top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết  < Thiêng Liêng Tình Thầy 

Thiêng Liêng Tình Thầy 

I. “Thầy” là gì?

      “Thầy” là tiếng gọi thân thương song vô cùng thiêng liêng, xuất phát từ trái tim tri ân của người đệ tử hay học trò dùng để gọi người mà mình mang ơn giáo dưỡng! Trong cuộc đời của chúng ta, ai cũng mang trong mình biết bao ơn sâu nghĩa nặng. Một trong những ơn nghĩa lớn đó chính là ơn Thầy!

      Thầy dạy chúng ta nên người, giúp chúng ta trưởng thành không những về mặt tri thức mà còn về mặt nhân cách và tâm linh! Người xưa bảo sinh ta ra là cha mẹ, làm nên ta là Thầy bạn.” (Sinh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả sư trưởng). Cho nên, trong Bài Tụng Bốn Ơn, bút giả cũng nói:

Có thân nhờ cha mẹ
Nên thân nhờ sư trưởng
Dạy lễ nghĩa cho ta
Mới nên người cao thượng!

Kiến thức ở thế gian
Nhờ Thầy được mở mang
Đạo lý xuất thế gian
Cũng nhờ Thầy chỉ đàng

Người dù có thông minh
Không thể hiểu một mình
Nhờ ơn Thầy dạy dỗ
Mới hết khổ tử sinh!

(Bài Tụng Bốn Ơn-Sakya Minh-Quang)

      Thầy có vai trò quan trọng như vậy trong sự nghiệp "trăm năm trồng người", cho nên trong xã hội phong kiến, người ta còn đề cao vai trò của Thầy hơn cả Cha, theo thứ tự “Quân, Sư, Phụ”, tức trên hết là Vua, sau đó là Thầy, rồi mới đến Cha. Thực ra, trong văn hóa và giáo dục truyền thống phương đông, Thầy và cha không khác. Nói khác đi, Thầy cũng chính là Cha, người sinh trưởng cho chúng ta về mặt trí thức, nhân cách và tâm linh! Vì vậy, trong tiếng Hoa, Thầy được gọi là sư phụ, tức vừa là Thầy mà vừa là cha. Còn trong tiếng Việt, Thầy là tiếng đồng nghĩa với cha, nên gọi “Thầy” đã có hàm nghĩa “cha” ở trong đó!

II. Ba Chức Năng Của Một Vị Thầy trong Phật Pháp

      Hàn Dũ (韓愈, 768-824), một nhà đại trí thức đời Đường, trong bài “Sư Thuyết” (Bàn Về Thầy), đã định nghĩa Thầy như sau: “Sư giả, sở dĩ truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc dã.” Dịch: “Thầy là người truyền đạo, trao cho học nghiệp, và giải quyết mê lầm.” Như vậy, theo Hàn Dũ, một vị Thầy chân chính phải có ba chức năng: (1) Truyền Đạo, (2) thụ nghiệp, (3) giải quyết những mê lầm, vướng mắc cho học trò.

      Quan điểm của Hàn Dũ về Thầy đã có hơn một ngàn năm trước, nhưng vẫn đúng trong thời đại ngày nay, dù là giáo dục ngoài đời hay giáo dục Phật giáo. Trong Phật Pháp, một vị Thầy chân chính hay minh sư cũng phải có ba chức năng là (1) truyền Đạo, (2) thụ nghiệp, và (3) giải hoặc, tức giải quyết những mê lầm, vướng mắc cho đệ tử của mình trên con đường tu tập. Nhưng đứng đầu và quan trọng hơn hết, có lẽ chính là “truyền Đạo.” Vậy, trước khi bàn về ba chức năng của một vị Thầy trong Phật giáo, chúng ta thử tìm hiểu Đạo có ý nghĩa gì?

1. Đạo Là Gì?

      Trong Phật Pháp, Đạo tùy theo góc độ nhìn, có nhiều ý nghĩa sâu cạn khác nhau. Trước hết, Đạo có nghĩa là chân lý bất sinh bất diệt của vũ trụ vạn hữu. Đức Phật chứng ngộ được chân lý này nên thành Phật. Cho nên, ngày mà Ngài thành Phật còn gọi là ngày thành Đạo.

      Nhưng để đạt được sự giác ngộ này, Ngài phải đi theo một lộ trình tu chứng. Cho nên, Đạo cũng chính là con đường tu tập để chứng ngộ chân lý. Để dẫn dắt những căn cơ bất đồng từ từ chứng ngộ chân lý cứu cánh, đức Phật đã trình bày về chỗ chứng ngộ hay con đường chứng ngộ này có sâu cạn khác nhau, nên mới có phương tiện đạo và cứu cánh đạo.

      Theo truyền thống, phương tiện đạo là chỉ cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đạo hay còn gọi là tam thừa đạo. Còn cứu cánh đạo là chỉ cho Phật đạo. Tất cả Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đạo đều hướng đến mục đích thành Phật, tức Phật đạo. Nên cứu cánh đạo còn gọi là nhất thừa đạo hay vô thượng đạo. Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, đức Phật nói:


“Thập phương thế giới trung,
Duy hữu nhất thừa pháp
Vô nhị, diệc vô tam
Trừ Phật phương tiện thuyết.”

Nghĩa:
Trong mười phương thế giới
Chỉ có pháp nhất thừa
Không hai, cũng không ba
Trừ Phật phương tiện nói.”

Lại nữa, đức Phật cũng nói:
      “Ngã bất tích thân mạng, đản tích vô thượng đạo.” Nghĩa: “Ta không tiếc thân mạng, chỉ tiếc Đạo Vô Thượng.”

Riêng bút giả, trong phương tiện hướng dẫn Phật tử, cũng chia giáo nghĩa tu tập Phật Pháp qua ba con đường: (1) phước đức đạo, (2) giải thoát đạo, và (3) Bồ-tát đạo. Phước đức đạo chủ yếu là tu phước báo và đạo đức thế gian của nhân thừa và thiên thừa. Giải thoát đạo chủ yếu là tu hạnh xuất thế gian, nhằm giải thoát đau khổ trong sinh tử của Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Bồ-tát đạo là con đường bất nhị, kết hợp của phước đức đạo và giải thoát đạo, đem tinh thần xuất thế làm việc nhập thế. Nói khác đi, Bồ-tát đạo là đi con đường tự giác, giác tha để hướng đến giác hạnh viên mãn, tức thành Phật.

2. Chức Năng Truyền Đạo

      Như đã nói ở trên, Đạo trong Phật giáo chính là Phật đạo, hay con đường thành Phật! Cho nên, chức năng thứ nhất, cũng là chức năng quan trọng nhất, của một vị Thầy là “truyền Đạo” chính là "truyền thừa Phật đạo." Muốn vậy, vị Thầy phải chân tu thực học, để có thể dạy đệ tử mình chẳng những qua khẩu giáo, mà quan trong hơn cả là qua thân giáo và ý giáo! Đây là nói vị Thầy phải có chánh kiến, chánh hạnh và lý tưởng phụng sự để làm gương mẫu cho trò! Cho nên, có những bậc đạo sư “tâm thông” dù “thuyết chưa thông”, vì không có khẩu tài ăn nói hay học rộng nhớ nhiều.Tuy nhiên, thân giáo và ý giáo của vị đó là một bài pháp không lời nhưng hùng tráng, mà trọn đời đệ tử học theo cũng không hết!

      Ngược lại, có những vị có khẩu tài ăn nói lưu loát, nhưng không phải là hàng chân tu thực học, chánh kiến, chánh hạnh. Những vị như vậy, tài năng nhiều chừng nào lại làm hại chúng sanh và Phật Pháp lớn chừng đó! Họ ỷ vào việc ăn nói lưu loát, biện luận trôi chảy để mê hoặc số đông quần chúng chưa đủ chánh tín nhằm mưu đồ danh lợi cá nhân, hay tệ hơn nữa là phá hoại Phật Pháp ngay từ bên trong!

3. Chức Năng Thụ Nghiệp

      Chức năng thứ hai của Thầy là thụ nghiệp, tức truyền trao học nghiệp. Trong Phật Pháp, đây là chỉ tri kiến Phật Pháp chân chính mà thầy giảng dạy cho trò. Cho nên, vị Thầy muốn rộng độ chúng sanh chẳng những “tâm thông” mà còn cần phải “thuyết thông”! Nói khác đi, ngoài chánh kiến chánh hạnh, muốn độ người thành công, vị Thầy phải có công phu nghiên tầm giáo nghĩa sâu rộng, giảng dạy khế lý khế cơ, từng bước hướng dẫn người học thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển.

      Biện tài vô ngại của một vị hoằng pháp sư được thành tựu là nhờ vào công phu văn tư tu và phước đức nhân duyên của vị đó. Cho nên, Kinh Tám Điều Giác Ngộ nói:


Bồ-tát phát nguyện tu hành
Nghe nhiều học rộng pháp lành Như Lai
Để tăng trưởng gia tài trí tuệ
Và tự thành xuất thế biện tài
Giảng kinh giáo hóa muôn loài
Cho niềm vui lớn cùng ngồi tòa sen!

      Một người mặc áo Như Lai mà kinh luật không thông, không có chánh tín, chánh kiến lại thích lên Pháp tòa giảng dạy cho người, sẽ đem lại rất nhiều tai họa cho Phật giáo, chẳng những hại mình mà còn hại người vô cùng trầm trọng! Người xưa bảo: “Thuyết Pháp bất đậu cơ, chúng sinh một khổ hải.” Có nghĩa: “Thuyết Pháp không đúng cơ, chúng sinh chìm biển khổ.” Thuyết Pháp khế lý nhưng không khế cơ còn có tai họa lớn như vậy, huống chi là thuyết Pháp vừa không khế lý, vừa không khế cơ! Cho nên, chư tổ thường nhấn mạnh: tội phá kiến, tức phá hư chánh kiến của người khác, còn nặng hơn là tội phá giới là vậy!

4. Chức năng Giải Hoặc

      Giải hoặc là giải quyết những mê lầm, thắc mắc của người học. Trên đường tu, đệ tử có thể gặp phải những vướng mắc về mặt tri kiến Phật Pháp, chướng ngại tâm lý, hay nghịch cảnh bên ngoài. Vị Thầy phải có phương pháp thích đáng và kịp thời để giúp học trò vượt qua những khó khăn này. Muốn vậy, vị Thầy phải có kinh nghiệm trên đường tu, từng trải qua con đường mà đệ tử đang đi. Nhờ vậy, vị thầy mới có thể tư vấn cho trò một cách hiệu quả.

      Xưa có một vị thiền sinh tinh tấn tọa thiền. Tuy nhiên, mỗi khi ông nhập định, không bao lâu liền có một con nhện to lớn hiện ra, dáng vẻ vô cùng đáng sợ, quấy nhiễu khiến ông bất an, ngay đó liền xuất định. Sau nhiều lần nỗ lực thiền định bất thành, ông trở nên bực tức, và có ý định giết con nhện đó. Ông mang theo một con dao bên mình, định khi con nhện xuất hiện sẽ đâm vào bụng nó! Nhưng ông còn do dự, mới thưa hỏi với Thầy mình. Vị Thầy nghe xong, liền bảo: “Con hãy khoan đâm dao vào bụng nhện. Trước hết, con lấy viên phấn để bên mình, khi con nhện hiện ra liền đánh dấu vào bụng nó.” Vị đệ tử nghe lời, khi ông tọa thiền mới vừa nhập định, con nhện đó lại hiện ra. Ông liền lấy viên phấn đánh dấu vào bụng nó. Con nhện lập tức biến mất, đồng thời ông cũng xuất định. Vị Thầy mới bảo ông vạch áo ra nhìn vào bụng mình. Ông nghe lời, mở áo ra mới thấy dấu phấn vẫn còn dính rõ trên đó! Giả như ông ta dùng dao đâm thì hậu quả thực không dám tưởng tượng!

      Cho nên, tu hành nếu không có Thầy sáng giải quyết những vướng mắc, chướng ngại, nhiều khi nguy hiểm vô cùng! Ngược lại, thực duyên phước lớn biết bao khi có được một vị minh sư dẫn dắt mình trên đường tu tập! Quả thật:


Giữa sóng biển ngập tràn
Thầy là hòn đảo bình an
Giữa sa mạc khô khan
Thầy là suối nguồn tươi mát!

III. Cần Lắm Một Vị Thầy

      Tóm lại, thực là hạnh phúc biết bao khi chúng ta có được một vị thầy tốt trên đường tu tập. Những ai sơ phát tâm mà gặp được minh sư, đường tu coi như thành công một nửa! Một nửa còn lại là sự cố gắng nỗ lực của chính mình. Cho nên, mỗi ngày chúng ta nên đọc bài Sám Quy Mạng để phát nguyện:


Sinh nơi Phật Pháp
Sớm gặp minh sư
Chánh tín xuất gia
Tuổi thơ vào Đạo!
(Sakya Minh Quang dịch)

      Lại nữa, chúng ta cũng nên có hình bóng của một vị Thầy trong trái tim mình để làm chỗ dựa tâm linh, nuôi dưỡng niềm tin và lý tưởng trên con đường giải thoát nhiều gian nan, chướng ngại!

Thầy tôi áo rách vá vai
Mà y nhẫn nại đẹp hoài ngàn năm
Thầy tôi một túp lều không
Lấy tình thương lớn mênh mông làm nhà
Dù bao công hạnh Hằng sa
Thầy luôn vô ngã trên tòa tánh không.
Đời người con quá nửa vòng
Vẫn đi trong cõi mênh mông tình Thầy!
(Thầy Tôi-Sakya Minh-Quang)

      Viết xong ngày Thanksgiving 28 tháng 11, 2019
      Trên chuyến bay sang Cali hoằng Pháp.
      Sakya Minh-Quang kính bút.

*Bài viết này là món quà đáp lại tấm lòng của Phật tử cầu Pháp trong và ngoài nước đã nhớ đến ơn giảng dạy bao năm qua của bút giả mà có lời thăm hỏi nhân ngày Nhà Giáo 20 tháng 11, 2019 và Lễ Thanksgiving 28 tháng 11, 2019 Hoa Kỳ 2019.


Xin hết lòng cảm tạ
Những ân nghĩa trong đời
Cuộc sống có đầy vơi
Đạo tình xin giữ trọn!
Sakya Minh-Quang


 

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page