Bồ-tát Vầng Trăng Mát
1. Dẫn nhập
Đêm qua, trên chuyến bay từ California chuyển sang Dallas rồi về lại Champaign Illinois sau mười ngày du hóa, bút giả đã ngắm ánh trăng tròn sáng qua cửa sổ máy bay. “À, thì ra rằm trung thu đã đến”, mình tự nói thầm như vậy. Bút giả thường ngắm trăng dưới đất hay thỉnh thoảng cũng có dịp ngắm trăng trên núi. Nhưng đây là lần đầu tiên được ngắm trăng rằm trên một chuyến bay! Cảm giác ngắm trăng rằm này thực đặc biệt, dường như trăng đang đồng hành với mình, cùng nhau đi ngang qua bầu trời mênh mông để trở về bảo sở! Bao nhiêu nhọc mệt của một chuyến đi xa trong nhiều ngày, không phải chỉ đi một mình mà còn dẫn theo người khác, bỗng tan biến vào không gian vô cùng! Thay vào đó, sự hỷ lạc, thanh thản và mát mẻ tràn ngập trong tâm hồn. Bút giả chợt nhớ lại một bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm:
Bồ-tát thanh lương nguyệt
菩薩清涼月
Du ư tất cánh không
遊於畢竟空
Thùy quang chiếu tam giới
垂光照三界
Tâm pháp vô bất hiện.
心法無不現
Nghĩa:
Bồ-tát vầng trăng mát
Dạo giữa trời chân không
Sáng soi khắp ba cõi
Tâm tịnh bóng trăng lồng!
(Sakya Minh-Quang dịch)
Mỗi lần đọc và chiêm nghiệm Pháp nghĩa một bài thi kệ nào đó, là một lần tâm thức của bút giả được nuôi dưỡng và trưởng thành thêm nhờ suối nguồn tuệ giác của Phật Tổ. Cho nên, nhân ngắm ánh trăng rằm Trung Thu đặc biệt năm nay, bút giả cũng chiêm nghiệm lại Phật Pháp và nhân sinh qua bài kệ “Thanh Lương Nguyệt” nói trên. Hôm nay, sau một đêm về chùa nghỉ ngơi, bút giả ngồi xuống ghi lại chút tâm đắc của mình qua những gì đã đọc và chiêm nghiệm.
2. Xuất xứ và hai phiên bản bài kệ
Bài kệ “Thanh Lương Nguyệt” trên có xuất xứ từ phẩm “Ly Thế Gian” trong bản Hán dịch Kinh Hoa Nghiêm của ngài Phật-đà-bạt-đà-la (S. Buddhabhadra 359-429) đời Đông Tấn. Bút giả tạm đặt tựa bài kệ này là “Thanh Lương Nguyệt” hay “Vầng Trăng Mát” để dễ gọi về sau. Bài kệ “Thanh Lương Nguyệt” sau này được trích dẫn lại trong nhiều giảng luận khác nhau trong văn học Phật giáo Đông Á. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi ở hai câu sau.
Ví dụ, đời Đường, ngài Phi Tích ( 飛錫 ?--?) trong sách Bảo Vương Tam Muội Luận nói: “Kinh ghi: “Nước không dâng lên, trăng không hạ xuống”, vì duyên sáng và sạch (tức trăng sáng và nước sạch), nên ánh trăng sáng rỡ giữa hư không hiện ra nơi nước trong sạch. Cũng vậy, đức Phật kia (Phật A-di-đà) không đến, thân ta cũng không đi, do nhân duyên niệm Phật mà ánh trăng báu Như Lai hiện ra nơi nước tâm [thanh tịnh] của mình. Như bài tụng nói:
Bồ-tát thanh lương nguyệt
菩薩清涼月
Du ư tất cánh không
遊於畢竟空
Chúng sinh tâm thủy tịnh
眾生心水淨
Bồ-đề ảnh hiện trung.
菩提影現中
Nghĩa:
Bồ-tát vầng trăng mát
Dạo giữa trời chân không
Nước tâm chúng sinh sạch
Bồ-đề hiện ở trong.”
Trong sách Hoa Nghiêm Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao, ngài Trừng Quán sớ (chú giải; commentary) và ngài Tông Mật sao (chú giải thêm: sub-commentary), cũng trích dẫn bài kệ với nguyên văn như vậy. Như vậy, từ thời Đường Tống trở đi, hai câu sau của bài kệ đã được biên tập lại, từ “Thùy quang chiếu tam giới, tâm pháp vô bất hiện”, đã chuyển thành: “Chúng sinh tâm thủy tịnh, Bồ-đề ảnh hiện trung.” Điều cần chú ý là, trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của ngài Thật-xoa-nan-đà (S. Śiksānanda 652-710) (Bát Thập Hoa Nghiêm) và bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của ngài Bát-nhã (Tứ Thập Hoa Nghiêm) đời Đường đều không có bài kệ này.
Như vậy, có đến hai phiên bản của bài kệ “Thanh Lương Nguyệt”. Chỗ khác nhau của hai phiên bản này nằm ở hai câu sau. Phiên bản thứ nhất theo Kinh Hoa Nghiêm:
Thùy quang chiếu tam giới
Tâm pháp vô bất hiện.
Phiên bản thứ hai theo trích dẫn sớm nhất vào đời Đường như các ngài Phi Tích, Trừng Quán, Pháp Tạng:
Chúng sinh tâm thủy tịnh
Bồ-đề ảnh hiện trung.
Các văn bản vào các đời Tống, Nguyên, Minh… đều theo phiên bản thứ hai này.
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cũng căn cứ vào phiên bản thứ hai của bài kệ “Thanh Lương Nguyệt” để dịch thành bài kệ:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần.
Ngài cho biết đã căn cứ vào bản chữ Hán:
Bồ tát thanh lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung.
Có lẽ, chúng ta cần phải đính chánh lại câu thứ ba “chúng sinh tâm cấu tận” (衆生心垢盡:tâm dơ chúng sinh hết). Câu này đúng ra là “chúng sinh tâm thủy tịnh” (nước tâm chúng sinh sạch). Bút giả chưa thấy văn bản nào có câu “chúng sinh tâm cấu tận” trong Đại Chánh Tạng hay Tục Tạng Kinh.
3. Bồ-tát là gì?
Trên đã tìm hiểu xuất xứ và văn bản bài kệ “Thanh Lương Nguyệt”, giờ chúng ta thử chiêm nghiệm chút Pháp nghĩa bài kệ trên.
Bồ-tát thanh lương nguyệt
菩薩清涼月
Dịch:
Bồ-tát vầng trăng mát.
Bồ-tát, nói đủ là Bồ-đề tát-đỏa, là âm dịch từ Phạn ngữ bodhi-sattva. Bodhi hay Bồ-đề có nghĩa là giác ngộ (awakening). Sattva hay tát-đỏa có nghĩa là hữu tình, hay chúng sinh (beings). Cho nên, trong lịch sử phiên dịch, Bồ-tát dịch sang tiếng Hoa là giác hữu tình, tức một hữu tình hay chúng sinh đang đi trên con đường giác ngộ cho mình (tự giác) và người (giác tha). Bồ-tát chưa thành Phật nên gọi là hữu tình hay chúng sinh. Tuy nhiên, đây là một chúng sinh đã phát Bồ-đề tâm, có tu tập, có từ bi và thệ nguyện giúp đời mà không phải là phàm phu, tục tử!
Lại nữa, Bồ-tát còn được dịch là “đại đạo tâm chúng sinh”, tức chúng sinh có tâm đạo lớn. Sao gọi là tâm đạo lớn? Tâm Bồ-đề mà Bồ-tát phát ra là tâm đạo lớn! Đây là tâm Vô thượng Bồ-đề, hướng đến quả vị cứu cánh thành Phật và với tâm nguyện rộng lớn độ khắp chúng sinh. Vì vậy, Bồ-tát còn được gọi là Ma-ha-tát hay Mahā sattva trong Phạn ngữ. Mahā là đại, là to lớn. Sattva là chúng hữu tình. Ý nói Bồ-tát là chúng hữu tình có tâm đạo to lớn, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh. Các nhà phiên dịch còn dùng chữ “Đại Nhân” (great beings) để thay thế cho từ Ma-ha-tát. Ví dụ, chữ “Đại Nhân” trong Kinh Bát Đại Nhân Giác đã dùng từ “đại nhân” để thay thế cho từ Bồ-tát. Việc dùng chữ “nhân” là con người để thay thế cho chữ sattva là hữu tình tuy ý nghĩa có hạn hẹp hơn, nhưng lại thực tế theo tinh thần “nhân gian Phật giáo”, lấy con người làm trung tâm tu học và giáo hóa. Đây là điều Ngài Thái Hư Đại Sư nói: “Nhân thành tức Phật thành”.
4. Thanh lương nguyệt
Tại sao lại ví Bồ-tát là vầng trăng mát (thanh lương nguyệt)?
Bồ-tát được ví là “vầng trăng mát” có hai nghĩa tự giác và giác tha.
Về mặt tự giác, “thanh lương” hay mát mẻ là một trong những dịch ngữ của từ niết-bàn (S. nirvāna). “Thanh lương” hình dung cho một tâm thức mát mẻ, không còn bị thiêu đốt bởi ngọn lửa phiền não tham sân si. Trong Kinh Tạp A-hàm, ngài Xá-lợi-Phật trả lời cho câu hỏi niết-bàn là gì: “Niết-bàn là sự chấm dứt vĩnh viễn tham dục, chấm dứt vĩnh viễn sân nhuế, chấm dứt vĩnh viễn ngu si. Tất cả phiền não đều chấm dứt vĩnh viễn, gọi là niết-bàn.” Vì vậy, Bồ-tát đã chấm dứt phiền não tham sân si nên “Bồ-tát là vầng trăng mát.” Xin mượn hai câu thơ Kiều để diễn tả chỗ tự giác, niết-bàn của Bồ-tát:
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?
Vì không bon chen vào chốn bụi hồng, nên hành xứ của Bồ-tát là cõi chân không tự tại:
Dạo giữa trời chân không.
Ngoài nghĩa tự giác ra, Bồ-tát được ví với vầng trăng mát qua hàm ý giác tha, hay giác ngộ cho người. Đây mới là điểm chính yếu. Về mặt giác tha, “thanh lương” chỉ cho tuệ giác và từ bi rộng lớn vô lượng của Bồ-tát. Ánh sáng vầng trăng không quá gay gắt, không gây ra cảm giác chói mắt hay nóng bỏng. Ngược lại, ánh trăng rằm đem cho chúng ta cảm giác an lành, an toàn, thoải mái như trong vòng tay mẹ! Cũng vậy, tuệ giác của Bồ-tát soi sáng chúng sinh trong đêm trường vô minh; lòng từ bi của Bồ-tát chở che, xoa dịu nỗi khổ niềm đau của nhân thế. Nhờ ánh sáng nhu hòa, mát mẻ này, chúng ta biết đâu là hầm hố nên tránh, đâu là đường phẳng nên đi; đâu là nẻo tà lầm lạc, đâu là đường chánh về nhà. Cho nên, Bồ-tát không những tự thân đã tắt lửa lòng, còn giúp chúng sinh diệt trừ phiền não, được niết-bàn thanh lương:
Lòng bi thẳng thắn dạy răn
Sấm vang giúp biết ăn năn lỗi lầm
Tâm từ nhỏ nhẹ phạm âm
Mây lành che mát vui tâm mọi người
Cam lồ mưa Pháp tuôn rơi
Diệt lửa phiền não giúp đời mát tươi!
(Kinh Phổ Môn Thi Kệ-Sakya Minh-Quang dịch).
Cho nên, Bồ-tát tuy:
Sự đời đã tắt lửa lòng
Vẫn len vào chốn bụi hồng lợi sinh!
“Len” là len lỏi, khéo léo đi vào cuộc đời để độ chúng sinh, mà không phải “chen”, tức bon chen danh lợi với người! Nói khác đi, “len” là hòa quang đồng trần, phương tiện thiện xảo độ sinh của Bồ-tát!
Hai mươi mốt năm trước, khi bút giả viết quyển sách Chân Dung Người Phật tử, mình chưa biết bài kệ “Thanh Lương Nguyệt” này. Nhưng khi viết bài kệ tụng tán dương đức Phật, bút giả đã ghi:
Kính lạy Phật Cha Lành giác ngộ
Đã bao đời cứu khổ quần sanh
Như trăng giữa tháng tròn vành
Sáng soi mỗi bước tu hành con đi.
Xét ra, dường như nhờ Phật lực âm thầm gia hộ mà có sự khế hợp một cách kỳ diệu!
5. Dạo chơi trời chân không
Chúng ta đã nói về câu đầu của bài kệ rồi, giờ xin bước sang câu thứ hai.
Du ư tất cánh không
遊於畢竟空
Dịch:
Dạo giữa trời chân không.
“Tất cánh không”, Phạn ngữ atyanta-śūnyatā, là cái không cứu cánh, cảnh giới chứng ngộ thật tướng vô tướng của chư Phật và Bồ-tát. Luận Đại Trí Độ giải thích: “Tất cánh không là dùng cái không nơi pháp hữu vi và vô vi để phá [kiến chấp] các pháp không còn sót, nên gọi là tất cánh không.” Lại nói: “Tất cánh không như hư không thường trụ, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh.”
Có bản dịch “tất cánh không” thành “thái không”, như câu: “Đi ngang trời thái không”. Thái không (outer space) là không gian vật lý mà không phải là cảnh giới giải thoát bình đẳng, tự tại vô ngại, do không còn chấp trước ngã nhân, có không, niết-bàn và sinh tử của bồ-tát! Cho nên, “tất cánh không” nếu dịch là “thái không” sẽ đánh mất Pháp nghĩa của nguyên bản, cũng giảm đi ý vị (taste) của thi kệ. Bút giả dịch lại hai câu kệ trên, chú trọng âm điệu và ảnh tượng thi ca, nhưng vẫn giữ lại cốt tủy Pháp nghĩa:
Bồ-tát vầng trăng mát
Dạo giữa trời chân không.
Như vậy, bút giả đã thay từ “tất cánh không” thành “chân không”, một từ đồng nghĩa, hay cận nghĩa, quen thuộc hơn với người đọc. “Chân không” là cái không của chân như thật tướng. Đây là lý thể chân như, xa lìa tất cả giả tướng vọng hiện do mê tình, dứt hẳn cái có và cái không tương đối.
Vì chứng ngộ được tất cánh không hay chân không này, nên Bồ-tát độ sinh mà không thấy mình là người độ, kia là người được độ, đây là pháp dùng để độ nên mới có thể tự do tự tại! Đây là tinh thần bát-nhã tánh không: “Tất cả chúng sinh, hoặc là loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hay là loài có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, hay là loài chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, ta đều độ họ, khiến vào vô dư niết-bàn. Bồ-tát độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh, mà thực không có chúng sinh được diệt độ! Vì sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, tức chẳng phải Bồ-tát.” (Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật).
Lại nữa, chữ “du” có nghĩa là dạo chơi. Nói cách khác, Bồ-tát làm mà như chơi! Tu như chơi và độ sinh cũng như chơi! Đó gọi là:
Dựng đạo tràng như bóng trăng dưới nước
Làm Phật sự tựa hoa đốm hư không!
(Tố thủy nguyệt đạo tràng, tác không hoa Phật sự).
Một vị Thiền sư Việt Nam có bài kệ độc đáo:
Đời vô thường vô ngã
Ghế đá đạo nhân ngồi
Hỏi người làm gì đó?
Chơi!
Chỉ một chữ “chơi” này đã chứa đựng một bầu trời thênh thang, vô ngại của Bồ-tát! Nếu chẳng phải là người đã thực chứng chân không, làm sao có thể “chơi” một cách tự tại như vậy?
6. Tâm tịnh bóng trăng lồng
Hai câu sau của bài kệ tụng có hai phiên bản. Phiên bản thứ nhất theo Kinh Hoa Nghiêm của ngài Phật-đà Bạt-đà-la dịch:
Thùy quang chiếu tam giới
垂光照三界
Tâm pháp vô bất hiện.
心法無不現
Nếu dịch sát nghĩa là: “Trải ánh sáng xuống chiếu khắp ba cõi, không có tâm hay pháp nào mà không có sự hiện hữu của Bồ-tát.” Ý hai câu này nói, tuệ giác và lòng từ bi của Bồ-tát như ánh sáng bình đẳng của mặt trăng, không nơi nào là không soi chiếu đến, cho dù tâm thức chúng sinh có đục có trong, có sạch có dơ, có thiện có ác. Ý nói, không phải Bồ-tát không đến độ người ác, hay không hiện hữu nơi tâm bất tịnh của chúng sinh. Nhưng người ác gặp mà không thấy, vì bị tâm bất tịnh che lấp đó thôi.
Tuy nhiên, trên đây là căn cứ nơi lý mà nói, mà không phải ở nơi sự tu. Đứng về sự tu, cần phải đầy đủ nhân duyên lành mới thành tựu. Cho nên, tâm thức cần phải thanh tịnh mới có thể cảm ứng được chư Phật và Bồ-tát. Ví dụ, chúng sinh cần phải niệm Phật mới có thể tương ưng với Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Kỳ tâm niệm Phật, kỳ tâm tác Phật” hay “tâm đó niệm Phật, tâm đó làm Phật.” Ngài Phi Tích đời Đường giải thích cặn kẻ: “Nước không dâng lên, trăng không hạ xuống, vì duyên sáng và sạch (tức trăng sáng và nước sạch), nên ánh trăng sáng rỡ giữa hư không hiện ra nơi nước trong sạch. Cũng vậy, đức Phật kia (Phật A-di-đà) không đến, thân ta cũng không đi, do nhân duyên niệm Phật mà ánh trăng báu Như Lai hiện ra nơi nước tâm [thanh tịnh] của mình.” (Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội).
Vì muốn nhấn mạnh khía cạnh sự tu, nên khi dịch kệ, bút giả căn cứ phiên bản thứ hai của bài kệ này để chuyển nghĩa đôi chút ở câu thứ tư:
Sáng soi khắp ba cõi
Tâm tịnh bóng trăng lồng.
Câu thứ ba: “Sáng soi khắp ba cõi” là dịch sát theo ý nguyên văn phiên bản thứ nhất. Tuy nhiên, câu thứ tư: “Tâm tịnh bóng trăng lồng” là gom ý từ hai câu cuối của phiên bản thứ hai của bài kệ “Thanh Lương Nguyệt”:
Chúng sinh tâm thủy tịnh
眾生心水淨
Bồ-đề ảnh hiện trung.
菩提影現中
Nếu dịch hai câu này sát nghĩa, sẽ như sau:
Nước tâm chúng sinh thanh tịnh
Bồ-đề sẽ in bóng nơi đó.
Bồ-tát đã là “vầng trăng mát” thì “bóng trăng lồng” nơi tâm thanh tịnh, chính là Bồ-tát xuất hiện, hay bồ-đề giác ngộ hiện tiền khi tâm mình thanh tịnh. Cho nên, bút giả chỉ cần dịch “tâm tịnh bóng trăng lồng” đã đầy đủ ý nghĩa hai câu chữ Hán trên.
7. Kết luận
Người xưa bảo: “Vô tình thuyết pháp ai nghe được?” Tất cả các pháp đều là Phật Pháp. Xung quanh ta là một quyển kinh lớn. Hoa mùa xuân, trăng mùa thu, cỏ mùa hạ, tuyết mùa đông…, đều là những bài pháp tuyệt diệu. Tô Đông Pha nhân tá túc một đêm ở Lô Sơn, nghe suối reo, ngắm núi xanh mà ngộ đạo. Ông viết:
Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
Sơn sắc vô phi tịnh pháp thân
Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ
Tha nhật như hà cử tợ nhân?
Nghĩa:
Suối reo tiếng Pháp nhiệm mầu
Núi xanh là thể sạch làu pháp thân
Đêm nghe vô lượng kệ chân
Trình anh hôm khác…, muôn lần khó khăn!
(Sakya Minh-Quang dịch)
Đây là bài kinh không chữ mà Tô cư sĩ đã nghe được từ ngàn năm trước. Ngàn năm sau nhân ngắm ánh trăng rằm, bút giả từ chỗ cảm ngộ vô ngôn mà chuyển thành hữu ngôn, mượn bài kệ “Thanh Lương Nguyệt” để giải bày chỗ thấy. Thực ra, đây cũng chỉ vì tri ân và báo ân mà thôi.
Trân trọng
Đêm Rằm Trung Thu, ngày 21 tháng 09, 2021
Viết tại Tu Viện Thiện Tường.
Sakya Minh-Quang