Còn Mãi Ân Tình
Tưởng niệm Hòa Thượng Thích Thái Siêu, tân viên tịch ngày 20 tháng 03 năm 2022, tại California, Hoa Kỳ
Niệm thị phi rụng theo hoa sớm
Lòng danh lợi lạnh với mưa đêm
Hoa hết, mưa ngưng, rừng núi vắng
Chim kêu một tiếng báo xuân tàn!
(Trần Nhân Tông, “Sơn Phòng Mạn Hứng”, Sakya Minh-Quang dịch)
Đời người thật ngắn ngủi, như một dấu chấm trên đường thẳng kéo dài đến vô cực. Con người thật nhỏ nhoi như một chiếc lá rơi, cuốn theo chiều gió giữa đất trời vô tận! Một mai mình nhắm mắt lìa đời, bao nhiêu công danh sự nghiệp, ân oán tình thù, danh lợi thị phi… đều trở thành mây khói! Sự ra đi bất ngờ của Hòa Thượng Thái Siêu như tiếng chim cảnh tỉnh: xuân đã tàn, hoa đã hết, sao lòng thế nhân vẫn chưa nguội lạnh trước danh lợi, thị phi?
Trong cảnh vô thường, nhân tình ấm lạnh, mới thấy được sự quý giá của ân nghĩa, Đạo tình. Hòa Thượng dù đã ra đi, nhưng Ngài đã để lại trong lòng bút giả biết bao ân nghĩa và hoài niệm. Gần bốn mươi năm qua, mặc dù thời thế thay đổi, chịu nhiều áp lực bên ngoài, nhưng Ôn vẫn dành cho bút giả một Đạo tình sâu đậm. Hôm nay Hòa Thượng đã về cõi Phật, với lòng tri ân vô hạn bút giả xin ghi lại chút hoài niệm về Ngài.
Đời người trong hơi thở
Đức Thế Tôn vô thượng
Duyên Giác và Thanh Văn
Còn bỏ thân vô thường
Huống gì là phàm phu?
Cha mẹ và vợ con
Anh em cùng quyến thuộc
Nhìn nhau trước sinh tử
Ai mà lòng không đau?
(Kinh Vô Thường, Sakya Minh-Quang dịch)
Tối Chủ Nhật ngày 20 tháng 03, 2022, Nhật Sanh từ San Jose gọi điện về Việt Nam cho biết Hòa Thượng Thái Siêu đã ra đi! Thoạt đầu bút giả không tin đây là sự thật. Mới thứ hai ngày 14 tháng 03, 2022 mình còn viếng thăm Hòa Thượng ở Đại Bảo Trang Nghiêm, dùng cơm và đàm đạo với Ngài. Nhân dịp này, bút giả đã cung thỉnh Hòa Thượng làm Thầy Giáo Thọ giảng dạy cho khóa tu “Hãy Tắm Một Vị Phật Đang Thành” ở trường Trung Học James Lick, San Jose vào ngày 11 và 12 tháng 06 năm nay. Mặc dù ngày 13 tháng 06, 2022 Hòa Thượng phải đi an cư kiết hạ tại miền Nam Cali, nhưng Ngài đã thu xếp, hoan hỷ nhận lời. Hòa Thượng còn mời bút giả thứ năm cùng lên Tu Viện Kim Sơn làm lễ tưởng niệm Thiền sư Nhất Hạnh và Chủ Nhật về chùa dùng bánh xèo chung với Ôn và đại chúng. Vì phải lên chuyến bay về Việt Nam vào thứ năm tuần đó, bút giả đã không thể nhận lời.
Sau khi gọi điện xác nhận, quả thật Ngài đã ra đi rồi! Đời người trong hơi thở. Thế là một bậc Giáo Thọ đáng kính ở Hải Ngoại từ nay không còn! Một nhà giáo dục Phật giáo mấy mươi năm tận tụy với sự nghiệp phiên dịch và giảng dạy trong và ngoài nước đã lặng yên về nơi cõi Phật! Được biết sáng Chủ Nhật hôm đó Hòa Thượng còn đi làm từ thiện, phát thức ăn cho người vô gia cư, trưa về chùa thọ trai, nghỉ ngơi rồi lặng lẽ ra đi khoảng sáu giờ chiều. Dù biết cuộc đời vô thường, mạng người trong hơi thở, Tăng Ni và Phật tử quen biết Ngài đều rất bất ngờ và thương tiếc trước sự mất mát lớn lao và đột ngột này! Riêng bút giả, từ nay mình không còn cơ hội gần gũi, trao đổi và làm Phật sự chung với Hòa Thượng nữa!
Ân nghĩa Đạo tình
Quen biết khắp thiên hạ
Hiểu mình có mấy ai?
Giữa mùa đông lạnh giá
Ấm áp một bàn tay!
Thầy xây nền Đạo Pháp
Trò giữ nhà Như Lai
Đời vô thường thay đổi
Đạo tình này không phai!
(“Đạo Tình”, Sakya Minh-Quang)
Năm 1984-1986, bút giả theo học chương trình Trung Cấp Phật Học ở Chùa Ấn Quang mà Ôn là người dạy Pāli, một ngôn ngữ Phật giáo còn xa lạ với phần lớn giới tu sĩ Việt Nam thời đó. Lớp học cuối cùng đã dừng lại vì yếu tố khách quan của thời cuộc. Năm 1988 bút giả theo học Khóa 2 (1988-1992) Trường Cao Cấp Phật Học, tức Học Viện Phật Giáo bây giờ ở Sài Gòn. Tuy Ôn chỉ bắt đầu dạy Học Viện từ khóa 3 (1992-1996) trở đi, nhưng Ngài vẫn quan tâm đến Tăng Ni sinh đang theo học lúc đó. Năm cuối ra trường (1992), một hôm Ôn sang trường Cao Cấp ở chùa Vạn Hạnh gặp bút giả bảo: “Biết thầy là Tăng sinh xuất sắc của trường, nhất là rất giỏi về Hán văn, thầy có muốn sang Đài Loan du học không? Tôi sẽ giúp!” Bút giả nghe vậy ngạc nhiên hỏi: “Bạch Thầy sao lại biết con?” Hòa thượng vừa cười vừa nói: “Tăng tài như thầy, sao lại không biết?” Thú thực, lúc đó mình cũng hơi “nở mũi” (phàm phu mà!) nhưng quan trọng hơn là vô cùng cảm động trước sự quan tâm của một vị Thầy lớn. Bút giả đáp: “Dạ con cũng muốn đi, nhưng không có quen ai hết.” Vào thời điểm đó, được đi du học một đất nước phát triển về mặt xã hội và Phật giáo như Đài Loan là một đặc ân, “nằm mơ cũng chưa thấy”! Hòa thượng bảo: “Để tôi giới thiệu thầy với Thượng tọa Tịnh Hạnh ở Đài Loan.” Bút giả cám ơn Ôn nhưng cũng không ôm hy vọng gì lắm.
Sau khi tốt nghiệp và đi dạy học một thời gian, một hôm bút giả nhận được mẫu đơn xin học tại Trung Tâm Hoa Ngữ của Trường Đại Học Sư Phạm Đại Loan do quý thầy ở Hoa Kỳ đang du học bên đó cầm về. Quý thầy bảo sẽ giúp làm thủ tục nhập học. Bút giả cũng được Hòa thượng Tịnh Hạnh (lúc đó là thượng tọa) mời sang tịnh thất ở Bà Chiểu gặp và hứa sẽ lo chỗ ăn ở và tiền học khóa đầu ở Đài Loan. Hỏi ra mới biết, đây là do Hòa Thượng Thái Siêu giới thiệu và nhờ giúp đỡ!
Sau này có dịp ngồi tâm sự, bút giả hỏi Hòa Thượng lúc đó tại sao Ngài lại chủ động giúp đỡ? Hòa Thượng đáp: “Tôi từng học ở Phật Học Đường Giác Nguyên quận 4 suốt bốn năm (1970-1974), chịu ân nghĩa sâu dày của Hòa Thượng Thích Thiện Tường, Sư Phụ của thầy. Tôi nghĩ Hòa Thượng Thiện Tường chắc là bậc Bồ-tát tái lai. Ngài đã vất vả hy sinh, lo mọi thứ cho Tăng chúng yên tâm tu học.” Vậy mới biết Ôn là người sống rất tình cảm, biết ơn và biết đền ơn. Đạo tình và ân nghĩa sâu nặng Hòa thượng nhận được từ thế hệ trước đã trao lại cho bút giả là thế hệ sau! Lại nữa, Hòa Thượng là người có tâm giáo dục và hoằng Pháp, coi trọng nhân tài và nâng đỡ lớp sau. Điều này khiến bút giả vô cùng cảm phục và kính trọng!
Thời đó, thủ tục tu sĩ xuất ngoại du học thật vô cùng phức tạp và khó khăn. Tu sĩ cần phải có sự giới thiệu, xác nhận của giáo hội Phật giáo, sự phê duyệt của Ban Tôn Giáo chính phủ, rồi mới đến xin hộ chiếu ở cục xuất nhập cảnh! Sau gần hai năm làm thủ tục xuất cảnh, cuối cùng một ngày cuối tháng 12 năm 1994 bút giả từ giã quê hương, lên đường sang Đài Loan du học, bắt đầu chương mới cuộc đời mình. Lúc đó bút giả đang dạy Kinh Pháp Cú Thí Dụ do mình phiên dịch cho lớp Sơ Cấp Phật Học ở Quận 3, Sài Gòn. Học trò trong lớp học này có Thầy Đức Thông (khóa 5 Học Viện), Sư cô Hồng Liên (khóa 4 Học Viện), Sư cô Diệu Toàn (Cao Đẳng Phật Học), Sư cô Diệu Liên (Canada), Sư cô Hạnh Hải (Hoa Kỳ) v.v….
Trong thời gian du học ở Đài Loan, bút giả hay tin Hòa Thượng cũng sang Ấn Độ du học. Sau khi học xong, bút giả sang Hòa Kỳ tiếp tục nghiên cứu và hành đạo. Một thời gian sau được biết Hòa Thượng cũng sang Hoa Kỳ hoằng Pháp. Bút giả ở vùng tuyết trắng Tiểu bang Michigan rồi chuyển sang Tiểu bang Illinois, chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy ở trường Đại Học, còn Ôn ở vùng California ấm áp, tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ với vai trò Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni, tích cực trong việc hành Đạo.
Năm 2016, Ôn lần đầu đứng ra lo tổ chức khóa an cư kiết hạ tại Niệm Phật Đường Freemont nơi Ôn trụ trì lúc đó. Tuy là khóa an cư dưới danh nghĩa Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất tại Hòa Kỳ, nhưng Ôn là người đứng mũi chịu sào, đảm trách phần Hóa chủ, tức lo việc hóa duyên giúp Tăng chúng an cư. Ôn đã điện thoại mời bút giả sang phụ Ôn lo việc giảng dạy mà nhận vai trò Phó trưởng ban Giáo Dục Tăng Ni, cùng với Ôn làm Phật sự. Thoạt đầu bút giả đã từ chối vì sự phức tạp của các đoàn thể giáo hội. Nhưng Hòa Thượng bảo: “Tôi già rồi, không biết sống nay chết mai. Thầy có lý tưởng, có năng lực nên tiếp tôi để phụng sự.” Nghĩ đến ân tình của Ngài và nhất là cảm động trước câu nói này, cuối cùng bút giả đã nhận lời.
Trong mùa an cư tại Niệm Phật Đường Freemont năm 2016, bút giả đã tham gia giảng dạy, giới thiệu cho Tăng Ni về đề tài “Giải Thoát Đạo và Bồ-tát Đạo qua Kinh Bát Đại Nhân Giác”. Mùa an cư năm 2017, bút giả đã giảng về “Bồ-đề Tâm và Bồ-tát Nguyện qua Sám Quy Mạng”. Trong hai dịp này, bút giả cũng giới thiệu với đại chúng bản dịch Kinh Bát Đại Nhân Giác theo thể thi kệ song thất lục bát và bản dịch “Sám Quy Mạng” giữ nguyên số câu, số chữ, đối ngẫu và ngữ khí hùng tráng của nguyên tác. Đại chúng đều vô cùng hoan hỷ. Bút giả cũng phụ Ôn giảng dạy trong các khóa tu Bắc Mỹ lần thứ sáu năm 2016 ở miền Nam California và lần thứ bảy năm 2017 ở Chicago mà Ôn làm trưởng ban giáo thọ. Hòa Thượng cũng là người giới thiệu bút giả giảng dạy các đạo tràng, như Hội Phật Học Đuốc Tuệ ở miền Nam Cali, Pháp hội ở Sài Gòn Kitchen và khóa tu do nhóm Phật tử Chánh Hạnh hộ trì tại San Jose, California…. Sau này vì lý do tế nhị, Hòa Thượng và bút giả không còn làm Phật sự chung trong giáo hội, nhưng Đạo tình giữa Hòa Thượng và bút giả vẫn như xưa. Ngài và bút giả vẫn qua lại thâm tình, cùng giảng dạy trong các khóa tu ngoài giáo hội!
Thật ra, Giáo Pháp là Thánh đạo, còn giáo hội chỉ là tổ chức thế tục, nhằm phụng sự cho việc hoằng dương Giáo Phápi! Giáo hội không nên và cũng không thể làm chướng ngại Giáo Pháp! Đạo tình hay tình huynh đệ giữa những người con Phật xuất gia trong Tăng Đoàn mới có giá trị đích thật và bền vững! Cho nên Thiền sư Nhất Hạnh bảo: “Không có gì quý bằng tình huynh đệ!”
Cây Cao Gió Lớn
Nhân tình ấm lạnh lợi với danh
Dỡ người khinh dễ, giỏi lại ganh!
Khốn khó ít ai ra tay đỡ
Công thành lắm kẻ khởi tâm giành!
Chim hết vứt cung, ân bạc thếch
Cầu qua rút ván, nghĩa lạnh tanh
Trượng Phu tâm thẳng… hề thương ghét
Hỏi lòng không thẹn… mặc ai tranh!
(“Nhân Tình”, Sakya Minh-Quang)
Cuộc đời của Hòa Thượng có không ít thăng trầm. Nhưng mặc cho bão táp phong ba, thị phi thương ghét, Hòa Thượng vẫn luôn hoan hỷ mỉm cười, không biện minh trách móc, lặng im chấp nhận tất cả! Về chỗ tu sâu kín của Hòa Thượng ra sao, mình không có năng lực để xét biết hay đánh giá vì là phàm phu. Nhưng Ngài không ăn chiều, sáng sớm thức công phu tụng Thủ Lăng Nghiêm không bỏ bữa nào… là những hạnh đẹp có thể nhìn thấy. Khi mới sang Hoa Kỳ, Hòa Thượng sống nhẫn nại, tri túc ở Chùa Bảo Tịnh miền Nam Cali. Sau đó có duyên hành đạo, Ngài về Niệm Phật Đường Freemont ở miền Bắc Cali mở rộng việc hoằng hóa.
Những tưởng nơi đây Hòa Thượng sẽ an trú và hành đạo cho đến cuối đời. Nhưng nhân tình ấm lạnh, một lần nữa Hòa Thượng bỏ lại sau lưng tất cả, tay trắng dựng lập Chùa Đại Bảo Trang Nghiêm khi tuổi đã quá bảy mươi! Sự nhẫn nại và năng lượng tích cực này thật đáng kính phục! Trong nghịch cảnh thị phi, Hòa Thượng đã dũng mãnh phát nguyện:
1. Đời đời kiếp kiếp làm thầy tu, có ăn có học, có tu tập, biết hoằng Pháp lợi sinh.
2. Xây dựng cơ sở vật chất làm nơi tu học cho hàng xuất gia lẫn tại gia.
3. Biết hy sinh cho Đời cho Đạo để cùng nhau gánh vác Phật sự
4. Nghiêm trì giới luật để xứng danh một vị Tỳ-kheo
5. Lập nguyện như Ngài Địa Tạng vào nơi cùng cực khổ đau cứu giúp chúng sinh.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tự chưa độ được, trước độ người. Đó là Bồ-tát phát tâm.” Ôi, đây có phải là chỉ Ôn đó không?
Tân hỏa tương truyền
Nay Ôn tuy đã mất, nhưng hình ảnh luôn hoan hỷ của Ngài trong chiếc áo nhật bình màu lam thời Tăng sinh vẫn còn đọng mãi trong tâm thức nhiều vị Tăng Ni và các hàng Phật tử xa gần. Thái độ coi trọng nhân tài, nâng đỡ hậu học, một lòng vì sự nghiệp giáo dục và hoằng Pháp của Hòa Thượng thật khiến cho nhiều người cảm động và cảm phục!
“Tân hỏa tương truyền”, củi hết nhưng lửa còn truyền lại cho thế hệ sau. Sự nghiệp giáo dục hoằng Pháp, ân nghĩa Đạo tình… mà Ôn đã để lại cho huynh đệ, học trò, Phật tử… sẽ tiếp tục tồn tại cho đến các thế hệ sau. Hôm nay ngồi đây ghi lại Đạo tình, ân nghĩa và kỷ niệm xưa với Ôn là Pháp cúng dường. Cầu nguyện Giác linh Ôn từ bi chứng giám. Kính nguyện Ôn không quên bản thệ, thừa nguyện tái lại, tiếp tục sự nghiệp tự giác, giác tha đang còn dang dỡ.
Thầy đi như cánh hạc bay
Thong dong giữa cuộc tỉnh say kiếp người
Chân dung xưa nét còn tươi
Nơi đây vẫn đợi chờ Người tái lai!
Nam-mô Đại Bảo Trang Nghiêm Đường Thượng, từ Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập nhị thế, húy Thị Đạt, tự Hạnh Hưng, hiệu Đổng Tuyên, Trương công Trưởng Lão chi Giác Linh.
Sakya Minh-Quang viết ngày 13 tháng 04, năm 2022 tại sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản.