Bớt Duyên 省緣
Giới Thiệu và Bình Luận Thi Kệ của Thiền Sư Từ Thọ
Bớt Duyên (6 bài)
Bài 1:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Chớ để tình đời kéo chẳng yên
Hai buổi chỉ cần bình bát ướt
Ngại chi trong túi chẳng có tiền!
Bài 2:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Tùy thời sống tạm chẳng ưu khiên
Vô cầu: ngồi đứng thường an lạc
Hữu ý: thân tâm chẳng an nhiên.
Bài 3:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Bớt duyên một pháp tối an nhiên
Có lại có qua: có thương ghét
Không qua không lại: không oan khiên.
Bài 4:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Việc người hay dở, chẳng nói tuyên
Cửa họa không đóng tu vô ích
Hãy học Duy-ma im lặng thiền!
Bài 5:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Chớ để tình đời kéo chẳng yên
Kéo lui kéo tới không ngày nghỉ
Kéo đến ngày đi gặp lão Diêm!
Bài 6:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Kiếp người: con rối chẳng được yên
Cơ tâm dùng hết, thành chi nữa?
Rước lấy ba đường khổ triền miên.
Thuở đức Phật còn tại thế, Ngài đã nhiều lần khuyên nhắc hàng đệ tử xuất gia cuchuyên tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân si, để chấm dứt đau khổ trong sinh tử. Để đạt mục đích giải thoát giác ngộ này, đức Phật cũng dạy người tu phải thiểu dục tri túc, buông bỏ duyên đời, để có thời giờ và năng lượng dành cho việc tiến tu. Cho nên, trước khi nhập niết-bàn, đức Phật một lần nữa đã ân cần căn dặn:
-Này các thầy Tỳ-kheo, muốn cầu vui vắng lặng phải xa lìa ồn náo, một mình tu chỗ vắng. Người biết sống một mình được Đế Thích, chư thiên đều hết lòng kính trọng. Cho nên các ông phải xa rời hội chúng mình, hay hội chúng người khác, sống một mình nơi vắng, vô sự để thiền tư chấm dứt cội gốc khổ. Nếu thích nơi đông người sẽ gánh chịu não phiền. Ví như cây to lớn chim chóc tụ tập đông sẽ có họa khô gãy. Người bận rộn vướng mắc bởi những việc thế gian sẽ mãi mãi chìm đắm trong biển khổ sinh tử, như voi già sa lầy, không thể tự ra khỏi.
(Kinh Di Giáo-Sakya Minh-Quang dịch)
Sau khi đức Phật nhập niết-bàn, chư Tổ cũng đã dùng nhiều phương tiện khác nhau để nhắc nhở người xuất gia chuyên tâm tu học. Những lời dạy của đức Phật và chư Tổ còn ghi lại nhiều nơi trong kinh điển, ngữ lục, cảnh sách và thi kệ. Thiền sư Từ Thọ Hoài Thâm 慈受懷深 (1077-1132), thuộc tông Vân Môn đời Bắc Tống, cũng có sáu bài thi kệ với chủ đề "bớt duyên" để nhắc nhở người tu đừng phan duyên theo thế tục, chạy theo danh lợi bên ngoài mà quên mất mục đích xuất gia là giác ngộ, giải thoát.
Sau đây, bút giả xin giới thiệu sáu bài thi kệ này đến người đọc qua việc phiên âm, dịch nghĩa và bình luận để làm sáng tỏ hơn thâm ý của người xưa. Kính mời đại chúng cùng chia sẻ và chiêm nghiệm.
Bài 1:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Chớ để tình đời kéo chẳng yên
Hai buổi chỉ cần bình bát ướt
Ngại chi trong túi chẳng có tiền!
Nguyên văn:
Học đạo tiên tu yếu tỉnh duyên
學道先須要省緣
Mạc giao đáo bị thế tình khiên
莫教到被世情牽
Nhị thời đản đắc bát vu thấp
二時但得鉢盂濕
Nang để hà phương vô nhất tiền.
囊底何妨無一錢
Bình:
Người xưa bảo: "Thà trên bồ-đoàn ngồi chết đói, không vì cơm áo cầu nhân tình!" Đây là phong phạm của bậc đại trượng phu: không xu phụ quyền quý, không chạy theo số đông, "an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp". Vì vậy, Thiền sư Từ Thọ nhắc:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Chớ để tình đời kéo chẳng yên!
Nhưng xét cho cùng, đệ tử xuất gia là người hưởng phước thừa của đức Thế Tôn, không có ai bị bỏ đói cả! Thuận Trị Hoàng Đế bảo:
Cơm chùa như núi chẳng phải lo
Xuất gia một bát vẫn đủ no
Vàng ròng ngọc trắng không phải quý
Đắp được cà-sa phước mới to!
(Tán Tăng Kệ-Sakya Minh-Quang dịch)
Cho nên,
Hai buổi chỉ cần bình bát ướt
Ngại chi trong túi chẳng có tiền!
Đẹp và cao quý thay một đời sống thiểu dục tri túc!
Bài 2:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Tùy thời sống tạm chớ lo phiền
Vô cầu: ngồi đứng thường an lạc
Hữu ý: thân tâm chẳng an nhiên.
Nguyên văn:
Học đạo tiên tu yếu tỉnh duyên
學道先須要省緣。
Tùy thời quá đắc mạc ưu tiên
隨時過得莫憂煎
Vô cầu tọa ngọa thường an lạc
無求坐臥常安樂
Hữu ý thân tâm bất thản nhiên.
有意身心不坦然
Bình:
Xuất gia là đi theo con đường mà đức Phật đã đi. Đức Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, để xuất gia cầu đạo giải thoát như khạc nhổ đờm dãi! Cho nên, nếu người xuất gia còn chạy theo danh lợi thế gian, tham cầu không ngừng thì khác nào đi kiếm lấy đờm dãi để thưởng thức, thậm chí lấy đó làm tự hào? Lại nữa, người đời vì có vợ con gia đình nên phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, tâm không chút tạm yên. Người xuất gia nếu không thiểu dục tri túc, lúc nào cũng nghĩ đến tiền bạc, được mất thì nào khác với người thế tục? Cho nên, người xuất gia nên có đời sống vật chất đơn giản nhưng tâm hồn thanh thản và trí tuệ sâu sắc. Cho nên Thiền sư Từ Thọ khuyên:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Tùy thời sống tạm chớ lo phiền
Đức Phật dạy: "Này các thầy Tỳ-kheo, nên biết người đa dục, cầu lợi nhiều, khổ nhiều. Người thiểu dục vô cầu, vì không có dục vọng nên không có tai họa." Lại nói: " Biết đủ là giàu vui và là chỗ an ổn. Người biết đủ tuy nằm trên đất vẫn an vui, người mà không biết đủ dù ở nơi thiên đường, cũng không thấy vừa ý." (Kinh Di Giáo-Sakya Minh-Quang dịch). Ngài Ấn Quang cũng bảo:
Cơm rau đỡ dạ đói
Nhà cỏ che gió sương
Người đời nếu biết đủ
Phiền não nào còn vương!
Kế tiếp, ngài Từ Thọ nhắc nhở:
Vô cầu: ngồi đứng thường an lạc
Hữu ý: thân tâm chẳng an nhiên.
Người xưa bảo: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, nghĩa là:
Người mà không có sở cầu
Tự nhiên phẩm cách hàng đầu thanh cao!
Kinh Tám Điều Giác Ngộ cũng nói:
Điều thứ ba biết tâm giong ruỗi
Luôn tìm cầu đeo đuổi không nhàm
Không sao thỏa được lòng tham
Tội kia theo đó càng làm càng sâu!
Bậc Bồ-tát vô cầu biết đủ
Vui phận nghèo quy củ tu hành
Trau dồi tuệ nghiệp lợi sanh
Vun gươm trí tuệ dứt mành vô minh!
Lời Phật ý Tổ vô cùng rõ ràng: Phải bớt duyên bên ngoài để chuyên tâm tu hành. Thiểu dục tri túc là nền tảng của Đạo nghiệp. Vấn đề là chúng ta có tin nhận và thọ trì hay không!
Bài 3:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Bớt duyên một pháp tối an nhiên
Có lại có qua: có thương ghét
Không qua không lại: không oan khiên.
Nguyên văn:
Học đạo tiên tu yếu tỉnh duyên
學道先須要省緣
Tỉnh duyên nhất pháp tối an nhiên
省緣一法最安然
Hữu lai hữu vãng hữu vi thuận
有來有往有違順
Vô vãng vô lai vô quá khiên.
無往無來無過愆
Bình:
Các pháp duyên khởi, cái này có nên cái kia có; cái này không nên cái kia không. Cho nên,
Có lại có qua: có thương ghét
Không qua không lại: không oan khiên.
Hễ có cô chị Công Đức Thiên xinh đẹp, ngoan hiền, là phải có cô em Hắc Ám, xấu xa từ hình thức đến tâm hồn! (Ngụ ngôn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn). Vì vậy, khi ra hành đạo, như làm trụ trì, tiếp tăng độ chúng, đi hoằng Pháp, gánh vác Phật sự v.v… là phải chấp nhận đối diện oan gia, trải qua nhân tình ấm lạnh, thị phi, thương ghét!
Nhân tình ấm lạnh: lợi với danh
Dở người khi dễ, giỏi lại ganh
Khốn khó ít ai ra tay đỡ
Công thành lắm kẻ khởi tâm giành!
Chim hết vứt cung: ân bạc thếch
Cầu qua ván rút: nghĩa lạnh tanh
Trượng phu tâm thẳng, hề thương ghét
Hỏi lòng không thẹn mặc ai tranh!
(Nhân Tình-Sakya Minh-Quang)
Biết là như vậy. Nhưng là phàm phu đang tu, đôi khi mình cũng cảm thấy oan khuất, tủi thân. Những lúc đó, thay vì biện bạch hơn thua, chi bằng bớt duyên ngồi nhìn lại mình! Như con trai bị thương tổn, đã biến vết thương thành viên ngọc trai xinh đẹp, cũng vậy, người trí biết ôm ấp, quán chiếu và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, biến nó thành tuệ giác vô giá! Cho nên,
Lá thu đầy khắp sân vườn
Quét đi, lá vẫn như thường rụng rơi!
Thôi thì buông chổi ngồi chơi
Cười nhìn lá rụng thành nơi tọa thiền!
(Lá Thu-Sakya Minh-Quang)
Đây là lý do người tu cần phải có thời gian sống cho mình, cắt đứt ngoại duyên để chiêm nghiệm bản thân, làm mới lại mình, trước khi tiếp tục lên đường hành Đạo! Đức Phật dạy: “Nếu thích nơi đông người sẽ gánh chịu não phiền. Ví như cây to lớn chim chóc tụ tập đông sẽ có họa khô gãy” (Kinh Di Giáo) Đây cũng chính là lý do mà đức Phật dạy chư Tăng hành đạo, hằng năm phải có ba tháng dừng lại kiết hạ an cư, thúc liễm thân tâm, trau giồi giới định tuệ.
Bài 4:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Việc người hay dở, chẳng nói tuyên
Cửa họa không đóng tu vô ích
Hãy học Duy-ma im lặng thiền!
Nguyên văn:
Học đạo tiên tu yếu tỉnh duyên
學道先須要省緣
Tha nhân trường đoản mạc tuyên truyền
他人長短莫喧傳
Họa môn bất bế chung vô ích
禍門不閉終無益
Tham thủ Duy-ma lão tử thiền.
參取維摩老子禪
Bình:
Đức Phật dạy: “Nói năng như Chánh Pháp, im lặng như Chánh Pháp.” Đây là nói người tu phải luôn chánh niệm tỉnh giác dù lúc nói năng hay im lặng. Nói năng như Chánh Pháp là nói trong chánh niệm, chỉ nói những điều liên hệ đến tu tập, nhằm tăng trưởng lòng tin, sự tinh tấn, chánh niệm, thiền định và trí tuệ. Ngược lại, đó là hý luận, tức nói những chuyện thế gian, không liên hệ đến tu hành. Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, hý luận khiến tâm loạn, tuy là người xuất gia vẫn không thể thoát khỏi. Cho nên Tỳ-kheo phải buông bỏ gấp hý luận khiến loạn tâm của mình. Các ông muốn hưởng được niềm an vui tịch diệt thì phải khéo diệt trừ tai họa của hý luận.” (Kinh Di Giáo-Sakya Minh-Quang dịch).
Thực ra, hý luận có thể biến thành thị phi, nói xấu người này, công kích người kia, tạo ra khẩu nghiệp mà người đang hý luận không tự mình hay biết! Cho nên, Thiền sư Từ Thọ khuyên:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Việc người hay dở, chẳng nói tuyên!
Trong bài Huấn Đồng Hành, tức cảnh sách cho người tập sự xuất gia, Thiền sư Từ Thọ cũng bảo:
Chớ nói việc người dở với hay
Lời qua tiếng lại chỉ thêm rày
Miệng luôn im lặng như mõ bể
Phương pháp an thân đệ nhất hay!
(Sakya Minh-Quang dịch)
Còn ngược lại:
Cửa họa không đóng tu vô ích!
Vâng, miệng chính là cửa họa! Người xưa bảo: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra” (Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất). Lại bảo:
Thị phị chỉ bởi thường mở miệng
Phiền não do hay chứng tỏ mình!
(Thị phi chỉ vị đa khai khẩu
Phiền não giai do cưỡng xuất đầu)
Cho nên, muốn tránh phiền não, thị phi, tai họa, thì phải học hạnh im lặng, nhẫn nại.
Cuối cùng, Thiền sư Từ Thọ khuyên:
Hãy học Duy-ma im lặng thiền!
Kinh Duy-ma-cật, phẩm Nhập Bất Nhị Pháp Môn ghi lại, sau khi các vị Bồ-tát cùng Bồ-tát Văn-thù trình bày chỗ thấy của mình về pháp môn bất nhị, ngài Văn-thù mới hỏi cư sĩ Duy-ma-cật: “Chúng tôi mỗi người đã nói rồi, xin nhân giả hãy nói những gì là Bồ-tát nhập pháp môn bất nhị?” Lúc đó ngài Duy-ma-cật im lặng không nói. Văn-thù-sư-lợi khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Cho đến không có văn tự, ngôn ngữ, mới chân thực là thâm nhập pháp môn bất nhị.” (Đại Chánh Tạng, quyển 14, kinh 475, trang 551c).
Cho nên, thiền im lặng của Duy-ma là im lặng sấm sét, phá tan tất cả vọng tưởng đối đãi, bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành, giúp hành giả ngay đó trực nhận vô sinh!
Sông nước càng sâu thì bề mặt càng êm đềm. Cũng vậy, người trí tuệ sâu sắc không phải lúc nào cũng tranh luận, chứng tỏ mình hay giỏi. Thực tế, những ai thích tranh luận, hơn thua, muốn chứng tỏ mình, thường tự rước lấy phiền não, không được mọi người yêu mến, kính trọng, do đó cũng gặp vô vàn trắc trở trong việc hành đạo.
Ngài Đạo An dạy: “Người xuất gia gọi là đạo nhân. Đạo nhân là người dẫn dắt người khác, nên việc làm phải gương mẫu, lời nói phải chuẩn mực. Mặc áo xuất gia, làm việc gì cũng phải hợp với khuôn phép, không tham, không tranh, không nịnh, không dối; học vấn cao xa, chí giữ huyền mặc.” (Phật Tổ Cảnh Sách-Sakya Minh-Quang biên soạn). Cho nên, người học vấn thực sự cao xa, thì bên trong chỗ tỏ ngộ rất sâu sắc (huyền) nhưng bề ngoài lại rất kiệm lời (mặc)!
Không biết còn có mấy ai biết tham thiền im lặng của Duy-ma không?
Bài 5:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Chớ để tình đời kéo chẳng yên
Kéo lui kéo tới không ngày nghỉ
Kéo đến ngày đi gặp lão Diêm!
Nguyên văn:
Học đạo tiên tu yếu tỉnh duyên
學道先須要省緣
Mạc giao đáo bị thế tình khiên
莫教到被世情牽
Khiên lai khiên khứ vô hưu nhật
牽來牽去無休日
Trực đáo Diêm La lão tử tiền.
直到閻羅老子前
Bình:
Tình đời hay thế tình là tình cảm của người đời, như mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, và ham muốn (hỷ nộ ái ố ai lạc dục), được thiết lập trên mối quan hệ lợi hại và tình chấp vướng mắc. Trong Kinh Trung A-hàm, đức Phật nói: “Chúng sinh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc” (Đại Chánh Tạng, quyển 1, kinh 26, trang 585a). Vì vậy, tình đời nói trên thực ra chỉ là phần ngọn có thể thấy được của tảng băng dục vọng sâu thẳm nơi tâm thức con người! Con người chính bị cuốn vào dòng xoáy dục vọng này mà trôi lăn trong sinh tử nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên Kinh Bát
Đại Nhân Giác nói:
Điều thứ hai phải nên giác ngộ
Ham muốn nhiều lụy khổ càng sâu
Nhọc nhằn sinh tử bấy lâu
Đều do tham dục dẫn đầu gây nên!
Người tu là người đi ngược dòng đời, muốn thoát ly dòng xoáy dục vọng thì trước hết đừng để bị tình đời như lợi, danh hay tình chấp vướng mắc chi phối, khiến phải bận rộn cả đời để chạy theo danh lợi, đối đãi nhân tình, tâm thức lăng xăng không chút tạm yên. Vì vậy, Thiền sư Từ Thọ bảo:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Chớ để tình đời kéo chẳng yên!
Muốn không bị tình đời lôi kéo, chúng ta phải:
Tâm ít muốn giữ bền Đạo nghiệp
Hạnh vô vi không tiếp nghiệp duyên
Tự nhiên sẽ hết não phiền
An vui tự tại giữa miền nhân gian.
(Kinh Bát Đại Nhân Giác)
Nếu người tu không chánh niệm tỉnh giác, cẩn thận với động cơ và mục đích việc làm, nhiều khi mình tự dối mình bằng những mỹ từ cao quý như “Phật sự”, nhưng thực chất là danh lợi thế gian! Nếu chúng ta không chân thành quán chiếu lại mình, nhiều khi Phật sự lại biến thành “ma sự” mà không tự hay biết! Vì vậy, Pháp sư Đạo An đã cảnh tỉnh những đệ tử xuất gia của mình:
Ông đã xuất gia
Phụ tình quân thân
Phải nên cố gắng
Chí nhìn thanh vân
Xa miền danh sắc
Phong thái siêu trần
Vàng bạc chẳng quí
Duy đạo là hơn
Giữ tiết thanh cao
Nghèo khổ không sờn
Tu đức độ mình
Độ khắp thế nhân.
Nếu như cải tiết
Theo thói phong trần
Ngồi chẳng ấm chiếu
Chạy khắp tây đông
Thân như sai dịch
Danh lợi mê lòng
Giới đức kém thiếu
Đạo lý chẳng thông
Đàn tín bình luận
Bạn hữu xa dần
Xuất gia như thế
Năm tháng uổng công!
Nay lời khuyên nhắc
Tự thương tự phòng.
(Đạo An Pháp Sư Di Giới Cửu Chương-HT Thích Thiền Tâm dịch)
Nếu không biết dừng lại, bị tình đời sai sử chạy theo danh lợi đến chết cũng không xong! Cho nên, Thiền sư Từ Thọ lại bảo:
Kéo lui kéo tới không ngày nghỉ
Kéo đến ngày đi gặp lão Diêm!
Cảnh Sách nói: “Mạng người vô thường, mau hơn hơi thở” (nhân mạng vô thường, xúc ư hô hấp). Thế gian cũng bảo:
Diêm vương đã định canh ba chết
Đâu đợi chờ người đến canh năm!
Nhưng nhiều khi vì bận rộn chạy theo lợi danh, chúng ta lại quên đi sự thật này! Đức Phật dạy: “Người vì chạy theo lòng ham muốn mà tìm cầu danh tiếng. Đến khi nổi danh thì thân đã mất! Tham danh thế gian tầm thường mà không học Đạo chỉ nhọc thân vô ích. Ví như đốt hương, người khác nghe được mùi thơm thì hương đã tàn! Ngọn lửa nguy hại thân mình đã nằm ngay sát sau lưng!” (Chương hai mươi mốt, Kinh Tứ Thập Nhị Chương-Sakya Minh-Quang dịch).
Cuối cùng, xin mượn bài thơ “Không Biết Đủ” của người xưa để cùng nhắc nhở nhau:
Suốt ngày bận rộn cũng chỉ vì
Lo ăn lo mặc chuyện áo y
Ăn mặc đủ rồi lại suy nghĩ
Phòng trung còn thiếu vợ đương thì!
+++
Vợ đẹp hầu non đều đủ cả
Ra vào xe ngựa lấy đâu đi?
Ngựa đã thành bầy, xe đã sẵn
Ruộng vường chật hẹp khó thu chi!
+++
Mua được ruộng vườn trăm vạn mẫu
Sợ không quan chức bị người khi
Tam phẩm, tứ phẩm còn chê nhỏ
Lục phẩm, thất phẩm có ra gì!
+++
Nhất phẩm vừa lên làm Tể tướng
Lại ước làm vua, chắc có khi?
Thỏa lòng lên được ngôi Thiên tử
Lại muốn thành tiên sống trường kỳ!
+++
Tham vọng leo thang không dừng nghỉ
Vô thường chợt đến ôm hận đi!
(Xem Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác-Sakya Minh-Quang dịch)
Như vậy, ôm hận đi về đâu? Hỏi chính là tự trả lời.
Trân trọng.
Bài 6:
Học đạo trước cần phải bớt duyên
Kiếp người con rối chẳng được yên
Cơ tâm dùng hết, còn chi nữa?
Rước lấy ba đường khổ triền miên.
Nguyên văn
Học đạo tiên tu yếu tỉnh duyên
學道先須要省緣
Phù sinh khôi lỗi ám trừu khiên
浮生傀儡暗抽牽
Cơ quan dụng tận thành hà sự
機關用盡成何事
Doanh đắc tam đồ quỷ hỏa tiên.
贏得三塗鬼火煎
Bình:
Tại sao bảo: “Kiếp người con rối chẳng được yên”? Nguyên văn: “Kiếp người như con rối bị bị thao túng ở đằng sau”. Vậy cái gì đang thao túng phía sau, khiến cuộc đời mình như con rối, không có tự chủ? Xin thưa, đó chính là dục vọng. Chính vì lòng dục này sai sử, khiến chúng ta mãi miết chạy theo danh lợi tình đời, tạo ra vô số nghiệp ác. Trong Kinh Trung A-hàm, đức Phật dạy: “chúng sinh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.” Lại bảo chính vì lòng dục này mà từ người thân trong gia đình… cho đến người ngoài xã hội, từ quan hệ giữa các cá nhân cho đến quan hệ giữa các nước, từ nhân vật thế tục cho đến nhân vật tôn giáo… đã tranh cãi, tranh đấu và giết hại nhau, gây ra bao điều đau khổ! Đức Phật kết luận: “Đây gọi là khổ ấm trong hiện đời nhân vì dục, duyên vì dục, lấy dục làm căn bản mà có.” (Kinh Trung A-hàm. Đại Chánh Tạng, quyển 1, kinh 26, trang 585a)
Lại nữa, vì dục vọng tham danh cầu lợi mà con người trở nên quỷ kế đa đoan, bất kể thủ đoạn để đạt được những thứ mà mình muốn. Người xưa bảo: “Có cơ giới (máy móc) thì có cơ sự (việc máy móc), có cơ sự thì ắt có cơ tâm.” (Trang Tử Tập Thích-bài Thiên Địa). Cơ tâm là sự tính toán của tâm xảo trá tìm cầu công danh, lợi lộc. Người cơ tâm là người thông minh nhưng không đạo đức, thừa khôn khéo nhưng thiếu chân thành, vì vậy có rất nhiều mưu mô tính toán. Truyện Kiều đặc tả người có cơ tâm như sau:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao!
Nhưng xét cho cùng, dùng mưu mô tính toán đến mấy cũng chẳng qua luật nhân quả nghiệp báo! Bởi lẽ,
Một mai vô thường đến
Mới hay mình trong mộng
Muôn việc đem chẳng được
Chỉ nghiệp theo thức thần!
Cuộc đời vô thường, một mai chết đi công danh lợi lộc thế gian đều phải bỏ lại; cái có thể mang theo được chỉ là nghiệp thiện ác mà thôi! Vì vậy, nếu không biết chân thật tu hành, dùng cơ tâm và không từ thủ đoạn để đạt được mục đích quyền thế và danh lợi thế gian, rốt cuộc rồi cũng trắng tay! Lại còn phải mang theo ác nghiệp thọ sinh nơi ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, phải chịu quả báo đau khổ không biết ngày nào ra khỏi! Cho nên, Thiền sư Từ Thọ bảo:
Cơ tâm dùng hết, còn chi nữa?
Rước lấy ba đường khổ triền miên.
Nhìn theo con mắt thế tục, nhiều người bảo: “Thầy có phước quá! Chùa to Phật lớn, lại không phải chỉ có một mà còn có ở nhiều nơi! Lại bảo: “Thầy thực có phước, đệ tử rất đông, nơi đâu cũng có.” Vâng, điều này cũng có thể là phước đức lớn mà cũng có thể là tội lỗi lớn! Nếu chùa lớn chúng đông mà là nơi đào tạo Tăng tài, hoằng Pháp lợi sinh, quả thực đó là phước đức lớn. Còn ngược lại, chỉ lo xây chùa để thỏa mãn bản ngã, thậm chí dùng làm phương tiện kinh doanh, thì chùa càng lớn, càng nhiều, lại càng phiền não và càng thêm tội lỗi! Chùa như vậy chỉ làm hao phí của đàn-na tín thí cúng dường. Cũng vậy, vì ham làm “sư phụ” mà tùy tiện thu nhận đệ tử trong khi mình không đủ tài đức, lại cũng không gia tâm dạy bảo đệ tử, khiến đệ tử mình trở thành trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử, thân xuất gia mà tâm còn thua người tại gia, thì tội lỗi của người thầy thực không sao nói hết!
Tóm lại, sáu bài kệ bớt duyên của Thiền sư Từ Thọ nhắc người con Phật xuất gia phải nhớ đến bổn phận của mình là sa-môn, còn gọi là “cần tức” hay siêng năng dứt trừ”. Đây là chỉ “siêng tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân si”. Trước khi đức Phật nhập niết-bàn, Ngài cũng đã ân cần dặn dò hàng đệ tử xuất gia: “Dù ở trong núi rừng, hay bên bờ ao vắng, hoặc ngồi dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, tịnh thất…, các ông phải luôn nhớ Pháp mình đã nhận lãnh, đừng để cho quên mất. Thường khích lệ bản thân, luôn tinh tấn tu tập, không để chết vô ích, rồi hối hận về sau!” (Kinh Di Giáo-Sakya Minh-Quang dịch)
Tha thiết thay lời cảnh sách của đức Phật và chư Tổ!. Bút giả phiên dịch và bình luận thị kệ của Thiền sư Từ Thọ cũng là để “khích lệ bản thân, luôn tinh tấn tu tập”.
Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát.
Sakya Minh-Quang
Viết xong ngày 24 tháng 01, 2020
Ngày cuối cùng năm Kỷ Hợi