top of page

Mười Điều Huấn Thị Sửa Đổi Lỗi Lầm của Đại sư Hoằng Nhất

                                             Tác giả: Đại Sư Hoằng Nhất

                                             Dịch giả: Sakya Minh-Quang   

 

     Hôm nay duyệt đọc kinh sách, thấy Mười Điều Huấn Thị Sửa Đổi Lỗi Lầm của Đại sư Hoằng Nhất rất hay. Vì vậy, bút giả xin phiên dịch và chia sẻ cùng bạn Pháp xa gần.

     Đại sư Hoằng Nhất (1880-1942) là một trong bốn vị Đại sư nổi tiếng đời cận đại, cùng với các Ngài Ấn Quang, Hư Vân, Đế Nhàn tề danh. Ngài Hoằng Nhất chuyên về Luật, Ngài Ấn Quang chuyên về Tịnh, Ngài Hư vân chuyên về Thiền, và Ngài Đế Nhàn chuyên về Giáo.

1. Khiêm cung (hư tâm)

     Trịnh Tiếp nói:


Hư tâm trúc hữu đê đầu diệp
Ngạo cốt mai vô ngưỡng diện hoa

 

Nghĩa:


Hư tâm, trúc có lá cúi đầu
Ngạo cốt, mai không hoa ngữa mặt!

     Ý nói, cây trúc rỗng ruột, như người khiêm cung cúi đầu [học hỏi] người khác. Hoa mai cốt cách cao ngạo, không khuất phục nên không ngữa mặt ra nịnh nọt lấy lòng ai. Câu đối trên dùng vật để dụ người, mượn trúc mai để nói lên chí hướng. Tác giả nắm lấy đặc điểm của trúc mai để thể hiện nội tâm cao quý của con người. Câu đối trên: “Hư tâm, trúc có lá cúi đầu”. Đây là chi trúc không có kiêu ngạo tự cao, mà khiêm cung có lễ. Câu đối dưới: “Ngạo cốt, mai không hoa ngữa mặt.” Đây là chỉ mai không dua nịnh theo thói tục, có phẩm cách cốt khí hướng thượng.

2. Cẩn Thận Lúc Một Mình

     “Quần cư phòng khẩu, độc xử phòng tâm”. Nghĩa là, lúc ở chung với người khác phải cẩn thận lời nói, còn khi ở một mình phải đề phòng tâm ý vọng động.

3. Khoan hậu

“Thái sơn bất nhượng thốn nhưỡng, cố năng thành kỳ đại. Đại hải bất trạch tế lưu, cố năng tựu kỳ thâm” Có xuất xứ từ Thư Can Ngăn Đuổi Khách (Gián Trục Khách Thư) của quan Thừa Tướng Lý Tư đời Tần. Nghĩa: “Núi Thái không từ chối chút đất, nên trở thành núi cao; biển cả chẳng hiềm chê dòng nhỏ, nên thành ra biển sâu.” Ý nói: Núi Thái sở dĩ cao vì không từ chối từ chút đất nhỏ, nhờ tích lũy từng chút nên mới được như vậy. Biển cả sở dĩ sâu vì không có chọn lựa dòng chảy lớn nhỏ, tất cả đều dung chứa.

4. Chịu Thiệt

Năng thọ khổ phương vi chí sĩ, 
khẳng ngật khuy bất thị si nhân

 

    Nghĩa: 


Nhẫn được khổ, mới là chí sĩ
Chịu thiệt thòi, chẳng phải người ngu!

5. Ít nói

     Kinh Duy-ma-cật nói:


Thủ khẩu như bình
Phòng ý như thành


Nghĩa:


Giữ miệng kín như bình
Phòng tâm kỹ như thành

 

Đây là nói chúng ta phải nghe nhiều ít nói. Khi mình không biết điều gì rõ ràng, thì tuyệt đối đừng nên mở miệng nói càn. Im lặng là ngôn ngữ hay nhất!

6. Không Nói Lỗi Người

Tĩnh tọa thường tư kỷ quá
Nhàn đàm mạc luận nhân phi!

(Kim Anh 金纓, đời nhà Thanh, sách Cách Ngôn Liên Bích)

   Nghĩa:


Ngồi yên thường xét lỗi mình
Trò chuyện đừng nói xấu người!

     Câu trên: “Ngồi yên thường xét lỗi mình” là nghiêm khắc kỷ luật bản thân. Câu dưới: “Trò chuyện đừng nói xấu người” là khoan dung đối đãi người khác. Đây là nói: Lúc trầm tĩnh trở lại nên thường tự quán xét lỗi lầm của mình, sau đó sửa đổi để bỏ ác làm lành. Lúc trò chuyện với nhau đừng nói việc thị phi, được mất của người khác. Đây là phương pháp quan trọng để tu dưỡng đạo đức mà nhà Nho đề xướng.

     Câu đối trên lấy ý từ sách Luận Ngữ. Sách Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công nói: “Cung thân tự hậu nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn oán hỷ.” Ý nói, nếu thường phản tỉnh lại mình, ít trách lỗi người khác, thì sẽ tránh xa được oán hận. Hàn Dũ giải thích thêm: “Người quân tử ngày xưa trách mình thì nghiêm khắc và toàn diện, còn đối với người thì nhẹ nhàng và sơ qua. Vì vậy, người ta ưa thích làm thiện.” (bài Nguyên Hủy).
     Câu đối sau lấy ý từ sách Văn Tử, chương Thượng Nghĩa: “Từ xưa đến nay, chưa có ai mà hạnh được hoàn toàn [trong sạch]. Cho nên, quân tử không trách nơi người.” Đây là nói, không có ai là người hoàn hảo. Cho nên, người có đức hạnh không có trách người.

     Vậy thế nào là đối đãi với người khoan hậu, không bàn nói lỗi lầm của người? Hồng Ứng Minh đời Minh nói rất hay: “Không trách người lỗi nhỏ, không tiết lộ chuyện riêng, không nhớ lỗi cũ. Ba điều này có thể nuôi dưỡng đạo đức, cũng có thể xa lìa tai hại.” (Sách Thái Căn Đàm).

7. Không Lấp Liếm Lỗi Lầm

     Luận Ngữ nói: “Xảo ngôn lịnh sắc, tiễn hỷ nhân.” Nghĩa là: “Lời nói khéo léo, vẻ mặt luôn tỏ ra niềm nở, ít có ai là người nhân!”

8. Không che dấu lỗi mình

     Lỗi lầm của người quân tử như nhật thực (mặt trời bị bóng đen che phủ). Lỗi lầm [của người Quân tử] thì ai cũng thấy [vì không che dấu]. Nếu sửa đối sẽ được mọi người kính quý.

9. Nghe phỉ báng không biện bạch

     Sách Tuân Tử, thiên Đại Lược nói: “Viên bi chạy sẽ dừng lại nơi chỗ lõm của đồ đựng bằng sành, lời thị phi sẽ chấm dứt nơi người trí.” Đây là nói: Người có trí tuệ sẽ tư duy và phán đoán lời thị phi, không vội vàng tin theo bất cứ điều gì.

10. Không nóng nảy

    Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai.” Nghĩa: “Một niệm sân vừa khởi, muôn cửa chướng mở ra.” Sân là sân hận, phẫn nộ, nổi giận. Nhìn chung, nhiều điều không thuận lợi trong đời sống của chúng ta đều do tâm sân hận mà đưa đến.

Sakya Minh-Quang 
Dịch ngày 03 tháng 07, 2019 tại Tu Viện Thiện Tường

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page