Trang Nhà < Kinh Sách < Kinh Biết Ơn
KINH BIẾT ƠN
Kinh Biết Ơn nói đến sự nhớ ơn và đền ơn là đạo đức căn bản của người con Phật, không luận là xuất gia hay tại gia. Đức Phật dạy: “[Nếu] có chúng sanh nào, không nhớ ơn, đền ơn, ơn lớn còn không nhớ, huống chi là ơn nhỏ; người ấy dù bên Ta, thân mặc áo ca-sa, vẫn xa Ta ngàn dặm!”
Chữ ân trong Phật giáo bao gồm từ ân cha mẹ, thầy tổ, quốc gia, cho đến ân của tất cả chúng sinh. Trong chữ Sanskrit, không có chữ hiếu mà chỉ có chữ ân. Biết ơn và đền ơn cha mẹ chính là hiếu thuận.
Sakya Minh_Quang
Đại Chánh Tạng, Tăng Nhất A-hàm, kinh số 125, bài kinh thứ 5 và thứ 11 trang 600-601.
Gautama Sanghadeva (Cù-đàm Tăng-già-đề-bà) dịch từ Phạn sang Hán
Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt
Kinh Sách
PHẬT NÓI KINH BIẾT ƠN
Đây chính là những lời
Mà tôi từng được nghe
Đức Thế Tôn dạy bảo,
Khi Ngài đang trú ở
Tinh xá Cấp-cô-độc
Trong lâm viên Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn dạy:
Này các thầy Tỳ-kheo
Nếu có chúng sanh nào
Biết ơn và đền ơn
Người này thật đáng kính
Ơn nhỏ cũng không quên
Huống chi là ơn lớn?
Người ấy dù cách Ta
Đến trăm ngàn muôn dặm
Cũng không phải là xa
Vẫn gần Ta bên cạnh!
Vì sao lại như vậy?
Ta luôn luôn tán thán
Người nhớ ơn, đền ơn.
Còn có chúng sanh nào
Không nhớ ơn, đền ơn
Ơn lớn còn không nhớ
Huống chi là ơn nhỏ!
Người ấy dù bên Ta
Thân mặc áo ca-sa
Vẫn xa Ta ngàn dặm!
Vì sao lại như vậy?
Ta không bao giờ dạy
Quên ơn, quên đền ơn!
Cho nên các Tỳ-kheo
Nên ghi nhớ công ơn
Và biết đền đáp ơn
Đừng theo thói vô ơn!
Này các thầy Tỳ-kheo
Hãy nhớ lấy lời Ta
Và theo đó hành trì!
Bấy giờ các Tỳ-kheo
Nghe đức Phật dạy xong
Đều vô cùng hoan hỉ
Nguyện y giáo phụng hành.
Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát.