top of page

Tinh Yếu Tư Duy Thiền Quán

(Tư Duy Lược Yếu Pháp)

Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch từ Phạn sang Hán

Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt

Thay lời giới thiệu

Thiền là gì?

     -Thiền đặt trên nền tảng đời sống giới hạnh (thanh tịnh thân, khẩu nghiệp), tu tập phát triển định tuệ (thanh tịnh ý nghiệp), vận dụng năng lượng tuệ quán để phá vỡ vô minh ngã chấp, thành tựu sự nghiệp giải thoát, giác ngộ. Về mặt ngữ nghĩa, thiền nói đủ là thiền-na, dịch âm từ chữ Phạn là dhyana, dịch nghĩa là "tư duy tu", tức tu bằng tư duy thiền quán. Người tu thiền không phải không có tư duy, mà là không có "tà tư duy", tức phải có "chánh tư duy", một trong bát chánh đạo. Người tu thiền không phải không suy nghĩ, mà là suy nghĩ chuyên chú và tương ưng Pháp, không suy nghĩ lan man, thiếu chánh niệm và kiểm soát, không như lý tác ý!

     Như vậy, thiền không phải là để tâm không rỗng không, không có suy nghĩ, không có hoạt động. Nhiều người cho rằng có suy nghĩ là có vọng tưởng, không suy nghĩ là không vọng tưởng. Thật ra, có suy nghĩ hay không suy nghĩ đều ở trong cảnh giới vọng tưởng cả! Khi còn vô minh ngã chấp là còn vọng tưởng điên đảo. Nói khác đi, tuy bề mặt của ý thức yên tịnh, nhưng lớp dưới tiềm thức hay mạt-na thức (ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến) vẫn tương tục hoạt động không dừng, thì tâm thức làm sao giải thoát? Ví như mặt biển trông bình lặng mà phía dưới có bao đợt sống ngầm!

     Nói thẳng ra, thiền chính là định tuệ. Tu thiền là tu định tuệ qua phương tiện chỉ quán. Thiền chỉ là samatha nhằm phát triển định lực, trợ duyên cho thiền quán vipassana, thành tựu tuệ lực, đột phá vô minh phiền não, thành tựu giác ngộ, giải thoát. cho nên, tam vô lậu học (三無漏學): giới, định, tuệ là tinh yếu tu tập, là pháp môn bất nhị cho bất cứ ai muốn giải thoát thoát giác ngộ.

     Học 學 ở trong Phật Pháp dịch từ chữ sikkha có nghĩa là tu tập, là thật hành, là huấn luyện (training), đầy đủ văn-tư-tu, mà không phải theo nghĩa học thông thường của thế gian, chỉ là học hỏi (learing) hay nghiên cứu (studies). Thật ra, chỉ có rèn luyện mình theo giới (training in higher morality adhisīla-sikkhā), theo định (training in higher mentality adhicitta-sikkhā), theo tuệ ( training in higher wisdom adhipaññā-sikkhā) mới có thể dứt trừ ba độc phiền não tham, sân, si, tâm được giải thoát, giác ngộ.

     Người tu nào cũng phải có công phu thiền quán. Sa-môn là dịch âm của Sanskrit śramaṇa hay Pali samaṇa. Đây là từ chỉ chung cho người xuất gia. Hoa dịch là cần tức 勤息, được giải thích là: "cần tu giới định tuệ, tức diệt tham sân si 勤修戒定慧,息滅貪瞋痴", hay "siêng tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân sinh. Cho nên, Kinh Di Giáo là tóm tắt Pháp yếu một đời giáo hóa của đức Phật, mà tóm tắt Pháp yếu trong Kinh Di Giáo lại không ngoài ba chữ: giới, định, tuệ! Cũng vậy, tu hành dù nói rộng hay nói hẹp, nói cạn hay nói sâu, phương tiện lập các pháp thiền, tịnh, mật v.v... cũng không ngoài công phu giới định tuệ, nhằm mục đích dứt trừ tham sân si!

     Lại nữa, không luận Tiểu Thừa hay Đại Thừa, cho dù Giải Thoát Đạo hoặc Bồ-tát Đạo, tu tập đều đặt trên nền tảng tam vô lậu học: giới định tuệ này. Chẳng qua, hành Đại Thừa ngoài xuất ly tâm (tâm cầu giải thoát sinh tử), còn phát Bồ-đề tâm, lập Bồ-tát nguyện hộ trì Chánh Pháp, rộng độ chúng sinh. Trong lục độ của Bồ-tát hạnh đã bao gồm tam vô lậu học. Lục độ hay sáu ba-la-mật có (1) bố thí, (2) trì giới, (3) nhẫn nhục, (4) tinh tấn, (5) thiền định, (6) trí tuệ. Trong đó, (2) trì giới, (5) thiền định và (6) trí tuệ chính là tam vô lậu học! Nếu thiếu nền tảng tự giác tam vô lậu học này, thì sự nghiệp giác tha (1) bố thí, (3) nhẫn nhục, (4) tinh tấn cũng không thể thành tựu! Nói khác đi, nếu "Bồ-tát" thiếu tu giới, định, tuệ sẽ trở thành "Bồ-tát" tha hóa, thế tục hóa, những lý tưởng Bồ-tát cao đẹp trở thành bánh vẽ phi thật tế!

     Trong Phật Pháp Đại Thừa có đầy đủ tất cả các thiền pháp hành trì mà tùy theo căn cơ mà đức Phật đã thiết lập, hay được chư Tổ điều chỉnh cho hợp với hoàn cảnh và thời đại. Vấn đề là các pháp hành trì này bàng bạc trong kinh điển khó mà nắm bắt tất cả. Pháp sư Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva 344-413), một nhà đại dịch giả, có công đức rất lớn trong việc chuyển dịch kinh điển từ Phạn sang Hán, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa Đông Á, đã trích lục, biên tập từ tam tạng Thánh điển, giới thiệu đến đại chúng tinh yếu của những pháp thiền trong Phật giáo. Bản dịch của Ngài có tựa chữ Hán là Tư Duy Lược Yếu Pháp 思惟畧要法, bút giả dịch là Tinh Yếu Tư Duy Thiền Quán. Tư duy dùng ở đây có nghĩa là thiền tu, thiền quán.

Tinh Yếu Tư Duy Thiền Quán

     Thân bệnh có ba: bệnh phong, hàn, nhiệt, tai hại còn nhỏ. Tâm bệnh cũng có ba (tham, sân, si), tai họa sâu xa và nghiêm trọng hơn nhiều, [khiến chúng ta] trải qua nhiều kiếp mãi chịu khổ não! Cho nên, đức Phật là bậc lương y duy nhất đã chế ra Pháp dược để trị làm tâm bệnh này của tất cả chúng sinh. Hành giả trải qua vô lượng kiếp mãi vướng tâm bệnh này không dứt. Cho nên ngày nay phát tâm tu hành phải có tâm quyết định dũng mãnh, một lòng tinh tấn, không tiếc thân mạng. Như người xông vào đám giặc, nếu không có tâm quyết định dũng thì không thể phá giặc. Phá quân loạn tưởng cũng giống như vậy. Đức Phật nói: “Máu thịt tuy tiêu mòn hết nhưng da gân vẫn còn, không bỏ tinh tấn.” Như người đang bị lửa dữ thiêu đốt quần áo trên thân, lúc đó chỉ tìm cách dập tắt lửa mà không có một niệm nào khác. Ra khỏi khổ đau gây ra bởi phiền não cũng giống như vậy.

     [Hành giả] nên nhẫn nại việc bệnh khổ, đói khát, lạnh nóng, sân hận v.v…, nên tránh xa nơi ồn náo, thích ở chỗ vắng vẻ ít việc. Vì sao? Nhiều âm thanh sẽ làm loạn định tâm, như vào trong rừng gai góc [sẽ bị cào xước, vướng mắc] trong đó. Phàm người cầu sơ thiền trước nên tu tập các pháp quán, hoặc thật hành bốn tâm vô lượng, hoặc quán bất tịnh, hoặc quán nhân duyên, hoặc niệm Phật tam muội, hoặc chánh niệm hơi thở ra vào (sổ tức quán ānāpāna), sau đó sẽ dễ dàng nhập sơ thiền.

     Người lợi căn trực tiếp cầu thiền, quán tai họa của các dục như hầm lửa, như nhà xí; niệm cảnh giới sơ thiền như hồ nước mát, như lầu gác trên đài cao. Năm cái dứt trừ liền đắc sơ thiền. Như tiên nhân Ba-lợi lúc học sơ thiền giữa đường thấy thi thể người nữ sình thối, chuyên chú ghi nhớ hình ảnh, rồi quán thân mình cũng giống vậy không khác, liền ở nơi vắng vẻ chuyên chú tư duy liền được sơ thiền.

     Đức Phật tọa thiền bên bờ sông Hằng. Có một vị tỳ-kheo ít kiến thức Phật Pháp (quả văn) hỏi Phật: “Làm thế nào đắc đạo?” Đức Phật đáp: “Đừng chấp thủ nơi vật khác.” Nghe vậy, vị này hiểu được pháp không, liền được đạo tích (sơ quả). Lại có tỳ-kheo đa văn, tự trách mình không chỗ chứng đắc nên hỏi Phật. Đức Phật bảo: “Lấy viên đá nhỏ trong sông Hằng ra, rồi dùng nước trong bình rửa sạch viên đá đó.” Vị tỳ-kheo này làm theo. Đức Phật hỏi: “Nước sông Hằng nhiều hay nước trong bình nhiều?” Đáp: “Nước sông Hằng nhiều hơn đến mức không thể ví dụ!” Đức Phật dạy: “Tuy nước sông hằng nhiều, nhưng nếu không dùng tay để tẩy rửa thì có nhiều cũng vô dụng!” Cho nên, hành giả nên siêng năng tinh tấn, dùng ngón tay trí tuệ thiền định để rửa sạch cấu bẩn trong tâm. Nếu tâm chưa sạch cấu bẩn thì không thể lìa pháp [thiền quán]! (còn tiếp)

Sakya Minh-Quang dịch

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page