top of page

Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư

Phụ Lục IV

     Học Y, Học Phật, Học Sinh Tử

 

     Tác giả: Bác sĩ Hoàng Tích Tín, từng là bác sĩ kiêm giảng sư khoa nội bệnh viện Đại Học Đài Loan, chủ nhiệm khoa nội và chủ nhiệm khoa ung bướu, huyết dịch bệnh viện Tổng Hợp Quốc Thái. Hiện nhiệm: Bác sĩ phụ trách trung tâm hiến máu Đài Bắc.

         

     “Ngày nay đã qua, mạng sống lần giảm, như cá thiếu nước, nào có vui gì? Đại chúng, nên siêng tinh tấn, như cứu lửa cháy đầu. Chỉ nhớ vô thường, cẩn thận, chớ có buông lung.”

    Mỗi buổi kinh tối khi đọc đến đoạn này, trong lòng tôi cảm khái vô hạn, bất giác rơi lệ sụt sùi. Lại một ngày nữa đã qua, mạng sống giảm mất một ngày. Một ngày quý đẹp như vậy lại lẫn lữa để luống trôi qua trong vô ích. Trên con đường Bồ đề mình lại không chút tiến bộ, thậm chí còn bước lùi, thực là đáng hổ đáng thẹn. Nhìn lại quá khứ, hơn một vạn bảy ngàn ngày đã âm thầm trôi qua trong tay tôi. Nhìn lại thời gian không còn bao nhiêu phía trước, không sao tránh khỏi lo lắng bàng hoàng. “Thân người khó được, nay đã được; Phật pháp khó nghe nay đã nghe.” Nếu đời nay tiếp tục bỏ trôi qua, không biết đến bao giờ mới có thể trở lại làm người, được nghe Phật pháp? Cơ hội liễu sinh thoát tử nghìn năm một thuở này lẽ nào lại để trôi qua oan uổng một lần nữa hay sao? Mỗi khi nghĩ đến điều này bất giác toàn thân chấn động.

    Khoảng ba mươi lăm năm trước, dưới sự đốc thúc của cha, tôi đã hoàn thành chí nguyện học ngành y chưa hoàn tất của người. Nhờ may mắn, tôi đã bước vào cửa lớn bệnh viện. Trong quá trình học y, có lẽ nhân duyên chưa đủ, sức ngộ quá chậm, tôi cứ mãi mê đeo đuổi theo y thuật cao siêu, chỉ cần trị lành cho bệnh nhân là mãn nguyện mà không một chút chú ý đến cảm giác và khổ sở của bệnh nhân. Mãi đến sau khi chuyển qua làm chuyên môn trị liệu bằng hóa chất cho người bệnh ung thư, tôi mới lần lần phát hiện năng lực y học của mình thực giới hạn biết bao. Cho dù tạm thời khống chế được ung thư, nhưng bệnh nhân đã chịu đủ mọi dày vò đau khổ do trị liệu bằng hóa chất, để đổi lại một tấm thân tiều tụy giơ xương, chẳng ra hình người, lại không biết ung thư sẽ tái phát lúc nào! Nhưng lúc đó tôi vẫn cho là có thể giúp người bệnh sống thêm được một ngày là bác sĩ đã thành công, nên lấy đó tự hào, mà không nghĩ đến phẩm chất cuộc sống của họ như thế nào.

Mục Lục

     Mãi đến một hôm, khi người thân của mình mắc bệnh ung thư, tôi mới chợt giật mình sực tỉnh giấc mộng lớn. Thì ra nhân sinh có những cái đành phải thở dài, không biết làm sao và thực đáng buồn cười như vậy. Tôi được mọi người gọi “chuyên gia trị liệu” mà khi đối diện bệnh ung thư của người thân phải thúc thủ, không biết làm gì. Cho dù có tạm thời làm giảm đi đau khổ cho người bệnh, thực ra cũng rất giới hạn, huống chi là kéo dài sinh mệnh. Chính mắt mình nhìn người thân đang sống mà phải chịu đủ mọi giày vò, hành hạ của ma bệnh cho đến lúc lìa bỏ cõi đời. Đòn đả kích trí mệnh này, khiến tôi càng cảm thấy chân lý  “Dù tình cốt nhục chí thân, cũng đành bất lực, không ai có thể thay thế cho ai.” Điều này khiến tôi phản tỉnh lại quan niệm lệch lạc trước đây, và cũng là nhân duyên giúp tôi tiếp cận Phật pháp.

    Xin cảm ân người nhà của tôi, là Bồ tát sống thị hiện, giúp tôi bước lên đường lớn Bồ tát. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Người ta ở trong ái dục, sinh và tử đều một mình, đến và đi cũng một mình, khổ và vui lại cũng một mình, không ai có thể thay thế.” “Tuổi thọ sắp hết, không sao giữ lại.” “Dân chúng trong mười phương, từ vô lượng kiếp đến nay lưu chuyển trong năm đường, sầu khổ không dứt. Khi sống đau khổ, lúc già cũng khổ, bệnh càng khổ đau, chết lại rất khổ. Cái thân bất tịnh hôi thúi này, thực ra không có một chút vui.” “Mạng sống sắp hết, hối tiếc, sợ hãi chiếm trọn tâm tư, nếu trước không biết tu thiện, lâm chung sẽ hối tiếc. Hối tiếc đã muộn, nào có kịp đâu.”

    Những câu kinh này đã phản ánh chân thực nhất bức tranh của nhân sinh, làm lòng người chấn động, đau xót như dao cắt. Những người bệnh mà tôi tiếp xúc, một khi biết mình có ung thư, ai cũng bàng hoàng như bị sét đánh, không sao có thể tự chủ. Họ sẽ có vô số lý do để oán trách. Họ than trách sao việc bất hạnh như vậy lại xảy ra trên thân mình mà không phải là người khác? Họ tự cho mình không có làm việc gì tội lỗi, hoặc hãm hại ai, vì sao trời lại trừng phạt họ như vậy? Thực là không công bình. Có người còn trách phong thủy không tốt, khiến sinh khí của tổ tiên không che chở cho họ. Kế đó họ lại hoài nghi chẩn đoán sai, nên đi hết các bệnh viện lớn để khám lại. Cho dù đã chứng minh chẩn đoán không sai, họ cũng đi khắp nơi tìm phương thuốc bí truyền mà không muốn trị liệu bằng phương pháp chính thống. Đợi đến khi các “thầy lang băm” dụ dỗ làm cho hết tiền, còn lại là tấm thân tàn với hơi thở thoi thóp, cuối cùng thân tâm đều rã rượi, cùng kiệt, họ đành ôm lấy tâm trạng tức tưởi không cam tâm, nhắm mắt từ giã cõi đời! Đây là con đường trải qua thường thấy nhất nơi các người bệnh. Thực ra, những vấn đề như vậy, cho dù y học có tiến bộ đến đâu cũng không cách nào giải quyết. Chúng ta phải tìm về Phật pháp, nghiên tầm tướng thực của vũ trụ nhân sinh, mới có thể tìm ra đáp án rốt ráo viên mãn.

         Phật pháp thường bảo: “Nghiệp nhân quả báo, không chút sai chạy. Nhân nào quả nấy.” Nhân quả thông suốt ba đời là định luật không thay đổi. Chúng ta trước đây từng gieo trồng nhân ác, nên hoan hỉ tiếp nhận quả ác, càng phải nhận thức sinh mệnh vốn vô thường, ba cõi như nhà lửa mà không nên lưu luyến. Chỉ có cách lắng lòng mình lại, chí thành niệm Phật, cầu dứt sinh tử, ra khỏi ba cõi, mới là việc cấp thiết trước mắt.

    Mới đó học Phật đã gần được mười năm, hy vọng dưới sự dẫn dắt của thiện tri thức tôi đã không đi sai đường. Nhưng tôi luôn cảm thấy công phu học Phật của mình còn rất kém, khi tiến khi thoái, tập khí vô minh phiền não từ vô lượng kiếp vẫn rất sâu dày và luôn luôn bị nó quấy nhiễu. May mắn là trong khi hành y, tôi có thể nhìn rõ hơn tướng thực sinh, già, bệnh, chết của con người và muôn vẻ của cuộc đời. Tôi đã học tập quán chiếu, làm cách nào để đừng chấp trước vào sắc thân năm uẩn hòa hợp này: Ba ngày không tắm, đã hôi thúi khó ngửi; một ngày không uống nước là khó duy trì mạng sống; một hơi thở không trở vào là âm dương cách biệt. Thực là mạng sống con người chỉ trong hơi thở. Cho nên hiện nay trước khi đi ngủ, tôi đều quán tưởng: “Ngày mai chưa chắc đã có thể tỉnh lại. Còn có việc gì mà phải lo lắng phiền não?” Do đó tự nhiên sẽ ngủ yên, không còn vướng bận mọi việc trên đời. Đức Phật dạy một bài kệ đối với sinh tử:

                     Muôn vật vô thường
                     Là pháp sinh diệt
                     Sinh diệt hết rồi
                     Tịch diệt là vui.

    Khi thấu triệt được tất cả các pháp, bao gồm sắc thân do duyên mà sinh cũng do duyên mà diệt, vốn không có tự tính thì chúng ta sẽ không còn chấp trước sinh tử, sẽ không còn sợ hãi sinh tử. Vậy thì, giải thóat sinh tử là việc bây giờ và ở đây, tự tại vô ngại, an lạc vô cùng. Như Hòa thượng Quảng Khâm khai thị: “Không đến, không đi, không việc gì.” Chẳng qua, phàm phu tục tử chúng ta tự chấp trước, lo suông mà thôi.

    Đời này, được thân người có thể tu hành, lại nhờ học y càng có thể nhận ra mặt trái đau khổ của nhân sinh, nhờ đó tiến tới học Phật. Từ đó, tôi càng biết rõ hơn nhân sinh có ba thứ khổ, tám thứ khổ, cho đến trăm ngàn vạn thứ đau khổ như kinh Địa Tạng nói. Một người thân thể xinh đẹp không ngờ bị ma bệnh hành hạ biến thành ba phần giống người, bảy phần giống ma, cầu sống không được, muốn chết không xong, mãi đến giờ phút sinh ly tử biệt là khóc lóc, gào thét. Tôi thường tự hỏi: Cuộc sống mà như vậy, hỏi có đáng không?

    Mong rằng khi tôi còn sống, sẽ cống hiến những giá trị còn lại của đời mình cho nhân sinh. Tất cả tùy thuận, tùy duyên và hồi hướng cho mọi chúng sinh. Tôi nguyện dùng thời gian còn lại của đời mình để nỗ lực học Phật. Nếu có ngày bệnh dữ buộc thân, tôi quyết không tiếp nhận trị liệu kỹ thuật cao của y học hiện đại để hành hạ thân tâm, càng không tìm phương thuốc “bí truyền” và trị liệu dân gian để kéo dài sinh mệnh. Hơn nữa, tôi càng không muốn tiếp nhận những công cụ duy trì sự sống như máy móc và ống dây. Khi duyên đã hết, không có gì lưu luyến thế gian, buông xuống mọi duyên, thản nhiên về Phật. Tôi kính mong mõi những người chung quanh, đem tâm hoan hỉ niệm Phật đưa tôi ra đi. Không nên sầu thương, mà phải vui mừng vì tôi đã đi qua đoạn đường nhân sinh một cách thanh thoát, bây giờ trở về tịnh độ Tây phương. Như vậy tâm nguyện tôi đã mãn, không có gì oán thán, không có gì hối hận.

        Xin trân trọng,

        A Di Đà Phật.

 

                Đức Phật A Di Đà
                Là Vô thượng Y vuơng
                Nếu bỏ đây không cầu
               Thực là kẻ si cuồng    

                Một câu A Di Đà
                Là thuốc diệu Già Đà
                Nếu bỏ đây không uống
                Thực lầm to lắm mà.

                     (Hoằng Nhất Đại Sư)

                Tôi là người dân Cực Lạc
                Luôn luôn niệm Phật, mĩm cười.

bottom of page