top of page

      Tham luận Giáo Dục và Hoằng Pháp

           Thách Thức và Định Hướng: Giáo Dục Đào Tạo Tăng Tài                         Nơi Hải Ngoại Hiện Nay

                                                Sakya Minh-Quang

   Mục tiêu chính của giáo dục Phật giáo nhằm đào tạo tăng ni tài đức để truyền thừa mạng mạch Phật Pháp và hoằng Pháp lợi sinh. Ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã bắt đầu việc truyền dạy và đào tạo thành công năm vị Thánh giả A-la-hán đầu tiên trong thế gian. Đó chính là năm huynh đệ A-nhã Kiều Trần Như.  Đây là những Tăng tài Phật giáo đầu tiên, giúp Phật hoằng dương Chánh Pháp. Cho nên, muốn làm việc giáo dục phải có con người giáo dục; muốn hoằng pháp, phải có con người hoằng pháp. Trách nhiệm giáo dục và hoằng Pháp này, đức Phật đã trao cho Tăng bảo. Cho nên, giáo dục để đào tạo tăng tài Phật giáo nhằm gánh vác sứ mạng Phật Pháp luôn là vấn đề sống còn của Phật giáo xưa nay nói chung và Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại ngày nay nói riêng.

   Những nguyên tắc và phương pháp giáo dục Phật giáo cơ bản như văn-tư-tu và giới-định-tuệ đã có từ thời đức Phật và vẫn không thay đổi cho đến ngày nay. Tuy nhiên, để vận dụng những nguyên tắc đó vào hoàn cảnh thực tế là điều chúng ta phải luôn suy nghĩ để không ngừng điều chỉnh và cập nhật. Được như vậy, giáo dục Phật giáo mới đem lại hiệu quả cho việc tu học và hoằng Pháp trong từng thời đại và hoàn cảnh xã hội khác nhau. Trong môi trường xã hội phương Tây, một xã hội được đặt trên nền tảng giá trị của tín ngưỡng Ki-tô và văn minh vật chất, Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại đã, đang và sẽ đối diện những khó khăn, thách thức không dễ gì vượt qua trong việc giáo dục tăng tài và hoằng pháp lợi sinh. Vì vậy, với tư cách là một tăng sĩ gạch nối giữa hai thế hệ chư tôn đức lớn tuổi và tăng ni trẻ, cũng như có một thời gian tu học và hành đạo ở Hoa Kỳ, chúng con/chúng tôi xin được chia sẻ với đại chúng những suy nghĩ và kinh nghiệm của mình về những thách thức và định hướng tương lai cho Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại hiện nay. Trong bài viết này, phạm vi thảo luận xin được giới hạn là Phật giáo tại Hoa Kỳ, đối tượng quan sát và thảo luận chính của bút giả.

      1.  Những thách thức cho Giáo dục Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.

            a. Thiếu lớp trẻ xuất gia để kế thừa

   Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã và đang rất cần lớp tăng ni trẻ đủ khả năng kế thừa và phát huy Phật Pháp trong thời đại và hoàn cảnh mới. Giới trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, dù là ở trong gia đình Phật tử, vẫn khó đến với Phật giáo bởi sự  ngăn cách ngôn ngữ, xa lạ văn hóa truyền thống , và ảnh hưởng bởi xã hội văn minh vật chất phương  Tây. Ngăn cách ngôn ngữ vì các em không giỏi tiếng Việt để học Phật Pháp trong khi nhiều vị giáo thọ lại không giỏi tiếng Anh để truyền đạt Phật Pháp. Lại nữa, giới trẻ không phải lớn lên trong xã hộ văn hóa truyền thống Việt Nam, cho nên chúng ta phải có sách giáo khoa và phương pháp giáo dục thích hợp thì các em mới có thể dễ dàng tiếp nhận. Ngoài ra, vì giới trẻ lớn lên trong cuộc sống dồi dào vật chất, khó thể sống đời sống xuất gia thiểu dục tri túc, nếu các em không đủ căn lành và phước đức nhân duyên, để gặp người khai phát và nuôi dưỡng đạo tâm. Như một hệ quả tất yếu, ở Hoa Kỳ, giới trẻ rất ít người đi xuất gia hay đi trọn con đường xuất gia. Vì vậy, cho dù chúng ta có xây dựng cơ sở vật chất, nhưng vẫn chưa có đủ giáo thọ có trình độ và bản lĩnh để có thể dạy dỗ và đào tạo lớp xuất gia kế thừa. Cho nên, một Phật Học Viện ở hải ngoại đã là niềm ao ước và thao thức của chư tôn đức từ lâu, nhưng đến nay điều này vẫn là bất khả thi.

             b. Thiếu giáo thọ đủ trình độ và bản lĩnh để trao truyền

   Để đáp ứng nhu cầu Phật sự ngày càng tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển của cộng đồng người Việt nơi hải ngoại, Phật giáo Việt Nam phải nhờ rất nhiều vào lớp tăng ni được đào tạo từ Việt Nam sang để gánh vác. Những vị này có căn bản nội điển, có trình độ nhất định vì có thể đã du học ở Ấn Độ, Đài Loan hay Nhật Bản. Nhưng để giỏi ngôn ngữ và văn hóa bản địa, có khả năng truyền dạy cho người bản xứ và lớp trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên nơi đây, những tăng ni này cần phải mất một thời gian dài để học hỏi và hội nhập vào môi trường tu học và hoằng Pháp mới. Tuy nhiên, những khó khăn về thủ tục pháp lý để ở lại, không tìm được trụ xứ thích hợp, và bận rộn với nhu cầu tín ngưỡng là những lý do đã khiến nhiều vị có tiềm năng phát triển phải bỏ lỡ cơ hội học tập.

   Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ là chướng ngại không dễ vượt qua nếu người học không đủ kiên nhẫn và tập trung. Một thực tế là, dù tăng ni có học tiếng Anh ở trong nước, Đài Loan hay Ấn Độ, sang Mỹ hay Canada đều phải học lại, nhiều khi phải bắt đầu từ ESL (English as a second language). Lại nữa, những “sở tri chướng” như bằng cấp cao ở trong nước, Đài Loan, hay Ấn Độ nhiều khi là rào cản tâm lý, khiến tăng ni không đủ kiên nhẫn để vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu, để có thể hưởng sự lợi ích từ nền giáo dục rất tốt ở Hoa Kỳ hay các nước Âu Mỹ nói chung.

   Thực ra, những bằng cấp có được ở những nước kể trên, nếu về Việt Nam có thể dùng để giảng dạy trong các trường cơ bản, trung cấp hay đại học Phật giáo. Nhưng ở Hoa Kỳ, những bằng cấp về Phật học hay tôn giáo học không được sử dụng một cách dễ dàng, vì có sự cạnh tranh rất lớn trong môi trường học thuật. Muốn được nhận dạy ở một trường đại học Mỹ, ngoài yếu tố xuất thân từ trường nào (university ranking), người xin việc giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường học thuật (academic job) còn cần phải có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu (teaching experience and peer-review publication), và năng lực cũng như thái độ làm việc qua phỏng vấn và thư tiến cử của những người có uy tín (letters of recommendation).

            c. Thiếu tài liệu và phương pháp giảng dạy thích hợp

   Thời đại hiện nay là thời đại bùng nổ thông tin do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và tin học. Theo đó việc dạy và học của Phật giáo cũng trở nên thuận tiện rất nhiều. Ví dụ, nhờ sự phổ cập của mạng internet, thầy trò có thể liên lạc và trao đổi kiến thức với nhau qua email, facebook, skype hay youtube …. Lại nữa, muốn học hỏi Phật Pháp, chúng ta có hàng trăm ngàn trang web Phật giáo để tham khảo và tra cứu, thậm chí chúng ta có thể nhanh chóng tìm được những đoạn kinh quan tâm trong Đại Tạng Kinh tiếng Hán, Pali, Tây Tạng, hay tiếng Việt online. Cho nên, có người bảo: “Hiện nay trái đất là một ngôi làng địa cầu (global village)“ và “tin tức thế giới đều nằm ở mười đầu ngón tay chúng ta!” Thực vậy, chỉ cần google là chúng ta có thể kiếm được rất nhiều thông tin mà minh quan tâm. So sánh với thập niên tám mươi hay hai chín mươi của thế kỷ trước, trong vòng ba mươi năm sự phổ cập của tri thức Phật giáo nói chung đã phát triển đến mức không thể nghĩ bàn. Đây chính là cơ hội mới cho những ai có chí tham học, nhất là đối với những tu sĩ có chí tự học cao.

   Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi đó, giáo dục Phật giáo cũng đã đối diện những thách thức mới. Lão tử nói: “Đa thư loạn mục”, tức sách vở quá nhiều làm con người hoa mắt. Thực vậy, người sơ học sẽ bối rối thậm chí lạc lối khi phải tiếp xúc quá nhiều thông tin trên mạng, thượng vàng hạ cám, tốt có xấu có, và không ít bẫy rập chực chờ. Hơn nữa, tin tức hay dữ liệu (information hay data) không phải là tri thức (knowledge); tin tức và dữ liệu cần phải có khả năng tư duy phán xét (critical thinking), biện biệt (discerning), và tổ chức (organizing and re-organizing) mới trở thành tri thức của mình. Nhưng ngày nay, chúng ta dạy và học phần lớn chú trọng ở tin tức và dữ liệu mà chưa khai thác và huấn luyện đúng mức người học khả năng tư duy, biện biệt và phê phán. Nói cách khác, chúng ta chú trọng giáo dục để dạy người ta “cái gì” (what) hơn là đặt câu hỏi “như thế nào” (how) và “tại sao” (why).  Dùng thuật ngữ Phật giáo chuyên môn, what là việc của văn và how và why là việc của tư, chưa nói đến tu. Cả hai văn và tư đều cần phải coi trọng. Khổng tử bảo: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi!”[1] Tức học mà không tư duy thì mờ mịt không thông, tư duy mà không học lại thực là nguy hiểm!” Đây chính là ý này.

    Về mặt giáo lý, ngoài bộ Phật Học Phổ Thông được cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa soạn từ năm 1953, đến nay, hơn sáu mươi năm qua, chúng ta chưa có những tác phẩm giảng dạy giáo lý cho tăng ni và Phật tử theo hệ thống thứ lớp, được cập nhật hóa kiến thức dựa trên thành tựu nghiên cứu Phật học đương thời. Hơn nữa, những tài liệu giảng dạy Phật Pháp này, ngoài lý thuyết nghiên cứu, cũng cần coi trọng việc ứng dụng tu tập. Làm được việc này, chúng ta có thể gạn đục khơi trong, giúp người học có được chánh kiến tu hành và người dạy có tài liệu tham khảo.

    Về mặt giới luật đào tạo người mới xuất gia, chúng ta chủ yếu chỉ sử dụng bốn bộ luật tiểu hay luật trường hàng, tức Tỳ-ni Nhật Dụng, Sa-di, Oai Nghi và Quy Sơn Cảnh Sách, cũng như vài bản chú giải liên quan được dịch ra từ Hán tạng. Thực ra, chúng ta cần giản lược bớt oai nghi cho phù hợp với thực tế, giải thích giới luật dựa trên hòan cảnh chế giới thời Phật và khả năng thực hành ở xã hội thời nay, cũng như khai thác những bài cảnh sách phù hợp với người mới xuất gia hơn. Ví dụ, đối tượng dạy răn của Quy Sơn Cảnh Sách chủ yếu là Tỳ-kheo mà không phải là người mới xuất gia hay Sa-di. Cho nên, Quy Sơn Cảnh Sách có câu: “Sao mới vừa lên giới phẩm, liền bảo ta ra Tỳ-kheo v.v….” Trong khi đó, có những bài cảnh sách thích hợp hơn cho người mới xuất gia như “Chín Bài Răn Dạy” (Di Giới Cửu Chương) của Pháp sư Đạo An đời Đông Tấn[2] hay “Răn Dạy Người Tập Xuất Gia” (Huấn Đồng Hành) của Thiền Sư Từ Thọ đời Bắc Tống[3] ít người biết đến, huống chi dùng để giảng dạy? Thiết nghĩ, việc biên soạn và giảng dạy giới luật sao cho sát với thực tế nhưng vẫn không trái với tinh thần giải thoát của giới, là điều cần phải nỗ lực trước mắt. Làm tốt được việc này, chúng ta có thể đào tạo được tăng ni có giới đức thanh tịnh, oai nghi trang nghiêm, tôn sư trọng đạo, và nhiệt thành trong lý tưởng xuất gia.

             d. Thiếu môi trường đào tạo thích hợp

   Như đã nói ở trên, chúng ta chưa thể có một Phật Học Viện để chính thức làm nơi đào tạo tăng tài ở hải ngoại. An cư kiết hạ là một trường đào tạo tăng tài thời đức Phật còn tại thế, thời gian là ba tháng trong một năm. Nhưng vì hoàn cảnh xã hội thay đổi, một năm giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại Hoa Kỳ mở khóa an cư kiết hạ mười ngày. Tương tự, nhiều giáo hội và tự viện khác cũng mở khóa an cư mười ngày. Đây là “giấy rách giữ lấy lề”, sự cố gắng đáng tán thán của chư tôn đức trong hoàn cảnh xã hội mới, “nhất tăng nhất tự”, và gánh nặng kinh tế mà mỗi chùa ở đây phải chịu đựng. Mười ngày an cư là thời gian chư tăng ni có thể gần gũi để học hỏi và cùng nhau sách tấn trong tinh thần lục hòa. Vì hạn chế bởi thời gian, chư tăng ni chủ yếu giao lưu đạo tình và tri kiến với nhau qua những buổi thuyết trình, nhưng không có chương trình giảng dạy riêng cho tăng ni mới xuất gia, Sa-di, hay tân học Tỳ-kheo. Thiết nghĩ, đây là điều mà chư tôn đức có trách nhiệm cần phải quan tâm để bổ túc.

         2. Những cơ hội và hướng giải quyết

   Mặc dù Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại phải đối diện trước những thách thức nói trên, hoàn cảnh xã hội ở phương Tây, cụ thể là Hoa Kỳ, cũng mở ra những cơ hội mới cho những tăng ni có chí cầu học và lý tưởng phụng sự. Do đó, chúng ta cũng có thể tìm ra những hướng đi cho Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. 

            a. Nguồn lực sẵn có và cơ hội học tập ở Hoa Kỳ

   Trước khi có một thế hệ tăng ni đủ khả năng truyền trì mạng mạch Phật Pháp nơi bản xứ, lý tưởng là những người xuất gia sinh và lớn lên nơi đây, hay người bản xứ, chúng ta cần chú ý khai thác và sử dụng tiềm năng tăng ni trẻ có trình độ căn bản, nhất là có đạo hạnh và lý tưởng phụng sự từ Việt Nam sang. Chúng ta cần phải để tâm phát hiện nhân tài, bồi dưỡng nhân tài, và trọng dụng nhân tài. Nhân tài Phật giáo được đánh giá qua giới hạnh, ý chí và lý tưởng hơn là ở bằng cấp hay kiến thức Phật giáo. Người có kiến thức, bằng cấp nhưng thiếu giới hạnh và lý tưởng cũng không thể truyền trì và hoằng dương Chánh Pháp thành công được.

              a.1. Cánh cửa đại học rộng mở

   Chư Tăng ngày nay sang Âu Mỹ nhiều người đã có trình độ đại học Phật giáo trong nước, hay có bằng cấp Phật học cao hơn như MA hay PhD ở Đài Loan và Ấn Độ, những quốc gia có số lượng tăng ni sinh Việt Nam du học rất nhiều. Các vị này, ít nhiều đều có trình độ ngoại ngữ, kiến thức Phật giáo, khả năng nghiên cứu và thuyết giảng cho đại chúng. Cho nên, chỉ cần có chí cầu tiến và cố gắng, những Tăng sĩ này đều có khả năng tiếp thu một nền giáo dục ở hải ngoại một cách mau chóng, hòa nhập vào dòng chính văn hóa, để hành đạo thành công nơi vùng đất mới. Thực tế khách quan cho thấy, mặt bằng giáo dục nói chung ở các nước tiên tiến như Âu Mỹ cao hơn nhiều so với trong nước và các nước châu Á vừa nhắc đến ở trên. Cho nên, đây là cơ hội cho các Tăng sĩ trẻ nâng cao kiến thức và mở rộng tầm nhìn.

   Hơn nữa về tài chính, các nước Âu Mỹ tạo điều kiện rất nhiều cho người học ở cấp Đại Học như các chương trình loan, financial aids, grants, scholarship, study abroad, hay exchange students. Phần lớn Tăng sĩ đều thuộc dạng thu nhập thấp (low income) nên có tư cách nhận financial aids. Nếu cộng thêm học khá, hoàn toàn có khả năng nhận được grants hay scholarship. Ngoài vấn đề tài chính ra, người học có thể tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình mà học nhanh hay chậm để hoàn tất chương trình đại học. Tăng ni cũng có thể học hai năm ở đại học cộng đồng (community college) như là giai đoạn thích nghi trước khi chuyển vào một trường đại học bốn năm để hoàn tất chương trình cử nhân (BA hay BS).

Học đại học ở Hoa Kỳ, ngoài việc giúp chúng ta trau dồi thêm tiếng Anh, còn giúp người học có kiến thức tổng quát về khoa học xã hội (social science), khoa học tự nhiên (natural science), và khoa học nhân văn (humanity). Nhờ đó, chúng ta có cái nhìn vào xã hội và Phật Pháp đa chiều và cởi mở hơn. Ngoài ra, tăng ni còn trang bị cho mình kiến thức chuyên sâu hơn về một ngành nào đó (major). Quan trọng hơn, tăng ni có thể tiếp xúc, trao đổi với thế giới bên ngoài trong một trường giáo dục cởi mở và thân thiện.

   Hiện nay, cơ sở Phật giáo ở hải ngoại ngày nay rất nhiều, số lượng Phật tử cũng tăng lên theo sự phát triển của cộng đồng người Việt hải ngoại, nên sự hộ trì chư Tăng tu học cũng tốt hơn. Chư tăng ni có thể nhập chúng ở những chùa của quý thầy lãnh đạo hay chưa có. Ngoài bổn phận tu tập hàng ngày và hướng dẫn Phật tử cuối tuần ra, chỉ cần có chí cầu tiến và nhẫn nại, tăng ni đều có cơ hội học tập, nhằm nâng cao trình độ và khả năng hội nhập vào cuộc sống mới.

           

           a.2. Cửa hẹp của giáo dục sau đại học

   Cánh cửa đại học ở Mỹ rộng mở vì chính phủ Mỹ muốn tạo điều kiện cho nhiều người có công ăn việc làm. Nhưng cánh cửa giáo dục sau đại học lại khá hẹp vì đây là chương trình đào tạo nhân tài chuyên ngành. Người muốn được nhận vào MA hay PhD ở những trường đại học uy tín của Mỹ, phải có điểm GPA cao, đủ điểm chuẩn GRE (dùng cho ngành khoa học nhân văn), được những lá thư tiến cử tốt (letter of recommendation) và thành công trong phỏng vấn (interview). Theo thống kê năm 2014 của chính phủ Hoa Kỳ, có 31.96% người Mỹ 25 tuổi trở lên có bằng đại học bốn năm, nhưng chỉ có 1.77% người Mỹ có bằng PhD. Cho nên, sau chương trình đại học, nếu có chí hướng và đủ khả năng, tăng ni có thể theo học chương trình MA và PhD về Phật học hay liên quan với Phật giáo như tôn giáo học, ngôn ngữ và văn hóa Đông Á, tâm lý học, xã hội học v.v…. Nhưng chương trình MA học phí rất tốn kém và khó được sự hỗ trợ vì mặt tài chính (funding). Còn chương trình PhD, thường bao gồm luôn MA như giai đoạn chuẩn bị, được đảm bảo tài chính qua hình thức fellowship (học bỗng toàn phần trên đại học), Teaching assistantship (trợ giảng), hay research assistantship (trợ tá nghiên cứu). Nghiên cứu Phật giáo trong ngành tôn giáo học hay ngôn ngữ và văn hóa Đông Á, đòi hỏi về phương diện ngôn ngữ rất nặng. Không tính tiếng Anh phải đủ để giảng dạy và viết bài nghiên cứu, nghiên cứu sinh còn phải giỏi hai ngôn ngữ khác, một chính một phụ như tiếng Pháp và tiếng Đức trong ngành Tôn Giáo Học; tiếng Hoa, tiếng Nhật hay tiếng Đại Hàn trong ngành Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Á. Ngoài ra, nghiên cứu sinh còn đòi hỏi phải có trình độ để đọc hiểu ít nhất một ngôn ngữ Phật giáo như Sanskrit, Pali, Hán cổ, hay Tây Tạng.

              a3. Học thuật không phải là tất cả

   Nhưng thực ra giáo dục học đường ở Âu Mỹ không phải là tất cả hay là cứu cánh cho việc học tập của tăng ni. Tăng ni có thể chuyên học tiếng Anh ở trình độ đại học để có thể đọc viết và giao tiếp với người bản xứ, không cần thiết phải có bằng cấp cao bên đây để làm việc có hiệu quả. Với ngôn ngữ tiếng Anh, tăng ni có thể tiếp xúc với những công trình nghiên cứu Phật giáo rất có giá trị của nhiều học giả nổi tiếng. Nhìn lại Phật giáo qua góc độ của người bên ngoài (outsider) khích phát chúng ta tư duy, nghiền ngẫm lại những gì mình tưởng như đã biết, xong thực ra lại biết rất hời hợt, hay thậm chí không biết gì cả mà tưởng mình đã biết! Nhưng chúng ta cũng nên tránh mù quáng tin vào tên tuổi học giả, mê tín học thuật hay cái gọi là “khoa học”. Thực ra, khoa học ở đây là khoa học nhân văn (humanity) mà không phải là khoa học tự nhiên (natural science), nên không có độ chính xác cao. Thái độ học thuật chân chính là “tận tín thư bất như vô thư”, tin hết vào sách thà rằng đừng đọc sách; “tận tín sư bất như vô sư”, tin hết vào thầy thà rằng không có thầy! Một câu nói quen thuộc trong giới sử học: “Sự thật lịch sử không phải là sự thật, cho nên gọi là sự thật lịch sử!” Có không ít tăng ni “mê tín học thuật”, thay vì gạn đục khơi trong, lại bài bác tất cả những giá trị tâm linh được thầy tổ trao truyền trong truyền thống Phật giáo của mình. Học Phật giáo như vậy có thể trở thành “học giả” nhưng không bao giờ trở thành tăng tài Phật giáo, có khả gánh vác Phật Pháp và cảm hóa quần chúng.

           b. Chuẩn bị lực lượng kế thừa từ chương trình huấn luyện tập sự xuất gia

               b1. Khóa tu an cư kiết hạ, đào tạo ngắn hạn và tập sự xuất gia 

    Như đã đề cập ở trên, mùa an cư kiết hạ là cơ hội để chư tăng ni gần gũi để chia sẻ kinh nghiệm tu tập và hoằng pháp, cũng như sách tấn lẫn nhau trong tinh thần lục hòa. Hiện nay, chương trình học tập trong mùa an cư chủ yếu là giao lưu đạo tình và kiến giải của chư tăng ni, nhưng chưa có chương trình giảng dạy riêng dành cho người tập sự xuất gia, Sa-di và tân Tỳ-kheo tham dự trong mùa an cư kiết hạ. Thiết nghĩ, chúng ta nên kêu gọi Phật tử có ý hướng xuất gia, người đang tập sự xuất gia và cả tân học Tỳ-kheo nên tham dự an cư kiết hạ để có thể tập trung đào tạo. Chúng ta cũng nên có một chương trình giảng dạy riêng cho những đối tượng này. Đây là cơ hội tốt, một công hai việc, để giáo dục và đào tạo người mới xuất gia trong hoàn cảnh hiện nay.

    Ngoài mùa an cư ra, theo thiển ý, tại sao chúng ta không có những khóa đào tạo tập trung ngắn hạn cho những vị sơ phát tâm này? Giáo dục người sơ phát tâm xuất gia đặt trọng tâm ở oai nghi, giới luật và cảnh sách để hình thành nhân cách, giúp phát khởi tâm Bồ-đề và làm kiên định lý tưởng xuất gia. Vì vậy, đào tạo tập trung, giúp người mới xuất gia sống gần các bậc giáo thọ tốt hơn đào tạo từ xa, qua Skype hay Yahoo messenger. Những vị trụ trì có thể gởi đệ tử của mình đi học trong khóa đào tạo tập trung ngắn hạn này và hỗ trợ về mặt tài chính. Một khóa đào tạo xuất gia ngắn hạn thành công hay không, ngoài hoàn cảnh giáo dục, chất lượng giảng dạy qua giáo trình và khả năng của các thầy giáo thọ quyết định sự thành bại của khóa tu.

    Lại nữa, khuyến khích và đào tạo người xuất gia để tiếp nối Phật giáo Việt Nam nơi hải ngoại là nhu cầu cấp bách. Cho nên, giáo hội và các tự viện có điều kiện nên tổ chức xuất gia gieo duyên cho người lớn, khóa tu mùa hè cho các em học sinh để gieo vào lòng mọi người hạt giống của đời sống xuất gia. Chương trình tu học trong khóa tu xuất gia gieo duyên cũng cần theo định hướng này. Khác với những khóa tu thông thường, khóa tu xuất gia gieo duyên nên chú trọng việc giảng dạy giới luật, oai nghi và cảnh sách song song với giáo lý. Giáo lý giúp người học xây dựng chánh kiến, còn giới luật và oai nghi giúp người học quen với nếp sống thiền môn, trong khi đó cảnh sách giúp un đúc chí hướng xuất gia và phát khởi lý tưởng phụng sự. Cần chọn lọc giáo thọ sư để đảm bảo chương trình được giảng dạy có chất lượng theo định hướng này.

             b2. Chương trình gia giáo nơi mỗi tự viện

   Phẩm hạnh và lý tưởng của người xuất gia được bồi dưỡng và phát triển trong đời sống hàng ngày, nhất là lúc mới phát tâm. Cho nên người xưa nói, “Ban đầu mới phát tâm, thừa sức thành Phật” (phát tâm chi sơ, thành Phật hữu dư). Vì vậy, giáo dục trong giai đoạn này đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến trọn đời tu của người tu sĩ. Cho nên, trách nhiệm của vị trụ trì hay người thầy thế độ đối với đệ tử xuất gia trong giai đoạn đầu thực vô cùng quan trọng. Mỗi tự viện nên có chương trình gia giáo, tức thầy dạy cho đệ tử, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc mỗi ngày. Lại nữa, thân giáo của thầy cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đệ tử. Đây là vai trò giáo dục của gia giáo mà Phật học viện hay đại học Phật giáo không thể thay thế!

   Những vị trụ trì hay thầy thế độ vì bận Phật sự hay không có chuyên môn, có thể thỉnh thầy giáo thọ giúp dạy đệ tử. Không nên vì có người mà cho thế phát xuất gia lại không dạy dỗ, hay vì nhu cầu Phật sự mà cho đệ tử thọ giới Tỳ-kheo vội vã, thậm chí chẳng bao lâu còn tấn phong giới phẩm như thượng tọa hay hòa thượng v.v…! Nhà Nho bảo: “Giáo bất nghiêm, sư chi đọa” (dạy mà không nghiêm là cái lỗi lười nhác của vị thầy.) Kinh Phật cũng nói: “Chỉ có trùng trong thân sư tử mới có thể ăn được thịt sư tử.” Đây là điều đáng cho chúng ta suy gẫm biết bao!

   Hiện nay ở Mỹ và các nước khác, nhiều người Phật tử lớn tuổi đã ổn định cuộc sống thế gian, muốn hướng về đời sống tâm linh giải thoát. Đây là tiềm lực xuất gia của Phật giáo hải ngoại mà chúng ta cần chú ý khai thác. Phần lớn những vị này có kinh nghiệm xã hội và năng lực làm việc nhất định. Nếu họ thực tâm xuất gia và có được một trường tu học và đào tạo tốt, họ sẽ gánh vác được rất nhiều Phật sự. Cho nên, các tự viện nên có chương trình gia giáo, đào tạo người xuất gia qua đời sống tu học hàng ngày, để các Phật tử có thể về chùa tu học ngắn hạn. Khi đủ duyên xuất gia, họ có thể trở thành một người tu tốt, có oai nghi, giới hạnh và lý tưởng. Không cần những vị này phải lên Pháp tòa thuyết Pháp hay dịch kinh, viết sách, chỉ cần đời sống phạm hạnh như thế cũng đủ để giáo hóa nhiều người, làm tròn vai trò trụ trì Tăng bảo của mình!

           3.Thái độ cởi mở nhưng không vọng ngoại của giáo dục Phật giáo Việt Nam

   Tăng ni Việt Nam trong thời hiện đại được tiếp xúc và học hỏi nhiều hơn một truyền thống Phật giáo.  Ngoài kinh điển Hán Tạng, tăng ni Việt Nam còn có thể tiếp xúc và học hỏi những truyền thống Phật giáo thuộc văn hệ Pali hay Tây Tạng. Vấn đề văn và tư này lại ảnh hưởng đến vấn đề tu tập giới, định, tuệ và hoằng Pháp của Tăng sĩ . Có những bối rối, nghi ngờ, thậm chí xung đột về mặt tư tưởng và hành trì trong bản thân mỗi tu sĩ hay giữa những tu sĩ với nhau. Cho nên, người làm giáo dục Phật giáo cần phải quan tâm để định hướng cho tăng ni trẻ.

Đức Phật dẫn dắt những căn cơ khác nhau nên lời dạy của Ngài cũng có thứ lớp sai biệt khác nhau. Sau khi đức Phật Niết Bàn, chư tổ truyền thừa Phật Pháp qua từng thời đại và hoàn cảnh khác nhau, cũng đều có thêm sự lý giải và phát triển giáo nghĩa để đáp ứng nhu cầu tu học khác nhau của thời đại và xã hội đương thời. Nhờ đó, Phật Pháp được trường tồn và phổ cập đến nay. Cho nên, chúng ta có nhiều truyền thống Phật giáo, trong mỗi truyền thống lại có nhiều tông phái khác nhau. Đây là sự đa dạng của Phật giáo, cũng giống như sự đa dạng trong xã hội (diversity). Điều này được mọi người trong xã hội văn minh nhận thức và chấp nhận. Cho nên, tăng ni cũng cần có thái độ cởi mở để học hỏi những cái hay trong những truyền thống và tông phái khác, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta so sánh và kiểm chứng lại những giáo nghĩa và hành trì trong truyền thống của mình. Có những quan điểm đầy thành kiến áp đặt, như cho rằng truyền thống Nikya hay A-hàm là tiểu thừa không đáng học, Đại Thừa là ngoại đạo vì không phải Phật nói, hay Phật giáo Tây Tạng là quỷ thần giáo, nặng về chú thuật. Những thành kiến này khiến tăng ni và tín đồ của những truyền thống đó xa cách nhau, thậm chí xảy ra tranh chấp không đáng có.

    Nhưng cởi mở khác với vọng ngoại. Những thứ mới và lạ chưa hẵn đã hay và hợp với mình. Phật giáo Đại Thừa Đông Á đã có hai ngàn năm lịch sử với những cống hiến vĩ đại cho con người và xã hội. Thầy tổ chúng ta đã có những kinh nghiệm tu chứng sâu sắc và phát kiến vĩ đại đáng cho thế hệ chúng ta nghiên cứu, học hỏi và tự hào. Nếu không có thành tựu tuệ giác và năng lực hoằng Pháp, làm sao Phật giáo Đại Thừa Đông Á còn tồn tại và phát triển rộng rãi cho đến ngày nay? Cho nên chúng ta phải biết trân trọng di sản văn hóa, văn học và tuệ giác của thầy tổ mình để lại. Từ đó chúng ta mới có thái độ nghiêm túc để học hỏi, nghiên cứu, gạn đục khơi trong nhằm có được hiệu quả cao nhất trong thời đại và xã hội mới. Chính sự chưa học hỏi và tu tập sâu sắc với truyền thống của mình, khiến không ít tăng ni có tinh thần vọng ngoại, nhiều khi phủ nhận công đức hay phản bác lại thầy tổ của mình.

          Kết luận

       

          Giáo dục Phật giáo đặt trọng tâm nơi giáo dục nhân cách và lý tưởng Phật Pháp

   Tóm lại, giáo dục Phật giáo đặt trọng tâm đào tạo người có giới đức, lý tưởng tu tập và tinh thần hy sinh phụng sự. Tăng ni có nền tảng giáo dục vững chãi như vậy, sẽ không dễ lạc đường khi đi vào xã hội để học tập hay làm việc. Vì lẽ đó, giáo dục giới luật, oai nghi và cảnh sách cho người sơ tâm xuất gia đóng một vai trò quyết định, trong việc thành tựu đời sống phạm hạnh, tư cách tu sĩ, cũng như lý tưởng giải thoát và phụng sự. Trong Luật tạng nói: “Năm hạ đầu chuyên tinh giới luật, sau đó mới nghe kinh tham thiền” (Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền). Có thể thấy, người xưa coi trọng việc học giới luật, oai nghi và cảnh sách như thế nào. Nhưng ngoài những trọng giới căn bản ra, một phần của giới luật và oai nghi của Phật giáo cũng mang tính xã hội, được chế ra với tinh thần khế cơ. Cho nên, trong thời đại và hoàn cảnh xã hội mới, việc giáo dục giới luật, oai nghi và cảnh sách của tăng ni hiện nay cần phải điều chỉnh để bớt rườm rà, sát với thực tế, và có tính ứng dụng cao. Đây là nhu cầu cấp thiết, việc cần phải làm của chư vị tôn đức giáo thọ.

    Lại nữa, mục đích của giáo dục Phật giáo không phải chỉ đào tạo người có tri thức Phật Pháp, mà còn phải có giới đức cao thượng và tuệ giác sâu sắc (minh hạnh túc). Tri thức Phật giáo của thể thông qua “Phật học” (Buddhist studies) để bồi dưỡng và phát triển, còn đạo đức và tuệ giác Phật giáo cần phải “học Phật” (emulating the Buddha), tức theo con đường giới-định-tuệ mà đức Phật đã từng tu tập và thành tựu. Nói khác đi, ngoài văn và tư, người tu sĩ phải coi trọng việc tu, mới có thể thành tựu nhân cách và giữ gìn bản sắc của giáo dục Phật giáo. Nếu không, giáo dục Phật giáo đâu khác gì nền giáo dục thế học, có thể đạo tào ra những học giả giỏi về Phật giáo, nhưng lại không có nhân tài Phật giáo đích thực, những người có giới hạnh, tinh thần hy sinh để gánh vác trọng trách truyền thừa và hoằng dương Chánh Pháp!

    Cuối cùng, nếu tăng ni nào có khả năng và phương tiện học cao hơn, nhằm đi sâu vào đời sống xã hội văn hóa Mỹ để hoằng Pháp, chúng ta cần khuyến khích và ủng hộ. Nhưng đó chỉ là một con đường trong nhiều con đường hoằng pháp nơi hải ngoại. Điều quan trọng chúng ta phải tự hỏi mình rằng: Mình đi tu để làm gì? Ra hải ngoại để làm gì? Đi học để làm gì? Vì danh vì lợi hay vì lý tưởng phụng sự chúng sinh? Thường tự hỏi và kiểm điểm lại mình như vậy, giúp chúng ta giữ được tâm Bồ-đề hay lý tưởng ban đầu. Cho nên, có bằng cấp thế gian cũng tốt, không có cũng không sao, thực tu và thực tài mới là yếu tố quyết định tư cách và thành tựu của người tu. Thiết nghĩ, đây chính là định hướng giáo dục Phật giáo Việt Nam nơi hải ngoại trong xã hội hiện nay.

------------------------------------------------------------------

[1] Luận Ngữ, thiên “Vi Chính” thứ hai.

[2] Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm đã dịch ba trong số chín bài. Bút giả dịch lời tựa. 

[3] Bản dịch của bút giả. Xem phần phụ lục.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page