top of page

LÀM CHỦ VẬN MỆNH

             Dịch giả: Sakya Minh-Quang

                    Chương I

               Môn Học Lập Mệnh

     Lập mệnh chính là sáng tạo ra vận mệnh, không để bị vận mệnh trói buộc. Chương Lập Mệnh này, chính là bàn đến cái học lập mệnh, giảng giải đạo lý an thân. Viên Liễu Phàm tiên sinh đã đem kinh nghiệm bản thân, cùng nhiều nghiệm chứng trong việc cải đổi vận mệnh để dạy cho con trai. Ông muốn con trai mình là Viên Thiên Khải không nên bó tay trước vận mệnh, mà phải gắng hết sức cải đổi vận mệnh, bằng cách làm thiện, đoạn ác, như người xưa nói: Đừng chê điều thiện nhỏ mà không làm, đừng khinh điều ác nhỏ mà làm. Nếu làm được như vậy, nhất định sẽ cải đổi vận mệnh, như người xưa từng nói: Đoạn ác tu thiện, dứt trừ tai ương, phước thọ miên trường. Đây chính là nguyên lý cải đổi vận mệnh.

 

      /Ngàn người ngàn số mệnh, mỗi mệnh mỗi khác nhau. Viên Liễu Phàm đời Minh, vận mệnh vốn bình thường, gặp được Khổng tiên sinh, đoán số đều trúng cả. Chết yểu lị tuyệt hậu, công danh chẳng có đâu, do đời trước nghiệp sâu. Suốt hai mươi năm dài, sống theo dòng nghiệp xoáy, đúng số mệnh chẳng sai. Gặp thiền sư Vân Cốc, khai thị cho pháp lành, Viên Liễu Phàm cư sĩ, mới chuyển đổi mệnh mình, mới chuyển đổi mệnh mình./

 

     Cha thuở nhỏ mất cha sớm. Bà nội bảo cha bỏ học, không nên đi thi đeo đuổi công danh, mà đổi học nghành y làm thầy trị bệnh. Bà nội bảo: Học nghề    thuốc vứa có thể kiếm tiền nuôi thân, vừa có thể cứu giúp người khác. Nếu y thuật đến mức cao minh, cũng có thể trở thành y sư danh tiếng. Đây chính là tâm nguyện của cha con khi còn sinh tiền.

     Về sau cha ở chùa Từ Vân tình cờ gặp được một ông lão tướng mạo phi phàm, râu dài phất phới, có cẻ tiên phong đạo cốt. Cha do đó cung kính vái chào. Ông lão bảo: Người là người trong chốn quan trường, năm sau có thể  đi thi, bước vào hàng trí thức cao, thế tại sao không chịu đi học? 

   

Mục Lục

     Cha trả lời vì ý của bà nội muốn cha bỏ học để đeo đuổi nghành y. Kế đó cha lại hỏi tính danh, quê quán, nơi cư trú của cụ. Cụ đáp: Ta họ Khổng, người Vân Nam, được chân truyền của Triệu Khương Tiết tiên sinh,    người tinh thông về dịch số Hoàng Cực. Tính theo số định, ta phải truyền môn dịch số này cho ngươi.

    Do đó cha đưa vị tiên sinh này về nhà, thưa lại mọi việc với bà nội. Bà nội bảo cha phải tiếp đãi cụ chu đáo. Lại còn dạy rằng: Vị tiên sinh này tinh thông dịch số vận mệnh. Vậy con thử nhờ cụ tính cho một quẻ xem sao. Thử coi có linh nghiệm hay không.

     Kết quả thật không ngờ, Khổng tiên sinh tính số mệnh cha, dù là việc nhỏ cũng vô cùng chính xác. Cha nghe theo lời cụ, có ý định đi học lại, nên bàn với người anh họ tên là Thẩm Xưng. Anh họ bảo: Tôi có một người bạn thân tên là Úc Hải Cốc mở lớp dạy học ở nhà Úc Hữu Phu. Tôi đưa cậu đến đó ở trọ theo học, rất tiện.

     Từ đó cha bắt đầu theo tiên sinh Úc Hải Cốc học tập. Một lần Khổng tiên sinh tính số cho cha bảo: Lúc người chưa có công danh, còn là học sinh, thi Huyện đứng hạng mười bốn, thi Phủ đứng hạng bảy mươi mốt, thi Đề Học đứng hạng chín.

     Đến năm sau, cha đi thi thì ba nơi, thứ hạng quả nhiên đúng như lời Khổng tiên sinh nói. Khổng tiên sinh lại tính cho cha một quẻ kiết hung họa phúc suốt đời. Cụ bảo: Ngươi vào năm nào đó sẽ thi đậu hạng mấy, vào năm nào đó sẽ bổ chức Lẫm sinh, và năm nào đó lên chức Cống sinh, và năm nào đó được chọn làm Huyện trưởng một huyện thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Làm chức Huyện trưởng được ba năm rưỡi, bèn từ quan về quê. Vào giờ sửu ngày mười bốn tháng tám năm năm mươi ba tuổi, ngươi sẽ từ trần tại nhà. Tiếc rằng số của ngươi không có con trai.

     Những lời này cha đều ghi lại, và nhớ kỹ trong lòng. Từ đó về sau mỗi khi thi cử, thứ hạng đều đúng như lời Khổng tiên sinh đã đoán. Chỉ có điều cụ đoán số thóc mà cha lãnh khi làm chức Lẫm sinh là chín mươi mốt thạch năm đấu, sau đó mới thăng chức. Không ngờ khi mới nhận được bảy mươi mốt thạch thóc, quan Học Đài là Đồ tông sư phê chuẩn cha được bổ chức Cống sinh. Cha nghĩ thầm trong bụng: Khổng tiên sinh đoán số cũng có chổ không linh nghiệm.

     Không ngờ sau đó giấy phê chuẩn thăng chức của cha bị quan Học Đài thay thế là Dương tông sư bác bỏ, không cho làm chức Cống sinh. Mãi đến năm Đinh Mão, Ân Thu Minh tông sư xem thấy bài dự thi tuyển của cha, thấy không được chấm đậu, nên lấy làm tiếc, than rằng: Năm bài văn sách làm trong quyển thi này khác nào tấu điệp dâng lên cho vua. Người có học thức như thế này lẽ nào lại để cho mai một đến già?

    Do đó ông dặn quan huyện đưa hồ sơ của cha lên chổ ông, phê chuẩn cha bổ chức Cống sinh. Trải qua sự trắc trở này cha hưởng them một số thóc của chức Lẫm sinh, cộng với bảy mươi mốt thạch thóc đã ăn khi trước, vừa đúng chín mươi mốt thạch năm đấu. Sau khi xảy ra sự việc này, cha càng tin tưởng: Công danh tiến thoái thăng trầm của một đời người, đều do số mệnh định sẵn. Sự thành đạt đến sớm hay muộn, đều có thời gian nhất định. Do đó cha xem mọi thứ bình thường, không còn có lòng tranh cầu gì nữa.

     Khi được tuyển làm chức Cống sinh, theo quy định phải đến trường Quốc Tử Giám ở Bắc Kinh để học. Cho nên cha ở kinh thành một năm, suốt ngày ngồi yên, không nói chuyện, cũng không khởi tư tưởng. Đến năm Kỷ Tỵ, cha trở về học ở trường Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, tranh thủ thời gian trước khi nhập học, đến núi Thê Hà bái kiến thiền sư Vân Cốc. Ngài là một vị cao Tăng đắc độ.

     Cha ngồi đối diện với thiền sư trong một gian thiền phòng suốt ba ngày ba đêm, không hề chợp mắt. Vân Cốc thiền sư hỏi: Người ta sở dĩ không thể trở nên Thánh nhân chỉ vì vọng niệm trong tâm khởi lên không ngừng. Ngươi tịnh tọa ba ngày, ta chưa từng thấy ngươi khởi lên một niệm vọng tưởng, đó là vì sao?

     Cha đáp: Số mệnh của tôi đã được Khổng tiên sinh xem rõ rồi. Lúc nào sinh, lúc nào chết, lúc nào đắc ý, lúc nào thất ý đều có số định sẵn, không cách gì thay đổi được. Vậy cho dù có nghĩ tưởng mong ước cái gì đi nữa cũng vô ích. Cho nên tôi chẳng thèm nghĩ tưởng, do đó trong tâm cũng không có vọng niệm.

      Vân Cốc thiền sư cười bảo: Ta vốn cho rằng ông là bậc trượng phu xuất chúng, nào ngờ chỉ là kẻ phàm phu tục tử tầm thường!

     Cha nghe xong không hiểu, bèn thỉnh giáo tại sao như thế. Vân Cốc thiền sư bảo: Một người bình thường không sao tránh khỏi tâm ý thức vọng tưởng xáo trộn. Đã có tâm vọng tưởng không dừng, thì phải bị âm dương khí số trói buộc. Đã bị âm dương khí số trói buộc, sao có thể bảo là không có số mệnh được? Tuy nói rằng có số, song chỉ người bình thường mới bị số mệnh trói buộc. Nếu là một người cực thiện, thì số mệnh không sao ảnh hưởng được đến anh ta.

Bởi vì người cực thiện, cho dù số mệnh vốn có chú định phải chịu khổ sở, nhưng nhờ làm được điều thiện cực lớn, sức mạnh của việc thiện lớn này, có thể chuyển khổ thành vui, nghèo hèn đoản mệnh thành phú quý trường thọ.

     Còn người cực ác, số cũng không ảnh hưởng được họ. Vì cho dù số mệnh họ chú định được hưởng phước, song vì họ gây tạo việc ác lớn, chính sức mạnh của việc ác này khiến phước trở thành họa, giàu sang trường thọ trở nên nghèo hèn chết yểu.

     Số mệnh của ông trong hai mươi năm được Khổng tiên sinh đoán trước, không từng biết cải đổi một chút, trái lại còn bị số mệnh buột chặt. Một người bị số mệnh buột chặt chính là phàm phu tục tử. Vậy ông không phải là kẻ phàm phu tục tử hay sao?

     Cha hỏi Vân Cốc thiền sư rằng: Theo như thiền sư nói, thì số mệnh có thể cải đổi được không?

     Thiền sư trả lời: Mệnh do tự mình tạo, phước do chính mình tìm. Ta làm ác tự nhiên bị tổn phước; ta tu thiện tự    nhiên được phước báo. Sách vở mà cổ nhân để lại xưa nay, đã chứng minh tính chính xác của đạo lý này. Trong Kinh Phật nói: Muốn cầu phú quý được phú quý, muốn cầu con trai con gái được con trai con gái, muốn cầu trường thọ được trường thọ.

       Chỉ cần tu tạo việc lành, thì số mệnh không sao trói buộc được chúng ta. Nói vọng ngữ là đại giới của nhà Phật, chẳng lẽ Phật và Bồ-tát lại lừa dối chúng ta sao?

     Cha nghe xong trong lòng vẫn chưa hoàn toàn minh bạch, mới hỏi thêm rằng: Mạnh tử từng nói: Bảo rằng cầu mà có thể được, là chỉ những gì ở trong lòng ta có thể làm được. Nếu không phải là những gì ở trong lòng, thì làm sao có thể nhất định cầu được? Ví như nói đạo đức nhân nghĩa, toàn là những thứ ở trong tâm chúng ta, ta lập chí làm một người nhân nghĩa đạo đức, thì tự nhiên trở thành người nhân nghĩa đạo đức. Đây là cái mà ta có thể tận lực để cầu. Còn như công danh phú quý, là cái không ở trong tâm, vốn ở ngoài thân chúng ta, nếu người khác chịu cho, ta mới có thể có được. Còn như người ta không chịu cho, ta không cách nào có được, vậy ta làm sao có thể cầu

 

     Vân Cốc thiền sư bảo: Lời nói của Mạnh tử không sai, song ông giải thích tại sao! Ông không thấy Lục Tổ Huệ Năng nói sao: Tất cả các loại phước điền đều quyết định trong tâm chúng ta. Phước không lìa tâm, ngoài tâm không có phước để cầu. Cho nên trồng phước hay gieo họa, đều do nơi tâm chúng ta. Chỉ cần từ tâm mình đi cầu phước, không có gì mà không cảm ứng ra.

     Nếu biết từ tâm minh mà cầu, thì không những cầu được nhân nghĩa đạo đức trong lòng, mà công danh phú quý bên ngoài cũng cầu được. Đó gọi là trong ngoài đều được. Nói cách khác, dùng cách gieo trồng ruộng phước để cầu, thì nhân nghĩa, phước lộc chắc chắn sẽ được.

    Một người số mệnh có công danh phú quý, cho dù không cầu cũng có; còn như số mệnh không có công danh phú quý, cho dù có cầu cũng vô ích. Cho nên chúng ta nếu không biết kiểm điểm xét lại mình, chỉ hướng ngoại tìm cầu công danh phú quý một cách phú quý một cách mù quáng, thì không chắc chắn có được, vì nó cón lệ thuộc vào phước báo sẵn có của mình. Đó là khế hợp với ý hai câu nói của Mạnh tử: “Cầu phải có đạo lý, còn được hay không là do số mệnh”.

     Phải biết rằng, cho dù chúng ta cầu mà được, thì đó cũng là phước báo sẵn có cúa chính chúng ta, mà không phải chỉ do cầu mà có hiệu nghiệm? Cho nên cái gì đáng cầu mới cầu, mà không nên cầu một cách vô nguyên tắc, không có đạo lý!

    Nếu như phước báo không có mà khăng khăng muốn cầu, thì không những công danh phú quý cầu không được, mà cón do vì tâm tham cầu quá đáng, không có mức độ, bất chấp thủ đoạn, nên đánh mất cả nhân nghĩa đạo đức trong tâm. Như vậy chẳng phải trong ngoài đều mất cả sao? Vì vậy cầu mà không có đạo lý là vô ích!

   

     /Cầu phú quý, được phú quý; cầu trường thọ, được trường thọ; cầu gái trai, được gái trai; điều gì nguyện ước tất xong ngay. Chỉ cần làm việc thiện, cầu ngay tại tâm mình, tâm chính là ruộng phước, đó đạo lý nguyện cầu; tâm chính là ruộng phước, đó đạo lý nguyện cầu./

         

     Vân Cốc thiền sư tiếp đó hỏi: Khổng tiên sinh đoán số mệnh cả đời của ông như thế nào?

     Cha thuật lại tường tận những gì Khổng tiên sinh đã tính, vào năm nào thì đậu hạng mấy, năm nào làm quan, bao nhiêu tuổi mất v.v… Vân Cốc thiền sư bảo: Ông tự suy xét xem, mình có thể thi đậu được công danh không? Có thể có con trai hay không?

     Cha xét lại những việc làm của mình đã qua, suy nghĩ rất lâu mới trả lời: Tôi không có phước tướng, nên biết phước báo không có bao nhiêu; lại không biết tích công đức, làm việc thiện để vun bồi phước báo. Lại thêm tôi không biết nhẫn nại, chịu gánh vác những việc phức tạp, nặng nề. Tôi lại có tánh hẹp hòi, nóng nảy, ai làm gì sai không thể bao dung. Có lúc tôi còn tự cao tự đại, đem tài năng, trí thức của mình ra lấn lướt người khác. Tôi muốn làm gì thì làm, nói năng tùy tiện. Những biểu hiện trên là tướng bạc phước, làm sao có thể thi đậu được công danh?

    Sạch sẽ là một đức tính tốt, song nếu quá mức sẽ trở thành tánh khí khó chịu. Nên người xưa bảo: Chổ nào nhiều phân rác, cây cối lại tốt tươi; nơi nào nước quá sạch, tôm cá không thể sống.

    Tánh tôi thẳng thắn, trong sạch quá mức, thành ra bất cận nhân tình. Đây là nguyên nhân thứ nhất tôi không có con trai.

     Vạn vật phải nhờ vào ánh dương quang ấm áp, gió mưa mát mẻ thấm nhuần mới sinh trưởng được. Tánh tôi lại nóng nảy giận hờn, không có hòa khí tươi mát làm sao có thể sinh được con trai? Đây là nguyên nhân thứ hai.

     Nhân ái là cội rễ của sự sống. Nếu tâm tàn nhẫn, không có từ bi thì khác nào như trái cây không hạt, làm sao nảy mầm mọc thành cây khác? Cho nên người xưa bảo: Tàn nhẫn là gốc của tuyệt tự.  Tôi chỉ biết yêu tiếc danh tiết của mình, không chịu hy sinh bản thân để thành toàn cho người khác, làm diều thiện, tích công đức.  Đó là nguyên nhân thứ ba tôi không có con trai.

     Nói nhiều dễ dàng hại đến khí. Tôi lại nhiều lời, nên thân thể không được khỏe mạnh, làm sao mà có được con trai? Đây là nguyên nhân thứ tư tôi không có con trai.

     Người ta sống là nhờ tinh, khí, thần. Tôi thích uống rượu. Rượu lại làm tiêu tán tinh thần. Một người tinh lực không đầy đủ, cho dù sinh ra con trai cũng không được trường thọ. Đây là nguyên nhân thứ năm tôi không có con trai.

     Người ta ban ngày không nên ngủ, ban đêm không nên thức. Tôi thường ngồi suốt đêm, không chịu ngủ sớm. Đó là không biết bảo dưỡng nguyên khí tinh thần. Đây là nguyên nhân thứ sáu tôi không có con trai. Ngoài ra còn có nhiều sai lầm, không sao nói hết.

     Vân Cốc thiền sư bảo: Ông như vậy không những không có được công danh, mà nhiều thứ khác cũng không có được. Nên biết có phước hay không phước, đều do tâm ta tạo. Người có trí tuệ biết rằng đó là tự mình làm, tự mình nhận lấy kết quả. Người không hiểu biết lại đổ thừa cho vận mệnh.

     Ví dụ như trên thế gian có người giàu sang, sản nghiệp ngàn lượng vàng, đó là họ có phước bảo ngàn lượng vàng. Người có sản nghiệp trăm lạng vàng, đó là họ có phước báo trăm lạng vàng. Còn nghèo cùng chết đói, là họ có quả báo chết đói. Ví dụ như người lành tích đức, trời sẽ cho họ hưởng phần phước báo tương ứng; kẻ ác tạo tội, trời sẽ bắt họ chịu tai họa tương ứng. Nói trời, là chỉ thiên lý, tức luật nhân quả tự nhiên, mà không phải có ai ban phúc hay giáng họa.

    Tiếp theo là Vân Cốc thiền sư mượn cái thấy của người thế tục để khuyên cha tích đức hành thiện: Còn việc sinh con trai, giống như chúng ta gieo hạt vậy. Nhân tốt sẽ gặt quả tốt, nhân xấu sẽ có quả xấu. Một người tích chứa công đức được một trăm đời, thì có con cháu trong một trăm đời gìn giữ phước báo của họ. Một người tích chứa công đức

được mười đời, thì có con cháu trong mười đời gìn giữ phước báo của họ. Tích chứa công đức được hai ba đời, thì có con cháu trong hai ba đời giữ gìn phước báo của họ. Còn người chỉ hưởng phước trong một đời, đến đời sau lại tuyệt hậu, đó là vì công đức tích chứa chỉ bấy nhiêu. Song tội nghiệp của người đó có lẽ lại không ít! Ông đã tự biết khuyết điểm của mình, thì phải hết lòng hết sức cải đổi những tính xấu, biểu hiện bạc phước khiến không được công danh và con trai đó. Ông nhất định phải làm lành tích đức, đối với người hào khí từ bi, bao dung độ lượng và quý tiếc gìn giữ tinh thần của mình. Hãy coi tất cả những việc trước kia như hôm qua đã chết đi; còn những việc về sau như hôm nay mới sinh ra. Biết sống trong hiện tại. Làm được việc này là ông đã có một sinh mệnh mới. Đó là sinh mệnh nhân nghĩa đạo đức. Thân huyết nhục của chúng ta còn có khí số nhất định; song còn sinh mệnh nhân nghĩa đạo đức không bị số mệnh trói buộc, có thể cảm đến thiên lý. Thiên Thái Giáp trong Kinh Thư nói: Trời giáng xuống tai họa còn có thể tránh; tự mình gây ra tai họa thì không thể tránh, ắt phải chịu khổ.

     Kinh Thi cũng nói: Người ta phải thường xét nghĩ đến hành vi của mình có hợp với đạo trời hay không? Nếu hợp đạo trời, thì phước báo không cầu cũng tự nhiên đến. Cho nên phước hay họa đều là do mình.

 

     /Kinh Thư nói: Trời giáng họa tránh được; Mình gây họa, khó tránh. Kinh Thi nói: Thường phản tỉnh, xét lại mình, hợp hay trái với đạo trời. Gặp phước hay gặp họa, tất cả là do ta./

     Khổng tiên sinh tính số cho ông bảo không có công danh, lại thêm không con thừa tự. Tuy là bảo số trời định sẵn, song vẫn có thể cải đổi. Ông chỉ cần mở rộng lòng đạo đức nhân nghĩa sẵn có, gắng sức làm lành, tích chứa âm đức. Đó là ông tự mình tạo ra phước báo cho mình, người khác muốn cướp giật cũng không được, làm sao mà không hưởng được phước?

     Kinh Dịch cũng vì những người giữ lòng nhân đức mà tính trước nên đi hướng nào sẽ kiết tườn, tránh được những việc hung hiểm, những người hung hiểm, những chổ hung hiểm.

     Nếu nói vận mệnh nhất định không thể thay đổi, thì làm sao có thể đến chổ kiết tường, tránh nơi hung hiểm. Chương mở đầu của Kinh Dịch đã nói: Gia đình nào hành thiện, ắt sẽ dư nhiều phước báo, để lại cho con cháu. Đạo lý này ông thực sự có tin không?

     Cha tin lời Vân Cốc thiền sư, đảnh lễ tạ ân và theo lời chỉ giáo. Cha đồng thời đem những việc sai lầm tội lỗi lúc trước, không luận là lớn nhỏ nặng nhẹ, ra trước đức Phật phát lộ sám hối. Cha cũng làm một bài văn, trước hết tỏ lòng nguyện cầu có được công danh, kế đó phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, để đền đáp đại ân, đại đức của trời đất tổ tiên cha mẹ đã sinh thành ra cha.

     Vân Cốc thiền sư nghe cha lập thệ làm ba ngàn việc thiện, liền đưa cho xem quyển sổ ghi lại việc tội hay phước. Ngài dạy phải làm theo những lời dặn trong đó. Việc thiện thì ghi vào phần phước, còn việc ác ghi vào phần tội.

     Song việc ác phải xem là lớn hay nhỏ, có thể dung phần việc thiện đã ghi để giảm trừ. Ngài còn dạy phải trì chú Chuẩn Đề, nhờ sức gia trì của chư Phật để giúp nguyện ước sớm thành tựu.

     Do đó vận mệnh là tự mình tạo lấy. Nếu phân tích một cách tỉ mỉ để giảng, thì dù giàu hay nghèo cũng không khác, đều phải làm theo đạo lý lập mẽnh này. Khi giàu không thể cậy tiền cậy thế hống hách, hiếp đáp người khác; mà phải khiêm cung, chia sẻ giúp đỡ mọi người. Như vậy vận mệnh phú quý càng thêm phú quý và có thể bảo tồn lâu dài. Khi nghèo vẫn giữ khí tiết, không làm việc trái với lương tâm. Dù nghèo vẫn an phận thủ thường, làm một người lương thiện. Như vậy mới có thể chuyển đổi vận mệnh bần cùng thành vận mệnh phú quý. Cho nên, dù giàu hay nghèo đều phải bỏ ác làm lành, gieo trồng ruộng phước.

     Đoản mệnh hay trường thọ cũng vậy. Không nên cho rằng mình vắn số, sống chẳng bao lâu mà tranh thủ hưởng thụ, mặc tình làm ác, vào đường đọa lạc. Nên biết vì nghiệp báo mình phải đoản mệnh, nên gắng sức làm lành, hy vọng đời sau sẽ được trường thọ. Như vậy có thể đời này được sống lâu thêm.

     Còn người trường thọ cũng không nên ỷ lại mà mặc sức tạo ác, gian giối phạm pháp, đắm mê tửu sắc. Nên biết trường thọ có được không dễ, nên phải biết trân trọng, làm thêm điều lành để giữ gìn phước báo trường thọ này. Hiểu được đạo lý này, mới có thể cải đổi đoản mệnh thành trường thọ; mệnh trường thọ càng thêm lâu dài, càng thêm khỏe mạnh. Người ta sống trên đời, việc hệ trọng nhất là sống và chết. Nếu có thể xem đoản mệnh và trường thọ không khác, thì tất cả thuận cảnh, nghịch cảnh, giàu sang nghèo hèn, đều bao quát trong đó.

     Mạnh tử nói đến cái học về lập mệnh chi bàn đến đoản mệnh và trường thọ, mà không nói đến giàu và nghèo, thành đạt và khốn cùng, cũng chính vì lý do này.

     Vân Cốc thiền sư lại bảo: Mạnh tử có câu: “Tu thân để đợi đó”, là bảo: Tự mình phải luôn luôn tu dưỡng đức hạnh, không nên làm ác gây tội dù là mảy may. Còn như vận mệnh có cải đổi được hay không, đó là tùy thuộc việc tích đức nhiều hay ít, hợp hay không hợp đạo trời.  

     Nói đến chữa “tu thân”, là bảo sửa đổi những sai lầm, tội ác của chúng ta, như uống thuốc trị bịnh. Còn bảo “đợi”, là chỉ phải đợi đến công phu tu thân sâu dày, phước báo vun đắp đầy đủ, tội nghiệp tương úng tiêu trừ, thì vận mệnh sẽ tự nhiên chuyển đổi, trở nên tốt đẹp. Không nên có tư tưởng mong muốn những gì vượt quá phận mình, để cho vọng tâm, dục tưởng làm mờ ám tâm trí, mà phải giữ tâm bình thường, buông xuống mọi vọng niệm sinh diệt. Đến trình độ này, đã đạt đến cảnh giới tâm như như bất động. Công phu này là cái học chân chánh mà thế gian thọ dụng.

     Vân Cốc thiền sư tiếp theo nói: Hành vi của người bình thường tùy thuộc vào ý niệm. Phàm việc gì còn khởi tâm phân biệt để làm thì không phải là tự nhiên, còn có dấu vết. Ông hiện nay chưa thể đạt đến trình độ không động tâm. Khi ông trì chú Chuẩn Đề không cần dụng tâm ghi nhớ, hay đếm bao nhiêu biến, cứ niệm liên tục, không cho gián đoạn. Niệm đến lúc cực kỳ thuần thục, tự nhiên miệng niệm mà tâm không cảm thấy niệm. Khi không niệm, trong tâm vẫn tự nhiên niệm. Đó gọi là không niệm mà niệm. Niệm chú đạt đến trình độ đó, thì cả ba: người, chú và niệm đều hợp thành một khối, không còn tạp niệm xen vào, như vậy không chú nào mà chẳng linh nghiệm. Song công phu này, phải kinh qua thực hành, mới lãnh hội được.

     Cha ban đầu tên hiệu là Học Hải, song từ ngày đó trở đi đổi hiệu là Liễu Phàm. Bởi vì sau khi hiểu rõ đạo lý lập mệnh, cha không muốn như kẻ phàm phu mà phát nguyện quét sạch kiến giải phàm phu, nên gọi là Liễu Phàm.

     Từ đó về sau, cả ngày cha đều chánh niệm tỉnh giác, cẩn thận từ lời nói, việc làm cho đến ý nghĩ. Cha cảm thấy mình thay đổi hẳn, trở thành con người khác. Lúc trước cha sống tùy tiện, hồ đồ, không có kiềm thúc; đến nay trở nên cẩn thận, cung kính, cảnh giác những điều bất thiện.

     Cho dù trong nhà tối không có ai đi nữa, cha cũng không dám tùy tiện, vì biết có quỷ thần xét soi. Gặp người ganh ghét, hủy bang, cha vẫn an nhiên, không chấp nhất, tranh luận với họ.

     Năm thứ hai sau khi tham kiến Vân Cốc thiền sư, cha đến bộ lễ thi cử. Khổng tiên sinh đoán số cha sẽ đậu hạng ba, không ngờ lại đậu được hạng nhất. Lời của Khổng tiên sinh bắt đầu hết linh nghiệm. Khổng tiên sinh không nói cha sẽ đậu cử nhân, song trong kỳ thi Hương mùa thu, cha lại thi đậu cử nhân. Đây là do làm phước tích đức khiến số mệnh thay đổi. Vân Cốc thiền sư bảo: Vận mệnh có thể cải đổi. Lời nói này đến nay đã được chứng nghiệm, khiến cha càng thêm tin tưởng.

     Cha tuy sửa đổi lỗi lầm khá nhiều, song khi gặp việc nên làm, vẫn không thể chuyển tâm nhất ý làm. Cho dù làm, vẫn còn miễn cưỡng, không được tự nhiên. Cha phản tỉnh kiểm điểm, thấy lỗi lầm vẫn còn rất nhiều.

     Thí dụ như thấy việc thiện, tuy chịu làm, song không mạnh dạn nỗ lực làm. Hoặc là gặp lúc cứu người, trong lòng vẫn còn chần chừ do dự, không kiên quyết thực hiện. Việc thiện tuy tôi có thể miễn cưỡng làm được, song lại hay nói những lời lầm lỗi. Khi tỉnh táo còn có thể tự chủ, song khi say rượu lại phóng túng, làm càn. Cho nên cha tuy làm lành có tích chứa chút công đức, song lỗi lầm vẫn còn rất nhiều. Nếu lấy công đức để trừ đi lỗi lầm e vẫn còn chưa đủ. Thời giờ chỉ luống uổng trôi qua.

     Từ năm Kỷ Tỵ nghe lời khai thị của Vân Cốc thiền sư, cha phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, đến năm Kỷ Mão, đã hơn mười mấy năm mới hoàn thành ba ngàn việc thiện này.

     Lúc đó, cha cùng với Lý Tiệm Am tiên sinh từ Quan ngoại trở về Quan nội, chưa kịp đem ba ngàn việc lành này ra hồi hướng. Đến năm Canh Thìn, cha trở về phương Nam, mới thỉnh hai vị đại lão Hòa thượng đức độ là ngài Tánh Không và Tuệ Không, mượn thiền đường Đông Tháp để hoàn thành tâm nguyện hồi hướng này. Lúc đó, cha lại khởi lên tâm nguyện cầu sinh con trai, và phát đại nguyện làm ba ngàn việc lành lớn. Đến năm Canh Tỵ sinh ra con, đặt tên là Thiên Khải.

     Cha mỗi khi làm được một điều thiện đều ghi lại. Mẹ con không biết viết chữ, mỗi khi làm được một việc lành, như cho người nghèo cơm ăn, hay phóng sanh v.v… đều lấy bút long ngỗng, in một khuyên tròn màu đỏ lên lịch. Có lúc một ngày in cả mười mấy dấu đỏ lên lịch, đại biểu cho ngày đó làm được mười mấy việc thiện.

     Như thế mãi đến tháng tám năm Quý Mùi, mới hoàn thành ba ngàn đều thiện đúng như nguyện. Cha lại thỉnh các vị như Hòa thượng Tánh Không v.v… về nhà làm lễ hồi hướng. Đến tháng chín năm đó, cha lại khởi lên lời nguyện thi đậu Tiến sĩ, và phát nguyện làm một vạn điều thiện để hồi hướng. Đến năm Bính Tuất, lại thi đậu Tiến sĩ. Bộ Lại bổ cho cha làm chức Huyện trưởng huyện Bảo Để đương khuyết. Lúc cha làm Huyện trưởng huyện Bảo Để, có chuyển bị một quyển sổ kẻ ô để trống. Quyển sổ này cha gọi nó sổ tay Trị Tâm. Nói Trị Tâm là e tâm mình khởi lên tà niệm hay ác niệm, dung phương tiện này để đối trị.

     Mỗi ngày thức dậy vào lúc sáng sớm, lúc thăng đường xét xử, cha đều cho người để quyển sổ trị tâm này trên bàn làm việc. Mỗi ngày, việc lành hay việc ác dù là rất nhỏ cũng ghi vào đó. Bà nội thấy cha làm việc thiện không nhiều, thường chau mày bảo: Mẹ lúc trước ở nhà giúp con làm việc thiện, cho nên lời nguyện ba ngàn việc thiện có thể hoàn thành. Nay con phát nguyện làm mười ngàn việc thiện, trong nha môn thực khó mà thực hiện được, biết đến bao giờ mới làm xong đây?

     Sau đó, vào một đêm cha bỗng nằm mơ thấy một vị thiên thần xuất hiện. Cha bèn đem việc khó mà hoàn tất mười ngàn việc thiện này thưa lại với thiên thần.           Thiên thần bảo: Chỉ một việc ông làm Huyện trưởng giảm thuế ruộng đất cho dân là đủ để bù vào mười ngàn việc thiện.

      Thì ra lúc trước ruộng của huyện Bảo Để mỗi mẫu đáng lẽ phải thu thuế là hai đồng ba hào bảy xu. Cha cảm thấy nhân dân chịu thuế quá nặng, nên thanh lý hết tất cả sô ruộng trong huyện, mỗi mẫu chỉ đóng thuế một đồng bốn hào sáu xu. Cha cảm thất thật là lạ, tại sao việc này thiên thần lại biết được. Vả lại cũng nghi ngờ, sao việc này có thể đủ bù vào mười ngàn việc thiện?

   

      Đúng lúc đó thiền sư Huyễn Dư từ núi Ngũ Đại đến huyện Bảo Để. Cha thưa lại chuyện trong mộng với thiền sư, và hỏi có tin được chuyện này không?  Huyễn Dư thiền sư đáp: Làm việc thiện phải có tâm chân thành khẩn thiết, không thể giả dối qua loa, có tâm cầu báo đáp. Như vậy cho dù một việc thiện cũng có thể bằng mười ngàn việc thiện. Huống chi ông giảm thuế cho toàn huyện, nông dân toàn huyện đều được hưởng ân huệ này. Cả ngàn vạn người nhờ đó mà giảm đi nỗi khổ vì thuế má nặng nề, đó thực là phước báo to lớn.

     Cha nghe xong lời dạy của thiền sư, liền đem tiền bạc bổng lộc của mình ra, nhờ thiền sư cúng trai tăng mười ngày vị trên núi Ngũ Đài và hồi hướng công đức.

     Khổng tiên sinh tính số mệnh cho cha bả năm năm mươi ba tuổi phải gặp tai nạn. Cha tuy không có cầu trời cho sống thọ, song năm năm mươi ba tuổi lại không có chút đau bịnh gì. Năm nay cha đã sáu mươi chín tuổi rồi. Kinh Thư nói: Thiên đạo là điều người ta khó mà tin được, mệnh của con người không có nhất định. Lại nói: Mệnh con người không có nhất định, đều do tự mình tạo.

     Những lời này không sai chút nào. Cha do đó mới biết, phàm nói đến họa phúc, đều do tự mình tạo ra. Đó là lời của Thánh Hiền. Còn như bảo họa phúc do trời chú định, đó là lời nói kẻ của kẻ dung tục trên đời.

 

    /Đạo trời khó thể tin, mệnh người không nhất định, mệnh người không nhất định, mệnh họa phước vốn do mình. Nếu bảo trời chú định, là lời kẻ phàm dung. Thánh Hiền đâu có dung, Thánh Hiền đâu có dùng./

 

     Vận mệnh của Viên Thiên Khải con không biết rồi sẽ như thế nào. Song cho dù là vinh hoa phú quý, con cũng phải giữ tâm như lúc thất chí nghèo hèn. Cho dù gặp may mắn tốt đẹp, con cũng phải giữ lòng như lúc trắc trở khó khan. Cho dù trước mắt có dư ăn dư mặc, con cũng phải cần kiệm như lúc thiếu thốn nghèo hèn. Cho dù được người ta yêu thích, kính trọng, con cũng phải luôn khiêm tốn, cẩn trọng. Cho dù gia thế có danh vọng đến đâu, con cũng phải thấy mình thấp kém. Cho dù học vấn có cao thâm bao nhiêu, con phải thấy mình còn thô thiển.

     Sáu cách suy tưởng này, là từ phản diện để nhìn vấn đề. Nếu biết khiêm cung như vậy, đạo đức dần dần nâng cao, phước báo cũng tự nhiên tăng trưởng.

     Xa thì con nên truyền nối và mở rộng đức khí của tổ tiên; còn gần thì phải biết hiếu kính cha mẹ. Trên thì con nên báo đáp ân huệ của đất nước; còn dưới thì phải tạo dựng hạnh phúc cho gia đình. Ngoài thì con nên cứu tế cấp nạn cho người khác; trong thì con phải luôn đề phòng niệm tưởng tà ác.

     Sáu cách trên là từ chánh diện để tự khẳng định vấn đề. Nếu con thường phản tỉnh, suy xét như vậy, nhất định sẽ trở thành bậc chánh nhân quân tử.

     Người ta mỗi ngày cần phải biết được lỗi lầm của mình, mới có thể sửa đổi mỗi ngày. Bằng không, cứ ngỡ là mình không có lỗi lầm, không chịu tu sữa, không làm sao tiến bộ được. Người xinh đẹp thông minh trên thế gian không ít, song phần lớn lại không biết dụng công tu dưỡng đạo đức, không biết dụng công xây dựng sự nghiệp, đều chỉ vì thối lần lữa qua ngày, đến đâu hay đến đó, không có chí phấn đấu cầu tiến, mới làm lỡ cả một đời của họ.

     Những lời Vân Cốc thiền sư dạy về đạo lý lập mệnh, thật là tinh thâm nhất, chân chánh nhất. Cha mong con đọc và suy nghĩ kỹ, lại phải tận tâm tận lực thực hành, quyết không để ngày tháng quý báu luống qua vô ích!

bottom of page