top of page

Thánh Đức và Pháp Môn của Bồ-tát Địa Tạng 

-Người giảng: Đạo Sư Ấn Thuận, giảng tại giảng Đường Tuệ Nhật vào tiết trung                 nguyên (rằm tháng 07) năm 1963

-Người dịch: Sa-môn Sakya Minh-Quang, dịch tại Tu Viện Thiện Tường mùa

              an cư năm 2020

4. Đức Hạnh Đặc Biệt của Bồ-tát Địa Tạng

       4a. Đến ở cõi uế độ

   Tất cả đại Bồ-tát như Bồ-tát Quán Âm thị hiện độ sinh ở thế giới này đều là tướng tại gia, như Bạch Y Đại Sĩ, hoặc hiện tướng thiên nhân v.v… Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hiện tướng đồng tử; Bồ-tát Phổ Hiền cũng hiện tướng tại gia, chỉ có Bồ-tát Địa Tạng là hiện tướng xuất gia. Ý nghĩa này rất ít người chú ý. Vậy Bồ-tát Địa Tạng rốt cuộc vì sao mà hiện tướng xuất gia? Để thuyết minh nghĩa này, xin dùng hai nghĩa “đến ở cõi uế độ” và “hiện tướng thanh văn” để giảng rõ.

     Bồ-tát Địa Tạng tuy thị hiện khắp tất cả thế giới để độ sinh, nhưng Ngài đặc biệt cứu độ chúng sinh tội khổ nơi thế giới dơ ác này. Kinh Thập Luân quyển 1 nói: “Địa Tạng đã ở trong vô lượng vô số đại kiếp nơi thế giới ngũ trược ác thế không có Phật mà thành thục chúng hữu tình.” Bồ-tát Địa Tạng phát tâm trong vô lượng vô biên kiếp, đều ở thế giới dơ ác độ chúng sinh, thế giới càng dơ ác chừng nào, càng muốn đến chừng đó; chúng sinh càng khổ não chừng nào, càng muốn độ chừng đó. Bồ-tát còn muốn đến thế giới không có Phật Pháp, nơi chúng sinh khổ nạn nhất để làm lợi ích chúng sinh.

elegant-1769669_960_720.png

    Nguyện lực của Bồ-tát có chỗ khác nhau, riêng đại nguyện từ bi của Bồ-tát Địa Tạng là chú trọng nơi thành thục chúng hữu tình ở thế giới dơ ác. Do đó, Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 1 nói: “Tôi nay học đức Thế Tôn phát nguyện như vậy, sẽ đắc quả vô thượng Bồ-đề nơi cõi uế độ.” Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ơ thế giới dơ ác và thành Phật ở thế giới này. Bồ-tát Địa Tạng muốn học đức Phật Thích-ca, phát nguyện thành Phật nơi cõi uế độ và ở nơi cõi dơ ác này cứu độ chúng sinh. Cho nên có thể nói, Bồ-tát Địa Tạng là người kế thừa chân chính tinh thần của đức Phật Thích-ca!

       4b. Thị Hiện Thanh Văn

     Bồ-tát Địa Tạng là một vị Đại Bồ-tát, công đức đồng với đức Phật, cứu cánh viên mãn. Ngài hiện tướng xuất gia tron Pháp hội của đức Phật Thích-ca ở thế giới Ta-bà này. Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 1 nói: “Dùng sức thần thông hiện tướng thanh văn.” Thanh văn là tên gọi chúng đệ tử xuất gia. Đây chính chỗ đặc sắc của Bồ-tát Địa Tạng. Theo kinh điển Đại Thừa, có một số thế giới thanh tịnh không có pháp Tiểu Thừa, cũng không có chúng xuất gia. Nhưng đức Phật Thích-ca thành Phật ở uế độ này, Phật Pháp ở thế giới dơ ác và chúng xuất gia có mối quan hệ mật thiết. Bồ-tát Địa Tạng học theo đức Phật Thích-ca hiện tướng xuất gia và nguyện thành Phật nơi uế độ. Có thể nói, Phật Pháp trong thế giới dơ ác có chúng xuất gia là vì thích ứng thời đại mà có khuynh hướng độc thiện riêng mình.

     Nhưng nhìn từ phương diện khác, chúng xuất gia trong thế giới dơ ác có ý nghĩa tích cực đặc thù. Đó là, chúng sinh trong thế giới dơ ác này cả ngày từ sáng đến tối, nếu chẳng tranh danh thì là đoạt lợi, bận rộn vì cuộc sống, vì tư lợi, cả xã hội đầy dẫy tội ác đen tối. Vì đem lại ánh sáng và hy vọng cho thế giới dơ uế đen tối này, nên đức Phật Thích-ca xuất hiện nơi uế độ, xuất gia thành Phật. Kinh Địa Tạng Thập Luân nói: Tăng tướng của người xuất gia là tướng tràng phang thanh tịnh của thế giới dơ ác. Trong xã hội không lý tưởng này, thành lập Tăng đoàn thanh tịnh khiến mọi người thấy nghe huân tập, lần lần đạt thành thân tâm thanh tịnh. Phật Pháp là thích ứng xã hội. Hoằng Pháp ở cõi uế độ phải có người xuất gia, hiện ra tướng giải thoát thanh tịnh, trang nghiêm. Đây chính là ý nghĩa mà đức Phật Thích-ca và Bồ-tát Địa Tạng đến cõi uế độ hiện tướng xuất gia.

     Người xuất gia không có tư hữu kinh tế, sống bằng hạnh khất hóa, không hưởng thụ, cũng chính là giảm thiểu những vấn đề xảy ra vì lý do kinh tế. Kế nữa, hiện tướng xuất gia, nam không lấy vợ, gái không gả chồng, không giống như người đời vì quan hệ vợ chồng mà sinh ra tranh chấp, khổ đau. Vô biên tội lỗi trong cõi ta-bà ngũ trược chủ yếu phát sinh từ mối quan hệ nam nữ và sự chiếm hữu kinh tế. Cho nên, tướng xuất gia đã đưa ra cách giải quyết những vấn đề khó khăn của cõi uế độ và phương án giải thoát ô nhiễm thân tâm. Cho dù chúng sinh làm chưa được, nhưng cũng biết được phương hướng chân chính để giải thoát khổ nạn. Cho nên Phật Pháp trong cõi uế độ trọng tâm là ở chúng xuất gia, trong khi cõi tịnh độ có thể không có chúng xuất gia. Bồ-tát Địa Tạng hiện tướng xuất gia để độ sinh nơi cõi này có ý nghĩa đặc thù, cho nên chúng sinh cõi uế độ đối với Bồ-tát Địa Tạng cũng cảm thấy đặc biệt thân thiết.

     Tóm lại, Bồ-tát Địa Tạng không chỉ đề xướng hiếu đạo, siêu độ cha mẹ, mà còn hiện tướng Thanh văn, cứu độ chúng sinh cõi uế độ, đây chính thực là nguyên nhân mà các bậc Tôn Đức đời xưa hết mực tôn trọng và hoằng dương.

5. Cứu Độ Chúng Sinh Không Đọa Địa Ngục

     Bồ-tát Địa Tạng đến cõi ác năm trược cứu độ chúng sinh, nhưng chúng sinh trong địa ngục là chúng sinh chịu khổ não nhất! Cho nên, bi nguyện của Bồ-tát Địa Tạng là cứu độ chúng sinh khổ não nhất nơi địa ngục. Bồ-tát Địa Tạng cứu chúng sinh ra khỏi cảnh khổ nơi địa ngục là điều mà mọi người đều biết, nhưng đây không phải là biện pháp duy nhất, mà cũng không phải là việc làm lý tưởng nhất! Điều khấn yếu nhất, triệt để nhất vẫn là làm cách nào khiến chúng sinh không đọa vào địa ngục! Đây mới là phương cách tốt cứu độ chúng sinh địa ngục. Cũng ví như thầy thuốc, chẳng những có thể trị lành cho người bệnh hay giải phẫu cứu người, mà còn có thể dạy người là cách nào giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật! Nếu chỉ biết Bồ-tát Địa Tạng cứu độ chúng sinh địa ngục, mà không biết Bồ-tát còn khổ tâm dạy bảo hướng dẫn chúng sinh những gì không nên làm, những gì nên làm mới có thể không đọa địa ngục. Còn nếu đợi chúng sinh đọa vào địa ngục chịu khổ mới cứu, thì e đã quá trễ rồi!

       5a. Những trọng tội nhất định phải đọa vào địa ngục vô gián

     Tạo tội gì sẽ đọa vào địa ngục?

     Vậy, tạo tội gì sẽ đọa vào địa ngục khổ nhất, tức địa ngục vô gián? Địa ngục vô gián còn gọi là địa ngục a-tỳ theo phiên âm Phạn ngữ. Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bản Nguyện Công Đức đề cập đến rất nhiều tên gọi của địa ngục. Ví như, địa ngục bát nhiệt khắp nơi lửa lớn thiêu cháy, giường đồng cột sắt; tầng thấp nhất là địa ngục a-tỳ. Người tạo ác nghiệp cực nặng sau khi chết ngay lập tức liền đọa vào địa ngục. Thời gian thọ khổ của địa ngục cũng không có gián đoạn, cho nên gọi là địa ngục vô gián. Theo Phật Pháp dạy, làm lành có quả báo lành, làm ác có quả báo ác, tạo nghiệp ác nặng thì đọa vào địa ngục. Nhưng đã tạo nghiệp ác địa ngục, phải chăng nhất định phải đọa vào địa ngục?

     Theo Phật Pháp, tuy đã tạo nghiệp ác đáng ra phải đọa vào địa ngục, nhưng đời sau không nhất định phải đọa vào địa ngục. Nếu biết ăn năn sám hối, tu tạo công đức thì vẫn có thể chuyển được nghiệp. Thực ra, mỗi người có thể có rất nhiều nghiệp địa ngục đã tạo ra từ đời quá khứ. Trong đời này, từ nhỏ đến già không chừng cũng có tạo nghiệp địa ngục, nhưng không phải nhất định phải đọa vào địa ngục. Nếu có nhân duyên công đức lành mà mạnh hơn nghiệp ác thì vẫn có thể sinh lên cõi trời (nhưng không phải là ác nghiệp địa ngục không có). Nhưng đã tạo nghiệp ác cực nặng, nếu chẳng phạm thì thôi, đã phạm thì phải đọa, dù có làm các công đức khác hay sám hối đều không có khả năng tránh khỏi đọa địa ngục. Ví như người đã mắc tuyệt chứng ung thư giai đoạn cuối thì không thể không chết. Có một số bệnh xem dường như rất nặng, nhưng nếu gặp được thầy giỏi thuốc hay thì còn có hy vọng trị lành. Nhưng nếu là tuyệt chứng thì vô phương cứu chữa! Chúng sinh trong đời ác ngũ trược cơ hội tạo nghiệp ác rất nhiều, tính nguy hiểm cũng rất là cao. Cho nên, cần phải hiểu rõ và biện biệt thiện ác, đặc biệt trước phải biết rõ những nghiệp ác cực nặng nhất định phải đọa vào địa ngục mới có thể chú ý không làm, miễn sa vào địa ngục.

     Trong Kinh nói, nghiệp ác cực nặng phải đọa địa ngục vô gián có hai:

     Thứ nhất là mười một ác nghiệp phải đọa địa ngục vô gián.

     Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 3 nói: “Có hai hạng người tạo năm tội vô gián, bốn tội căn bản gần với vô gián, hũy báng Chánh Pháp, và nghi ngờ Tam Bảo. (…) Trong mười một tội này tùy tạo một tội, sau khi thân hoại mạng chung không có thời gian gián cách liền sinh vào trong vô gián địa ngục.” Mười một loại trọng tội này phân làm ba loại: (1) năm tội vô gián, (2) bốn giới căn bản, (3) phỉ báng Chánh Pháp và nghi ngờ Tam Bảo. Năm tội vô gián là nói làm một trong năm tội này ắt phải đọa vào đại địa ngục vô gián.

     Trong năm tội vô gián, trước hết là tội giết cha (1) và tội giết mẹ (2). Cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta từ nhỏ đến lớn, ơn nặng như núi. Nói theo thế gian, giết hại cha mẹ chính là hành vi súc sinh. Tội ngỗ nghịch giết hại cha mẹ theo pháp luật cũng vô cùng nặng. Tội thứ ba là giết a-la-hán (3). Người tu hành đến bậc a-la-hán là thánh nhân chứng tứ quả. Nếu giết những bậc thánh giả như vậy tội vô cùng nặng. Tội vô gián thứ tư là làm thân Phật ra máu (4). Thuở đức Phật còn tại thế, Đề-bà-đạt-đa muốn hại Phật nên xô một tảng đá lớn từ trên núi xuống định đè chết Phật. Nhưng vì thần hộ pháp đánh nát, chỉ có một mảnh đá nhỏ vỡ ra làm ngón chân Phật chảy máu. Do đó, cấu thành trọng tội làm thân Phật ra máu. Tội vô gián thứ năm là tội phá hòa hợp của Tăng (5). Trong Tăng đoàn xuất gia thanh tịnh mà ác ý phá hoại, khiến Tăng đoàn hòa hợp chia rẽ làm hai, thì tạo thành trọng tội vô gián. Như vậy, ba tội vô gián sau như giết a-la-hán (3), làm thân Phật chảy máu (4), phá hòa hợp của Tăng (5) là trọng tội nói riêng trong Phật Pháp. Nói chung, trong đời ác này người phạm năm tội vô gián là không nhiều. Như giết cha mẹ rất ít. Làm thân Phật chảy máu ngoài Đề-bà-đạt-đa thì không có người thứ hai. Có thể phá hoại Tăng đoàn xuất gia cũng không nhiều. Còn việc giết a-la-hán, trong đời mạt Pháp này a-la-hán hầu như không thấy, tự nhiên tội giết a-la-hán cũng dường như không có.

     Bốn tội căn bản gần với vô gián (cận vô gián căn bản tội) là sát, đạo, dâm, vọng ở mức độ nặng nhất mới tạo thành tội địa ngục vô gián. Như chúng xuất gia phạm bốn giới căn bản này thì bị trục xuất khỏi Tăng đoàn, như cây đã đứt rễ không còn đâm chồi. Lại như thây chết trên biển cả không được biển cả Phật Pháp dung nạp. Nếu người phạm mà không phải tội căn bản gần với vô gián, hoặc sau khi phạm liền ở trước Tăng đoàn chí thành sám hối, chịu phân xử, thì dù trong hiện đời không thể liễu sinh tử, chứng thánh quả, nhưng vẫn có thể nương thân nơi Tăng đoàn, gọi là “dữ học sa-di”, tức sa-di được cho phép theo Tăng chúng học tập. Đương nhiên, người nếu không biết sám hối sẽ bị tẩn xuất ra ngoài Tăng đoàn.

     Người tại gia hay xuất gia nếu đã phạm tội căn bản cận vô gián ở mức độ nặng nhất thì phải đọa lạc, không thông với sám hối. Trong đó, sát sinh lấy việc giết bậc Độc giác là tội sát sinh nặng nhất (Phật không bị giết). Còn trộm cắp, lấy của Tam Bảo là tội nặng nhất. Đây là nói những đồ vật thuộc Phật, Pháp, Tăng do đại chúng phát tâm cúng dường, nếu trộm cắp là tội nặng nhất. Về giới dâm, tội dâm tỳ-kheo-ni chứng a-la-hán là tội nặng nhất. Như cưỡng hiếp tỳ-kheo-ni đã chứng quả a-la-hán ắt phải đọa địa ngục vô gián. Vọng ngữ là lời nói không chân thật, khiêu khích thị phi Tăng đoàn, khiến Tăng đoàn tan rã là tội nặng nhất. Tất cả công đức thế gian, cho đến thanh tịnh giải thoát, liễu sinh tử, tu Bồ-tát hạnh, thành Phật đều đến từ Tam Bảo. Bốn trọng tội này đều là phá hoại Tam Bảo, khiến Tam Bảo không thanh tịnh, tổn hại lớn nhất. Ngoài những trọng tội này ra, hai tội khác như phỉ báng Chánh Pháp và nghi ngờ Tam Bảo dường như không có sao, nhưng thực ra vô cùng trọng yếu.

     Một, tội phỉ báng Chánh Pháp: Nếu ngoại đạo phỉ báng Chánh Pháp vì họ không hiểu Phật Pháp mà nói bậy thì như rắn nuốt ếch, mèo ăn chuột, tuy có tội nhưng không phạm trọng tội. Nếu đệ tử xuất gia tu học Phật Pháp, ở trong Phật Pháp mà tự mình phỉ báng Chánh Pháp, như trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, tội lỗi thực lớn! Chúng ta tin Phật học Phật, không nên phỉ báng Chánh Pháp. Người tin Phật học Phật đối với Pháp sư và cư sĩ nói chung đều không có tâm phỉ báng, nhưng cũng có thể có trường hợp phỉ báng mà không tự biết. Như Phật Pháp có Thanh Văn thừa, Duyên giác thừa, và Bồ-tát thừa (Đại thừa), nếu tu học Thanh văn thừa, tán thán Thanh văn thừa, mà nói Đại thừa không phải Phật nói, tức là phỉ báng Chánh Pháp. Nếu học Đại Thừa mà chê bai, bài xích Tiểu thừa, cho là không nên học, cũng đồng tội phỉ báng Chánh Pháp. Nếu người chỉ coi trọng việc trì giới mà phế bỏ tu định tuệ; hoặc coi trọng tu định mà phế bỏ giới và tuệ; hoặc trọng tu tuệ mà phế bỏ giới và định, có chỗ thiên phế, khuyên người không nên học, thì đều là phỉ báng Chánh Pháp! Nói khác đi, chỉ học một Pháp môn tu hành mà khinh mạn các Pháp môn khác, cho là không nên học, có học cũng vô dụng đều là phỉ báng Chánh Pháp! Nếu chỉ một Pháp môn là đủ rồi, vì sao đức Phật phải nói tám mươi bốn ngàn Pháp môn? Coi trọng một Pháp tu mà khinh thường những Pháp môn khác, khiến chúng sinh sinh ra kiến giải điên đảo, rơi vào nẻo tà, làm mù con mắt chánh kiến củ chúng sinh, cho nên tạo thành trọng tội vô gián.

     Hai là nghi ngờ Tam Bảo. Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, chỗ quy y của đệ tử Phật. Nếu đã quy y Tam Bảo, thọ trì tịnh giới, không luận là xuất gia hay tại gia mà lại tin vào quỷ thần ngoại đạo, nghĩ rằng họ đồng với Phật hay là hơn Phật, gặp kinh sách ngoại đạo khen là hơn ba tạng mười hai bộ kinh, quy y tà chúng ngoại đạo, đối với tăng chúng xuất gia không có tín tâm. Đây là những người không tương ưng với Phật Pháp, đều do nghi ngờ Tam Bảo mà thể hiện ra hành vi không kính tin. Ví dụ như một số người thần Phật không phân, quy y Tam Bảo chủ trương tà luận như Tam Giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Lão giáo đồng nguồn), hay ngũ giáo hợp nhất (Phật, Nho, Lão, Thiên chúa, Hồi giáo hợp nhau, như hòa đồng tôn giáo). Họ cho rằng tất cả tôn giáo đều dạy người làm lành nên đều có thể tín ngưỡng! Đây tức là phản bội lại giáo pháp, không rõ thị phi, thần Phật bất phân! Người làm như vậy là phạm tội trọng vô gián hoài nghi Tam Bảo.

     Giết người, trộm cắp không nhất định phải đọa địa ngục, nhưng nếu phạm một trong mười một tội trên ắt phải đọa vào địa ngục vô gián!

     Thứ hai là mười ác luân phải đọa địa ngục vô gián

     Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển bốn nói: “Nơi mười ác luân hoặc làm theo một luân trong đó, hoặc làm tất cả mười luân thì sẽ phá hoại, hủy diệt tất cả căn lành tu tập từ trước đến nay…, mạng chung nhất định sinh vào địa ngục vô gián.” “Luân” có nghĩa là nghiền nát, làm cho tan hoại. Vì những nghiệp này phá hoại tất cả công đức thiện căn nên gọi là ác luân. Mười ác luân tức là mười loại việc ác, phạm một loại hay phạm cả mười loại thì toàn bộ công đức tu tập từ trước đến nay bị phá diệt tất cả, nên gọi là mười ác luân. Mười ác luân chia làm bảy loại, gồm: (1) Phỉ báng a-lan-nhã, (2) phỉ báng các thừa khác (chia ra làm ba luân), (3) sân hận làm hại tỳ-kheo (chia ra làm hai luân), (4) xâm đoạt đồ vật của Tăng chúng thanh tịnh cho lại người phá giới, (5) phỉ báng làm hại Pháp sư, (6) xâm đoạt vật của chúng tăng, (7) phá chùa đuổi Tăng chúng.

     1. Phỉ báng a-lan-nhã

     A-lan-nhã là phiên âm chữ Phạn, có nghĩa là nơi vô sự, chỗ vắng lặng không ồn náo. Người xuất gia ở chỗ yên tịnh này tu hạnh thanh tịnh gọi là tỳ-kheo a-lan-nhã, gần giống với người tu am cốc, đóng thất tu hành ở Trung Quốc. Đức Phật nói có ba loại tỳ-kheo. Một là tỳ-kheo tu định, tức chỉ người siêng tu chỉ quán, chân thực dụng công để đạt thành mục đích đoạn vọng thành thánh. Hai là tỳ-kheo đọc tụng nghiên cứu, như nghiên cứu, duyệt đọc Đại Tạng Kinh. Ba là tỳ-kheo làm việc trong Tăng đoàn, như xây dựng chùa chiền, giúp an Tăng độ chúng, như làm các phước sự trong chùa như giám viện, tri khách v.v…. Trong ba việc này, đương nhiên việc tu thiền định là tốt nhất. Tỳ-kheo tu thiền định phần lớn ở nơi a-lan-nhã, chuyên tu định tuệ, cầu liễu thoát sinh tử, được giải thoát niết-bàn. Còn việc phục vụ tăng chúng trong tự viện, tuy là tu phước nghiệp nhưng vẫn không phải là bổn phận chính của người xuất gia. Nghiên cứu Phật học cũng là vì để dụng công tu hành. Nếu chỉ chạy theo chữ nghĩa, thực không phải là lý tưởng của người xuất gia! Cho nên tỳ-kheo trụ nơi a-lan-nhã, tinh tấn thiền tư, theo Phật chế là những vị nên thọ thượng đẳng cúng dường.

 

     Thuở đức Phật còn tại thế, tỳ-kheo trong Tăng đoàn đều phải sinh hoạt theo chúng. Nếu chân chính tu tập định tuệ đến lúc khẩn yếu mới cho phép vị đó tạm thời tự do, không cần theo chúng. Nếu có người phỉ báng tỳ-kheo trụ a-lan-nhã, thì đó là một trong mười ác luân. Đây là vì, đối với người tu hành chân chánh, cầu liễu thoát sinh tử, chẳng những không nên chướng ngại, mà còn phải giúp họ thành tựu. Ngược lại, nếu phỉ báng, làm chướng ngại họ tu hành, thì đồng với phá hoại mục đích tối thượng của người tu là giải thoát niết-bàn.

     2. Phỉ báng thừa khác

     Phật Pháp có ba thừa: Thanh văn thừa, Độc giác thừa, và Bồ-tát thừa. (1) Người tu Thanh văn thừa phỉ báng Độc giác và Bồ-tát thừa; (2) người tu Độc giác thừa phỉ báng Thanh văn và Bồ-tát thừa; (3) người tu Bồ-tát thừa phỉ báng Độc giác và Thanh văn thừa. Ba việc phỉ báng này đều là phỉ báng Chánh Pháp, là ba ác luân trong mười ác luân.

     3. Sân hận làm hại tỳ-kheo

     Sân hận làm hại tỳ-kheo cũng có hai loại: Một là nóng giận làm hại tỳ-kheo có học, có đức, có tu hành, như nhục mạ, đánh đập, hay nghĩ phương pháp khiến tỳ-kheo mất đi tự do, cũng như các loại bức hại khác. Có một số tỳ-kheo xấu lôi kéo thế lực ác của địa phương để ngồi vững trên bảo tọa trụ trì. Cho nên, họ nghĩ đủ phương pháp lợi dụng thế lực tà ác hòng phá hoại tỳ-kheo có giới đức. Mục đích của họ là chiếm hữu chùa chiền, giành lấy địa vị trụ trì. Hai là coi khinh tỳ-kheo phá giới, ghét bỏ, làm hại. Họ cho rằng tỳ-kheo phá giới căn bản không giống người xuất gia, không đáng tôn trọng. Có người nghĩ bức hại tỳ-kheo giới đức đương nhiên là có tội, nhưng sân hận làm hại tỳ-kheo phá giới thì đâu có sao! Họ không biết rằng tỳ-kheo tuy phá giới nhưng chỉ cần ông ấy còn ở trong Tăng đoàn, chưa bị hủy bỏ tư cách xuất gia, nếu mình sân hận làm hại người đó thì vẫn tạo ác nghiệp! Thử nêu ra một ví dụ, Thái Lan là nước Phật giáo, người xuất gia không thể ai ai cũng đều là thánh hiền. Giả như có tỳ-kheo ở bên ngoài phạm pháp, cảnh sát sẽ không bắt ngay lập tức vì vị ấy còn khoác áo cà sa, vẫn còn thân phận tỳ-kheo. Cảnh sát sẽ theo vị tỳ-kheo này về chùa để báo cáo với Tăng chúng. Đợi Tăng đoàn quyết nghị loại bỏ tư cách Tăng sĩ của vị đó, lột y ông ta ra, rồi cảnh sát mới bắt giữ. Đây là ví dụ của việc tôn kính tỳ-kheo, đối với tỳ-kheo phá giới cũng không dám sân hại. Cho nên, nếu dùng thủ đoạn phi pháp để đối phó với tỳ-kheo phá giới cũng là ác nghiệp.

 

     4. Xâm đoạt vật của Tăng thanh tịnh rồi cho tỳ-kheo phá giới

     Có một số tỳ-kheo xấu lôi kéo thế lực ác giúp đỡ với danh nghĩa là “hộ pháp”. Thế lực này giúp tỳ-kheo xấu tranh đoạt tiền bạc, vật chất, chùa chiền…. Điều này xem ra dường như vì hộ trì người xuất gia, nhưng nếu giúp cho tỳ-kheo phá giới thì thực là tạo tội!

     5. Phỉ báng làm hại Pháp sư

     Đây là nói phỉ báng, hãm hại Pháp sư giảng kinh hoằng Pháp. Trong một đất nước tự do như hiện nay sẽ không có việc này. Trước đây khi phong khí ở một số địa phương còn chưa khai thông, nếu có người xuất gia đến hoằng Pháp rất có khả năng bị phỉ báng, hãm hại. Như Pháp sư Đế Nhàn trước đây có một vị đệ tử xuất gia tên là Thiên Hi 天曦. Pháp sư Thiên Hi đến Quý Dương hoằng Pháp, giảng kinh ở một ngôi chùa nhỏ dưới chân núi Kiềm Sơn. Pháp sư giảng kinh rất giỏi, thính chúng đến nghe rất đông, đưa đến sự đố kỵ của những kẻ xấu. Do đó, họ cấu kết với quan phủ vu khống Pháp sư là du dân, tức kẻ lang thang vô lại, rồi đuổi Pháp sư ra khỏi tỉnh! Đây là ví dụ phỉ báng làm hại Pháp sư.

 

     6. Xâm đoạt của Tăng

     Xâm đoạt tài vật của người xuất gia cũng là trọng tội vô gián. Từ cuối đời Thanh đến nay, tài sản chùa chiền Trung Quốc đều bị hiểu lầm là của công, nên nhiều chỗ bị cưỡng đoạt hay gạt lấy. Người ta thường dùng danh nghĩa làm trường học để xâm chiếm tài sản của chùa. Hoặc có người cảm thấy đất đai trong chùa còn trống nên lợi dụng thế lực để ép mượn. Có một số không phải thực sự vì mượn làm trường học v.v…, mà chỉ viện lý do này kia để trục lợi cho riêng mình! Mỗi một ngôi chùa là trung tâm tín ngưỡng của dân chúng, cần phải thanh tịnh trang nghiêm. Phàm là một quốc gia có hệ thống pháp luật đàng hoàng, không có quốc gia nào là không tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Không luận là nhà thờ ở Âu Mỹ hay các đại tự viện ở Nhật Bản, ngày thường nhìn dường như trống vắng, nhưng mỗi khi có lễ lại không đủ dùng! Đây là trung tâm tín ngưỡng của dân chúng, giúp mọi người hướng thiện, hướng thượng. Nếu xem nó như là sự lãng phí mà mặc ý xâm đoạt, đây là một trong mười ác luân. Nếu cứ tạo ác nghiệp như vậy thì làm sao có kết quả tốt?

     7. Phá chùa đuổi Tăng

     Trong lịch sử Trung Quốc có mấy lần chùa chiền bị phá hủy, người xuất gia bị đuổi đi, đây là ác nghiệp nặng nhất! Mười ác luân này phân làm bảy loại, tùy làm bất cứ loại nào đều phạm trọng tội cùng cực, nhất định phải bị đọa vào địa ngục vô gián. Mười một tội lỗi và mười ác luân đều là chủng tử địa ngục. Không ai muốn đọa vào vô gián địa ngục. Vậy muốn không đọa địa ngục phải biết nguyên nhân sa đọa để không tạo ác nghiệp này! Nếu không gây nhân địa ngục thì sẽ không thọ quả báo đau khổ nơi địa ngục vô gián!

bottom of page