top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết  < Bài Tụng Tri Ân Tổ Sư Giảng Giải

KỆ TỤNG TRI ÂN LỊCH ĐẠI TỔ SƯ

Sa-môn Sakya Minh-Quang

Biên soạn, chú thích và giảng giải

  * Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư

  1. Kính lạy bao đời chư Tổ
    Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
    Xả thân trao đèn tiếp lửa
    Đến con thế hệ hôm nay.
     

  2. Tăng Hội ươm mầm Phật Việt
    Trúc Lâm lớn rộng rừng thiền
    Phế hưng bao triều thay đổi
    Nhờ Người Pháp vẫn hoằng truyền!
     

  3. Buổi đầu khai sơn tạo tự
    Khổ tâm nuôi dạy Tăng tài.
    Dịch kinh, hoằng luật vất vả
    Xây nền Phật Pháp tương lai.
     

  4. Thân giáo hành trì miên mật
    Âm thầm tên tuổi ai hay?
    Cùng viết nên trang sử Phật
    Mấy ngàn thu vẫn chưa phai.
     

  5. Người vượt núi rừng sa mạc
    Biển khơi gió bão vô thường
    Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ
    Thương đời một quyết lên đường.
     

  6. Vì Đạo dấn thân cõi hiểm
    Cung tên tà ác khắp nơi
    Một giáp cà sa an nhẫn
    Gươm tuệ vô úy sáng ngời.
     

  7. Sư Tử đầu rơi bình thản
    Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn
    Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp
    Đạo tâm thực chẳng nghĩ bàn.
     

  8. Tây Trúc dấu truyền kinh quý
    Rọc da xẻ thịt mang đi
    Chịu bao đớn đau, khổ nhục
    Miễn đời biết Đạo, sá gì.
     

  9. Đông Độ cao tăng cầu Pháp
    Xương phơi sa mạc Gobi
    Ngàn đi, bao người trở lại?
    Huyền Trang… vài vị sử ghi!
     

  10. Phật Việt gặp thời Pháp nạn
    Thiêu thân thức tỉnh lương tri
    Trái tim Bồ-tát Quảng Đức
    Mãi còn một phiến từ bi.
     

  11. Con nay nhận lãnh Chánh Pháp
    Đổi bằng xương máu người xưa
    Bao đời giúp nên huệ mạng
    Nát thân cũng trả chưa vừa.
     

  12. Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
    Truyền đèn nối lửa tương lai
    Trải thân một lòng hành đạo
    Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.
     

  13. Nguyện cầu Chánh Pháp cữu trụ
    Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì
    Tri ân, dâng lời thệ nguyện
    Cầu trên Phật Tổ chứng tri.

IMG_3865.JPG

** Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư
Verses of Gratitude toward the Dharma Patriarchs

  1. Kính lạy bao đời chư Tổ
    Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
    Xả thân trao đèn tiếp lửa
    Đến con thế hệ hôm nay.
     

I pay homage to the Dharma Patriarchs through the ages
Who have transmitted the Dharma lamp from the Buddha to our generation
For the course of disseminating the Dharma,
The Patriarchs have compassionately sacrificed their lives.
 

2. Tăng Hội ươm mầm Phật Việt
Trúc Lâm lớn rộng rừng thiền
Phế hưng bao triều thay đổi
Nhờ Người Pháp vẫn hoằng truyền!
 

Khuong Tang Hoi (Kang Senghui) sowed the seeds of Dharma in the ground of Vietnam [in the third century]
That later became the forest of Truc Lam Zen lineage [in the Tran Dynasty]
Though many dynasties have risen and fallen
Thanks to the efforts of our Patriarchs, the Dharma has continued until today.
 

3. Buổi đầu khai sơn tạo tự
Khổ tâm nuôi dạy Tăng tài.
Dịch kinh, hoằng luật vất vả
Xây nền Phật Pháp tương lai.
 

At the dawn of Buddhism in a new land,
Some Patriarchs hardworkingly established monasteries and trained able monastics
Others painstakingly translated sutras and taught Vinaya
Their efforts were to set up a solid foundation for the development of Buddhism in the future.
 

4. Thân giáo hành trì miên mật
Âm thầm tên tuổi ai hay?
Cùng viết nên trang sử Phật
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai.
 

Also, some have devoted themselves entirely to meditation
Action speaks louder than words, they have quietly taught Dharma by their pure and noble conducts.
No matter well-known or unknown, they have greatly contributed to the cause of transmitting the Dharma
Thanks to their contributions, the history of Buddhism has continued until today.
 

5. Người vượt núi rừng sa mạc
Biển khơi gió bão vô thường
Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ
Thương đời một quyết lên đường.
 

Some Patriarchs went across jungles or desserts
Others sailed through oceans to spread the Dharma
They had to face all sorts of considerable danger
However, out of compassion our Patriarchs were determined to set out on the journey
Life and death were not in their thoughts.

6. Vì Đạo dấn thân cõi hiểm
Cung tên tà ác khắp nơi
Một giáp cà sa an nhẫn
Gươm tuệ vô úy sáng ngời.
 

For the cause of spreading the Dharma, our Patriarchs have risked their lives
They have encountered vicious attacks by evil forces existing everywhere
However, with the armor of patience and tolerance, the sword of insight and the heart of fearlessness
Our Patriarchs have bravely encountered adverse circumstances.
 

7. Sư Tử đầu rơi bình thản
Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn
Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp
Đạo tâm thực chẳng nghĩ bàn.
 

Zen Patriarch Aryasimha was fearlessly beheaded
Another Zen Patriarch Bodhidharma was at ease though being poisoned many times
To seek the Truth, the Dharma Master Shen Guang (Thần Quang) devotedly stood in deep snow and cut off his arm
The Bodhi-mind of Patriarchs is truly unconceivable! 
 

8. Tây Trúc dấu truyền kinh quý
Rọc da xẻ thịt mang đi
Chịu bao đớn đau, khổ nhục
Miễn đời biết Đạo, sá gì.
 

From India, the Dharma Master Pramiti brought to China the Śūraṁgama sutra, which was forbidden to bring abroad at that time
To hide the sutra, the Master cut His thigh and put it into the wound
For the sake of beings, He was willing to experience extreme suffering and humiliation.
 

9. Đông Độ cao tăng cầu Pháp
Xương phơi sa mạc Gobi
Ngàn đi, bao người trở lại?
Huyền Trang… vài vị sử ghi!
 

From China, many Grand Dharma Master went to India for seeking the sutras
On the Western journey, many of them died in the Gobi Desert
Only a small number of pilgrims successfully returned
The Grand Master Xuan Zhuang (Huyền Tráng) was one of them.
 

10. Phật Việt gặp thời Pháp nạn
Thiêu thân thức tỉnh lương tri
Trái tim Bồ-tát Quảng Đức
Mãi còn một phiến từ bi.
 

When Buddhists in Vietnam encountered the persecution of the authorities
To protect Buddhism, the most Venerable Thích Quảng Đức sacrificed himself on a fire to appeal to the conscience of the evil
His heart of compassion is the heart of a Boddhisattva, which lasts forever.
 

11. Con nay nhận lãnh Chánh Pháp
Đổi bằng xương máu người xưa
Bao đời giúp nên huệ mạng
Nát thân cũng trả chưa vừa.
 

The Dharma we receive today is exchanged by the lives of the ancients
Thanks to them we can find the Truth and fulfil our spiritual life
The grace of Patriarchs is so great that we cannot repay even sacrificing our lives.

12. Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai
Trải thân một lòng hành đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.
 

We vow to continue the old path of our Masters and Patriarchs
By transmitting the Dharma lamp to the next generation
Though we will endure considerable hardship to perform the Bodhisattva Way for eons
We never hesitate or withdraw.
 

13. Nguyện cầu Chánh Pháp cữu trụ
Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì
Tri ân, dâng lời thệ nguyện
Cầu trên Phật Tổ chứng tri.
 

We pray that the Dharma will last forever
The Sangha is pure and harmonious to disseminate the Dharma.
With great gratitude we offer the Buddha and Patriarchs this prayer
Please verify our sincere mind.
 

Composed in Vietnamese and translated in English by Ven. Sakya, Minh-Quang
On July 31, 2021, at Thien Tuong Temple

*** Chú thích và Giảng giải

  1. Dẫn nhập
     

Kính lạy bao đời chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
Xả thân trao đèn tiếp lửa
Đến con thế hệ hôm nay.

Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai
Trải thân một lòng hành đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.[1]

    Trên đây là hai đoạn kệ tụng khởi đầu và trước khi kết thúc trong bài “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”. Bài kệ tụng này gồm 13 khổ thi kệ bốn câu, bao quát ân đức của chư vị Tổ sư nhiều đời, từ Tây Thiên, Đông Độ… cho đến Việt Nam. Những bậc Tổ Sư này đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Phật Pháp và chúng sinh. Với tinh thần: “Ta không tiếc sinh mệnh, chỉ tiếc Đạo Vô Thượng”[2], chư Tổ sẵn sàng hy sinh ngay cả sinh mệnh của mình để bảo vệ, giữ gìn và truyền trì mạng mạch Phật Pháp!

    Đạo Phật đã có hơn 2600 năm lịch sử và có mặt hầu như mọi nơi trên thế giới. Dù trải qua bao triều đại hưng phế, bao thăng trầm Pháp nạn, mạng mạch Phật Pháp vẫn tiếp tục truyền thừa.

 

    Được như vậy, đây là nhờ chư Tổ đã xả thân phụng hành, hộ trì và hoằng dương Chánh Pháp. Có những vị khai sơn tạo tự, dựng lập đạo tràng, nuôi dạy tăng tài. Có những vị dịch kinh, chú giảng, đi khắp nơi hoằng Pháp lợi sinh. Có những vị chuyên tu giới định tuệ, làm mô phạm cho hàng hậu học. Lại có những vị gặp thời Pháp nạn, hy sinh ngay cả mạng sống của mình để bảo vệ Chánh Pháp. Còn có biết bao công hạnh hộ trì và hoằng dương Chánh Pháp của chư Tổ xưa nay mà chúng ta không sao biết rõ và kể ra hết được!

    Trong bao đời Tổ Sư, có những vị vừa là Cao tăng vừa là Danh tăng, công nghiệp vĩ đại, danh tiếng như tiếng sấm vang rền, được người đương thời hay lịch sử ghi nhận. Có những vị Cao tăng nhưng không phải Danh tăng, nội tại thâm sâu và đạo hạnh vững chãi như ngọn núi lớn, nhưng lặng yên, âm thầm cống hiến cho đời, ít ai biết đến.[3] Các bậc Cao tăng dù nổi tiếng hay âm thầm, các Ngài đã

 

Cùng viết nên trang sử Phật
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai!

 

Cho nên, là người con Phật, chúng ta phải thấu hiểu, trân quý, và tri ân người xưa đã gìn giữ và trao truyền gia tài vô giá này. Từ lòng tri ân chúng ta sẽ phát khởi tâm báo ân, đó là phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát nguyện, tiếp tục giữ gìn và truyền thừa Chánh Pháp cho thế hệ tương lai! Đây không những là bổn phận mà còn là trách nhiệm của tất cả người con Phật chúng ta, dù xuất gia hay tại gia.

     Ân đức của lịch đại Tổ Sư đối với việc truyền trì Chánh Pháp to lớn như vậy, nhưng trong kho tàng văn học Phật giáo Việt nam cho đến hiện nay vẫn chưa có một bài kệ tụng nào ghi nhận công đức tiền nhân, bao quát từ Phật giáo Tây Trúc, Đông Độ, cho đến Việt Nam. Hệ quả là, trong những ngày giỗ Tổ tại các Tổ Đình, tự viện…, hay trong những ngày Hiệp Kỵ Tổ Sư của các tổ chức giáo hội hay Tông môn Pháp phái, vẫn chưa có một bài kệ tụng tri ân lịch đại Tổ Sư thích hợp để cho các hàng hậu học hành trì đọc tụng, qua đó ôn lại hạnh đức cao tột và công đức vô lượng của người xưa. Nhận thấy việc thiếu sót này, bút giả đã mạo muội biên soạn “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư” với tâm nguyện đáp ứng nhu cầu tu học và hoằng Pháp cho hàng Phật tử xuất gia và tại gia trong hiện tại, cũng như góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam xưa nay.

    Vì soạn phẩm súc tích theo thể thi kệ, lại chứa đựng nội dung phong phú, bao gồm lịch sử, thiền sử Phật giáo, điển tích thi ca, Pháp nghĩa v.v…, nên rất cần sự chú giảng rõ ràng đối với người sơ học. Người đọc tụng có hiểu được nội dung kệ tụng, tích truyện Tổ Sư … trong đó, mới có thể khởi lòng tri ân, trân quý Chánh Pháp và phát nguyện kế tục truyền trì. Cho nên, sau đây sẽ là phần Pháp nghĩa, chú giảng rõ ràng từ ngữ, điển tích, lịch sử… trong từng bài kệ bốn câu của bài “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”.

2. Pháp Nghĩa Nội Dung Kệ Tụng

  1. Kính lạy bao đời chư Tổ
    Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
    Xả thân trao đèn tiếp lửa
    Đến con thế hệ hôm nay.

     

- Như Lai, Tổ Sư, Chánh Pháp, truyền đăng tục diệm
 

     Bài kệ đầu tiên là kính lễ tri ân lịch đại Tổ sư. Cho nên, kệ tụng mở đầu ghi:
 

Kính lạy bao đời chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai.

 

     Nhờ có chư Tổ hết lòng truyền đăng tục diệm (trao đèn tiếp lửa), xả thân duy trì mạng mạch Phật Pháp, nên dù trải qua bao thăng trầm Pháp nạn, Chánh Pháp vẫn còn tồn tại cho đến thế hệ chúng ta hôm nay.

Xả thân trao đèn tiếp lửa
Đến con thế hệ hôm nay.

     Bài kệ này cũng hàm ý kính lễ Tam Bảo: Phật Pháp Tăng theo truyền thống. “Kính lạy bao đời chư Tổ”: Tăng Bảo. “Trao truyền Chánh Pháp”: Pháp Bảo. “Như Lai”: Phật Bảo.

     Như Lai là gì? Như Lai là một trong mười đức hiệu của đức Phật. Mười đức hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.[4] Như Lai có hai nghĩa:

    (1) Đức Phật là người đã chứng ngộ chân lý như thật của vũ trụ nhân sinh, cho nên nói ra lời gì đều đúng với sự thật. Lại nữa, lời nói đức Phật đúng với việc làm, và việc làm đều đúng với lời nói. Vì vậy, đức Phật được gọi là Như Lai.  Kinh Thanh Tịnh trong Trường A-hàm nói: “Phật từ đêm đầu tiên thành Tối Chánh Giác, đến đêm cuối cùng, trong khoảng thời gian đó có nói ra lời nào đều là đúng với sự thật (như thật), nên gọi là Như Lai. Lại nữa, lời Như Lai nói đúng như việc làm, việc làm đúng như lời nói. Nên gọi là Như Lai.”[5]

    (2) Vì đức Phật nương chân lý mà đến, từ chân như mà hiện thân, nên được xưng là Như Lai. Luận Đại Trí Độ nói: “Hành sáu ba-la-mật đắc thành Phật đạo , (…) nên gọi là Như Lai. (…) Trí biết các pháp như (thật), từ trong như (thật) mà đến nên gọi là Như Lai.”[6]

 

- Thế nào là Tổ hay Tổ Sư?

    Tổ Sư là bậc “hạnh giải tương ưng”, truyền trì Pháp tạng, hay là vị khai sáng ra một tông phái nào đó (khai tổ). Ví dụ, Thiền tông có 28 vị Tổ Tây thiên và sáu vị Tổ Đông độ.  Tổ Bồ-đề Đạt Ma nói: “Sáng tỏ tâm tông của Phật, bình đẳng không có sai lầm, hạnh giải tương ưng, gọi đó là Tổ.”[7] Ngoài ra, đối với các bậc cao tăng thạc đức, có công đóng góp cho Phật giáo ở những thế hệ trước đều được gọi chung là Tổ.

- Chánh Pháp là gì?

    Chánh Pháp正法 (S. sad-dharma; P. saddhamma): Đây là chỉ cho giáo Pháp chân chính của đức Phật. Chánh Pháp còn được gọi là bạch pháp (śukla-dharma), tịnh pháp, hay diệu pháp. Ví dụ, tựa Kinh Diệu Pháp Liên Hoa 妙法蓮華經( S. Saddharmapuṇḍarīka), Chánh Pháp (Saddharma) được dịch là Diệu Pháp. 

    Kinh Tạp A-hàm nói: “Ta nay sẽ dùng Chánh Pháp phó chúc cho người và thiên nhân. Chư thiên và người đời nếu cùng nhau nhiếp thọ pháp, thì giáo Pháp ta sẽ tồn tại ngàn năm không động.”[8]

    Kinh Tăng Nhất A-hàm: “Chánh Pháp là nơi dục mà dứt trừ tưởng khát ái; Chánh Pháp là nơi dục mà trừ dục; Chánh Pháp là đoạn được dòng sông sinh tử. Hành Chánh Pháp được pháp bình đẳng. Thắp sáng Chánh Pháp này chấm dứt các đường ác. Tìm Chánh Pháp này sẽ đến được chỗ an lành. Chánh Pháp đoạn được lưới ái, thực hành Chánh Pháp từ hữu (vi) đến vô (vi). Thực hành Chánh Pháp thì sáng tỏ, không có chỗ nào mà không soi chiếu đến. Chánh Pháp đạt đến cảnh giới niết-bàn.”[9]

    Phẩm “Chứng Khuyến” trong Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã Ba-la-mật nói: “Bồ-tát Ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì thông đạt tất cả các pháp gọi là Chánh Pháp. Đó chính là thông đạt bình đẳng tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát thánh đạo, không, vô tướng, vô nguyện. Đây gọi là Chánh Pháp.”[10]

 

- Trao đèn tiếp lửa

     Trao đèn tiếp lửa là dịch từ thành ngữ Phật giáo “truyền đăng tục diệm” (傳燈續焰). Sao gọi là truyền đăng? Truyền đăng chính là truyền Pháp. Thầy truyền Pháp cho trò; trò lại truyền cho thế hệ tiếp theo khiến Chánh Pháp cữu trụ nên gọi là truyền đăng. Pháp có thể phá trừ vô minh như đèn có thể phá trừ bóng tối, nên dùng đèn để dụ cho Pháp. Kinh Đại Bát-nhã nói: “Như Lai vì người khác tuyên nói Pháp yếu đều không trái với pháp tánh. Các đệ tử Phật y nơi Pháp này tinh cần tu học, chứng được thực tánh của các pháp. Do đó, các đệ tử Phật này có nói ra đều không trái với pháp tánh. Cho nên, lời Phật dạy như ngọn đèn truyền cho nhau để soi sáng.”[11] 

     Trong Kinh Duy-ma-cật, các thiên nữ được cư sĩ Duy-ma-cật khai thị đã phát Bồ-đề tâm, hâm mộ Pháp lạc, từ bỏ dục lạc, nhưng phải trở về cung ma Ba Tuần nơi cõi trời dục giới thứ sáu. Sống bao vây trong cảnh dục như vậy người tu phải làm sao?

     Cư sĩ Duy-ma-cật đã khai thị cho các thiên nữ này: “Này các cô, có một pháp môn gọi là “vô tận đăng” (ngọn đèn vô tận) mà các cô nên học. Vô tận đăng có nghĩa, ví như một ngọn đèn thắp cho trăm ngọn đèn, ngàn ngọn đèn… để soi sáng bóng đêm, khiến ánh sáng không dứt. Cũng vậy, này các cô! Một vị Bồ-tát khai ngộ, dẫn dắt cho trăm ngàn chúng sinh, giúp họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nơi Đạo tâm của mình cũng không mất. Tùy theo chỗ thuyết Pháp mà tự mình tăng trưởng tất cả thiện pháp. Đây gọi là vô tận đăng. Các cô tuy ở tại cung ma dùng ngọn đèn vô tận này để khiến vô số thiên tử, thiên nữ phát tâm Bồ-đề, vì báo ân Phật mà cũng là làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh.”[12]

     Luận Đại Trí Độ: “Sở dĩ phó chúc là vì không để cho Pháp (bát-nhã) bị diệt. Ông nên giáo hóa đệ tử. Đệ tử lại giáo hóa người khác. Lần lượt giáo hóa lẫn nhau như vậy. Ví như một ngọn đèn lại thắp cho ngọn đèn khác thì ánh sáng càng thêm. Đừng làm người cuối cùng đứt mất dòng giống (đoạn chủng). Người đời có con, nếu không có người nối dõi thì gọi là đứt mất dòng giống. Đây là việc hổ nhục nhất. Đức Phật lấy điều này làm ví dụ nên bảo A-nan: ‘Ông đừng nơi thân mình để cho bát-nhã đoạn tuyệt!’”[13]

- Tục diệm là gì?

    Tục diệm là tiếp tục ngọn lửa (diệm), không để cho dứt mất. Đây là chỉ cho ngọn lửa của chiếc đèn truyền đăng. Lại nữa, “tục diệm” cũng lấy ý từ thành ngữ “tân hỏa tương truyền” 薪火相傳, củi và lửa truyền tiếp cho nhau; hay “tân tận hỏa truyền” 薪盡火傳, có nghĩa củi hết nhưng lửa vẫn truyền đi. Đây là chỉ tinh thần giáo dục, thế hệ trước truyền ngọn lửa tri thức cho thế hệ sau. Thành ngữ này có xuất xứ từ sách Trang Tử. Ý tương tự như “truyền đăng tục diệm” trong Phật giáo.

2. Tăng Hội ươm mầm Phật Việt
Trúc Lâm vững chãi rừng thiền
Phế hưng bao triều thay đổi
Nhờ Người Pháp vẫn hoằng truyền!

- Khương Tăng Hội, Phật Việt, Thiền phái Trúc Lâm, đạo tại nhân hoằng

     Trước hết, chúng ta bắt đầu từ lịch sử Phật giáo Việt Nam. Lý do đơn giản là người viết là một tu sĩ Phật giáo Việt Nam! Câu đầu kệ tụng ghi:

Khương Hội Ươm mầm Phật Việt

     Phật Việt chỉ Phật giáo Việt Nam. Khương Hội tức Khương Tăng Hội (?-280). Khương Tăng Hội có cha là người Khương Cư (phía bắc Tân Cương hiện nay), mẹ là người Việt. Cha Ngài sang Giao Chỉ (Việt Nam) buôn bán và định cư tại đây. Ngài sinh và xuất gia tại Việt Nam, có công đức lớn trong bước đầu gây dựng Phật giáo Việt Nam. Ngài chú sớ, biên dịch, và viết lời tựa cho nhiều kinh sách Phật giáo có giá trị. Ví dụ, Ngài viết bài tựa cho Kinh An-ban Thủ Ý, chú sớ và đề tựa cho Kinh Pháp Cảnh, biên dịch Kinh Lục Độ Tập. Ngoài ra, Ngài còn đem Phật giáo truyền đến đất Ngô, Trung Quốc, hóa độ Ngô Quyền quy y Tam Bảo, giúp Phật Pháp được thạnh hành nơi đây. Hiện nay, Khương Tăng Hội được nhiều người xem là sơ tổ của Phật giáo Việt Nam.

     Những hạt mầm Phật giáo được Khương Tăng Hội và những Cao tăng đương thời khác gieo trên đất Việt, trải qua sự chăm sóc, tưới tẩm và bảo vệ của những thế hệ Cao tăng Đại đức từ thời Đinh, Lê cho đến Lý, Trần đã dần dần phát triển thành những khu rừng thiền Phật giáo lớn mạnh. Ví dụ, dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi vào thế kỷ thứ 6, dòng thiền Vô Ngôn Thông thế kỷ thứ 9, dòng thiền Thảo Đường thế kỷ thứ 11 v.v…. Đời Trần (1125-1400) là thời hoàng kim của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật thời này không những xuất hiện những bậc xuất gia lỗi lạc như Thiền sư Đạo Viên tức Quốc sư Trúc Lâm và Thiền sư Tiêu Diêu tức Quốc sư Đại Đăng, mà còn có những bậc Cư sĩ Đế vương hạnh nghiệp kỳ vĩ như Ngài Trần Thái Tông, hay Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhờ vậy, Phật giáo không những được phổ biến rộng rãi, có những thành tựu văn học giá trị, mà còn thành lập được dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, do vị Tổ người Việt khai sáng, đó là Ngài Trần Nhân Tông, xuất gia hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà và sau này là Điều Ngự Giác Hoàng. Cho nên kệ tụng ghi:

Tăng Hội ươm mầm Phật Việt
Trúc Lâm lớn rộng rừng thiền.

    Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam có ba vị Tổ. Sơ Tổ là Thiền sư Điều Ngự Giác Hoàng (1258-1308), Nhị Tổ Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), và Tam Tổ Thiền sư Huyền Quang (1254-1334).  Tác phẩm giá trị: Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông (1218-1277), Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), và nhiều thiền thi kệ tụng khác.

    Theo luật vô thường, có thạnh phải có suy, Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ vào đời Lý, đến đỉnh điểm vào đời Trần, sau đó bắt đầu suy vi. Trước hết là vì nạn ngoại xâm. Năm 1400 Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, lập nên nước Đại Ngu, kéo dài đến năm 1407 liền bị xâm chiếm bởi nhà Minh Trung Quốc. Chính sách đồng hóa và tiêu diệt nguyên khí đất Việt của nhà Minh đã khiến Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng bước vào một thời kỳ đen tối. Những sách vở Phật giáo sáng tác, biên soạn đời nhà Trần như Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Ðẳng Sám Hối Khoa Văn của Trần Thái Tông, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập, Trúc Lâm Hậu Lục, Tăng Già Toái Sự của Trúc Lâm Đầu Đà, tám tác phẩm của Pháp Loa đều không còn tồn tại.

     Nhà sử học Nguyễn Lang nhận định: “Khi nhà Minh xâm chiếm Ðại Việt, tướng Trương Phụ đã thu góp hết cả mọi sách cổ kim chở về Kim Lăng. Mộc bản Ðại Tạng Kinh hoặc đã bị quân minh chở đi hoặc là thiêu hủy. Những công trình xây dựng một nền văn học độc lập của nước ta đã bị Trương Phụ phá hủy quá nhiều.”[14] Sau khi Lê Lợi khởi nghĩa thành công, giành lại độc lập, thành lập nhà Hậu Lê, nhưng Phật giáo không còn như xưa, Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, Phật giáo trở về với Sơn môn và quần chúng.

 

     Đến thời Pháp thuộc không những Phật giáo mà Nho giáo đều ảm đạm. Tuy nhiên tân học và cựu học giao thoa, Việt Nam tiếp xúc môi trường quốc tế, chữ Quốc ngữ ra đời là phương tiện truyền bá Phật Pháp sâu rộng đến quần chúng. Cho nên, trong nguy cơ lại có chuyển cơ, đưa đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi. Phong trào chấn hưng này được khởi xướng từ Thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam, thiền sư Phước Huệ tại miền Trung, và thiền sư Thanh Hanh tại miền Bắc. Do vậy, ba vị được tôn là Tổ của phong trào.[15]

    Sơ lược qua dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy rõ dù triều đại có thay đổi, Phật giáo có thăng trầm thạnh suy, nhưng mạng mạch Phật Pháp vẫn nối truyền không dứt. Đây là nhờ vào những người con Phật xuất gia, tại gia, đứng ra gánh vác sứ mạng hoằng dương Chánh Pháp, lèo lái con thuyền Phật giáo vượt qua phong ba thời cuộc mãi đến thế hệ hôm nay. Vì vậy kệ tụng ghi:

Phế hưng bao triều thay đổi
Nhờ người Pháp vẫn hoằng truyền.

 

     “Nhờ người Pháp vẫn hoằng truyền” là lấy ý từ câu “Đạo tại nhân hoằng”. Đạo Pháp nhờ người hoằng hóa mới có thể truyền bá dài xa và sâu rộng.

     Sau khi bài kệ tri ân lịch đại Tổ Sư khởi đầu từ lịch sử Phật giáo Việt Nam này, chúng ta nói đến công đức của tất cả chư Tổ từ Ấn Độ, Trung Quốc…, cho đến Việt Nam.  

 

3. Buổi đầu khai sơn tạo tự
Khổ tâm nuôi dạy Tăng tài.
Dịch kinh, hoằng luật vất vả
Xây nền Phật Pháp tương lai.

-Khai sơn tạo tự, Tăng Tài, kinh luật

 

     Người xưa nói: “An cư lạc nghiệp”, muốn lạc nghiệp trước phải an cư. Cho nên, khi Phật giáo truyền đến đâu đều phải có cơ sở để đào tạo tăng tài, hoằng dương Chánh Pháp. Thời đức Phật, có tinh xá Trúc Lâm (S. Veṇu-vana Vihara) ở ngoài thành Vương Xá (S. Rājagaha), tinh xá Kỳ Viên (S. Jetavana Vihara) ở ngoài thành Xá-vệ (Savatthi )v.v…. Khi Phật giáo truyền đến các nước Trung Quốc, Việt Nam…, việc trước hết cũng là thành lập đạo tràng, đào tạo tăng tài…. Cho nên kệ tụng ghi:

Buổi đầu khai sơn tạo tự
Khổ tâm nuôi dạy tăng tài

     Khai sơn tạo tự có nghĩa khai phá núi rừng hoang sơn, thành lập đạo tràng, tự viện. Ví dụ, Thiền sư Linh Hựu khai hoang núi Quy (Quy Sơn), thành lập thiền viện, có đến năm trăm đồ chúng theo học.

     Tự có nghĩa chùa. Nhưng “tự” ban đầu chỉ là nơi tiếp đón sứ giả nước ngoài, tương tự nhà lễ tân ngày nay. Đời Hán Minh Đế, hai Ngài Ma-đằng và Trúc Pháp-lan lần đầu đem kinh điển và giới thiệu Phật giáo đến Trung Quốc, được vua tiếp đón tại Hồng Lô Tự và cấp nơi đó làm trụ xứ tạm cho chư tăng. Sau này, vua cho xây Bạch Mã Tự rộng rãi hơn để thỉnh chư tăng về đó cư trú lâu dài, chuyên lo việc dịch kinh và hoằng Pháp. Về sau, “tự” được dùng chuyên chỉ cho tự viện của Phật giáo.

     Tăng tài là chỉ những tăng ni tài đức trong Phật giáo. Tăng tài Phật giáo được đánh giá trước hết ở đạo tâm, đạo phong, đạo hạnh…, rồi sau mới đến khả năng hoằng Pháp như dịch kinh, trước tác, thuyết giảng v.v…. Cho nên, tăng tài Phật giáo không phải chỉ dựa vào tri thức, bằng cấp, khả năng làm việc….

     Người xuất gia cần có đầy đủ tài đức. Tuy nhiên, đức quan trọng hơn tài. Người có đức có thể “thân giáo”, làm mô phạm cho đời. Người có tài có thể “khẩu giáo”, dịch kinh, viết sách, giảng Pháp v.v… giáo hóa cho người. Người tài đức vẹn toàn có đầy đủ thân giáo và khẩu giáo. Thiền tông gọi: “Thuyết thông cập tâm thông, như tuệ nhật đương không”.

     Kinh (S. sutra) là biên tập lại những lời dạy của đức Phật về chân lý của vũ trụ nhân sinh, như những lời dạy về vô thường, duyên khởi, vô ngã, tánh không. Luật (S. Vinaya) là biên tập những lời dạy của Phật về giới tướng và luật định trong Tăng đoàn. Kinh luật còn được gọi là Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya). Đây là hai phương tiện giáo hóa của đức Phật thời còn tại thế.

     Giáo dục Phật giáo đóng vai trò mạng mạch trong việc truyền trì và hoằng dương Chánh Pháp. Sinh mệnh của người tu lấy giới làm thân, lấy tuệ làm mạng sống (giới thân tuệ mạng). Giáo dục Phật giáo chính là nuôi dưỡng giới thân tuệ mạng này. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Duy tuệ thị nghiệp”. Vì vậy, sự nghiệp của người xuất gia là sự nghiệp giáo dục và hoằng Pháp. Phật Pháp sở dĩ được hưng thịnh là nhờ nơi nền tảng giáo dục tăng tài này.

     Kinh Luật ban đầu được truyền thừa qua ghi nhớ và truyền khẩu từ thầy đến trò trải qua nhiều thế hệ. Đến khoảng năm sáu trăm năm sau khi đức Phật nhập niết-bàn, kinh điển mới được ghi lại bằng văn tự. Văn tự kinh điển Phật giáo ở Ấn Độ được ghi bằng ngôn ngữ Sanskrit (Nhất Thiết Hữu Bộ và Đại Thừa) và Pali (Thượng Tọa Bộ). Khi kinh điển được truyền đến nước nào thì được dịch ra ngôn ngữ nước đó. Ví dụ, kinh điển được dịch ra chữ Hán ở Trung Quốc, chữ Tây Tạng ở Tây Tạng, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

     Việc phiên dịch kinh luật là công tác chuyển ngữ, giúp người đọc hiểu được “ngữ nghĩa”. Nhưng muốn hiểu được “Pháp nghĩa” sâu xa, người sơ học cần phải hiểu được Pháp số, thuật ngữ, giáo nghĩa Phật Pháp…. Vì vậy, việc chú thích và giảng giải kinh luật là việc cần làm tiếp theo việc dịch thuật. Kinh chú trọng về Pháp nghĩa và Pháp môn tu tập, thông cả hai chúng xuất gia và tại gia. Luật chú trọng về hành vi, phép tắc, xử lý nội vụ trong Tăng đoàn. Cho nên, ngoài việc khai sơn tạo tự, đào tạo tăng tài, chư Tổ còn phải

Dịch kinh, hoằng luật vất vả
Xây nền Phật giáo tương lai.

~~~~~~~~~~~~~~~~

4. Thân giáo hành trì miên mật
Âm thầm tên tuổi ai hay?
Cùng viết nên trang sử Phật
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai.

-Thân giáo, khẩu giáo, trì chứng Pháp, trì giáo Pháp

     Luận Đại Tỳ-bà-sa nói: “Khế kinh nói: Có hai loại bổ-đặc-già-la (S. pudgala; chỉ con người, hay chúng sinh, chủ thể sinh tử) có thể trụ trì Chánh Pháp. Đó chính là người nói (thuyết giả) và người hành (hành giả). (…) Người hành Chánh Pháp cũng có hai loại: (1) Trì giáo Pháp, (2) Trì chứng Pháp. Trì giáo Pháp là nói đọc tụng, giải nói kinh, luật, luận. Trì chứng Pháp là nói có thể tu chứng Thánh đạo vô lậu. Nếu người trì giáo Pháp tiếp nhau luôn không dứt có thể khiến thế tục Chánh Pháp cữu trụ. Nếu người trì chứng Pháp tiếp nhau luôn không dứt, có thể khiến thắng nghĩa Chánh Pháp cữu trụ.”[16]

     -Người có đức tu, âm thầm phụng sự Tam Bảo, hay chuyên tâm hành trì nhưng ít tri thức, không có khẩu tài hay hay khả năng viết lách thì ít được mọi người biết đến. Nhưng đó là những bậc chân tu thạc đức, làm thạch trụ thiền môn, giữ gìn thắng nghĩa Chánh Pháp. Cho nên kệ tụng ghi:

Thân giáo hành trì miên mật
Âm thầm tên tuổi ai hay?

     Tuy nhiên, tất cả những vị dù “trì giáo Pháp” hay “trì chứng Pháp”, dùng thân giáo hay khẩu giáo hoặc cả hai, đều có công đức lớn đối với việc hoằng dương và truyền trì Phật Pháp. Người xưa nói: “Chúng sinh đa bệnh, Phật Pháp đa môn, Bồ-tát đa hạnh”. Cho nên, chư Tôn đức có vị chuyên xây chùa tháp, có vị nuôi dạy tăng tài, có vị dịch kinh viết sách, có vị giảng kinh thuyết luật, có vị dấn thân vào đời, có vị ẩn cư chuyên tu…. Chỉ cần là một vị chân tu, dù làm bất cứ việc gì, hay không cần làm gì cả, cũng là những bậc mô phạm đáng kính đánh quý, góp phần viết nên những trang lịch sử vàng son cho Phật giáo xưa nay. Cho nên kệ tụng ghi:

Cùng viết nên trang sử Phật
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai!

~~~~~~~~~~~~

5. Người vượt núi rừng sa mạc
Biển khơi gió bão vô thường
Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ
Thương đời một quyết lên đường.

-Những con đường truyền bá Phật giáo

 

Người vượt núi rừng sa mạc
Biển khơi gió bão vô thường

     Người đệ tử xuất gia thay Phật hoằng Pháp, dù thời đức Phật hay thời sau đức Phật đều phải vượt qua những chặng đường xa xôi, đem Chánh Pháp đến với mọi người. Chúng ta thử tìm hiểu những con đường hoằng Pháp này như thế nào.

-Truyền bá Chánh Pháp thời đức Phật:

     Phật Pháp khởi nguồn từ Ấn Độ từ đó lan tỏa ra các quốc gia và khu vực lân cận, cho đến hiện nay hầu như đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Được như vậy đó là nhờ tinh thần hoằng Pháp của đức Phật Bổn Sư từ những ngày đầu mới thành Đạo. Ngay sau khi thành Đạo, đức Phật đã đến vườn Lộc Uyển, thuyết giảng bài Pháp đầu tiên là Tứ Thánh Đế để độ cho những người bạn đồng tu khổ hạnh khi xưa là năm huynh đệ A-nhã Kiều-trần-như. Sau đó, đức Phật đã dặn dò các vị A-la-hán đầu tiên này hãy chia nhau ra đi các nơi hoằng Pháp. Bản thân đức Phật cũng lên đường hoằng Pháp lợi sinh. Lời dặn dò này của đức Phật được xem như Tuyên Ngôn Hoằng Pháp đầu tiên của Phật giáo: “Này các Tỳ kheo!... Hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ”.[17]

-Truyền bá Chánh Pháp sau thời đức Phật

 

     Sau khi đức Phật nhập niết-bàn, các hàng đệ tử xuất gia tiếp tục sứ mạng đi các nơi hoằng Pháp lợi sinh. Chư vị xuất gia này đã vượt qua biên giới Ấn Độ, đến các nước Tây Vực, rồi sang Trung Quốc bằng đường bộ, hay vượt biển đến Tích Lan, Giao Châu (Việt Nam), Indonesia, Trung Quốc bằng đường thủy. Ví dụ, Trưởng lão Mahinda và Ni trưởng Sangamitta, con trai và con gái của Vua Ashoka đã đem Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravada Buddhism) đến Tích Lan vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Lại nữa, Phật giáo đã truyền ra nước ngoài từ phía bắc Ấn Độ, đến nước Đại Nguyệt Chi (bao gồm một phần phía bắc Ấn Độ, Afghanistan và Pakistan hiện nay) rồi vào Trung Quốc qua con đường tơ lụa (the silk road) vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Ví dụ, Ngài Ma-đằng, Trúc Pháp Lan đến Trung Quốc giới thiệu Phật giáo vào thế kỷ thứ nhất và Bạch Mã tự được xây dựng vào năm 68 đời Hán Minh Đế. Ngoài ra, Phật giáo còn được truyền đến Indonesia, Giao Châu Việt Nam và Trung Quốc v.v…. qua con đường thủy (“maritime silk road”) cũng vào khoảng thế kỷ thứ nhất.  

     Dù là đường thủy hay đường bộ, tất cả đều vô cùng nguy hiểm vào thời đó. Đường bộ thì sợ cướp bóc, bão cát v.v…. Đường thủy thì gió bão, hải tặc…. Cho nên nói:

Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ
Thương đời một quyết lên đường.

     Có hiểu được lịch sử truyền bá Chánh Pháp của Phật giáo, chúng ta mới thấy thương kính và tri ân công đức của người xưa, những người đã ra đi vì lý tưởng hoằng Pháp lợi sinh, không nghĩ ngợi, đắn đó đến an nhàn cá nhân và sống chết bản thân!

~~~~~~~~~~~~~~~

6. Vì Đạo dấn thân cõi hiểm
Cung tên tà ác khắp nơi
Một giáp cà sa an nhẫn
Gươm tuệ vô úy sáng ngời.

-Nhà Như Lai, Y Như Lai, Tòa Như Lai

 

     Như trên đã nói, ngày xưa Chư Tổ vì truyền bá Phật Pháp đã vượt đường xa để đến những vùng đất mới. Các Ngài đã phải đối diện với rất nhiều thử thách, khó khăn, nguy hiểm. Những khó khăn nguy hiểm này không phải chỉ vì phải vượt qua núi rừng, sa mạc, biển khơi…, mà còn phải đối mặt trước những âm mưu chống phá, hãm hại, bạo lực… của ngoại đạo tà ác hay thế lực chính quyền bất nhân. Cho nên kệ tụng ghi:

Vì Đạo dấn thân cõi hiểm
Cung tên tà ác khắp nơi.

     Thuở Phật còn tại thế, Tôn giả Phú-lâu-na một trong mười đại đệ tử của đức Phật, đã sẵn sàng hy sinh thân mạng của mình đến những vùng xa xôi, nhiều người tà ác chưa biết đạo để giáo hóa họ. Ngài được tôn xưng là “thuyết Pháp đệ nhất”, có lẽ không phải chỉ vì Ngài thuyết Pháp trôi chảy, âm thanh thanh tao, có nhiều quần chúng hâm mộ v.v…, mà chính vì sức mạnh nhẫn nhục, tinh thần vô úy, dám dấn thân vào chỗ khó khăn để cảm hóa, cứu độ những người bạc ác, chưa biết đạo!

     Kinh Pháp Hoa nói: Vị Pháp sư muốn bình an giảng nói Kinh Pháp Hoa cho mọi người, phải (1) vào thất Như Lai, (2) đắp y Như Lai, (3) ngồi tòa Như Lai. Thất Như Lai chính là tâm đại từ bi của Phật; Y Như Lai là tâm nhu hòa, nhẫn nhục của Phật; Tòa Như Lai là tuệ giác bát-nhã, thấy được tất cả các pháp là không thật. Như vậy, theo ý kinh nói, vị giảng nói Kinh Pháp Hoa phải có đầy đủ ba đức tính là (1) tâm từ bi, (2) tâm nhẫn nhục, (3) tuệ giác bát-nhã. Thực ra, không chỉ Pháp sư thuyết giảng Kinh Pháp Hoa cần phải có những đức tính này, mà tất cả các vị hoằng Pháp sư đều phải như vậy cả.

     1. Tâm từ bi: Bố thí nói chung, hay bố thí Pháp nói riêng, đều xuất phát từ tâm từ bi, muốn giúp chúng sinh hết khổ. Từ bi là nền tảng của Bồ-đề tâm, tức là tâm cần cầu Phật đạo vì cứu khổ độ sinh! Bách Trượng Thanh Quy nói: “Từ bi là con đường tốt đẹp để chuyển hóa lòng người và làm thay đổi hoàn cảnh”. Lại nữa, chư Tăng thuyết Pháp vì tâm từ bi cứu khổ độ sinh, mà không phải vì lợi dưỡng, cung kính hay vì bất cứ lý do nào khác. Nói khác đi, đó là “tinh thần vì Đạo”: “Ta không tiếc thân mạng, chỉ tiếc Đạo Vô Thượng” mà Bồ-tát Trì Thế đã nói trong Kinh Pháp Hoa.

     2. Tâm nhẫn nhục: Bồ-tát vào đời hoằng Pháp lợi sinh ngoài tâm từ bi, tức lý tưởng thương đời vì Đạo ra, còn phải có đạo lực, tức sức mạnh nhẫn nhục, để có thể gánh vác sứ mệnh hoằng Pháp này. Pháp sư phải đối diện chê bai, phỉ báng, hãm hại, bạo lực, tù đày, tra tấn cho đến bị giết chết! Cho nên, nhẫn nhục như chiếc áo giáp che chở, dù lâm nạn đến mất mạng, các Ngài vẫn giữ được tâm Bồ-đề, chánh niệm, tự tại, làm gương sáng cho đời. Trong Kinh Di Giáo đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, nếu có người chặt đứt thân ông ra từng phần, hãy nên thu nhiếp tâm, không để sân hận khởi. Cũng nên giữ cửa miệng, đừng thốt ra lời ác. Nếu tâm sân nổi lên sẽ tự mình chướng Đạo, đánh mất vốn công đức. Công đức của nhẫn nhục còn lớn hơn công đức của trì giới, khổ hạnh! Người nhẫn nhục như vậy mới có thể gọi là bậc đại nhân sức mạnh. Ai không thể hoan hỷ nhẫn chịu độc mắng chửi như uống nước cam lộ thì không thể gọi là người nhập đạo trí tuệ.”

3.  Tuệ giác bát-nhã: Từ bi là nhà, nhẫn nhục là y, còn tuệ giác bát-nhã thấy tất cả pháp không thực là tòa. Đây là nói Pháp sư phải có trí tuệ vô chấp, mới có thể an tọa bất động giữa phong ba bão táp cuộc đời. Nhờ tuệ giác bát-nhã này Bồ-tát mới không sợ hãi con đường Bồ-tát đạo dài xa và nhiều hiểm nạn. Thực ra, có tuệ giác bát-nhã thì mới có từ bi và nhẫn nhục cứu cánh.

     Lại nữa, nhờ tuệ giác bát nhã thấy cuộc đời như mộng huyễn, không có nhân ngã, thị phị, nên hành giả đối trước thành bại, được mất… đều coi như hoa trong gương, trăng đáy nước. Đây gọi là: “Tác thủy nguyệt đạo tràng, tố không hoa Phật sự”, hay “Lập đạo tràng như bóng trăng đáy nước, làm Phật sự tợ hoa đốm hư không”. Tuệ giác bát-nhã thường được ví với lưỡi gươm kim cang sắc bén chặt đứt mọi phiền não trói buộc. Cho nên tượng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi tượng trưng cho tuệ giác này luôn cầm một thanh gươm trong tay. Lấy ý “vào thất Như Lai”, “đắp y Như Lai”, “ngồi tòa Như Lai”, kệ tụng ghi:

Một giáp cà-sa an nhẫn
Gươm tuệ vô úy sáng ngời.

     Tóm lại, đoạn kệ này tán thán Đạo hạnh của chư vị Tổ Sư. Các Ngài không dùng hận thù, bạo lực… để đáp trả lại hận thù bạo lực, mà dùng tâm từ bi, sức mạnh nhẫn nhục và trí tuệ phương tiện để cảm hóa chúng sinh, vượt qua chướng nạn, hoàn thành sứ mệnh hoằng Pháp độ sinh.

~~~~~~~~~~~~

7. Sư Tử đầu rơi bình thản
Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn
Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp
Đạo tâm thực chẳng nghĩ bàn.

-Tổ Sư Tử, Bồ-đề Đạt-ma, Tuệ Khả

     Đoạn kệ trên đã nói tinh thần vô úy: “ngã bất ái thân mạng, đản tích Vô Thượng Đạo” của chư vị Tổ sư. Tiếp theo, đoạn kệ này kể ra những tấm gương “xả thân cầu Pháp” hay “hy sinh hoằng Pháp” của vài vị Tổ sư tiêu biểu để minh họa.

     Trước hết nói về Tổ Sư Tử ở Ấn Độ. Kệ tụng ghi:

Sư Tử đầu rơi bình thản.

     Sư Tử ở đây là Tôn giả Sư Tử (S. Aryasimha), Tổ thứ 24 của Thiền Tông ở Tây Thiên. Sau khi Tôn giả Sư Tử đắc Pháp với Tổ Hạc-lặc-na, Ngài đến nước Kế Tân truyền Đạo. Một hôm, trong nước Kế-Tân có hai người ngoại đạo giả làm tỳ-kheo, âm mưu ám sát vua. Âm mưu thất bại, họ bị quan quân bắt. Vua nước Kế Tân là Di-La-Quật tưởng Phật giáo làm việc này, nên rất phẫn nộ. Vua ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt tăng chúng. Vua trách:

     - Lâu nay ta sùng kính Phật giáo, quý trọng Tỳ-kheo mà họ lại manh tâm sát hại ta! Vậy đạo đức ở chỗ nào?

     Vì sự tức giận ấy, vua đích thân cầm gươm đến chỗ Ngài Sư-Tử hỏi: “Thầy được năm uẩn không chưa?” Đáp: “Đã được năm uẩn không.” Vua hỏi tiếp: “Đã lìa sinh tử chưa?” Đáp: “Đã lìa sinh tử.” Vua bảo: “Nếu đã lìa sinh tử có thể cho tôi cái đầu của thầy không?” Đáp: “Thân tôi còn chẳng phải có, tiếc chi là cái đầu?”

     Vua liền vung gươm chém đầu Tôn giả. Máu phun cao mấy thước, màu sữa trắng. Cánh tay phải của Vua cũng lập tức rụng xuống! Bảy ngày sau vua mất. Sau đó, Thái tử Quang Thủ lên ngôi, lo mai táng vua cha và thỉnh chúng tăng cúng dường sám hối. Tăng chúng lo xây tháp thờ Ngài. (Tham khảo Phật Tổ Đạo Ảnh, Ba Mươi Ba Vị Tổ Ấn Hoa). Thực là,

Dao chém lìa tay nhịp mõ rời
Còn nghe niệm Phật tiếng lên khơi.
Búa phang đứt cổ, đầu văng xuống
Đất bỗng thành chuông rung khắp nơi.

(“Quả Chuông Vĩ Đại”-Vũ Hoàng Chương)

     Kế tiếp nói về Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Kệ tụng ghi:

Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn.

     Bồ-đề ở đây chỉ Ngài Bồ-đề Đạt-ma, Tổ thứ 28 ở Tây Thiên và là Sơ Tổ của Đông Độ. Tương truyền, khi hoằng Pháp ở Trung Quốc, vì ganh ghét, có người đã hạ độc Ngài đến sáu lần. Ngài vẫn an nhàn vượt qua tai nạn. Sau khi truyền tâm ấn, phó Pháp cho Ngài Tuệ Khả xong, Tổ từ giã bảo: “Ta có bộ kinh Lăng-già bốn quyển, là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ngươi. Ta từ Nam-Ấn sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ nầy tuy có khí đại-thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền xong, đã có thủy ắt phải có chung vậy.” (Xem Ba Mươi Ba Vị Tổ Ấn Hoa, HT Thích Thanh Từ biên dịch).

     Lấy điển tích từ hai câu chuyện của Tổ Sư Tử và Tổ Bồ-đề Đạt-ma, Ngài Huyền Giác trong “Chứng Đạo Ca” nói:
 

Túng ngộ phong đao thường thản thản
Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn

Dịch:

Dẫu gặp gươm đao thường thanh thản
Nếu vương thuốc độc vẫn an nhàn.

Cho nên, dựa vào ý trên, kệ tụng ghi:

Sư Tử đầu rơi bình thản,
Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn

Tiếp theo là gương cầu Pháp của Tổ Tuệ Khả. Kệ tụng ghi:

Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp
Đạo tâm thực chẳng nghĩ bàn!

     Đây là chỉ câu chuyện chặt tay cầu Pháp của Ngài Thần Quang-Tuệ Khả. Tương truyền, ban đầu Thần Quang đến cầu Pháp với Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Để thử lòng Ngài, Tổ tọa thiền diện bích trong động không nói. Thần Quang đứng bên ngoài suốt đêm, tuyết xuống ngập đến ngang gối. Tổ cuối cùng hỏi: “Ông đứng lâu trong tuyết để cầu gì?” Thần Quang rơi lệ đáp: “Con đến cầu Pháp.” Tổ bảo: “DIệu lý chí cao vô thượng của chư Phật rộng lớn tinh thâm, chính phải trải qua tu hành khổ hạnh lâu xa, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn, mới có thể khế đạt diệu Đạo vô thượng của chư Phật. Há có thể dùng tiểu đức tiểu trí và tâm khinh thường tán mạn mà có thể liễu đạt giáo pháp thậm thâm ư?” Nghe vậy, Thần Quang chặt đứt cánh tay để tỏ lòng tha thiết. Sau đó, Tổ mới hứa khả.

     Qua ba câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy được phần nào phong phạm cao tột và đạo tâm kiên cố của người xưa. Đạo tâm và đạo hạnh của chư Tổ thực vượt ngoài khả năng và suy nghĩ của phàm phu chúng ta!

~~~~~~~~~~~~~

8. Tây Trúc dấu truyền kinh quý
Rọc da xẻ thịt mang đi
Chịu bao đớn đau, khổ nhục
Miễn đời biết Đạo, sá gì.

-Tây Trúc, Ngài Bát-thích-mật đế, Kinh Thủ Lăng Nghiêm

     Tây Trúc tức Thiên Trúc, là tên gọi xưa của Ấn Độ. Sách Đại Đường Tây Vực Ký nói: “Tên nước Thiên Trúc 天竺có nhiều thuyết khác nhau. Trước đây gọi Thân Độc身毒, hoặc nói là Hiền Đậu賢豆. Nay theo âm đúng, nên gọi là Ấn Độ印度”.[18] Lại nữa, vì Thiên Trúc hay Ấn Độ ở phía tây của Trung Quốc, cho nên cũng được gọi là Tây Trúc hay Tây Thiên. Kệ tụng ghi:

Tây Trúc dấu truyền kinh quý
Rọc da xẻ thịt mang đi.

     Đây là câu chuyện xẻ thịt dấu kinh Thủ Lăng Nghiêm để mang đến Trung Quốc của Ngài Bát-thích-mật-đế. Tương truyền, Ngài Bát-thích-mật đế (般剌密諦; S. Pramiti) nhiều lần định đem Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến Trung Quốc để phiên dịch và truyền bá. Nhưng đương thời, kinh này được vua xem là quốc bảo nên cấm không được mang ra nước ngoài. Sau nhiều lần mang kinh thất bại, Tổ mới xẻ thịt nơi đùi mình, viết kinh vào lụa mỏng rồi cuộn lại nhét sâu vào vết thương. Ngài cất dấu kinh thành công vượt đường sang Trung Quốc, lại một lần nữa mổ đùi mình lấy kinh ra, rồi dùng nước thuốc đặc biệt rửa sạch. Sau đó, Ngài Thích Hoài Địch phiên dịch và Phòng Dung bút thọ, thành bản kinh Thủ Lăng Nghiêm chữ Hán hiện nay.

     Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy người xưa nhẫn nhục, chịu đựng biết bao khó khổ, đớn đau, thậm chí hy sinh mạng sống của mình để truyền bá Chánh Pháp! Cho nên kệ tụng ghi:

Chịu bao đớn đau khổ nhục
Miễn đời biết đạo sá gì?

~~~~~~~~~~~~~~~~~

9. Đông Độ cao tăng cầu Pháp
Xương phơi sa mạc Gobi
Ngàn đi, bao người trở lại?
Huyền Trang… vài vị sử ghi![19]

-Đông Độ, cao tăng, danh tăng, Huyền Trang

     Trên đã dẫn câu chuyện truyền Pháp của chư Tổ Tây Thiên, giờ nói đến việc Tây du cầu Pháp của các Tổ Đông Độ. Vì Trung Quốc nằm ở phía Đông của Ấn Độ, cho nên người xưa gọi là Đông Độ (quốc độ phía đông). Sách Phật Tổ Thống Kỷ nói: “Tây Thiên cầu Pháp, Đông Độ dịch kinh”.

     Trong lịch sử, không biết có bao nhiêu vị cao Tăng vì cầu Pháp đã bỏ thân nơi sa mạc Gobi dài hơn tám trăm dặm, nối liền miền tây bắc Trung Quốc với các nước Tây vực thời đó. Cho nên kệ tụng ghi:

Đông Độ Cao tăng cầu Pháp
Xương phơi sa mạc Gobi.

Pháp sư Nghĩa Tịnh từng có bài thơ nói lên công cuộc thỉnh kinh, cầu Pháp khó khổ này:

Tấn Tống Tề Lương Đường đại gian
Cao tăng cầu Pháp ly Trường An
Khứ nhân thành bách quy vô thập
Hâu giả an tri tiền giả nan
Lộ viễn bích thiên duy lãnh kết
Sa hà giá nhật lực bì đan
Hậu hiền nhữ vị am thử chỉ
Vãng vãng tương kinh dung dị khan.

 

Nghĩa:

Tấn Tống Tề Lương đến thạnh Đường
Cao Tăng cầu Pháp bỏ quê hương
Đi trăm về chỉ vài ba vị
Sa mạc dặm trường gởi nắm xương!
Đường xa ngày nóng, đêm rét cóng
Sông cát mù trời, sức khó đương
Người sau có biết người xưa khổ
Xem kinh sao lại quá tầm thường!

(Sakya Minh-Quang dịch)

    Pháp Hiển (340-418), Huyền Tráng (602-664), Nghĩa Tịnh (635-713) v.v… chỉ là một số ít vị Tây du thành công, thỉnh kinh đem về Trung Quốc phiên dịch, truyền bá, được sử sách ghi công và nhiều người biết đến. Nhưng còn có biết bao nhiêu vị Cao tăng vô danh khác, một đi không trở lại, đã gởi lại nắm xương tàn nơi sa mạc hoang vu, hay ở xứ lạ quê người! Vì vậy, kệ tụng ghi:

Ngàn đi bao người trở lại?
Huyền Trang… vài vị sử ghi!

~~~~~~~~~~~~~~~~~

10. Phật Việt gặp thời Pháp nạn
Thiêu thân thức tỉnh lương tri
Trái tim Bồ-tát Quảng Đức
Mãi còn một phiến từ bi.

-Phật Việt, Bồ-tát Quảng Đức, trái tim bất diệt

 

Trên đã dẫn truyện truyền kinh của Tổ Tây Thiên, cầu Pháp của Tổ Đông Độ, giờ lại nhắc đến gương “vị Pháp vong thân” của Bồ-tát Thích Quảng Đức ở Việt Nam.

     Trong Pháp nạn 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963) là người đầu tiên tự thiêu vào ngày 11 tháng 06, 1963 để phản đối sự đàn áp, triệt hạ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Việc tự thiêu này đã khích lệ tinh thần đấu tranh bất bạo động, bảo vệ Chánh Pháp của giới Phật tử, cũng như đánh động dư luận thế giới, thức tỉnh lương tâm nhân loại. Sự hy sinh của Ngài đã tạo nên sự đồng tình rộng rãi và ủng hộ Phật giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy, Phật giáo Việt Nam cuối cùng vượt qua Pháp nạn, tiếp tục truyền thừa cho đến ngày hôm nay. Cho nên kệ tụng nói:

Phật Việt gặp thời Pháp nạn
Thiêu thân thức tỉnh lương tri.

     Theo ghi nhận, sau lễ trà-tỳ nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức, tất cả đều trở thành tro, nhưng trái tim của Ngài vẫn còn lưu lại. Trái tim này trở thành biểu tượng bi-trí-dũng của Phật giáo Việt Nam. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương ghi lại cảm xúc của mình trước trái tim từ bi, xả thân bảo vệ Chánh Pháp của Ngài qua những vần thơ sau:

(…)
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

 

Rồi đây…rồi mai sau…còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với thời gian, lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
Dội hào quang xuống chốn A-tì!
Ôi! Ngọn lửa huyền vi….

(“Lửa Từ Bi”-Vũ Hoàng Chương)

     Vâng, “Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ-tát, dội hào quang xuống chốn A-tì”. Đó chính là trái tim bất diệt của Bồ-tát, không chỉ là của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, mà còn là trái tim của bao đời Tổ Sư, chư Tôn đức khác đã hy sinh vì Đạo Pháp. Đây không phải là trái tim huyết nhục, mà là trái tim đại từ bi, đại trí tuệ, đại hùng lực! Cho nên kệ tụng ghi:

Trái tim Bồ-tát Quảng Đức
Mãi còn một phiến từ bi!

~~~~~~~~~~~~~~~

11.  Con nay nhận lãnh Chánh Pháp
Đổi bằng xương máu người xưa
Bao đời giúp nên huệ mạng
Nát thân cũng trả chưa vừa.

-Xương máu người xưa, huệ mạng, đền ơn đáp nghĩa

     Qua những đoạn kệ tụng trên, chúng ta phần nào thấy được Đạo tâm, Đạo hạnh, lý tưởng hoằng Pháp và tinh thần vị Pháp vong thân của bao đời chư Tổ. Chánh Pháp được đức Thế Tôn khám phá và truyền trao, bao đời Tổ Sư đã gìn giữ và truyền thừa bằng cả sinh mạng của mình. Cho nên, kệ tụng ghi:

Con nay nhận lãnh Chánh Pháp
Đổi bằng xương máu người xưa!

     Nhờ công đức truyền trì Chánh Pháp của người xưa, thế hệ chúng ta hôm nay mới gặp được Chánh Pháp, nương đó để tu hành, dứt trừ phiền não, hết khổ được vui, phá tan vô minh, thành tựu huệ mạng. Cho nên, ân đức của Tổ Sư, ân đức của các bậc Thầy thực vô cùng sâu nặng, dù chúng ta có xả bỏ thân mạng cũng không thể đáp đền. Cho nên kệ tụng nói:

Bao đời giúp nên huệ mạng
Nát thân cũng trả chưa vừa!

Người tu phải có lòng tri ân và biết ân. Đức Phật dạy trong Kinh Biết Ân:

Nếu có chúng sanh nào
Biết ơn và đền ơn
Người này thật đáng kính
Ơn nhỏ cũng không quên
Huống chi là ơn lớn?

Người ấy dù cách Ta 
Đến trăm ngàn muôn dặm
Cũng không phải là xa
Vẫn gần Ta bên cạnh!

Vì sao lại như vậy?
Ta luôn luôn tán thán
Người nhớ ơn, đền ơn.
Còn có chúng sanh nào
Không nhớ ơn, đền ơn
Ơn lớn còn không nhớ
Huống chi là ơn nhỏ!

Người ấy dù bên Ta
Thân mặc áo ca-sa
Vẫn xa Ta ngàn dặm!
Vì sao lại như vậy?
Ta không bao giờ dạy
Quên ơn, quên đền ơn! 

Cho nên các Tỳ-kheo
Nên ghi nhớ công ơn
Và biết đền đáp ơn
Đừng theo thói vô ơn!
Này các thầy Tỳ-kheo
Hãy nhớ lấy lời Ta
Và theo đó hành trì!

(Sakya Minh-Quang dịch)

Vậy chúng ta phải làm cách nào để báo ân chư Phật chư Tổ? Xin mời đại chúng đọc bài kệ tụng tiếp theo.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

12. Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai
Trải thân một lòng hành đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.

-Phát nguyện, truyền đèn nối lửa, trải thân hành đạo

 

     Khổng Tử nói về chữ hiếu: “Phụ tại quán kỳ chí, phụ một quán kỳ hạnh, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỷ”.[20] Có nghĩa: “Cha còn thì quán sát chí nguyện của cha. Cha mất đi thì xem xét hạnh đức của cha. Ba năm không thay đổi đạo của cha, thì có thể gọi là hiếu.” Như vậy, theo Khổng Tử, người con hiếu thảo biết ân và đền ân cha là người phải noi theo chí nguyện, hạnh đức của cha, dù cha đã mất ba năm rồi mà vẫn không thay đổi con đường cha đi.  Là người con Phật, biết ơn Phật Tổ, chúng ta cũng phải “phụ tại quán kỳ chí, phụ một quán kỳ hạnh”. Các bậc Thầy Tổ đã:

Xả thân trao đèn tiếp lửa
Đến con thế hệ hôm nay.

Chúng ta cũng phải noi theo gương sáng của Thầy Tổ, phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát nguyện, tiếp tục sự nghiệp hoằng Pháp độ sinh, trao đèn tiếp lửa cho thế hệ tiếp theo. Cho nên kệ tụng nói:

Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai.

Khổng Tử bảo: “Ba năm không thay đổi đạo của cha, thì có thể gọi là hiếu.” Đó là chữ hiếu thế gian. Còn trong Phật Pháp, Bồ-tát báo ân Phật Tổ, không chỉ ba năm, mà phải ba đại a-tăng-kỳ kiếp, mãi cho đến khi thành Phật! Cho nên kệ tụng ghi:

Xả thân một lòng hành Đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài!

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

13. Nguyện cầu Chánh Pháp cữu trụ
Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì
Tri ân, dâng lời thệ nguyện
Cầu trên Phật Tổ chứng tri.

-Lời cầu nguyện

     Cuối cùng là bài kệ cầu nguyện Chánh Pháp cữu trụ, Tăng đoàn trang nghiêm, thanh tịnh được truyền trì mãi đến đời sau. Bài kệ này cũng cầu nguyện chư Phật, chư Tổ chứng minh cho lòng tri ân và lời phát nguyện truyền trì mạng mạch Phật Pháp chân thành của chúng ta.

3. Kết luận

 

   Tóm lại, bút giả viết bài “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư” này với tâm nguyện như sau:

  1. Bài lòng lòng tri ân Thầy Tổ và lịch đại Tổ sư

  2. Giúp người đọc ôn lại gương sáng người xưa qua dòng lịch sử truyền bá và bảo vệ Chánh Pháp từ Tây Trúc, Đông Độ và Việt Nam.

  3. Truyền lửa cho thế hệ tăng ni, Phật tử hiện nay và tương lai. Có tri ân mới biết báo ân. Báo ân đó chính là phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát nguyện, tiếp nối con đường mà Thầy Tổ mình đã bỏ ra biết bao công sức và xương máu để khai phá, gìn giữ và mở rộng cho đến nay.

  4. Giúp thế hệ tăng ni, Phật tử có “ý thức lịch sử”. Chúng ta không những là những người thừa kế những gì mà lịch sử tiền nhân đã để lại, mà chúng ta cũng là người đang viết nên những trang sử cho Phật giáo ở tương lai. Tương lai Phật giáo huy hoàng hay ảm đạm, trang sử Phật giáo son đỏ hay bẩn nhơ, người con Phật chúng ta đều có phần trách nhiệm!

  5. “Văn dĩ tải Đạo”. Mong rằng soạn phẩm này sẽ góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam. Trong những Giỗ Tổ, Lễ Hiệp Kỵ Chư Tổ, hay Tưởng Niệm Chư Tôn Đức, bài kệ tụng này có thể được đọc tụng để khơi dậy lòng tri ân và báo ân cho hàng hậu học.

 

     Cuối cùng, bút giả xin thành kính đảnh lễ, tri ân các bậc Thầy Tổ, các bậc Giáo Thọ, nhất là Hòa Thượng ân sư thế độ đã truyền trao Chánh Pháp, nuôi dưỡng giới thân tuệ mạng cho mình. Pháp cúng dường này xin dâng lên cúng dường chư vị Tổ Sư, các bậc Thầy Tổ, để đáp đền ơn Pháp nhũ trong muôn một.

 

Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát

Sakya Minh-Quang kính ghi

Ngày 29 tháng 07, 2021
Tại Tu Viện Thiện Tường

 

-----------------------------------------------------

[1] Tất cả phần phiên dịch kinh luận trích dẫn đều của bút giả, trừ khi có chú thích khác.

[2] 《妙法蓮華經》卷4:「我不愛身命,  但惜無上道,」(T09, no. 262, p. 36c)

[3] Đời Lương, Tuệ Hạo 慧皎 (497-554) trong tác phẩm Cao Tăng Truyện viết: “Những tác phẩm [viết về Cao tăng] đời trước, phần nhiều ghi là “Danh tăng”. Nhưng “danh” là khách, [tức cái bên ngoài] của “thật” [chất]. Nếu chân thật hành trì nhưng ẩn náu danh tiếng thì đó là “cao”mà không có “danh”. Còn như thiếu đức nhưng gặp thời, thì có “danh” nhưng chẳng phải “cao”! 《高僧傳》:「自前代所撰,多曰名僧。然名者,本實之賓也。若實行潛光,則高而不名。寡德適時。則名而不高。」(T50, kinh số 2059, tr. 419a.). Cụ thể, Tuệ Hạo không đồng ý với tựa đề Danh Tăng Truyện của Bảo Xướng trước đó. Theo Tuệ Hạo, có những vị cao tăng nhưng không phải là danh tăng vì ẩn tu lánh đời, hay không chạy theo số đông quần chúng, hoặc thân cận quyền quý, nhờ vào thế lực thế tục. Ngược lại, cũng có những vị danh tăng nhưng không phải là cao tăng, vì họ tuy nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhưng lại không có thực tu, thực đức! Quan điểm này của Tuệ Hạo, về sau được nhiều người thừa nhận. Ví dụ, đời Đường ngài Đạo Tuyên viết tác phẩm Tục Cao Tăng Truyện và đời Tống, ngài Tán Ninh viết Tống Cao Tăng Truyện đều dùng chữ “cao tăng” thay cho “danh tăng”. Tuy nhiên, danh tăng và cao tăng không phải chỉ loại trừ nhau (exclusive), mà còn có thể bao hàm nhau (inclusive). Có nghĩa, có những vị vừa cao tăng mà cũng vừa là danh tăng!

[4] Về ngữ nghĩa, Như Lai là Hán dịch từ Phạn ngữ tathāgata (Sanskrit và Pali đồng nhau). Tathāgata có thể dịch là Như Lai hay Như Khứ. Nếu phân tích từ tathāgata thành tathā + gata. Tathā là “như thật”, là “chân như”, còn gata là khứ, hay đi. Cho nên tathāgata có thể dịch là “như khứ”, tức “đi đến chỗ như thật”, tức nương nơi đạo chân như mà đi đến niết-bàn Phật quả (Pháp nghĩa). Lại nữa, Tathāgata có thể phân tích thành tathā + āgata. Āgatha là “lai”, hay đến, nên Tathāgata cũng có nghĩa là “từ chân lý mà đến”, hay “từ chân như mà hiện thân”.

[5] 長阿含卷十二清淨經(大一‧七五下):「佛於初夜成最正覺及末後夜,於其中間有所言說盡皆如實,故名如來。復次,如來所說如事,事如所說,故名如來。」

[6] 大智度論卷五十五(大二五‧四五四下):「行六波羅蜜,得成佛道,(中略)故名如來;(中略)智知諸法如,從如中來,故名如來。」

[7] 《少室六門》:「明佛心宗  等無差誤 行解相應  名之曰祖」(T48, no. 2009, p. 370)

[8] 《雜阿含經》卷二十五云(大正2‧177b)︰「我今當以正法付囑人天。諸天世人共攝受法者,我之教法則千歲不動。

[9] 《增一阿含經》 卷四十八云(大正2‧806b)︰「夫正法者,於欲而除渴愛想。夫正法者於欲而除欲,夫正法者能斷生死淵流。夫行正法獲平等法。然此正法斷諸惡趣,尋此正法得至善處。夫正法者能斷愛網,行正法者從有至無,行正法者明靡不照。夫正法者至涅槃界。」

[10] 《勝天王般若波羅蜜經》卷五〈證勸品〉則云(大正8‧715a)︰「菩薩摩訶薩行般若波羅蜜,通達一切法名為正法。所謂四念處、四正勤、四如意足、五根、五力、七覺分、八聖道分、空無相無願通達平等,名為正法。」

[11] 《大般若波羅蜜多經(第401卷-第600卷)》卷406〈6 善現品〉:「如來為他宣說法要,與諸法性常不相違,諸佛弟子依所說法,精勤修學證法實性,由是為他有所宣說,皆與法性能不相違,故佛所言如燈傳照。」(T07, no. 220, p. 29a)

[12] 《維摩詰所說經》卷1〈4 菩薩品〉:「『諸姊!有法門名無盡燈,汝等當學。無盡燈者,譬如一燈,燃百千燈,冥者皆明,明終不盡。如是,諸姊!夫一菩薩開導百千眾生,令發阿耨多羅三藐三菩提心,於其道意亦不滅盡,隨所說法而自增益一切善法,是名無盡燈也。汝等雖住魔宮,以是無盡燈,令無數天子天女發阿耨多羅三藐三菩提心者,為報佛恩,亦大饒益一切眾生。』」(T14, no. 475, p. 543b)

[13] 《大智度論》卷100〈90 囑累品〉:「所以囑累者,為不令法滅故。汝當教化弟子,弟子復教餘人,展轉相教;譬如一燈復然餘燈,其明轉多。莫作最後斷種人者,世人有子,若不紹繼,則名斷種,最為可恥。佛以此喻告阿難:「汝莫於汝身上令般若斷絕!」」(T25, no. 1509, p. 755b)

[14]Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, trang 264.

[15] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BA%A5n_h%C6%B0ng_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o

[16] 《大毗婆沙論》等認為如來的世法有世俗、勝義之別,行法上亦有教、證二種。該論卷一八三云(大正27‧917b)︰「又契經說︰有二補特伽羅能住持正法。謂說者、行者。毗奈耶說我之正法應住千歲。或復過此由度女人出家便減五百。(中略)此中有二種正法︰(一)世俗正法,(二)勝義正法。世俗正法謂名句文身,即素怛纜、毗奈耶、阿毗達磨。勝義正法謂聖道,即無漏根、力、覺支、道支。行法者亦有二種︰(一)持教法,(二)持證法。持教法者謂讀誦解說素怛纜等。持證法者謂能修證無漏聖道。若持教者相續不滅,能令世俗正法久住。若持證者相續不滅,能令勝義正法久住。」

[17] Tỳ Kheo Indacanda (dịch), Tạng Luật- Đại Phẩm (Vinaya Pitaka - Mahāvagga), Nxb Tôn Giáo, 2010, tụng phẩm19-20.

[18] 《大唐西域記》卷2:「天竺之稱,異議糺紛,舊云身毒,或曰賢豆,今從正音,宜云印度。」(T51, no. 2087, p. 875b).

[19] Trong lịch sử Tây du cầu Pháp, có rất nhiều  vị cao Tăng đã bỏ thân nơi sa mạc Gobi dài hơn tám trăm dặm nối miền tây bắc Trung Quốc với các nước Tây vực thời đó. Pháp Hiển, Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh… chỉ là một số ít người ra đi thành công trở lại, còn được sử sách khắc ghi. Pháp sư Nghĩa Tịnh từng nói: “Tấn Tống Tề Lương đến thạnh Đường, Cao Tăng cầu Pháp bỏ quê hương, Đi trăm về chỉ vài ba vị, Phần nhiều gởi xác lại bên đường!”

[20] Sách Luận Ngữ, thiên “Học Nhi”. 子曰:「父在,觀其志;父沒,觀其行;三年無改於父之道,可謂孝矣。」

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page