Tham Luận
Tập Hợp và Trọng Dụng Tăng Tài Phật Giáo,
Định Hướng Giáo Dục và Hoằng Pháp Của Tăng Đoàn
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật,
Kính thưa chư Tôn đức Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni, cùng các vị nhân sĩ trí thức, cư sĩ hộ Pháp trong hội nghị thường niên của Tăng Đoàn PGVNTN Hải Ngoại.
Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và Hải ngoại nói chung đang rất thiếu hụt lực lượng tăng ni tài đức để hành Đạo và hoằng Pháp, đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng nhiều và đa dạng của Phật tử khắp nơi. Cho nên, để tiếp tục truyền thừa Phật Giáo Việt Nam đến thế hệ sau và mở rộng Phật Pháp đến cộng đồng người Việt ngày càng đông và có mặt khắp nơi ở Hoa Kỳ, chưa nói đến thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại đây cũng như cộng đồng người Mỹ, là một vấn đề thách thức lớn đối với những vị làm công tác giáo dục và Hoằng Pháp tại Hải ngoại. Chúng ta cần có một Tăng Đoàn vững mạnh, hòa hợp, với nhiều vị tăng ni và Phật tử tài đức để gánh vác trọng trách truyền thừa và hoằng dương Chánh Pháp trong hoàn cảnh hiện tại ở Hải ngoại. Trong bài tham luận này, chúng con/chúng tôi không bàn đến những dự án to lớn như thành lập trường đại học Phật giáo hay Phật học viện v.v…, vượt qua khả năng thực hiện của Tăng Đoàn trong hoàn cảnh hiện tại, mà chỉ bàn đến những kế hoạch khả thi để đáp ứng nhu cầu hoằng Pháp trước mắt. Đó là làm thế nào để (1) tập hợp và sử dụng nhân tài Phật giáo tại Hoa Kỳ; (2) định hướng giáo dục và hoằng Pháp của Tăng Đoàn.
1. Tập hợp và sử dụng tăng ni có Đạo tâm, tinh thần phụng sự, và khả năng hoằng Pháp
Tăng tài trong Phật giáo được hiểu là tăng ni có Đạo tâm, lý tưởng phụng sự và khả năng Hoằng Pháp. Thực ra, tăng ni có hiểu biết, bằng cấp học vị về Phật học ở Hoa Kỳ không ít. Nhiều vị đã có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học. Trong đó, cũng có vị đang theo học tại các trường Đại Học về các ngành liên quan Phật giáo ở Mỹ. Đây là lợi thế hoằng Pháp trong một xã hội đa phần coi trọng bằng cấp. Nhưng bằng cấp học vị không phải là tất cả. Nhiều trường hợp cho thấy có khoảng cách rất xa giữa học vị và năng lực thực sự của tăng ni. Quan trọng hơn hết, quần chúng Phật tử quan tâm đến Đạo hạnh, khả năng hoằng Pháp thực sự của người tu, hơn là bằng cấp hay học vị! Cho nên, việc hành Đạo và hoằng Pháp có thành công hay không, trước hết là ở Đạo tâm Đạo hạnh, lý tưởng phụng sự, kế đến mới là khả năng hoằng Pháp, mà không phải chỉ có bằng cấp học vị!
Nhưng làm thế nào để có thể tập hợp và sử dụng Tăng tài ở Hải Ngoại hiện nay? Tăng Đoàn nên tổ chức các khóa an cư kiết hạ với chương trình giáo dục tăng ni cụ thể, đào tạo các khóa Sứ Giả Như Lai có chất lượng… để phát hiện những tăng ni có Đạo hạnh, trình độ Phật Pháp, và khả năng giảng dạy. Muốn thu hút Tăng tài, trước hết những Phật sự trên của Tăng Đoàn phải uy tín, chất lượng qua việc tổ chức hợp lý và thỉnh mời được các vị giáo thọ có khả năng và tâm huyết thực sự. Tăng Đoàn cũng nên đứng ra xuất bản những dịch phẩm, tác phẩm Phật học có giá trị, tập san nghiên cứu của Ban Giáo Dục Hoằng Pháp v.v…, để tăng ni có thể chia sẻ thành quả nghiên cứu, kinh nghiệm và tâm đắc tu học của mình. Việc xuất bản nên ở hai hình thức là in ấn theo truyền thống và xuất bản trên mạng xã hội để nhiều người dễ tiếp cận hơn.
Lại nữa, Tăng Đoàn cũng cần tổ chức những chuyến đi hoằng Pháp đến những nơi có nhu cầu tu học, nhất là những vùng xa xôi, ít có tăng ni lui tới hành Đạo hay hoằng Pháp. Việc làm này không những đúng theo tinh thần hoằng Pháp mà đức Phật đã dạy trong bài Pháp đầu tiên: “Vì hạnh phúc cho số đông, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”, mà còn là dịp để chư tăng ni trẻ thực tập và gieo duyên với chùa chiền, đạo tràng và Phật tử các nơi. Chúng ta biết, hằng năm đều có đoàn hoằng Pháp ở Châu Âu sang Hoa Kỳ đi các nơi hành Đạo. Tại sao Tăng Đoàn chúng ta ở Hoa Kỳ lại không làm được? Thiết nghĩ, trên đây đều là những việc khả thi mà Tăng Đoàn có thể làm được hiện nay.
Điều quan trọng nữa mà chúng tôi muốn chia sẻ, đó là những Phật sự trên muốn được thành công phải có sự hậu thuẫn và hộ Pháp của các hàng cư sĩ có khả năng chuyên môn và tiếng nói trong cộng đồng Phật giáo Hải Ngoại. Ví dụ về vấn đề xuất bản kinh sách hay tập san Phật học của Tăng Đoàn, Tăng Đoàn cần có sự hợp tác của những vị cư sĩ có kinh nghiệm biên tập hay làm báo chí. Những vị này sẽ san sẻ phần lớn gánh nặng hậu cần và chuyên môn cho chư tăng ni. Kế nữa, việc đi các nơi hoằng Pháp cần có người cư sĩ uy tín ở địa phương mình đến, liên lạc với chùa hay đạo tràng, và sắp xếp lịch giảng như thế nào để thuận tiện.
Tóm lại, qua những Phật sự như tổ chức an cư kiết hạ, đào tạo Sứ Giả Như Lai, in ấn kinh sách và tập san Phật giáo, chúng ta có thể tập hợp, phát hiện, và trọng dụng Tăng tài theo định hướng của Tăng Đoàn trong việc truyền thừa và hoằng Pháp, đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng tăng và đa dạng ở Hải ngoại. Lại nữa, vấn đề tập hợp và sử dụng nhân tài Phật giáo tương tác qua lại với nhau. Chúng ta có thể phát hiện nhân tài, tập hợp nhân tài, nhưng nếu không tạo điều kiện làm việc cho những vị này qua các Phật sự của Tăng Đoàn như xuất bản, giảng dạy v.v…, mọi người sẽ cảm thấy mình “không có đất dụng võ”, không có động cơ để tiếp tục cống hiến hay cố gắng trau giồi Phật Pháp. Chính việc sử dụng nhân tài thích đáng, sẽ khích lệ nhiều tăng ni Phật tử có khả năng tham gia Tăng Đoàn, góp phần vào sự nghiệp truyền thừa và hoằng Pháp tại Hải ngoại.
2. Định Hướng Giáo Dục Và Hoằng Pháp Của Tăng Đoàn
Vấn đề lớn thứ hai mà chúng tôi muốn nêu ở đây là định hướng, hay xác định rõ ràng đường lối giáo dục và hoằng Pháp của Tăng Đoàn. Trong xã hội văn minh, thời đại giao thông tiện lợi, thông tin bùng nổ, thế giới dường như thu hẹp, nhiều truyền thống Phật giáo có dịp tiếp xúc, giao thoa để học hỏi và hiểu biết lẫn nhau. Đây là điều vô cùng tích cực. Tuy nhiên, nhiều Phật tử hiện nay hoang mang trước nhiều luận điểm Phật giáo khác nhau đến mức đối lập, công kích lẫn nhau, có nguy cơ gây chia rẽ trầm trọng trong hàng ngũ xuất gia và tại gia. Vì vậy, Tăng Đoàn chúng ta ngay từ đầu cần khẳng định sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, để xác định đường lối giáo dục và hoằng Pháp của mình, tránh tình trạng vọng ngoại theo thời lưu, hay chia rẽ trong nội bộ vì những luận điểm mâu thuẫn, làm hoang mang cho Phật tử bên ngoài.
Phật giáo Việt Nam, có dòng chính truyền thừa từ Phật giáo Đại Thừa Đông Á với gần hai ngàn năm ở đất Việt. Kinh điển y cứ của truyền thống này là Đại Tạng Kinh chữ Hán với tư tưởng Đại thừa và hành trì phổ biến như Thiền tông, Tịnh độ v.v…. Thầy tổ của chúng ta đã viết nên những trang sử Phật giáo vàng son, từ thời Đinh Lê Lý Trần cho đến hiện nay từ truyền thống Phật giáo này. Đây là điều mà hàng hậu học chúng ta cần phải ý thức sâu sắc, để tự hào và tri ân, nhằm bước theo dấu chân của các bậc tiền nhân. Tất nhiên, bên cạnh truyền thống tốt đẹp này có những biến tướng như mê tín dị đoan do ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian, hay tà tín cực đoan vì không có nền tảng tin hiểu Phật Pháp sâu chắc. Đây là điều mà thế hệ chúng ta cần phải gạn đục khơi trong, mà không phải tốt xấu chẳng phân, đạp đổ tất cả giá trị tâm linh truyền thống. Người Mỹ gọi là “đổ bỏ cả nước tắm cùng em bé!” (Throw the baby out with bath water).
Chúng tôi nói đến điều này, vì hiện nay có không ít tăng ni không ý thức sâu sắc truyền thống tốt đẹp của mình, đánh mất niềm tin với thầy tổ, phê phán Kinh Điển Đại Thừa là ngụy tạo, do người Trung Quốc bày đặt v.v…, gây hoang mang, chia rẽ trong nội bộ Phật giáo. Phần lớn những người này chỉ nói theo, mà tự mình không có nghiên cứu sâu sắc về Kinh Điển Đại Thừa. Đây là tội phá kiến, còn nặng hơn tội phá giới! Những người này chịu ơn cơm ăn, áo mặc, chùa ở, tiền bạc học hành của Phật giáo Đại Thừa, rồi trở lại đạp đổ, phỉ báng truyền thống thầy tổ của mình! Thực ra, đây là những điều mà chư tổ đã cảnh báo từ xưa:
Mạn Phật khinh Tăng báng đại thừa/ Khinh Phật, mạn Tăng, báng Đại Thừa
Bội nghĩa cô thân hủy sư trưởng/ Phụ nghĩa, quên ân, chê thầy tổ
Văn quá sức phi dương kỉ đức/ Lấp liếm lỗi lầm, khoe mình giỏi
Hạnh tai lạc họa yểm tha năng/Mừng người gặp họa, ém tài năng!
(Sám Ngã Niệm hay Văn Sám Hối của Pháp sư Viên, tông Thiên Thai)
Lại nữa, có người chỉ biết Pháp sư Tịnh Không đề xướng Tịnh Độ ở Đài Loan, mà không biết đến Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm…ở Việt Nam. Đây là những bậc đức độ tu hành, hoằng dương Tịnh Độ, cũng như có công lớn trong việc phiên dịch kinh điển, đào tạo Tăng tài, và hoằng Pháp lợi sinh ở Việt Nam. Họ tôn sùng Pháp sư Tịnh Không là Thánh tăng, là Phật sống, nên đánh mất khả năng tư duy độc lập, nghe nói gì cũng tin, mà không văn-tư-tu theo lời Phật dạy. Đây là lý do có người lợi dụng tên tuổi của ngài để thu hút tín đồ cho riêng mình! Lại cũng có những người tôn sùng đến mức mù quáng Phật giáo Tây Tạng, coi các Lạt-ma như Phật sống, Pháp Vương…, sùng bái sự cứu rỗi của năng lực huyền bí. Những vị này không biết hoặc quên đi tinh thần “tâm bình thường là Đạo”, hay lời đức Phật răn nhắc đệ tử Phật không được “hiển dị hoặc chúng”, tức “tỏ lạ thường gạt người” trong Kinh Di Giáo!
Chúng ta nên cung kính, đảnh lễ và học hỏi từ những bậc chân tu, đức độ như Pháp sư Tịnh Không, đức Đạt-lai Lạt-ma, nhưng không nên mù quáng tôn sùng theo kiểu Phật sống, Pháp Vương, mà làm một “con chiên ngoan đạo” trong Phật giáo! Chúng ta nên học thêm những điều hay đẹp từ những kinh điển và truyền thống Phật giáo khác như Phật giáo Nam Truyền, Phật Giáo Tây Tạng, nhưng trước hết mình phải học hiểu và nắm vững những giá trị của truyền thống Phật giáo Việt Nam của mình. Tóm lại, chúng ta nên có thái độ cởi mở, học hỏi có chọn lọc những điều tốt đẹp từ những truyền thống Phật giáo khác trên thế giới, gạn đục khơi trong những điều bất cập của Phật Giáo Việt Nam, hay truyền thống Phật giáo Đại Thừa Đông Á. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận, đạp đổ tất cả những tinh hoa tư tưởng, những thành tựu suốt hai ngàn năm của Phật giáo Việt Nam nói riêng, và lịch sử còn lâu dài hơn nữa của Phật giáo Đại Thừa nói chung.
Nhân Đại Hội Thường Niên của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại 2019, với tư cách Phó Chủ Tịch HĐĐH, kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục Tăng Đoàn, chúng con/chúng tôi xin đóng góp bài tham luận này trong buổi hội thảo. Kính mong các bậc Trưởng lão Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni cùng cư sĩ Phật tử tham dự đóng góp ý kiến, cùng thảo luận để làm sáng tỏ hơn vấn đề.
Chúng con/chúng tôi cũng tha thiết mong rằng: Sau khi thảo luận, nếu chư Tôn đức Hội Đồng Giáo Phẩm và Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn thấy định hướng giáo dục và hoằng Pháp này là điều thiết yếu trong hoàn cảnh hiện nay và về lâu về dài, xin quý Ngài có cuộc họp và đưa ra quyết nghị về định hướng giáo dục và hoằng Pháp của Tăng Đoàn chúng ta. Điều này sẽ giúp rất lớn cho việc xác định tông chỉ và nguyên tắc làm việc từ nay về sau của Ban Giáo Dục và Hoằng Pháp. Kính mong lắm thay!
Sakya Minh-Quang
Viết xong ngày 30 tháng 05, 2019
Tại Tu Viện Thiện Tường