top of page

Trang Nhà < Bài Viết  < Đêm Rằm Suy Nghiệm Lẽ Sắc Không

Đêm Rằm Tháng Giêng Suy Nghiệm Lẽ Sắc Không

Mở đề:

     Rằm Tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của một năm âm lịch. Ánh trăng tròn sáng đầu xuân cùng với vạn vật trở mình trong sức sống mới, đã mang lại cho con người biết bao niềm vui và hy vọng. Cho nên, rằm tháng giêng chẳng những đã trở thành một trong những ngày rằm lớn nhất trong năm, mà đêm rằm tháng giêng còn là tiết Nguyên Tiêu, với lễ hội hoa đăng (lantern festival) đèn hoa rực rỡ trong truyền thống xã hội Trung Quốc nói riêng và những xã hội chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này nói chung. Đường Dần 唐寅(1470-1524), một họa sư, thư pháp gia, và thi sĩ nổi tiếng đời Minh, đã có bài thơ miêu tả không khí lễ hội Nguyên Tiêu của đêm rằm tháng giêng như sau:

Hữu đăng vô nguyệt bất ngu nhân
有燈無月不娛人
Hữu nguyệt vô đăng bất toán xuân
有月無燈不算春
Xuân đáo nhân gian nhân tợ ngọc
春到人間人似玉
Đăng thiêu nguyệt hạ nguyệt như ngân
燈燒月下月如銀
Mãn giai chu thúy du xuân nữ
滿街珠翠游村女
Phí địa sinh ca tái xã thần
沸地笙歌賽社神
Bất triển phương tôn khai khẩu tiếu
不展芳尊開口笑
Như hà tiêu đắc thử lương thần.
如何消得此良辰。

(Đường Dần- Nguyên Tiêu元宵)

hinh-anh-hinh-nen-anh-trang-mat-trang-de

Nghĩa:

Có đèn mà chẳng có trăng
Đèn bao nhiêu ngọn, cũng rằng kém vui.
Có trăng mà chẳng có đèn
Trăng dù tròn sáng, người bèn thiếu xuân!
Xuân về người tợ ngọc xinh
Đèn giăng dưới nguyệt, trăng trình màu ngân.
Đầy đường thôn nữ du xuân
Khắp nơi đàn sáo rước thần cầu may.
Gặp giờ đẹp tối hôm hôm nay

Rượu ngon xin hãy đắm say tận tình!
     (Sakya Minh-Quang dịch)

Như vậy, chúng ta thấy lễ hội hoa đăng đêm rằm tháng giêng vui vẻ và náo nhiệt biết chừng nào.

Biệt Ly Trong Cảnh Xuân

     Tuy nhiên, cái vui của lễ hội và sức sống của mùa xuân chỉ khiến con người tạm quên đi việc buồn vui ly hợp của nhân sinh.  Thực ra, trong sum họp đã có mầm chia ly, đang thanh xuân đã nằm sẵn cái già, cái bệnh, và cái chết! Vô thường hiện diện trong kiếp người chưa từng vắng mặt dù chỉ một giây! Cũng đề tài đêm rằm tháng giêng, Âu Dương Tu (歐陽修1007-1072), một nhân vật chính trị lỗi lạc, có cống hiến rất lớn đối với nền văn học và sử học đời Bắc Tống, đã viết về Nguyên Tiêu với một cái nhìn sâu sắc hơn:

Khứ niên nguyên dạ thời
去年元夜時
Hoa thị đăng như trú
花市燈如晝
Nguyệt đáo liễu sao đầu
月到柳梢頭
Nhân ước hoàng hôn hậu
人約黃昏後
Kim niên nguyên dạ thời
今年元夜時
Nguyệt dữ đăng y cựu
月與燈依舊
Bất kiến khứ niên nhân
不見去年人
Lệ thấp xuân sam tụ.
淚濕春衫袖

   Nghĩa:

Năm qua…,
Tháng giêng rằm một ánh trăng
Chợ hoa đèn sáng, phải chăng ban ngày?
Trăng lên ngọn liễu có hay
Hoàng hôn là lúc những ai hẹn hò!

Năm nay…,
Tháng giêng rằm vẫn sáng trăng
Hoa đèn như cũ, phải chăng ban ngày?
Người xưa còn mất ai hay?
Tìm không thấy bóng, lệ đầy áo xuân!

(Nguyên Tịch元夕-Sakya Minh-Quang dịch)

     Bài thơ trên của Âu Dương Tu vừa lãng mạn song cũng vô cùng bi thương! Bài thơ này đã nói lên nỗi khổ của ân ái biệt ly ngay trong ngày vui lễ hội đầu xuân. Trong khổ thơ đầu, tác giả nói về ký ức ngọt ngào của đêm rằm tháng giêng năm ngoái:

Năm qua…,
Tháng giêng rằm một ánh trăng
Chợ hoa đèn sáng, phải chăng ban ngày?
Trăng lên ngọn liễu có hay
Hoàng hôn là lúc những ai hẹn hò!

Hai câu thơ cuối thực vô cùng lãng mạn, đã trở thành danh cú, được dẫn dụng rất nhiều trong văn học Trung Quốc:

“Trăng lên ngọn liễu có hay
Hoàng hôn là lúc những ai hẹn hò!”

(Nguyệt đáo liễu sao đầu
Nhân ước hoàng hôn hậu!)

Nhưng chính sự lãng mạn đó, làm cho sự ly biệt ở khổ thơ thứ hai càng trở nên bi thương sâu sắc!

Năm nay…,
Tháng giêng rằm vẫn sáng trăng
Hoa đèn như cũ, phải chăng ban ngày?
Người xưa còn mất ai hay?
Tìm không thấy bóng, lệ đầy áo xuân!

     Trong khổ thơ thứ hai, cũng đêm rằm tháng giêng với hoa đèn rực rỡ, nhưng thế sự vô thường, năm nay người cũ có còn đâu! Trăng vẫn tròn sáng trên cao, hoa vẫn khoe hương sắc, đèn vẫn rực rỡ như năm nào, nhưng người xưa tìm mãi không ra! Bao nhiêu lời thề non hẹn biển, bao nhiêu mong ngóng nhớ nhung…, nhưng vì vô thường tất cả đều trở nên vô vọng!

     Lại nữa, bài thơ của Âu Dương Tu giúp người đọc gợi nhớ lại bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang của Thôi Hộ崔護 (?-?), một nhà thơ đời Đường, cũng có tứ thơ tương tự:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
去年今日此門中
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
人面桃花相映紅
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
人面不知何處去
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
桃花依舊笑春風

    Nghĩa:

Ngày này năm ngoái nơi đây
Hoa đào má phấn cùng hây hây hồng
Người giờ vắng bóng, vườn không
Riêng hoa đào trước gió đông vẫn cười!

(Đề Đô Thành Nam Trang-Sakya Minh-Quang dịch)

     Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du tả cảnh Kim Trọng sau khi về quê thọ tang chú, trở lại thì chỉ thấy vườn không nhà trống, còn người thề non hẹn biển với mình là Thúy Kiều đã bán mình chuộc cha, bặt vô âm tín:

Nỗi nàng tai nạn đã đầy, 
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương. 
Từ ngày muôn dặm phù tang, 
Nửa năm ở đất Liêu dương lại nhà. 
Vội sang vườn Thúy dò la, 
Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa. 
Đầy vườn cỏ mọc lau thưa, 
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời. 
Trước sau nào thấy bóng người, 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông!

Hai câu Kiều cuối là dịch ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ nói trên.

     Vì ái nên biệt ly khổ

     Đức Phật dạy thế gian có tám món khổ: sinh, già, bệnh, chết, cầu muốn không được, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, và có thân năm ấm. Nhìn từ góc độ Phật Pháp, hai bài thơ của Âu Dương Tu và Thôi Hộ đã minh họa cho nỗi khổ “ái biệt ly” này! Con người là loài hữu tình, vì có tình nên mới có ưu bi khổ não! Nếu trời đất mà có tình cảm, cũng ưu bi khổ não trước vô thường! Cho nên, Lý Hạ (李賀790-816), một nhà thơ đời Đường bảo:

Trời nếu có tình, trời cũng già” (Thiên nhược hữu tình, thiên diệc lão) là vậy.

     Thực ra, vạn vật thay đổi bốn mùa xuân hạ thu đông, đời người vô thường sinh già bệnh chết, có họp phải có tan. Đây là quy luật tất nhiên của vũ trụ và nhân sinh. Khổ hay vui là do con người đối cảnh sinh tình, có tâm phân biệt đẹp xấu, có lòng chấp trước ghét thương. Lúc chiếm hữu được cái mình ưa thích thì vui, còn khi không có được hay được rồi lại đánh mất đi, sẽ cảm thấy buồn thương, sầu khổ! Cho nên, trong Kinh Đại Bát Niết-bàn đức Phật dạy:

Nhân ái sinh ưu
因愛生憂
Nhân ái sinh bố
因愛生怖
Nhược ly ư ái
若離於愛
Hà ưu hà bố?
何憂何怖

   Nghĩa:

Vì có ái sinh lo
Vì có ái sinh sợ
Nếu như không có ái
Nào có lo có sợ!

Như vậy, ái mới chính là nguồn gốc của đau khổ mà không phải biệt ly! Giã sử nếu không có ái, thì biệt ly sẽ không khổ, vì đây là điều tất yếu của cuộc đời theo luật vô thường!

     Trí tuệ chuyển hóa phiền não

     Nhưng chúng ta là phàm phu, làm sao có thể dứt hết ái nhiễm? Nguyễn Du nói:

Cho hay là giống hữu tình
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong!

     Dù là người xuất gia cũng chỉ là xuất thế tục gia, rời gia đình thế tục vào đạo tu hành, nhưng chưa phải đã ra khỏi nhà phiền não (xuất phiền não gia)! Người tu vẫn đang nỗi lực “gỡ mối tơ mành” mà thôi! Nhưng người tu chỉ lo không có Phật Pháp, mà không lo không có biện pháp. Đức Phật đã chỉ ra thiền quán là con đường chuyển hóa tình chấp thành tuệ giác, thăng hoa tình ái thành từ bi, biến khổ não đau thương thành an lạc hạnh phúc ngay trong kiếp người.

     Là con Phật, chúng ta phải quán chiếu vô thường, cảnh tỉnh vô thường trong mọi hoàn cảnh. Từ quán vô thường, chúng ta sẽ ngộ ra các pháp vô ngã tánh không, từ đó những tình chấp ái nhiễm sẽ lần lần rơi rụng. Được vậy, dù trước cảnh đời rộn rã lúc xuân về với trăm tím ngàn hồng, người con Phật vẫn an trú vững vàng trong chánh niệm. Trần Nhân Tông, vị vua anh minh của dân tộc Việt Nam, sau khi xuất gia lấy Đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng, đã nói lên quá trình chuyển hóa này của mình qua bài thơ Xuân Vãn hay Cuối Xuân:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
年少何曾了色空
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
一春心在百花中
Như kim khám phá đông hoàng diện
如今勘破東皇面
Thiền bản bồ đoàn khan trụy hồng.
禪板蒲團看墜紅

   Nghĩa:

Trẻ chưa rõ lý sắc không
Xuân về hoa nở, cõi lòng xôn xao!
Chúa xuân nay đã biết nhau
Giường thiền ngồi ngắm hoa đào rụng rơi!

(Cuối Xuân-Sakya Minh-Quang dịch)

     Đông hoàng là vị thần của mùa xuân, hay chúa xuân. Với công phu quán chiếu bát-nhã, hành giả một khi khám phá được mặt mũi xưa nay của chúa xuân, hay thực tướng thường tịch diệt của các pháp (thực tướng bát-nhã), sẽ an nhiên tự tại trước cảnh sinh diệt của xuân đến xuân đi.

     Đạo tình tịnh hóa nhân tình

     Trong khi dùng trí tuệ quán chiếu để chuyển hóa thân tâm đến mức nghiệp sạch tình không, người tu cũng dùng đạo tình để thăng hoa và tịnh hóa tình cảm. Đạo tình đặt trên nền tảng lòng từ bi, tức tình thương rộng lớn hướng đến vô ngã vị tha. Đây là tình thầy trò, huynh đệ cùng nương tựa và sách tấn lẫn nhau trên con đường Đạo. Chúng ta tu hành là dứt trừ nhân tình ái nhiễm, mà không phải không có Đạo tình từ bi. Bồ-tát được dịch nghĩa là Giác hữu tình, tức một chúng hữu tình đang đi trên con đường giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người. Như vậy, ngay cả Bồ-tát vẫn còn chữ tình, huống chi là phàm phu chúng ta? Chẳng qua, chữ tình của Bồ-tát là Đạo tình, lấy từ bi cứu khổ chúng sinh làm lẽ sống.

     Đạo tình có thể thanh tịnh hóa lòng ái nhiễm. Ví dụ, trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, đức Phật dạy người tu phải quán tưởng, coi người lớn tuổi hơn mình như cha mẹ hay anh chị, người nhỏ tuổi hơn mình như em trai, em gái, hay con cháu trong nhà. Quán chiếu như vậy sẽ dứt trừ lòng ái dục. Đây chính là dùng Đạo tình để chuyển hóa nhân tình. Cho nên, bút giả từng có bài thơ viết về chữ tình như sau:

Suốt mấy mươi năm một chữ tình
Tình cha, tình mẹ đấng thân sinh
Tình yêu nam nữ còn son trẻ
Tình nghĩa phu thê có gia đình
Tình bạn giúp nhau cơn khốn khó
Tình người san sẻ buổi linh đinh
Bây giờ lại có thêm tình Đạo
Tịnh hóa chữ tình kiếp nhân sinh.

   (Chữ Tình-Sakya Minh-Quang)

Một Phật tử đã họa tiếp bốn câu:

Tịnh hóa chữ tình kiếp nhân sinh
Không danh, không lợi, chẳng vì mình
Tình yêu vượt thoát tầm bản ngã
Là tình trong sáng, ánh quang minh!

    (Chân Thanh Mỹ)

     Kết Luận

     Một mùa xuân nữa lại về (Kỷ Hợi 2019). Xét lại người thân quen, ân nghĩa, bao nhiêu người đã ra đi? Mới đó mà đã là Lễ Tiểu Tường (giáp năm) cho Phật tử Giải Hạnh, người có ân hộ trì sâu nặng với bút giả. Đúng là:

Người trước mắt
còn thế ấy
Bao người phương khác
cũng như vậy
Gẫm suy tính lại kẻ thân quen
Năm tháng qua rồi còn lại mấy?

(Từ Giã Vợ Xuất Gia-Đại Sư Liên Trì-Sakya Minh-Quang dịch)

     Năm nay chúng ta sẽ phải mất đi những ai? Điều này mình thực không thể nào biết. Nhưng chúng ta có thể biết chắc chắn rằng, năm nay mình thêm một tuổi, có nghĩa sống bớt đi một năm và gần với cái chết hơn một bước! Cho nên, chúng ta không phải chỉ chia tay với người thân, người thương của mình, mà còn phải chia tay với chính mình! Chúng ta đang chia tay với tuổi trẻ, sức khỏe và sự sống của mình trong từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ. Vì vậy, là con Phật, chúng ta phải tự nhắc mình tinh tấn nỗ lực hơn nữa, nhớ ghi “sinh tử việc lớn, vô thường mau chóng”, không để đời mình trôi qua trong vô ích.

Một năm, một năm, lại một năm
Cái già, cái bệnh… mãi viếng thăm
Nhắc mình chuẩn bị đón cái chết
Mạng người hơi thở khắc ghi tâm!

***
Mạng người hơi thở khắc ghi tâm
Tinh tấn đường tu chớ lạc lầm
Tùy duyên hoằng Pháp đền ơn nặng
Một năm, một năm, lại một năm!

    (Tự Tỉnh II-Sakya Minh-Quang)

     Trong những ngày đầu xuân, đọc và phiên dịch thơ xuân, chiêm nghiệm lẽ sắc không, còn mất của kiếp người, bút giả ghi lại những dòng suy nghĩ của mình để tự thức tỉnh và sách tấn bản thân. Xin chia sẻ bài viết này cùng huynh đệ và Phật tử hữu duyên, như một món quà tết dành tặng nhau của những người con Phật nhân dịp xuân về!

Viết tại Tu Viện Thiện Tường
Đêm rằm tháng giêng (20/02/2019)
Sakya Minh-Quang kính bút

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page