top of page

Trang Nhà  < Bài Viết  <  Cốt Tủy Tu Hành 

Cốt Tủy Tu Hành: Dứt Trừ Tham Sân Si

Bình Luận Thi Kệ của Thiền Sư Từ Thọ

Tham
Học đạo trước cần chẳng nên tham
Tâm tham chướng đạo, khiến ta phàm
Tổ sư một pháp vô cầu ấy
Lưu lạc trong đời, ai chịu tham?


Sân
Học đạo trước cần chẳng nên sân
Tâm sân chưa dứt, đạo chưa gần
Chư Phật thường nhắc sân như lửa:
Thiêu sạch căn lành, Bồ-đề nhân!


Si
Học đạo trước cần chẳng nên si
Tâm si chưa dứt khiến hồ nghi
Mây mê che phủ đen như mực
Vầng tuệ sáng ngời ai liễu tri?
(Thiền sư Từ Thọ, Sakya Minh-Quang dịch)


 

      Cốt yếu của việc tu hành là dứt trừ phiền não tham sân si. Tham sân si còn gọi là tam độc, tức là ba món độc khiến chúng sinh đau khổ trong luân hồi sinh tử. Ngàn kinh muôn điển, tất cả pháp môn đều vì mục đích là giúp người tu đạt đến cảnh giới không còn tham, sân, si! Cảnh giới không tham, không sân và không si này chính là cảnh giới niết-bàn giải thoát của các bậc Thánh giả. Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn, đức Phật nói: “Trong tất cả các loại độc, không gì độc hơn ba độc! Ta nay đã đoạn trừ.” (Đại Chánh Tạng, quyển 12, kinh 374, trang 540, phần b, dòng 8-9).

      Cho nên, là người học Phật, không luận xuất gia hay tại gia, phải lấy việc đoạn trừ tham sân si làm mục đích tu hành. Tuy chưa phải là Thánh giả, vẫn còn tham sân si, nhưng người tu phải bớt tham sân si qua công phu hành trì hằng ngày, để hưởng dụng một phần hương vị của niết-bàn giải thoát! Vì vậy, ba bài kệ của Thiền sư Từ Thọ ở trên, câu mở đầu Ngài bảo:


"Học Đạo trước cần chẳng nên tham"
"Học Đạo trước cần chẳng nên sân"
"Học Đạo trước cần chẳng nên si."

     1. Bản chất của tham sân si
     Tham (rāga), sân (dosa), si (moha) là căn bản của tất cả phiền não. Tham sân si còn được gọi là tam độc, tức ba món làm độc hại tâm lành hướng đến giải thoát, khiến chúng sinh nhiều kiếp trầm luân trong biển khổ. Thực ra, tất cả phiền não đều là độc, nhưng tham sân si là căn bản của tất cả phiền não nên đặc biệt được gọi là tam độc.

      Đại Trí Độ Luận đã giải thích về tính chất của tham sân si như sau: “Cái gì lợi ích cho ta thì sinh lòng tham dục, cái gì trái nghịch với ta thì sinh lòng sân hận. Những kiết sử này không phải sinh ra từ trí tuệ, mà sinh ra từ cuồng vọng, mê lầm. Đây gọi là si. Ba độc là căn bản của tất cả phiền não.” (Sakya Minh-Quang dịch. Đại Chánh Tạng quyển 25, kinh 1509, trang 286, phần c, dòng 2-5). Như vậy, tham là tâm chiếm hữu những thứ mà mình thấy lợi ích cho mình; sân là tâm chống trái, thậm chí phá hoại những gì trái nghịch với mình. Cả hai tâm tham và sân này đều hình thành trên tâm si, tức si mê về bản ngã, cho rằng có một cái “ta” chân thật. Cho nên, cái gì hợp mình thì tham, còn trái với mình thì sân.

      Nhìn về mối quan hệ nhân quả, si là nhân mà tham sân là quả; vì có si nên mới có tham, sân. Như vậy, bản chất của tham và sân chính là si! Khi si không còn, thì tham sân cũng tự dứt. Si vi tế khó nhận biết, còn tham sân thì dễ nhận ra. Vì vậy, về mặt phương tiện giảng dạy, đức Phật nói tham sân si mà không nói si tham sân theo thứ tự nhân quả.

      Thiền tông nhấn mạnh đến việc giúp người kiến tánh hay khai ngộ. Đây là nói, với trí bát-nhã hiện tiền, thì:

 

Tam độc phù vân, "không" khứ lai
Ngũ ấm thủy bào, "hư" xuất một.

   (Thiền Sư Huyền Giác-Chứng Đạo Ca)
Nghĩa:
Ba độc mây nổi, "dối" đến đi
Năm ấm bọt nước "giả" chìm nổi.

      Người đã khai ngộ, thân tâm thoát lạc, chứng nghiệm được ba độc tham sân si tánh vốn không, đến và đi một cách giả dối. Còn năm ấm sắc thọ tưởng hành thức, tức thân và tâm, lại như bọt nước, tuy sinh và tử nhưng thực ra, không có ai là người sinh tử. Nói khác đi, ngay chỗ sinh chính là vô sinh, nơi cái diệt mà thực bất diệt.

      Nhưng sự kiến tánh hay khai ngộ phải dựa trên công phu tu hành thiết thực, mà không phải kiến giải, hay lý luận suông! Cho nên, lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu. Vì vậy, chư Tổ Thiền Tông cũng quở trách người coi thường giáo lý kinh điển hay học hiểu và hành trì giới luật. Tổ Quy Sơn bảo: “Giáo lý chưa từng để lòng, đạo huyền do đâu được tỏ ngộ?” (Giáo lý vị thường thố hoài, huyền đạo vô nhân khế ngộ). Lại nói: “Trường giới luật chưa từng ôn luyện, liễu nghĩa thượng thừa đâu thể biện biệt!” (Tỳ-ni pháp tịch tằng vị thao bồi, liễu nghĩa thượng thừa khởi năng chân biệt).

      Vì vậy, thiền sư Từ Thọ có ba bài thi kệ về tham, sân, si để nhắc nhở người tham thiền học đạo phải chân thực tu hành, điều phục tham sân si, không tự dối mình và dối người.

2.Tâm tham chướng Đạo
Trong ba độc, tham đứng đầu. Cho nên, Thiền sư Từ Thọ trước hết nói về tham:

Học đạo trước cần chẳng nên tham!
Tâm tham chướng đạo, khiến ta phàm
Tổ sư một pháp vô cầu ấy
Lưu lạc trong đời, ai chịu tham?

Nguyên văn:

Học đạo tiên tu bất yếu tham
學道先須不要貪
Tham tâm chướng đạo sử nhân phàm
貪心障道使人凡
Tổ sư nhất vị vô cầu pháp
祖師一味無求法
Lưu lạc nhân gian thùy khẳng tham.
流落人間誰肯參

(Sakya Minh-Quang dịch. Từ Thọ Thâm Thiền Sư Quảng Lục.

Tục Tạng quyển 73, kinh số 1451, trang 109, phần b, dòng 13-15)

 

      Như vậy, mở đầu bài kệ, Thiền sư Từ Thọ khẳng định:

Học đạo trước cần phải hết tham
Tâm tham chướng đạo khiến ta phàm.

      Xưa kia, Thái tử Tất-đạt-đa muốn học Đạo, Ngài đã phải từ bỏ tất cả cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan… để xuất gia tu hành. Nhờ đó, cuối cùng Ngài thành tựu được quả Phật. Đức Phật dạy pháp bố thí để chiến thắng lòng tham. Người bước đầu tu phước (phước đức đạo), tập hạnh bố thí cúng dường là cũng để bớt đi lòng tham. Người tu tuệ (giải thoát đạo), cắt ái ly gia, thực hành giới định tuệ, dứt trừ tham sân si. Người phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát-đạo, tu sáu ba-la-mật, cũng lấy hạnh bố thí ba-la-mật đứng đầu. Bố thí ba-la-mật chẳng những dứt trừ lòng tham thế gian mà cũng xa lìa tham chấp pháp xuất thế gian. Nói khác đi, ngay cả niết-bàn, giải thoát cũng phải buông xả. Còn một chút tham chấp ngã pháp, đều làm chướng ngại đạo giác ngộ. Cho nên nói:

 

Học đạo trước cần phải hết tham
Tâm tham chướng đạo khiến ta phàm.

      Kinh Di Giáo nói: “Này các thầy Tỳ-kheo, nên biết người đa dục, cầu lợi nhiều, khổ nhiều. Người thiểu dục vô cầu, vì không có dục vọng nên không có tai họa.”

      Kinh Tám Điều Giác Ngộ cũng nói:

Điều thứ hai phải nên giác ngộ
Ham muốn nhiều lụy khổ càng sâu
Nhọc nhằn sinh tử bấy lâu
Đều do tham dục dẫn đầu gây nên.
Tâm ít muốn giữ bền đạo nghiệp
Hành vô vi không tiếp nghiệp duyên
Tự nhiên sẽ hết não phiền
An vui tự tại giữ miền nhân gian!

      Vì vậy, người tu phải chánh niệm tỉnh giác, xét lại tâm mình trong mọi lúc, mọi nơi, xem mình có sống thiểu dục tri túc không? Mình có tham lam đa dục không? Vừa khởi một niệm dục tham liền biết hổ thẹn, tự sám hối với mình.

Nhiều người tu thiền, luôn miệng bảo tham thiền kiến tánh, nhưng thực tế vẫn để tham lam làm chướng ngại tâm thức của mình. Cho nên, chư tổ thường nhắc nhở người tham thiền phải “vô sở cầu” mới có cơ hội nhập đạo. Thiền sư Từ Thọ nhắc nhở:

Tổ sư một pháp vô cầu ấy
Lưu lạc trong đời, ai chịu tham?

       Một pháp vô cầu của Tổ sư là chỉ “hạnh vô sở cầu” mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy. Bồ-đề-đạt-ma là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Quốc. Những lời Ngài dạy về thiền còn lưu lại khả tín nhất, đó là “Nhị Nhập Tứ Hạnh”, tức hai con đường nhập đạo gồm lý và sự. Về con đường nhập đạo qua sự tu, Ngài nói đến bốn hạnh: (1) Báo oán hạnh, (2) tùy duyên hạnh, (3) vô sở cầu hạnh, (4) xứng pháp hạnh. Sau đây, chúng ta thử xem Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy về hạnh vô sở cầu này như thế nào:

      "Người đời mê lầm đã lâu, nên chỗ nào cũng tham muốn. Đây gọi là cầu. Người trí giác ngộ được lẽ chân, nên đúng lý phải ngược lại với người thế tục; tâm an nơi chỗ vô vi, còn thân tùy duyên vận chuyển. Vạn hữu thể tánh vốn không, nên không có chỗ mong cầu, ưa muốn. Công đức và hắc ám theo nhau, ba cõi mình đã ở lâu, thực ra không khác gì nhà lửa! Có thân là có khổ, thử hỏi có ai được an? Liễu đạt được chỗ này nên buông xả các pháp hữu vi, an trú tâm nơi vô cầu. Kinh nói: “Có cầu đều khổ, vô cầu liền vui." Nếu biết vô cầu, thực sự đó là đạo hạnh. Nên nói là hạnh vô sở cầu.”
     (Lăng Già Sư Tư Ký. Đại Chánh Tạng, quyển 85, kinh số 2837, trang 1285b, dòng 1-6)

 

      Lời tổ sư còn để lại rất rõ ràng và thực tế, nhưng trong thiền môn còn có mấy ai ghi nhớ để thực hành? Cho nên Thiền sư Từ Thọ nói:

Tổ sư một pháp vô cầu ấy
Lưu lạc trong được ai chịu tham?

       Thời Thiền sư Từ Thọ còn ít người sống thiểu dục tri túc, lập hạnh vô sở cầu như vậy, huống chi là thời đại văn minh vật chất ngày nay của chúng ta?

       Lại nữa, trong lịch sử, các Thiền sư chân chính đều nhấn mạnh đến đời sống thiểu dục tri túc là nền tảng của sự chứng ngộ. Thiền sư Lương Khoan良寬(1758~1831)người Nhật Bản là một người sống rất đạm bạc, hòa quang đồng trần cùng dân chúng trong đời thường. Ngài có bài thơ nói lên Đạo phong và Đạo hạnh của mình:

Trong túi vài cân gạo
Bên lò bó củi khô
Ai hỏi dấu mê ngộ
Lợi danh bụi sạch chưa?
Đêm mưa trong am cỏ
Duỗi hai chân ngủ khò!

(Thiền sư Lương Khoan-Sakya Minh-Quang dịch)

      Ý Ngài bảo: Nếu có ai hỏi về việc mê ngộ, như làm sao để ngộ đạo, kiến tánh v.v..., xin thưa, hãy tự hỏi mình đã quét sạch bụi trần danh lợi trong đời sống hằng ngày chưa? Nếu miệng chỉ bàn chuyện chánh niệm tỉnh giác, tham thiền kiến tánh v.v…, nhưng danh lợi chẳng buông thì tất cả chỉ là hý luận!

     3. Lửa sân đốt cháy hạt giống lành

      Tâm tham làm chướng Đạo, còn tâm sân lại phá hoại sự an vui và đốt cháy hạt giống bồ-đề của người tu. Có một định nghĩa về lòng sân hận rất hay: “Giận là người khác làm sai mà mình tự trừng phạt lấy mình!” Đúng vậy, khi chúng ta nổi sân vì lỗi lầm của một người nào đó, mình đã tự trừng phạt mình bằng cơn giận. Về mặt thân, khi chúng ta giận sẽ tăng huyết áp và nhịp tim, dễ đưa đến bị tai biến (stroke) hay đột quỵ (heart attack). Cơn giận còn tạo độc tố cho cơ thể khiến gan phải làm việc mệt hơn để thải độc, do đó các cơ quan nội tạng đều bị tổn hại. Người ta thường bảo: “Giận tím gan”, “tức ói máu” là vậy!
      Về mặt ảnh hưởng của cơn giận đối với tâm, người ta thường bảo: “No quá mất ngon, giận quá mất khôn.” Khi nóng giận, chúng ta sẽ không còn sáng suốt, làm chủ được lời nói và hành vi của mình, do đó sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, có ăn năn thì cũng đã muộn! Một tâm thức chứa chất giận hờn là một tâm thức bất an và đau khổ. Do vậy, người sân hận khó có được một giấc ngủ an lành và được mọi người gần gũi.

      Về mặt thế gian, sân hận có tác hại đến thân tâm như vậy, huống chi đối với người học Đạo, hướng đến giải thoát, giác ngộ, tâm sân còn có tai họa lớn lao hơn nữa! Cho nên Thiền sư Từ Thọ nhắc nhở:

Học đạo trước cần chẳng nên sân
Tâm sân chưa dứt, đạo sao gần?
Chư Phật thường nhắc sân như lửa:
Thiêu sạch căn lành, Bồ-đề nhân.

Nguyên văn:
Học đạo tiên tu bất yếu sân
學道先須不要瞋
Sân tâm vị đoạn đạo hưu luân
瞋心未斷道休論
Chư Phật thường thuyết sân như hỏa
諸佛常說瞋如火
Thiêu khước Bồ-đề chủng tử căn.
燒却菩提種子根

 

      Hai câu kệ đầu:


Học đạo trước cần chẳng nên sân
Tâm sân chưa dứt, đạo chưa gần

Nguyên ý: Tâm sân chưa dứt thì khoan bàn đến đến việc học Đạo (sân tâm vị đoạn đạo hưu luân). Muốn học đạo, trước hết phải lo dứt trừ tâm sân hận. Vì sao? Vì tâm sân hận sẽ làm chướng ngại đạo nghiệp của người tu. Cổ đức răn dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai. Nhất điểm sân tâm chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm.” Nghĩa: “Một niệm sân vừa khởi, ngàn cửa chướng mở ra. Một đóm lửa sân nhỏ, đốt cháy muôn đám rừng công đức.” Có người ban đầu phát tâm dõng mãnh, tinh tấn tu hành, nhưng sau đó vì giận hờn thầy hay xung đột với huynh đệ rồi thoái thất bỏ tu, thậm chí còn nói những lời thô ác đối với thầy bạn của mình! Ngài Từ Thọ trong Huấn Đồng Hành, tức lời cảnh sách cho người tập sự xuất gia cũng nhắc nhở những người mới tu:

Đánh chửi cùng người chẳng phải tu
Xuất gia tâm địa phải hòa nhu
Mặt bị người nhổ nên lau sạch
Tha thứ cuối cùng chẳng phải ngu!
(
Sakya Minh-Quang dịch)

      Tai họa của lòng sân được nói đến nhiều nơi trong kinh điển. Ví dụ, trong kinh kể lại câu chuyện một vị vua cả đời làm phước, khi lâm chung người hầu ngủ gục làm ngả ngọn đèn vào mình. Vua khởi lên một niệm sân hận, ngay đó mạng chung, liền đọa vào loài rắn! Lại nữa, bạn đồng tu kiếp trước của An Thế Cao, bậc cao tăng dịch kinh nổi tiếng thời Đông Hán, tuy thích bố thí cúng dường, nhưng tánh tình nóng nảy, hay sân hận với người. Khi chết, ông đọa làm vị thần giữ miếu ở hồ Cung Đình. An Thế Cao đến miếu đó, vị thần nhờ Ngài đem lụa là người dâng cúng cho miếu thần để xây chùa tạo phước hồi hướng cho mình được siêu thoát. Ông lại hiện thân cho An Thế Cao thấy mình là một con mãng xà lớn. Sau khi An Thế Cao nhận của cúng dường, chú nguyện hồi hướng cho ông, con mãng xã lớn lập tức siêu thoát, xác chết của mãng xà trôi trên hồ Cung Đình, dài đến cả dặm! Dân làng nơi đó mới lấy tên là Làng Rắn (xà thôn) để kỷ niệm sự kiện này. (Xem Lược sử An Thế Cao, dịch giả Kinh Bát Đại Nhân Giác. Sakya Minh-Quang soạn dịch trong Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác).
      Cho nên, hai câu thơ cuối, ngài Từ Thọ bảo:

Chư Phật thường bảo sân như lửa:
Thiêu sạch căn lành, Bồ-đề nhân!

Đây là Ngài Từ Thọ nhắc đến lời dạy của đức Phật trong Kinh Di Giáo:
-Cái hại của sân hận phá hư mọi pháp lành, làm tổn hại tiếng tốt, đời này và đời sau không ai thích gặp mặt. Nên biết tâm sân hận còn hại hơn lửa dữ, cho nên thường phòng hộ, không để sân xâm nhập. Giặc dữ cướp công đức không gì hơn sân hận.

      Phật lại nói: “Nếu tâm sân nổi lên sẽ tự mình chướng Đạo, đánh mất vốn công đức.

Đối trị với tâm sân là nhẫn nhục. Đức Phật đã tán thán công đức nhẫn nhục:

- Công đức của nhẫn nhục còn lớn hơn công đức của trì giới, khổ hạnh! Người nhẫn nhục như vậy mới có thể gọi là bậc đại nhân sức mạnh. Ai không thể hoan hỷ nhẫn chịu độc mắng chửi như uống nước cam lộ thì không thể gọi là người nhập đạo trí tuệ.

      Cùng một ý trên, ngài Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca cũng có những câu ca bất hủ:


Mặc ai biếm, mặc ai dèm
Đem lửa đối trời tự nhọc thêm.
Ta nghe như uống cam lồ vậy
tiêu dung, đốn nhập bất tư nghì!

Vâng, ai có thể tiêu hóa được lời mắng chửi, dèm pha, nói xấu v.v…, thì người đó sẽ sớm thể nhập vào cảnh giới giải thoát bất tư nghì! Vì sao? Vì nếu nhẫn nhục tiêu hóa được những nghịch cảnh trên, thì lời ác trở lại là công đức, người ác trở thành thiện tri thức, giúp ta mau giác ngộ. Đức Phật cũng từng bảo: “Đề-bà-đạt-đa là thiện tri thức của ta. Nhờ Đề-bà-đạt-đa mà ta mau thành đạo!” Đây chính là ý này.

      Ngoài hạnh nhẫn nhục ra, quán tưởng từ bi và quán chiếu trí tuệ bát-nhã là phương pháp hóa giải hận thù, cảm hóa chúng sanh. Cho nên, Kinh Pháp Hoa bảo Bồ-tát độ sanh phải vào nhà Như Lai là từ bi, mặc y Như Lai là nhẫn nhục, ngồi tòa Như Lai là trí tuệ bát-nhã, thấy tất cả pháp là không. Nói khác đi, có thắng vượt được lòng sân, mới có thể hoàn thành Bồ-tát hạnh.

      Tóm lại, là người Phật tử, chúng ta nên luôn ghi nhớ những lời dạy trong Kinh Tám Điều Giác Ngộ để vượt qua những chướng ngại trên con đường tự tu và hóa tha:

Điều thứ sáu phải nên giác ngộ
Nghèo khổ nhiều tật đố trách phiền
Thường gây lắm việc oan khiên
Ngang nhiên kết buộc ác duyên với người.
Bậc Bồ-tát độ đời bố thí
Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân
Càng thương những kẻ ác nhân
Khoan dung hỷ xả những phần lỗi xưa!

 4. Tâm Si Khiến Hồ Nghi Bất Tín

      Tiếp theo hai bài thi kệ về tham và sân, Thiền sư Từ Thọ cũng nhắc nhở người phát tâm học Đạo phải dứt trừ tâm si:

Học đạo trước cần phải hết si
Tâm si chưa dứt khiến hồ nghi
Mây mê che phủ đen như mực
Vầng tuệ sáng ngời ai liễu tri?

Nguyên văn:
Học đạo tiên tu bất yếu si
學道先須不要癡
Si tâm vị liễu chuyển hồ nghi
癡心未了轉狐疑
Mê vân đầu thượng hắc như mặc
迷雲頭上黑如墨
Bạch nhật mang mang kỷ cá tri?
白日茫茫幾箇知

     Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu si là gì?

     Si là si mê lầm lạc. Si không phải không biết gì cả, mà là cái biết sai lầm. Cho nên, trong tiếng Hán, si 痴 là ghép của chữ tri 知và chữ bệnh 病, tức hiểu biết “bệnh hoạn”, không bình thường. Từ đồng nghĩa khác của si là vô minh, tức không sáng. Không sáng tức tình trạng tâm thức lờ mờ, không thấy rõ sự thực nên phát sinh ra những vọng kiến sai lầm.

     Thành Duy Thức Luận có một ví dụ rất hay về vô minh. Có một anh chàng đi ban đêm thấy dây thừng ngỡ là con rắn độc. Do đó anh sợ hãi, bỏ chạy. Anh sau đó cùng mọi người thắp đèn đến xem, mới biết đó chỉ là dây thừng, sợ hãi liền dứt trừ. Đêm tối dụ cho vô minh, không thấy rõ các pháp đúng như nó là (như thị tri kiến) nên sinh ra vọng kiến sai lầm, cho dây thừng là con rắn. Từ vọng kiến sai lầm này mà sợ hãi, hay phiền não, khổ đau sinh ra. Khi dùng trí tuệ soi chiếu như dùng đuốc sáng soi, thấy dây thừng là dây thừng, đúng như nó là, thì sợ hãi, phiền não khổ đau tự chấm dứt. Cho nên, chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ để phá tan bóng tối si mê, thì phiền não tham sân liền tự dứt trừ.

      Nói cách khác, phiền não tham sân…đều do si mà ra. Bởi vì si mê cho rằng thực có bản ngã, cho nên, cái gì thấy lợi cho ta thì phiền não tham khởi, còn trái với ta thì phiền não sân khởi. Một phen trí tuệ vô ngã khai phát, như vầng tuệ nhật rỡ ràng, tự nhiên sương tuyết phiền não tham, sân… sẽ tự nhiên tan rã. Cho nên, đức Phật đã tán thán công đức của trí tuệ: “Trí tuệ là thuyền chắc giúp vượt biển sinh tử, trí tuệ là đèn lớn phá tan tối vô minh, trí tuệ là thuốc thần trị lành mọi bệnh khổ, trí tuệ là búa bén đốn ngã cây phiền não.”

      Mở đầu bài thi kệ, Thiền sư Từ Thọ nói:

Học Đạo trước cần phải hết si
Tâm si chưa dứt khiến hồ nghi?

Vậy tại sao “tâm si chưa dứt khiến hồ nghi”? Và hồ nghi điều gì?

      Hồ nghi là nghi ngờ, không tin. Đây là hệ quả của lòng si chấp, không có sự tin hiểu chân chánh. Người si chấp sẽ không tin: (1) nhân quả ba đời, nền tảng của phước đức đạo; không tin (2) tứ thánh đế, nền tảng của giải thoát đạo; không tin (3) tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nền tảng của Đại Thừa Bồ-tát đạo.

 

           (a) Hồ nghi về nhân quả ba đời

      Người hồ nghi nhân quả ba đời là người không tin về luật nghiệp báo, cho rằng tất cả do thượng đế quyết định, hay thiên định (định mệnh luận), hoặc tất cả đều là ngẫu nhiên (ngẫu nhiên luận), chết là hết. Vì không tin nhân quả, nên không thể phát khởi tâm lành, tu phước đức đạo. Một người có tin sâu nhân quả mới biết phát tâm tu phước, bố thí cúng dường và tu dưỡng đạo đức như thọ trì năm giới. Còn người si mê, cho rằng chết là hết, họ sẽ dễ dàng có lối sống buông thả. Vì lẽ, nếu cho rằng:


Chính chuyên chết cũng ra ma
Lẳng lơ chết cũng đưa ra ngoài đồng!
thì mình cực khổ chính chuyên để làm cái gì?

      Còn người tin vào thiên định hay thượng đế sáng tạo, quyết định khổ vui của chúng sinh, họ sẽ trở thành nô lệ của thần linh, chỉ biết cần xin cứu rỗi, mà không nỗ lực tu tập để tự mình giải thoát giác ngộ.
Cho nên, chánh kiến về nhân quả nghiệp báo vô cùng quan trọng trong bước đầu học Phật.

 

           (b) Hồ nghi về bốn thánh đế

      Chánh kiến về nhân quả nghiệp báo trong ba đời là chánh kiến thế gian. Còn chánh kiến xuất thế gian, hướng đến giải thoát sinh tử, là lòng tin hiểu sâu chắc về bốn thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo. Khổ đế và tập đế (nguyên nhân đau khổ) là quả và nhân của thế gian. Diệt đế (niết-bàn giải thoát) và đạo đế (pháp môn tu học) là quả và nhân của xuất thế gian. Bài Pháp đầu tiên nơi vườn Lộc Uyên khi đức Phật mới thành Đạo là bài Pháp về Bốn Thánh Đế, nhờ đó mà năm huynh đệ Kiều Trần Như chứng quả A-la-hán, xuất hiện Tăng bảo đầu tiên trong đời. Trước khi đức Phật nhập Niết-bàn, trong rừng Sa-la giữa hai cội cây, đức Phật cũng lại một lần nữa nói đến Pháp Tứ Đế, và gạn hỏi đại chúng có điều gì nghi ngờ không. Ngài A-nậu-lâu-đà đã đại diện đại chúng thưa với đức Phật rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, nhưng bốn Thánh đế này do đức Phật nói ra không sao sai khác được.”

Như vậy, nếu người có tâm si chấp sẽ hồ nghi, không tin bốn thánh đế này. Vì vậy, họ sẽ không thể bước lên con đường giải thoát, ra khỏi sinh tử luân hồi.

            (c) Hồ nghi về Đại Thừa

      Đại Thừa chính là bản hoài của đức Phật. Đức Phật bảo: “Ta vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời. Đó chính là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập được Phật tri kiến” (Kinh Pháp Hoa). Cho nên, nói khác đi, mục đích ra đời hay bản hoài của đức Phật là giúp chúng sinh ngộ nhập được Phật tri kiến nơi chính mình, cứu cánh thành Phật như chư Phật không khác!

      Phật tri kiến là tên gọi khác của Phật tánh, chân tâm, chân như v.v…. Đức Phật từng tuyên ngôn: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, hay “Ta là Phật đã thành còn tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành.” Đây chính là ý này.

Kinh Hoa Nghiêm ghi lại, đức Thế Tôn từng dùng con mắt trí tuệ thanh tịnh vô ngại của mình để quán sát tất cả chúng sinh khắp trong pháp giới, rồi bảo: “Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay! Những chúng sinh này vì sao đầy đủ trí tuệ Như Lai mà lại ngu si mê hoặc, không biết không thấy? Ta sẽ dùng thánh đạo giáo hóa, khiến họ lìa hẵn vọng tưởng chấp trước, ngay nơi thân mình mà thấy được trí tuệ rộng lớn Như Lai, cùng với Phật không khác.” (Đại Chánh Tạng, quyển 10, kinh số 279, trang 272c-273a).

      Cho nên, người hồ nghi Đại Thừa là người hồ nghi về Phật tri kiến, Phật tánh, hay trí tuệ Như Lai bình đẳng nơi mọi chúng sinh mà những kinh điển Đại Thừa như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Niết-bàn đã nói.

Tiếp theo, Thiền sư Từ Thọ bảo:

Mây mê che phủ đen như mực
Vầng tuệ sáng ngời, ai liễu tri?

Mây mê chính là “vọng tưởng chấp trước” mà Kinh Hoa Nghiêm nói, hay “chúng sinh tri kiến” theo Kinh Pháp Hoa. Nhưng phàm phu dù bị vọng tưởng chấp trước như mây đen che lấp, nhưng “trí tuệ Như Lai” bản chất vẫn tự sáng rỡ, ở thánh không thêm, tại phàm không bớt! Chỉ cần một phen buông xuống vọng tưởng chấp trước, thì mặt trời trí tuệ lại hiển hiện như xưa!

      Thiền sư Vô Ngôn Thông (759-826), Tổ khai sáng ra một dòng thiền lớn của Phật giáo Việt nam, chính nhờ nghe được câu “Tâm địa nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu” (tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu) mà được tỏ ngộ. Tánh giác hằng sáng nơi mỗi người, nhưng vì tâm chưa không, còn dính mắc nơi ngã chấp và pháp chấp, nên tự mình che lấp mà thôi!

      Tổ Bồ-đề-đạt-ma cũng dạy: “Phàm nhập đạo có nhiều đường, nhưng tóm lại không ngoài hai loại: Một là lý nhập, hai là hạnh nhập. Lý nhập là mượn giáo ngộ tông, tin sâu hàm sinh đồng một chân tánh, chỉ vì vọng trưởng khách trần che lấp nên không hiển lộ. Nếu buông vọng về chân, an trụ bích quán, không tự không tha, phàm thánh bình đẳng, an trú vững chãi không thay đổi, lại không chạy theo ngôn ngữ kinh điển, liền sẽ thầm hợp với lý, không có phân biệt, vắng lặng vô vi. Đây gọi là lý nhập.” (Đại Chánh Tạng, quyển 51, kinh 2076, trang 458b).

      Người tin nhận Phật tánh bình đẳng, vì không cô phụ tánh linh của mình nên sẽ phát tâm Bồ-đề, theo đường Phật đạo. Tổ Thật Hiền bảo:

      -Tâm hiện tiền của ta, đương thể đồng Phật Thích-ca, không hai không khác. Phật vô lượng kiếp đến nay, sớm đã viên thành Chánh giác; sao ta vẫn còn điên đảo, muội mê làm kẻ phàm phu? Thế Tôn vô lượng thần thông, trí tuệ trang nghiêm công đức; còn ta vô biên phiền não, nghiệp duyên sinh tử buộc ràng! Tâm tánh giống nhau, ngộ mê trời vực. Lắng lòng suy xét, chẳng thẹn lắm sao?

      -Tánh linh như ngọc vô giá, lẫn đám bùn nhơ, không biết trân trọng, lại bị xem đồng sỏi đá. Nên dùng vô lượng thiện pháp, đối trị vô lượng não phiền. Công phu tu đức tựu thành, tự nhiên tánh đức hiển hiện; như viên ngọc quí được lau, treo ở lầu cao, rực rỡ chiếu soi tất cả; mới không phụ ân Phật độ, tôn trọng linh tánh của mình. Đây là nhân duyên thứ bảy vì tôn trọng tánh linh nên phát tâm Bồ-đề.
(Sakya Minh-Quang dịch)

Như vậy, đức Phật và chư Tổ đã phơi bày hết gan ruột của mình, vậy ai là người tri âm, tri kỷ đây?

 

5. Kết luận

      Xưa có một vị vua hỏi một họa sĩ danh tiếng: “Vẽ cái gì khó? Vẽ cái gì dễ?” Vị họa sĩ trả lời: “Vẽ ma vẽ quỷ dễ, vẽ trâu vẽ ngựa khó!” Vua thắc mắc: “Ma quỷ là thứ huyền bí linh thiêng vì sao lại dễ vẽ? Còn trâu ngựa là vật cụ thể, ai cũng thấy hằng ngày vì sao khó vẽ?” Vị họa sĩ đáp: “Vì ma quỷ là thứ huyền bí, mọi người không biết nên muốn vẽ sao cũng được! Còn trâu ngựa là thứ ai cũng thấy biết nên vẽ sai liền bị nhận ra!”

      Lời nói của người xưa thực vô cùng thâm thúy. Dứt trừ tham sân si qua cuộc sống hằng ngày tưởng như bình thường nhưng thực ra là điều vô cùng khó làm. Không luận chúng ta tu pháp môn nào, kiến thức, lý luận hay giỏi đến đâu, mình phải thực tế chuyển hóa lòng tham, sân, si trong cuộc sống hằng ngày. Người chân tu thực học là người có đời sống đơn giản, hành xử từ bi, và có chánh kiến vững chắc.

      Ngày nay có nhiều vị ca ngợi pháp môn mình siêu việt, đốn ngộ, tốc chứng, bảo đảm vãng sinh, hơn hẵn các pháp môn khác để lôi kéo tín đồ. Có người lại dùng nghi lễ huyền bí, cúng tế quỷ thần, hay nói chuyện về cõi vô hình để thu hút quần chúng. Nhưng nếu nhân ngã bỉ thử không buông, tham sân ghét ganh không bỏ, thì tất cả chỉ là hý luận, dối mình dối người mà thôi!

      Thiền sư Từ Thọ là bậc chân tu thực học, có chỗ khai ngộ sâu sắc, thế mà lời Ngài tiếp dẫn hậu học thực vô cùng bình dị và thực tế. Ngài chỉ ra cốt yếu của việc tu học là trau giồi giới định tuệ, dứt trừ tham sân si. Muốn được vậy, đệ tử Phật phải siêng năng nghe Pháp, tư duy nghĩa lý, và tinh tấn tu tập dựa trên chỗ nghe hiểu này (văn tư tu).

Trước khi nhập niết-bàn, đức Phật nhắc nhở đệ tử lần cuối cùng: “Các ông phải tu tuệ qua lắng nghe, tư duy và thực hành chánh pháp, để trí tuệ tăng trưởng, có được lợi ích lớn trên con đường giải thoát.”

      Cốt yếu của việc tu hành đức Phật đã nói, chư tổ đã nói, hôm nay bút giả một lần nữa cũng nói. Mục đính chính là để tự răn mình. Nếu có ai hữu duyên đọc được, phát khởi đại tâm, vững tiến trên đường giải thoát là điều mà bút giả cảm thấy vô cùng may mắn.

    Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát.

Sakya Minh-Quang viết để tự răn mình
Ngày 31 tháng 12, 2019 tại San Diego, California

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page