top of page

Thành Ngữ “Hộc Xuyên Tước Phi”

Trong Quy Sơn Cảnh Sách

1. Giới thiệu

     Thành ngữ chữ Hán (Chinese Idiom) là một tổ hợp từ cố định, thường là bốn chữ. Thành ngữ tuy ngắn gọn nhưng có hàm nghĩa rộng sâu vì được đúc kết từ những tác phẩm kinh điển xưa, hay từ những câu chuyện lịch sử. Vì súc tích nhưng có nội hàm sâu rộng, nên thành ngữ có sức mạnh ngôn ngữ, đem lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Vì yếu tố này, thành ngữ được thường dùng trong văn chương xưa. Khi các bậc Cao Tăng, Đại Đức trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa Đông Á trước tác bằng Hán Ngữ, các Ngài cũng thường hay sử dụng thành ngữ Phật Pháp trong tác phẩm của mình. Những thành ngữ Phật Pháp này cũng được rút ra từ kinh điển, lịch sử, truyện tích…. Cho nên, người đọc nếu không hiểu được điển tích đằng sau thành ngữ sẽ mất đi ý vị thâm trường mà chư Tổ đức muốn diễn đạt. Nói khác đi, nếu không hiểu rõ thành ngữ Phật Pháp, người đọc chỉ có thể hiểu được ngữ nghĩa, mà không nắm vững được phần Pháp nghĩa.

     Gần đây, bút giả mở lớp gia giáo dạy Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách Văn hay Quy Sơn Cảnh Sách tại Tu Viện Thiện Tường cho chúng xuất gia và những vị tập sự. Quy Sơn Cảnh Sách là một tác phẩm kinh điển trong thiền môn của Thiền Sư Linh Hựu ở núi Quy đời Đường. Tác phẩm này chủ yếu lấy vô thường tấn tốc, dùng lý tưởng xuất gia, đem ân nghĩa cha mẹ, đàn-na… để nhắc nhở người tu phải nhớ đến bổn phận của mình mà tinh tấn dụng công hành trì. Lại nữa, Quy Sơn Cảnh Sách cũng phá trừ thiền bệnh phổ biến như xem nhẹ giới luật, coi thường giáo lý của những người tu thiền. Ngoài ra, Thiền sư Linh Hưu còn khai thị thiền lý nhẹ nhàng, như nói: “Chỉ cần tình không vướng nơi vật, thì vật có trở ngại chi người? Hãy để tự nhiên muôn vật vận hành theo pháp tánh (dharmatā), đừng cắt đứt mà cũng đừng chạy theo!” (Đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân? Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục.”

     Ngoài những đạo lý thâm sâu đã nói ở trên, văn chương của Quy Sơn Cảnh Sách súc tích, mạnh mẽ, làm chấn động lòng người! Ngài Linh Hựu dùng từ xác đáng, câu cú đối xứng, khéo sử dụng văn biền ngẫu để diễn đạt giọng văn cảnh sách, lúc tha thiết như lời mẹ khuyên con, khi nghiêm khắc tợ giọng cha răn dạy. Cho nên, tác phẩm này đã trở thành kinh điển trong Thiền môn và là viên ngọc quý của văn học Phật giáo. Nói về văn phong của Quy Sơn Cảnh Sách, thành ngữ Phật Pháp đóng một vai trò tương đối quan trọng để tạo nên sức mạnh ngôn ngữ trong cách hành văn của Thiền sư Linh Hựu. Cho nên, trong quá trình giảng dạy, bút giả cũng tra cứu điển tích, tìm chỗ xuất xứ của những thành ngữ xuất hiện trong Quy Sơn Cảnh Sách để giới thiệu đến người học. Đây là điều mà các vị viết và giảng dạy về Quy Sơn Cảnh Sách trước đây chưa để tâm thích đáng.

 

     Hôm nay bút giả sẽ giới thiệu Thành ngữ Phật Pháp: “Hộc xuyên tước phi” trong Quy Sơn Cảnh Sách.

2. Ý nghĩa thành ngữ

     Thành ngữ: “Hộc xuyên tước phi” 縠穿雀飛 hay “Lụa rách chim bay” chỉ cho khi mạng căn chấm dứt (chết) thì thần thức theo nghiệp tái sinh, bỏ lại thân này như chiếc bình trống. Chim tước (chim sẻ) dụ cho thần thức. Bình nhốt chim dụ cho thân. Vải lụa bịt kín miệng bình dụ cho mạng căn. Lụa rách dụ cho mạng căn đã hết, hay cái chết đến.

 

3. Chỗ dùng trong Quy Sơn Cảnh Sách:

     Quy Sơn Cảnh Sách nói về cận tử nghiệp của người bình thời không biết siêng tu:

Tự hận tảo bất dự tu, niên vãng đa chư quá cữu.

自恨早不預修年晚多諸過咎。

Lâm hành huy hoắc, phạ bố chương hoàng

臨行揮霍怕怖慞惶。

Hộc xuyên tước phi, thức tâm tùy nghiệp

縠穿雀飛。識心隨業

4. Phiên dịch

Hận mình sớm chẳng lo tu, già đến có nhiều tội lỗi!

Lâm chung hoảng loạn, sợ chết đến mau!

Đến khi lụa rách chim bay, thức tâm theo nghiệp [thọ báo].

 

5. Kinh điển Xuất xứ

     Thành ngữ “Hộc xuyên tước phi” có xuất xứ từ Kinh Pháp Cú, Kinh Thất Nữ và Kinh Thất Nữ Quán (dị bản của Kinh Thất Nữ).

 

     Phẩm “Sinh Tử” trong Kinh Pháp Cú do Ngài Duy-kỳ-nan (S. Vighna) dịch sang chữ Hán vào đời Ngô ghi:

Tinh thần cư hình khu

精神居形軀

Do tước tàng khí trung

猶雀藏器中

Khí phá tước phi khứ

器破雀飛去

Thân hoại thần thệ sinh.

身壞神逝生

(Kinh Pháp Cú. T04, no. 210, p. 574b5-6.)

 

Dịch:

Nghiệp thức ở nơi thân

Như chim nằm trong bình

Bình vỡ, chim bay đi

Thân chết, thức tái sinh.

 

     Như vậy, theo Kinh Pháp Cú, thần thức [theo nghiệp] nương gá vào thân. Quy Sơn Cảnh Sách cũng nói: “Vì nghiệp buộc nên thọ thân” (phù nghiệp hệ thọ thân). Thân được dụ cho chiếc bình, hay món đồ nào đó có chứa con chim tước. Chim tước dụ cho thần thức. Khi mình còn sống, đương nhiên thân tâm hòa hợp, đầy đủ danh sắc (thân tâm), như chim còn trong bình. Khi mình chết như chiếc bình đã vỡ, chim bay đi, còn lại chiếc bình không! Đây là nói khi thân tứ đại tan rã, thì thần thức theo nghiệp đi tái sinh.

 

     Ảnh dụ trong Pháp Cú tương tự với ảnh dụ trong Kinh Phật Thuyết Thất Nữ do Ngài Chi Khiêm Hán dịch:

 

Tước tại bình trung

雀在瓶中

Phú cái kỳ khẩu

覆蓋其口

Bất năng xuất phi

不能出飛

Kim bình dĩ phá

今瓶已破

Tước phi nhi khứ

雀飛而去

 

Dịch:

Chim tước trong bình

Miệng bình bịt kín

Không thể bay ra.

Nay bình đã vỡ

Chim tước bay đi.

(Phật Thuyết Thất Nữ Kinh佛說七女經. T14, no. 556, p. 908b28-c1)

 

 

     Tuy nhiên, có lẽ hình ảnh được dùng trong Kinh Thất Nữ Quán, một dị bản của Kinh Thất Nữ nói trên, là sát với ảnh dụ trong Quy Sơn Cảnh Sách hơn cả:

Như tước tại bình trung

如雀在瓶中

La hộc phú kỳ khẩu

羅縠覆其口

Hộc xuyên tước phi khứ

縠穿雀飛去

Thần minh tùy sở thọ

神明隨所受

Tứ đại hòa hợp thời

四大和合時

Như tước bình trung hữu.

如雀瓶中有

Duy hữu tu thiện phước

唯有修善福

Trí tuệ tùy thân thủ.

智慧隨身首

 

Dịch:

Như chim sẻ trong bình

Dùng vải lụa đậy lại

Lụa rách chim tước bay

Thức theo nghiệp thọ thân

Lúc bốn đại hòa hợp

Như chim còn trong bình.

Chỉ có phước và tuệ

Đi theo được với mình.

(Kinh Thất Nữ Quán.七女觀經T85, no. 2913, p. 1459b28-c4)

 

     Qua bài kệ trên, chúng ta thấy nguyên câu: Hộc xuyển tước phi khứ” hoàn toàn trùng với câu: “Hộc xuyên tước phi” trong Quy Sơn Cảnh Sách. Lại nữa, hình ảnh “Dùng vải lụa đậy lại” rồi “Lụa rách chim tước bay” hoàn toàn khớp với ý của Quy Sơn Cảnh Sách.

6. Pháp nghĩa

     Cuối cùng, xin được giới thiệu đến đại chúng lời giảng giải sâu sắc câu: “Hộc xuyên tước phi, thức tâm tùy nghiệp” của hai Ngài Hoằng Tán và Khai Quýnh. Trong tác phẩm Quy Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký, Ngài Hoằng tán và Khai Quýnh giảng giải: “Nay dùng bình để dụ cho bốn đại, vải lụa dụ cho mạng căn, chim dụ cho thức thần. Thức thần chính là thức tâm. Vì thức tâm nương theo nghiệp thiện ác trước đây mà đến thọ báo, như chim chui vào trong bình. Thức tâm bị nghiệp trói buộc như vải lụa bịt kín bình. Thân quả báo đời này nếu hết, thức tâm liền tùy theo nghiệp mà đi như lụa thủng chim bay.

     Vì thức tâm bị dây nghiệp buộc nơi bình sắc thân, nên dù đi đến nơi nào, nếu dây nghiệp chưa đứt, thì đi rồi cũng sẽ trở lại. Chỉ khi nào bình vỡ mà dây nghiệp dứt, thì mới đi mà không trở lại. Ý nói, nay thân tứ đại có hoại, gọi là đi mà thôi, nhưng phải thọ thân sau. Đó gọi là trở lại. Chỉ tu đến quả vị vô học (A-la-hán) mới gọi là bình vỡ. Nghiệp tái sinh tận mới gọi là không trở lại. Nói “thức tâm”, là thức A-lại-da thứ tám, tức chủ thể tổng báo giữ gìn chủng tử thiện ác. Nói “tùy nghiệp” là nghiệp thiện ác mà sáu thức tạo ra có thể dẫn dắt thức thứ tám thọ thân tổng báo trong sáu đường. Nghiệp là năng dẫn (cái dẫn dắt), thức là sở dẫn (cái bị dẫn). Cho nên nói tùy nghiệp.” (Quy Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký溈山警策句釋記. X63, no. 1240, p. 245a13-23).

 

7. Kết luận

     Tóm lại, có biết được điển tích, tức chỗ xuất xứ của thành ngữ “Hộc xuyên tước phi” hay “Lụa thủng chim bay”, chúng ta mới hiểu sâu được ngữ nghĩa và pháp nghĩa của thành ngữ này. Nhờ đó, việc học Quy Sơn Cảnh Sách sẽ có nhiều cảm hứng hơn vì chúng ta chẳng những thâm nhập được Pháp nghĩa mà còn thưởng thức văn học, văn hóa và lịch sử đằng sau những thành ngữ này. Nhân tra cứu để giảng dạy, bút giả xin chia sẻ với chư Tăng Ni và Phật tử chỗ kiến văn của mình. Ngoài ra, bút giả cũng sẽ giới thiệu những thành ngữ Phật Pháp khác trong Quy Sơn Cảnh Sách ở những bài viết sau này.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Sa-môn Sakya Minh-Quang

Viết tại Tu Viện Thiện Tường

Ngày 06 tháng 10, 2021

bottom of page