Phật Pháp Tăng Quảng Luận
Tác giả: Thái Hư Đại Sư
Dịch và giảng giải: Sa-môn Sakya Minh-Quang
Thái Hư Đại Sư (1889-1947) là một vị Cao Tăng, có công đức vĩ đại trong sự nghiệp giáo dục và chấn hưng Phật giáo thời cận đại. Ngài một đời chủ trương "Nhân Sinh Phật Giáo", dẹp phá tà kiến bài báng Đại Thừa và mê tin thần quyền núp dưới danh nghĩa Phật giáo trong chùa chiền. Bút giả nhân giảng dạy Sám Hối Sáu Căn, tham khảo quan điểm của Đại Sư về Tam Bảo Phật Pháp Tăng, thấy vô cùng sâu sắc và thực tế. Vì vậy, bút giả đã phát tâm phiên dịch và giảng giải rộng hơn, giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn với Tam Bảo nói riêng và Phật Pháp nói chung.
Những lời dạy của Đại Sư cũng là những liều thuốc đối trị những tệ nạn cực đoan hiện hành của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Ví dụ, có những vị giảng sư có bằng cấp Phật học, ăn cơm mặc áo Đại Thừa, lại đi bài bác, phỉ báng kinh điển Đại Thừa, cho là không phải Phật Pháp! Đúng thực là:
Khinh Tăng, phỉ báng Đại Thừa
Chê Thầy, mạn Phật, lọc lừa vong ân!
(Sám Ngã Niệm-Sakya Minh-Quang dịch)
Lại có những người tôn sùng huyền bí, mê thích "Mật pháp" thần thông, mà không coi trọng, hành trì theo cốt tủy của Phật Pháp là văn tư tu và giới định tuệ. Họ chạy theo sự gia trì của các vị "Phật sống", "Pháp vương" để cầu lợi ích hiện đời như bình an, danh lợi, hay cứu rỗi ở đời sau nhờ vào thần quyền, pháp thuật.
Lại cũng có những người cực đoan, chỉ biết niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà, chỉ lo tụng một quyển Kinh Vô Lượng Thọ mà không chịu học hỏi những kinh điển khác. Họ ngay cả đức Phật Bổn Sư của mình cũng không tin hiểu, hỏi làm sao có được lợi ích chân thực trong Phật Pháp? Nếu thấy ai tụng đọc những kinh sách khác, họ lại bảo là "tạp tu"! Thực ra, ai nói vậy chính là phỉ báng đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni! Vì chính đức Phật Thích-ca đã nói ra những kinh điển đó. Lại nữa, chỉ có có "tâm tạp" mà không có "Pháp tạp". Tất cả kinh điển đều là chiếc gương soi chiếu lại tự tâm của người đọc tụng để tu sửa.
Cho nên, đọc và suy gẫm lại những lời dạy của Thái Hư Đại Sư giúp cho người con Phật chúng ta có được chánh kiến, chánh tín vững chắc trên con đường tu học. Kính mời đại chúng theo dõi phần phiên dịch và giảng giải sau đây.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Sa-môn Sakya Minh-Quang kính ghi
Phiên dịch:
I. Quán niệm về đức Phật
1. Y nơi đức Phật Thích-ca Mâu-ni để thiết lập quan điểm căn bản về Phật.
2. Tin rằng đức Phật Thích-ca Mâu-ni xác thực chứng được Vô thượng Chánh giác, là bậc tối cao vô thượng.
3. Đức Phật Tỳ-lô-giá-na hay đức Phật Đại Nhật hoặc Phật Lô-xá hay Kim Cang Trì đều là tên khác biểu hiện công đức của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Không nên xem những vị Phật này là khác với đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
4. Đức Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, hay đức Phật Nhiên Đăng v.v… trong nhiều kiếp xưa đều do đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói ra nên mới biết. Những vị này đều bình đẳng với đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
5. Đức Phật là vị đã đạt đến quả vị cứu cánh sau khi trải qua vô số kiếp tu hành đại hạnh tích lũy mà thành. Cho nên, chúng ta không được lẫn lộn xem đồng với thế tục lưu truyền những vị được gọi là “hoạt Phật” (Phật sống), “Pháp Vương” v.v….
6. Đức Phật là vị Đại Thánh trong Thánh chúng ba thừa xuất thế. Còn cõi trời hay người đều là phàm phu. Cho nên không được lẫn lộn cho rằng đồng với các vị Thánh triết của cõi người.
7. Đức Phật là bậc chánh giác, giác ngộ được tướng thật của các pháp trong pháp giới ( vũ trụ vạn hữu). Ngài cũng giáo hóa tất cả hữu tình cũng đều được chánh giác như mình. Cho nên, không được lầm lẫn, xem đức Phật đồng như Thượng đế sáng tạo của nhất thần giáo hay thần linh ban phúc trừ họa theo mê tín của đa thần giáo.
Giảng giải:
1. Vì sao nói: “Y nơi đức Phật Thích-ca Mâu-ni để thiết lập quan điểm căn bản về Phật”?
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni Buddha) là đức Phật lịch sử, một bậc giác ngộ đã ra đời ở Ấn Độ cách đầy khoảng 2645 năm (theo Phật lịch 2565). Ngài là Người sáng lập Đạo Phật ở thế giới này, bao gồm Tam Bảo là đức Phật, giáo Pháp và Tăng đoàn. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng là người đã giới thiệu các đức Phật trong quá khứ cũng như các đức Phật ở những phương khác. Cho nên, chúng ta gọi đức Phật Thích-ca Mâu-ni là đức Phật Bổn Sư, tức là vị Thầy gốc, vị Thầy căn bản dạy cho chúng ta tất cả pháp môn. Vì vậy, là người Phật tử có chánh kiến và chánh tín, trước hết chúng ta phải tin sâu, hiểu chắc và thờ kính đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước hết. Có tin hiểu được đức Phật Bổn Sư, chúng ta mới có thể tin hiểu đúng đắn về chư Phật khác.
Người Phật tử hiện nay có khuynh hướng bỏ gốc tìm ngọn. Người tu Mật tông chỉ biết đến đức Phật Đại Nhật hay Tỳ-lô-giá-na, người tu Tịnh Độ chỉ niệm đức Phật A-di-đà mà quên đức Phật Bổn Sư Thích-ca. Vì vậy, lời dạy và nhắc nhở của Thái Hư Đại Sư khiến người Phật tử xuất gia và tại gia chúng ta phải phản tỉnh và suy xét lại.
2. Vì sao tin “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xác thực chứng được Vô thượng Chánh Giác”? Có một số người học Phật cho rằng chỗ giác ngộ của đức Phật Thích-ca đồng như các vị A-la-hán. Nói khác đi, họ cho rằng đức Phật chỉ là một vị Đại A-la-hán, hay vị A-la-hán đầu tiên trong đời. Vì vậy, họ không tin Đại Thừa Phật Pháp, không phát tâm Bồ-đề vô thượng. Thực ra, đức Phật Phật Thích-ca Mâu-ni là người đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Anuttara-samyak-saṁbodhi). Để chứng được quả vị viên mãn này, đức Phật Thích-ca đã trải qua vô lượng kiếp hành Bồ-tát đạo trong quá khứ để tích lũy phước đức và trí tuệ. Nói khác đi, Ngài chẳng những giác ngộ cho mình (tự giác), mà còn giác ngộ cho người (giác tha), và hạnh giác ngộ cho mình và người nà đều đến chỗ cứu cánh viên mãn (giác hạnh viên mãn). Vì vậy, đức Phật có đầy đủ mười đức hiệu và mười tám công đức riêng Phật mới có (pháp bất cọng), trong khi các hàng A-la-hán lại không có. Đây là điều được ghi nhận cả trong kinh luận Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo căn bản.
Cho nên, tin hiểu sâu chắc “Đức Phật Thích-ca xác thực chứng Vô thượng Chánh giác” cũng chính là tin hiểu sâu chắc Phật Pháp Đại Thừa, là nền tảng để chúng ta phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo. Vì vậy, sau mỗi thời kinh, chúng ta đều tự nhắc nhở mình bằng lời phát nguyện Quy Y:
Con tự quy y Phật
Nguyện tất cả chúng sinh
Tin hiểu Đạo Vô Thượng
Đồng phát Bồ-đề tâm.
3. Vì sao “Đức Phật Tỳ-lô-giá-na hay đức Phật Đại Nhật hoặc Phật Lô-xá hay Kim Cang Trì đều là tên khác biểu hiện công đức của đức Phật Thích-ca Mâu-ni”?
Theo Hoa Nghiêm tông, Phật Tỳ-lô-giá-na 毗盧遮那 hay Lô-xá-na盧舍那 đều là một. Đây chỉ cho báo thân Phật. Theo đó, Tỳ-lô-giá-na là dịch âm đầy đủ từ chữ Phạn Vairocana, còn Lô-xá-na là dịch âm giản lược của Vairocana. Sách Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký nói: Lô-xá-na xưa nay dịch là “tam nghiệp mãn”, hay “tịnh mãn”, hoặc “quảng bá trang nghiêm. Nay đối chiếu lại Phạn bản nói đủ là Tỳ-lô-xá-na. Lô-xá-na Hoa dịch là “quang minh chiếu”. “Tỳ” có nghĩa là “biến”, nên gọi là “quang minh biến chiếu” hay ánh sáng cùng khắp mọi nơi.” (1)
Như vậy, Phật Tỳ-lô-xá-na hay Phật Lô-xá-na là đức Phật báo thân, tức thân phước trí viên mãn trang nghiêm thành tựu nhờ tu lục độ vạn hạnh trong vô lượng kiếp của đức Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Trong biển thời gian vô lượng kiếp, tu các công đức và cúng dường tất cả chư Phật trong mười phương, giáo hóa chúng sinh số vô biên, Phật Lô-xá-na thành Chánh giác.” (2)
Tuy nhiên, theo Thiên Thai Tông, Phật Tỳ-lô-giá-na đại biểu cho pháp thân Phật, Phật Lô-xá-na chỉ cho báo thân Phật, còn đức đức Phật Thích-ca được xem là vị Phật ứng hóa thân. Cho nên, trong nghi thức cúng quá đường ở thiền môn bắt đầu bằng ba vị Phật này:
-Cúng dường: Thanh tịnh pháp thân Tỳ-lô-giá-na Phật
-Viên mãn báo thân Lô-xá-na Phật
-Thiên bá ức hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật
Như vậy, trên mặt ngữ nghĩa, dường như đức Phật Thích-ca Mâu-ni là đức Phật ứng hóa thân, khác với đức Phật pháp thân Tỳ-lô-giá-na hay đức Phật báo thân Lô-xá-na. Nhưng về mặt Pháp nghĩa, đây không phải là ba vị Phật riêng biệt, mà chính là thành tựu công đức của một vị Phật. Đức Phật Thích-ca giác ngộ chân lý của vũ trụ nhân sinh, chứng ngộ thật tướng vô tướng của các pháp, tức pháp thân bất sinh bất diệt, trùm khắp không gian thời gian (biến nhất thiết xứ). Đây chính là pháp thân Tỳ-lô-giá-na nơi đức Phật Thích-ca.
Đức Phật Thích-ca cũng trải qua vô lượng kiếp hành Bồ-tát đạo, làm việc khó làm, nhẫn việc khó nhẫn, tích lũy trí tuệ và và phước đức đến mức viên mãn. Đây chính là báo thân Lô-xá-na (tịnh mãn) nơi đức Phật Thích-ca. Vì vậy, Kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát Hành Pháp nói: “Thích-ca Mâu-ni tên là Tỳ-lô-giá-na, nghĩa là biến nhất thiết xứ. Phật này trụ nơi tên là Thường Tịch Quang.” (3) Sách Pháp Hoa Văn Cú cũng nói: “Pháp thân Như Lai gọi là Tỳ-lô, Hoa dịch là “biến nhất thiết xứ”. Báo thân Như Lai gọi là Lô-giá-na, Hoa dịch là “tịnh mãn”. Ứng thân Như Lai tên là Thích-ca, Hoa dịch là “độ oa tiêu”. Ba vị Như Lai này không thể chỉ chấp lấy một.” (4)
Lại nữa, Tỳ-lô-giá-na còn được dịch là Đại Nhật Như Lai, là đức Phật bổn tôn của Mật giáo. Mật giáo còn thờ phụng Kim Cang Trì 金剛持 (S. Vajradhara) hay Kim Cang Tát-đỏa金剛薩埵 (S. Vajrasattva) là thân Phật tuy hai nhưng cùng một thể. Kim Cang Trì cũng gọi là Tối Thắng Phật, Tối Thượng Thắng Giả, Nhất Nhiết Bí Mật Chủ v.v… Còn Kim Cang Tát-đỏa dịch là “tối thượng trí”, “thượng thủ” v.v….
Thực ra, theo Pháp nghĩa tất cả các giáo pháp dù “hiển” hay “mật” cũng từ lời dạy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni mà ra. Giáo Pháp của đức Phật vốn công truyền, không có bí mật. Đức Phật từng dạy: “Này Ananda, Tăng đoàn mong đợi những gì từ Ta? Ta đã giảng dạy Chánh Pháp mà không có phân biệt công khai hay bí mật. Liên quan đến chân lý, Như Lai không có dấu diếm bất cứ điều gì như bàn tay nắm lại của một vị thầy (dcariya-muthi).” (5) Cho nên, Mật giáo thành lập trên tinh thần khế cơ, hấp thu tín ngưỡng văn hóa của địa phương để diễn đạt và truyền bá Phật Pháp theo cách riêng, nhưng mục đích vẫn là hướng đến sự giải thoát, giác ngộ (khế lý).
Vì vậy, Đại Nhật Như Lai thực ra là pháp thân thanh tịnh, hay báo thân phước trí nhị nghiêm của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Kim Cang Trì, Kim Cang Tát-đỏa là chỉ cho công đức của Phật. Chúng ta không nên sai lầm cho rằng đức Phật Đại Nhật Như Lai khác với đức Phật Thích-ca, hay công đức thành tựu còn hơn cả đức Phật Thích-ca! Từ đó cho rằng Mật giáo là hơn Hiển giáo, Hiển giáo chỉ là nền tảng cho Mật giáo!
Lại nữa, Mật giáo cũng như những tông phái khác có nhiều điểm rất hay, đáng cho chúng ta học hỏi. Tuy nhiên, Mật giáo có nhiều chi phái và những pháp tu mà người Phật tử chánh tín cần phải gạn đục khơi trong, cẩn thận không để bị lầm lạc. Ví dụ, một, sự sùng bái cá nhân quá mức như “Phật sống”, “Pháp Vương” v.v…. Thực ra, những vị tự xưng hay được xưng như vậy đều không phải là đức Phật thực sự. Các vị này chỉ là cao tăng đại đức bình thường. Ngài Đạt-lai Lạt-ma cũng tự nhận mình đơn giản chỉ là một tu sĩ Phật giáo (a simple Buddhist monk). (6) Hai, có những pháp tu hay thờ phụng trong Mật giáo đi ngược lại Phật Pháp. Ví dụ, pháp “song tu” nam nữ giao hợp, hay thờ tượng Phật “song tu” nam nữ lõa lồ ôm ấp. Ba, đặt nặng sức mạnh thần quyền, kinh nghiệm huyền bí, lợi ích hiện đời v.v…. mà không coi trọng thực tế tu hành qua văn, tư, tu và giới định tuệ.
Vì vậy, nhiều người không có nền tảng Phật Pháp vững chắc, đã tiếp xúc và tu học Mật giáo như theo học đa thần giáo! Có lẽ vì nhận thấy những lệch lạc trong sự hiểu biết, đức tin và hành trì của người Phật tử liên quan đến vấn đề này, Thái Hư Đại Sư đã dạy: “Đức Phật Tỳ-lô-giá-na hay đức Phật Đại Nhật hoặc Phật Lô-xá hay Kim Cang Trì đều là tên khác biểu hiện công đức của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Không nên xem những vị Phật này là khác với đức Phật Thích-ca Mâu-ni.” (Còn tiếp)