top of page

Thánh Đức và Pháp Môn của Bồ-tát Địa Tạng 

-Người giảng: Đạo Sư Ấn Thuận, giảng tại giảng Đường Tuệ Nhật vào tiết trung                 nguyên (rằm tháng 07) năm 1963

-Người dịch: Sa-môn Sakya Minh-Quang, dịch tại Tu Viện Thiện Tường mùa

              an cư năm 2020

Phần 3

cc44b-divider.png

5b. Tôn kính tỳ-kheo không được trách mắng hay nói xấu

1. Không tùy tiện dùng pháp luật thế tục để xử phạt người xuất gia phá giới

   Tín chúng tại gia đối với người xuất gia nên tôn kính, không được la mắng hay nói xấu. Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 3 nói: “Nếu có các hữu tình nào xuất gia trong giáo pháp của ta, cho đến cạo bỏ râu tóc, đắp y ca-sa, dù là trì giới hay phá giới, cho đến vô giới (không có thọ giới), thì tất cả trời, người, a-tu-la v.v… y theo đúng pháp luật thế tục còn không thích hợp đánh đập…, cho đến giết chết, huống chi là làm việc đó trái pháp.” Nói người xuất gia là chỉ người rời bỏ gia đình thế tục, xuống tóc đắp y ở trong Phật Pháp. Nhưng xuất gia cũng có nhiều loại. Có người trì giới, có người phá giới, cũng có người vô giới. Sao gọi là vô giới? Đó là đã hiện tướng xuất gia nhưng ở nơi Phật Pháp suy vi nên không có thọ giới, họ chỉ tùy tiện đắp y ca-sa, nhìn bên ngoài cũng là người xuất gia.

tang-8.jpg

   Theo luật pháp của một quốc gia, ai phạm tội nào thì xử họ tội đó. Nhưng phàm người xuất gia dù là trì giới, phá giới hay vô giới, nếu vi vi phạm pháp luật cũng không nên đánh đập, giam cầm hay đoạn mạng họ. Y theo pháp luật chánh đáng của quốc gia còn như vậy, huống chi là hình ngục oan uổng, trái với pháp luật? Nói khác đi, không luận thế nào, chỉ cần là hiện tướng xuất gia, trú trong Tăng đoàn, thì không thể dùng pháp luật của thế tục hay hình pháp phi pháp để bách hại. Phật Pháp tự có luật để xử lý, sau đó mới chịu pháp luật quốc gia chế tài. Vì tôn kính Tam Bảo, không nên tùy tiện dùng pháp luật thế tục để trách phạt, xử lý người tu.

2. Tỳ-kheo phá giới không phải là phá hoại tất cả thiện đức của giới, thế lực sót lại của giới đức vẫn còn

   Đối với tỳ-kheo trì giới thanh tịnh đương nhiên là không được phi pháp hình phạt theo thế tục. Nhưng còn với những người phá giới hay vô giới, vì sao cũng không thể dùng pháp luật hay phương thức phi pháp của thế tục để xử lý? Điều này có ý nghĩa sâu xa. Ví dụ như Kinh Thập Luân quyển ba nói: “Bí-sô (tỳ-kheo) ác hạnh phá giới, tuy là thây chết ở trong Pháp và Luật của ta, nhưng vẫn có thế lực còn sót lại của giới đức xuất gia.” Lại nói, “Người xuất gia tuy phá giới hạnh nhưng chúng hữu tình thấy hình tướng họ nên sinh ra mười loại tư duy thù thắng, sẽ được vô lượng công đức bảo tụ. Mười tư duy thù thắng là (1) niệm Phật, (2) niệm Pháp, (3) niệm Tăng, (4) niệm giới, (5) niệm thí, (6) niệm nhẫn, (7) niệm xuất gia, (8) niệm viễn ly, (9) niệm trí tuệ, (10) niệm căn lành xuất ly đã vun trồng từ đời trước.”

   Ý kinh nói, tỳ-kheo phá giới giống như thây chết (không thể hiện đời tu hành chứng quả), biển cả Phật Pháp không còn dung nạp người đó, cho nên cần phải trục xuất khỏi Tăng đoàn. Nhưng tỳ-kheo ác hạnh phạm giới, quá khứ từng xuất gia thọ giới trong Tăng đoàn, tuy phá giới nhưng vẫn có uy lực còn sót lại giới đức. Nói khác đi, tỳ-kheo phá giới không phải là phá hoại tất cả thiện đức của giới, vẫn còn một ít công đức, có thể khiến người thấy sinh ra mười loại tư duy thù thắng, tăng trưởng phước đức.

   Nói đến đây, mọi người có thể thử xét lại mình xem. Hiện tại tuy chúng ta đã học Phật, có người còn học Phật ở trình độ tương đối cao, đã thọ năm giới hay Bồ-tát giới, nhưng ban đầu tin Phật như thế nào? Đương nhiên, có một số vị gặp được Pháp sư Đại đức mà sinh khởi tín tâm, quy y Phật Pháp; có một số vị lại tuổi nhỏ ở quê, thấy người xuất gia bình thường dần dần kết duyên lành với Phật Pháp rồi học Phật; hoặc có người gặp người xuất gia chẳng ra gì, như kẻ phá giới hay vô giới, có lẽ lúc mới gặp ấn tượng không tốt lắm, nhưng vẫn khiến bạn sinh khởi quan niệm tốt đẹp, biết rằng có Phật, có Pháp, có Tăng mà gieo xuống hạt giống học Phật trong hiện tại. Cho nên, tượng Phật trong ngôi chùa đổ nát, kinh Phật trong đống sách cũ, hay người xuất gia phá giới đều có thể giúp chúng sinh sinh khởi tín tâm đối với Tam Bảo!

   Như vậy, tỳ-kheo phá giới, vô giới có thể khiến người sinh khởi công đức, tăng tưởng tư duy thù thắng, như niệm công đức Tam Bảo bất khả tư nghì, niệm công đức của trì giới, bố thí, nhẫn nhục, sinh khởi niệm xuất gia, xa lìa phiền não, muốn tìm cầu trí tuệ, căn lành của mình trong đời quá khứ. Cho nên, từ lập trường của người xuất gia nói, tỳ-kheo ác hạnh phá giới nên bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, nhưng từ phương diện tín chúng nói, họ vẫn có thể khiến người tăng trưởng công đức, có thể làm phước điền cho chúng sinh.

 

   Nói tóm lại, người có thể trì giới đương nhiên là lý tưởng, nên kính ngưỡng; còn người phá giới dù mình biết, người cư sĩ tại gia cũng không nên phi pháp nhục mạ, hoặc giam cầm, vì việc nhục mạ hay giam cầm này ảnh hưởng đến Tăng đoàn, nên tạo ra trọng tội. Bồ-tát Địa Tạng đến đời ác năm trược, hiện tướng xuất gia, biểu hiện đầy đủ tinh thần từ bi độ sanh của Bồ-tát, khiến mọi người biết cạo bỏ râu tóc, thân mặc cà-sa, ở trong Tăng đoàn xuất gia dù tốt dù xấu vẫn là người xuất gia. Trước khi người phá giới, vô giới chưa bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, mất đi thân phận xuất gia, thì người cư sĩ có thể không khen ngợi, không cúng dường và hộ trì, nhưng không nên trước mặt hay sau lưng dùng thủ đoạn đối phó, nhục mạ. Bằng không, những việc làm đó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến Phật giáo, vô hình chung tạo thành trọng tội phá hoại Tam Bảo.

3. Tôn kính Tam Bảo, tin sâu nhân quả mới có thể không đọa địa ngục

   Bồ-tát Địa Tạng cứu độ chúng sinh đọa nơi địa ngục, càng chú trọng hơn việc làm thế nào để chúng sinh không đọa địa ngục. Muốn không đọa địa ngục, tóm tắt chỉ có tám chữ: “Tôn kính Tam Bảo, tin sâu nhân quả.” Đây là điều mà người đệ tử Phật xuất gia, tại gia đã nghe quen rồi. Bồ-tát Địa Tạng hiện tướng xuất gia đến cõi dơ uế cứu độ chúng sinh cũng chẳng qua vì điều này. Điều quan trọng nhất trong đó là làm cách nào tôn kính Pháp, tôn kính Tăng mới có thể hộ trì Phật Pháp, mới có thể hộ Phật Pháp cứu độ chúng sinh trong thế gian, khiến chúng sinh được lợi ích trong Phật Pháp.

   Đức Phật Thích-ca đến thế giới này thành Phật, hiện tướng xuất gia, xả ly gia tộc, tài sản, tu hành thành Phật. Chúng đệ tử theo đức Phật xuất gia trở thành Tăng đoàn xuất gia Phật giáo. Tăng là một trong Tam Bảo, có vai trò vô cùng quan trọng trong Phật Pháp. Đức Phật Thích-ca dùng Tăng bảo để cứu độ chúng sinh, cho nên tổ chức chúng xuất gia, trở thành đoàn thể thanh tịnh tự lợi, lợi tha. Nếu nội bộ Tăng đoàn hỗn loạn mà cư sĩ tại gia lại không rõ tình hình nội bộ mà có những thủ đoạn không chánh đáng, kết quả làm tăng thêm sự khó khăn của Tăng đoàn, sự bất hòa sẽ làm suy giảm sức mạnh cứu độ chúng sinh của Tăng đoàn.

   Pháp môn mà Kinh Địa Tạng khai thị, không luận là mười một trọng tội đọa địa ngục, hay là mười ác luân đọa địa ngục, đều chú trọng trọng tội phỉ báng Chánh Pháp, bức hại người xuất gia, phỉ báng người tu hành, xâm tổn tài sản của chúng tăng. Nhân vì đây là Pháp và Tăng trong Tăng đoàn Phật giáo, nếu làm việc phá hoại, Phật giáo liền mất đi tướng thanh tịnh trong thế gian, vậy làm sao có thể phát huy đại dụng cứu độ chúng sinh? Ví như yêu nước, không thể đối với đất nước bất trung, càng không thể đến nước ngoài kể lễ đất nước mình không tốt. Đây chỉ là làm loạn, làm tăng thêm khó khăn cho quốc gia. Phật giáo cũng như vậy. Người chân chính Phật giáo nếu phá hoại Phật Pháp và Tăng đoàn, khiến Phật Pháp suy đồi, cũng là tội ác cực lớn. Điều này không phải chỉ có Kinh Địa Tạng nói, mà tất cả kinh điển Đại Thừa đều nói.

   Bồ-tát Địa Tạng biết đời ác ngũ trược, nơi thời mạt pháp, người xuất gia không như lý tưởng; còn người tại gia không biết tu phước tu tuệ, ngược lại còn đối với Tam Bảo làm ra những việc trái pháp trái luật. Như vậy, không cần ngoại đạo phá hoại tự mình cũng đã suy bại đi xuống. Bồ-tát Địa Tạng vì vậy mà hiện tướng xuất gia, tỏ bày pháp môn này trong Pháp hội của đức Phật Thích-ca, khiến chúng sinh biết rõ điều gì khiến mình dễ đọa lạc nhất, để cho đệ tử xuất gia và tại gia đặc biệt chú ý và ái hộ Tam Bảo. Điều này không những tự mình sẽ không đọa địa ngục, mà còn có thể sùng hưng Phật Pháp suy đồi, khiến người không thanh tịnh có thể lần lần trở nên thanh tịnh, và Phật Pháp một ngày một phát dương quang đại!

5c. Tăng vô tàm quý có thể gần gũi không?

1. Á Dương Tăng

   Chúng Tăng xuất gia được đức Phật chia làm vài loại khác nhau. Lý tưởng nhất là thánh chúng xuất gia, tức là những vị tăng tu có chứng. Kế đó là những vị tăng tuy chưa chứng thánh quả, nhưng lại có thể trì giới thanh tịnh, lý giải Phật Pháp chính xác, có chánh kiến Phật Pháp. Ngoài ra, còn có hai loại xuất gia không lý tưởng. Đó là “á dương tăng” và “vô tàm quý tăng”.

   Trước hết nói về "á dương tăng", hay là tăng như dê câm. Người đệ tử Phật xuất gia phải học giới luật, chẳng những phải hiểu về giới như không sát sinh, không trộm cắp v.v…,. mà còn phải biết về luật, tức những quy chế trong đoàn thể xuất gia. Ví dụ như, người xuất gia cần biết phải đủ tư cách gì mới có thể làm thầy người? Phải đủ tư cách gì mới có thể truyền giới cho người? Làm cách nào thọ giới? Thọ giới có trình tự như thế nào? Làm thế nào mới có thể xây dựng và trụ trì tự viện?... Những vấn đề này, đức Phật đều có quy chế căn bản và rõ ràng. Trong Tăng đoàn, từ việc của cá nhân như xuất gia, thọ giới, khất thực mỗi ngày, ăn cơm, mặc áo, đi ngủ v.v..., cho đến việc chung của Tăng đoàn như thỉnh chức sự, giải quyết tranh chấp v.v… đều có một quy chế nhất định. Những quy chế trong tập thể Tăng đoàn, nói theo ngôn ngữ hiện nay, đó là chế độ dân chủ. Ví dụ, việc cử hành pháp yết-ma chính là hội nghị. Hội nghị đó cần phải được mọi người thông qua nghị quyết, mới có thể quyết định việc làm nào đó trong Tăng đoàn có hợp pháp hay không. Đối với những việc này, người xuất gia nên biết, nên học. Nếu điều gì cũng không biết thì gọi là á dương tăng, hay tăng như con dê câm!

2. Vô Tàm Quý Tăng

   Kế nữa nói về "vô tàm quý tăng", hay là tăng không có tàm quý (hổ thẹn). Đây là chỉ tỳ-kheo phá giới. Giới luật có khinh có trọng. Nói phá giới ở đây là chỉ cho phá những giới trọng. Những vị tăng vô tàm quý này người cư sĩ tại gia có nên gần gũi không? Điều này chia làm hai: Có hạng tăng vô tàm quý có thể thân cận và có hạng tăng vô tàm quý không nên thân cận.

I. Hạng vô tàm quý tăng có thể thân cận

   Có hạng tăng vô tàm quý nhưng có thể thân cận. Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 5 nói: “Tăng không có tàm quý, không thành bậc Pháp khí, nhưng nếu vị đó tôn xưng Ta (đức Phật) làm thầy, đối với hình tượng và xá lợi của Ta sinh lòng kính tin sâu sắc, đối với Giáo Pháp và Chúng Tăng của Ta, cũng như đối với giới mà bậc thánh ái hộ cũng sinh lòng kính tin sâu sắc,…. [người đó] dù chuyển luân thánh vương cũng không sánh được, huống chi là các tạp loại khác.” Hạng tăng không có tàm quý này không phải mỗi ngày đều phá giới, mà do nhất thời phiền não xung động, hoàn cảnh dụ hoặc mà phá giới. Họ vi phạm giới trọng nên gọi là phá giới, như chiếc ly đã có vết nứt. Người phá giới như vậy không thành bậc Pháp khí, cho dù tu hành như thế nào, tham thiền niệm Phật cũng không thể hiện đời chứng Thánh quả giải thoát.

   Nhưng hạng vô tàm quý tăng này khác với những người phá giới khác, chúng sinh vẫn có thể thân cận. Đây là vì họ tuy bị phiền não xung động trong nhất thời mà phá giới, nhưng đối với Tam Bảo vẫn tràn đầy tín tâm, đối với hình tượng Phật, tháp thờ xá-lợi Phật đều phi thường tôn trọng tín ngưỡng. Họ đối trước tượng Phật dốc lòng thanh tịnh trang nghiêm, cung kính lễ bái cúng dường. Người đó tuy tự mình phá giới nhưng lại xưng tán Tăng bảo, đối với thánh giới thanh tịnh cũng tán thán, kính tin. Tăng vô tàm quý như thế này tuy tự mình không thể thành bậc Pháp khí, không thể hiện đời tu chứng, nhưng tự thân vẫn có thể tăng trưởng phước tuệ. Đối với Phật giáo, người như vậy vẫn có thể giúp cho chúng sinh gieo trồng công đức, sinh khởi tín tâm, được lợi ích trong Phật Pháp. Do họ có đầy đủ lòng tin đối với Phật, Pháp, Tăng và giới, cho nên dù ngoại đạo có công đức lớn bao nhiêu, ngay cả chuyển luân thánh vương cũng không sánh được với hạng người này!

   Chuyển luân thánh vương là vị vua nhân đức của thế gian, dùng pháp môn đạo đức thập thiện để giáo hóa quần chúng nhân dân. Thế gian có thánh vương thì nhân dân sẽ được an lạc, nhưng không thể dẫn dắt người hướng đến xuất thế giải thoát. Còn tỳ-kheo phá giới thì có thể khiến người khởi chánh kiến xuất thế gian siêu việt. Cho nên, ước về phương diện tu chứng mà nói, tuy tỳ-kheo phá giới không thành Pháp khí, nhưng ước về công đức hộ trì Tam Bảo, thì có thể khiến người được lợi ích trong Phật Pháp. Hạng tăng vô tàm quý này thì có thể thân cận, là người không phải dễ có được trong đời mạt Pháp!

II. Hạng tăng vô tàm quý không nên thân cận

   Trong vô tàm quý tăng, cũng có người không nên thân cận. Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 5 nói: “Có hạng tăng vô tàm quý, họ hủy phá giới cấm, không thành bậc Pháp khí hiền thánh trong ba thừa, cố chấp tà kiến, bài báng những thừa khác, là hạng người không nên thân cận. Nếu gần gũi hạng như vậy sẽ đọa lạc.” Hạng tăng không có tàm quý này không những đã phá giới khiến đời này không thể chứng thánh quả, không thể được giải thoát, mà lại còn bày ra một đống đạo lý, tự mình đã tà kiến mà lại còn phỉ báng người chánh kiến. Họ tự mình đã không tu hành lại còn phỉ báng người tu hành. Họ khởi đại tà kiến, bài bác, cho rằng không nhân quả, không thiện ác. Những người như vậy là tên giặc núp trong Tăng đoàn.

   Ngoài ra còn có một hạng hiểu biết sai lầm, nếu họ tu tiểu thừa lại phỉ báng Đại Thừa, cho là không phải Phật nói; còn nếu họ tu Đại Thừa lại bài xích tiểu thừa, cho là không đáng để học. Lại nữa, có hạng tăng chỉ tu một Pháp môn trong sáu độ rồi phỉ báng những Pháp môn trong sáu ba-la-mật khác. Hạng tăng vô tàm quý này, không những không thành Pháp khí, mà còn phá hoại Phật Pháp! Cho nên, chúng ta không nên gần gũi những người đó. Gần gũi những người đó sẽ bị họ ảnh hưởng, huân nhiễm, rồi cũng sinh ra tà kiến, phỉ báng các thừa khác, các độ khác mà phải bị đọa vào địa ngục!

5d. Không nên thân cận kẻ ngụy Đại thừa

1. Thiên chấp Đại thừa bài báng Tiểu thừa có ba lỗi

   Có một số người học Đại thừa thường công khai tuyên dương mình là Đại thừa. Họ nói mình thuộc Đại thừa, chỉ được nghe Đại thừa, chỉ được học Đại thừa; còn Thanh văn, Độc giác thừa là pháp Tiểu thừa không nên tu học. Nói khác đi, đây là chấp Đại báng Tiểu. Theo tưởng tượng của mọi người nói chung, Đại thừa tối hơn Tiểu thừa, cho nên học Đại thừa không học Tiểu thừa, chuyên hoằng Đại thừa mà không hoằng Tiểu thừa. Như vậy có sai lầm không? Đây là sai lầm cực lớn!

   Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 6 nói: “Xướng lên lời như sau: Ta là Đại thừa, thuộc nhóm Đại thừa, chỉ thích nghe học và thọ trì Đại thừa, không thích Pháp của Thanh văn thừa và Độc giác thừa.” Kinh lại nói: “Người nói và người nghe như vậy đều rước lấy tội lớn, vướng mắc bờ đoạn diệt, rơi vào điên đảo tưởng, chấp luận thuyết vô nhân. Tất cả những sai lầm như vậy đều do chưa học Pháp Thanh văn thừa, Pháp Độc Giác Thừa, mà lại trước cầu nghe học Chánh Pháp Đại thừa thậm thâm vi diệu.”

   Nếu có người thiên kiến, chấp Đại thừa, bài báng Tiểu thừa như vậy, đức Phật nói với đại chúng đó là phạm trọng tội. Nghe hạng người này thuyết Pháp cũng sẽ phạm trọng tội. Đây chủ yếu có ba điều lỗi: 1. Khởi tà kiến đoạn diệt, 2. Khởi vọng tưởng điên đảo, 3. Chấp luận thuyết vô nhân. Cho nên, Đại sư Thái Hư phán nhiếp tất cả Phật Pháp, trước kiến lập “ngũ thừa cộng Pháp”, “tam thừa cộng Pháp”, rồi mới nói “Đại thừa bất cộng Pháp.” Nếu không có ngũ thừa, tam thừa cộng pháp, thì Đại thừa bất cộng Pháp sẽ không có nền tảng.

   Cho nên Phật giáo Tây Tạng, từ Đại sư Tông-khách-ba bắt đầu, đã dùng “cọng hạ sĩ đạo”, “cọng trung sĩ đạo”, và “thượng sĩ đạo” để tổng nhiếp tất cả Phật Pháp. Nhờ vậy, Phật Pháp có thế một mực phát dương quang đại, truyền đến vùng Thanh Hải, Mông Cổ và những vùng ở Đông Bắc Trung Quốc. Điều này đều tương hợp với Pháp môn Địa Tạng. Nếu không học Tiểu thừa mà tu học Đại thừa, tự tu như vậy và dạy người khác cùng tu như vậy, thì sẽ đưa mình và Phật giáo đi vào đường rẽ, lệch lạc phương hướng. Ví như Kinh Đại thừa nói “không”, mình liền cho rằng tất cả đều không có! Thiền tông của Phật giáo Đại thừa nói: “không phải thiện, không phải ác”, nếu mình cho rằng không có thiện ác là rất sai lầm!

   Trong Pháp Tiểu thừa chỉ rõ thiện ác nhân quả, sinh tử luân hồi, khổ não như thế nào? Vấn đề nằm ở đâu? Sau đó dạy thứ lớp tu như thế nào, chứng quả ra sao mới có thể được giải thoát, cứu cánh thanh tịnh. Sự thiết thực nhận rõ mình như vậy, nhận rõ những vấn đề căn bản này mới có thể sâu thêm một tầng thể hội nghĩa “không” của Đại thừa. Bằng không thì sẽ sa vào ba loại lỗi lầm đã nói ở trên!

1. Đọa vào tà kiến đoạn diệt, tức rơi vào chấp không:

   Nghe nói tất cả đều “không” liền cho rằng không có nhân quả, duyên khởi. Do đó xem nhân quả duyên khởi, thiện ác báo ứng, sinh tử luân hồi đều không có. Nếu khởi lên “không kiến”, tức tà kiến đoạn diệt như vậy, cho dù nói tâm, nói tánh, nói ngộ…, đều không phải là Pháp Đại thừa chân chánh.

2. Vọng tưởng điên đảo:

   Nghe nói mọi người đều có Phật tánh, ai cũng có thể thành Phật, thì dường như mình chính là Phật, cuồng vọng điên đảo hết mực! Người học Pháp Đại thừa rất dễ đi vào tà đạo này. Đây là lỗi lầm sinh khởi do xa lìa Pháp Thanh văn, Duyên giác mà học Đại thừa.

3. Luận thuyết vô nhân:

   Trong Kinh Đại thừa hoặc nói nhân duyên bất khả đắc, nhân duyên vô tự tánh, nhưng đây hoàn toàn không phải là không có nhân duyên. Nhưng có một số học giả lại nhân đây mà rơi vào tà kiến tự nhiên vô nhân. Nhân quả là tông yếu của Phật Pháp, không thể không tin sâu hiểu chắc. Hiện tại có một số địa phương Phật Pháp dường như rất hưng thạnh, nhưng rất ít nói đến nhân quả trong ba đời, vô hình chung Phật Pháp trở thành phương pháp tu dưỡng, đạo đức học hiện sinh.

   Những lời giảng dạy Phật Pháp biến chất này thực xa lìa Phật Pháp căn bản quá xa! Đây đều là do thiên hướng Đại thừa sai lầm mà sinh ra! Có thể nói, điều này căn bản không thành Pháp Đại thừa! Tóm lại, đây là tác dụng phụ, do chưa học Thanh văn, Duyên giác thừa liền học Chánh Pháp Đại thừa vi diệu mà sinh ra.

2. Nếu không có tinh thần xuất thế của Thanh văn, Đại thừa sẽ trở thành pháp thế gian luyến thế

   Đại thừa như thuốc bổ có dinh dưỡng phong phú. Người vừa hết bệnh, sức còn yếu, nếu uống thuốc bổ này thân thể liền khỏe mạnh, tinh thần sẽ sung mãn. Còn nếu người bệnh tật vẫn chưa trị hết mà lại uống thuốc bổ, thì ắt sẽ có tác dụng phụ. Pháp Thanh văn, Duyên giác như thiểu dục tri túc, đạm bạc tự tu, ít việc ít nghiệp, tịnh trì giới luật là tinh thần căn bản của Tiểu thừa. Đại thừa coi trọng việc lợi tha, muốn cứu đời nên không ngại tập hợp nhiều tài vật để lợi ích chúng sinh. Nhưng nếu xa lìa tinh thần thiểu dục tri túc mà thực hành Pháp Đại thừa thì sẽ sa vào đường rẽ sai hướng, cùng thế gian tham dục đa cầu có gì khác nhau?

   Nếu không có tinh thần xuất thế gian của Thanh văn thì không thể có Diệu Pháp nhập thế của Đại thừa, và Đại thừa ắt trở thành Pháp thế gian luyến thế nói chung! Do đó, nếu lìa Tiểu thừa sẽ không có công đức của Thanh văn. Ai tự cho mình là học giả Đại thừa nên không cần Pháp Tiểu thừa, thì giống như người bệnh chưa hết mà đã uống thuốc bổ, ắt sẽ đưa đến hậu quả không tốt! Kinh Pháp Hoa nói: Đại thừa đạo như năm trăm do-tuần, Tiểu thừa đạo như ba trăm do-tuần. Ba trăm do-tuần nằm ở trong năm trăm do-tuần. Cho nên, nếu không học hai thừa Thanh văn, Duyên giác mà chỉ học Pháp Đại thừa sẽ trở thành đại sai lầm!  

   Như vậy, không học Pháp Tiểu thừa thì không thể học Đại thừa. Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 6 nói: “Không học tập Pháp Tiểu thừa thì làm sao có thể học Pháp Đại thừa?” Lại nói: “Xả thân mạng hộ giới, không não hại chúng sinh, tinh tấn cầu Pháp “không”, nên biết đó là Đại thừa.” Lại như Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 7 nói: “Vì sao nói Nhất thừa?” “Xả bỏ Thanh văn và Độc giác thừa, đây là vì người thanh tịnh mà nói Pháp đó.” Đây rõ ràng là la rầy những người Đại thừa mà bài báng Tiểu thừa, giống như kẻ chưa biết đi mà đã muốn nhảy rồi!

3. Học Pháp Đại thừa cần có công đức hai thừa chung làm cơ sở mới có thể thành tựu

   Pháp Đại thừa một mặt coi trọng trì giới, không tiếc thân mạng trì giới, bảo vệ thánh giới, đối với tất cả chúng sinh đủ lòng từ bi không có làm hại. (Giới y nơi từ bi mà thành lập. Người thực sự có thể trì giới là người có thể phát khởi tâm từ bi.) Mặt khác của Pháp Đại thừa là tinh tấn cầu “pháp không”. Từ bi, trì giới, tinh tấn, cầu nhất thiết pháp không là đặc sắc của Pháp Đại thừa. Pháp “không” là chỉ tất cả pháp bất sinh bất diệt, tức là không tướng hay không tánh. Ngài Long Thọ nói: “Không có nền tảng nơi tín và giới mà lại nhớ tưởng, chấp thủ một mực nơi “không”, đây là tà không.” Như vậy có thể thấy, chánh kiến “chân không” chính xác phải đặt trên nền tảng thâm tín nhân quả, trì giới phạm hạnh thanh tịnh…, mới có thể cầu được. Mà tin nhân quả, trì tịnh giới, tinh tấn v.v… đều là công đức chung với Thanh văn và Duyên giác. Cho nên học Pháp Đại thừa không thể bài báng Tiểu thừa, đối với lý luận và công đức căn bản của Tiểu thừa phải nên học tập. Có nền tảng công đức của Tiểu thừa rồi, thì lúc học Đại thừa, cầu Pháp “không” mới ổn đáng.

4. Chân nghĩa “chỉ có một Phật thừa” mà Kinh Pháp Hoa nói

   Có người cho rằng: “Kinh Pháp Hoa nói Nhất thừa, tất cả chúng sinh đều thành Phật. Học Tiểu thừa rồi cuối cùng bước vào Đại thừa, vậy học Pháp Đại thừa được rồi, cần gì phải trước học Pháp Tiểu thừa?”Ở Hong Kong có vị Pháp sư có kiến giải riêng đối với Kinh Pháp Hoa. Ngài cho rằng: “khai quyền hiển thật” chính là khai trừ (loại bỏ) Pháp quyền nghi (phương tiện) để hiển bày pháp chân thật! Vì vậy, không cần quyền nghi của Tiểu thừa, chỉ hiển bày chỗ chân thật của Nhất thừa!

   Điều này rất dễ khiến người hiểu lầm, cho rằng học Nhất thừa của Đại thừa là không cần Tiểu thừa! Nhưng đức Phật vì sao nói chỉ có Nhất thừa mới là cứu cánh, mới có thể thành Phật? Vì sao đến lúc cuối cùng không nói ba thừa, mà nói Phật Nhất thừa?

   Phải biết, đức Phật nói Nhất thừa không phải mang tính chất chung cho mọi người, mà là vì những chúng sinh thân tâm đã thanh tịnh, có tư cánh thọ Pháp Đại thừa nên mới nói như vậy. Đức Phật hoàn toàn không có vừa mới bắt đầu liền nói “chỉ có một Phật thừa.” Như trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật ra khỏi tam muội, tán thán trí tuệ thậm thâm vô lượng của chư Phật, không thể nghĩ bàn. Xá-lợi-phất thỉnh đức Phật thuyết Pháp, đức Phật hai ba lần ngăn lại, cho đến Xá-lợi-phất ân cần ba lần cầu thỉnh, Ngài mới hứa khả tuyên thuyết. Lúc đó, có năm trăm người tăng thượng mạn lui khỏi Pháp hội. Đức Phật nói: “Lui khỏi cũng tốt!” Đại chúng trong Pháp hội lúc đó đều là căn tánh Đại thừa mới tuyên thuyết Phật thừa duy nhất.

   Đức Phật chưa từng vừa mở miệng liền dạy người học Đại thừa, mà xác thực là tùy theo căn cơ mà giảng dạy, rồi lần lần đưa vào Phật đạo. Đến giai đoạn này mới tuyên nói một Pháp Đại thừa. Nói khác đi, Tiểu thừa tuy không cứu cánh, nhưng có tính thích ứng, đối với chúng sinh có căn tính như vậy thì cần phải nói Pháp như vậy.

   Đức Phật ở trong đời ác ngũ trược thành lập Tăng đoàn thanh tịnh, tức là trong thế gian đen tối hiện ra một tia sáng hy vọng cho chúng sinh. Cho nên, đức Phật trong Kinh Pháp Hoa, đầu tiên cảm thấy Pháp này thậm thâm không thể nói. Nhưng sau đó lại nghĩ: "Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều ở trong đời ác ngũ trước mà nói Pháp này, đều vì thích ứng căn cơ chúng sinh mà nơi một Phật thừa phân biệt nói thành ba." Nếu bắt đầu liền nói Nhất thừa, chúng sinh vẫn chưa thanh tịnh nên chưa thể tiếp thu. Như vậy, chúng sinh chẳng những không được công đức mà trái lại còn phỉ báng tạo tội. Vì vậy, cần phải nói Tiểu thừa trước khiến chúng sinh xây dựng nền tảng tu tập đạm bạc và nghiêm cẩn, rồi sau lại huân tu Chánh Pháp vi diệu của Đại thừa.

   Pháp Tiểu thừa lấy chúng xuất gia làm chủ. Đây là điều tất yếu để kiến lập Phật Pháp trong đời ác ngũ trược. Tăng đoàn thanh tịnh nếu không thể kiến lập thì Chánh Pháp liền sẽ suy đồi. Do đó, Bồ-tát Địa Tạng hiện thân Thanh văn nơi đời ác ngũ trược để cứu độ chúng sinh, khiến họ không đọa địa ngục. Bồ-tát Địa Tạng tuyên thuyết hai phương diện: Một, nên ứng phó với Tỳ-kheo phá giới như thế nào? Hai, làm cách nào hộ trì Tăng đoàn thanh tịnh mới có thể khiến Tam Bảo nơi thế gian được thanh tịnh trang nghiêm, Chánh Pháp bất diệt.

5. Cẩn thận khi có quyền thế và tài phú, đừng tạo ác nghiệp

   Trong hàng Phật tử tại gia nói chung, người có thể có ảnh hưởng lớn đối với Phật Pháp phải là nhân vật trọng yếu trong xã hội, đặc biệt là quốc vương, đại thần, đảm đương trọng trách quốc gia. Họ có quyền thế, có danh vọng, nếu có lòng chánh tín với Phật Pháp thì sẽ ảnh hưởng rất tốt đối với việc hoằng truyền Phật Pháp. Nhưng nếu người hộ Pháp mà không biết chừng mực, hoặc người không tin Phật Pháp mà sinh ra ác kiến thì cũng có thể khiến Phật Pháp gánh chịu chướng ngại vô cùng. Như ở trên đã nói, đó là bức hại người xuất gia, xâm đoạt vật của tỳ-kheo thanh tịnh để cho tỳ-kheo phá giới, xâm đoạt tài sản chùa chiền v.v…. Đây đều là việc làm của những người có quyền thế. Nếu là người nghèo khổ thì không có sức hộ trì, cũng không có sức phá hoại. Cho nên người giàu sang, có quyền thế mà hộ trì Tam Bảo, có lúc cũng xảy ra vấn đề, huống chi là người cố ý hủy hoại Phật Pháp. Vì vậy, chúng ta đối với sự thọ nhận quyền thế và giàu sang phải hết sức cẩn thận, tránh tạo ác nghiệp. Hạng người này, Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 7, chia ra là bốn loại:

I. Không ở địa vị cao để tránh tạo trọng tội

   Kinh nói: “Có người phát nguyện không ở địa vị cao để tránh tạo trọng tội.” Có người phát nguyện không làm những bậc có quyền thế như quốc vương, đại thần v.v…. Họ sợ vì vọng tưởng điên đảo mà đối với Tam Bảo làm ra việc phá hoại. Bởi vì những việc phá hoại Tam Bảo này, không phạm thì thôi, đã phạm liền đọa địa ngục. Cho nên, họ thà không có quyền thế, giàu có, tuy không thể hộ Pháp, làm các công đức một cách rộng rãi, nhưng cũng không đến nỗi tạo trọng tội để đọa lạc.

II. Đã được vô sinh pháp nhẫn thì được thọ dụng giàu sang, địa vị tôn quý để lợi ích chúng sinh

   Kinh nói: “Nếu có hữu tình nào đã đắc pháp nhẫn…, hưởng dụng đủ mọi sự nghiệp tài sản to lớn hơn người, cho đến ở vào đủ mọi địa vị tôn quý, thì ta cho phép.”

   Đây là nói chúng sinh đã chứng được vô sinh pháp nhẫn, tức đã giác ngộ thấy được chân lý. Người có trí tuệ khai ngộ mà làm quốc vương, đại thần là người nắm chắc sẽ không tạo tội phá hoại Tam Bảo. Người như vậy mới có thể thọ dụng tài sản sự nghiệp to lớn hơn người, cho đến ở vào địa vị tôn quý đầy đủ vinh hoa. Chúng sinh khổ não nói chung không có tiền bạc thế lực nên không thể làm việc lớn, ở trong Tam Bảo chỉ có thể làm công đức nhỏ. Chính như người Tiểu thừa, vì sợ phạm trọng tội, thà chịu nghèo khổ mà không nhận quyền quý. Pháp Đại thừa không như vậy, đặt lợi ích Tam Bảo và chúng sinh vào địa vị thứ nhất. Nếu thực sự chứng ngộ pháp tánh, cho dù có quyền thế, quan cao chức lớn, đều có thể làm lợi ích chúng sinh, hộ trì Tam Bảo.

III. Chưa được vô sinh pháp nhẫn nhưng biết tự tu và dạy người khác cùng tu mười thiện nghiệp

   Kinh nói: “Nếu có chúng hữu tình nào chưa được pháp nhẫn mà có thể lãnh thọ và thực hành mười thiện nghiệp đạo, cũng khuyên chúng sinh lãnh thọ, tu học, ta cũng hứa khả.” Lại nói: “Người thực hành mười thiện nghiệp đạo… được gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát. Đối với tất cả điều ác đều được giải thoát, đối với tất cả pháp lành đều tùy ý thành tựu, mau được viên mãn biển đại niết-bàn.”

   Có một số chúng sinh tuy chưa khai ngộ, nhưng có thể phụng hành mười thiện nghiệp đạo, cũng dạy người thực hành mười thiện nghiệp đạo. Người như vậy, tuy làm người có quyền thế như vua chúa hay quan lớn, cũng quyết không tạo trọng tội phá hoại Tam Bảo. Mười thiện nghiệp đạo gồm ba thiện nghiệp về thân: (1) không sát sinh, (2) không trộm cắp, (3) không tà dâm; bốn thiện nghiệp về miệng: (1) không nói hay viết sai sự thật, (2) không hai lưỡi gây hiềm khích ly gián, (3) không ác khẩu mắng chửi hay nguyền rủa người, (4) không nói lời ngon ngọt để dụ dỗ người khác tà dâm hay xúi dục trộm cắp; ba nghiệp thiện về ý: (1) không tham ngũ dục, (2) không khởi sân giận, (3) không tà kiến ngu si, tin sâu nhân quả thiện ác.

   Mười thiện nghiệp đạo này tự làm và dạy người khác làm, phẩm cách đạo đức của người này nâng cao, làm việc như pháp, tự nhiên không làm việc hũy Pháp phá Tăng. Cho nên, người tuy chưa khai ngộ nếu thọ lãnh giàu sang mà vẫn có thể tu hành mười thiện nghiệp đạo, thì cũng chẳng tạo trọng tội.

   Kinh Đại thừa đều nói, Bồ-tát phát Bồ-đề tâm, trước tu mười điều thiện, cũng chính là phải bắt đầu tu từ mười thiện nghiệp. Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát-nhã gọi đó là Bồ-tát ở vị thập thiện. Tự mình dùng đạo đức tu hành, dùng đạo đức giáo hóa thế gian, dùng bồ-đề tâm thập thiện giáo hóa thế gian, tuy chưa khai ngộ nhưng cũng có thể bước lên chánh đạo Đại thừa. Bồ-tát thập thiệp tự lợi lợi tha như vậy, thành tựu công đức thập thiện, đoạn trừ tất cả ác pháp, cho nên tuy giàu có và quyền thế quyết định không tạo trọng tội, làm những việc phá hoại Tam Bảo.

IV. Nếu chưa được pháp nhẫn, chưa hành mười thiện nghiệp đạo, thì nên thâm tín, cung kính Tam Bảo

   Kinh nói: “Chưa được pháp nhẫn, không lãnh thọ và thực mười thiện nghiệp đạo… cũng có duyên riêng được phương tiện cứu độ (…), đó là có sức tín tâm và tôn kính Tam Bảo.” Lại nói: “Những người không hủy báng Chánh Pháp, không xúc não chư Tăng, không xâm đoạt Tăng vật, biết lắng nghe, thọ trì, phụng hành Chánh Pháp tương ưng của ba thừa… thì sẽ tránh sa đọa vào địa ngục vô gián và các đường ác khác.”

   Nếu người chưa được vô sinh pháp nhẫn, cũng chưa thể phụng hành mười thiện nghiệp đạo mà làm quốc vương, đại thần, thì dường như rất nguy hiểm. Nhưng cũng có một nhân duyên khác phương tiện cứu hộ họ, giúp người như vậy không vì tạo trọng tội mà đọa vào địa ngục. Đây là chỉ cho người quyền thế, phú quý, nhưng có tín tâm rất sâu, có thể cung kính Tam Bảo. Như tỳ-kheo phá giới đã nói ở trên, tuy họ phá giới nhưng đối với Phật Pháp vẫn đầy đủ tín tâm, vẫn là có công đức. Đệ tử tại gia này tuy chưa khai ngộ, cũng không tu thập thiện nghiệp đạo thì khó tránh khỏi ác hạnh. Nhưng do tôn kính Tam Bảo, đầy đủ tín tâm nên cũng sẽ không làm ra chuyện hủy báng Chánh Pháp, xúc não chúng Tăng, phá hoại Tam Bảo, xâm đoạt Tăng vật.

   Đồ vật của Tam Bảo nên thuộc về Tam Bảo, người xuất gia còn không thể tùy tiện lấy dùng, huống chi là đệ tử tại gia lại lấy làm của riêng? Chỉ cần đối với Tam Bảo có lòng tin sâu chắc, cung kính tôn trọng Phật Pháp Tăng, tuy không có khai ngộ hay tu mười thiện nghiệp đạo, vẫn có sức công đức lành khống chế sức nghiệp, sẽ không vì tạo trọng tội mà phải đọa vào đường ác địa ngục.

   Tiết giảng này là nói với người đệ tử tại gia có quyền thế và phú quý. Nếu là người chứng ngộ được vô sinh pháp nhẫn đương nhiên là lý tưởng nhất. Nếu chưa thể, cũng nên tu hành mười thiện nghiệp đạo. Còn mười thiện nghiệp như vậy cũng không làm được, thì phải có đầy đủ tín tâm thanh tịnh đối với Tam Bảo. Như vậy mới có thể không gây tạo năm tội vô gián hay mười ác luân đã nói ở trên. Người sinh ra trong gia đình quyền quý, đầy đủ thế lực có thể làm được như vậy thì có thể làm nhiều việc trong Phật Pháp, tăng trưởng công đức, hộ trì Phật Pháp.

6. Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện cứu tế tất cả

   Bồ-tát Địa Tạng trong vô lượng kiếp đến nay đều phát nguyện cứu độ chúng sanh, khiến họ không đọa địa ngục. Ngài đã trân trọng phát lời đại nguyện này trước đức Thế Tôn: “Trong đời ác năm trược thời kỳ không có Phật, chúng sinh phiền não lừng lẫy, quen các hạnh ác, ngu si hung dữ, khó thể dạy bảo…, căn lành ít ỏi, không có tín tâm…. Những hạng người như vậy vì tiền bạc lợi ích mà giúp cho các tỳ-kheo ác hạnh phá giới, làm thành phe nhóm trái pháp, nhất định đi vào địa ngục vô gián. Nếu có những việc như vậy, con sẽ đến đó dùng pháp vị cam lộ vi diệu vô thượng của đức Thế Tôn, Như Lai, Pháp vương để làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình. Con sẽ phương tiện giáo hóa dẫn dắt, khiến họ được cứu độ…, khiến họ không xu hướng vào địa ngục vô gián” (Kinh Địa Tạng Thập Luân, quyển 4).

   Khi đức Phật còn tại thế, uy đức của đức Phật rất lớn, căn cơ chúng sinh thông lợi. Sau khi đức Phật diệt độ, chúng sinh phiền não lan tràn như thế lửa mạnh, làm nhiều việc ác, ngu si tàn độc, không biện biệt được đúng sai, thiện ác, nên tàn ác bạo ngược. Cho nên kinh nói: “Chúng sinh trong đời ác năm trược cang cường khó độ.” Chúng sinh này thường vì tài lợi mà hợp tác với tỳ-kheo xấu ác. Phật Pháp ở thế gian, đạo tràng tu học tốt, có tỳ-kheo giới đức đương nhiên sẽ có người hộ trì. Như một số đạo tràng niệm Phật, tham thiền, giảng kinh có các bậc tôn đức hướng dẫn cũng có người hộ Pháp. Nhưng có một số danh lam thắng cảnh, dù là chùa cổ hay chùa mới xây, không luận là có cao tăng đạo đức trụ trì hay không, hễ tài sản của tự viện hơi lớn là phải cần có người hộ trì.

   Chùa ở Trung Quốc lục địa trước đây vì muốn duy trì được tốt thường có việc lôi kéo các vị thân sĩ ở địa phương, tặng lễ vật để lấy lòng họ, rồi nhờ họ hộ trì. Có một số người xuất gia tuy có lòng tin nhiều ít với Tam Bảo, nhưng xuất gia mà tự mình không nỗ lực tu tập và hoằng Pháp, chỉ lo giao thiệp người quyền quý, mời khách, tặng lễ vật rồi nhờ họ giúp đỡ. Điều này lần lần trở thành thói quen xấu. Vì lý do này, không tránh khỏi có một số vị thân sĩ ở địa phương không phân tốt xấu trắng đen, chỉ cần có quà biếu liền giúp đỡ. Điều này không những tạo thành tập tục xấu kém mà ngược lại còn khiến tỳ-kheo có giới đức không cách nào có thể đặt chân. Như vậy, họ không những không thể hộ trì Phật Pháp, mà ngược lại còn tăng thêm không ít khó khăn cho Phật giáo. Người chân chính kính quý, hộ trì Phật Pháp, muốn khiến Tam Bảo thanh tịnh thấy vậy rất đau lòng! Cho nên Đại sư Thái Hư vô cùng cảm khái trước hiện tượng không tốt này.

   Bồ-tát Địa Tạng trong Pháp hội của đức Phật Thích-ca thị hiện tướng xuất gia, thành lập Tăng đoàn thanh tịnh làm trung tâm của Phật Pháp. Y nơi tinh thần cơ bản này, Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện trong đời ác khiến những chúng sinh này có thể dùng phương tiện cứu những người đứng bên bờ vực đọa lạc ra khỏi. Đây không nhất định là phải hiển lộ thần thông, đem chúng sinh đọa lạc địa ngục cứu ra, mà là khai thị chánh lý, khiến họ thông hiểu, đặc biệt là khiến những người có địa vị, thế lực và giàu có, có khả năng tạo trọng tội đọa lạc nơi địa ngục tin hiểu và phụng sự Phật Pháp, không tạo tội phá hoại Tam Bảo. Đức Phật nói Pháp môn này chủ yếu căn cứ vào Kinh Địa Tạng Thập Luân, khiến chúng sinh trong đời ác năm trược không đọa vào địa ngục.

bottom of page