top of page

Trang Nhà  < Bài Viết  <  Tin Sâu Hiểu Chắc

Tin Sâu Hiểu Chắc

    Học Phật là học theo hạnh Phật, lấy đức Phật làm tấm gương sáng học hỏi, để cuối cùng thành Phật. Muốn được như vậy, trước hết người học Phật phải có lòng tin sâu hiểu chắc (tín giải). Nói tin sâu hiểu chắc là tin hiểu mình có đầy đủ Phật tánh hay khả năng thành Phật. Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, còn tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành.” Bút giả cũng từng bảo: “Người con Phật phải tin hiểu mình là một vị Phật đang thành!”

    Trước hết, lòng tin hiểu này cũng giúp người học Phật vượt qua chướng ngại tâm lý mặc cảm tội lỗi. Có nhiều Phật tử hay bảo: “Con còn tham sân nhiều lắm, chưa tu được!” Hay nói: “Tánh con nóng nảy, nghiệp chướng nặng nề, làm sao tu được?” Nhưng tánh Phật vốn bình đẳng, mình dù xấu ác cách mấy cũng chưa đến mức như Đề-bà-đạt-đa phạm tội giết Phật phá Tăng, hay Vua A-xà-thế giết cha giam mẹ. Thế mà, cuối cùng đức Phật cũng thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa thành Phật (Kinh Pháp Hoa), chuyển hóa Vua A-xà-thế thành một Phật tử thuần thành, hộ trì Phật Pháp (Kinh Quán Vô Lượng Thọ). Thực ra, dù tham sân si mình có dẫy đầy như thế nào, chúng chỉ là thứ ngoại lai, hay khách trần phiền não đến đi bất định mà không phải ông chủ thường trú là chân tâm thanh tịnh, không sinh không diệt. Thiền sư Huyền Giác bảo:

Năm uẩn giả, như mây qua lại

Ba độc không, tợ bọt nổi chìm!

        (Chứng Đạo Ca)

 

Vậy nên, tham sân si tuy có mà không phải thực có! Đây là “tập” mà không phải là “tánh”. Tập là tập khí, tức thói quen hình thành qua việc huân tập ở đời này, đời trước, hay nhiều đời về trước. Cho nên, nó không phải là bản tánh sẵn có của chúng ta. Tánh của chúng ta là Phật tánh, tức tánh giác bình đẳng nơi mỗi chúng sinh. Vì vậy, Phật tử không nên “nhận giặc làm con”, hợp lý hóa tập khí tham sân của mình bằng câu “tánh tôi vốn như vậy đó!”

    Lại nữa, lòng tin hiểu này giúp người học Phật có chí hướng thượng, không còn tự cam đọa lạc nơi hiện cảnh. Đây gọi là: “Kia là trượng phu, ta đây cũng vậy, không nên tự khinh mình mà lui sụt.” (Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất.” Ngày xưa, Thái tử Tất-đạt-đa cũng sống trong ngũ dục, có vợ có con như phàm phu chúng ta, thế mà Ngài có thể từ bỏ tất cả để xuất gia tu hành, tại sao mình lại không thể? Trong dòng lịch sử Phật giáo, có biết bao nhiêu vị vua chúa, trưởng giả giàu sang quyền quý đã bỏ tất cả để xuất gia cầu Đạo giải thoát. Ví dụ, Hoàng tử Mahinda con Hoàng đế Asoka thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên ở Ấn Độ đã từ bỏ vương vị, xuất gia tu hành và có công truyền bá Phật giáo đến Sri Lanka. Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh Trung Quốc đã từ bỏ ngai vàng xuất gia năm 24 tuổi. Vua Trần Nhân Tông đời Trần Việt Nam đã xuất gia với Đạo hiệu Điều Ngự Giác Hoàng, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

    Lại nữa, xuất gia tu hành không chỉ có nghĩa là xuống tóc từ bỏ gia đình, vào chùa tu học. Theo tinh thần Đại thừa, “Phát tâm Bồ-đề chính là xuất gia” (Kinh Duy-ma-cật). Cho nên, Kinh Tám Điều Giác Ngộ khuyên hàng cư sĩ hãy:

 

Lập nguyện lớn cầu Vô thượng Đạo

Hạnh kiên trì hoài bão lợi sanh

Dù bao chướng ngại tu hành

Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi!

    (Điều Giác Ngộ Thứ Bảy)

 

Trong lịch sử Phật giáo, có vô số vị cư sĩ ngộ đạo, hộ trì Chánh Pháp như Cư sĩ Duy-ma-cật, Phu nhân Thắng Man… ở Ấn Độ, Gia đình Bàng Uẩn, cư sĩ Tô Đông Pha… ở Trung Quốc, Vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ… ở Việt Nam. Đây chính là minh chứng cho câu kinh:

 

Thân tuy ở tục qua ngày

Tâm không đắm nhiễm trần ai thói đời!

 

    Như vậy, trước khi có đủ duyên “cạo đầu” thì các Phật tử tại gia hãy “cầu Đạo” trước. Cầu Đạo bằng cách cạo bỏ tâm phiền não tham, sân, si, là nguyên nhân khiến mình trôi lăn trong biển khổ sinh tử! Có nỗ lực hướng thượng cầu Đạo, dù là cư sĩ cũng là “thân tại gia mà tâm xuất gia!” Còn nếu đủ duyên xuống tóc đắp y, sẽ là người “thân tâm đều xuất gia”, thay Phật hoằng Pháp, gánh vác gia nghiệp Như Lai! Đây gọi là:

 

Cầu Đạo hôm nay được cạo đầu

Cạo đầu chưa dễ cạo tâm đâu!

Cạo tâm mới thực là cầu Đạo

Cầu Đạo hôm nay được cạo đầu!

 

    Tóm lại, tin hiểu sâu chắc tánh Phật bình đẳng là nền tảng vô cùng quan trọng trong việc học Phật để thành Phật.

 

Con tự quy y Phật

Nguyện tất cả chúng sinh

Tin hiểu Đạo Vô thượng

Đồng phát Bồ-đề tâm.

 

    Nhân mùa Phật đản, kính nguyện tất cả người con Phật có được lòng tin sâu chắc nơi lời Phật dạy, nơi chính mình, để có thể sống hướng thượng, như đóa sen lành thơm sạch giữa bùn nhơ ngũ dục!

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Sakya Minh-Quang kính ghi

Ngày 11/05/2019

(Vài dòng tản mạn ở sân bay Charlotte NC, trong lúc ngồi đợi vì máy bay bị delayed trên đường sang Boston MA hoằng Pháp)

chu-tieu-0036.jpg
bottom of page