Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư
II. Pháp Nghĩa Nội Dung Kệ Tụng
-
Thi Kệ 3:
Buổi đầu khai sơn tạo tự
Khổ tâm nuôi dạy Tăng tài.
Dịch kinh, hoằng luật vất vả
Xây nền Phật Pháp tương lai.
Khai sơn tạo tự, Tăng Tài, Kinh luật
Người xưa nói: “An cư lạc nghiệp”, muốn lạc nghiệp trước phải an cư. Cho
nên, khi Phật giáo truyền đến nơi nào đều thành lập cơ sở nơi đó, để đào tạo Tăng tài, hoằng dương Chánh Pháp. Ví dụ, vào thời đức Phật có tinh xá Trúc Lâm (S. Veṇu-vana Vihara) ở ngoài thành Vương Xá (S. Rājagaha), tinh xá Kỳ Viên (S. Jetavana Vihara) ở ngoài thành Xá-vệ (Savatthi)…. Khi Phật giáo truyền đến các nước như Trung Quốc, Việt Nam…, việc trước hết cũng là thành lập Đạo tràng, đào tạo Tăng tài…. Cho nên kệ tụng ghi:
Buổi đầu khai sơn tạo tự
Khổ tâm nuôi dạy Tăng tài.
Mục Lục
-
Vài Cảm Nhận
-
Impression of the Books
-
Lời Tri Ân
-
Phần I: Kệ Tụng Việt - Anh
-
Phần II: Chú Thích & Giảng Giải
-
Phần III: Kết Luận
-
Lời Bạt
Khai sơn tạo tự có nghĩa khai phá núi rừng hoang sơ, thành lập đạo tràng, tự viện. Ví dụ, Thiền sư Linh Hựu (771-853) khai hoang núi Đại Quy (Đại Quy Sơn), thành lập thiền viện, có đến một ngàn năm trăm đồ chúng. Mở rộng nghĩa, “khai sơn tạo tự” là chỉ những người tiên phong đi trước, mở ra con đường hoằng hóa Phật Pháp nơi một vùng đất mới, một hoàn cảnh văn hóa, ngôn ngữ, và tín ngưỡng mới.Chúng ta có thể tưởng tượng sự khó khổ của những người đi tiên phong như thế nào!
Ví dụ, ngày xưa khi Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinītaruci, ?-594) người Ấn Độ đến Việt Nam vào thế kỷ thứ 6, Ngài phải học hỏi để biết tiếng Việt hay chữ Hán Cổ mới có thể trò chuyện và truyền thiền cho Ngài Pháp Hiền. Ngày nay chúng ta xây chùa, hành đạo, hoằng Pháp ở Hoa Kỳ cũng là “khai sơn tạo tự”. Nhưng có ý nghĩa hơn, nếu chúng ta có thể mở rộng việc hành đạo ra khỏi cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại. Ví dụ ở Hoa Kỳ, chúng ta nên soạn dịch nghi thức tu tập hằng tuần phù hợp với hoàn cảnh mới, dùng Anh ngữ biên soạn và giảng dạy Phật Pháp cho lớp trẻ và cộng đồng những người nói tiếng Anh nơi đây. Tương lai Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại cần phải có thế hệ người xuất gia sinh ra và lớn lên nơi đây để kế thừa và tiếp nối. Muốn được vậy, ngay bây giờ phải có thế hệ làm cầu nối, “truyền đăng tục diệm” cho thế hệ tương lai qua ngôn ngữ và văn hóa tại đất nước này. Được như vậy, Phật giáo Việt Nam mới bén rễ sâu chắc trên đất Mỹ, cũng như tồn tại và phát triển lâu dài ở tương lai.
Tự 寺 có nghĩa chùa. Nhưng “tự” ban đầu chỉ là nơi tiếp đón sứ giả nước ngoài, tương tự nhà lễ tân chính phủ ngày nay. Theo một số sử liệu ghi lại, vào thời Vua Hán Minh Đế (28-75), hai Ngài Ma-đằng và Trúc Pháp-lan lần đầu đem kinh điển Phật giáo và giới thiệu Phật Pháp đến Trung Quốc. Hai Ngài được Vua tiếp đón tại Hồng Lô Tự, tức nhà lễ tân tên Hồng Lô. Vì chưa có chỗ ở thích hợp cho Chư Tăng, Vua mới cấp nơi đó làm trụ xứ tạm cho quý Ngài ở lại hoằng hóa. Sau này, Vua cho xây Bạch Mã Tự rộng rãi hơn để thỉnh Chư Tăng về đó cư trú lâu dài, chuyên lo việc dịch kinh và hoằng Pháp. Về sau, “tự” được dùng chuyên chỉ cho tự viện của Phật giáo, tương tự như “tinh xá” hay “trú xứ” (Vihāra) ở Ấn Độ.
Tăng tài là chỉ những vị Tăng Ni tài đức trong Phật giáo. Tăng tài Phật giáo được đánh giá trước hết ở đạo tâm, đạo phong, đạo hạnh…, rồi sau mới đến khả năng hoằng Pháp như dịch kinh, trước tác, thuyết giảng v.v…. Cho nên, Tăng tài Phật giáo không phải chỉ dựa vào tri thức, bằng cấp, khả năng làm việc….
Người xuất gia cần phải có đầy đủ tài đức. Tuy nhiên, đức quan trọng hơn tài. Người có đức lấy “thân giáo” làm mô phạm cho đời. Người có tài dùng “khẩu giáo”, tức dịch kinh, viết sách, hay giảng Pháp v.v… giáo hóa cho người. Người tài đức vẹn toàn có đầy đủ thân giáo và khẩu giáo. Thiền tông gọi: “Thuyết thông cập tâm thông, như tuệ nhật đương không”. Kinh (S. sutra) là biên tập lại những lời dạy của đức Phật về chân lý của vũ trụ nhân sinh, như những lời dạy về vô thường, duyên khởi, vô ngã, tánh không v.v.... Luật (S. Vinaya) là biên tập những lời dạy của Phật về giới tướng và luật định trong Tăng Đoàn. Kinh và Luật còn được gọi là Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya). Đây là hai phương tiện giáo hóa và nhiếp phục đại chúng của đức Phật.
Giáo dục Phật giáo đóng vai trò mạng mạch trong việc truyền trì và hoằng dương Chánh Pháp. Sinh mệnh của người tu lấy giới làm thân, lấy tuệ làm mạng (giới thân tuệ mạng). Giáo dục Phật giáo chính là nuôi dưỡng giới thân tuệ mạng này. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Duy tuệ thị nghiệp”, hay “chỉ lấy tuệ giác làm sự nghiệp”.
Tuệ được tu tập qua văn, tư, và tu, tức học hỏi Chánh Pháp, tư duy Chánh lý, và tu tập Chánh Đạo. Nói đến tu tập Chánh đạo là tu tập ba môn vô lậu học: giới, định và tuệ. Giáo dục Phật giáo chẳng những chú trọng học tập kinh, luật, luận, mà quan trọng hơn còn đề cao việc tư duy quán chiếu, gạn đục khơi trong, kiến lập chánh kiến, chánh tín. Trên căn bản chánh kiến, chánh tín này, người xuất gia nghiêm trì giới luật, tu tập thiền quán, thành tựu tuệ giác. Đây là phần tự giác, hay giác ngộ cho mình. Lại nữa, người xuất gia còn phải phát tâm Bồ-đề, có lý tưởng Bồ-tát, nguyện dấn thân hoằng Pháp lợi sinh. Đây là giác tha, hay giác ngộ cho người. Nói khác đi, đây chính là con đường Bồ-tát đạo, tự giác, giác tha, hướng đến giác hạnh viên mãn, tức thành tựu Phật đạo. Tóm lại, sự nghiệp người tu là sự nghiệp tuệ giác. Sự nghiệp tuệ giác này được xây dựng trên nền tảng: văn-tư-tu, giới-định-tuệ, tự giác, giác tha để hướng đến giác hạnh viên mãn. Phật Pháp sở dĩ được hưng thịnh là nhờ có những bậc Tăng tài thành tựu trên nền tảng giáo dục Phật giáo này.
Kinh Luật ban đầu được truyền thừaqua ghi nhớ và truyền khẩu từ thầy đến trò trải qua nhiều thế hệ. Đến khoảng năm sáu trăm năm sau khi đức Phật nhập niết-bàn, kinh điển mới được ghi lại bằng văn tự. Văn tự kinh điển Phật giáo ở Ấn Độ được ghi bằng ngôn ngữ Sanskrit (Nhất Thiết Hữu Bộ và Đại Thừa) và Pāli (Thượng Tọa Bộ). Khi kinh điển được truyền đến nước nào thì được dịch ra ngôn ngữ nước đó. Ví dụ, kinh điển được dịch ra chữ Hán ở Trung Quốc, chữ Tây Tạng ở Tây Tạng, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.
Việc phiên dịch kinh luật là công tác chuyển ngữ, giúp người đọc hiểu được “ngữ nghĩa”. Nhưng muốn hiểu được “Pháp nghĩa” sâu xa, người sơ học cần phải hiểu được Pháp số, thuật ngữ, giáo nghĩa Phật Pháp…. Vì vậy, việc chú thích và giảng giải kinh luật là việc cần làm tiếp theo sau việc dịch thuật. Kinh chú trọng Pháp nghĩa và Pháp môn tu tập, được dùng chung cho hai chúng xuất gia và tại gia. Luật liên quan hành vi, phép tắc, xử lý nội vụ riêng trong Tăng đoàn. Cho nên, ngoài việc khai sơn tạo tự, đào tạo Tăng tài, chư Tổ còn phải:
Dịch kinh, hoằng luật vất vả
Xây nền Phật giáo tương lai.
-
Thi Kệ 4:
Thân giáo hành trì miên mật
Âm thầm tên tuổi ai hay?
Cùng viết nên trang sử Phật
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai.
Thân giáo, khẩu giáo, trì chứng Pháp, trì giáo Pháp
Luận Đại Tỳ-bà-sa nói: “Khế kinh nói có hai loại bổ-đặc-già-la (S. pudgala; chỉ con người, hay chúng sinh, chủ thể sinh tử) có thể trụ trì Chánh Pháp. Đó chính là người nói (thuyết giả) và người hành (hành giả). (…) Người hành Chánh Pháp cũng có hai loại: (1) Trì giáo Pháp, (2) Trì chứng Pháp. Trì giáo Pháp là đọc tụng, giải nói kinh, luật, luận. Trì chứng Pháp là có thể tu chứng Thánh đạo vô lậu.”
Chứng Pháp và Giáo Pháp
Như vậy, những vị chuyên tâm hành trì, có tu, có chứng là những người truyền trì “Chứng Pháp”, tức tâm vô lậu và tuệ giác chứng ngộ của mình. Từ “Chứng Pháp” hay kinh nghiệm nội chứng này mà đức Phật hay các vị Thánh giả mới dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn đạt chân lý và khuyến khích người tu để cùng chứng đạt chân lý. Những lời nói, văn tự đó được biên tập lại thành kinh, luật, luận. Đây là “Giáo Pháp”.
Cho nên, có những vị trì Chứng Pháp, tức chú trọng việc hành trì, đem thân giáo trang nghiêm thể hiện từ nội tại thâm sâu, để giữ gìn và truyền thừa Chánh Pháp; có những vị trì Giáo Pháp, để tâm vào việc giảng thuyết, dịch kinh, viết sách để hoằng dương Chánh Pháp. Nhưng Phật Pháp muốn xương minh cần phải có cả hai Chứng Pháp và Giáo Pháp. Tuy nhiên, tùy theo căn tánh và nhân duyên mà có vị chú trọng “trì Chứng Pháp” hay “trì Giáo Pháp”.
Lại nữa, Chứng Pháp là nền tảng, là suối nguồn của Giáo Pháp. Cho nên trì Chứng Pháp, tức có tu có chứng, mới là huyết mạch của Phật Pháp. Ví dụ, đức Phật ba lần chuyển Pháp luân về Tứ Thánh Đế. Trước hết là “thị chuyển”, tức chỉ ra bốn chân lý nhân sinh, Ngài bảo:
-Đây là khổ; đây là tập, nguyên nhân của khổ; đây là diệt, sự chấm dứt nguyên nhân của khổ và sự đau khổ; đây là đạo, con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ.
Tiếp theo là “khuyến chuyển”, tức khuyên đệ tử tin hiểu, tu tập và chứng bốn chân lý này. Ngài bảo:
-Đây là khổ các ông nên biết; đây là tập các ông nên đoạn; đây là diệt các ông nên chứng; đây là đạo các ông nên tu.
Cuối cùng là “chứng chuyển”, tức xác chứng mình đã chứng ngộ bốn chân lý này rồi nên mới nói ra và khuyên mọi người tu tập. Đức Phật bảo:
-Đây là khổ ta đã biết; đây là tập ta đã đoạn; đây là diệt ta đã chứng; đây là đạo ta đã tu.
Phần “chứng chuyển” chính là Chứng Pháp. Đức Phật nói riêng và các Thánh giả nói chung là những vị có thể truyền trì Chứng Pháp qua sự chứng ngộ tâm linh của mình. Từ Chứng Pháp này mới có thể nói ra Giáo Pháp, tức ngôn ngữ, văn tự diễn giải hay khích lệ người tu chứng chân lý. Đây là “thị chuyển” hay “khuyến chuyển”. Nếu không có Chứng Pháp, nhiều lắm chúng ta chỉ “nhị chuyển Pháp Luân” mà thôi!
Nói cụ thể hơn, chúng ta có thể giảng: “Đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo.” (thị chuyển). Chúng ta cũng có thể khuyên mọi người: “Đây là khổ... mọi người nên biết,... tập nên dứt,... diệt nên chứng,... đạo nên tu” (khuyến chuyển). Nhưng nếu mình chưa chứng ngộ, thì không thể xác chứng: “Đây là khổ tôi đã biết, đây là tập tôi đã đoạn...” (chứng chuyển). Nhiều lắm mình chỉ có thể nói: “Đây là khổ tôi đang quán chiếu, đây là tập tôi đang cố gắng đoạn,đây là diệt tôi đang từng bước chứng nghiệm và đây là đạo tôi đang tinh tấn tu.” Cho nên, một vị trì Giáo Pháp đã quan trọng, mà một vị trì Chứng Pháp còn quan trọng hơn. Nhưng có lẽ, lý tưởng nhất vẫn là người trì Chứng Pháp kiêm trì Giáo Pháp!
Lại nữa, Luận Đại Tỳ-bà-sa nói: “Nếu người trì Giáo Pháp tiếp nhau luôn không dứt có thể khiến thế tục Chánh Pháp cữu trụ. Nếu người trì Chứng Pháp tiếp nhau luôn không dứt, có thể khiến thắng nghĩa Chánh Pháp cữu trụ.” Cho nên, hiểu được chỗ này, chúng ta sẽ rất trân quý và tôn kính những bậc chân tu, đức hạnh, chuyên về hành trì dù vị đó ít tri thức, không có khẩu tài hay hay khả năng viết lách, ít được mọi người biết đến. Đây là những bậc thiền môn thạch trụ, đem thân giáo để giữ gìn thắng nghĩa Chánh Pháp, khiến Chánh Pháp cữu trụ trong thế gian. Cho
nên kệ tụng ghi:
Thân giáo hành trì miên mật
Âm thầm tên tuổi ai hay?
Cùng viết nên trang sử Phật
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai!
Tóm lại, tất cả những vị dù “trì giáo Pháp” hay “trì chứng Pháp”, dùng thân giáo hay khẩu giáo, hoặc cả hai, đều có công đức lớn đối với việc hoằng dương và truyền trì Phật Pháp.
Người xưa nói: “Chúng sinh đa bệnh, Phật Pháp đa môn, Bồ-tát đa hạnh”. Cho nên, chư Tôn đức có vị chuyên xây chùa tháp, có vị nuôi dạy Tăng tài, có vị dịch kinh viết sách, có vị giảng kinh hoằng luật, có vị dấn thân vào đời, có vị ẩn cư chuyên tu…. Chỉ cần là một vị chân tu, dù làm bất cứ việc gì, hay không cần làm gì cả, cũng là những bậc mô phạm đáng kính đánh quý, góp phần viết nên những trang lịch sử vàng son cho Phật giáo xưa nay.
-
Thi Kệ 5:
Người vượt núi rừng sa mạc
Biển khơi gió bão vô thường
Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ
Thương đời một quyết lên đường.
Những con đường Hoằng Pháp
Người vượt núi rừng sa mạc
Biển khơi gió bão vô thường
Người đệ tử xuất gia thay Phật hoằng Pháp, dù thời đức Phật hay thời sau đức Phật đều phải vượt qua những chặng đường xa xôi, đem Chánh Pháp đến với mọi người. Chúng ta thử tìm hiểu những con đường hoằng Pháp này như thế nào.
Hoằng Pháp thời đức Phật
Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ từ đó lan tỏa ra các quốc gia và khu vực lân cận. Hiện nay, Phật giáo hầu như đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Được như vậy là nhờ nơi tinh thần hoằng Pháp của đức Phật Bổn Sư từ những ngày đầu mới thành Đạo. Ngay sau khi giác ngộ, đức Phật đã đến vườn Lộc Uyển, thuyết giảng bài Pháp đầu tiên là Tứ Thánh Đế để độ cho những người bạn đồng tu khổ hạnh khi xưa là năm huynh đệ A-nhã Kiều-trần-như. Kế đó, đức Phật lần lượt độ những người đệ tử đầu tiên, thành lập Tăng đoàn khoảng sáu mươi vị A-la-hán.
Đức Phật đã dặn dò các vị A-la-hán đầu tiên này hãy chia nhau ra đi các nơi hoằng Pháp. Bản thân đức Phật cũng lên đường hoằng Pháp lợi sinh. Lời dặn dò này của đức Phật được xem như Tuyên Ngôn Hoằng Pháp đầu tiên của Phật giáo: “Này các Tỳ kheo!... Hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác.”
Hoằng Pháp sau thời đức Phật
Sau khi đức Phật nhập niết-bàn, các hàng đệ tử xuất gia tiếp tục sứ mạng đi các nơi hoằng Pháp lợi sinh. Chư vị xuất gia này đã vượt qua biên giới Ấn Độ, đến các nước Tây Vực, rồi sang Trung Quốc bằng đường bộ, hay vượt biển đến Tích Lan, Giao Châu (Việt Nam), Indonesia, Trung Quốc bằng đường thủy. Ví dụ, Trưởng lão Mahinda và Ni trưởng Sangamitta, con trai và con gái của Vua Ashoka đã đem Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravada Buddhism) đến Tích Lan vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên.
Lại nữa, Phật giáo đã truyền ra nước ngoài từ phía bắc Ấn Độ, đến nước Đại Nguyệt Chi (bao gồm một phần phía bắc Ấn Độ, Afghanistan và Pakistan hiện nay) rồi vào Trung Quốc qua con đường tơ lụa (the silk road) vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Ví dụ, Ngài Ma-đằng, Trúc Pháp Lan đến Trung Quốc giới thiệu Phật giáo vào thế kỷ thứ nhất và Bạch Mã tự được xây dựng vào năm 68 đời Hán Minh Đế. Ngoài ra, Phật giáo còn được truyền đến Indonesia, Giao Châu Việt Nam và Trung Quốc v.v…. qua con đường thủy (“maritime silk road”) cũng vào khoảng thế kỷ thứ nhất.
Dù là đường thủy hay đường bộ, tất cả đều vô cùng nguy hiểm vào thời đó. Đường bộ thì sợ cướp bóc, bão cát v.v…. Đường thủy thì gió bão, hải tặc…. Cho nên nói:
Sống chết bỏ ngoài suy nghĩ
Thương đời một quyết lên đường.
Có hiểu được lịch sử truyền bá Chánh Pháp của Phật giáo, chúng ta mới thấy thương kính và tri ân công đức của người xưa, những người đã ra đi vì lý tưởng hoằng Pháp lợi sinh, không nghĩ ngợi, đắn đo đến an nhàn cá nhân và sống chết bản thân!
-
Thi Kệ 6:
Vì Đạo dấn thân cõi hiểm
Cung tên tà ác khắp nơi
Một giáp cà sa an nhẫn
Gươm tuệ vô úy sáng ngời.
Nhà Như Lai, Y Như Lai, Tòa Như Lai
Như trên đã nói, ngày xưa Chư Tổ vì truyền bá Phật Pháp đã vượt đường xa để đến những vùng đất mới. Các Ngài đã phải đối diện với rất nhiều thử thách, khó khăn, nguy hiểm. Những khó khăn nguy hiểm này không chỉ vì phải vượt qua núi rừng, sa mạc, biển khơi…, mà còn phải đối mặt trước những âm mưu chống phá, hãm hại, bạo lực… của ngoại đạo tà ác hay thế lực chính quyền bất nhân. Cho nên kệ tụng ghi:
Vì Đạo dấn thân cõi hiểm
Cung tên tà ác khắp nơi.
Thuở Đức Phật còn tại thế, Tôn giả Phú-lâu-na (S. Pūrna; P. Punna) một trong mười đại đệ tử của đức Phật, được tôn xưng là “thuyết Pháp đệ nhất”. Ngài đã sẵn sàng hy sinh thân mạng của mình đến những vùng xa xôi, nhiều người tà ác chưa biết đạo để giáo hóa họ. Cho nên, theo bút giả, Ngài Phú-lâu-na được tôn xưng là “thuyết Pháp đệ nhất”, không phải chỉ vì Ngài có khả năng hoằng Pháp, dung mạo uy nghi, thuyết Pháp trôi chảy thuyết phục quần chúng v.v.... Quan trọng hơn, Ngài còn có tinh thần vô úy, sẵn sàng hy sinh vì Đạo và sức mạnh tinh tấn, nhẫn nhục. Dựa vào tinh thần vô úy và sức nhẫn nhục này, Ngài đã phát nguyện dấn thân vào chỗ khó khăn để cảm hóa, cứu độ những người bạc ác, chưa biết đạo! Kinh Tạp A-hàm đã ghi lại tinh thần hoằng Pháp của Ngài như sau.
Một hôm Ngài Phú-lâu-na đến thăm và thỉnh đức Thế Tôn thuyết Pháp. Giảng xong, đức Phật hỏi Ngài định đi đâu? Ngài Phú-lâu-na trả lời định đi đến xứ Du-lô-na (P. Sunāparantaka) ở phía Tây để hành đạo. Đức Phật nghe vậy liền cản: Người dân ở Du-lô-na hung dữ, khinh tháo, nóng nảy, thích chửi mắng, làm nhục người khác. Ông đến đó gặp việc như vậy thì như thế nào?”
Tôn giả Phú-lâu-na trả lời: “Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu họ hung dữ, chửi mắng, làm nhục con, con chánh niệm như sau:
‘Họ là người hiền thiện, trí tuệ vì tuy hung dữ, chửi mắng và làm nhục mình, nhưng vẫn không dùng tay đánh mình, dùng đá ném mình.’”
Đức Phật lại hỏi Phú-lâu-na: “Ông có thể an nhẫn, giải thoát trước sự hung dữ, lời mắng chửi, khinh nhục... của họ, nhưng nếu họ dùng tay đánh ông, dùng đá ném ông, thì sao?”
Tôn giả Phú-lâu-na đáp: “Kính bạch đức Thế Tôn, nếu họ đánh hay ném đá con, con sẽ chánh niệm: ‘Họ là người hiền thiện, trí tuệ vì tuy đánh và ném đá con, nhưng không dùng dao, gậy... để giết hại cho con.’”
Đức Phật lại hỏi Phú-lâu-na: “Nếu họ dùng dao, gậy... để giết hại ông thì sao?”
Tôn giả Phú-lâu-na thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, nếu họ dùng dao, gậy... để hại mạng con, con chánh niệm như vầy: “Có những đệ tử của đức Thế Tôn vì nhàm chán thân này mà tìm cách này hay cách khác để xả thân. Những người ở xứ Du-lô-na là người hiền thiện, trí tuệ vì chỉ dùng chút ít phương tiện đã giúp tôi giải thoát khỏi thân già bệnh này!’”
Nghe đến đây, đức Phật tán thán: “Lành thay, này Phú-lâu-na! Ông khéo tu nhẫn nhục. Ông nay có thể đến ở [và hành đạo] với người dân xứ Du-lô-na. Ông nay nên đi để độ những người chưa được độ, làm an tâm cho những ai chưa được an, giúp những ai chưa chứng niết-bàn được chứng niết-bàn.”
Sau khi được lời hứa khả của đức Phật, Tôn giả Phú-lâu-na đã đến xứ Du-lô-na ở phía Tây hành đạo. Nơi đây Ngài đã thuyết Pháp độ năm trăm vị Ưu-bà-tắc (Cư sĩ nam), xây dựng năm trăm trú xứ cho chư Tăng tu học và hoằng Pháp. Sau ba tháng an cư, Ngài cũng nhập vô dư niết-bàn nơi đó.
Thuở nhỏ mới xuất gia, đọc câu chuyện của Ngài Phú-lâu-na qua tác phẩm Phật và Thánh Chúng của tác giả Cao Hữu Đính, bút giả đã vô cùng xúc động trước tinh thần xả thân vì Đạo của Ngài. Lớn lên tìm được chỗ xuất xứ, đọc nguyên văn trong Kinh Tạp A-hàm, bút giả lại càng xúc động hơn! Quả thật, chỉ có những bậc đại trượng phu, dám sống dám chết với lý tưởng mới có thể đảm đương sứ mệnh truyền trì Chánh Pháp của Như Lai!
Trên đây là gương hoằng Pháp thời đức Phật còn tại thế, còn sau khi đức Phật diệt độ thì sao? Trong Kinh Pháp Hoa đức Phật dạy: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào sau khi Như Lai diệt độ, nếu muốn vì tứ chúng mà nói Kinh Pháp Hoa, thì phải như thế nào? Vị Thiện nam tử, thiện nữ nhân đó nên vào thất Như Lai, đắp y Như Lai, ngồi tòa Như Lai rồi mới vì bốn chúng nói kinh này. Thất Như Lai là tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh, y Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như Lai là [tuệ giác thấy] tất cả pháp không. Sau đó, vị Pháp sư này mới vì các Bồ-tát và bốn chúng rộng nói Kinh Pháp Hoa.”
Như vậy, theo ý kinh nói, vị Pháp sư giảng nói Kinh Pháp Hoa phải có đầy đủ ba đức tính là (1) tâm từ bi, (2) tâm nhu hòa nhẫn nhục, và (3) tuệ giác bát-nhã thấy tất cả pháp đều không thật. Thực ra, không chỉ Pháp sư thuyết giảng Kinh Pháp Hoa cần phải có những đức tính này, mà tất cả các vị hoằng Pháp sư đều phải như vậy cả. Trước hết chúng ta bàn về tâm từ bi.
(1) Tâm từ bi: Bố thí nói chung, hay bố thí Pháp nói riêng, đều xuất phát từ tâm từ bi là muốn giúp chúng sinh hết khổ. Từ bi là nền tảng của Bồ-đề tâm, tức là tâm cần cầu Phật đạo vì cứu khổ độ sinh! Cho nên, Chư Tăng thuyết Pháp vì tâm từ bi cứu khổ độ sinh, mà không phải vì lợi dưỡng, cung kính hay vì bất cứ lý do nào khác. Nói cách khác, đó là tinh thần hy sinh vì Đạo: “Ta không tiếc thân mạng, chỉ tiếc Đạo Vô Thượng” mà Bồ-tát Trì Thế đã nói trong Kinh Pháp Hoa. Lại nữa, chính tâm từ bi này giúp Pháp sư cảm hóa người ác, chuyển nghịch cảnh thành thuận duyên tu hành. Bách Trượng Thanh Quy nói: “Từ bi là con đường tốt đẹp để chuyển hóa lòng người và làm thay đổi hoàn cảnh”.
(2) Tâm nhẫn nhục: Bồ-tát vào đời hoằng Pháp lợi sinh ngoài tâm từ bi, tức lý tưởng thương đời vì Đạo ra, còn phải có đạo lực, tức sức mạnh nhẫn nhục, để có thể gánh vác sứ mệnh hoằng Pháp này. Pháp sư phải đối diện chê bai, phỉ báng, hãm hại, bạo lực, tù đày, tra tấn cho đến bị giết chết! Cho nên, nhẫn nhục như chiếc áo giáp che chở, dù lâm nạn đến mất mạng, các Ngài vẫn giữ được tâm Bồ-đề, chánh niệm, tự tại, làm gương sáng cho đời. Trong Kinh Di Giáo đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, nếu có người chặt đứt thân ông ra từng phần, hãy nên thu nhiếp tâm, không để sân hận khởi. Cũng nên giữ cửa miệng, đừng thốt ra lời ác. Nếu tâm sân nổi lên sẽ tự mình chướng Đạo, đánh mất vốn công đức. Công đức của nhẫn nhục còn lớn hơn công đức của trì giới, khổ hạnh! Người nhẫn nhục như vậy mới có thể gọi là bậc đại nhân sức mạnh. Ai không thể hoan hỷ nhẫn chịu độc mắng chửi như uống nước cam lộ thì không thể gọi là người nhập đạo trí tuệ.”
Lại nữa, kệ tụng trong Kinh Pháp Hoa nói:
Trong đời ác kiếp trược
Có nhiều loại khủng bố
Quỷ dữ nhập thân người
Mắng chửi, hủy nhục con.
Con kính tin đức Phật
Nên mặc giáp nhẫn nhục
Vì giảng nói kinh này
Nhẫn chịu các việc nạn.
Con không quý thân mạng
Chỉ tiếc Đạo Vô Thượng
Chúng con nơi đời sau
Hộ trì lời Phật dặn.
(3) Tuệ giác bát-nhã: Ngoài việc vào thất Như Lai, đắp y Như Lai, vị Pháp sư còn phải ngồi tòa Như Lai. Tòa ngồi của Như Lai là Tuệ giác bát-nhã thấy tất cả pháp không. Đây là nói, Pháp sư phải có trí tuệ vô chấp, mới có thể an tọa bất động giữa phong ba bão táp của cuộc đời. Nhờ tuệ giác bát-nhã này Bồ-tát mới không sợ hãi con đường Bồ-tát đạo dài xa và nhiều hiểm nạn. Thực ra, có tuệ giác bát-nhã thì mới giữ gìn được từ bi và nhẫn nhục lâu dài cho đến cứu cánh.
Lại nữa, nhờ tuệ giác bát nhã thấy cuộc đời như mộng huyễn, không có nhân ngã, thị phị, nên hành giả đối trước thành bại, được mất… đều coi như hoa trong gương, trăng đáy nước. Đây gọi là: “Tác thủy nguyệt đạo tràng, tố không hoa Phật sự”, hay “Lập đạo tràng như bóng trăng đáy nước, làm Phật sự tợ hoa đốm hư không”. Tuệ giác bát-nhã thường được ví với lưỡi gươm kim cang sắc bén chặt đứt mọi phiền não trói buộc. Cho nên tượng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi tượng trưng cho tuệ giác này luôn cầm một thanh gươm trong tay.
Như trình bày ở trên, bút giả đã lấy ý “vào thất Như Lai”, “đắp y Như Lai”, “ngồi tòa Như Lai” trong Kinh Pháp Hoa mà viết ra lời kệ tụng:
Một giáp cà-sa an nhẫn
Gươm tuệ vô úy sáng ngời.
Tóm lại, đoạn kệ này tán thán Đạo hạnh của chư vị Tổ Sư. Các Ngài không dùng hận thù, bạo lực… để đáp trả lại hận thù bạo lực, mà dùng tâm từ bi, sức mạnh nhẫn nhục và trí tuệ phương tiện để cảm hóa chúng sinh, vượt qua chướng nạn, hoàn thành sứ mệnh hoằng Pháp độ sinh.