Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư
Chương II
Trị liệu bằng cách ăn uống, đừng thực hành một cách cực đoan, sai lệch, chỉ làm tăng thêm chướng ngại tâm lý.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người bệnh sử dụng cách ăn sống. Họ phần lớn đều mới nghe qua lời đồn đãi, truyền miệng, chưa biết rõ ràng, đã vội theo trí tưởng tượng của mình mà thực hành. Hay có người chưa hiểu thấu đáo đã tuyên truyền ý chỉ “thân, tâm, linh” phối hợp toàn bộ, liền thiên chấp một bề ăn sống, khiến bản thân phải mang thêm nhiều bệnh tật và rắc rối. Thậm chí có người, về mặt tâm lý đối với thức ăn rất lo sợ, hay đối với thức ăn đã nấu chín lại bất mãn hay bài xích. Họ ăn thức ăn gì cũng rất lo lắng, không bỏ được tâm lý “sợ”. Họ sợ cái này có độc, cái kia có hại, suốt ngày chỉ nghi ngờ, lo sợ vẩn vơ. Họ lại nghĩ không biết ăn cái này có bổ lắm không, sẽ khiến tế bào ung thư thêm lớn? Ăn cái kia có lạnh lắm không, sợ không đủ sức lực? Nói chung, họ ăn thứ gì cũng hồi hộp lo sợ, hoàn toàn đánh mất tâm biết ơn, tâm hoan hỉ và tâm tự khích lệ mà lẽ ra nên có. Họ có biết đâu, chính những tâm niệm đen tối như “sợ hãi”, “nghi ngờ”, “bất mãn” đều là nguyên nhân tạo ra chất độc, làm tổn giảm năng lượng và sức đề kháng của cơ thể nhiều nhất.
Ăn uống vốn là để phát huy ánh sáng sinh mệnh một cách thỏa đáng, khiến chúng ta có sức để khai phát lương tri, lương năng và tu hành Phật đạo. Không ngờ chỉ sai lầm trong một niệm, lại khiến sinh mệnh tốt đẹp của mình vì ăn uống mà sợ hãi, lo lắng. Có một số người suốt ngày chỉ lo ăn mà bận rộn, nhọc nhằn. Lại có một số người thà nhịn đói không ăn, song có lúc chịu không nổi nên ăn rất là nhiều. Lại có người nghe nói thứ gì tốt, liền theo trào lưu, thứ gì cũng ăn! Như có một nhóm nào đó từng cười, kể lại: Họ nghe nói cỏ tiểu mạch rất tốt, liền không hỏi số lượng sử dụng bao nhiêu và thích hợp dùng trong điều kiện nào, liền mỗi người trong tập thể cùng uống một ly lớn (hiểu lầm uống càng nhiều càng tốt). Kết quả, “toàn quân tan rã”! Đây là cách dùng từ dí dỏm của họ, ý nói uống xong ai nấy cũng đều ói mửa, uể oải, đầu nhức, chân run đứng không muốn vững.
Sách
-
Chân Dung Người Phật Tử
-
Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng
-
Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác
-
Phật Học Quần Nghi
Mục Lục
Nên biết cách trị liệu bằng ẩm thực, cũng cần phải “biết mình biết ta”, tức biết thể chất và tình trạng bệnh của mình, cũng như biết thuốc: biết đúng cách dùng và lượng dùng. Còn như không biết mình biết người, sử dụng một cách hồ đồ, khó tránh khỏi việc lệch lạc, nên không được lợi ích. Lại nữa, cần phải hiểu rõ một cách toàn diện mối liên hệ giữa “thân, tâm, linh”, mới không phụ lòng của người quảng bá việc thương yêu, bảo vệ chúng sinh. Cho nên, chúng ta quyết không được “tu mù luyện quáng,” chưa hiểu rõ toàn bộ cách phối hợp và điều kiện sử dụng thích hợp, đã vội cố chấp một bề ăn sống. Cần phải biết mình biết người, mới là việc làm sáng suốt.
Ngoài ra, đối với những bạn thích tuyệt thực, tôi xin trân trọng giới thiệu một phương pháp tuyệt thực đúng đắn, an toàn và hợp lý nhất. Đức Phật chế giới Bát Quan Trai, tức trong một ngày một đêm (24 giờ), thọ tám giới và trai pháp. Trai, có nghĩa là quá giờ Ngọ không ăn, cho đến ngày hôm sau khi mặt trời mọc. Đây là tương đương với tuyệt thực 18 giờ. Điều này có ý nghĩa đạo lý rất sâu. Tạm nói về mặt y học, nó cũng là việc “nhịn ăn ngắn” rất hợp lý, có lợi ích cho mình và người. (Có chuyên đề thảo luận nguyên lý y học đối với vấn đề này)
Lại nữa, do tám giới điều chỉnh nội tâm đến mức an định, từ bi, khiến tâm niệm đoan chánh, thanh tịnh (không tạo ra độc tố). Chữ Trai trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “nghiêm chỉnh, thanh tịnh.” Cho nên, Bát Quan Trai Giới mà đức Phật chế ra giúp thân tâm chúng ta được điều chỉnh đến mức nghiêm chỉnh, thanh tịnh và phát huy công năng tốt nhất.
Tám giới là: 1. không sát sinh, 2. không trộm cướp, 3. không hành dâm, 4. không nói vọng, 5. không uống rượu, 6. không dùng hương thơm, vòng hoa trang sức, 7. không tự mình ca múa và cũng không đi xem nghe, 8. không ngồi nằm trên giường cao rộng.
Nếu ai có thể phát tâm Bồ đề rộng lớn, thọ trì tám giới này trong một ngày một đêm, thì công đức vô lượng, không thể nghĩ bàn.
Người thích nhịn ăn, có thể chọn ngày nghỉ nào mà mình thuận tiện, thọ tám trai giới này trong một ngày một đêm. Đức Phật là vị thầy của tất cả vị thầy thuốc lớn, nên pháp “không ăn quá ngọ” mà Ngài dạy chúng ta là trung đạo và hợp lý nhất. Đây là phương pháp nhịn ăn ngắn rất hữu ích, khiến thân tâm của mình được thanh tịnh, hoan hỷ và an lạc.
Lễ Phật để tiêu trừ tội chướng và khai phát năng lực tiềm ẩn.
Tôi còn có một chút kinh nghiệm, cũng xin giới thiệu để các bạn tham khảo. Biết đâu kinh nghiệm này có thể giúp bạn vượt thắng được cơn bệnh, hay giúp đỡ được phần nào.
Khi tôi mắc bệnh không lâu, Hòa thượng Sám Vân dạy tôi phải lạy Phật cho nhiều để tiêu trừ nghiệp chướng. Hai chữ “nghiệp chướng” nếu giải thích đơn giản có nghĩa: “Nghiệp” là hành vi; “chướng” là chướng ngại. Đây là chỉ những hành vi tích lũy trong quá khứ của chúng ta đã tạo ra chướng ngại cho cả hai mặt thân thể và tâm lý. Nói hành vi trong quá khứ là bao gồm những tư tưởng, lời nói, và hành động của ba nghiệp thân miệng ý.
Sao lại nói niệm Phật và lễ Phật lại có thể tiêu trừ nghiệp chướng? Vì đang lúc chúng ta lạy Phật, tâm niệm được điều chỉnh đến mức “cung kính” và “từ bi thanh tịnh”. Miệng chúng ta niệm Phật thì không còn những lời nói tạp nhạp nào khác, đạt đến “ngôn ngữ thanh tịnh”, còn động tác lạy của thân thể thì mềm mại, thành kính, khiêm cung, đều có thể tiêu trừ những những hành vi không tốt đã tạo ra những áp lực và chướng ngại. Như vậy cả ba phương diện thân, miệng, ý đều trở nên thanh tịnh, cung kính, thì có thể tiêu trừ những chướng ngại do hành vi thân tâm không hợp lý của mình tạo ra trong quá khứ. Đó chính là tiêu trừ nghiệp chướng, và cũng là huấn luyện thân tâm “an định trong động”. Giống như chúng ta không ngừng đổ nước hay dội nước vào ống nước, thì có thể lần lần khiến ống nước trở nên thông lưu và sạch sẽ. Thân tâm ta cũng như vậy, không ngừng tắm mình trong pháp niệm Phật, lễ Phật, thì có thể khai phát được năng lực còn tiềm ẩn, làm sống dậy và thêm sinh lực cho các bộ phận chức năng trong cơ thể.
Khi sức khỏe tôi suy yếu trầm trọng, khối u lại rất lớn, động tác lạy mọp sát người theo cách “năm vóc sát đất,” (ngũ thể đầu địa) thực là khó khăn, nhọc mệt. Nói năm vóc sát đất, là chỉ cho năm phần thân thể: đầu, hai tay, và hai đầu gối khi lạy phải chạm sát đất. Lúc ban đầu vì không biết cách, nên khi cúi xuống lạy, khối u và ruột lại cấn, đè vào nhau, có cảm giác như nghẹt thở. Lúc đứng dậy thì chóng mặt như trời xoay đất chuyển. Cho nên mỗi một lạy là một cực hình. Nhưng tôi đối với Phật có lòng tin và tôn kính rất sâu xa. Tôi nghĩ: “Dù mình có lạy Phật mà chết ngay tại chỗ cũng tốt hơn là không lễ Phật, nằm chết trên giường bệnh!” Chính tâm niệm này đã nâng đỡ, giúp tôi tiếp tục lạy Phật.
Mới ban đầu, phải hết sức cố gắng tôi mới lạy xong một ngày một trăm lạy. Tôi cảm thấy thân thể rất nặng nề, hơi động một chút là thở hổn hển, tối tăm mày mặt. Sau đó, một hôm, tôi biết được có một chị họ Vương, là người tu học trước tôi, mắc bệnh ung thư xương, bị cưa mất một chân, thế mà mỗi ngày chị đứng trên chiếc chân còn lại, niệm Phật và lễ Phật đến một trăm lẽ tám lạy! Ngoài ra chị còn làm rất nhiều việc nhà. Tôi nghe xong cảm thất rất xấu hổ. Trong lòng thầm nghĩ: “Chị chỉ có một chân, khó khăn như vậy mà còn cung kính lễ Phật đủ một trăm lẽ tám lạy. Còn mình hai chân nguyên vẹn, ít ra cũng phải lễ Phật đến ba trăm lạy!”
Thực ra, bạn chỉ cần thử qua cũng đủ biết, đứng một chân lạy còn khó hơn đứng hai chân lạy cả chục lần!
Việc khó khăn gấp mười so với tôi mà chị còn làm được, cho nên tôi phải cố gắng hơn. Vì vậy, tôi đã phát nguyện: “Phải lạy một trăm ngàn lạy để cảm ơn Phật, cảm ơn cha mẹ, thầy tổ, và tất cả chúng sinh; cũng đem công đức này hồi hướng cho những ai đang lâm khổ nạn, và những ai chẳng may mắc bệnh ung thư, nguyện mọi người đều có thể lìa khổ được vui!”
Tưởng rằng mệt lắm, đâu ngờ càng lạy càng nhẹ nhàng, khoan khoái.
Trên đời không có ai bắt ép tôi lạy Phật. Trái lại, mọi người còn khuyên tôi không nên nhọc sức quá. Đây là vì tự tôi phát nguyện. Phát nguyện rồi thì phải làm. Cho dù có khổ cũng phải làm đến nơi đến chốn.
Nhưng thực lạ kỳ, lạy Phật hoàn toàn không phải khổ, không phải mệt như mọi người đã nghĩ! Trái lại, dường như càng lạy Phật càng thấy khỏe, gánh nặng như mỗi lúc mỗi nhẹ.
Ban đầu lễ Phật ba trăm lạy, mỗi ngày tôi phải chia ra làm nhiều lần mới lạy xong. Sau đó không biết tại sao, càng lạy, càng thấy nhẹ nhàng, mau chóng. Tôi cũng không có ý là phải lạy mau cho đủ số, chẳng qua là thân thể dường như nhẹ đi rất nhiều. Tôi có cảm giác như ống nước càng được rửa sạch bao nhiêu, thì nước chảy càng thông suốt bấy nhiêu, không giống ống nước lúc mới đầu bị bùn cát bên trong cản trở, nên nước chảy không thông.
Có một hôm, trong trạng thái quên bẵng thời gian, không ngờ mình lạy liền một mạch đến ba trăm lạy! Thêm nữa, không mệt cũng không thở hổn hển, giống như mình chỉ mới lạy cái lạy đầu tiên!
Tạp niệm càng ít, thân tâm càng nhẹ.
Trước đây rất lâu, tôi nghe nói có một vị Pháp sư mỗi ngày vào buổi sáng đều lạy ba ngàn lạy. Lúc đó tôi không tin. Làm sao mà trong khoảng thời gian ngắn lại có thể lạy hết ba ngàn lạy? Bởi vì tôi lạy vừa chậm vừa nặng nề, có cố lạy nhanh như thế nào cũng không thể lạy hết ba ngàn lạy. Lúc đó cũng có người vì không tin như tôi, nên đã cùng tôi đi đến đó xem vị Pháp sư này lạy Phật và đếm thử xem.
Quả nhiên, trông Pháp sư lạy Phật không có gì vội vã, rất thong dong tự tại. Người xem chỉ có cảm giác như động tác của vị đó nhẹ nhàng, trôi chảy, như không có trọng lượng. Mọi người đếm số quả đúng là ba ngàn, không sót một lạy!
Sau đó tôi mới tin: Khi vọng niệm của con người càng ít, thì gánh nặng của thân thể càng giảm, càng cảm thấy nhẹ nhàng, động tác càng không có chướng ngại, nên mới có thể lạy nhanh như vậy.
Trong nhà Phật, những vị Pháp sư âm thầm dụng công như vậy rất nhiều. Tính ra, tôi chỉ là một người rất biếng nhác mà thôi.
Lạy Phật hàm chứa nguyên lý y học thâm sâu.
Trước đây tôi nghe Sư phụ Sám Vân dạy: “Lạy Phật là vận động tốt nhất, còn tốt hơn khí công và thái cực quyền.”
Lúc đó tôi còn chưa thể hội được. Về sau trong khi lạy Phật, tôi phát hiện ra rất nhiều lợi ích, cho đến mối quan hệ tương ứng giữa nguyên lý lễ Phật và y học, chừng đó mới lần lần hiểu được lời của Sư phụ.
Lạy Phật là môn vận động giúp thân, miệng, ý chúng ta thanh tịnh; có thể giúp tâm chúng ta khế hợp với tâm Phật và đương nhiên cũng có thể trị bệnh. Về mối quan hệ giữa lạy Phật và y học, chúng tôi sẽ có một chuyên đề riêng để bàn luận sâu rộng hơn. Ở đây chỉ xin nói lược qua đôi điều.
Lạy Phật có hiệu quả điều chỉnh xương sống, cường hóa nội tạng, làm tăng thêm tế bào mang dưỡng khí.
Con người hiện nay bị rất nhiều áp lực, tinh thần căng thẳng, cơ bắp toàn thân cũng tự nhiên căng cứng theo. Lại thêm vì thiếu vận động, cột xương sống trở nên cứng nhắc, rất khó uốn cong. Đứng về mặt y học mà nói, kẻ hở giữa những đốt xương trên cột sống là chỗ thần kinh và mạch máu đi qua. Thần kinh nơi tủy sống phụ trách quản lý các cơ quan nội tạng. Nếu khoảng cách giữa những đốt xương sống quá sát thì sẽ chèn ép dây thần kinh và mạch máu. Cho nên, nếu thần kinh và mạch máu ở đốt xương sống nào đó bị chèn ép, thì đốt xương sống đó có vấn đề. Những chức năng của cơ quan nội tạng nào được sự giúp đỡ của dây thần kinh và mạch máu đó sẽ từ từ hư hoại. Bởi vì tư thế không đúng, cơ bắp căng cứng khiến xương cột sống đè lên nhau quá sát, máu chảy không thông, thần kinh bị ảnh hưởng, nên không thể đưa chất dinh dưỡng và dưỡng khí đến cung cấp cho những tế bào trong cơ quan nội tạng. Tế bào nếu thiếu dưỡng khí sẽ dễ dàng trở thành tế bào ung thư. Cho nên, điều này có liên quan rất lớn đến bệnh ung thư. Vì vậy chúng ta lúc bình thường, điều chỉnh các tư thế và động tác đi đứng nằm ngồi phối hợp với hơi thở, sẽ có ảnh hưởng tốt đối với tình trạng bệnh tật.
Động tác lạy Phật đúng đắn giúp tiêu trừ những chướng ngại về mặt sinh lý và tâm lý.
Động tác lạy Phật nếu đúng đắn có thể giúp ích cho việc trị liệu. Vì lúc lạy Phật phải cúi đầu xuống một cách dịu dàng, đến mức cằm đụng sát ngực, động tác này có thể giúp cột xương cổ gồm bảy đốt kéo giãn ra, đem lại những lợi ích sau đây:
1. Lượng máu dồn về bộ não đầy đủ:
Chỉ có hai đường huyết quản dẫn máu lên bộ não. Đường thứ nhất là động mạch cổ, đường thứ hai là động mạch xương sống. Động tác này khiến động mạch xương sống không bị đè ép, lượng máu và dưỡng khí cung cấp bộ não sẽ thông suốt và nhiều hơn, do đó giúp nâng cao công năng bộ não.
2. Dịch tủy xương sống và não (cerebrospinal fluid) lưu thông:
Dịch tủy xuơng sống và não là lớp chất dịch tuần hoàn ở vòng ngoài tủy sống và bộ não, cũng như bên trong não thất. Nó có những công năng như sau: 1. Điều tiết sức ép của não. 2. Bảo vệ não. 3. Cung cấp chất dinh dưỡng. 4. Chuyển đưa các chất thải. Nếu tư thế của đầu, cổ không đúng, góc độ không ngay, sự lưu thông của chất dịch này bị cản trở, thì lớp tủy sống và não như bị ngâm trong nước ứ đọng không tươi mới, sức ép não cũng bất bình thường, dễ bị chứng nhức đầu, choáng váng. Động tác lạy Phật có thể giúp cho chất dịch của tủy sống và bộ não lưu thông, giúp tăng cường công năng bộ não, có thể chỉ huy tế bào toàn thân một cách thỏa đáng.
3. Giúp hệ thần kinh ở xương cổ không bị ép, phát huy được công năng:
Thần kinh ở những đốt xương cổ có liên quan mật thiết với những chức năng của mắt, tim, huyết áp, khí quản và nước miếng. Thần kinh của cánh tay cũng đến từ xương cổ. Nếu hệ thần kinh trong xương cổ bị chèn ép, sẽ sinh ra các chứng như đau nhức, tê bại. Nếu thường lạy Phật, cúi đầu nhè nhẹ, kéo giãn các đốt xương cổ, thì có thể trị liệu những chứng bệnh ở các bộ vị nói trên.
Lạy Phật: Điều chỉnh xương sống, trị dứt bệnh nhức lưng, đau hông.
Lúc cúi mình lạy xuống (cúi đầu, khom lưng, co gối), phải lấy gót chân làm điểm tựa. Lấy gót chân làm điểm tựa là nguyên lý trọng tâm vật lý tự nhiên. Vì như vậy cơ bắp mới không căng cứng, tốn sức. Phần bụng và ngực phải cố gắng đưa về phía sau, đến có thể thấy được gót chân sau, mới cúi lưng xuống. Tốt nhất cúi đến mức phần bụng dưới cũng có thể sát với đùi. Động tác này có thể kéo giãn làm buông lõng bắp thịt ở hai bên xương sống, khiến kẻ hở giữa các đốt xương sống có thể kéo giãn ra. Làm như vậy sẽ có tác dụng cải thiện rất lớn đối với nội tạng, hệ thần kinh và sự lưu thông máu huyết. Toàn bộ động tác lạy, cũng như động tác quỳ xuống, thân tuy động và trọng tâm giữ không động. Đó gọi là nhất tâm, là định trong động.
Lại nữa, trong khi lạy Phật mắt đừng nhắm lại, nên thu nhiếp nhãn thần, quán chiếu lại mình. Nếu nhắm mắt thì tư thế không vững, công năng điều tiết huyết áp cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, làn sóng não lúc mở mắt và nhắm mắt khác nhau. Chúng ta lễ Phật là khai phát công năng của tánh giác, khai phát công năng điều hành thống nhất cao cấp của não bộ, mà không phải sùng bái một cách mù quáng.
Lúc lạy Phật hai tay chắp lại, nhưng trước khi quỳ xuống thì hai tay buông nhẹ ra hai bên, chống xuống đất, sau đó đầu gối mới quỳ xuống. Sau khi quỳ xuống, lòng bàn chân hướng lên, thân người ngồi giữa mé trong của hai gót chân. Động tác này giúp kéo giãn khớp xương cổ chân, đồng thời cũng kích thích làm hoạt hóa điểm phản xạ của tuyến lymph, sau đó thân trên cúi xuống, mặt úp ngay ngắn sát đất. Điều nên chú ý là mắt phải mở. Động tác này có thể điều chỉnh lại cột sống của chúng ta. Con người vì muốn giữ tư thế đứng thẳng đã phải trả giá bằng sự đau lưng nhức hông. Nói chung khi người ta đứng, phần eo tương đối chịu lực, nên cột sống phần eo thường cong lại về phía bụng. Như vậy sẽ khiến các đốt xương ở cột sống phần eo ép chặt lại, tạo nên sức ép chướng ngại. Như vậy nó sẽ làm ảnh hưởng đến công năng của các cơ quan nội tạng như gan, dạ dày, lá lách, ruột già, ruột non, thận, bàng quang v.v… Lạy Phật có thể trị được những chướng ngại này. Đây cũng gọi là tiêu trừ nghiệp chướng. Vì lạy Phật sửa cột sống phần eo cong vào khiến cho nó thẳng lại, bằng cách đưa nó ra về hướng lưng. Đây cũng chính là cách đẩy ra phần cột sống bị ép quá chặt, khiến nó được giãn ra, không còn bị ép.
Lạy Phật làm tăng lượng thở buồng phổi, mở rộng lòng độ lượng và khai phát sức tự giác.
Lạy Phật khi quỳ xuống đầu sắp chạm đất, đồng thời hai tay duỗi ra trước một cách nhẹ nhàng, mềm mại để chuẩn bị tiếp xúc chân Phật. Tay đưa ra cách đỉnh đầu khoảng một nắm tay, đồng thời hai bên nách cũng cố mở rộng. Ý của nó là mở rộng tâm lượng của chúng ta, cũng là làm tăng lượng thở của buồng phổi. Sau khi tay đưa ra quá đầu, thì lật bàn tay lại khiến lòng bàn tay ngửa lên. Động tác này biểu thị: Tôi nhất định phải chuyển hóa cảnh giới tâm linh của mình, để tiếp nhận ánh sáng của Phật. Cũng có nghĩa: Tôi phải đem hết lòng mình ra để cúng dường cho Phật, không một chút lưu giữ. Lúc đó phải quán chiếu đầu ngón tay của chúng ta giống như cánh hoa sen mềm mại, không cần phải dùng sức. Dùng đôi bàn tay hoa sen này để đỡ chân Phật nhắc nhở chúng ta rằng: Hoa sen nở ra không phải nhờ sức mạnh bên ngoài, mà nhờ vào sức tự giác bên trong. Hoa lòng của chúng ta rộ nở cũng giống như vậy. Lúc đó chúng ta phải quán tưởng đức Phật đại từ đại bi đứng trên đôi tay hoa sen của mình để tiếp nhận sự đảnh lễ. Chúng ta có thể đối diện cùng Phật, điều này thật là hạnh phúc biết bao! Lúc đó tự nhiên từ đáy lòng chúng ta sẽ mỉm cười.
Chúng ta lại quán tưởng đức Phật phóng luồng ánh sáng thanh tịnh, từ bi chiếu vào đỉnh đầu mình, khiến toàn thân trở nên thanh tịnh, sáng suốt. Tất cả bệnh đau đều quét sạch, như bóng tối gặp phải ánh sáng. Chúng ta lại quán tưởng tất cả chúng sinh đều lạy Phật chung với chúng ta, cùng tắm mình trong ánh sáng Phật.
Lạy Phật giúp hô hấp triệt để, hoành cách mô co giãn mạnh, dẫn đến thở ở đan điền. Thở ra hết hơi dơ cặn bã, hít vào toàn hơi Phật thanh tịnh.
Mọi người chúng ta ai cũng hít thở mãi. Nhưng thực ra ít ai biết phải hít thở như thế nào. Rất ít người biết thở một cách hoàn chỉnh và triệt để. Vì sao? Bạn thử quan sát xem, người ta chỉ cần ở trong trạng thái bận rộn, hay là tâm đang chú ý đến sự việc bên ngoài, thì hơi thở sẽ bị ảnh hưởng. Nó trở nên rất cạn, rất ngắn, thậm chí có lúc còn tạm thời dừng lại. Nhất là lúc trong lòng buồn bực, hay nổi giận, thì cách thở này không thể đem những khí dơ trong cơ thể ra ngoài, đổi lấy không khí tươi mới. Nếu như vậy lâu ngày chày tháng sẽ tích lũy thành uế khí bên trong khiến cơ thể thiếu dưỡng khí. Chúng ta biết tế bào nếu thiếu dưỡng khí thì dễ biến thành tế bào ung thư, hay nói khác đi mình dễ mắc bệnh ung thư. Chúng ta lễ Phật có thể điều chỉnh hơi thở, khiến hít ra thở vào triệt để và hoàn toàn. Vì vậy, lễ Phật cũng là loại khí công rất tốt.
Khi chúng ta cúi xuống lễ Phật, động tác này giúp chúng ta thở ra một cách triệt để, những chất khí dơ trong toàn thân và vùng phổi đều được xả bỏ sạch sẽ. Lúc năm vóc mọp sát đất, vì bắp thịt toàn thân buông lỏng, không bị sức cản, nên tự nhiên sẽ hít vào một cách rất sâu, rất đầy đủ. Theo nguyên lý động lực học của huyết dịch, thì hít hơi thở vào sâu có tác dụng hấp dẫn dòng máu chảy thuận lợi trở về tim rồi bơm đi khắp nơi. Do đó trong khi lạy Phật, từng tế bào trong thân chúng ta sẽ nhận được dưỡng khí và dinh dưỡng rất phong phú, cho đến cảm nhận được không khí hoan hỉ, hạnh phúc của thế giới Cực Lạc. Lúc lạy xong chuẩn bị đứng dậy, cần phải mượn sức hít hơi thở vào để đứng lên, thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, đỡ nhọc mệt.
Hiện tại sống không an vui và đem hạnh phúc cho mọi người, dù sống lâu cũng vô dụng.
Dần dần tôi cảm thấy, thì ra một ngàn lạy, hay mười ngàn lạy, chẳng qua chỉ là một lạy hiện tiền mà thôi, không cần phải để tâm, càng không cần phải nhọc lòng nghĩ đến cái lạy kế tiếp, chỉ thọ dụng sát na hiện tiền được tiếp xúc với Phật mà thôi. Cổ đức bảo: “Bầu trời muôn thuở, một sớm gió trăng.”[1] Bầu trời từ muôn thuở đến nay, chính là gió trăng hiện tiền mà bạn đang thấy. Cho nên, một sớm gió trăng nào cũng đều là bầu trời muôn thuở cả. Đây gọi là: Vĩnh viễn an vui không phiền muộn, chính là mỗi phút giây hiện tại đều an vui không phiền muộn. Giả như hiện tại mình không thể sống vui vẻ và phát huy dòng sinh mệnh để gây dựng hạnh phúc cho mọi người, thì thực ra có giành được ngày mai cũng vô dụng, giành được sinh mệnh lâu dài hơn cũng vô dụng. Tôi vẫn thích một câu nói cũ:
Giả sử ngày mai tận thế,
Đêm nay sen vẫn gieo trồng,
Đem lòng gió mát trăng thanh
Xưng tán A Di Đà Phật.
Hiện tại an lạc, tương lai Cực Lạc.
Dù cho mình có giải quyết được tất cả mọi việc, mọi bệnh tật trên thế gian, đến cuối cùng vẫn còn lại vấn đề không sao tránh được đó là cái chết và vấn đề luân hồi chịu khổ sau khi chết. Cũng may, có đức Phật A Di Đà từ bi phát ra bốn mươi tám lời nguyện, là chỗ nương tựa cho chúng ta trong vòng sinh tử. Tôi chính mắt trông thấy rất nhiều người niệm Phật khi lâm chung được thấy đức Phật đến tiếp dẫn, hoan hỉ nhẹ nhàng vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Cho nên tôi đã suy nghĩ kỹ qua, mắc bệnh ung thư rồi phải làm sao? Cách tốt nhất là phải ngay trong hiện tại sống vui vẻ, sống can đảm trong thế giới Tịnh độ từ bi. Nắm lấy hiện tại, giữ tâm Phật, làm việc tốt, thường niệm Phật, đây chính là hiện tại đã “vãng sinh” trong cảnh giới an lạc, mới không sống thừa chết uổng. Người như vậy khi mạng chung lại càng an lạc, vì người niệm Phật chỉ cần tín nguyện kiên cố, đức Phật nhất định hiện tiền từ bi gia hộ, khiến chúng ta an nhiên, tự tại, không khổ không loạn, và tiếp dẫn chúng ta hoan hỉ vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Xin chú ý, ngay khi sống là có thể vãng sinh (di dân) đến thế giới Cực Lạc có thọ mạng vô lượng, mà không phải khi chết đi mới gọi là vãng sinh. Vãng sinh
Cực Lạc là đến cõi Phật du học nâng cao trình độ, phát huy đầy đủ tiềm năng Phật tính, khả năng độ mình độ người, rồi trở lại thế giới khổ đau, hoạn nạn để cứu độ chúng sinh, viên mãn nguyện lớn vĩnh hằng. Bạn nghĩ xem, còn có phương pháp nào tốt hơn thế nữa không?
Hiện tại an lạc, tương lai Cực Lạc!
Cùng Bồ tát Cực Lạc
Đồng phong thái an lạc
Cùng đức Phật Di Đà
Đồng từ bi nhu hòa.
Chúng ta tin vào sức Phật, hay tin vào sức nghiệp? Đức tin của chúng ta khác nhau, nên kết quả cũng trở nên khác nhau.
Cư Sĩ Lý Mộc Nguyên Chuyển Tế Bào Ung Thư Thành Rừng Công Đức
Biến trở lực thành động lực.
Ở đây chúng tôi sẽ giới thiệu một câu chuyện người thực, việc thực. Đây là câu chuyện cảm ứng nhờ lòng tin vào sức Phật của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, một Hoa kiều ở Singapore. Ông dùng lòng tin và nghị lực hết sức kiên cường của mình để niệm Phật A Di Đà, và đem thân tâm cống hiến cho chúng sinh, cống hiến cho Phật giáo, nhờ đó đột phá được bệnh ung thư, cũng như bệnh tim nghiêm trọng của mình. Ông không những không bị ma bệnh đánh ngã, mà còn dùng ung bướu như máy bơm, tạo ra sức mạnh hoạt động, nỗ lực hoằng dương Phật giáo. Ông không những mở ra con đường học Phật rộng rải, tươi sáng cho Singapore, mà còn đem lại một nguồn năng lượng lớn, nhằm cũng cố niềm tin và khích lệ cho chúng ta, những người đồng cảnh ngộ.
Tìm cầu chân lý, làm tròn đạo hiếu.
Vị cư sĩ họ Lý này là người nhiệt thành, hào sảng. Ông từ nhỏ đã thích tìm hiểu chân lý, phàm việc gì cũng tìm cầu chứng cứ xác thực, mà không tin theo một cách mù quáng. Ông cũng rất hiếu thảo. Khi mẹ mắc bệnh ung thư, tất cả mọi việc, dù là nhỏ nhặt trong cuộc sống, như đút cơm, dọn rửa đồ tiểu tiện v.v…, ông đều đích thân làm. Trong ba năm chăm sóc bệnh cho mẹ, ông có nhân duyên được tiếp xúc với Phật pháp, cũng đích thân thể nghiệm được diệu dụng của niệm Phật.
Ban đầu cha của ông cực lực phản đối việc ông tin Phật đọc Kinh. Chẳng qua ông rất dễ thương, biết cha mình như vậy, nên học thuộc lòng Kinh, rồi lúc tụng kinh lại cầm tờ báo, giả như đang xem báo, mà thực ra trong lòng đang đọc thầm Kinh văn. Ông tuy có duyên tiếp xúc với Phật pháp, cũng rất nhiệt tình phục vụ cho Phật giáo và đại chúng, nhưng khi sư phụ khuyên ông ăn chay, ông lại bảo: “Con ghét nhất là ăn chay. Tại sao đang bình thường như vậy lại đi ăn cỏ!” Ông thèm ăn thịt cá, mà lại còn ăn rất nhiều, nên trọng lượng thân thể từng lên đến chín mươi chín ký lô, vòng eo số 48. Có người chọc ghẹo, bảo ông mua quần áo một lần phải mua hai bộ, một bên mặc một bộ!
Ung thư di căn, ho ra máu. Bác sĩ bảo sống không quá sáu tháng.
Năm 1982, một hôm ông bỗng nhiên ho ra máu. Sau kết quả kiểm tra, bác sĩ cho biết là ông bị lao phổi. Nhưng sau khi trải qua một thời gian điều trị bệnh lao, bệnh tình ông không chút thuyên giảm. Lúc đó đi bệnh viện kiểm tra kỹ thêm nữa, mới phát hiện là bệnh ung thư! Phổi của ông chẳng những có bướu, mà ngay cả ruột cũng có bướu, thậm chí trong tạng phủ cũng có hiện tượng di căn! Bác sĩ bảo bệnh tình khó có hy vọng, chỉ có thể sống không quá sáu tháng.
Đem thâm tâm phụng sự chúng sinh, an nhiên niệm Phật.
Ông là một người rất có trí tuệ, đã chứng minh được lòng tin sâu sắc của mình đối với sức Phật trước cửa ải sinh tử này.
Sau khi ông ho ra máu, sư phụ cũng khuyên ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông không chịu. Ông phát tâm vì đại chúng phục vụ, quyết không thể bỏ dỡ giữa chừng. Ông bảo: “Con không quan tâm gì cả, con chỉ nhất tâm niệm Phật.” Ông biết bệnh tình nghiêm trọng, nên giao phó hết sự nghiệp cho vợ quản lý kinh doanh, ngay cả thẻ tín dụng ông cũng trả lại ngân hàng. Sau đó ông một lòng đem sinh mệnh của mình ra phụng sự Phật giáo, sống một ngày là cống hiến một ngày, an tâm niệm Phật, quyết chí vãng sinh thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Ngay trong hiện tại ông đã sống Ông bảo: “Tôi đã đem thân này giao cho long thiên hộ Pháp rồi!” Ông tin Phật pháp, cho rằng tâm thanh tịnh, thì không có bệnh. Ông nghe lời sư phụ khai thị: “Phải kiểm điểm lại tâm niệm của mình. Nếu làm vì bản thân mình thì đó là ma, nếu làm vì đại chúng thì đó là Phật.”
Ông tuân theo nguyên tắc này vì đại chúng phục vụ. Kết quả trải qua sáu tháng, thậm chí đến sáu năm, rồi mười năm, mà ông vẫn không bệnh không chết! Cho đến hiện giờ ông vẫn sống rất khỏe, lại còn thường tổ chức đoàn Phật tử đi Trung Quốc đại lục, hộ trì Phật Pháp nơi này. Ông hiện nay là hội trưởng Hội Cư Sĩ Lâm Singapore, lễ thỉnh Pháp sư Tịnh Không ra sức hoằng dương Pháp môn Tịnh độ, lại còn định thành lập làng Di Đà, mỗi ngày đều hoạt động rất tinh tấn.
Thọ Bồ tát giới.
Năm 1988, nhân Tổng Hội Phật Giáo tại Singapore có tổ chức giới đàn, sư phụ mong ông hộ trì, phát động mọi người thọ giới. Ông nghĩ: Nếu mình khuyên mọi người thọ giới, thì mình cũng phải phát tâm thọ giới. Sư phụ khuyên ông thọ Bồ tát giới, nhưng lúc đó ông còn rất thích ăn thịt, nên thưa với sư phụ rằng, ông chỉ có thể ăn chay được mỗi tháng mười ngày mà thôi. Lúc đến giới tràng, ông bị một vị thầy quở rằng: “Làm Bồ tát gì, mà còn ăn thịt chúng sinh!”
Sau khi thọ giới, trước khi ra về, ông đã gọi điện về nhà bảo vợ chuẩn bị cơm canh cá thịt để đợi ông. Kể nghe cũng lạ, khi ông về đến, cảm thấy trong nhà có mùi hôi, giống như mùi chuột chết, nhưng lại không tìm ra xác con chuột nào cả. Sau đó ông mới phát hiện, mùi hôi đó xuất phát từ nồi thịt kho mà thường ngày ông thích ăn! Từ đó về sau, ông chỉ cần ngửi đến mùi thịt, thì cảm thấy là mùi chuột chết, tự động không dám ăn. Ông bảo: “Chính tôi cũng không dám tin, một người ham ăn thịt như mình, rốt cuộc lại có thể ăn chay!” Đây chính là chỗ bất khả tư nghì trong Phật pháp!
Buông xả bản thân, vì Phật giáo. Khắc phục bệnh tim nghiêm trọng.
Lý cư sĩ không những có bệnh ung thư, mà còn có bệnh tim mạch, bệnh cao máu và bệnh tiểu đường nghiêm trọng. Ba mạch máu tim của ông bị nghẽn. Hai sợi trong đó bị nghẽn đến chín mươi lăm phần trăm. Một sợi bị nghẽn chín mươi phần trăm. Bác sĩ bảo ông phải mổ, vì nó hết sức nguy hiểm, có thể khiến cơ tim bị xơ cứng bất ngờ, đưa đến cái chết đột ngột.
Ngày ông định đi nhập viện giải phẫu tim cũng là ngày giới Phật giáo có việc rất quan trọng cần ông giúp đỡ. Ông nghĩ chắc Bồ tát bảo mình đừng đi mổ, cho nên đến trước bàn Phật thắp hương thưa: Con không đi mổ nữa!
Sau đó ông gọi điện đến bệnh viện hủy bỏ ca mổ tim này, đi lo việc Phật sự. Giữa việc mình và việc đại chúng, ông đã chọn vì Phật giáo, vì đại chúng, không nghĩ gì đến việc lợi hại, đắc thất cá nhân, ngay cả việc sống chết của bản thân mình cũng buông xuống!
Chỉ cần việc có ích cho chúng sinh là nhiệt thành, đích thân thực hiện.
Ông mỗi ngày niệm Phật, không tiếc sức mình vì Phật giáo, vì đại chúng phục vụ. Ông không những lo Hội Phật giáo Cư Sĩ Lâm, thư viện Phật học, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng Phật pháp, từ lớp giáo lý cho trẻ em, đến lớp người già, chăm sóc cho họ, dạy họ niệm Phật, thậm chí ông còn đến nhà tù giảng dạy Phật pháp, đi trợ niệm cho người lâm chung và giúp người chết tắm gội, thay y phục …, chỉ cần là việc lợi ích, giúp chúng sinh học Phật, ông đều làm một cách nhiệt tình và cẩn thận chắc chắn. Kết quả bệnh ung thư của ông không sao, mà bệnh tim cũng không cần phải mổ, tự nhiên khỏi hẵn! Sau đó ông đi bác sĩ kiểm tra lại, được biết ba mạch máu tim bị nghẽn đã tự nhiên trở lại bình thường, còn thân thể càng lúc càng mạnh khoẻ. Ông mỗi ngày có thể bơi đến một ngàn năm trăm mét, thậm chí có thể mỗi lần bơi đến năm ngàn mét. Ngồi thuyền mọi người cảm thấy say sóng, riêng ông thì không, lại còn có thể giúp bác sĩ chăm sóc người bệnh! Đi Trung Quốc đại lục đến vùng giá rét, ông mặc rất ít mà vẫn không cảm thấy lạnh.
Không phải là phép mầu, mà do nguồn tâm tiêu diệt gốc bệnh, khiến tế bào tổ chức mới trở lại.
Bác sĩ và mọi người nói chung đều cho rằng trường hợp của ông là phép mầu. Nhưng Pháp sư Tịnh Không bảo: “Đây không phải là phép mầu, đây là hiện tượng bình thường. Chúng ta bệnh, suy già đều vì trong lòng của mình có các độc tố như tham, sân, si, lại thêm các thứ ô nhiễm và mê lầm, vì vậy có bệnh, có già.”
Pháp sư cho rằng bệnh của Lý cư sĩ sở dĩ khỏi là vì ông dứt sạch những chất độc bệnh tật bên trong, khiến tâm trở nên thanh tịnh, chân thành, và từ bi. Do đó, tế bào toàn thân của ông mới tự động tổ chức, sắp xếp trở lại, thân thể cũng tự nhiên hồi phục sức khỏe.
Bị vu cáo, chịu trắc trở, càng dũng mãnh tinh tấn.
Ông buông xả tất cả tư tâm, ham muốn cá nhân, chỉ hết lòng niệm Phật, vì đại chúng phục vụ. Do đó ông không những cải thiện được bệnh tình, khỏe mạnh trở lại, mà còn có thể khắc phục mọi chướng ngại, khó khăn của hoàn cảnh xung quanh. Ông tình nguyện đem hết sức mình phục vụ Phật giáo, song lại bị một số người hiểu lầm, thậm chí vu cho ông là tham ô, rồi đi thưa kiện. Ông bị cục điều tra Singapore tra xét, thẩm vấn đến mười ba lần. Kết quả, nhân viên cục điều tra không những chứng thực ông không có tham ô, mà còn cảm động vì ông, nên bảo ông đi thưa trở lại những người đã vu cáo mình. Nhưng ông bảo: “Tôi đã thọ giới Bồ tát, tôi không muốn làm như vậy!”
Ông chỉ một lòng giúp đỡ chúng sinh học Phật, không muốn cùng chúng sinh kết duyên ác. Tuy gặp rất nhiều trắc trở, chướng ngại, nhưng ông đều không có thoái tâm, trái lại càng tinh tấn dũng mãnh vì Phật giáo, vì chúng sinh mà cống hiến, phục vụ.
Niệm Phật hóa giải tai họa tù tội.
Ông cho rằng nghiệp chướng mình còn rất nặng, nên cần phải siêng năng niệm Phật. Ngay ngày quy y, ông cũng gặp phải chướng ngại. Mỗi lần gặp chướng ngại, ông càng chứng thực sự bất khả tư nghì của sức niệm Phật, càng tăng trưởng niềm tin đối với công đức niệm Phật.
Lúc trước ở Singapore, cây xăng còn chưa có nhiều, cho nên ông lái xe đều chuẩn bị thêm một bình xăng dự bị để ở thùng xe sau. Chúng ta biết tình hình an ninh ở Singapore trước giờ rất tốt, có tiếng trên thế giới. Cảnh sát lúc nào cũng chú ý đến sự an toàn của người dân. Ngày quy y, ông gặp cảnh sát chặn xe lại giữa đường xét hỏi. Cảnh sát thấy sau thùng xe của ông có một thùng xăng, lại có một chiếc áo tràng màu đen, nghi rằng ông đi đốt nhà, cướp giật, nên đưa ông về tạm giam ở cục cảnh sát. Cảnh sát nói với ông rằng: “Hôm nay là thứ bảy, cảnh sát trưởng không đến. Ngày mai là chủ nhật, thứ hai là ngày lễ Quốc khánh, thứ ba ông phải ra tòa!”
Ông vì vậy bị đưa vào trại tạm giam. Trong đó đã có hai người tuổi khá lớn, là dân đạp xe ba bánh, vì cờ bạc mà bị bắt. Lý cư sĩ suy nghĩ: Ở trong đây phải làm sao đây? Ông bắt đầu lớn tiếng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, lại còn mời hai vị đạp xe ba bánh cùng niệm. Hai vị này không thèm để ý, ông càng lúc càng niệm lớn tiếng. Ông lại nhớ đến lúc quy y, Pháp sư Diễn Bồi có nói: “Hôm nay là ngày mười chín tháng sáu, mọi người ngoài việc niệm Thánh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm, cũng có thể niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà.” Do đó, ông lại lớn tiếng niệm: A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…, niệm đến hơn mười một giờ, có một vị cảnh sát đến mở cửa, bảo với ông: “Ông ra ngoài, cảnh sát trưởng cho gọi.”
Ông cảm thấy rất lạ, vừa rồi cảnh sát mới nói, hôm nay là thứ sáu, cảnh sát trưởng không đến. Sao bây giờ lại đến? Ông bước ra ngoài xem, cảnh sát trưởng mới hơn ba mươi tuổi. Cảnh sát trưởng hỏi: Sao ông bị bắt? Ông đáp: Tôi trên xe có để thêm một thùng xăng, họ bảo tôi định đi đốt nhà. Tôi lại có mang chiếc áo tràng màu đen, họ bảo tôi định đi ăn cướp.
Ông lại chỉ chiếc áo tràng, rồi nói với viên cảnh sát: Ông xem, tay áo tràng này rộng như vậy, nếu đi ăn cướp thì chạy thực bất tiện, sẽ vấp ngả!
Cảnh sát trưởng lại hỏi: Họ có đối xử không tốt với ông không? Ông đáp: “Không có.” Cảnh sát trưởng bảo: “Vậy thì ông có thể ra về.”
Cảnh sát trưởng còn bảo một cảnh sát giúp ông mang bình xăng để lại trên xe. Trước khi ra về, Lý cư sĩ còn trở lại phòng tạm giam, bảo với hai người bị giam chung khi nãy: “Các ông thấy không, tôi niệm Phật có thể được ra. Còn các ông lại không chịu niệm, không chịu tin lời tôi!”
Tâm thay đổi, vận mệnh thay đổi; thân và hoàn cảnh cũng thay đổi.
Lý cư sĩ cả đời gặp nhiều chướng ngại, nhưng tin vào sức Phật, chưa từng thoái chí nãn lòng. Ông kiên trì dùng sức niệm Phật và sức phát nguyện để chiến thắng sức nghiệp. Có một lần đi núi Cửu Hoa ở Trung Quốc Đại Lục, ông gặp một người rất giỏi về bói toán. Người này bảo: Ông sẽ bị liệt, không thể đi được. Vị ấy còn khuyên ông mau mau trở về. Lý cư sĩ đáp: “Tôi tin Phật và Bồ tát! Tôi không tin cũng như không quan tâm đến chuyện đó.”
Từ việc này đến việc khác, ông đã chứng minh cho chúng ta thấy sức mạnh của lòng tin và tâm nguyện niệm Phật, nhất định thắng được sức nghiệp. Ông không những không bị liệt, lại còn đi đứng nhanh nhẹn. Tâm của ông đã chuyển hóa, thân thể theo đó đổi thay, thế giới hoàn cảnh cũng thay đổi.
Buông bỏ những thứ không mang được. Siêng tu công đức mang theo được.
Chúng ta phải hiểu danh lợi và quyến thuộc trên thế gian đều là những thứ không mang theo được. Chỉ có công đức, phước đức tu hành mới mang theo được, sử dụng được. Ông đã phán đoán, chọn lựa rất có trí tuệ. Ông chọn buông xả danh lợi, là những thứ không mang theo được; chọn dùng sinh mệnh để gieo nhân lành, tu tập tất cả công đức, là những thứ mang theo được. Nếu chúng ta liên tục gieo trồng hạt giống tốt vãng sinh Tây Phương thành Phật, thì nhất định có thể sinh về thế giới Cực Lạc và đều được thành Phật. Đây là quả báo tốt đẹp nhất.
Phật A Di Đà,
Công đức không lường.
Một niệm tương ưng,
Sáng tỏa mười phương.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Vạn cổ trường không, nhất triêu phong nguyệt. (萬古長空,一朝風月。) Đây là câu nói của Thiền sư Sùng Tuệ, núi Thiên trụ ở Thư Châu. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, có vị Tăng xin khai thị, sư bảo: “Bầu trời muôn thuở, một sớm gió trăng.” Im lặng một chút, sư lại hỏi vị Tăng: “Xà lê thể hội không?” 《景德傳燈錄》(T51, no. 2076, p. 229, c12). Dịch giả chú.