, để cuối cùng hành giải tương ưng, chứng nghiệm Như Lai chân thật nghĩa. Lại nữa, nếu biết nghe lại chính mình, tư duy quán chiếu lại thân tâm của mình, thì đó chính là tu. Tóm lại, văn-tư-tu đồng thời, hỗ tương và thành tựu cho nhau.

         

      Trở về với chư Phật và Bồ-tát

     Chư Tổ khi soạn nghi thức tụng kinh, trước khi vào kinh, ví dụ Kinh Pháp Hoa, đều tụng ba lần câu: “Nam-mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ-tát.” Câu này có nghĩa: “Trở về và nương tựa (nam-mô) với chư Phật và Bồ-tát trong Pháp hội Linh Sơn nơi đức Phật đang nói Kinh Pháp Hoa.” Hành giả phải quán tưởng, để thấy rằng mình đang trở về ngồi chung cùng các vị Bồ-tát và Thánh chúng, đích thân nghe đức Phật Thích-ca thuyết Pháp. Còn khi tụng kinh A-di-đà, hành giả lại tụng câu: “Nam-mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ-tát.” Như vậy, hành giả sẽ quán tưởng mình đang dự trong Pháp hội Liên Trì, đích thân cùng chư Phật Bồ-tát nghe giảng Pháp môn Tịnh độ. Khi tụng những bộ kinh khác, như Kinh Tám Điều Giác Ngộ chẳng hạn, chúng ta có thể tụng: “Nam-mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát”, nghĩa: “Trở về và nương tựa với chư Phật và Bồ-tát trong Đạo tràng,” hay câu “Nam-mô Từ Bi Đạo Tràng Phật Bồ-tát” (trở về và nương tựa chư Phật và Bồ-tát trong Đạo Tràng Từ Bi.”

   Cho nên, nếu hành giả có thể quán tưởng để thấy thân tâm mình an trú trong Pháp hội, đang cùng chư Thánh chúng đích thân nghe đức Phật thuyết Pháp, thì tâm chí thành sẽ phát khởi, vọng tưởng tạp loạn tự dừng lại, và thân tâm tự nhiên trở nên thanh tịnh. Đây thực ra là phương pháp thu nhiếp thân tâm rất mầu nhiệm mà chư Tổ đã khéo léo chỉ dạy qua nghi thức tụng niệm.

 

      Như thị ngã văn

     Lại nữa, kinh điển thường bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn” (evam me sutam), nghĩa là “như vầy tôi nghe.” Theo truyền thống, câu này được cho là lời của Ngài A-nan, người đích thân nghe đức Phật thuyết Pháp và thuật lại để chứng thực tính chân xác của kinh điển. Nhưng đối với hành giả, khi đọc tụng câu này phải quán chiếu mình là người đang nghe, mà không phải là A-nan nữa. Hay nói khác đi, người tụng phải đồng hóa mình với A-nan, cùng dự Pháp hội cách đây hai ngàn sáu trăm năm trước. Nếu không, hành giả chỉ đọc tụng kinh như trả bài, mà không phải là cửa ngỏ để bước vào kho báu Chánh Pháp.

     Xưa Đại sư Trí Giả (538-597) chỉ tụng Kinh Pháp Hoa mười bốn ngày liền khai ngộ. Ngài khi tụng đến câu “Thị chân tinh tấn, thị chân Pháp cúng dường Như Lai” (Đây thực sự là tinh tấn, đây thực sự là Pháp cúng dường Như Lai) trong Phẩm Dược Vương Bản Sự, liền chứng nhập Pháp Hoa Tam Muội. Trong định, Ngài thấy rõ “Pháp hội Pháp Hoa rõ ràng vẫn chưa tan” (Pháp Hoa nhất hội, nghiễm nhiên vị tán). Đại sư Trí Giả sau đó đem kinh nghiệm này thưa với Thầy mình là Thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư, Thầy Ngài ấn chứng: “Nếu là ai khác, không phải là ông thì không thể tỏ ngộ; nếu là ai khác, không phải là ta thì cũng không thể biết để ấn chứng. Những Pháp sư chỉ đọc tụng và lý giải trên văn tự không thể bằng ông được.”[2]

     Đoạn nhân duyên trên chứng minh cho những gì mà bút giả vừa chia sẻ. Như vậy, hành giả đọc tụng kinh hay nghe Pháp cũng chính là thiền quán! Hành giả phải thu nhiếp thân tâm, dựa trên ngôn giáo để quán chiếu lại mình, thì tất cả ngôn ngữ văn tự đều là tướng giải thoát, cùng tiêu dung trong biển cả pháp tánh thanh tịnh:

       

       Chữ bay theo cánh chim ngàn
       Mỗi câu là một Niết-bàn hóa thân!

             (Vũ Hoàng Chương-Chùa Hương Tích)

 

      Không ngoài tâm kinh

     Kinh điển Phật giáo rất nhiều. Nhưng ngàn kinh muôn điển không ngoài tâm kinh, tức là lòng mình! Tâm con người là một quyển kinh khó đọc. Tâm có khi từ bi hỷ xả, có lúc đầy dẫy tham sân si. Cũng cùng một con người, tâm trước và sau đó không lâu đã đổi thay rất khác! Tâm phức tạp và mâu thuẫn với nhau, tùy duyên mà thành thiện ác, nhưng nếu truy tìm đến cội gốc thì không hình không tướng, không có chỗ đến đi.

     Khi đọc kinh là chúng ta đọc lại con người của mình. Chúng ta có thể biết rất nhiều thứ bên ngoài, nhưng lại không biết mình là ai! Hiểu biết bên ngoài là tri thức, còn hiểu biết chính mình mới là trí tuệ. Cho nên, tụng kinh chính là phương pháp soi mình vào tấm gương tuệ giác của đức Phật để có thể thấy được chính mình. Có thấy được mình mới biết sửa mình. Có biết sửa mình mới có thể trở về con người thật của mình! Đây là ý:

 

       Bỗng dưng chợt thấy con người thật
       Của chính mình xưa trót lạc đề!

           (Vũ Hoàng Chương-Chùa Hương Tích)

 

     Lại nữa, như người soi gương, không luận gương hình tròn hay hình vuông, sản xuất chỗ nào, mục đích là thấy được mặt mũi của mình để làm sạch hay làm đẹp. Cũng vậy, khi tụng kinh, không luận là kinh gì, hành giả cần quán chiếu để có thể thấy được ba nghiệp thân miệng ý của mình. Từ chỗ thấy này, hành giả mới có thể thanh tịnh hóa ba nghiệp hay trang nghiêm thân tâm của mình. Tổ sư bảo: “Sư tử giảo nhân, cẩu tử trục khối,” tức “sư tử cắn người, còn con chó chạy theo cục xương.” Ý bảo, nếu là bậc Đại nhân hãy như sư tử, nhắm lấy căn cốt vấn đề là nơi tâm mình mà hạ thủ công phu. Còn kẻ tầm thường như con chó chạy theo cục xương, chỉ phân biệt trên ngôn ngữ văn tự, hướng ngoại tìm cầu. Cho nên, nếu biết quán chiếu lại mình, thì dù tụng bao nhiêu kinh cũng chỉ là tâm kinh, giúp hành giả mở tâm trí tuệ, dứt tâm phiền não, được khai ngộ, và giải thoát.

 

      Tụng kinh khác đọc kinh

     Thuở đức Phật còn tại thế, các Tỳ-kheo nghe Pháp xong, ghi nhớ và thường xuyên tụng đọc lại lời dạy của đức Phật. Mỗi lần các đệ tử đọc tụng (bằng trí nhớ), các vị ấy lại tư duy nghĩa lý và thiền quán về tính vô thường, vô ngã nơi thân tâm mình. Nhờ vậy, các vị này mới có thể chứng quả giải thoát. Cho nên, đức Phật từng bảo: “Các Tỳ-kheo nên thường tụ họp tụng Kinh, Chánh pháp có thể tồn tại lâu dài.”[3] Như vậy, tụng kinh đã có từ thời đức Phật. Ý nghĩa của việc tụng kinh là ôn lại Pháp và Nghĩa mà đức Phật đã dạy để quán chiếu tu tập, cũng đồng thời gìn giữ khiến Chánh Pháp không mất.

     Vì vậy, tụng kinh khác với đọc kinh. Tụng kinh phải thuộc kinh còn đọc kinh là mở quyển kinh ra đọc. Thuở đức Phật còn tại thế và mấy trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, kinh điển chỉ được lưu truyền qua việc ghi nhớ và truyền tụng. Ngày nay, chúng ta nói tụng kinh, nhưng thực ra phần lớn là đọc kinh vì ít người thuộc kinh. Khi đóng kinh lại, nhiều người không thể đọc.

     Kinh điển Phật giáo còn gọi là khế kinh. Khế kinh có nghĩa kinh điển phải khế lý và khế cơ. Khế lý là khế hợp với chân lý, còn khế cơ là khế hợp với căn cơ sai khác của chúng sinh. Chân lý có một, nhưng căn cơ có nhiều, nên kinh điển Phật giáo cũng có rất nhiều. Kinh điển có rất nhiều, nên ít ai có thể đọc hết, khoan nói đến việc ghi nhớ tất cả. Vì vậy, tụng thuộc lòng tất cả hay nhiều kinh điển là điều không thực tế, nhất là trong thời đại bận rộn hiện nay. Nhưng hành giả phải chọn cho mình ít nhất một bộ kinh hay một bài kinh mà mình tâm đắc để ghi nhớ và trì tụng hằng ngày. Đây chính là công phu của hành giả. Như vậy, hành giả không phải chỉ có thể trì tụng kinh trước bàn Phật, mà cũng có thể trì tụng, quán chiếu tu tập trong mọi hoàn cảnh. Quyển kinh thuộc lòng này đã nằm sẵn trong lòng hành giả. Cho nên, đối với hành giả tinh tấn, tất cả nơi nào cũng đều là đạo tràng tu tập.

 

      Chuông mõ giúp nhiếp tâm và nhiếp chúng

     -Giúp nhiếp tâm

     Theo truyền thống của Phật giáo Đại Thừa Đông Á, khi tụng kinh có sử dụng những pháp khí như chuông, mõ v.v…. Khi tụng kinh, hành giả có thể tụng lớn tiếng theo âm điệu của nhịp mõ hồi chuông để giúp sự nhiếp tâm. Tiếng chuông thức tỉnh chúng ta quay về với hiện tại khi tâm đang lang thang ở quá khứ hay tương lai. Tiếng mõ đánh tan hôn trầm phiền não và âm thanh quấy nhiễu bên ngoài. Nhờ đó, hành giả có thể chuyên chú nơi lời kinh tiếng kệ và nghĩa lý chứa đựng trong kinh điển.

     -Giúp nhiếp chúng

     Tụng kinh có chuông mõ ngoài ý nghĩa giúp nhiếp tâm, còn có nghĩa nhiếp chúng. Khi tụng cùng đại chúng, tiếng chuông mõ giúp mọi người có thể tụng nhịp nhàng, hòa hợp với nhau. Nhờ vậy, đại chúng sinh tâm hoan hỷ.

Nếu chưa biết sử dụng chuông mõ hay không tiện dùng vì một hoàn cảnh nào đó, người Phật tử có thể đọc tụng thầm hay ra tiếng mà không cần chuông mõ. Nếu ở nhà không có bàn Phật, người Phật tử có thể tụng kinh bất cứ nơi đâu thuận tiện, miễn là chọn nơi giúp mình chuyên tâm tụng kinh tốt nhất trong điều kiện cho phép. Chỉ cần người Phật tử thành tâm, quán tưởng mình đang ngồi trước chư Phật, thì dù tụng kinh ở chỗ nào cũng có công đức bình đẳng như nhau.

         

      Kết luận

     Tóm lại, tụng kinh là một pháp môn tu tập giúp hành giả có thể khai ngộ và giải thoát. Trong lịch sử hoằng truyền Phật Pháp, có rất nhiều vị đại đức, cao tăng nhờ tụng Kinh được ngộ Đạo. Ví dụ, Tổ Trí Giả tụng Kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương Bản Sự liền khai ngộ, từ đó dứt sạch nghi ngờ, biện tài vô ngại, trở thành tổ sư khai sáng tông Thiên Thai ở Trung Quốc. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khuyên người tụng kinh Kim Cương có thể thấy tánh (ngộ đạo), Lục Tổ Huệ Năng nhờ nghe tụng kinh Kim Cương được khai ngộ. Cho nên, dù thiền tông hay giáo tông, đều y cứ kinh điển tu hành, và tụng kinh là một trong những pháp môn tu tập quan trọng.

     Vậy tại sao người xưa nhờ tụng kinh được khai ngộ, còn chúng ta ngày nay thì không? Đó là người xưa khi nghe Pháp hay tụng kinh đều vận dụng tâm chí thành tha thiết để lắng nghe và tư duy nghĩa lý. Nhờ tâm chí thành nên thành tựu pháp chỉ, hay định tâm; nhờ tâm tư duy quán chiếu nên thành tựu pháp quán hay tuệ giác. Tụng kinh và nghe Pháp với tâm tương ưng chỉ quán hay định tuệ như vậy, đương nhiên sẽ được giác ngộ, giải thoát. Vì lẽ, chỉ và quán là nhân của định và tuệ; định và tuệ là nhân của giải thoát và giác ngộ. Nhân tu và quả chứng không bao giờ sai chạy.

     Cho nên, khi tụng kinh, người Phật tử miệng đọc lời Phật dạy, tai lắng nghe tiếng kinh, tâm tư duy nghĩa lý và tùy thời quán xét lại mình như đang đích thân nghe đức Phật thuyết Pháp. Làm được như vậy, người Phật tử lần lần sẽ nhất tâm, trí tuệ tăng trưởng, nhất định có ngày khai ngộ.

     Xin mọi người hãy đọc kinh như đọc lại chính con người mình, như đang tự soi xét và sửa mình trước tấm gương tuệ giác của chư Phật.

     

       Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát                

       Tu Viện Thiện Tường,

       Ngày 10 tháng 05, 2018

       Sa-môn Sakya Minh-Quang kính ghi

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Về ý nghĩa tu hành qua văn-tư-tu, xin đón đọc quyển Chánh Kiến Tu Hành Qua Văn Tư Tu của bút giả. Phần bàn luận về chánh kiến và văn-tư-tu này vốn định in chung với quyển Nghi Thức Huân Tu Hằng Ngày như kết hợp giữa pháp học và pháp hành, nhưng vì khuôn khổ quyển kinh có hạn, nên người viết đã quyết định xuất bản riêng.

[2] 「非汝不悟。非我不識。文字法師無及汝者。」Xem “Pháp Hoa Khoa Chú”, Tục Tạng, tập 30, tr. 632a.

[3] Kinh Phật Bát Nê Hoàn, Đại Chánh Tạng, quyển 1, trang 161.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page