top of page

Trang Nhà  < Bài Viết  < Giới Thiệu Bản Dịch Kinh Hạnh Phúc Xuất Gia 

Giới Thiệu Bản Dịch Kinh Hạnh Phúc Xuất Gia

      Xuất gia là nếp sống cao thượng, ý nghĩa và hạnh phúc. Phải có căn lành, phước đức và nhân duyên lớn mới được trở thành người xuất gia, sống trong Tăng đoàn, tu học theo Chánh Pháp và Giới Luật của đức Thế Tôn. Đại Trí Độ Luận từng so sánh đời sống tại gia bề ngoài hào nhoáng nhưng bận buộc lợi danh với đời sống xuất gia đạm bạc nhưng tự do tự tại:

 

Chim công rực rỡ sắc màu
Sao bằng hồng hạc bay cao giữa trời?
Tại gia danh lợi không ngơi
Xuất gia công đức muôn đời vui hơn!
(Sakya Minh-Quang dịch)

Thuận Trị Hoàng Đế cũng từng tán thán người xuất gia:

Cơm chùa như núi chẳng phải lo
Xuất gia một bát vẫn đủ no
Vàng ròng ngọc trắng không phải quý
Đắp được cà-sa phước mới to!

Trẫm là ngôi báu của giang san
Lo nước lo dân chuyện bộn bàn
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Chẳng bằng thầy tu nửa buổi nhàn!

Cuối cùng, ông đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia tu hành:

Mười tám năm qua chẳng tự do
Giang san ngồi mãi chỉ thêm lo
Hôm nay bỏ hết về với núi
Mặc đời lợi lớn với danh to!

(Thuận Trị Hoàng Đế Tán Tăng Kệ-Sakya Minh-Quang dịch)

      Vào những ngày đầu xuân Canh Tý, ngồi xem duyệt đại tạng kinh, chợt đọc được một bài kinh hay tuyệt về hạnh phúc người xuất gia trong Tạp A-hàm. Bài kinh này nhắc nhở những vị đang xuất gia ý thức và trân quý đời sống tự tại và ý nghĩa mà mình đang có được. Bài kinh cũng khích lệ người Phật tử tại gia hướng đến đời sống xuất gia. Đức Phật dạy người đệ tử tại gia:

 

Thường nhớ nghĩ ba y bình bát
Tiêu biểu cho Bồ-tát xuất gia
Chí mong sớm được xa nhà
Sống đời giải thoát an hòa thanh cao.
Lập nguyện lớn cầu Vô Thượng Đạo
Hạnh kiên trì hoài bão độ sanh
Dù bao chướng ngại tu hành
Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi!

(Kinh Tám Điều Giác Ngộ-Sakya Minh-Quang dịch)

      Bút giả thấy mình vô cùng hạnh phúc, có phước đức lớn được xuất gia từ nhỏ trong Tăng đoàn, hôm nay lại đọc được một bài kinh hay tuyệt như thế này. Trong niềm Pháp hỷ vô biên, bút giả đã phát tâm phiên dịch bài kinh này sang Việt ngữ cho những ai hữu duyên cùng đọc tụng thọ trì.

      Vì mục đích đọc tụng thọ trì, nên phần trường hàng được dịch theo nhịp câu năm chữ nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên của văn xuôi; phần kệ tụng được dịch theo thể thơ lục bát thân thuộc của người Việt. Bút giả bao giờ cũng giữ nguyên tắc Tín Đạt Nhã trong tất cả dịch phẩm của mình. Tín là trung thật với ý nguyên tác. Đạt là rõ ràng dễ hiểu. Nhã là âm vận hài hòa, từ ngữ chọn lọc, xác đáng.

      Dịch phẩm hoàn thành ngày mùng 06 tháng giêng năm Canh Tý, cũng là ngày giỗ Mẹ lần thứ 34. Tri ân Mẹ đã sinh ra con, nuôi dạy nên người, rồi cho phép con được xuất gia tu học. Ngày giỗ Mẹ, con không có cơm canh, hoa trái, trà bánh... dâng Mẹ, mà chỉ có Pháp cúng dường. Con xin dâng công đức phiên dịch Kinh Hạnh Phúc Xuất Gia lên cúng dường Mẹ. Cầu nguyện: Mẹ dù tái sinh nơi đâu, sống ở phương nào, cũng được gặp Phật nghe Pháp, xuất gia tu hành, cuối cùng giải thoát.

 

Cà-sa sương gió dãi dầu
Trong tim vẫn giữ một màu nghĩa ân
Lợi danh biết rõ bụi trần
Báo ân xin nguyện dấn thân vào đời!

Gót chân hoằng Pháp khắp nơi
Góc quê con vẫn nhớ người Mẹ xưa
Công sinh dưỡng nói sao vừa
Nát thân đền đáp cũng chưa kể gì!

Từ ngày con bước ra đi
Dâng cơm sắc thuốc chuyện gì cũng không
Mẹ già tựa cửa ngóng trông
Mắt mờ vì lệ, lưng còng vì lo

Đường tu con vẫn đang dò
Mà Mẹ đã vội lên đò tử sanh
Không dâng được Mẹ cơm canh
Cũng không có Pháp vô sanh cúng dường

Bao nhiêu ân nghĩa tình thương
Thành nguồn năng lượng trên đường tiến tu
Dặn lòng gìn giữ công phu
Tham thiền học Đạo đường tu sớm thành

Xưa mơ thiên nhãn đắc thành
Khắp nơi tìm Mẹ thực hành hiếu tâm
Nay ngộ Phật Pháp thậm thâm
Mẹ vô lượng kiếp trong tầm tay ôm!

Nguyện hằng phụng sự sớm hôm
Trà thiền sữa Pháp, bát cơm Bồ-đề
Dù bao gian khổ chẳng nề
Trải tăng-kỳ kiếp không hề thoái tâm!

Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát.
 

Sakya Minh-Quang kính ghi

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page