top of page

Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư

II. Pháp Nghĩa Nội Dung Kệ Tụng

 

  • Thi Kệ 7:


Sư Tử đầu rơi bình thản
Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn
Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp
Đạo tâm thực chẳng nghĩ bàn.

 

Tổ Sư Tử, Bồ-đề Đạt-ma, Tuệ Khả


     Đoạn kệ trên đã nói tinh thần vô úy: “ngã bất ái thân mạng, đản tích Vô Thượng Đạo” của chư vị Tổ sư. Tiếp theo, đoạn kệ này kể ra những tấm gương “xả thân cầu Pháp”, hay “hy sinh hoằng Pháp” của vài vị Tổ sư tiêu biểu để minh họa. 


     Trước hết nói về Tổ Sư Tử ở Ấn Độ. Kệ tụng ghi:


Sư Tử đầu rơi bình thản.


     Sư Tử là Tôn giả Sư Tử (S. Aryasimha), Tổ thứ 24 của Thiền Tông ở Tây Thiên. Sau khi Tôn giả Sư Tử đắc Pháp với Tổ Hạc-lặc-na, Ngài đến nước Kế Tân truyền Đạo. Một hôm, trong nước Kế-Tân có hai người ngoại đạo giả làm tỳ-kheo, âm mưu ám sát vua. Âm mưu thất bại, họ bị quan quân bắt. Vua nước Kế Tân là Di-La-Quật tưởng Phật giáo làm việc này, nên rất phẫn nộ. Vua ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt Tăng Chúng. Vua trách: “Lâu nay ta sùng kính Phật giáo, quý trọng Tỳ-kheo mà họ lại manh tâm sát hại ta! Vậy đạo đức ở chỗ nào?”

Mục Lục 

  • Vài Cảm Nhận

  • Impression of the Books

  • Lời Tri Ân

  • Phần I: Kệ Tụng Việt - Anh

  • Phần II: Chú Thích & Giảng Giải

  • Phần III: Kết Luận

  • Lời Bạt

     Vì sự tức giận ấy, vua đích thân cầm gươm đến chỗ Ngài Sư-Tử hỏi: “Thầy được năm uẩn không chưa?” Đáp: “Đã được năm uẩn không.” Vua hỏi tiếp: “Đã lìa sinh tử chưa?” Đáp: “Đã lìa sinh tử.” Vua bảo: “Nếu đã lìa sinh tử, vậy có thể cho tôi cái đầu của thầy không?” Đáp: “Thân tôi chẳng phải có, tiếc chi là cái đầu?” 


     Vua liền vung gươm chém đầu Tôn giả. Máu phun cao mấy thước, màu sữa trắng. Cánh tay phải của Vua cũng lập tức rụng xuống! Bảy ngày sau vua mất. Sau đó, Thái tử Quang Thủ lên ngôi, lo mai táng vua cha và thỉnh Chúng Tăng cúng dường sám hối. Tăng Chúng lo xây tháp thờ Ngài. 


     Pháp sư Tăng Triệu khi gặp nạn vua Tần, trước lúc bị hành hình, cũng có bài kệ:


Tứ đại nguyên vô chủ
四大元無主
Ngũ uẩn bản lai không
五陰本來空
Tương đầu lâm bạch nhận
將頭臨白刃
Do tợ trảm đông phong. 
猶似斬春風


Dịch:


Bốn đại vốn vô chủ
Năm uẩn xưa nay không
Khi đầu gặp đao bén
Như chém vào gió đông! 


     Sau này, Thiền sư Trường Sa bình luận: “Triệu Pháp sư đến chết vẫn tỉnh”.   


     Có lẽ, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đọc hay nghe câu chuyện của Tổ Sư Tử, hay Pháp sư Tăng Triệu, nên đã viết ra những dòng thơ sau:


Dao chém lìa tay nhịp mõ rời
Còn nghe niệm Phật tiếng lên khơi.
Búa phang đứt cổ, đầu văng xuống
Đất bỗng thành chuông rung khắp nơi.
 
  (“Quả Chuông Vĩ Đại”- Vũ Hoàng Chương)
 

     Kế tiếp nói về Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Kệ tụng ghi:


Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn.

 

     Bồ-đề ở đây chỉ Ngài Bồ-đề Đạt-ma, Tổ thứ 28 ở Tây Thiên và là Sơ Tổ của Đông Độ. Tương truyền, khi sang Trung Quốc hoằng Pháp, có người vì ganh ghét đã hạ độc Ngài đến năm lần, nhưng Ngài vẫn an nhiên vượt qua tai nạn. Sau khi truyền tâm ấn, phó Pháp cho Ngài Tuệ Khả xong, Tổ từ giã bảo: “Ta có bộ Kinh Lăng-già bốn quyển cũng giao phó ông. Đây là cửa trọng yếu giúp chúng sinh khai, thị, ngộ, nhập tâm địa của Như Lai. Ta từ khi đến đây đã năm phen bị thuốc độc. Ta từng lấy thuốc độc đó ra thử để trên đá, đá liền vỡ nứt!”


     Lấy điển tích từ hai câu chuyện của Tổ Sư Tử và Tổ Bồ-đề Đạt-ma, Ngài Huyền Giác trong “Chứng Đạo Ca” nói: 


Túng ngộ phong đao thường thản thản
Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn.


     Dịch: 

 

Dù gặp gươm đao thường thanh thản
Như vương thuốc độc vẫn an nhàn.


Cho nên, dựa vào ý trên, kệ tụng ghi:


Sư Tử đầu rơi bình thản, 
Bồ-đề độc vướng vẫn nhàn.


     Tiếp theo là gương cầu Pháp của Tổ Tuệ Khả. Kệ tụng ghi:


Tuyết lạnh chặt tay cầu Pháp
Đạo tâm thật chẳng nghĩ bàn!

 

     Đây là chỉ câu chuyện chặt tay cầu Pháp của Ngài Thần Quang. Tương truyền, ban đầu Thần Quang đến cầu Pháp với Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Để thử lòng Ngài, Tổ tọa thiền diện bích trong động không nói. Thần Quang đứng bên ngoài suốt đêm. Đó là vào mùa Đông, ngày mùng chín tháng chạp, có tuyết lớn xuống, ngập đến ngang gối Ngài. Cuối cùng Tổ hỏi: “Ông đứng lâu trong tuyết để cầu gì?” Thần Quang rơi lệ đáp: “Con đến cầu Pháp.” Tổ bảo: “Diệu 
lý chí cao vô thượng của chư Phật rộng lớn tinh thâm, chính phải trải qua tu hành khổ hạnh lâu xa, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn, mới có thể khế đạt diệu Đạo vô thượng của chư Phật. Há có thể dùng tiểu đức tiểu trí và tâm khinh thường tản mạn mà có thể liễu đạt giáo pháp thậm thâm ư?” Nghe vậy, Thần Quang liền chặt đứt cánh tay để tỏ lòng tha thiết. Sau đó, Tổ mới hứa khả.


     Qua ba câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy được phần nào phong phạm cao tột và đạo tâm kiên cố của người xưa. Đạo tâm và đạo hạnh của chư Tổ như vậy thực sự đã vượt ngoài khả năng và suy nghĩ của phàm phu chúng ta! Cho nên bảo: “Đạo tâm thật chẳng nghĩ bàn!”

 

  • Thi Kệ 8: 
     

Tây Trúc giấu truyền kinh quý
Rọc da xẻ thịt mang đi
Chịu bao đớn đau, khổ nhục
Miễn đời biết Đạo, sá gì.


Tây Trúc, Ngài Bát-thích-mật đế, Thủ Lăng Nghiêm



     Tây Trúc tức Thiên Trúc, là tên gọi xưa của Ấn Độ. Sách Đại Đường Tây Vực Ký nói: “Tên nước Thiên Trúc 天 竺  có nhiều thuyết khác nhau. Trước đây gọi Thân Độc 身毒, hoặc nói là Hiền Đậu 賢豆. Nay theo âm đúng, nên gọi là Ấn Độ 印度”. Lại nữa, vì Thiên Trúc hay Ấn Độ ở phía tây của Trung Quốc, cho nên cũng được gọi là Tây Trúc hay Tây Thiên. Kệ tụng ghi:


Tây Trúc giấu truyền kinh quý
Rọc da xẻ thịt mang đi.


     Đây là câu chuyện xẻ thịt giấu Kinh Thủ Lăng Nghiêm để mang đến Trung Quốc của Ngài Bát-thích-mật-đế (C. 般剌蜜帝 S. Pramiti). Tương truyền, Ngài Bát-thích-mật đế đã nhiều lần định đem Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến Trung Quốc để phiên dịch và truyền bá nhưng đều không được. Đây là vì, đương thời kinh này được vua xem là quốc bảo nên cấm không được mang ra nước ngoài. Sau nhiều lần mang kinh thất bại, Tổ mới xẻ thịt nơi đùi mình, viết kinh vào lụa mỏng rồi cuộn lại nhét sâu vào vết thương. Ngài cất giấu kinh thành công vượt đường sang Trung Quốc, lại một lần nữa mổ đùi mình lấy kinh ra, rồi dùng nước thuốc đặc biệt rửa sạch. Sau đó, Ngài Thích Hoài Địch phiên dịch và Phòng Dung bút thọ, thành bản Kinh Thủ Lăng Nghiêm chữ Hán hiện nay. 


     Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy người xưa nhẫn nhục, chịu đựng biết bao khó khổ, đớn đau, thậm chí hy sinh mạng sống của mình để truyền bá Chánh Pháp! Cho nên kệ tụng ghi:


Chịu bao đớn đau khổ nhục
Miễn đời biết đạo sá gì?

 

 

  • Thi Kệ 9:
     

Đông Độ Cao Tăng cầu Pháp
Xương phơi sa mạc Gobi
Ngàn đi, bao người trở lại?
Huyền Trang… vài vị sử ghi! 


Đông Độ, Gobi, Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh


     Trên đã dẫn câu chuyện truyền Pháp của chư Tổ Tây Thiên, giờ nói đến việc Tây du cầu Pháp của các Tổ Đông Độ. Vì Trung Quốc nằm ở phía Đông của Ấn Độ, cho nên người xưa gọi là Đông Độ (quốc độ phía Đông). Sách Phật Tổ Thống Kỷ nói: “Tây Thiên cầu Pháp, Đông Độ dịch kinh”. 


     Trong lịch sử, không biết có bao nhiêu vị Cao Tăng vì cầu Pháp đã bỏ thân nơi sa mạc Gobi dài hơn tám trăm dặm, nối liền miền tây bắc Trung Quốc với các nước Tây vực thời đó. Sa mạc Gobi theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là “sa mạc cây cỏ khó mọc”, kéo dài từ Đông sang Tây hơn hai ngàn cây số và rộng hơn một ngàn cây số. Phía Đông của sa mạc giáp với núi Đại Hưng An, và phía Tây giáp với dãy núi Pamir, xưa gọi là Thông Lĩnh. Sa mạc Gobi có thể chia thành hai phần. Một phần từ Hami hay Kumul, một thành phố phía Đông tỉnh Tân Cương, đổ về Tây. Đây là bộ phận chính của sa mạc Gobi. Một phần khác từ Hami kéo dài về phía Đông là sa mạc Takla Makan.  


     Sa mạc này khắp nơi là cát đá, lại có chứa nhiều chất muối. Mỗi năm vào lúc giao thời giữa mùa xuân và hạ, thường có bão cát nổi lên, khiến đồi cát mỗi đêm bị dời đổi nhiều lần, cho nên còn có tên là Lưu Sa (cát chảy) hay Lưu Sa Hà (sông cát chảy). Sa mạc này địa lý rất khắc nghiệt Ngài Pháp Hiển đã mô tả địa lý và khí hậu khắc nghiệt của sa mạc này như sau: “Trong sa mạc Lưu Sa (tên cổ của sa mạc Gobi) có nhiều luồng gió nóng ác quỷ. Ai gặp phải đều chết, không có ngoại lệ. Trên không có chim bay, dưới không có thú chạy. Đưa mắt nhìn xa đến hút tầm mắt muốn tìm chỗ [làm định hướng] để vượt qua nhưng không có. Chỉ có thể lấy xương khô của người chết làm giấu chỉ hướng đi.”


     Dựa và những sự thật lịch sử trên, kệ tụng ghi:


Đông Độ Cao Tăng cầu Pháp
Xương phơi sa mạc Gobi?


     Theo lịch sử, việc Tây du thỉnh kinh bắt đầu từ đời Tào Ngụy. Năm 260, năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Nguyên đời Ngụy, Chu Sĩ Hành (朱士行) từ Ung Châu đến Vu Điền cầu Kinh Bát-nhã. Đời Tây Tấn, Ngài Trúc Pháp Hộ theo thầy đến Tây Vực thỉnh được bản Kinh Bát-nhã ghi lại bằng chữ viết của người Hồ rồi trở về nước. Vào đời Đông Tấn, Ngài Pháp Hiển (340-423?) rời Trường An năm 399, đi qua sa mạc Gobi, vượt dãy núi Thông Lĩnh đến Thiên Trúc cầu Pháp khi tuổi đã gần sáu mươi! Ngài đã tham học các nơi mười mấy năm, đi qua hơn ba mươi nước, và đem được nhiều pho kinh chữ Phạn trở về. Sau đó, Ngài hợp tác cùng với Ngài Phật-đà Bạt-đà-la dịch Ma-ha Tăng-kỳ Luật, Đại-bát Nê-hoàn Kinh, Tạp Tạng Kinh, Tạp A-tỳ-đàm Tâm Luận.... 


     Ngoài các Ngài Chu Sĩ Hành, Pháp Hộ,  Pháp Hiển đã nhắc ở trên, trong lịch sử còn có rất nhiều vị Cao Tăng từ Đông Độ sang Tây Trúc cầu Pháp. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là hai Ngài Huyền Tráng (602-664) và Nghĩa Tịnh (635-713) đời Đường. 

 

     Ngài Huyến Tráng rời Trường An vào năm 629, một mình vượt qua quan ải Ngọc Môn, đi ngang Sa mạc Gobi, còn được gọi là Sa Hà, trải qua các vùng Cao Xương v.v... đến biên giới phía Bắc Thiên Trúc. Theo địa lý ngày nay, Ngài đi con đường phía Bắc Tân Cương, ngang qua phía Tây Turkestan, Afganistan rồi vào Ấn Độ. Ngài Huyền Tráng tham học ở Ấn Độ mười bảy năm, hành trình khoảng năm mươi ngàn dặm, đem về nước rất nhiều kinh điển, dịch ra được bảy mươi lăm bộ, gồm một ngàn ba trăm ba mươi lăm (1335) quyển  như Kinh Đại Bát-nhã 600 quyển, Luận Du-già Sư Địa 100 quyển, Luận Đại Tỳ-bà-sa 200 quyển v.v.... 


     Để phần nào thấy được sự khó khổ và chí nguyện kiên cường trong việc cầu Pháp của người xưa, bút giả xin trích dẫn một đoạn trong sách Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện: “Lúc đó, (Huyền Tráng) đi được hơn một trăm dặm thì bị lạc đường, không tìm thấy Dã Mã Tuyền (địa danh nơi có nước cho ngựa uống), nên tháo túi nước xuống định uống. Vì túi nước nặng nên trật tay làm đổ ra ngoài! Đi xa ngàn dặm nhờ vào túi nước này mà bỗng chợt đổ hết! Lại thêm lạc đường, nên do dự không biết tính sao, nên định quay về Đông Độ. 


     Trên đường đi trở lại ngọn núi thứ tư được mười mấy dặm, Huyền Tráng tự nghĩ: ‘Ta trước đây phát nguyện, nếu không đến Thiên Trúc quyết không quay về phương Đông dù chỉ một bước. Nay vì cớ gì trở lại? Thà đi đến Tây Trúc một bước mà chết, quyết không trở về Đông Độ một bước mà sống!’ Do đó, Ngài quay cương ngựa lại, chuyên niệm Quán Âm, tiến về phía Tây Bắc.” 


     Và đời Minh, Ngô Thừa Ân đã tiểu thuyết hóa câu chuyện lịch sử thỉnh kinh cầu Pháp của Ngài Huyền Tráng đời Đường thành tác phẩm tiểu thuyết Tây Du Ký.  Trong đó, tác giả đã diễn tả sự khó khổ, nguy hiểm của Đường Huyền Tráng qua 81 nạn. 


     Trong khi Ngài Pháp Hiển và Huyền Tráng chọn con đường bộ, từ Trường An vượt qua sa mạc Gobi để đến Tây Trúc, Ngài Nghĩa Tịnh lại chọn con đường biển sang Ấn Độ. Năm 671, Ngài Nghĩa Tịnh từ Quảng Đông đi xuống vùng biển phía Nam, ghé lại Sri Vijaya (室利佛逝 Thất-lợi Phật-thệ), một vương quốc Phật giáo ở Đông Nam Á nằm ở bán đảo Indonesia, tồn tại từ thế kỷ thứ 7  đến thế kỷ thứ14. Ngài đã ở lại nơi đây sáu tháng để học Phạn ngữ, rồi sau đó lên thuyền đi tiếp đến Ấn Độ. Ngoài việc đi chiêm bái các Thánh tích Phật giáo, Ngài Nghĩa Tịnh đã bỏ mười năm cầu học ở chùa Nalanda Ấn Độ. Sau đó, Ngài lại đến Sumantra tham học bảy năm. 


     Sau khi về nước, Ngài Nghĩa Tịnh chuyên tâm dịch kinh và giảng luật, để lại cho đời nhiều tác phẩm và dịch phẩm giá trị. Ví dụ, quyển Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện và Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của Ngài giúp người sau hiểu được địa lý, phong tục, văn hóa, tôn giáo... của nhiều nước vùng biển Đông Nam Á và Ấn Độ đương thời. Theo ghi nhận, từ năm 699 đến năm 711, trong khoảng mười hai năm Ngài đã dịch được năm mươi sáu bộ kinh luật, nhiều nhất là luật học, gồm hai trăm hai mươi quyển. Nhờ sự cống hiến này, Ngài Nghĩa Tịnh cùng với các Ngài Cưu-ma-la-thập, Chân Đế, Huyền Tráng được người sau xưng là “Tứ Đại Dịch Kinh Gia”, tức bốn nhà đại dịch kinh.


     Như trên đã thấy, công đức Tây du cầu pháp và truyền dịch kinh điển của các Ngài Pháp Hiển (340-418), Huyền Tráng (602-664), Nghĩa Tịnh (635-713) v.v… thực không thể nghĩ bàn.  Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít vị Tây du thành công, được sử sách ghi công và nhiều người biết đến. Nhưng còn có biết bao nhiêu vị Cao Tăng vô danh khác, một đi không trở lại, đã gởi lại nắm xương tàn nơi sa mạc hoang vu, hay ở xứ lạ quê người? Vì vậy, kệ tụng ghi:


Ngàn đi bao người trở lại?
Huyền Trang… vài vị sử ghi!


     Cuối cùng, bút giả xin mượn bài thơ “Thủ Kinh”, hay “Đi Thỉnh Kinh” nổi tiếng của Pháp sư Nghĩa Tịnh để tóm tắt sự khó khổ Tây du cầu Pháp của người xưa:


Tấn Tống Tề Lương Đường đại gian
晉宋齊梁唐代間 
Cao Tăng cầu Pháp ly Trường An
高僧求法離長安 
Khứ nhân thành bách quy vô thập
去人成百歸無十 
Hậu giả an tri tiền giả nan
後者安知前者難 
Lộ viễn bích thiên duy lãnh kết
路遠碧天唯冷結 

Sa hà giá nhật lực bì đan
砂河遮日力疲殫 
Hậu hiền nhữ vị am thử chỉ
後賢如未諳斯旨 
Vãng vãng tương kinh dung dị khan.
往往將經容易看.


Nghĩa:


Tấn Tống Tề Lương đến thạnh Đường
Cao Tăng cầu Pháp bỏ quê hương
Đi trăm về chỉ vài ba vị
Sa mạc dặm trường gởi nắm xương!
Đường xa trời thẳm... thêm băng giá
Sông cát mịt mù... cạn sức đương
Người sau có biết người xưa khổ
Xem kinh sao lại quá tầm thường!

(Sakya Minh-Quang dịch)
 

bottom of page