Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư
II. Pháp Nghĩa Nội Dung Kệ Tụng
-
Thi Kệ 10:
Phật Việt gặp thời Pháp nạn
Thiêu thân thức tỉnh lương tri
Trái tim Bồ-tát Quảng Đức
Mãi còn một phiến từ bi.
Phật Việt, Bồ-tát Quảng Đức, Trái tim bất diệt
Trên đã dẫn truyện truyền kinh của Tổ Tây Thiên, cầu Pháp của Tổ Đông Độ, bây giờ chúng ta lại nhắc đến gương “vị Pháp vong thân” của Bồ-tát Thích Quảng Đức ở Việt Nam.
Trong Pháp nạn 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963) là người đầu tiên tự thiêu vào ngày 11 tháng 06, 1963 để phản đối sự đàn áp, triệt hạ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Việc tự thiêu này đã khích lệ tinh thần đấu tranh bất bạo động, bảo vệ Chánh Pháp của giới Phật giáo Việt Nam, cũng như đánh động dư luận thế giới, thức tỉnh lương tâm nhân loại. Sự hy sinh của Ngài đã tạo nên sự đồng tình rộng rãi và ủng hộ Phật giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy, Phật giáo Việt Nam cuối cùng vượt qua Pháp nạn, tiếp tục truyền thừa cho đến ngày hôm nay. Cho nên kệ tụng nói:
Mục Lục
Phật Việt gặp thời Pháp nạn
Thiêu thân thức tỉnh lương tri.
Theo ghi nhận, sau lễ trà-tỳ nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức, tất cả đều trở thành tro, nhưng trái tim của Ngài vẫn còn lưu lại. Trái tim này trở thành biểu tượng bi-trí-dũng của Phật giáo Việt Nam. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương ghi lại cảm xúc của mình trước trái tim từ bi, xả thân bảo vệ Chánh Pháp của Ngài qua những vần thơ sau:
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Rồi đây…rồi mai sau…còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với thời gian, lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
Dội hào quang xuống chốn A-tì!
Ôi! Ngọn lửa huyền vi….
(“Lửa Từ Bi”-Vũ Hoàng Chương)
Vâng, “Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ-tát, dội hào quang xuống chốn A-tì”. Đó chính là trái tim bất diệt của Bồ-tát, không chỉ là của Hòa thượng Thích Quảng Đức, mà còn là trái tim của bao đời Tổ Sư, chư Tôn đức khác đã hy sinh vì Đạo Pháp. Đây không phải là trái tim huyết nhục, mà là trái tim đại từ bi, đại trí tuệ, đại hùng lực! Cho nên kệ tụng ghi:
Trái tim Bồ-tát Quảng Đức
Mãi còn một phiến từ bi!
-
Thi Kệ 11:
Con nay nhận lãnh Chánh Pháp
Đổi bằng xương máu người xưa
Bao đời giúp nên huệ mạng
Nát thân cũng trả chưa vừa.
Xương máu người xưa, Huệ mạng, Đền ơn đáp nghĩa
Qua những đoạn kệ tụng trên, chúng ta phần nào thấy được Đạo tâm, Đạo hạnh, lý tưởng hoằng Pháp và tinh thần “vị Pháp vong thân” của bao đời chư Tổ. Chánh Pháp được đức Thế Tôn khám phá và truyền trao, bao đời Tổ Sư đã gìn giữ và truyền thừa bằng cả sinh mạng của mình. Trong kinh ghi lại nhiều câu chuyện tiền thân đức Phật đã xả bỏ quốc thành thê tử, đầu mắt xương tủy của mình để cầu Pháp. Nay chỉ dẫn ra một câu chuyện xả thân cầu Pháp trong quá khứ của đức Phật. Kinh Đại Bát-niết-bàn ghi: Tiền thân đức Phật là một vị Bồ-tát tu khổ hạnh trong núi Tuyết. Khi đó là thời không có Chánh Pháp. Trời Đế Thích vì muốn thử lòng của Bồ-tát, nên hiện thành quỷ la-sát và đọc hai câu kệ:
Các hành vô thường
Là pháp sinh diệt.
Bài kệ có bốn câu, nhưng chỉ đọc hai câu đầu la-sát không đọc nữa. Bồ-tát vì cầu trọn vẹn một bài kệ để truyền lại Phật Pháp nơi đời, nên xin la-sát đọc tiếp. Nhưng la-sát bảo rất đói, cần máu thịt người để ăn, mới có thể đọc tiếp. Bồ-tát liền bằng lòng đem thân cho la-sát ăn. Quỷ la-sát liền đọc tiếp hai câu kệ sau:
Sinh diệt đã diệt
Tịch diệt là vui.
Sau khi nghe xong, Bồ-tát tư duy Pháp nghĩa, rồi khắc ghi bài kệ này khắp nơi như trên cây, trên đá , trên đường đi v.v... để truyền lại cho đời. Sau đó, Bồ-tát phát thệ: “Ta vì Pháp này mà bỏ thân mạng, không vì hưởng vui trong cõi trời cõi người như lợi dưỡng, danh tiếng, tài bảo, hay Chuyển luân thánh vương, Tứ thiên vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Phạm Thiên Vương v.v... Ta chỉ vì muốn lợi ích tất cả chúng sinh mà bỏ thân mạng.”
Phát thệ nguyện xong, Bồ-tát từ trên cây nhảy xuống hiến mình cho la-sát ăn. La-sát liền hiện thân trở lại thành trời Đế Thích, đỡ Bồ-tát xuống đất bình an.
Tiền thân đức Phật cầu Pháp đã vậy, bao đời Tổ Sư cũng vậy. Các Ngài đã không ngại khó khổ hy sinh, vượt sa mạc hiểm nguy, ra biển khơi gió bão để cần cầu Chánh Pháp hay truyền dịch kinh điển cho đời. Có những vị hy sinh cả thân mạng mình để bảo vệ và truyền thừa Chánh Pháp. Gương bình thản chịu đầu rơi của Tổ Sư Tử, hạnh nhẫn nhục cắt thịt để truyền kinh của Ngài Bát-thích-mật-đế, truyện chặt tay cầu Pháp của Tổ Huệ Khả, hay vì Pháp thiêu thân của Bồ-tát Quảng Đức vẫn còn ghi rõ trong lịch sử Phật giáo xưa nay. Cho nên, kệ tụng ghi:
Con nay nhận lãnh Chánh Pháp
Đổi bằng xương máu người xưa!
Thực vậy, nhờ sự hy sinh của bao đời Chư Tổ này, thế hệ chúng ta hôm nay mới gặp được Chánh Pháp, nương đó để tu hành, dứt trừ phiền não, hết khổ được vui, phá tan vô minh, thành tựu huệ mạng. Ân đức của Chư Tổ và các bậc Thầy xưa nay thực vô cùng sâu nặng, cho dù chúng ta có xả bỏ thân mạng cũng không thể đáp đền! Cho nên kệ tụng lại nói:
Bao đời giúp nên huệ mạng
Nát thân cũng trả chưa vừa!
Thực ra, là con Phật chúng ta phải có lòng tri ân và biết ân. Đức Phật dạy:
Nếu có chúng sanh nào
Biết ơn và đền ơn
Người này thật đáng kính
Ơn nhỏ cũng không quên.
Huống chi là ơn lớn?
Người ấy dù cách Ta
Đến trăm ngàn muôn dặm
Cũng không phải là xa.
Vẫn gần Ta bên cạnh!
Vì sao lại như vậy?
Ta luôn luôn tán thán
Người nhớ ơn, đền ơn.
Còn có chúng sanh nào
Không nhớ ơn, đền ơn
Ơn lớn còn không nhớ
Huống chi là ơn nhỏ!
Người ấy dù bên Ta
Thân mặc áo ca-sa
Vẫn xa Ta ngàn dặm!
Vì sao lại như vậy?
Ta không bao giờ dạy
Quên ơn, quên đền ơn!
Cho nên các Tỳ-kheo
Nên ghi nhớ công ơn.
Và biết đền đáp ơn
Đừng theo thói vô ơn!
Này các thầy Tỳ-kheo
Hãy nhớ lấy lời Ta
Và theo đó hành trì!
Vậy chúng ta phải làm cách nào để báo ân chư Phật chư Tổ? Xin mời đại chúng đọc bài kệ tụng tiếp theo.
-
Thi Kệ 12:
Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai
Trải thân một lòng hành đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.
Phát nguyện, Truyền đèn nối lửa, Trải thân hành đạo
Khổng Tử nói về chữ hiếu: “Phụ tại quán kỳ chí, phụ một quán kỳ hạnh, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỷ”. Có nghĩa: “Cha còn thì quán sát chí nguyện của cha. Cha mất đi thì xem xét hạnh đức của cha. Ba năm không thay đổi đạo của cha, thì có thể gọi là hiếu.” Như vậy, theo Khổng Tử, người con hiếu thảo biết ân và đền ân cha là người phải noi theo chí nguyện, hạnh đức của cha. Dù cha đã mất ba năm rồi mà vẫn không thay đổi con
đường cha đi. Là người con Phật, biết ơn Phật Tổ, chúng ta cũng phải “phụ tại quán kỳ chí, phụ một quán kỳ hạnh”. Các bậc Thầy Tổ đã:
Xả thân trao đèn tiếp lửa
Đến con thế hệ hôm nay.
Chúng ta cũng phải noi theo gương sáng của Thầy Tổ, phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát nguyện, tiếp tục sự nghiệp hoằng Pháp độ sinh, trao đèn tiếp lửa cho thế hệ tiếp theo. Cho nên kệ tụng nói:
Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai.
Khổng Tử bảo: “Ba năm không thay đổi đạo của cha, thì có thể gọi là hiếu.” Đó là chữ hiếu thế gian. Còn trong Phật Pháp, Bồ-tát báo ân Phật Tổ, không chỉ ba năm, mà phải ba đại a-tăng-kỳ kiếp, mãi cho đến khi thành Phật! Cho nên kệ tụng ghi:
Xả thân một lòng hành Đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài!
-
Thi Kệ 13:
Nguyện cầu Chánh Pháp cữu trụ
Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì
Tri ân, dâng lời thệ nguyện
Cầu trên Phật Tổ chứng tri.
Cầu nguyện và Thệ nguyện
Cuối cùng là bài kệ nói lên lời cầu nguyện và thệ nguyện. Trước hết cầu nguyện:“Chánh Pháp được cữu trụ” Kế nữa cầu nguyện: “Tăng đoàn trang nghiêm, thanh tịnh được truyền trì” “Đạo tại Nhân hoằng”, nếu không có Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì làm sao Chánh Pháp có thể cữu trụ? Cho nên nói:
Nguyện cầu Chánh Pháp cữu trụ
Tăng đoàn nghiêm tịnh truyền trì.
Tuy nhiên, cầu nguyện không chưa đủ, chúng ta cần phải phát nguyện. Đó là phát Bồ-tát nguyện: “Trải thân một lòng hành Đạo/ Gian lao nhiều kiếp không nài”. Lời phát nguyện này xuất phát từ lòng tri ân người xưa đã “trao đèn tiếp lửa”. Vì vậy, chúng ta phải có bổn phận “truyền đèn nối lửa tương lai”. Cho nên nói:
Tri ân dâng lời thệ nguyện
Cầu trên Phật Tổ chứng tri.
“Cầu trên Phật Tổ chứng tri” là chứng biết cho tâm chí thành tha thiết của người viết và người đọc tụng.
-
Vài Cảm Nhận
-
Impression of the Books
-
Lời Tri Ân
-
Phần I: Kệ Tụng Việt - Anh
-
Phần II: Chú Thích & Giảng Giải
-
Phần III: Kết Luận
-
Lời Bạt