Phá Trừ Hai Kiến Chấp Về Thân và Tâm
Bình Luận Thi Kệ của Thiền Sư Từ Thọ
Kinh Thiên Tôn Thuyết A Dục Vương Thí Dụ kể lại một câu chuyện:
Xưa có người đang đi trên đường, bỗng thấy một con quỷ dùng gậy đánh lên một thây chết. Người đi đường hỏi: “Người này đã chết, tại sao lại đánh?” Quỷ đáp: “Đây là thân cũ của tôi. Lúc còn sống vì bất hiếu với cha mẹ, bất trung với quân vương, bất kính với Tam Bảo, không nghe lời sư phụ dạy mới khiến tôi phải chịu tội làm quỷ. Đau khổ khó nói đều do thân cũ này nên đến đánh nó.”
Vị này tiếp tục đi, lại thấy một vị thiên nhân giáng xuống rải hoa trên một tử thi, lại còn dùng tay vuốt ve trên đó. Người đi đường hỏi: “Nhìn ngài giống như chư thiên cõi trời tại sao lại vuốt ve tử thi?” Đáp: “Đây là thân cũ của tôi. Lúc còn sống thân này biết hiếu thuận cha mẹ, trung tín với quân vương, thờ kính Tam Bảo, vâng lời sư phụ giải bảo. Tôi được sinh lên cõi trời đều nhờ ơn của thân cũ này, cho nên đến để báo đáp.”
Người đi đường một ngày trông thấy hai việc như vậy, trở về nhà liền phụng trì năm giới, tu tập mười điều thiện, hiếu thuận cha mẹ, trung tín với vua. Lời khuyên nhắc để lại cho người sau: “Tội phước theo người dù lâu cũng không mất, không thể không thận trọng!"
(Sakya Minh-Quang dịch. Đại Chánh Tạng, quyển 50, kinh số 2044, trang 171, phần c, dòng 10-22)
Thiền sư Từ Thọ đời Bắc Tống đã mượn câu chuyện trên để khai thị chỗ cốt yếu của Thiền Tông, dùng con mắt tuệ kim cang phá trừ hai kiến chấp về thân và tâm, giúp người học thấy được lối vào cửa giải thoát. Trước hết, Ngài tóm tắt câu chuyện trên qua hai bài thi kệ “Ngạ Quỷ Đánh Tử Thi” và “Thiên Nhân Lễ Khô Cốt”. Trong bài “Ngạ Quỷ Đánh Tử Thi”, Thiền sư nói:
Vì túi da thúi này
Nhiều kiếp nhọc lang thang
Chỉ biết tham khoái lạc
Không chịu tạm hồi quang.
Nghiệp thiện quá ít ỏi
Đường quỷ đói mênh mang
Thực đáng dùng gậy đánh
Hận này chết chưa tan!
Nguyên văn:
Ngạ Quỷ Đả Tử Thi
餓鬼打死屍
Nhân giá xú bì nang
因這臭皮囊
ba ba kiếp kiếp mang
波波劫劫忙
Chỉ tri tham khoái lạc
只知貪快樂
Bất khẳng tạm hồi quang.
不肯暫迴光
Bạch nghiệp truy thù thiểu
白業錙銖少
Hoàng tuyền tuế nguyệt trường
黃泉歲月長
Trực tu thống bổng đả
直須痛棒打
Thử hận tốt nan vong.
此恨卒難忘
Còn trong bài “Thiên Nhân Lễ Khô Cốt”, Thiền sư bảo:
Ngươi là ta đời trước
Ta nay thiên nhãn khai
Áo châu tùy niệm đến
Cơm ngọc tự nhiên lai
Cám ơn ngươi siêng khổ
Khiến ta nay vui thay
Rải hoa lại lễ bái
Người đời chớ lạ thay!
Nguyên văn:
Thiên Nhân Lễ Khô Cốt
天人禮枯骨
Nhữ thị tiền sinh ngã
汝是前生我
Ngã kim thiên nhãn khai
我今天眼開
Bảo y tùy niệm chí
寶衣隨念至
Ngọc thực tự nhiên lai
玉食自然來
Tạ nhữ tích cần khổ
謝汝昔勤苦
Linh ngô kim khoái tai
令吾今快哉
Tán hoa thời tái bái
散花時再拜
Nhân thế mạc kinh sai.
人世莫驚猜
(Sakya Minh-Quang dịch, Tục Tạng Kinh quyển 73, kinh số 1451, trang 110, phần a, dòng 1-6)
Trong kinh, người xưa mượn câu chuyện trên để khuyên người sau tin sâu nhân quả, bỏ ác làm lành với câu kết: “Tội phước theo người dù lâu cũng không mất, không thể không thận trọng!” Đây chính là chánh kiến thế gian, là nền tảng để tu tập phước đức đạo, hay nhân thừa và thiên thừa.
Tuy nhiên, Thiền sư Từ Thọ lại nhìn câu chuyện này ở góc độ khác. Ngài mượn câu chuyện này để trình bày cái thấy rốt ráo thật tướng vô tướng, chỉ ra cốt yếu của đốn ngộ, qua bài thi kệ “Sa Môn Phá Nhị Kiến” sau đây:
Than ôi kẻ ngu si
Không biết tự phản quan
Đánh thây thực điên đảo
Lễ xương tự mê man
Thiện ác do tâm tạo
Phật ma chấp phân ban
Đạp nhào biển phiền não
Sinh tử chẳng tương can!
Nguyên văn:
Sa-môn Phá Nhị Kiến
沙門破二見
Đốt đốt ngu si tử
咄咄愚癡子
Vân hà bất tự quan
云何不自觀
Tiên thi chân đảo trí
鞭屍真倒置
Lễ cốt tự khi man
禮骨自欺瞞
Thiện ác do tâm tạo
善惡由心造
Phật ma trước nhãn khan
佛魔著眼看
Đạo phiên phiền não hải
蹈飜煩惱海
Sinh tử bất tương can.
生死不相干
Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo: “Phản quan tự kỷ bản phận sự”, tức quán sát lại mình là bổn phận của người tu. Đức Phật cũng dạy trong Kinh Di Giáo: “Ai thường quán xét mình, không đánh mất trí tuệ.” Cho nên, nếu người trí biết nhìn lại mình sẽ thấy được thiện ác do tâm tạo, còn thân chỉ làm theo sự sai sử của tâm này mà thôi. Cho nên, Kinh Tám Điều Giác Ngộ dạy:
Tâm là cội nguồn bao nghiệp ác
Thân nghe theo tạo tác tội khiên
Xuống lên sinh tử triền miên
Tôi kia đầy dẫy như miền rừng hoang!
Trong Phẩm Song Yếu, Kinh Pháp Cú, đức Phật cũng dạy:
-Trong tất cả các pháp, tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh hoặc nói năng hay hành động, quả an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình.
-Trong tất cả các pháp, tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm hoặc nói năng hay hành động, quả đau khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.
Như vậy, tâm thiện hay ác mới là quyết định của quả khổ vui, còn thân chỉ hành động tùy theo đó, nào có công gì mà phải rải hoa cúng dường hay tội gì mà phải chịu đánh đập? Cho nên bảo: “Thiện ác do tâm tạo” là vậy.
Tương tự như vậy, trong thiền môn có một công án. Mã Tổ Đạo Nhất thích tọa thiền nhưng chưa biết yếu chỉ thiền. Nam Nhạc Hoài Nhượng muốn khai ngộ cho Ngài, nên đến hỏi: “Ông tọa thiền để làm gì?” Mã Tổ đáp: “Tọa thiền để thành Phật.” Nam Nhạc không nói, chỉ đến cạnh bên lấy một viên gạch ra mài. Mã Tổ thấy vậy hỏi: “Ngài mài gạch để làm gì?” Hoài Nhượng đáp: “Mài gạch để làm gương.” Mã Tổ hỏi: “Mài gạch sao có thể làm gương?” Nam Nhạc đáp: “Vậy tọa thiền sao có thể thành Phật?” Mã Tổ không thể trả lời, mới thưa hỏi yếu chỉ. Nam Nhạc hỏi: “Nếu người điều khiển xe ngựa mà xe không đi, thì nên đánh ngựa hay nên đánh xe?” Nghe xong, Mã Tổ liền tỉnh ngộ.
Vâng, nếu xe ngựa không đi phải đánh ngựa mà không phải đánh xe. Cũng vậy, tu hành quý ở chỗ điều tâm. Điều phục được tâm, thân cũng tự nhiên cũng tự điều phục. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời dạy của đức Phật “như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe” trong Kinh Pháp Cú đã nói ở trên.
Song nhìn sâu sắc sắc hơn nữa, ngay cả tâm thiện ác cũng không thật! Phương tiện nói, tâm có vọng tâm và chân tâm. Vọng tâm còn gọi là tích tập tâm, tức dòng tâm thức sinh diệt, như tư tưởng, cảm thọ, tâm hành v.v… do tích chứa, huân tập chủng tử nghiệp thiện ác từ vô lượng kiếp, tất cả đều không thật. Cho nên, nếu cho rằng “thân” là ta là một kiến chấp, mà nghĩ rằng “tâm” là ta cũng là một kiến chấp khác! Chân tâm hay “mặt mũi xưa nay” (bản lai diện mục) là tâm thể bất sinh bất diệt, trùm khắp không gian thời gian, mà không phải tâm thức vô thường sinh diệt này. Nếu muốn giải thoát sinh tử, phải vượt qua kiến chấp đối đãi, để nhận ra “mặt mũi xưa nay”. Cho nên Thiền sư Từ Thọ mượn câu chuyện trong kinh A-dục Vương Thí Dụ để giúp người học phá trừ cả hai kiến chấp về “thân” và “tâm.”
Thực ra, chẳng những thiện ác đều do tâm tạo mà Phật hay ma cũng do tâm phân biệt mà ra. Có ác mới có thiện, có thiện để dứt ác. Có ma mới có Phật, có Phật để trừ ma. Khi ác đã hết thì thiện cũng không do đâu mà lập; ma đã không thì Phật cũng chỉ là giả danh! Đây gọi là: “Một tâm không sanh, muôn pháp đều dứt” (nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức). Hay:
Quán sâu tánh tội vốn không
Một niệm thanh tịnh, viên đồng pháp thân!
(Sám Ngã Niệm-Sakya Minh-Quang dịch)
Tóm lại, nhìn một cách sâu sắc, chấp thân là một kiến chấp, mà chấp tâm cũng là một kiến chấp khác! Tâm Phật hay tâm ma cứu cánh đều giả danh, không thật. Biển phiền não khởi lên chỉ vì cái chấp thật này! Nếu một phen trực nhận được tự tánh không, thân cũng không mà tâm cũng không, ngã cũng không mà pháp cũng không, thì:
Đạp nhào biển phiền não
Sinh tử chẳng tương can!
Đây là chỗ Thiền Sư Từ Thọ muốn nhắc nhở người học trong bài thi kệ Sa-môn Phá Nhị Kiến.
Trân trọng.
Sakya Minh-Quang
Viết xong ngày 03 tháng 12, 2019
Tại chùa Ưu Đàm Las Vegas.