top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết  < Ngày Mẹ Lâm Nạn

Ngày Mẹ Lâm Nạn

1. Duyên khởi

 

     Trong văn hóa truyền thống “tôn lão trọng hiền” của phương Đông, thường chỉ có người lớn tuổi mới được tổ chức mừng “thọ” vào ngày sinh nhật năm sáu mươi tuổi, hay còn gọi là lễ “lục tuần”. Từ đó, thường mỗi mười năm con cháu mới tổ chức lễ mừng thọ “thất thất”, “bát tuần” v.v… cho ông bà, cha mẹ. Những câu chúc thọ “phước như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn” đương nhiên là dành cho các vị lão niên. Còn trẻ em ngoài lễ thôi nôi, tức sinh nhật lần đầu tiên ra, mỗi năm đều không làm tiệc sinh nhật, có chăng cũng rất qua loa, cha mẹ chỉ luộc cho vài cái trứng gà cho ăn là xong! Khi trẻ em đến mười tuổi, cha mẹ mới làm lễ sinh nhật đàng hoàng.

    Gần đây do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, tiệc sinh nhật đã lần trở nên phổ biến cho mọi lứa tuổi già trẻ ở Việt Nam hay các nước phương Đông. Lại thêm “phú quý sinh lễ nghĩa”, những cá nhân và gia đình kinh tế khá giả đã tổ chức những buổi tiệc sinh nhật rất xa hoa, tốn kém. Thậm chí vì phong trào và “áp lực đồng đẳng” (peer pressure), nhiều người không có điều kiện kinh tế cũng muốn tổ chức tiệc sinh nhật cho “bằng bè bằng bạn, bằng chị bằng anh”. Do đó có thể gây ra áp lực cho bản thân, gia đình…, nhiều khi đưa đến những hệ quả không tốt.

 

    Tuy nhiên, Phật Pháp có cái nhìn về sinh nhật rất khác với thế tục. Sinh nhật có ý nghĩa rất đặc biệt trong Phật giáo. Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu và chiêm nghiệm sâu sắc hơn những vấn đề liên quan đến sinh nhật qua cái nhìn Phật Pháp.

2. Sinh theo quan niệm thế gian

 

    Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa “sinh là gì”. Ở đây có sự khác nhau giữa thế gian và Phật Pháp. Theo quan niệm thế gian, sinh là sự ra đời của một em bé từ bụng mẹ. Cho nên, ngày em bé ra đời cũng gọi là ngày sinh nhật. Giấy khai sinh ghi rõ ngày tháng năm sinh này. Vì vậy, khi nhắc đến “sinh là khổ”, người ta thường dùng tiếng khóc đầu đời của trẻ thơ để diễn tả:

Vào đời đã khổ khóc tu oa

Cái kiếp phù sinh khéo đọa mà…

Hay,

 

Thoắt sinh ra thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì?

(Nguyễn Công Trứ)

     Như vậy, theo thường thức, mẹ là người sinh ra ta. Cho nên, lúc mới đi tu cúng linh cùng quý thầy, bút giả thắc mắc khi nghe đọc: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã; ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực.” Bút giả dịch: “Cha sinh ra ta, mẹ nuôi dưỡng ta; thương ôi cha mẹ, vất vả sinh ta, muốn báo ân sâu, [như] trời cao khó với.” Mình lúc đó thắc mắc tự hỏi: “Tại sao nói “cha sinh mẹ dưỡng” mà không phải “mẹ sinh cha dưỡng” như thường thức?” Hỏi quý thầy lúc đó thì được trả lời: “Kinh viết sao thì mình biết vậy!”

    Thực ra, câu Pháp ngữ trên được mượn từ Kinh Thi của Nho giáo. Sau này học Phật sâu hơn và hiểu được văn hóa phương Đông, bút giả mới nhận ra thâm ý người xưa qua quan niệm: “cha sinh mẹ dưỡng”! Theo Phật Pháp, ở phạm vi con người, sinh là sự tái sinh (hay đầu thai theo cách nói thông tục) của thần thức từ đời trước đến đời này. Cụ thể hơn, theo kinh điển nói, sinh là sự hòa hợp giữa ba điều kiện là tinh cha, huyết mẹ (trứng) và hương ấm (thần thức). Nói khác đi, tùy theo nghiệp duyên đời trước quyết đinh, thần thức sẽ nương gá vào một gia đình nào đó (cha và mẹ).

 

     Cho nên, khi mẹ mới cấn thai là chúng ta đã sinh ra ở đời này. Theo quan điểm phụ hệ hay trọng nam khinh nữ của Nho giáo phong kiến, thì cha là người sinh mình trong giây phút đó. Cho nên mới có câu:

Đàn ông đi biển có đôi

Đàn bà đi biển mồ côi một mình!

     Đi biển ở đây nghĩa là vượt cạn, hay sinh nở. Đàn ông sinh con thì luôn có đàn bà. Nhưng sau khi mang thai mười tháng, đàn bà sinh con thì chỉ có một mình chịu đau đớn, nguy hiểm!

     Điều này giải thích cách tính tuổi của người Việt, hay còn gọi là tuổi Ta, phân biệt với tuổi Tây. Tuổi Ta lớn hơn tuổi Tây một tuổi, vì khi một đứa trẻ mới sinh ra đã tính là một tuổi. Vậy tuổi đó từ đâu mà ra? Đó là cộng thêm mười tháng đứa bé đã sống trong bụng mẹ!

3. Sinh theo quan điểm Phật Pháp

 

     Còn theo Phật giáo, nói cha sinh hay mẹ sinh… đều là cách nói phương tiện mà không có nghĩa cứu cánh. Theo lý duyên khởi, phải có đủ duyên cha, mẹ, thần thức… mới có sự tái sinh! Tuy nhiên, Phật giáo và Nho giáo đồng nhau ở quan điểm mình đã sinh ra khi mẹ mới cấn thai, chín tháng mười ngày là trong bụng mẹ là giai đoạn mẹ dưỡng. Từ lúc thọ thai khi có đủ yếu tố thần thức, tinh cha và huyết mẹ, phải trải qua nuôi dưỡng mình dần dần hình thành đầy đủ sáu căn mắt tai mũi lưỡi…. Mười tháng sau, em bé mới ra khỏi bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời. Cho nên, ân thứ nhất trong Kinh Mười Công Ơn Mẹ nói:

Nhân duyên nhiều kiếp đến thọ thai

Mẹ dưỡng nuôi con mảnh hình hài

Từng tháng dần thành nên ngũ tạng

Mỗi tuần lần đủ cả mắt tai….

Thân thể nặng nề như đá núi

Đứng đi cẩn trọng sợ lo hoài

Áo xiêm trang điểm không màng nữa

Tiều tụy như vầy, hỏi vì ai?

(Sakya Minh-Quang dịch)

 

     Lại nữa, Phật Pháp dùng mười hai nhân duyên để thuyết minh dòng sinh tử tương tục của chúng sinh: (1)“Vô minh” duyên (2)“hành”, “hành” duyên (3) “thức”, “thức” duyên (4) “danh sắc”, “danh sắc” duyên (5) “lục nhập” (sáu căn), “lục nhập” duyên (6) “xúc”, xúc duyên (7) “thọ”, “thọ” duyên ( “ái”, “ái” duyên (9) “thủ”, “thủ” duyên (10) “hữu” (nghiệp), “hữu” duyên (11) “sinh”, “sinh” duyên (12) “già chết”. “Hữu” ở đây là nghiệp được xây dựng trên “vô minh” (duyên xa) và “ái” (duyên gần). Từ “hữu” tức nghiệp thức này đưa đến sự tái “sinh”, tức có cái thân này (“danh sắc”), thì phải có “già chết” và kèm theo là biết bao đau khổ và hệ lụy của kiếp người!

4. Thương em từ thuở mẹ về với cha

    Qua niệm về “sinh” khác nhau này được minh họa qua truyện cổ dân gian Việt Nam sau đây. Có một người giàu có kén rể cho đứa con gái xinh đẹp của mình. Vì có rất nhiều người muốn làm rể, phú ông đã phải rất vất vả để chọn lựa. Là người hâm mộ thơ văn, ông cũng dùng thơ văn để kén rể. Sau nhiều lần sàng lọc, cuối cùng phú ông cũng chọn được ba chàng trai có tài thi phú xuất sắc nhất. Phân vân không biết chọn ai, ông đã ra đề thi ai xuất khẩu thành thơ thể hiện tình yêu dành cho cô con gái của ông sớm nhất, người đó sẽ được chọn làm rể. Một anh liền ứng khẩu hai câu thơ:

Sao Rua chín cái nằm chồng

Thương em từ thuở mẹ bồng trên tay.

     Phú ông vui mừng và khâm phục trước tài văn thơ của anh chàng này. Chàng rể dự tuyển cũng hớn hở, tưởng rằng sự diễn tả tình yêu của mình dành cho cô gái như vậy chắc không ai có thể sớm hơn được. Nhưng không ngờ, chàng rể ứng cử thứ hai đáp lại bằng hai câu thơ khác:

Sao Rua chín cái nằm ngang

Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng!

    Phú ông ồ lên kinh ngạc, không ngờ anh chàng thứ hai còn thể hiện tình yêu dành cho con gái mình còn sớm hơn nữa! Đó là khi con gái mình còn nằm trong bụng mẹ! Về phần mình, làm thơ xong, anh chàng thứ hai cười ha hả trước vẻ mặt sững sờ của anh chàng thứ nhất và sự thán phục của mọi người. Anh chắc rằng, anh chàng thứ ba chỉ có bỏ cuộc. Nhưng không, anh chàng rể ứng tuyển thứ ba liền đọc hai câu thơ:

Sao Rua chín cái nằm kề

Thương em từ thuở mẹ về với cha!

   Không khí chợt lặng yên, rồi bỗng mọi người ồ lên vỗ tay tán thưởng. Đương nhiên, người chiến thắng trong cuộc thi này chính là anh chàng thứ ba.

     Phân tích câu chuyện trên, chúng ta thấy, “từ thuở mẹ bồng trên tay”, là từ thuở em bé mới cất tiếng khóc tiếng khóc chào đời, được mẹ ẳm bồng lần đâu. Đây là quan niệm “sinh” thông thường theo thế gian. Còn “từ thuở mẹ mang trong lòng” là từ lúc mẹ cấn thai cho đến khi mẹ lâm bồn hay là quan niệm cha sinh mẹ dưỡng mà Kinh Thi đã nói. Còn câu “từ thuở mẹ về với cha” là từ khi tinh cha, huyết mẹ gặp gỡ hay đậu thai, tất nhiên phải hiểu ngầm là có thêm yếu tố thần thức.

5.  Ngày Mẹ Lâm Nạn

     Qua trình bài trên, chúng ta thấy theo Phật Pháp nhìn, ngày sinh của mình phải là ngày tinh cha, huyết mẹ và thần thức hòa hợp, mầm thai vừa chớm. Còn ngày sinh nhật thế gian chính là “ngày mẹ lâm nạn”! Vì sao? Vì ngày này mẹ chúng ta sau khi trải qua mười tháng cưu mang nặng nhọc, phải chịu đựng cái đau đớn của sinh nở, sự rủi ro của tai nạn khi sinh. Cho nên, người ta ví người phụ nữ sinh con là vượt cạn hay đi biển! Ân thứ ba trong Kinh Mười Công Ơn Mẹ nói:

Ngày mẹ lâm bồn ngày lâm nạn

Ruột đứt gan rời chẳng thở than

Mệt ngất từng cơn, đau quặn thắt

Máu tuôn lai láng cảnh kinh hoàng

Sinh xong biết được con an ổn

Hạnh phúc còn hơn mẹ được vàng.

Niềm vui tâm tưởng vừa an định

Nỗi đau thể xác xé ruột gan!

(Sakya Minh-Quang dịch)

     Cho nên, ngày này mình phải tri ân mẹ bằng cách thăm hỏi, an ủi, chăm sóc, nấu một bữa ăn ngon, mua một món quà… cho mẹ. Chúng ta có thể cầm tay mẹ, hỏi mẹ khỏe không, rồi ôm mẹ nói rằng: “Mẹ ơi, con biết ngày này, …. năm về trước, mẹ đã vì con mà phải chịu đau đớn, sợ hãi, nguy hiểm thập tử nhất sinh. Con tri ân mẹ, con cám ơn mẹ nhiều, nhiều lắm….” Đó là việc mà người con hiếu thảo nên làm. Nhân vật chính trong ngày sinh nhật của mình là mẹ mà không phải là mình!

6. Ngày sinh của người con Phật

     Kinh Pháp Hoa nói:

Từ miệng Phật sinh ra

Từ giáo Pháp hóa sinh

Được phần Pháp của Phật

Thật sự là con Phật.

     Như vậy, người Phật tử tại gia ngoài gia đình thế gian, còn có đại gia đình Phật Pháp. Người con Phật lấy Phật làm cha, lấy Pháp làm mẹ, còn chư Tăng là anh chị cả trong đại gia đình này. Đức Phật đã nhập diệt, nên chư Tăng, trưởng tử đức Như Lai, quyền huynh thế phụ, có bổn phận thay Phật để dẫn dắt hàng Phật tử tại gia. Vì vậy, ngày người Phật tử tại gia quy y Tam Bảo chính là “ngày sinh nhật” trong Đạo của mình!

     Sinh ra trong gia đình thế tục, chúng ta được cha mẹ đặt tên đời, còn gọi là tục danh hay thế danh. Sinh ra trong đại gia đình Phật Pháp, chúng ta cũng được quý thầy thay Phật đặt cho tên Đạo, gọi là Pháp danh. Vị thầy thay mặt Tam Bảo truyền thọ Tam Quy và ngũ giới cho chúng ta, chính là bà mụ đỡ đẻ của mình! Để được “mẹ tròn con vuông” trong lúc mới sinh này, vai trò “hộ sinh” của bà mụ thực vô cùng quan trọng. Nói rõ hơn, người thầy đưa Phật tử vào đạo phải giúp đệ tử có chánh tín, chánh kiến và phát tâm học Phật. Lại nữa, Phái Quy Y hay giấy chứng nhận Quy Y cũng chính là giấy khai sinh trong Đạo.

     Người con Phật xuất gia được tái sinh lần thứ hai trong đạo. Ngày mình thế phát xuất gia, thọ giới sa-di chuẩn bị sau này thọ giới tỳ-kheo, sư phụ thế độ đặt cho mình Pháp danh để ghi nhận sự ra đời của mình trong Tăng Đoàn, bắt đầu một đời sống phạm hạnh. Cho nên, ngày xuất gia cũng chính là ngày sinh nhật của người tu.

     Khi mình đến đủ tuổi và giới hạnh để thọ giới tỳ-kheo, chính thức là thành viên của Tăng Đoàn, Sư phụ lại đặt cho mình Pháp tự, tức tên chữ, để đánh dấu sự trưởng thành, được Tăng Đoàn công nhận là thành viên chính thức. Sau này khi Thầy thế độ mất mình có y chỉ vị nào, được ban Pháp hiệu, hay có sự thành tựu riêng tự lấy Pháp hiệu, thì cũng bắt đầu từ ngày sinh Tăng Đoàn thưở mới xuất gia.

6. Kết luận

     Hôm nay là “ngày mẹ lâm nạn” của bút giả. Mẹ đã không còn nữa! bút giả không được cầm tay Mẹ nói: “Mẹ ơi, con biết ngày này, 56 năm về trước, mẹ đã vì con mà phải chịu đau đớn, sợ hãi, nguy hiểm thập tử nhất sinh. Con tri ân mẹ, con cám ơn mẹ nhiều, nhiều lắm….” Nhưng xung quanh bút giả còn biết bao nhiêu bà Mẹ, không luận tuổi tác, giới tính, chủng tộc…, đã dành cho bút giả bút bao thương yêu, ủng hộ… trên con đường tu học và hoằng Pháp của mình.

     Nhân “ngày mẹ lâm nạn”, bút giả dành chút thời giờ giữa Phật sự bộn bề, viết ra những dòng chữ này để tự nhắc nhở mình luôn nhớ đến công ơn của cha mẹ hiện đời, cũng như công ơn của tất cả chúng sinh, là cha mẹ nhiều kiếp. Cho nên, bài viết này cũng chính Pháp cúng dường. Bút giả xin dâng lên cúng tất cả những bà Mẹ, những Phật tử đàn-na tín thí xa gần xưa nay trong “ngày mẹ lâm nạn” của mình.

Nguyện thường phụng sự sớm hôm

Trà thiền, sửa Pháp, bát cơm Bồ-đề

Dù bao gian khổ chẳng nề

Trải tăng-kỳ kiếp không hề thoái tâm!

(Trích “Nguyện Đền Ơn Mẹ”-Sakya Minh-Quang)

Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát

Viết ngày 31 tháng 07, 2021 tại Tu Viện Thiện Tường

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page