top of page

​THEO DẤU CHIM HỒNG:

Cuộc Đời và Đạo Nghiệp của Hòa Thượng Thích Thiện Tường
(1917 - 1984)

Đôi lời bộc bạch

Nhân sinh rốt cuộc là chi?
Chim Hồng lưu tạm dấu đi trên bùn
Chim bay về cõi vô tung
Người đi vào chốn mịt mùng ai hay?

Lão Tăng đã mất tháp xây
Thơ trên tường cũ còn đây nửa hàng!
Nhớ xưa bao lúc gian nan
Đường xa, ngựa mỏi, người càng gian nan!

(Thơ Tô Đông Pha, Sakya Minh-Quang dịch)

 

     Kính bạch giác linh Thầy,

     Hôm nay con chấp bút viết lại cuộc đời và Đạo nghiệp của thầy sau ba mươi tám năm từ ngày Thầy về cõi Phật (1984-2022). Hành trạng của Thầy như vết chân chim hồng lưu lại trên lớp bùn tuyết đang tan giữa “thế gian sinh diệt” và “nhân tình ấm lạnh”! Trong cái nắng gay gắt của vô thường, con sợ rằng, nếu con không kịp ghi lại những gì con biết về cuộc đời Thầy, một ngày nào đó, con và cả dấu chim hồng này cũng sẽ mất đi! Nếu vậy, đây là sẽ là điều vô cùng đáng tiếc và cũng là lỗi lớn của con đối với Thầy, với Tông môn, với Phật giáo, và với cả thế hệ tương lai!

     Con là thị giả những năm cuối đời Thầy, được gần gũi và có nhiều kỷ niệm với Thầy nhất trong số các huynh đệ. Con đeo đuổi sự nghiệp phiên dịch kinh điển, biên soạn kinh sách từ nhiều năm qua như Thầy từng mong đợi. Dù không thể hành Đạo ở Tổ Đình Giác Nguyên trong nước như Thầy đã từng kỳ vọng và giao phó, nhưng con đã xây dựng Tu Viện Thiện Tường ở Hải Ngoại để nhắc nhở mình luôn nhớ ơn và đền ơn Thầy.

 

     Mỗi đêm con ngồi dịch kinh, viết sách lại nhớ đến hình ảnh Thầy ngồi cặm cụi lấy nghĩa kinh bên ngọn đèn khuya. Thầy đã giúp con có lý tưởng, nền tảng và động lực để đeo đuổi con đường thâm nhập kinh điển, phiên dịch và biên soạn kinh sách để lợi ích chúng sinh. Con đường này rất ít người đi, cần nhiều kiên trì nhẫn nại. Đôi khi cảm con cảm thấy mệt mõi, lẽ loi…, nhưng khi nhớ về Thầy, con như được truyền thêm năng lượng để tiếp tục cuộc hành trình!

 

Đêm đêm đối bóng dịch kinh
Dáng xưa Thầy lại lung linh hiện về!

 

     Kính bạch Thầy,

     Thầy sinh ra giữa vùng đất bùn lầy nước mặn của Gò Công, lớn lên trong nghèo khó, tỉnh thức nhân sinh vô thường, khổ không mà xuất gia. Tìm được Minh sư, Hòa Thượng Sư Ông Lê Phước Chí, cuộc đời Thầy đã rẽ sang hướng mới. Nhờ tinh cần không ngại khó khổ, kiên trì với lý tưởng giáo dục và hoằng Pháp, Thầy đã để lại cho chúng con một gia tài vô giá. Đó trang sử vàng son của đời Thầy, được viết trên nền giấy cũ kỹ, đôi khi lem luốt của hoàn cảnh xã hội và Phật giáo đương thời!

 

     Đối với con, Thầy như cội cây cổ thụ ẩn dáng giữa rừng thiền, âm thầm che chở cho những chồi non Phật Pháp trưởng thành. Thầy lại như suối nguồn từ bi tuôn chảy, lan tỏa khắp lạch sông, mà những ai chịu ơn tắm rửa, uống nước chưa chắc nhớ nguồn để tri ân! Nhưng với bổn phận đệ tử, người đã chịu ơn giáo dưỡng trực tiếp của Thầy, con thấy mình có bổn phận và trách nhiệm để ghi lại cuộc đời và Đạo nghiệp của Thầy để lại cho hậu thế.

 

     Thế mà từ ngày Thầy viên tịch cho đến gần đây, con vẫn chưa thể viết được cuộc đời Thầy như nguyện! Ngoài những yếu tố khách quan, thú thật, trong trái tim con Thầy quá vĩ đại! Con sợ trí tuệ và ngòi bút nhỏ nhoi của mình không thể chuyển tải hết được hạnh đức trang nghiêm, chí nguyện kiên cường và công đức vô lượng đối với Đạo Pháp và chúng sinh của Thầy! Có lẽ con quá cầu toàn, nên dù chấp bút nhiều lần, cuối cùng bản thảo con viết vẫn còn dang dỡ!

 

     Mỗi năm vào ngày giỗ Thầy, con lại ngồi lặng yên tưởng niệm về tình Thầy trò thiêng liêng thuở nào. Rồi con lại dịch một bài kinh, hay một bài kệ để tưởng niệm và cúng dường Thầy, như thuở xưa Thầy đã dạy cho con từng chữ Hán câu kinh để nuôi dưỡng sơ tâm của mình! Ngày lễ húy kỵ của Thầy lần thứ ba mươi tám lại sắp đến, con tổ chức An Cư Sứ Giả Như Lai, Đại Giới Đàn Thiện Tường, làm lễ Húy Kỵ Thầy (12-18/09/2022) lần đầu tiên ở Hải Ngoại để tỏ lòng tri ân và báo ân Thầy trong muôn một. Nhân đây, con cũng cố gắng viết xong cuộc đời, hành trạng và Đạo nghiệp của Thầy dù có trễ tràng và còn nhiều thiếu sót.

 

     Soạn phẩm Theo Dấu Chim Hồng: Cuộc Đời, Hành Trạng và Đạo Nghiệp của Hòa Thượng Thích Thiện Tường là Pháp cúng dường, con xin được đảnh lễ, kính dâng lên Thầy. 

 

     Ngưỡng mong Thầy từ bi tha thứ, đón nhận và chứng minh cho tấm lòng thành kính, tri ân của người đệ tử lưu lạc phương xa!

 

     Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát,
     Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.

     Đệ tử Sakya Minh-Quang đảnh lễ cúng dường.

  1. Xuất thân bình dân, nghịch duyên trợ Đạo
     

Như ruộng nước hôi dơ
Bên đường cái nằm trơ
Hoa sen mọc trong đó
Thơm sạch đẹp ý người.

Cũng vậy giữa phàm phu
Bị sinh tử cầm tù
Người trí vui giải thoát
Làm con Phật tiến tu!

(Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Sakya Minh-Quang dịch)

 

     Hòa thượng Trưởng lão Thích Thiện Tường (1917-1984) Pháp danh là Thanh Giới, Pháp tự Chơn Như và Pháp hiệu Thiện Tường, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41. Hòa Thượng thế danh Ngô Văn Phải, sinh ra trong một gia đình nông dân chất phác ở làng Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Thân phụ Ngài là cụ ông Ngô Văn Chồn, thân mẫu cụ bà Đỗ Thị Thơ. Hòa Thượng là con thứ hai trong gia đình năm anh em, lên chín đã mất cha, một mình phụ mẹ giúp đỡ gia đình và nuôi dạy các em. Hoàn cảnh gia đình khó khổ, phải tự lập từ thuở nhỏ, đã góp phần tạo nên tính cách cương nghị, kham nhẫn và gánh vác của Ngài.  

 

     Năm mười chín tuổi, dưới sự sắp đặt của gia đình, Ngài đính hôn với một người con gái trong làng. Tuy nhiên thế sự vô thường, tật bệnh chợt đến, chân bị bại liệt trong một thời gian dài dù đã tìm nhiều cách chạy chữa. Vì vậy, Ngài quyết định từ hôn, khuyên người con gái đó tìm hạnh phúc nơi khác. Sau nhờ kiên trì uống thuốc Nam, Hòa Thượng đã lần lần bình phục. Trong thời gian bệnh tật, Ngài tư duy sâu sắc về bản chất nhân sinh, thấy rõ sự thật vô thường, khổ không của cuộc sống. Sau đó không lâu, ông chú của Hòa Thượng lại qua đời, một lần nữa Ngài lại chiêm nghiệm sâu sắc hơn về cái chết. Trong tang lễ, được tiếp xúc trực tiếp với hình bóng chư Tăng, nghe lời kinh tiếng kệ, chủng tử Phật Pháp và nhân duyên xuất thế nhiều đời khai phát, Ngài đã triệt để buông xuống mọi vướng mắc, dũng mãnh xuất gia, tìm thầy học đạo.

 

     Năm 1937, Ngài khởi đầu con đường tìm Thầy xuất gia của mình ở một ngôi chùa ở làng Bình Thạnh, Gò Công. Nhưng thời đó Phật Pháp chưa xương minh, nhiều vị trụ trì mang hình thức xuất gia nhưng có gia đình vợ con, không học kinh hành luật, sống bằng việc tụng kinh đám tang.  Đức Phật dạy: “Nơi nào có cơm mà không có Pháp thì không nên ở.” Thấy đây là nơi không có Pháp, người thanh niên nông dân chân chất, ít học nhưng cương nghị và trí tuệ đã dứt khoát ra đi, tiếp tục tầm sư học Đạo, quyết tìm ra con đường sáng cho mình.

 

     Nhìn lại quê hương của Hòa Thượng, Gò Công là một vùng đất ngập mặn, thiếu nước ngọt, người dân phải đào ao chứa nước mưa để dùng cho việc sinh hoạt quanh năm. Dân quê nơi đây phần lớn nghèo khổ, cuộc sống làm lũ vì đất đai canh tác không nhiều, phần lớn lại cằn cỗi, mỗi năm chỉ làm lúa được một mùa. Vậy mà nơi bùn lầy nước đọng này lại sản sinh ra một bậc Long Tượng trong Phật Pháp! Hòa Thượng Thiện Tường như hoa sen thơm sạch lớn lên giữa bùn lầy nước đọng, đem sắc và hương làm đẹp cho cuộc đời! Hòa Thượng cũng từng bảo: ““Tôi vốn từ vũng nước đục được chảy ra dòng nước trong, nhờ phước duyên xuất gia học Phật mới có được ngày hôm nay. Nhưng tôi vẫn không quên chỗ xuất thân của mình!”

2. Muôn dặm tìm Thầy, hội ngộ Minh sư

Xa quê lìa bạn,
xuống tóc theo Thầy.
Trong siêng công phu chánh niệm;
Ngoài tỏ đức hạnh lục hòa.
Lánh xa thế tục,
chí cầu xuất ly.

(“Quy Sơn Cảnh Sách”, Sakya Minh-Quang dịch)

 

     Với chí nguyện cầu Pháp, không ngại hy sinh khó khổ, Hòa Thượng Thiện Tường đã từ giã quê hương, đi nhờ xe lên Sài Gòn, rồi một mình lang thang tìm Thầy giữa đất Sài Gòn phồn hoa, không người quen biết. Ngài kiên nhẫn hỏi thăm và xin tu ở một vài ngôi chùa, tuy nhiên không ai nhận. Lúc đó nhằm thời loạn lạc, Phật Pháp suy vi, lòng người nghi kỵ, thật khó để thu nhận một người xa lạ. Hòa Thượng đã hỏi thăm nhiều nơi, cuối cùng quyết định đến xin tu ở Chùa Linh Sơn, Cầu Muối vì nghe nói nơi đây xuất bản Tạp Chí Từ Bi Âm, có chương trình xây dựng Thích Học Đường, đào tạo Tăng tài. Chùa Linh Sơn là nơi thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (1931), cái nôi của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi. 

 

     Trụ trì chùa Linh Sơn lúc bấy giờ Hòa Thượng Sư Ông Lê Phước Chí (1879-1943), Pháp danh Minh Huệ, một bậc Cao Tăng thạc học. Hòa Thượng Lê Phước Chí ngoài việc trụ trì, thuyết giảng khắp nơi, viết lách, đặc biệt viết về giáo dục và giới luật Phật giáo, Ngài còn lo kế hoạch xây dựng Thích Học Đường cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (Xem “Từ Bi Âm”). Bên cạnh đó, Hòa Thượng Sư Ông còn dịch thuật kinh điển, đề xướng và khuyên người trì tụng kinh bằng chữ Quốc ngữ thay vì bằng chữ Hán như xưa:

 

Phật Pháp tuy mầu chỉ nói tâm
Vì tâm vô tướng hóa thành thâm
Kính mong độc giả đừng nghi ngại
Diễn dịch tôi đâu dám để lầm!

(Lê Phước Chí, “Từ Bi Âm”)

 

     Hòa Thượng Sư Ông Lê Phước Chí là đệ tử của Hòa Thượng Sư Tổ Thích Thiện Quang, Nguyễn Chánh Tâm (1879-?), người đầu tiên hiến cúng mười lăm năm huê lợi ruộng chùa mình cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học để lo việc giáo dục Tăng tài và Hoằng Pháp. (Xem “Từ Bi Âm” và Thích Thiện Hoa, Năm Mươi Năm Chấn Hưng Phật Giáo). Ngài là vị thay thế Hòa Thượng Khánh Hòa làm chủ nhiệm “Từ Bi Âm” và có lẽ cũng là người đầu tiên dịch bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật A-di-đà và Tịnh Độ Quyết Nghi Luận ra chữ Quốc ngữ đăng trên “Từ Bi Âm” thời đó. (Xem Sakya Minh-Quang, Tông Phong Tổ Ấn)

     Hòa Thượng Sư Ông Lê Phước Chí vừa thấy Hòa Thượng Thiện Tường liền nhận ra là bậc Pháp khí, tương lai của Phật giáo. Nghe Hòa Thượng Thiện Tường xin xuất gia tu học Ngài liền hoan hỷ hứa khả. Tuy nhiên, người có quyền lực quản lý chùa Linh Sơn lúc đó là Cư sĩ Trần Nguyên Chấn lại không đồng ý. Hòa Thượng Sư ông Lê Phước Chí phải đứng ra can thiệp và bảo lãnh, cuối cùng Hòa Thượng mới được ở lại chùa Linh Sơn tu học.

 

     Hòa Thượng Thiện Tường gặp được Hòa Thượng Lê Phước Chí là nhân duyên Thầy trò nhiều kiếp. Từ Sư Tổ Thích Thiện Quang cho đến Sư Ông Minh Huệ Lê Phước Chí  đều là người có tâm chấn hưng Phật giáo, lo việc giáo dục, phiên dịch và biên soạn kinh điển. Người xưa nói: “Minh sư xuất Cao đồ”, cuộc đời hành đạo chăm lo giáo dục Tăng tài và phiên dịch kinh điển sau này của Hòa Thượng Thiện Tường hẵn đã được khai phát, định hướng và kế thừa từ Thầy Tổ của mình!

 

     Hòa Thượng Thiện Tường là người siêng năng cần mẫn và hiếu thuận với Thầy. Ngoài công phu tụng niệm và làm công quả mọi việc lớn nhỏ trong chùa, Ngài còn hết lòng hầu Thầy hôm sớm, không chút lơ là, trễ nãi. Bên cạnh sự học hỏi từ Hòa Thượng Bổn sư Lê Phước Chí, Hòa Thượng Thiện Tường còn tự học thêm Phật Pháp qua Tạp Chí Từ Bi Âm và các sách vở Phật Pháp có ở Pháp Bảo Phường hay thư viện Phật giáo của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Hòa Thượng Lê Phước Chí thấy Ngài tinh tấn tu hành, thiết tha học Pháp, siêng năng công quả và hầu Thầy, nên rất thương yêu quý trọng. Cư sĩ Trần Nguyên Chấn cũng thay đổi thái độ, cảm mến hạnh tu và tinh thần hy sinh phụng sự Tam Bảo, nên muốn Ngài ở lại chùa Linh Sơn lâu dài.

 

     Năm 1941, Hòa Thượng Sư ông Lê Phước Chí thấy Hòa Thượng Thiện Tường có đầy đủ phẩm cách của một vị Tỳ-kheo, nên dạy Ngài đi thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn tổ chức ở chùa Xuân Quang, thị xã Phan Thiết. Hòa Thượng Thiện Tường đã thọ tam đàn cụ-túc, tức đàn giới Sa-di, đàn giới Tỳ-kheo và đàn giới Bồ-tát tại nơi đây. Trước đó, Hòa thượng Sư ông đã dạy Ngài học thuộc lòng, thông hiểu và hành trì bốn quyển luật tiểu: (1) Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu, (2) Sa-di Luật Nghi, (3) Oai Nghi và (4) Quy Sơn Cảnh Sách.

 

     3. Lên đường cầu Pháp, duyên gặp bạn lành

 

Đi xa cần nương bạn lành,
thường giúp thanh tịnh tai mắt.
Ở phải chọn người có Pháp,
luôn nghe được chỗ chưa nghe.

Nên nói:
“Sinh ta là cha mẹ,
nên ta là thầy bạn.”

Gần thiện tri thức,
như đi trong sương,
tuy không ướt y,
cũng thường thấm đượm.

(“Quy Sơn Cảnh Sách”, Sakya Minh-Quang dịch)

 

     Năm 1943, Hòa Thượng Lê Phước Chí viên tịch. Không còn Thầy nương tựa, nhớ lại lời khuyên ra Huế tham học của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa khi Ngài ghé thăm và nghỉ lại chùa Linh Sơn trước đây, Hòa Thượng Thiện Tường quyết không kế thừa chùa chiền mà ra đi cầu Pháp. Cư sĩ Trần Nguyên Chấn muốn Ngài ở lại lo cho chùa, nên đã làm mọi cách để giữ lại, từ nài nỉ cho đến gây khó khăn.

     Là bậc trượng phu: “Phú quý bất dâm, bần cùng bất di, uy vũ bất khuất”, Hòa Thượng không chút lay động, giữ vững sơ tâm. Sợi dây danh lợi, nhân tình không trói buộc được chí hướng cao rộng của chim Hồng chim Hộc! Hòa Thượng đã bỏ lại sau lưng tất cả từ chùa chiền, danh vị, quyền lợi v.v…, quyết ra đi vì lý tưởng cần cầu Phật Pháp. Hồi ức về việc này, Hòa Thượng cảm khái bảo: “Nhân tình ấm lạnh, thế sự vô thường. Ban đầu mình khổ vì xin ở lại tu, phải năn nỉ, bảo lãnh mãi mới được; giờ lại khổ vì không cho đi, làm đủ cách để giữ lại. Thật đúng là ghét cũng khổ mà thương cũng khổ!” (“Tiểu Sử Thích Thiện Tường”)

 

     Lúc đó, cùng ra đi cầu Pháp với Hòa Thượng Thiện Tường có Hòa Thượng Sư huynh Thích Thới An (1912-1986), đệ tử y chỉ của Hòa Thượng Lê Phước Chí. Hai huynh đệ rời chùa Linh Sơn, đi nhiều nơi tìm Thầy học Đạo. Ban đầu quý Ngài định ra Huế, nhưng thấy bất tiện, nên quyết định xuôi Nam, tham học với các bậc Tông Tượng đương thời. Trong hành trình du phương tham học này, Hòa Thượng Thiện Tường và Hòa Thượng Thới An đã nương học với các bậc Thạc đức bấy giờ như Hòa Thượng Hòa Bình ở chùa Kim Huê và Hòa Thượng Bửu Đạt ở chùa Linh Sơn, Sa Đéc.

     Năm 1944, theo lời khuyên và giới thiệu của Hòa Thượng Hòa Bình chùa Kim Huê, Hòa Thượng Thiện Tường và Hòa Thượng Thới An nhận chùa Long An ở Sa Đéc để làm cơ sở hoằng dương Phật Pháp, chiêu sinh và mời Pháp sư về giảng dạy, đào tạo Tăng tài. Như vậy, các Ngài vừa làm Phật sự vừa có thể tu học cho mình.

 

      Nhân duyên đầy đủ, Hòa Thượng Pháp sư Thích Hành Trụ, lúc đó làm giáo thọ chùa Hội Phước, Nha Mân Sa Đéc, đến viếng thăm chùa Long An. Hòa Thượng Thiện Tường và Hòa Thượng Thới An đã nhất trí thỉnh Pháp sư Hành Trụ làm trụ trì để mở Phật Học Đường đào tạo Tăng Tài. Ba vị Hòa Thượng đồng tâm đồng chí, đều có lý tưởng giáo dục, hoằng Pháp, nên đã kết tình Pháp lữ, cùng nhau phát nguyện trước Tam Bảo chùa Long An:

 

"Chúng con Hành Trụ, Thới An, Thiện Tường xin phát nguyện trước Tam Bảo và mười phương Chư Phật, chư Đại Bồ-tát. Xin tác đại chứng minh, cho chúng con kết bạn đồng hành, đồng tu, đồng chứng, đời đời kiếp kiếp cứu độ lẫn nhau, cho đến khi ba chúng con đồng thành Phật, đồng trở lại cõi Ta-bà tiếp độ chúng sanh, đồng thành Phật đạo mới viên mãn nguyện của chúng con!"

(Trích từ “Vài Dòng Tiểu Sử” của Hòa Thượng Thích Thới An)

4. Dựng Phật Học đường, nuôi dạy Tăng chúng

Tu tập Chánh Pháp
Liễu ngộ Đại Thừa
Hành môn sáu độ lợi sinh
Vượt biển ba kỳ thành Phật.

Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi
Phá lưới nghi ngờ lớp lớp
Hàng phục chúng ma
Nối dòng Tam Bảo.

(“Sám Quy Mạng”)

 

     Từ đó, Hòa Thượng Hành Trụ, Hòa Thượng Thới An, Hòa Thượng Thiện Tường bắt đầu chiêu tập Tăng sinh, mở lớp dạy kinh, luật, luận. Chùa Long An Sa Đéc đã trở thành một trong những trung tâm giáo dục Phật giáo ở Miền Tây thời bấy giờ. Vào thời chiến loạn, an ninh ở Miền Tây không đảm bảo, lớp học thường bị gián đoạn vì phải tạm giải tán để lánh nạn. Trước tình thế này, quý Hòa Thượng quyết định tìm đất ở Sài Gòn để xây dựng Phật Học Viện lâu dài.

 

     Năm 1946, quý Hòa Thượng xây dựng chùa Tăng Già ở vùng Khánh Hội quận 4, sau đổi thành chùa Kim Liên, để làm trường Phật học cho ni chúng. Năm 1947 quý Ngài lại xây dựng Phật Học Đường Giác Nguyên, đào tạo chư Tăng. Khi thành lập Phật Học Đường Giác Nguyên, giờ là Tổ Đình Giác Nguyên, Hòa Thượng Thích Khánh Phước đã về cùng chung lo Phật sự, lập nên ban giám đốc Phật Học Đường gồm bốn vị: (1) Hòa Thượng Hành Trụ, (2) Hòa Thượng Thới An, (3) Hòa Thượng Thiện Tường, (4) Hòa Thượng Khánh Phước.

 

     Phật Học Đường Giác Nguyên là nơi đào tạo Tăng tài, nhiều lần mở trường Hạ, trường Hương, khai Giới đàn, tiếp Tăng độ chúng. Đây là trú xứ cho chư Tăng miền Tây và miền Trung thời đó về nương tựa tu học. Vài vị trong số đó có Hòa Thượng Huệ Hưng (giáo thọ), Hòa Thượng Phước Tịnh, Hòa Thượng Thái Siêu (Tăng sinh) v.v…. Như vậy, chí nguyện và kế hoạch xây dựng Thích Học Đường của Hòa Thượng Sư Ông Lê Phước Chí thuở xưa, cuối cùng đã được Hòa Thượng Thiện Tường thực hiện, hoàn thành tâm nguyện còn dang dỡ của Thầy mình!

 

     Vào thời kỳ đó, chiến tranh loạn lạc khắp nơi, con đường giao thông huyết mạch từ vựa lúa miền Tây lên Sài Gòn bị pháo kích và đặt mìn thường xuyên. Khi giao thông bị gián đoạn nhiều ngày, Phật Học Đường Giác Nguyên không còn gạo để nuôi hơn Tăng chúng theo học hơn một trăm vị lúc đó. Hòa Thượng Thiện Tường vì có gạo nuôi chúng đã quyết tâm đi bộ cả tháng xuống miền Tây, chấp nhận rủi ro sinh mạng để xin gạo về nuôi chúng. (Xem Thích Thới An, “Vài Dòng Tiểu Sử”).   Hòa Thượng Thiện Tường từng bảo với đại chúng: “Tôi sẵn lòng chịu cực khổ lao tác, lo cho đại chúng yên tâm tu học, có hy sinh thân mạng cũng không sao. Chỉ cần quý Thầy giới luật trang nghiêm, cố gắng tinh tấn tu học để Phật giáo ở tương lai có nhân tài hoằng Pháp là được!”

 

     Năm 1950, Hội Phật tử chùa Vạn Thọ đệ tử của sư Huệ Nhật (1903-1950) vì Thầy mình đã viên tịch và cảm mến Đạo hạnh của Hòa Thượng Thiện Tường, nên phát tâm hiến cúng ngôi chùa Vạn Thọ ở Tân Định, Sài Gòn (thuộc quận 1 hiện nay). Hòa Thượng đã về đây trùng tu lại chánh điện và phòng xá, biến ngôi chùa này thành nơi nuôi dưỡng và đào tạo Tăng tài. Trong số Tăng sinh thuở đó, có thầy Thanh Sơn hiện trụ trì chùa Vạn Thọ, thầy Thiện Tâm trụ trì chùa Vạn Hạnh North Carolina, thầy Huyền Diệu ở Ấn Độ v.v…. Đây chỉ kể vài vị trong rất nhiều Tăng tài đã y chỉ và tu học dưới sự che chở của Hòa Thượng Thiện Tường.

 

     Suốt mười năm (1950-1960), Hòa Thượng Thiện Tường chẳng những lo xây dựng chùa Vạn Thọ, nuôi dưỡng, dạy dỗ Tăng chúng mà còn giúp xây dựng, trùng tu các ngôi già lam khác như chùa Tăng Già (Kim Liên), Giác Nguyên, Thiền Lâm, Giác Minh, Quan Âm, Thiên Phước, Hội Tôn....

 

     Năm 1960, Hòa Thượng Thiện Tường trở về làm Hóa chủ Tổ đình Giác Nguyên nhiếp độ tứ chúng để thay ba vị huynh đệ đã nhận trú xứ khác để hoằng dương Phật pháp. Ví dụ, Hòa Thượng Hành Trụ ra trụ trì Chùa Chánh Giác ở Bà Chiểu, sau về trụ trì Chùa Đông Hưng ở Thủ Thiêm. Hòa Thượng Thới An ra trụ trì chùa Phổ Hiền ở Đa Cao.

5. Tham gia Giáo hội vì hoằng Giáo Pháp

Tín đồ Phật giáo phụng thờ ai?
Chẳng có ai ngoài đức Như Lai!
Là vị Lương Y muôn bệnh khổ
Một người Hướng Đạo vạn đường gai!

Tu hành lục độ tâm tinh tấn
Quán tưởng từ bi hận xóa bôi
Lửa hận đã tàn, tham đã tận
Si mê trừ dứt tuệ đâm chồi!

(Kệ ngâm của Hòa Thượng Thiện Tường)

     Trong Pháp nạn Phật giáo năm 1963, Hòa Thượng cùng chư Tôn đức khác tích cực tham gia bảo vệ Chánh Pháp. Đầu năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Từ năm 1973, Hòa Thượng nhờ có đời sống thiểu dục tri túc và hạnh đức liêm khiết nên được Giáo Hội thỉnh cử giữ chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh-Kiến Thiết trong liên tiếp ba nhiệm kỳ. 

 

     Từ năm 1963 đến 1966, Hòa Thượng được thỉnh làm Trụ trì Chùa Việt Nam Quốc Tự, kiêm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo. Cũng tại nơi đây, Hòa Thượng độ thầy Thích Phước Quang xuất gia, sau thành Hội trưởng Phật Giáo Hoa Tông, trụ trì Tịnh xá Từ Đức (đã viên tịch) và thầy Thích Quảng Hiền, trụ trì Chùa Lâm Tế hiện nay.

 

     Năm 1968, Ngài được Giáo Hội cử tham gia phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi thăm Phật giáo các nước như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản. Năm 1969, Ngài làm Hóa chủ kiêm Giám đốc Phật học viện Tổ đình Giác Nguyên.

 

     Dù bôn ba Phật sự khắp nơi, nhưng Hòa Thượng luôn “lấy Giới làm Thầy”, chánh niệm niệm Phật, một lòng quy hướng Tịnh Độ. Nhiều Giới đàn quý kính đức hạnh đã cung thỉnh Ngài làm Hòa Thượng Đàn Đầu, Yết-ma A-xà-lê, Giáo Thọ A-xà-lê, hay Đệ nhất Tôn chứng sư. Giới đức của Hòa Thượng đã thành tựu giới thân huệ mạng cho vô số giới tử thời đó. Ngài đã chứng minh và truyền giới cho rất nhiều Giới đàn lớn nhỏ. Nơi đây chỉ nêu ra vài Giới đàn điển hình. Ví dụ, Ngài làm Hòa Thượng Đàn Đầu tại Đại giới đàn chùa Vạn Thọ năm 1957, và chùa Việt Nam Quốc Tự năm 1967, 1968. Ngài cũng làm Giáo Thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Ấn Quang năm 1973 và Đại giới đàn Quảng Đức năm 1977, Đệ nhất Tôn chứng Đại giới đàn Thiện Hòa tại Ấn Quang năm 1980.

 

     Cho đến hiện nay, các bậc Tôn Đức đương thời từng làm Phật sự chung với Ngài còn lại như Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Hòa Thượng Minh Thông chùa Vĩnh Nghiêm, California, Hòa Thượng Đạo Quang chùa Quan Âm, California… mỗi khi nhắc đến Hòa Thượng đều vô cùng kính trọng và tán thán tâm hạnh cao thượng, giới luật tinh nghiêm của Ngài. (Gặp và tham vấn của bút giả). Những học tăng và chúng cũ của Phật Học Đường Giác Nguyên khi xưa như thầy Phước Tịnh, thầy Thái Siêu khi nhắc đến Hòa Thượng đều với lòng tôn kính và tri ân. Hòa Thượng Thái Siêu nói: “Tôi nghĩ Hòa Thượng Thiện Tường là Bồ-tát tái lai, hiếm ai có được đức hy sinh vì đại chúng như Ngài.”

6. Lui về chuyên tu, dịch kinh dạy luật

Điều thứ ba biết tâm giong ruỗi
Luôn tìm cầu đeo đuổi chẳng nhàm
Không sao thỏa được lòng tham
Tội kia theo đó càng làm càng sâu.

Bậc Bồ-tát vô cầu biết đủ
Vui phận nghèo quy cũ tu hành
Trau giồi tuệ nghiệp lợi sanh
Vung gươm trí tuệ, dứt mành vô minh!

(Kinh Tám Điều Giác Ngộ, Sakya Minh-Quang dịch)

 

     Sau năm 1975, thời cuộc thay đổi, Phật giáo Việt Nam cũng có nhiều biến động. Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không còn hoạt động chính thức trong nước. Hòa Thượng Thiện Tường lui về chuyên tu, bảo toàn khí tiết, không tham gia Giáo Hội mới, nhưng vẫn giữ trọn Đạo tình và thái độ khiêm kính với tất cả chư Tôn Đức dù thuộc Giáo Hội nào.

 

     Giai đoạn này, Hòa Thượng mở lớp gia giáo giảng dạy Hán văn Tứ Phần Luật, các bộ Luật tiểu, Kinh Di-giáo, Di-Đà Sớ Sao, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư v.v…. cho chúng xuất gia trong chùa. Ngoài ra, Hòa Thượng còn tổ chức “lấy nghĩa kinh”, tức làm việc đối chiếu nguyên bản kinh chữ Hán và bản dịch Việt ngữ, để thấy sự đồng dị giữa cú pháp Hán ngữ và Việt ngữ, cũng như biết được người trước đã dịch kinh như thế nào. Hòa Thượng nhờ người viết chữ Hán, còn mình đích thân lấy nghĩa kinh, sau đó Ngài chọn bút giả cùng phụ giúp lấy nghĩa.

 

     Hòa thượng là người nghiêm trì giới luật, sống thiểu dục tri túc, không quá ba y, chỗ ở là một gian phòng nhỏ đơn sơ nơi hậu Tổ. Ngài luôn thọ trai cùng đại chúng, chúng ăn gì Ngài ăn nấy. Nếu được cúng y áo, thức ăn… dư ra, Ngài đều chia sẻ cho mọi người. Mỗi sáng Ngài thức dậy trước chúng, thỉnh Đại Hồng Chung, ngâm nga những bài kệ tụng chữ Nôm dễ hiểu mà sâu sắc. Ví dụ:

Tín đồ Phật giáo phụng thờ ai?
Chẳng có ai ngoài đức Như Lai
Là vị Lương Y muôn bệnh khổ
Một người Hướng Đạo vạn đường gai!

Hay:

Bởi vì mang lấy chữ nghèo
Chữ nghèo đằng cuối có vần “eo”
Vần “eo” thúc đẩy mau thành Đạo
Thành Đạo vì nghèo ít kẻ theo!

 

     Giọng ngâm của Hòa Thượng sang sảng như tiếng Đại Hồng Chung, cao vút như cánh chim bằng lộng gió, làm lay động tâm thức, giúp chuyển hóa phiền não người nghe một cách âm thầm mà sâu xa! Tiếng Đại Hồng Chung và lời ngâm của Hòa Thượng vượt qua khuôn viên Tổ Đình, những Phật tử xung quanh chùa thức dậy sớm, hay buôn bán trước cửa chùa đều rất thích nghe. Một vị Phật tử đi buôn bán sớm, thường dừng lại trước cổng cửa chùa Giác Nguyên để nghe Ngài ngâm kệ, nói rằng: “Mỗi buổi khuya con đều nghe Hòa Thượng hô chuông xong mới gánh hàng đi bán!” Cho nên, dù đã trải qua bốn mươi năm, bút giả vẫn nhớ được một số bài kệ được nghe mỗi buổi sáng sớm trong thời kỳ sơ tâm xuất gia! Lại nữa, ngày nay bút giả có thể viết kệ tụng, có lẽ một phần nhờ huân tập những bài thi kệ của Ngài từ buổi sơ tâm!

 

     Sau khi thời thỉnh Đại Hồng Chung của Hòa Thượng, đại chúng lên chùa công phu khuya lúc bốn giờ sáng. Hòa thượng ở dưới ngồi thiền, rồi đi kinh hành niệm Phật, cũng là để giám sát. Sau khi tảo thực xong, Hòa Thượng mặc chiếc áo cũ kỹ thân quen, lấm đầy mủ chuối, tay cầm cuốc xẻng ra vườn lao tác mãi đến trưa mới vào thọ trai.

 

     Có một câu chuyện mà nhiều thầy trong chúng lúc đó đều biết. Một hôm có gia đình Phật tử ở xa, vì nghe danh đức của Hòa Thường nên tìm đến để đảnh lễ cúng dường, gieo duyên học Đạo. Quý Phật tử này vào chùa trước lễ Phật, sau muốn gặp Hòa Thượng trụ trì nhưng không thấy. Họ mới hỏi thầy tri khách Hòa Thượng ở đâu. Thầy mới bảo Hòa Thượng đang làm vườn phía sau chùa. Nghe vậy, Phật tử liền ra sau tìm Hòa Thượng. Nhưng họ ra vườn tìm hoài không thấy, chỉ thấy một ông già mặc quần áo rách vá, dính đầy mủ chuối đang cầm cuốc xới mấy luống rau lang. Nghĩ ông là người công quả, họ hỏi thăm Hòa Thượng trụ trì ở đâu. Ông già đó bảo các vị lên hậu Tổ ngồi chờ, chút nữa sẽ gặp Hòa Thượng. Một lát sau “ông già công quả” đó xuất hiện ở nhà Tổ sau khi rửa tay chân, cho họ biết mình chính là Hòa Thượng trụ trì. Phật tử giật mình sám hối, quỳ xuống đảnh lễ, vô cùng cảm động trước đời sống thiểu dục tri túc và hạnh “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Ngài!

 

     Buổi chiều sau giờ chỉ tịnh, Hòa Thượng thường dạy chúng học hay tự mình ngồi dịch hoặc lấy nghĩa kinh. Có bài kệ nào hay, Ngài viết chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa trên tờ giấy tập, rồi dán lên tường hay các cột trụ gỗ nơi hậu Tổ cho đại chúng cùng đọc. Bút giả còn nhớ một bài kệ chữ Hán, Hòa Thượng viết và dịch dán trên cột nhà Tổ như sau:

Bì bao cốt nhục tịnh thể huyết
皮包骨肉并膿血
Cưỡng tác yêu kiều cuống hoặc nhân
強作嬌嬈誑惑人
Thiên cổ anh hùng giai tọa thử
千古英雄皆坐此
Bách niên đồng tác nhất khanh trần.
百年同作一坑塵

Dịch:

Da bao máu, thịt, xương, gân
Bên ngoài yểu điệu ân cần gạt nhau!
Anh hào kim cổ biết bao
Chỉ vì chữ “sắc” trần lao buộc mình!

 

     Bút giả chỉ nhớ bài kệ chữ Hán, nhưng không nhớ chính xác bản dịch của Ngài, cho nên nay tự mình dịch lại. Buổi tối sau thời Tịnh Độ, chùa thường tụng Kinh Pháp Hoa, sau khi Phật tử về hết, Hòa Thượng lại ngồi lấy nghĩa kinh đến khuya mới đi ngủ. Thỉnh thoảng, Hòa Thượng cho đem trái cây cúng Phật xuống mọi người cùng chia nhau ăn và trò chuyện. Là thị giả, hằng đêm bút giả lo việc giăng mùng, tấn giường, và xoa dầu cho Hòa Thượng. Đây là dịp mà mình có thể trò chuyện và nghe Ngài kể về những việc liên quan đến cuộc đời và kinh nghiệm hành Đạo của Ngài. Xin chia sẻ một cuộc trò chuyện và hỏi đáp giữa Thầy trò trong lúc đó.

 

     Một hôm, buổi trưa bút giả chở Hòa Thượng đi chứng trai ở chùa Linh Sơn Cầu Muối. Đương thời Hòa Thượng Nhật Minh làm trụ trì nơi đây. Bút giả thấy có vài vị Hòa Thượng chứng minh đắp y gấm màu đỏ có viền kim tuyến, đầu đội mão hiệp chưởng, trong khi Hòa Thượng mình cũng chứng minh nhưng chỉ quấn y (Ngài quấn y theo Nam truyền), đầu trần ngồi bên cạnh. Đến tối lúc hầu Thầy, bút giả hỏi: “Con thấy quý Hòa Thượng chứng minh khác có y gấm rất đẹp, lại mang mũ hiệp chưởng trang nghiêm, nhưng sao Thầy lại không có?”

 

     Hòa Thượng đáp: “Bộ ông không biết nghĩa của cà-sa là hoại sắc y hả? Ông cũng không thấy “viên đảnh phương bào” (đầu tròn áo vuông) là tướng đẹp nhất của người tu hay sao?” Nghe vậy bút giả chỉ thưa: “Dạ, con hiểu rồi.” Nhưng thật ra mình vẫn chưa hiểu hết! Về sau, trưởng thành hơn trong Đạo, bút giả mới thấm thía lời dạy mộc mạc của Thầy mình. Càng thấm thía lại càng thương kính Thầy và biết mình có duyên phước nhiều đời mới thân cận được một bậc Thiện tri thức như vậy! Sau này, mỗi khi đọc Kinh Di Giáo, đến chỗ đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, hãy tự xoa lên đầu! Các ông đã dẹp bỏ cái đẹp của trang sức, đắp chiếc y hoại sắc, hai tay cầm bình bát sống bằng hạnh khất thực…” thì bút giả lại nhớ đến lời Thầy dạy khi xưa!

7. Chuẩn bị ra đi, phó chúc Chánh Pháp

 

Từ Phụ từng thiết tha:
“Ai là con của Ta
Hãy thừa kế Chánh Pháp
Đừng tài vật xa hoa.”

Chùa chiền là phương tiện
Hoằng Pháp lợi nhân thiên
Không tu, không hoằng hóa
Chùa lớn càng oan khiên!

(Sakya Minh-Quang, “Kế Thừa Chánh Pháp”)

 

     Năm 1984, Hòa Thượng biết mình chẳng bao lâu nữa sẽ về Phật, nên đã sắp xếp trước mọi việc. Ngày 24/01/1984, nhằm ngày 22 tháng chạp năm Quý Sửu, Hòa Thượng về thăm quê hương Gò Công lần cuối. Hòa Thượng bảo bút giả chở Ngài bằng xe đạp ra bến xe Chợ Lớn, rồi hai Thầy trò lên xe đò, gởi xe đạp lên xe khách rồi cùng về Cần Đước. Đến nơi bút giả lấy xe đạp xuống, qua phà Mỹ Lợi, rồi đạp xe chở Hòa Thượng về Gò Công. Hòa Thượng chỉ ghé nhà thăm hỏi người thân một lát, dùng cơm trưa với dưa leo chấm chao, rồi đi thăm ông chủ ruộng ngày xưa. Đây là người giàu có trong vùng, đã cho gia đình Hòa Thượng thuê đất làm ruộng.

 

     Ông chủ ruộng tuổi gần tám mươi, người còn khỏe, mặc bộ đồ bà ba trắng, mời trà và tiếp Hòa Thượng trên chiếc tợ giữa nhà. Bút giả đứng hầu Thầy bên cạnh. Trong câu chuyện hàn huyên, Hòa Thượng tỏ lòng tri ân người chủ ruộng tốt bụng ngày xưa. Ngài bảo: “Tôi vốn từ vũng nước đục được chảy ra dòng nước trong, nhờ phước duyên xuất gia học Phật mới có được ngày hôm nay. Nhưng tôi vẫn không quên chỗ xuất thân của mình, không quên ân nghĩa ông đã giúp gia đình tôi khi xưa!”

 

     Thăm quê nhà xong, hai Thầy trò từ giã mọi người ra về. Qua phà Mỹ Lợi thì trời đã xế chiều, không còn xe đò về Thành phố. Nghe lời người địa phương bảo về Thành phố không xa, hai Thầy trò quyết định đi xe đạp về chùa! Nhưng có lẽ người địa phương không có khái niệm chính xác về đoạn đường và thời gian, nên mình cứ đạp xe mãi từ trời chiều đến trời tối hẵn mà không thấy đến! Lúc đó giữa đường không một bóng người, hai bên là ruộng lúa, vì gần cuối tháng nên trăng không sáng, đường tối tăm, thỉnh thoảng mới có đèn pha của xe máy chạy qua. Đây có lẽ là những người Thành phố đi tảo mộ cuối năm ở quê trở về.

 

     Ban sáng lúc đạp xe, thỉnh thoảng phải dừng lại vì chốt tà-vẹt giữ chân đạp bị sút rơi xuống đất. Bút giả phải tìm lại chốt tà-vẹt, rồi lấy gạch đá bên đường thay búa đóng lại mới có thể đi tiếp. Nhưng lúc về thì trời đã tối, nếu xe đạp bị sút chốt nữa thì không biết phải làm sao! Bút giả chỉ biết niệm Phật và cầu nguyện. Không ngờ đạp xe gần hai giờ đồng hồ suốt đoạn đường từ bến phà Mỹ Lợi về vẫn bình yên. Vừa đến thị xã Cần Giuộc nơi có nhiều ánh đèn của nhà dân, vì quá mệt nên Thầy trò tạm dừng lại nghỉ. Hai Thầy trò ngó lên, không ngờ thấy bảng chùa Hòa Bình, hẻm dẫn vào ngôi chùa nơi Hòa Thượng Thiện Căn, đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Thiện Tường đang trụ trì! Hai thầy trò quyết định ghé vào nghỉ ngơi.

 

     Hòa Thượng Thiện Căn gặp Thầy mình một cách bất ngờ thì mừng rỡ, tiếp đãi chu đáo, sắp xếp chỗ nghỉ qua đêm. Cần nói thêm rằng, nhờ ghé chùa Hòa Bình bút giả mới nhớ rõ ngày tháng đưa Hòa Thượng về quê. Đây là vì lúc ghé chùa, Hòa Thượng Thiện Căn và đệ tử đang chuẩn bị dọn dẹp và nấu chè xôi để ngày mai cúng đưa Chư Thiên, ngày 23 tháp chạp hằng năm.

 

     Sáng sớm hôm sau hai Thầy trò ra bến xe Cần Giuộc về lại Thành phố. Lạ thay, vừa mới dắt xe đạp ra, chốt tà-vẹt chân đạp xe liền sút ra, rơi xuống đất! Mình thầm nghĩ, nếu đêm qua xe bị sút chốt, rớt xuống đường quê tăm tối, làm sao có thể tìm được? Chắc chư Phật và Bồ-tát đã âm thầm gia hộ và che chở cho hai Thầy trò!

 

     Ngày 19 tháng 06 năm Giáp Tý, chùa Long Hoa, Bà Rịa có tổ Giới đàn do quý Thầy trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất âm thầm tổ chức. Hòa Thượng dạy bút giả cùng ba thầy khác trong chúng là Đồng Lý, Viên Giác, Minh Phương cùng đi thọ Đại giới tỳ-kheo. Mặc dù bút giả chưa muốn thọ vì thấy mình còn nhỏ, nhưng Hòa Thượng bảo phải tinh tiến giới phẩm và cho một xấp vải may y. Ba y đầu tiên để thọ giới Tỳ-kheo cùa bút giả đều được nhận từ những bậc Thiện tri thức. Chiếc y thứ nhất từ Hòa Thượng ân sư, chiếc y thứ hai từ Sư Bà Hải Triều Âm ở Tịnh Thất Liên Hoa, và chiếc y thứ ba là của Mẹ!

 

     Sau khi thọ giới về, Hòa Thượng họp chúng, thành lập Ban Trụ Trì, trao truyền y bát, dặn dò kế thừa Chánh Pháp. Ban Trụ Trì được Hòa Thượng chỉ định gồm: Trụ trì 1: thầy Minh Nghĩa; Trụ trì 2: thầy Minh-Quang; Trụ trì 3: thầy Minh Phương; Trụ Trì 4: thầy Đồng Lý. Hòa Thượng lại ban cho quý thầy trong Ban Trụ Trì Pháp Tự chữ Trí. Thầy Minh Nghĩa Pháp tự Trí Đức, thầy Minh-Quang Pháp tự Trí Châu, thầy Minh Phương Pháp tự Trí Hòa, và thầy Đồng Lý Pháp tự Trí Hạnh.

 

     Sau đó Hòa Thượng căn dặn: Sau khi tôi viên tịch, quý Thầy phải tinh tấn tu học, sống có lý tưởng hoằng Pháp và Đạo tình huynh đệ. Sỡ dĩ tôi lập Ban Trụ Trì là để quý thầy nhìn ngó lẫn nhau, giúp đỡ cho nhau, tránh việc chuyên quyền, độc đoán, làm trái luật nghi, khiến Tổ Đình suy đồi, Tông môn hổ nhục! Ngoài Ban Trụ Trì, Hòa Thượng còn cử thầy Đồng Thường làm Duy-na, thầy Minh-Ngọc làm thị giả (trước đó do thầy Minh-Quang làm).

Khoảng một tháng sau, sức khỏe Hòa Thượng ngày càng kém, được đưa vào điều trị ở bệnh viện An Bình quận 5, Sài Gòn. Thị giả thường trực nuôi bệnh Hòa Thượng là thầy Minh Quang và thầy Minh Ngọc.

 

     Biết thế duyên đã mãn, Ngài về lại Tổ Đình. Vào khoảng hơn tám giới tối ngày 23 tháng 8 năm Giáp Tý, tức 18 tháng 9 năm 1984, Hòa Thượng đã an tường ra đi trong tiếng niệm Phật tiễn đưa và lòng thương kính vô hạn của môn đồ đệ tử.

8. Tổng luận

Thầy tôi áo rách vá vai
Mà y nhẫn nại đẹp hoài ngàn năm!
Thầy tôi một túp lều không
Lấy tình thương lớn mênh mông làm nhà!
Dù bao công hạnh hằng sa
Thầy luôn vô ngã trên tòa tánh không.
Đời người con quá nửa vòng
Vẫn đi trong cõi mênh mông Tình Thầy!

 

    Nhìn lại cuộc đời và Đạo nghiệp của Hòa Thượng Thiện Tường, chúng ta có thể tổng kết qua mấy điểm sau đây:

  1. Tính Ngài cương trực, nghiêm trì giới luật, từ bi tiếp chúng nhưng không dung dưỡng tệ nạn. Để bảo vệ sự nghiêm tịnh của Tăng chúng, Ngài cương quyết tẫn xuất hay biệt chúng những người vi phạm luật nghi, dù đó là người thân của mình!
     

  2. Hạnh Ngài siêng năng, cần khổ theo tinh thần “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Tổ Bách Trượng, suốt đời cần lao phục dịch Tam Bảo, xây dựng chùa chiền, cơ sở giáo dục Phật giáo, nuôi dưỡng và đào tạo Tăng tài.
     

  3. Chí Ngài hướng đến giáo dục Phật giáo, ngày đêm phiên dịch, lấy nghĩa kinh sách, giảng dạy và xây dựng Phật Học Đường, để đền ân và tiếp nối chí nguyện còn dang dỡ của Hòa Thượng Sư Tổ Thiện Quang và Sư Ông Lê Phước Chí.
     

  4. Tâm Ngài từ bi thí xả. Hòa Thượng luôn chia sẻ từ thức ăn, y áo, chỗ ở với đại chúng. Ngài không ăn riêng, luôn thọ trai cùng đại chúng. Trong đời Ngài chỉ có ba y và vài bộ đồ cũ, ai cúng dường dư ra đều đem cho Tăng chúng. Phàm gia chủ hữu sự thỉnh quý thầy trong chúng đi hộ niệm, sau đó cúng dường hồi hướng công đức, Ngài đều không nhận cho chùa mà cho hết quý Thầy đi tụng niệm. Thời buổi khó khăn, sự thương yêu, cảm thông, và chia sẻ của Ngài đã nuôi dưỡng biết bao mầm mống Tăng tài tương lai. Ngài cũng không ở tịnh thất riêng hay chỗ lớn nhất trong chùa. Nơi đó dành cho vị khác. Chỗ ở của Ngài chỉ là một căn phòng nhỏ nơi hậu Tổ, trên gác là kho chứa gạo của chùa!
     

  5. Thái độ của Hòa Thượng coi trọng Đạo tình hơn nhân tình, lấy Tăng Đoàn thanh tịnh, hòa hợp theo luật Phật chế làm chỗ y cứ sinh hoạt mà không thiên vị người thân, phân biệt tông môn Pháp phái, hay vùng miền khác nhau. Vì vậy, Ngài không chủ trương đặt Pháp danh hay Pháp tự theo dòng kệ nào, người thọ giới sau phải cung kính, tôn trọng người thọ giới trước; bậc đáng tôn kính là người giữ giới luật trang nghiêm, hành trì tinh tấn, hết lòng vì Đạo hoằng Pháp lợi sinh.
     

  6. Thời cuộc thay đổi, Ngài bảo toàn khí tiết không tham gia Giáo hội mới nhưng vẫn tôn trọng và giữ Đạo tình với chư Tôn Đức khắp nơi không phân biệt là Giáo hội nào. Đối với Ngài, Giáo pháp là cứu cánh, lớn hơn và quan trọng hơn Giáo hội. Giáo hội chỉ là tổ chức tùy thuận thế gian, phương tiện để phụng sự Giáo pháp, lợi ích chúng sinh.

  7. Hòa Thượng là người coi trọng ân nghĩa. Hòa thượng tuy không nói ra, nhưng cả đời đã cố gắng xây dựng cơ sở giáo dục, tiếp nối chí nguyện và việc làm của Hòa Thượng Sư Ông Lê Phước Chí. Đây là Pháp cúng dường, cách cúng dường cao quý và ý nghĩa nhất dâng lên Thầy Tổ. Lại nữa, dù đã là một vị Hòa Thượng được mọi người kính nể, Ngài vẫn không quên nguồn gốc bình dân, trước lúc viên tịch về thăm quê nhà nơi bùn lầy nước đọng. Nơi đây, Ngài đã thăm và cám ơn ân nhân xưa của gia đình mình: “Tôi từ vũng nước đục chảy ra dòng nước trong, vẫn không quên chỗ xuất phát của mình và ân nghĩa ngày xưa.”
     

  8. Tông chỉ tu hành của Hòa Thượng gồm: (1) Phát Bồ-đề tâm, xây dựng Đạo tràng, gieo duyên phước đức, làm phương tiện độ chúng sinh. (2) Trì giới niệm Phật, vun bồi định tuệ, quy hướng Tịnh Độ vì sự nghiệp giải thoát. (3) Hoằng luật nhiếp Tăng, dịch kinh độ chúng vì Chánh Pháp cữu trụ.
     

     Tóm lại, Hòa Thượng Thiện Tường trụ thế sáu mươi tám năm, bốn mươi ba hạ lạp. Cuộc đời Ngài tuy không phải rất dài, nhưng công đức Ngài đóng góp cho Đạo Pháp là vô lượng và ân đức Ngài để lại cho các hàng đệ tử là vô tận! 

Thầy đi như cánh hạc bay
Thong dong trong cuộc tỉnh say kiếp người
Chân dung xưa nét còn tươi
Chùa xưa vẫn đợi chờ Người tái lai!

 

     Nam-mô Giác Nguyên Tổ Đình Khai Sơn Hòa Thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế, Húy Thanh Giới, tự Chơn Như, hiệu Thiện Tường Hòa Thượng Ân Sư chi Giác Linh.

 

     Đệ tử Sakya Minh-Quang kính soạn xong ngày 31 tháng 08, 2022 nhân chuẩn bị Đại Giới Đàn Thiện Tường và Lễ Giỗ Tổ tưởng niệm Ân Sư vào ngày 17-18 tháng 09, 2022, nhằm ngày 22-23 tháng 08, năm Nhâm Dần tại Tu Viện Thiện Tường Champaign, IL.

 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

-Tài liệu tham khảo:

 

     Tiểu sử Hòa Thượng Thiện Tường được viết trên những tư liệu lịch sử và chứng nhân sau đây:

  1. Tạp Chí “Từ Bi Âm”, nơi lưu lại một phần hành trạng, bài viết, thi kệ, kinh điển phiên dịch… của Sư Tổ Thiện Quang chủ nhiệm “Từ Bi Âm”, và của Sư Ông Lê Phước Chí khi trụ trì chùa Linh Sơn và làm việc cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Đây cũng là nơi Hòa Thượng Thiện Tường xuất gia tu học sáu năm, từ 1937 đến 1943.
     

  2. “Tiểu Sử Thích Thiện Tường” do đích thân Hòa Thường Thiện Tường viết tay trên quyển tập 100 trang. Bút giả là thị giả Hòa Thượng đã từng đọc và ghi nhớ phần lớn. Tiếc rằng tập sử liệu này Thầy Minh Nghĩa đã để lạc, chưa tìm lại được.
     

  3. “Vài Dòng Tiểu Sử” do Hòa Thượng Thích Thới An, Sư huynh của Hòa Thượng Thiện Tường, đọc cho đệ tử chép tay. Đây là một tài liệu vô cùng quý giá, hiếm hoi mà bút giả có được.
     

  4. Tiểu sử Hòa Thượng Thích Hành Trụ, do Thích Đồng Bổn biên tập trong Danh Tăng Việt Nam.
     

  5. Đích thân bút giả là thị giả gần gũi Hòa Thượng trong những năm cuối đời cho đến khi Ngài viên tịch. Cho nên, bút giả ghi lại một phần hành trạng của Ngài với tư cách là người trong cuộc, người chứng kiến, và là người thân cận nghe Hòa Thượng kể lại đời Ngài.
     

  6. Tham hỏi các bậc Tôn Đức còn sinh tiền, những vị có cơ duyên làm Phật sự chung với Hòa Thượng Thiện Tường ngày xưa như Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Hòa Thượng Thích Đạo Quang (chùa Quan Âm Cali)…, hay những học Tăng của Tổ Đình Giác Nguyên khi xưa như Hòa Thượng Phước Tịnh, Hòa Thượng Thái Siêu.
     

     Nhân ngày tưởng niệm giỗ Tổ lần thứ 38 (1984-2022), với tinh thần tri ân báo ân Thầy, bút giả xin ghi lại đôi nét về cuộc đời, hành trạng và Đạo nghiệp của Hòa Thượng Ân Sư. Tất nhiên vì tài liệu chưa đầy đủ, thời gian biên soạn gấp gáp, tiểu sử Hòa Thượng Ân Sư này vẫn còn nhiều thiếu sót. Kính mong quý Hòa Thượng, Thượng tọa huynh đệ trong Tông môn từ bi hoan hỷ, góp ý để bút giả có thể hoàn thành quyển sách nhỏ về cuộc đời và Đạo nghiệp của Hòa Thượng Thiện Tường trong tương lai gần. Đây không những là bổn phận tri ân và báo ân của một người đệ tử đối với Thầy mình, mà còn là ý thức lịch sử, trách nhiệm ghi chép, trao truyền lại cho thế hệ tương lai biết về một bậc Tông Tượng trong Phật Pháp. Ngài là người có công đức lớn trong việc dựng lập Đạo tràng, giáo dục Tăng tài, hoằng Pháp lợi sinh, góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời kỳ sau của phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ hai mươi.

 

Đệ tử Sakya Minh-Quang đảnh lễ kính ghi.

Tu Viện Thiện Tường ngày 01, tháng 09, 2022

bottom of page