top of page

Trang Nhà < Bài Viết < Kệ Tọa Thiền Buổi Sáng & Kệ Niệm Phật Buổi Tối

Kệ Tọa Thiền Buổi Sáng & Kệ Niệm Phật Buổi Tối

     Tu Viện Thiện Tường chú trọng việc giáo dục tăng ni, nhất là những người tập sự xuất gia nơi Hải ngoại. Ngoài việc Phật tử các nơi về chùa dự khóa xuất gia gieo duyên hằng năm vào tháng Bảy, chùa còn đón nhận một số Phật tử về chùa tập sự xuất gia từ một tuần cho đến một tháng. Chương trình giảng dạy tập sự xuất gia (sa-di và sa-di ni) bao gồm:
     1. Tỳ-ni Nhật Dụng: đã được nghiên cứu và biên tập lại. Tất cả thi kệ nhật dụng đều được dịch ra thơ cho dễ nhớ để hành trì.
     2. Cảnh Sách Xuất Gia: bao gồm Từ Thọ Thiền Sư Huấn Đồng Hành (cảnh sách người tập sự xuất gia), Đạo An Di Giới (cảnh sách người đã xuất gia), Quy Sơn Cảnh Sách (cảnh sách hàng Tỳ-kheo, nhất là đối trị những những thiền bệnh như xem thường giới luật và giáo lý). 

     3. Oai Nghi Xuất Gia: Chú trọng những oai nghi thực dụng và phù hợp trong xã hội mới.
     4. Sa-di và Sa-di giới: Giảng rõ khai, giá, trì, phạm.

     5. Bồ-đề-tâm, Bồ-tát hạnh và Bồ-tát giới: Tu Viện Thiện Tường đào tạo người xuất gia trên lập trường Phật giáo nhân gian, gạn đục khơi trong của dòng Pháp truyền thống Đại Thừa Đông Á. Kế thừa có chọn lọc tư tưởng Phật giáo Nhân Sinh của Thái Hư Đại Sư và Phật giáo Nhân Gian của Ấn Thuận Đại Sư. 

ct3.jpg

     Về hành trì, Tu Viện Thiện Tường mỗi ngày đều có hai thời tọa thiền, niệm Phật và tụng kinh sáng tối. Tất cả kinh sách của Tu Viện Thiện Tường sử dụng đều bằng Việt Ngữ, nhiều bản kinh được dịch ra thể thơ song thất lục bát hay lục bát. 
     * Những bản kinh thường tụng:
     1. Kinh Di Giáo (anh việt, dịch theo nhịp câu năm chữ. Kinh này và Kinh Kim Cương được dùng cho thời khóa công phu sáng).
     2. Kinh Kinh Cương: Bút giả dịch theo nhịp câu năm chữ, cố gắng có được bản dịch trong sáng, dễ hiểu và dễ đọc tụng.
     3. Kinh Bát-nhã Tâm Yếu: Bút giả dịch theo thể văn năm chữ giống thơ. Bản dịch chú trọng sự trong sáng dễ hiểu và dễ nhớ. Ví dụ, dịch "sắc chính là tánh không" thay vì "sắc chính là không". Lại nữa, bút giả cũng dùng pháp số để tóm tắt nội dung pháp số được liệt kê trong Tâm Kinh cho rõ nghĩa và dễ nhớ. Ví dụ, dùng năm thủ uẩn trước sắc, thọ tưởng, hành thức. Tương tự, pháp số sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười hai duyên, bốn thánh đế v.v... được sử dụng để làm rõ nghĩa.
     4. Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp: Đây là phương pháp sám hối, dịch từ Phẩm Sám Hối của Lương Hoàng Bảo Sám. Lương Hoàng Sám là bộ sám pháp rất hay nhưng quá dài, gồm mười quyển, hơn 2000 lễ, không thích hợp cho từng thời sám hối. Xét ra, phần sám hối chủ yếu nằm ở Phẩm Sám Hối thứ hai, nên bút giả chọn dịch lại phẩm này, vừa sát với nội dung sám hối, vừa không quá dài, thích hợp cho một thời sám hối hằng ngày. Bút giả dịch Phẩm Sám Hối theo nhịp câu bốn chữ, chú trọng văn phong trong sáng, tha thiết. 
     5. Kinh Tám Điều Giác Ngộ: Bút giả diễn dịch kinh này theo thể thơ song thất lục bát, khai thác hàm ý Giải Thoát Đạo và Bồ-tát Đạo ẩn chứa trong kinh. Giải Thoát Đạo và Bồ-tát đạo là toàn bộ căn bản Phật Pháp. 
     6. Kinh Hoa Nghiêm-Phẩm Tịnh Hạnh: Bút giả dịch phần văn xuôi dịch theo nhịp câu năm chữ, dịch phần kệ tụng theo thể thơ lục bát. Phần kệ tụng của Phẩm Tịnh Hạnh gồm 141 bài kệ bốn câu, là nguồn tư liệu chánh được Luật sư Tánh Kỳ và Độc Thể đầu nhà Thanh tham khảo, trích dùng và kết hợp với những câu chú, để biên tập thành Tỳ-ni Nhật Dụng. Những bài kệ Tỳ-ni được sử dụng trong tòng lâm như luật nghi để thu nhiếp thân tâm người sơ tâm xuất gia. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh dùng kệ Tỳ-ni, bỏ phần chú ngữ, xem đây là những bài thực tập thiền chánh niệm, thân đâu tâm đó. Như vậy, Luật sư nhìn thi kệ trong Phẩm Tịnh Hạnh là luật nghi, Thiền sư nhìn thi kệ này là thiền nghi. Nhưng thực ra, theo Phẩm Tịnh Hạnh Kinh Hoa Nghiêm, những bài thi kệ chẳng những áp dụng cho Bồ-tát xuất gia mà con cho người Bồ-tát tại gia, là chỗ dụng tâm của Bồ-tát mà không có phân biệt là thiền hay luật. Nói cụ thể hơn, đây là pháp thực tập của Bồ-tát nhằm giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, thành tựu phước báo nhân thiên, pháp giải thoát của Thanh văn, pháp Đại thừa của Bồ-tát, và mười trí lực của Như Lai. Nói tóm tắt,
thi kệ bốn câu của Phẩm Tịnh Hạnh có ba ý nghĩa chính: 
         - Một, giữ gìn chánh niệm để thu nhiếp thân miệng ý.
         - Hai, Nuôi dưỡng tâm Bồ-đề và nguyện Bồ-tát, bao giờ cũng nghĩ đến chúng sanh (đương nguyện chúng                  sanh). 
          -Ba, như lý tác ý, tức nhìn mọi việc điều liên hệ với Phật Pháp. 

     7. Kinh Pháp Hoa-Phẩm Phổ Môn: Bút giả dịch phần trùng tụng theo thể thơ lục bát, chẳng những làm sáng tỏ tâm đại bi, công đức cứu khổ cứu nạn của Bồ-tát Quán Âm, mà còn nhấn mạnh niệm lực bất khả tư nghì, hành giả niệm Phật tâm đó là Phật, nên đủ lòng từ bi và lực dụng để chuyển hóa phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng.

 

     * Những bài kệ tụng thường đọc:
     1. Sám Quy Mạng: Bài sám nổi tiếng trong thiền môn, không những sâu sắc về phần nội dung mà về phần văn chương đối ngẫu, ngữ khí ngắn gọn mạnh mẽ, như thôi thúc tâm Bồ-đề, thắp lên ngọn lửa lý tưởng Bồ-tát đạo của người đọc tụng. Cho nên, bút giả dịch đúng số chữ bên Hán văn, giữ nguyên ngữ khí và đối ngẫu của nguyên tác, nhằm lưu lại cái hồn của nguyên tác. 
     2. Sám Nguyện Dược Sư: Bút giả viết gồm năm thể thơ thất ngôn tứ cú. Nội dung bao gồm Phật lực, niệm lực và Bồ-đề tâm lực bất khả tư nghì, để dứt trừ bệnh khổ nói riêng và sinh tử khổ nói chung.
     3. Sám Nguyện Hoa Nghiêm: Được bút giả viết bằng thể lục bát. Nội dung tóm tắt thâm ý Kinh Hoa Nghiêm, sám hối tâm hạ liệt bất tín Đại Thừa, bất tín tự tâm đủ công đức Phật. Phát nguyện thọ trì Đại thừa để báo ân đức Phật.
     4. Bài Tụng Bốn Ơn: Được viết theo thể ngũ ngôn, nội dung bày tỏ lòng tri ân và báo ân với bốn ơn nặng: ơn cha mẹ, ơn đàn-na tín thí (người xuất gia) hay ơn đất nước, chúng sinh (chung cho xuất gia, tại gia), ơn thầy tổ, và ơn Phật hay ơn Tam Bảo.
     Ngoài ra, Tu Viện Thiện Tường mỗi ngày đều có hai thời tọa thiền sáng sớm và tĩnh tọa niệm Phật chiều tối trước mỗi thời tụn kinh sớm tối. Cho nên, xin giới thiệu đến đại chúng bài kệ tọa thiền buối sáng và bài kệ niệm Phật buổi tối của Tu Viện.

      KỆ TỌA THIỀN BUỔI SÁNG
Ngâm:
      Canh năm tỉnh thức tọa thiền
      Tinh thần đề khởi, trang nghiêm tu trì
      Quán sâu các pháp hữu vi
      Như mộng, như huyễn, khác gì sương mai.
      Bóng trăng, bọt nước không sai
      Lại như điện chớp chợt bay ngang trời!
      Tánh không quán chiếu không lơi
      Kim Cương Phật nhãn nhìn đời như như. 
      Đại chúng xin hãy thiền tư
      Một phen thể nghiệm chân như niết-bàn.

Xướng:
      Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Đại chúng hòa:
       Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
       (Xướng và hòa lặp lại, tất cả 3 lần)
 

     KỆ NIỆM PHẬT BUỔI TỐI
Ngâm:
      Ngày nay lại đã trôi qua
      Mạng người hơi thở, biết là về đâu?
      Tử sinh, sinh tử dãi dầu
      Bao nhiêu kiếp đã ngụp sâu biển trần!
      Ta-bà ràng buộc ái ân
      Vung gươm tuệ dứt bao lần chưa xong!
      Thẹn mình biển nghiệp mênh mông
      Nương thuyền Phật độ, vượt dòng tử sinh.
      Di-đà bản nguyện vững tin
      Phật y chánh báo, nguyện sinh cõi lành
      Nhiếp tâm sáu chữ Hồng danh
      Tịnh niệm tương tục, tựu thành viên thông.
      Đại chúng xin hãy một lòng
      Xả buông tất cả, dụng công hành trì.

Xướng:
      Nam-mô A-di-đà Phật
Đại chúng hòa:
      Nam-mô A-di-đà Phật.
      (Xướng và hòa lặp lại, tất cả 3 lần).
           

     Rất hoan hỷ chào đón quý Phật tử muốn tập sự xuất gia về Tu Viện Thiện Tường tu học. Xin liên lạc với Tu Viện trước.
      Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát.

 Sakya Minh-Quang       

 Tu Viện Thiện Tường 

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page