XIN TẮM MỘT VỊ PHẬT ĐANG THÀNH
Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay, Tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu.[1]
Trong bốn niềm hạnh phúc trên, niềm hạnh phúc đức Phật xuất thế là mở đầu cũng như quyết định cho ba niềm hạnh phúc còn lại. Có đức Phật ra đời, mới có giáo pháp được thuyết giảng trên thế gian. Có đức Phật và giáo pháp mới có chư Tăng, những người xuất gia theo gương đức Phật, sống với lý tưởng giải thoát và thay Phật hoằng Pháp lợi sinh. Có Phật-Pháp-Tăng chúng sinh mới có nơi nương về tu tập, chuyển hóa khổ đau, gây dựng hạnh phúc an lạc.
Cho nên, đối với người con Phật, dù xuất gia hay tại gia, ngày đức Phật ra đời là một ngày lễ tôn giáo vô cùng trọng đại, nhằm tưởng niệm và tỏ lòng tri ân đối với đức Thế Tôn, người đã mang lại thông điệp giải thoát và giác ngộ bình đẳng cho tất cả chúng sinh. Hơn nữa, ngày Phật đản cũng là ngày người con Phật thông qua nghi thức tắm Phật, tự nhắc nhở mình ý nghĩa và mục đích ra đời của đức Phật, để không quên lý tưởng tu học và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề của mình.
Vì vậy, theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa Đông Á ở Trung Quốc, Việt Nam, Korea và Nhật Bản, Lễ Phật Đản luôn đi kèm theo nghi thức tắm Phật. Cho nên, Lễ Phật Đản cũng còn gọi là Lễ Tắm Phật (dục Phật tiết). Thực ra, tắm Phật là một nghi thức tôn giáo quan trọng, chẳng những tưởng niệm ngày đức Phật ra đời, mà còn truyền đạt thông điệp tâm linh Phật giáo sâu sắc: Đức Phật là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành, còn người Phật tử là Phật đang thành!
Về ý nghĩa tôn giáo, đối với người Phật tử, nghi thức tắm Phật nhằm tưởng niệm ngày đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni ra đời cách nay hơn hai ngàn sáu trăm năm trước. Nhiều kinh văn ghi lại, khi thái tử Tất-đạt-đa giáng sinh dưới cội cây Vô Ưu ở vườn Lâm-tỳ-ni thuộc thành Ca-tỳ-la-vệ, Nepal hiện nay, Ngài liền bước đi bốn hướng, mỗi hướng bảy bước. Dưới mỗi bước chân của đức Phật sơ sinh hiện lên một đóa hoa sen, nâng gót chân Người. Sau đó, đức Phật đưa tay phải lên chỉ trời, tay trái chỉ đất, thốt lên lời rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn,” hay “Trên trời dưới trời, Ta tôn qúy nhất.”
Lúc đó, chín con rồng (có kinh ghi là hai con) từ bên trời bay đến phun nước tắm Thánh thân của đức Phật sơ sinh để cúng dường, và tỏ lòng hân hoan chào đón vị Thánh nhân cứu thế vừa xuất hiện trong đời. Sự kiện này được gọi là “cửu long phún thủy,” hay “chín rồng phun nước.” Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, các chùa miền Bắc đều có thờ bộ tượng cửu long, tức hình ảnh chín con rồng phun nước tắm đức Phật sơ sinh, để tưởng nhớ đến nhân duyên hy hữu này.
Sự kiện đản sinh chưa từng có của đức Phật được ghi lại trong Kinh Đại Bản của bộ Kinh Trường A-hàm, Kinh Tu Hành Bản Khởi, và Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, cũng như nhiều kinh điển khác. Nhiều Phật tử cảm thấy, dù có nói ra hay không, cách đức Phật đản sinh được mô tả trong kinh điển thực khó tin, vì nó mang đậm tính huyền thoại. Thực ra, tin hay không tin vào điều này không quan trọng, bởi lẽ đức Phật dạy người Phật tử phải “y nghĩa bất y ngữ” hay “y cứ vào nghĩa lý mà không y cứ vào ngôn ngữ,” dù đó là ngôn ngữ của kinh điển. Cho nên, điều quan trọng là, người Phật tử phải tìm hiểu xem những hình ảnh và ngôn ngữ tôn giáo huyền thoại đó chuyên chở và truyền đạt ý nghĩa thiết thực gì, để giúp chúng ta tu học trong đời sống hằng ngày. Đó cũng chính là mục đích mà bài viết này nhắm đến, nhằm chia sẽ kiến giải của mình cùng những ai có duyên.
Về lời tuyên ngôn của đức Phật lúc mới đản sinh, Kinh Đại Bản chép: “Trên trời dưới trời, chỉ Ta là tôn quý hơn cả; Ta sẽ cứu độ chúng sinh khỏi sinh già bệnh chết.”[2] Kinh Tu Hành Bản Khởi ghi: “Trên trời dưới trời, Ta tôn quý nhất, ba cõi đều khổ, Ta sẽ làm yên ổn nỗi khổ đau này.”[3] Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi ghi: “Trên trời dưới trời, chỉ Ta tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, làm sao được vui.”[4] Như vậy, các bản kinh chép có đôi chút khác nhau, song tất cả đều đồng nhau ở câu đầu: “Trên trời dưới trời, Ta tôn quý nhất…,” hay “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”
Duy ngã độc tôn và tinh thần vô ngã bình đẳng
Có không ít người, Phật tử cũng như không phải là Phật tử, hỏi: “Đức Phật từ bi vô ngã, tại sao lúc mới ra đời lại tự tuyên bố là “duy ngã độc tôn?” Như vậy có mâu thuẫn với tinh thần vô ngã và bình đẳng của đức Phật hay không?”
Thực ra, lời tuyên bố trên không hề trái với ý nghĩa vô ngã và bình đẳng; ngược lại, lời tuyên ngôn này còn làm sáng tỏ tinh thần vô ngã và bình đẳng của Phật giáo. Điều quan trọng cần ghi nhớ: “Duy ngã độc tôn” là lời tuyên bố được thốt lên bởi vị Phật sơ sinh, mà không phải là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người đã hoàn toàn giác ngộ sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề. Đức Phật sơ sinh là đức Phật sẽ thành, còn đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một trong nhiều vị Phật đã thành. Đức Phật từng tuyên bố: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh,”[5] và “Ta là Phật đã thành, còn tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành.”[6] Như vậy, đức Phật sơ sinh là đức Phật sẽ thành, tức khả năng thành Phật hay Phật tánh nơi mỗi chúng ta. Như vậy, “duy ngã độc tôn” là nói Phật tánh, hay khả năng thành Phật sẵn có nơi mỗi con người, tôn quý nhất, hơn tất cả mọi giá trị tôn giáo, hay tín ngưỡng thần thánh bên ngoài.
Nói rõ hơn, “duy ngã độc tôn” là lời tuyên bố về quyền giác ngộ, giải thoát, hết khổ, được vui được quyết định bởi con người mà không phải nằm trong tay thần linh, như thượng đế của nhất thần giáo (monotheism) hay bất cứ thần thánh nào khác của đa thần giáo (polytheism). Con người có khả năng giác ngộ bình đẳng như đức Phật không khác. Cái “ngã” mà chúng sinh chấp trước trong mối quan hệ nhân ngã, mình và người v.v… là giả tạm, tương đối, không thực có; chấp vào nó chỉ đem lại phiền não, khổ đau. Con người thay vì hướng ngoại cầu thần linh ban phước trừ họa, hay cầu thượng đế cứu rỗi ở kiếp sau, nên xoay trở lại tìm hạnh phúc, giác ngộ và cứu rỗi nơi chính mình. Bằng cách lắng nghe, tư duy, và thực hành Phật Pháp, tâm chấp ngã, dẫy đầy phiền não dần dần được chuyển hóa và Phật tánh nơi mỗi con người lần lần hiển lộ. Một ngày nào đó, khi cái “ngã” phiền não không còn, thì Phật tánh vô ngã hoàn toàn hiển lộ. Đây chính là ý nghĩa vô ngã và bình đẳng của lời tuyên ngôn “duy ngã độc tôn.” Lời tuyên ngôn này này được đức Phật xác định nhiều lần trong bốn mươi lăm năm hoằng Pháp lợi sinh của mình.
Tắm Phật: Chăm sóc vị Phật sơ sinh trong lòng
Tuy Phật tánh sẵn đủ và bình đẳng nơi mỗi chúng sinh, nhưng vì tập khí vô minh phiền não sâu dày che lấp, nếu không huân tu giới định tuệ, nhờ Phật Pháp gột rửa phiền não tham sân si, thì Phật tánh không thể nào hiển lộ. Cho nên vào ngày lễ Phật đản, luôn đi chung với nghi thức tắm Phật nhằm nhắc nhở người con Phật phải biết tôn quý và chăm sóc vị Phật sơ sinh trong lòng mỗi người, bằng cách thường xuyên tu tập, gột rửa thân tâm của mình bằng dòng nước Chánh Pháp thanh tịnh.
Vì vậy, chúng ta làm lễ tắm Phật không những để tưởng nhớ và tôn trọng đức Phật lịch sử, mà quan trọng hơn nữa, là để tưởng nhớ và tôn trọng tánh linh của mình, một vị Phật đang thành và sẽ thành. Đây mới đích thực là thông điệp mà đức Phật muốn gởi đến chúng ta. Thông điệp của niềm tin và tỉnh thức. Tin vào Phật tánh sẵn đủ nơi mình và tỉnh thức để luôn sống khế hợp với chánh pháp, con đường đưa đến một vị Phật hoàn thiện.
Bài kệ tắm Phật: Xuất xứ và ý nghĩa
Trước khi đi sâu vào ý nghĩa bài kệ tắm Phật, chúng ta thử xét qua xuất xứ của bài kệ cũng như nghi thức tắm Phật, vì bài kệ tắm Phật và kinh điển y cứ chuyên chở nội dung và ý nghĩa của việc tắm Phật.
Tuy sự việc rồng đến phun nước tắm cho đức Phật sơ sinh được ghi lại trong nhiều kinh điển như đã đề cập ở trên, nhưng có lẽ Kinh Công Đức Tắm Phật (Dục Phật Công Đức Kinh) do ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh (635-713) đời nhà Đường dịch ra Hán văn mới là y cứ chính và có liên quan trực tiếp đến nghi thức tắm Phật. Bởi vì Kinh này chẳng những giải thích chi tiết nghi thức tắm tôn tượng Phật như thế nào, mà còn là xuất xứ của bài kệ tắm Phật bốn câu được tụng đọc trong nghi thức tắm Phật. Kinh Công Đức Tắm Phật ghi:
Con nay tắm gội đức Như Lai
Trí sạch trang nghiêm, phước hiển bày
Chúng sinh năm trược lìa trần cấu
Chứng tâm thanh tịnh vốn xưa nay.
Bốn câu kệ này nhắc nhở người Phật tử: Khi tắm Phật phải ghi nhớ và quán tưởng mình đang tắm vị Phật sẵn có trong tâm của mình (Phật tánh) mà không phải là đức Phật bên ngoài. Vị Phật này sẵn đủ trí tuệ và công đức bình đẳng như đức Phật Thích-ca không khác, nhưng vì những cấu bẩn (trược) phiền não che lấp, nên không thể hiển lộ. Nay nhờ việc tắm Phật bằng chánh pháp, hay tinh tấn tu tập, sẽ gột sạch những phiền não này, khiến chúng sinh cùng được chứng nhập tâm thể, hay pháp thân thanh tịnh đồng với đức Như Lai.
Kinh Công Đức Tắm Phật dạy người làm lễ tắm Phật phải lấy hai ngón tay nhúng vào nước tắm Phật rồi chấm lên trên đầu của mình. Đây là nhắc người Phật tử phải quay lại tắm vị Phật ngay nơi mỗi người. Vì vậy, nghi thức Tắm Phật là biểu pháp, giúp chúng ta đi từ sự tướng để thể nhập lý tánh, thông qua nghi lễ tôn giáo để truyền đạt tinh thần Phật giáo là tự tin, tự tu và tự độ. Nước tượng trưng cho Giáo pháp, hương thơm biểu tượng công hạnh tu tập Giới-Định-Tuệ, tượng Phật sơ sinh chỉ Phật tánh, hành động tắm Phật là thực hiện tâm Bồ-đề: trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh.
Trên đây là nhìn bốn câu kệ trên ở góc độ tự giác của tâm Bồ-đề: trên cầu thành Phật. Nếu nhìn bài kệ trên ở góc độ giác tha của tâm Bồ-đề: dưới độ chúng sinh, người con Phật khi tắm Phật phải phát tâm đại từ bi, thệ nguyện đem Phật Pháp để giúp đỡ chúng sinh, quét sạch phiền não cấu uế, chứng được Pháp thân thanh tịnh như chư Phật.
Thực ra, bài kệ này tương ứng với lời đức Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong Kinh Hoa Nghiêm, khi mới thành đạo dưới cội Bồ đề, đức Phật phát hiện ra khả năng thành Phật kỳ diệu của tất cả chúng sinh, mới thốt lên lời cảm hứng: “Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay! Vì sao chúng sinh vốn đầy đủ trí tuệ nơi mình mà không hay không biết? Ta sẽ giáo hóa cho họ giác ngộ Thánh đạo, xa lìa mãi mãi vọng tưởng điên đảo đã làm ô nhiễm, trói buộc bấy lâu nay; khiến họ tỏ ngộ trí tuệ Như Lai sẵn có nơi mình, cùng với Phật đồng nhau không khác.”[7]
Điều thú vị là, bài kệ tắm Phật của Phật giáo Việt Nam có đến mười hai câu, hay gồm ba bài kệ bốn câu, thay vì chỉ có một bài kệ bốn câu. Bài kệ này không thấy ở nghi thức tắm Phật ở các nước Phật giáo Đại Thừa Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, Korea và Nhật Bản.[8] Nói khác đi, bài kệ tắm Phật mười hai câu là điểm đặc thù của Phật giáo Việt Nam mà Phật tử cần phải biết. Tám câu kệ kế tiếp của bài kệ tắm Phật Việt Nam như sau:
Phật chẳng từng sinh ở Ca-tỳ
Chưa từng nhập diệt nước Câu-thi
Pháp thân sao thấy còn sinh diệt?
Bụi vướng vào tròng phải lấy đi!
Tháng tư mùng tám sáng đẹp tươi
Thái tử Đạt-đa mới ra đời
Rồng đến đón mừng phun nước tắm
Sen nở nâng theo mỗi bước người.[9]
Bài kệ bốn câu thứ hai giảng rộng về ý nghĩa Pháp thân của Phật. Phật có ba thân là hóa thân, báo thân vào pháp thân. Báo thân Phật đầy đủ phước đức và trí tuệ, hay “trí sạch trang nghiêm, phước hiển bày” do kết quả tu hành của đức Phật trong vô lượng kiếp. Đây là cảnh giới của đức Phật vượt ngoài thấy biết của phàm phu.
Mượn hình ảnh ông trưởng giả và người cùng tử ở phẩm Tín Giả, Kinh Pháp Hoa để giải thích. Báo thân Phật trang nghiêm không thể nghĩ bàn (đối với phàm phu) như ông trưởng giả giàu sang tột cùng, vượt ngoài sự tin hiểu của đứa con hư hỏng, người bỏ nhà lưu lạc từ bé nên quên mất gốc gác, phải chịu nghèo khổ, làm thuê trở lại cho cha. Hóa thân Phật hay còn gọi là ứng thân Phật là chỉ thân Phật thị hiện tùy theo căn cơ của chúng sinh để hóa độ. Như đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện sinh ở thành Ca-tỳ-la-vệ, hai mươi chín tuổi rời nhà xuất gia, ba mươi lăm tuổi thành đạo dưới cội Bồ-đề, và tám mươi tuổi nhập Niết-bàn nơi rừng Câu-thi-la giữa hai cội cây Sa-la. Hình ảnh này như ông trưởng giả giàu sang cởi chiếc ác sang đẹp và những đồ trang sức quý
Chúng sinh thấy đức Phật có sinh có diệt là chỉ thấy đức Phật hóa thân bên ngoài. Cái thấy này là cái thấy của phàm phu hay chúng sinh (phàm phu tri kiến, chúng sinh tri kiến). Nếu chỉ chấp vào đó mà không chịu tin nhận Phật tánh nơi mình và tu tập để chứng ngộ Pháp thân sẵn có, thì như con mắt bị vướng bụi, mang bệnh nên không thấy được sự thực. Cho nên nói:
Pháp thân sao thấy còn sinh diệt?
Bụi vướng vào tròng phải lấy đi.
Vì vậy, nếu tin nhận Pháp thân sẵn có nơi mình và tinh tấn tu tập để chứng ngộ Pháp thân, thì mới không cô phụ nhân duyên thị hiện ra đời của đức Phật. Như trong Kinh Pháp Hoa, lúc sắp nhập Niết bàn, một lần nữa đức Phật lại nói lên hoài bão mà Ngài xuất hiện trong thế gian: “Này Xá-lợi-phất, sao gọi là chư Phật, Thế Tôn chỉ vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện trong đời? Chư Phật, Thế Tôn muốn khiến chúng sinh mở được tri kiến Phật để được thanh tịnh nên ra đời; muốn chỉ chúng sinh thấy được tri kiến Phật nên ra đời; muốn khiến chúng sinh ngộ được tri kiến Phật nên ra đời; muốn khiến chúng sinh bước vào đạo đưa đến tri kiến Phật nên ra đời.”[10] Tri kiến Phật hay Phật tánh là tên khác pháp thân Phật được ví dụ như dòng dõi thực sự của anh chàng cùng tử trong Kinh Pháp Hoa:
Là con Phật chân chính:
Sinh ra từ miệng Phật
Hóa sinh từ Pháp Phật
Được phần Pháp của Phật.[11]
Phật đã thành, Phật sẽ thành, và Phật đang thành
Như vậy, đức Phật khẳng định tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật (Phật tánh), Ngài là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành, còn Phật tử là “Phật đang thành.” Phật sẽ thành là khả năng thành Phật, Phật đang thành là hiện thực hóa khả năng thành Phật đó qua đời sống tu tập hàng ngày. Tu tập cũng có nghĩa là nuôi dưỡng một đức Phật sơ sinh (baby Buddha), một ngày một lớn lên cho đến khi trưởng thành hoàn toàn, tức thành Phật đầy đủ trí tuệ và phước đức. Nói khác đi, người Phật tử tu tập là hiển lộ tánh Phật của mình trong từng giờ, từng phút, từng niệm, từng sát na. Tất cả đều ngay bây giờ và ở đây. Mỗi bước chân là đã có một dấu chân, mỗi niệm tu tập là mỗi niệm đang thành Phật. Cho nên Đạo Nguyên, sơ tổ tông Tào Động Nhật Bản, bảo: “Tu và chứng không hai” (Tu chứng nhất đẳng). Nếu chúng ta chánh niệm rằng mình là “Phật đang thành,” sẽ biết tự trọng lấy mình cũng như thận trọng trong lời nói, việc làm và ý nghĩ. Vì vậy, việc tu tập và thành tựu của người Phật tử được thực hiện ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Đó chính là ý nghĩa mỗi Phật tử chân chánh là một vị Phật đang thành.
Cho nên, học Phật chính là học thành Phật. Muốn thành Phật phải y theo giáo pháp mà đức Phật chỉ dạy để khơi mở trí tuệ và thanh tịnh hóa tập khí phiền não nơi hành vi, lời nói và tư tưởng của mình thì tánh Phật mới dần dần hiển lộ. Giờ phút nào Phật tử chúng ta quên tu (thất niệm), là giờ phút đó đức Phật chúng ta không còn hiện hữu trong đời sống! Cho nên một vị thiền sư đã nói:
Thân miệng ý thanh tịnh, gọi là Phật ra đời!
Thân miệng ý bất tịnh, gọi là Phật diệt độ!
Tóm lại, lễ tắm Phật nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên tắm mình trong Chánh Pháp, siêng năng tu tập Giới-Định-Tuệ để gội rửa bụi trần phiền não tham sân si, và vun bồi phước đức, trí tuệ. Một khi bụi trần phiền não không còn, công đức tu tập viên mãn, thì đức Phật phước tuệ trang nghiêm tự nhiên thành tựu.
Nhân lần in chính thức Nghi Thức Lễ Phật Đản và Kinh Công Đức Tắm Phật sau gần mười năm phiên dịch, biên soạn và trì tụng ở dạng bản thảo tại tu viện Quan Âm, Michigan, chúng tôi thành kính ghi lại ý nghĩa căn bản của lễ tắm Phật để chia sẽ cùng những ai có duyên. Kính mong toàn thể quý Phật tử, dù xuất gia hay tại gia, ghi nhớ và tin chắc mình có sẵn khả năng thành Phật (Phật tánh), ai chưa phát tâm Bồ-đề xin hãy phát tâm. Ai đã phát tâm xin trân trọng, giữ gìn và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề của mình bằng dòng nước Pháp qua công phu văn-tư-tu mỗi ngày.
Như vậy, chẳng những chúng ta tri ân, tôn vinh đức Phật Bổn Sư Thích Ca, người Thầy đáng kính của trời người đúng cách, mà còn tôn trọng tánh linh của mình, không để viên ngọc Phật tánh nằm mãi trong chéo áo dơ rách hay mai một trong vũng bùn phiền não. Nên tự tin và ghi nhớ: Đức Phật là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành, còn người Phật tử là những vị Phật đang thành! Cho nên, bằng dòng nước Pháp, xin mỗi người Phật tử hãy xoay lại mình để tắm một vị Phật đang thành. Trân trọng.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
Phật lịch 2557-2013
Sakya Minh-Quang kính ghi tại Campus Urbana-Champaign, University of Illinois.
-----------------------------------------------------
[1]Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, T29, no. 1558, p. 2.
[2] Kinh Đại Bản, Trường A-hàm (T01, no. 1, p. 4).
[3] Kinh Tu Hành Bản Khởi (T03, no. 184, p. 463).
[4] Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi (T03, no. 185, p. 473).
[5]Kinh Đại Bát Niết Bàn, T12, no. 374, p. 413.
[6]Kinh Hoa Nghiêm: “Lúc Như Lai thành Chánh Giác, trong thân mình thấy khắp tất cả chúng sinh thành chánh giác.” T10, no. 279, p. 274.
[7] Kinh Hoa Nghiêm (T09, no. 278, p. 624).
[8] Vì tìm hiểu xuất xứ bài kệ tắm Phật của Việt Nam, năm 1995 bút giả tham dự nghi lễ tắm Phật ở Đài Loan lần đầu tiên, cũng như tham vấn về bài kệ này với các thầy người Hoa, Korea và Nhật Bản v.v… sau này, nhưng được biết các nơi chỉ tụng có bốn câu, mà không phải mười hai câu như bài kệ tắm Phật của Việt Nam. Bút giả tra cứu trong Đại Tạng cũng không thấy xuất xứ của tám câu kệ còn lại. Năm 1999, bút giả có đặt vấn đề này với thầy Lệ Trang, vị rất tinh thông về nghi thức truyền thống Phật giáo. Được thầy cho biết, trong nghi thức nhập tháp của quý hòa thượng tôn đức, có bài pháp ngữ tương tự như bốn câu kế của bài kệ tắm Phật. Bài Pháp ngữ như sau: “Tích nhật gia nương bất tằng sinh, kim triêu sơn cốc bất tằng diệt, bất sinh bất diệt lão thiền ông….” (Ngày xưa cha mẹ chưa từng sinh, Nay nơi khe núi chưa từng diệt, bất sinh bất diệt lão thiền ông….).
[9] Ý nghĩa chi tiết của bài kệ tắm Phật, bút giả đã giảng và có ghi lại qua đĩa CD. Còn về bài viết, xin đọc ở xuất bản khác; còn ở đây chỉ giảng tổng quát ý nghĩa tắm Phật.
[10] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, (T09, no. 262, p. 7).
[11]Kinh Pháp Hoa. T09, no. 262, p. 10.