top of page
Trang Nhà  <  Kinh Sách 
KINH PHÚC HỌA

             Đại Chánh Tạng, kinh số 492, trang 753-754.

             Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn sang Hán

             Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

1. Kính lạy Phật Cha lành giác ngộ

Đã bao đời cứu khổ quần sanh

Như trăng giữa tháng tròn vành

Sáng soi mỗi bước tu hành con đi.  (1 lạy

2. Kính lạy Pháp thuyền từ phổ độ

Đưa người qua biển khổ mênh mông

Giúp con sống trọn tấm lòng

Thương yêu tỉnh thức giữa vòng tham sân. (1 lạy)

3. Kính lạy Tăng bậc Thầy cao cả

Thay Phật-đà giáo hóa quần sanh

Dạy con biết lối tu hành

Trao đèn Chánh Pháp, phước lành thế gian. (1 lạy)

 

TÁN LƯ HƯƠNG

Lư hương vừa bén chiên đàn
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Tâm thành tưởng Phật thiết tha
Tùy nơi cảm ứng hiện ra mây lành
Vừa sinh một niệm chí thành
Toàn thân Phật hiện phước lành vô biên.

Nam mô Hương vân cái Bồ-tát  (2 lần)
Nam mô Hương vân cái Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nam-mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. (3 lần)

PHÁT NGUYỆN THỌ TRÌ

Kính lạy đức Từ Phụ,
Bổn Sư Thích-ca Văn
Cùng bao đời Chư Tổ
Từ bi đã dạy răn. 
Nay con phát nguyện lớn
Thọ trì đọc tụng kinh
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nguyện kẻ thấy người nghe
Đều phát Bồ-đề tâm
Đời đời làm bạn lành
Đồng hành Bồ-tát đạo.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần)

 

KỆ KHAI KINH

Vô thượng thậm thâm: Pháp nhiệm mầu                             
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay thấy nghe, thọ trì Pháp
Nguyện ngộ thật nghĩa Phật ý sâu.     
Nam-mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát Ma-ha-tát.

 

PHẬT NÓI KINH A-NAN HỎI PHẬT VỀ VIỆC PHÚC HỌA CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ   

 

   A-nan bạch đức Phật: Có người phụng thờ Phật được giàu sang hạnh phúc, có người phụng thờ Phật bị suy hao khổ đau, vì sao lại khác nhau? Bậc trời của các trời, xin từ bi giảng rõ. Đức Phật bảo A-nan: Nếu người phụng thờ Phật từ thầy sáng thọ giới, tin sâu không trái phạm, luôn tinh tấn phụng hành, không quên điều học hỏi; lại thờ cúng tượng Phật sạch sẽ và trang nghiêm, sớm tối siêng lễ bái, cung kính thắp hương đèn, cúng dường lên đức Phật; sống không trái đạo đức, trai giới không mỏi mệt, trong lòng thường hoan hỉ, luôn được các thiện thần và chư thiên gia hộ, mọi việc đều suông sẻ, luôn tăng trưởng phát đạt, được trời rồng quỷ thần và mọi người kính tin, sau nhất định đắc đạo. Người thiện nam thiện nữ phụng thờ Phật như vậy là Phật tử chân chính. Còn người phụng thờ Phật không gặp được thầy lành và giáo pháp chân chính, chỉ thọ giới cho có, mang danh là Phật tử mà không hiểu không tin, hoặc lúc tin lúc không, tâm ý còn do dự, sống trái phạm giới luật; không có lòng cung kính đối với kinh tượng Phật, không thắp hương thắp đèn lễ bái tôn tượng Phật; tâm sân hận mắng chưởi, nói xấu ghen người hiền; không tu sáu ngày trai, mặc tình giết sinh vật; không kính kinh sách Phật, xem thường như sách đời nên để trong áo quần, trong rương cũ dơ rách, hoặc trên giường bất tịnh nơi ngủ của vợ con, hay treo lên trên vách.  

TÁN THÁN ĐỨC PHẬT

Pháp Vương vô thượng trong đời
Nhân thiên ba cõi không người sánh ngang             

Là Thầy dạy khắp thế gian
Là Cha lành của vô vàn chúng sanh
Quy y trong một niệm lành
Nghiệp vô lượng kiếp hóa thành sạch không
Tán dương Phật đức mênh mông
Dù trăm ngàn kiếp cũng không tận cùng (1 xá). 

                                     

QUÁN TƯỞNG ĐẢNH LỄ

Chúng sanh, chư Phật vốn đồng
Cả hai rỗng lặng, một dòng tánh không

Chí thành quán tưởng suốt thông
Đạo giao cảm ứng thật không nghĩ bàn
Mười phương Phật, một đạo tràng
Lại qua ảnh hiện như màn lưới châu

Nay con quy mạng cúi đầu
Lễ trước chư Phật nhiệm mầu chứng minh (1 xá).                                                           

   Nếu khi bị bệnh tật, tâm hồ nghi không tin, nên cho mời đồng cốt bói hỏi và giải hạn; vì thờ cúng tà thần khiến thiện thần xa lánh, không được sự gia hộ; tà ma ngày một tăng, quỷ dữ tụ trước cửa khiến người đó suy hao, làm gì cũng chướng ngại. Hoặc có người đời trđường dữ, hiện đời lại làm ác, không phải đệ tử Phật. Người này khi chết đi sẽ đọa vào địa ngục bị hành hạ khổ sở do tội đó gây nên. Người đó sống khổ đau, về già gặp tai họa, chết đọa vào đường dữ, khi tái sinh làm người lại tạo nghiệp thọ khổ, dây dưa mãi không dứt. Khổ thực không kể xiết đều do không tu thiện, mãi tạo ác mà ra.  

   Kẻ ngu không suy xét nhân quả trong ba đời, mọi việc đều có nhân nên mới có báo ứng, nên bảo phụng thờ Phật mà phải chịu suy hao. Họ không biết sám hối, tu tập các phước lành, trở lại oán trời đất, trách hiền thánh chẳng linh, mà không biết tự trách mình đời trước thiếu tu. Không phải người thông đạt tâm rất dễ đổi thay, làm gì cũng trái lý, cô phụ ân đức Phật mà không biết phục thiện, nên bị các kiến chấp của ba đường trói buộc. Họa phúc tự mình tạo, hạt giống ác đã gieo là có mầm tai họa phải hết sức thận trọng. Mười điều ác là giặc, mười điều thiện là bạn; tâm an vui đắc đạo, đều do điều thiện sanh. Điều thiện là áo giáp giúp không sợ gươm đao, điều thiện là thuyền lớn vượt qua được sông biển, ai có đức tin vững, gia đình được yên ấm, phước báo tự nhiên có, do nhân lành quả thiện, chẳng phải thần ban cho. Ai không tin điều này từ nay đến về sau càng ngày càng đau khổ.  

   Đức Phật bảo A-nan: Thiện ác đeo đuổi người, như bóng đeo theo hình, không có lúc tạm xa. Những việc làm tội phước đều theo đúng lẽ này, đừng sinh lòng hồ nghi mà tự đọa đường dữ. Ai hiểu rõ tội phước, tin chắc không lầm lẫn, ở đâu cũng an ổn, lời Phật rất thành thực quyết không dối gạt người.  Phật lại bảo A-nan: Phật không nói hai lời, được gặp Phật rất khó, nghe được pháp cũng khó, ông xưa có phước đức nay mới được hầu Phật, nên nghĩ nhớ báo ân, rộng tuyên dương giáo pháp, chỉ dạy cho nhân dân biết đâu là ruộng phước để tin tưởng gieo trồng sau này khỏi sầu khổ.  

   A-nan vâng lời dạy, nguyện phụng hành hoằng dương.  

   A-nan lại bạch Phật: Người không tự mình giết là có tội hay không?  

   Phật dạy: này A-nan, sai người khác sát sinh, tội nặng hơn tự giết. Vì sao lại như vậy? Vì kẻ đi làm thuê hay địa vị thấp kém không biết lẽ tội phúc bị chủ thuê, quan lớn bắt ép phải sát sinh, nhưng không do tự ý tuy có tội nhưng nhẹ. Việc làm khác ý nghĩ, tội nặng nhẹ khác nhau.  

   Còn người sai bảo giết, đã biết mà cố phạm, trong lòng chứa ngu ác, thẳng tay hại chúng sanh, không có tâm từ bi, lừa dối Phật Pháp Tăng, làm trái luật tự nhiên, gây tổn thương sinh mạng, tội đó thực cùng cực; gây oán bị trả oán, trả oán rồi gây oán, đời đời nối kết nhau, khổ đau không chấm dứt. Người này khi hiện đời bị bịnh tật bất an, thường gặp nhiều tai họa, chết đọa vào địa ngục; hoặc khi mất thân người, phải đọa vào súc sanh, ăn cỏ uống nước dơ, bị kéo nặng đánh đập, hay bị đem làm thịt để cho người khác ăn, lâu đến muôn vạn kiếp. Tóm lại người như vậy, đọa trong ba đường dữ hay vướng tám nạn khổ, luôn bị người ăn thịt, không có ngày ra khỏi. Những súc vật đời nay phải chịu cảnh như vậy đều do nơi đời trước khi còn làm thân người bạo ngược không đạo đức, mưu hại các sinh linh, không tin lý nhân quả; đời đời gieo oán thù, lại bị oán báo thù, thân tuy có khác nhau mà thức thần không khác, tội sâu nặng như vậy.

   A-nan lại bạch Phật: Người đời và Phật tử khởi ý ác với thầy và người có đạo đức thì tội báo ra sao?

   Đức Phật dạy A-nan: Phàm người sống ở đời phải vui mừng chia sẻ khi thấy người tốt đẹp mà không nên ganh tị. Ai có ý xấu ác đối với thầy của mình và các bậc đạo đức thì cũng như ác ý đối với Phật không khác. Thà tự bắn vào thân với cung cứng tên mạnh, quyết không nên ác ý đối với thầy của mình và các bậc đạo đức.  

    Đức Phật lại hỏi rằng: Này Anan nghĩ sao, tự bắn vào thân mình có đau khổ hay không?

   A-nan bạch Phật rằng: Rất đau đớn khổ sở.

   Phật dạy: Người ác ý đối với thầy của mình và các bậc đạo đức còn đau khổ hơn là tự bắn tên vào thân. Bổn phận làm đệ tử không nên khinh mạn thầy, ác ý người đạo đức, phải xem đồng như Phật, không được khinh, ghen ghét. Thấy người làm điều tốt mình phải biết vui cùng. Người mà có giới đức cảm động đến chư thiên, các trời rồng quỷ thần đều cung kính tôn trọng. Thà nhảy vào lửa dữ, kiếm bén lóc thịt xương, quyết không được ghen ghét việc tốt người hiền lương. Tội này rất sâu nặng, phải cẩn trọng, cẩn trọng.

   A-nan lại bạch Phật: Nếu làm thầy của người thì có được tùy ý không că n cứ đạo lý la rầy đệ tử không? Hay trò phạm lỗi nhỏ thầy lại làm cho to, thì có tội hay không?  

   Phật bảo rằng không được, thầy không được như thế. Đạo nghĩa giữa thầy trò cảm động đến trời đất, cho nên phải đối xử hết sức là trọng hậu. Thầy nên thương học trò như thương bản thân mình; rầy phải đúng với lý, dạy phải theo chánh đạo, nếu bản thân không làm, đừng dạy cho người khác. Thầy trò trọng lễ giáo, theo phép tắc kỷ cương, không được oán hận nhau, hoặc tranh chấp kiện tụng. Thầy đối với đệ tử, đệ tử đối với thầy phải hết sức chân thành. Thầy phải cho ra thầy, trò phải cho ra trò, đừng phỉ báng lẫn nhau, ôm ấp lòng giận hờn, dần dần trở thành oán, oán nhỏ đến oán lớn, trở lại hại bản thân. Bổn phận người đệ tử phải hiếu thuận thầy lành, đừng ác ý với thầy. Ác ý đối với thầy thì đồng như ác ý đối với cha mẹ mình, hay cũng như ác ý đối với Phật, Pháp, Tăng; ai mà làm như vậy trời cũng không thể che, đất cũng không thể chở. Ta thấy đời mạt pháp có nhiều người tà ác sống bất trung bất hiếu, không biết giữ nhân nghĩa, không theo đạo làm người. Tỳ-kheo trong đời ma chỉ nghĩ lỗi người khác mà không biết tự mình chấm dứt các điều ác; ghen ghét người hiền lương, tự mình đã không làm, thấy người khác làm được lại cản trở phá hoại khiến mất đi đạo tâm, phá hỏng việc tốt đẹp; họ chỉ sống tham dục chạy đua theo thế tục, tham nghề nghiệp sinh lợi, chứa chất nhiều tài sản mà tự đánh mất mình; tiền bạc có càng nhiều, đạo hạnh càng xuống thấp, chết đọa ba đường dữ, chịu khổ trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.  

   Xuất gia vì điều gì? Vì nghĩ đền ân Phật nên trì kinh giữ giới, tu tập theo chánh đạo. Đạo không thể không học, kinh không thể không đọc, điều thiện phải vâng làm. Làm thiện trải đạo đức, giúp tâm hết phiền não, vượt ra ngoài sinh tử. Đừng khinh mạn với người, đừng phỉ báng việc lành, đừng lỗi nhỏ làm to, trái pháp sai đạo lý, tội này không gì hơn. Tội phước có chứng cứ, không thể không thận trọng.  

   A-nan lại bạch Phật: Kính bạch đức Thế Tôn, bậc trời của các trời, đệ tử đời mạt pháp, do nhân duyên ràng buộc phải lo việc gia đình, vì miếng cơm manh áo làm sao tu tập được?  

   Phật bảo này A-nan, ai quy y thọ giới, tin sâu lời Phật dạy, hiếu thuận biết sợ lỗi, kính trọng ngôi Tam Bảo, lo cha mẹ đất nước, trong ngoài đều trong sạch, nói và làm giống nhau, thì có thể làm được những việc trong thế gian, nhưng không nên có tâm ô nhiễm của thế gian.  

   A-nan lại thưa rằng: Kính bạch đức Thế Tôn, bậc trời của các trời, việc thế gian là gì? Tâm thế gian là gì? Xin từ bi giảng rõ. 
   Phật dạy này A-nan, là đệ tử của Phật được buôn bán kinh doanh, song phải luôn ngay thẳng, không lừa gạt người khác; làm việc có đạo lý, không trái luật nhân quả. Buôn bán hay làm công, việc ma chay, cưới gả, dời nhà hoặc đi xa đều là việc thế gian. Còn tâm thế gian là người đệ tử của Phật không được đi xem bói, cầu cơ thỉnh ý thần, xài bùa chú, trấn yếm, tế thần cầu giải hạn, cũng không được xem ngày chọn ngày tốt, giờ tốt. Ai quy y thọ trì năm giới của Phật chế là người có phước đức, làm bất cứ việc gì nên bạch với Tam Bảo. Đức Phật thông suốt cả, không có gì không biết. Ai sống theo giới hạnh được đạo pháp bảo hộ, là người oai đức lớn sai khiến được chư thiên; được trời rồng quỷ thần không ai không kính phục. Người giữ giới thanh tịnh sẽ trở nên tôn quý, ở đâu cũng an lành, làm gì cũng tốt đẹp, cần gì phải kiêng kỵ? Đạo pháp rộng vô biên gồm thâu cả trời đất, người mà không thông đạt, tự mình làm chướng ngại. Việc làm lành hay dữ đều do lòng người tạo. Họa phúc tự mình ra, như bóng đeo theo hình, như vang vọng theo tiếng. Công đức của giới hạnh có cảm ứng tự nhiên, được chư thiên bảo hộ, sở nguyện đều thành tựu, cảm động đến mười phương, đức sánh ngang như trời, công đức thực vô lượng chư Thánh đồng tán thán, thực không thể nghĩ bàn. Người trí thông đạt mệnh, trọn không theo đường tà, khéo sống như Phật dạy, có thể được giải thoát.  

 

    A-nan nghe dạy xong, chỉnh đốn lại ca sa, cúi đầu lạy sát đất, kính bạch đức Phật rằng:  

   Vâng, bạch đức Thế Tôn, chúng con thực có phước, được gặp đức Như Lai trải rộng lòng đại từ, thương xót khắp tất cả, mà làm mảnh ruộng phước, khiến mọi người thoát khổ. Lời Phật chân thật nhất, mà kẻ tin lại ít, do đời nhiều kẻ ác, chúng sanh hủy báng nhau, đau lòng biết làm sao. Nếu có ai tin theo cũng chỉ được vài người; biết sao đời bạc ác, lắm điều tệ như vậy. Sau khi Phật diệt độ, giáo pháp tuy vẫn còn, mà hiếm có người tin, nên dần dần suy diệt. Ôi đau lòng biết bao, chúng con nay về sau, biết nương tựa vào đâu. Kính mong đức Thế Tôn, vì tất cả chúng sanh mà đừng vào Niết bàn.  

   A-nan liền nói kệ thỉnh đức Phật trụ thế: 

Phật từ bi che chở  

Ân đức lớn mênh mang

Xin vì các chúng sanh

Đừng vội vào Niết bàn.

Người gặp pháp đã ít 
Đui mù không biết quý

Khổ thay kẻ không thấy  

Tội sâu dường thế ấy.

Phước xưa, nay gặp pháp

Số chỉ được một vài

Kinh pháp dần suy diệt

Biết nương tựa vào ai?

Ân Phật khắp Ta-bà

Tội do chúng sanh ra

Trống pháp vang ba cõi

Nhưng người tự lơ là!

Đời nhiều người điên đảo

Hủy báng Thánh biết sao?

Dua nịnh, muốn phá Đạo

Đưa tà kiến xen vào.  

Họ không tin đức Phật    

Hay ngã mạn cống cao

Nghi ngờ không có Phật  

Gây tội biết dường nào!

Mạng hết đọa Vô gián

Đao kiếm xẻ phân thây

Quỷ dữ mặc tình giết

Vạc dầu sôi đọa đày.

Kẻ dâm ôm trụ đồng

Lửa đốt, khổ rên la

Ai phỉ báng hiền sĩ

Bị kềm nhổ lưỡi ra.

Kẻ rượu chè, vô lễ

Không nhân đạo, đắm mê  
Đoạ A-tỳ phải uống  

Nước đồng sôi gớm ghê.

Quả báo cảnh địa ngục

Đau khổ kể xiết bao

Nếu tái sinh làm người

Lại cùng khổ, lao đao.

Ai không giết chúng sanh

Khỏe mạnh được sống lâu,

Ai không phạm trộm cướp

Sống đầy đủ sang giàu.

Ai không phạm tà dâm

Người xinh đẹp, dễ thương,

Tướng cao lớn đoan nghiêm

Bậc thượng làm đại vương. 
Ai thành thực không dối

Được mọi người kính tin,

Không rượu chè, nghiện ngập

Tâm sáng, trí thông minh.

Năm phước hơn thế gian

Trời người đều vâng làm

Đời đời luôn tăng trưởng.

Chân lý thực rõ ràng.

Đời mạt nhiều người ác

Lời Phật có tin đâu

Ngu si không hiểu đạo

Tội nghiệp càng thêm sâu.

Khinh Thánh, hủy Chánh pháp

Chết đọa ngục A-tỳ

Đầu mang vòng lửa sắt

Đền trả nghiệp cuồng si;

Cầu chết cũng không được

Khoảnh khắc đã nát thân

Rồi trở lại thân cũ

Bị hành hạ không ngừng.

Biết sao đời như vậy

Không tin Phật, tin thần

Thích giải hạn, bói toán

Tế thần tổn lòng nhân;

Chết đọa vào địa ngục

Mười tám chỗ trải qua

Thân người khó gặp lại

Do tám nạn mà ra.

Dù khi được làm người 

Sinh nơi không Phật pháp

Khờ dại, điếc, mù, câm

Sống tật nguyền, tối tăm;

Mờ mịt không thông đạt

Lại tiếp tục tạo ác  

Lại tiếp tục đọa sa

Loài cầm thú trải qua;

Bị bắt đem đi giết

Cắt cổ hoặc lột da

Đem thịt mình nuôi người

Đền trả nợ gây ra.

Kẻ vô đạo bị đọa  

Khó thoát khỏi khổ đau

Thân người khó có được

Phật Pháp dễ nghe nào

Thế Tôn luôn che chở

Ơn nhuần khắp chúng sanh

Rải mưa pháp cam lộ

Khiến mọi người phụng hành.

Con nay đã được tuệ

Thương nghĩ người còn mê

Chỉ bày con đường chánh

Mong người trí quay về.

Người có phước biết đạo

Thấy lý học tánh không

Quy y ruộng phước Phật

Đất bất tử gieo trồng.

Ân nào hơn Phật ân?

Trong đời chuyển pháp luân

Nguyện mọi người đều được

Nước cam lộ đượm nhuần.

Thuyền tuệ đến bờ kia

Chuông pháp tỉnh quần mê

Mình người đều bình đẳng

Phát Vô Thượng Bồ đề.

    A-nan nói kệ xong, đại chúng trong pháp hội đều sinh lòng tin hiểu phát đạo tâm vô thượng, khoát áo giáp tinh tấn, tâm đượm nhuần cam lộ, hương xông khắp ba cõi, từ đây được đắc độ, chỉ ra con đường đạo, làm cầu bè đưa người. Quốc vương và thần dân cùng trời rồng quỷ thần, nghe kinh xong hoan hỉ, vừa buồn thương vừa sợ những điều A-nan nói, rồi đảnh lễ chân Phật, cúi chào bước lui ra, vâng lời dạy trở về.

    Nam-mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-ni Phật. 

   Kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Tâm Yếu
Bồ-tát Quán Tự Tại
Khi thực hành Bát-nhã
Ba-la-mật thâm sâu
Quán chiếu thấy năm uẩn
Đương thể đều là không
Vượt qua vòng khổ ách.
Xá-lợi-phất lắng nghe
Sắc chẳng khác tánh không
Tánh không chẳng khác sắc
Sắc chính là tánh không
Tánh không chính là sắc
Thọ, tưởng, hành và thức
Bản chất cũng như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi-phất
Các pháp thật tướng không
Không sinh cũng không diệt
Không sạch cũng không nhơ
Không thêm cũng không bớt;
Không có năm thủ uẩn:
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức;
Không có sáu căn: mắt
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý;
Không có sáu trần: sắc
Thanh, hương, vị, xúc, pháp;
Cũng không có sáu thức:
Nhãn thức đến ý thức;
Mười tám giới đều không.
Không có mười hai duyên:
Vô minh đến già chết;
Không có hết vô minh
Cho đến hết già chết
Lưu chuyển và hoàn diệt
Cả hai chiều đều không.
Không có bốn thánh đế:
Khổ, tập, diệt và đạo.
Không có trí có đắc
Vì không có sở đắc.
Bồ-tát y Bát-nhã
Ba-la-mật-đa này     
Tâm không còn chướng ngại
Do không có chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Lìa mộng tưởng đảo điên
Đến Niết-bàn cứu cánh.
Chư Phật trong ba đời
Đều y nơi Bát-nhã
Đắc Vô Thượng Bồ-đề.
Thế nên biết Bát-nhã
Là chân ngôn đại thần
Là chân ngôn đại minh
Là chân ngôn vô thượng
Không chân ngôn nào bằng
Có vi diệu công năng
Diệt trừ tất cả khổ
Chân thực không dối hư
Liền nói ra chú rằng:
Ga tê, ga tê, ba ra ga tê, ba ra sam ga tê, bô đi xóa ha (3 lần).
     (Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha)

ĐẢNH LỄ TRI ÂN ĐỨC PHẬT BỔN SƯ

1. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Từ vô lượng kiếp xưa
Luôn hành Bồ-tát đạo
Xả thân mình gieo giống từ bi
Công đức ấy không sao ví được.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

2. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Cõi Ta-bà thị hiện
           Nơi dòng Thích thọ sanh
           Thánh Ma-da mộng ứng điềm lành
           Nơi vương thất chan hòa phước lạc.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

3. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:     
           Nơi vườn Lâm-tỳ-ni
           Thị hiện tướng đản sanh
           Hoa sen nâng bảy bước du hành
           Chỉ Phật tánh, xưng tôn ba cõi.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

4. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Dạo nơi bốn cửa thành
           Thấy lẽ khổ chúng sanh
           Vì thương đời một dạ tu hành
           Bỏ tất cả xuất gia tầm đạo.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

5. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Sáu năm tu núi Tuyết
           Trải bao cảnh gió sương
           Tìm chân lý soi sáng đêm trường
           Trong tâm Ngài lai láng tình thương.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

6. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Tìm ra đường trung đạo
           Lìa vui khổ hai đường
           Dùng định tuệ hàng phục ma vương
           Sao mai mọc thành ngôi Vô Thượng.

      Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

7. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

           Suốt bốn mươi lăm năm
           Không nề bao gian khổ
           Đem Chánh Pháp từ bi tế độ
           Trời người đều ngưỡng mộ tu hành.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

8. Chủ Lễ Xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

           Rừng Sa-la song thọ
           Độ chúng đã mãn duyên
           Thị hiện nhập vô dư Niết-bàn
           Lưu xá-lợi rộng độ nhân thiên.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

   (Tọa thiền chỉ quán về tính vô thường, khổ, không, vô ngã của thân, tâm khoảng 15-30 phút)

NIỆM PHẬT

 (Đứng hay quỳ xuống tụng nếu đi kinh hành niệm Phật, còn ngồi xuống tụng khi ngồi niệm Phật)

Phật A-di-đà thân kim sắc

Tướng tốt quang minh tự trang nghiêm

Năm Tu-di uyển chuyển: bạch hào

Bốn biển lớn trong ngần: mắt biếc

Trong hào quang hóa vô số Phật

Vô số Bồ-tát hiện ở trong

Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh

Chín phẩm sen vàng lên giải thoát

Quy mạng lễ A-di-đà Phật

Ở phương Tây thế giới an lành

Con nay xin phát nguyện vãng sanh

Cúi xin Đức Từ Bi tiếp độ.

Nam-mô Tây phương Cực Lạc thế giới, Ðại Từ, Ðại Bi A-di-đà Phật.

Nam-mô A-di-đà Phật

(Niệm Phật nhiều ít tùy thời; có thể đảnh lễ niệm Phật, thiền hành niệm Phật, hay tọa thiền niệm  Phật đều được)

Nam-mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát (3 lần).

Nam-mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ-tát (3 lần).

Nam-mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát (3 lần).

Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát (3 lần).

SÁM HỒI TÂM

Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh

Dốc một lòng nhập thánh siêu phàm

Sắc tài danh lợi chẳng ham 

Thị phi phủi sạch, luận đàm mặc ai.

Tuyết ban mai lâu dài chi đó 

Thân người đời nào có bao lâu

Rộn ràng trong cuộc bể dâu 

Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây.

Ba vạn sáu ngàn ngày công khó

Chia phần đem cho đó một hòm

Của tiền để lại nhi tôn 

Bao nhiêu tội lỗi phần hồn lãnh riêng.

Chốn cửu tuyền khác miền dương thế

Quỉ ngưu đầu chẳng nể chẳng kiêng 

Tội hành nghiệp khảo liền liền 

Muôn phần thảm độc ghê phen đoạn trường

Rất thảm thương là đường sanh tử

Dám khuyên người ngó thử lại coi 

Thân như pháo đã châm ngòi

Nổ vang một tiếng rồi coi thế nào. 

Tiếc công lao biết bao xiết kể

Sự đáo đầu cũng thế mà thôi

Trăm năm sự nghiệp phủi rồi

Minh minh biển khổ luân hồi cực thân. 

Lửa hồng trần rần rần cháy dậy

Người si mê thấy vậy phải kêu

Tỉnh tâm xét lại mấy điều 

Kíp tu đạo đức sau siêu linh hồn.

Sự dại khôn chẳng cần khôn dại

Trước lỗi lầm sau phải ăn năn

Biển sâu nước khỏa cũng bằng

Mây tan gió tịnh, bóng trăng sáng lòa.

Cõi Ta-bà có tòa Cực Lạc 

Dòng sông mê, bến giác chẳng xa

Y theo Giáo Pháp Thích-ca

Tự nhiên bản tánh Di-đà phóng quang.

Ðã gặp đàng chưa toan dời bước

Còn tiếc chi chân bước lờ đờ

Xin đừng đem dạ tưởng mơ

Trăm năm cuộc thế như cờ bị vây.

Rút gươm huệ dứt dây tham ái

Kíp tìm thầy cầu phái quy y 

Kiên trì ngũ giới tam quy

Mở lòng từ nhẫn sân si phải chừa.

HỒI HƯỚNG

Trì kinh quán niệm phước vô biên

Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền

Nguyện ai còn đắm trong biển khổ

Sớm về nước Phật được an nhiên. 

Nguyện tiêu ba chướng hết phiền não

Nguyện được Bát-nhã trí rộng cao

Nguyện thực hành theo Bồ-tát đạo

Đời đời tinh tiến chẳng lãng xao.

Nguyện sinh về cõi Tây phương

Đài sen chín phẩm dựa nương thức thần

Hoa nở thấy Phật pháp thân

Chứng ngôi bất thoái, cõi trần độ sinh.

Nguyện đem công đức tu này

Hướng về tất cả, chung xây phước lành     

Con cùng pháp giới chúng sanh

Đồng nên Phật đạo, đồng thành Như Lai.

 

TỰ QUY Y 

Con tự quy y Phật

Nguyện tất cả chúng sanh

Tin hiểu Đạo Vô Thượng

Đồng phát Bồ-đề tâm (1 lễ).

Con tự quy y Pháp

Nguyện tất cả chúng sanh

Thâm nhập nghĩa kinh tạng

Trí tuệ sâu như biển (1 lễ).

Con tự quy y Tăng 

Nguyện tất cả chúng sanh

Hòa hợp cùng đại chúng

Sống vô ngại, an lành (1 lễ).

 

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

bottom of page