top of page

​Xuất Xứ và Ý Nghĩa Kệ Hồi Hướng

     Hồi hướng công đức là chuyển tặng lại công đức mà mình tu tập được cho tất cả chúng sinh, cầu nguyện mọi người cùng hết khổ được vui, cuối cùng thành tựu Phật đạo. Đây chẳng những là hạnh nguyện thứ chín: “cửu giả phổ giai hồi hướng”, trong mười hạnh nguyện Phổ hiền, mà cũng là hạnh nguyện chung của tất cả hành giả phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, hướng về quả Phật cứu cánh. Nhờ hành trì hồi hướng công đức, hành giả Bồ-tát đạo sẽ giữ được chánh niệm vô ngã từ bi, không quên tâm Bồ-đề của mình dù trong bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch nào. Điều này đã được bút giả giải thích rõ trong bài “Ý Nghĩa và Lợi Ích của Hồi Hướng Công Đức”.

     Để giúp cho những vị sơ phát tâm thực hành pháp môn hồi hướng công đức, chư Tổ đã biên soạn những bài kệ tụng hồi hướng, có bài lấy ý từ kinh điển, có bài trích dẫn trực tiếp, hay chỉ biên tập lại chút ít để phù hợp ngữ cảnh mới. Cho nên, biết được chỗ xuất xứ của những bài kệ tụng này không những có giá trị về mặt văn bản học (textology), mà còn giúp hành giả tin hiểu sâu chắc hơn ý nghĩa nội dung của kệ hồi hướng nhờ vào ngữ cảnh của kinh điển gốc.

     Tuy nhiên, cho đến hiện nay, dường như giới Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào về nguồn gốc của bài hồi hướng này. Vì vậy, trong bài viết này, bút giả sẽ tìm hiểu chỗ xuất xứ của từng bài kệ bốn câu qua bài kệ hồi hướng trong “nghi thức tụng niệm” thông dụng. Nhờ biết ngữ cảnh xuất xứ, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng và chính xác hơn Pháp nghĩa kệ hồi hướng. Mong rằng, việc làm này không những cống hiến về mặt kiến thức Phật Pháp, mà quan trọng hơn, là kim chỉ nam giúp người sơ tâm học Phật biết cách hành trì để nuôi dưỡng Bồ-đề tâm và Bồ-tát nguyện của mình.

photo1490818799460.jpg

1. Tổng Quát về Kệ Hồi Hướng Trong Nghi Thức Tụng Niệm

 

     Là người xuất gia hay cư sĩ Việt Nam, phần lớn chúng ta đã từng đọc tụng tụng và nhiều người đã thuộc lòng bài kệ hồi hướng công đức sau đây trong nghi thức tụng niệm:

1. Phúng kinh công đức thù thắng hạnh

諷經功德殊勝行

Vô biên thắng phước giai hồi hướng

無邊勝福皆迴向,

Phổ nguyện pháp giới chư chúng sinh

普願法界諸眾生,

Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.

速往無量光佛剎。

2. Nguyện tiêu ba chướng chư phiền não

願消三障諸煩惱

Nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu

願得智慧真明了

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ

普願罪障悉消除。

Thế thế thường hành Bồ-tát đạo.

世世常行菩薩道。

3. Nguyện sinh Tây Phương Tịnh Độ trung

願生西方淨土中

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu

七寶蓮華為父母

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh

華開見佛悟無生

Bất thoát Bồ-tát vi bạn lữ.

退菩薩為伴侶

4. Nguyện dĩ thử công đức

願以此功德,

Phổ cập ư nhất thiết

普及於一切

Ngã đẳng dữ chúng sinh

我等與眾生,

Giai cọng thành Phật đạo.

皆共成佛道

Bài kệ hồi hướng trên được bút giả dịch như sau:

1. Trì kinh quán niệm phước vô biên

Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền

Nguyện ai còn đắm trong biển khổ

Sớm về nước Phật được an nhiên.

2. Nguyện tiêu ba chướng, hết phiền não

Nguyện được Bát-nhã trí rộng cao

Nguyện thực hành theo Bồ-tát đạo

Đời đời tinh tiến chẳng lãng xao.

3. Nguyện sinh về cõi Tây phương

Đài sen chín phẩm dựa nương thức thần

Hoa nở thấy Phật pháp thân

Chứng ngôi bất thoái, cõi trần độ sinh.

4. Nguyện đem công đức tu này

Hướng về tất cả, chung xây phước lành

Con cùng pháp giới chúng sanh

Đồng nên Phật đạo, đồng thành Như Lai.

     Bài kệ hồi hướng trên gồm bốn bài kệ bốn câu, mỗi câu bảy chữ, trừ bài kệ cuối mỗi câu năm chữ. Thực ra, mỗi bài kệ bốn câu này là một bài kệ hồi hướng riêng, có ý nghĩa và chỗ xuất xứ khác nhau, được người xưa tập hợp và biên tập lại thành kệ hồi hướng chung mang khuynh hướng “Thiền Tịnh hòa hợp” trong nghi thức tụng niêm. Ví dụ, bài kệ thứ nhất bài kệ thứ hai “Nguyên tiêu ba chướng chư phiền não…” là dành cho những người tu Thiền, còn bài kệ thứ ba “nguyện sinh Tây Phương Tịnh Độ trung…” là thuộc về pháp môn Tịnh độ. Còn bài kệ thứ nhất “phúng kinh công đức thù thắng hạnh…” thể hiện lòng đại bi của Bồ-đề tâm hướng về chúng sinh, có thiên hướng Tịnh độ. Cuối cùng là bài kệ thứ tư “nguyện dĩ thử công đức…”. Đây là bài hồi hướng chung cho tất cả hành giả hành trì dù Thiền hay Tịnh. Đây là vì bồ-đề tâm đặt trên nền tảng đại bi tâm và hướng về Phật đạo là chỗ sơ phát tâm và cũng là cứu cánh chung cho tất cả hành giả Đại Thừa.

2. Xuất Xứ và Ý Nghĩa Bài Kệ Thứ Nhất

Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu xuất xứ của bài kệ bốn câu thứ nhất:

Phúng kinh công đức thù thắng hạnh

諷經功德殊勝行

Vô biên thắng phước giai hồi hướng

無邊勝福皆迴向,

Phổ nguyện pháp giới chư chúng sinh

普願法界諸眾生,

Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.

速往無量光佛剎。

 

    Bài kệ này có xuất xứ từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Trong phẩm này, Bồ-tát Phổ Hiền giảng giải mười hạnh nguyện rộng lớn cho Thiện Tài đồng tử. Mười hạnh nguyện đó là: (1) Lễ kính chư Phật, (2) xưng tán Như Lai, (3) rộng tu cúng dường, (4) sám hối nghiệp chướng, (5) tùy hỷ công đức, (6) thỉnh chuyển Pháp luân, (7) thỉnh Phật trụ thế, (8) thường tùy Phật học, (9) hằng thuận chúng sinh, (10) phổ giai hồi hướng. Trong phần kệ trùng tụng lại văn trường hàng trước đó về ý nghĩa “phổ giai hồi hướng”, Bồ-tát Phổ Hiền đã giảng như sau:

Ngã thử Phổ Hiền thù thắng hạnh

我此普賢殊勝行,

Vô biên thắng phước giai hồi hướng

無邊勝福皆迴向,

Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh

普願沈溺諸眾生,

Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát

速往無量光佛剎。」

(Kinh Hoa Nghiêm, Bát-nhã Hán dịch, Đại Chánh Tạng 10, trang 848b).

 

Dịch nghĩa:

Hạnh Phổ Hiền thù thắng này của tôi

Có phước báu vô biên đều hồi hướng

Nguyện các loài chúng sinh đang chìm đắm

Mau sinh về cõi Phật Vô Lượng Quang.

     Như vậy “phổ giai hồi hướng” là hạnh Phổ Hiền thứ mười, hồi hướng tất cả công đức của chín hạnh nguyện trước về pháp giới chúng sinh, nguyện cho mọi loài còn đắm trong biển khổ được sinh về về Tịnh độ của đức Phật Vô Lượng Quang để giải thoát và thành tựu Phật đạo.

     Thực ra, hạnh nguyện Phổ Hiền là đại diện cho tất cả hạnh nguyện của Bồ-tát Đại Thừa. Cho nên, công đức dù lớn hay nhỏ, hành giả đều chuyển tặng phần phước báo này đến chúng sinh khổ đau. Nhờ luôn chánh niệm hồi hướng như vậy, hành giả có thể nuôi dưỡng tâm đại từ bi, không quên mất lý tưởng Bồ-tát hạnh của mình:

Không nỡ chúng sinh khổ

Không nỡ Thánh giáo suy

Nên khởi lòng đại bi

Đi theo đường Phật đi.

(Thích Ấn Thuận-Con Đường Thành Phật; Sakya Minh-Quang dịch).

     Tuy nhiên, so với Kinh Hoa Nghiêm, bài kệ bốn câu trong kệ hồi hướng của nghi thức tụng niệm đã thay đổi một ít để phù hợp ngữ cảnh. Cụ thể, trong câu đầu tiên, “ngã thử Phổ Hiền thù thắng hạnh” trong Kinh Hoa Nghiêm đã đổi thành “phúng kinh công đức thù thắng hạnh” trong nghi thức tụng niệm. Trên thực tế, tùy theo hoàn cảnh Pháp sự cụ thể, chúng ta có thể thay đổi “phúng kinh công đức…” thành “sám hối công đức…” hay “niệm Phật công đức” v.v….

 

     Lại nữa, câu thứ ba, “phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh” trong Kinh Hoa Nghiêm được đổi thành “phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh”. Sự thay đổi ngữ nghĩa nhỏ này không ảnh hưởng đến Pháp nghĩa căn bản của bài kệ, tuy nhiên có sự sai khác về ngữ khí nhất định. “Trầm nịch chư chúng sinh” là chỉ cho chúng sinh đang “chìm đắm trong biển khổ”, có hình tượng cụ thể hơn chúng sinh trong pháp giới. thực ra, chúng sinh trong pháp giới cũng chính là chúng sinh trong biển khổ, vì còn chúng sinh là còn đau khổ! Nhưng khi đọc tụng và quán niệm câu chúng sinh “chìm đắm trong biển khổ” giúp người sơ tâm dễ khởi tâm từ bi hơn! Đây cũng chính là lý do bút giả chọn dịch “nguyện ai còn đắm trong biển khổ” theo nguyên bản Kinh Hoa Nghiêm.

     Còn câu thứ tư “tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát”, tức “sớm vãng sinh về cõi Phật Vô Lượng Quang” của cả hai bài kệ đều giống nhau. Cõi Phật Vô Lượng Quang chính là thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Bút giả phiên dịch bài kệ hồi hướng:

Trì kinh quán niệm phước vô biên

Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền

Nguyện ai còn đắm trong biển khổ

Sớm về nước Phật được an nhiên.

     Bút giả thêm chữ “quán niệm” vào sau chữ “trì kinh” nhằm nhắc nhở người hành trì phải miệng “tụng” tâm “niệm”. Nói rõ hơn, miệng đọc tụng và tâm quán niệm phải tương ưng nhau, mà không phải đọc tụng như con vẹt mà không hiểu nghĩa lý và không biết hành trì quán niệm! Lại nữa, bút giả cũng dùng từ “nước Phật” hay cõi Phật vừa chỉ cho Tịnh độ của đức Phật A-di-đà, vừa chỉ chung cho Tịnh độ mười phương, tùy theo sở nguyện của hành giả.

     Tóm lại, bốn câu đầu của bài kệ hồi hướng căn cứ vào bốn câu kệ trùng tụng về hạnh nguyện thứ mười “phổ giai hồi hướng của phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm". Khi đọc bài kệ hồi hướng này, chúng ta phải trải tâm từ ra đến tất cả chúng sinh, gởi công đức phước lành mình tu tập đến chúng sinh đang đắm chìm trong địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, và những ai đang đau khổ trong trong cảnh chiến tranh, đói khổ, dịch bệnh….

(còn tiếp)

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page