top of page

Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư

Chương IV

    Thể hội mùi vị chờ bị giết, và tâm trạng mong được phóng sinh.

    Có một vị họ Hứa phục vụ ở trường Trung học Đông Sơn. Ông ở trong túc xá của trường, ban đêm bị ăn cướp lẻn vào, bắt ông trói lại và bịt kín mắt. Trong bóng tối, ông ta nghe bọn cướp bàn nhau định giết mình, vì ông đã trông thấy mặt bọn chúng, e rằng sẽ gây bất lợi cho họ sau này. Bọn cướp tay cầm hung khí, vị họ Hứa lại bị trói gô. Ông thuật lại việc đó như sau: Tuy chỉ có ba tiếng rưỡi đồng hồ, mà đối với ông như một đêm dài dằng dặc, dài nhất trong cuộc đời. Ông trải qua tâm trạng kinh sợ, rối loạn của con vật chờ đợi bị giết. May mắn sao, trong lúc hoảng hốt đó, ông chợt nhớ đến đức Phật A Di Đà, nhớ đến thế giới Cực Lạc là nơi mình có thể sinh về. Do đó ông vội một lòng niệm Phật, cầu Phật tiếp dẫn vãng sinh. Nhưng ông ta niệm Phật một hồi lâu, bọn cướp lại cuối cùng đổi ý không giết ông, rồi bỏ đi. Tâm trạng được phóng sinh khi đối diện trước cái chết thực sung sướng làm sao. Vị họ Hứa này từ đó hết sức đề xướng việc không sát sinh, làm việc phóng sinh. Ông cảm nhận một cách sâu sắc: giảm một phần nghiệp sát, là thêm một phần khí chất từ bi, an lành; cũng như công đức niệm Phật thực không thể nghĩ bàn, có thể khích lệ người phát tâm từ bi và thay đổi nhân quả xấu ác cả hai bên.

 

    Giả như vì danh lợi phá giới, đối diện cái chết, học vị hỏi có tác dụng gì?

    Giả sử anh bạn học của tôi lúc đó vì muốn có được học vị thạc sĩ mà che lấp mất từ bi, phá giới giết chuột để làm thí nghiệm, e rằng sau đó sẽ không có được nhân duyên thù thắng được cứu chữa khỏi bệnh. Chúng ta thử suy nghĩ, nếu bệnh ung thư máu của anh phát triển giống như những bệnh nhân bình thường khác, đối diện trước cái chết, học vị cao học, tiến sĩ của anh, hỏi có tác dụng gì?

 

                  Không nỡ chúng sinh khổ
                  Không nỡ Thánh giáo suy
                  Do nhân duyên như vậy
                  Phát khởi tâm đại bi.

Mục Lục

   

     Sức mạnh của tâm hoan hỷ.

     Tôi từng gặp qua một bệnh nhân ung thư, chỉ là một bé gái học sinh Trung học cấp II. Em sinh ra không bao lâu liền bị phát hiện mắc bệnh ung thư. Ung thư của em ở vùng não và tủy sống. Thuở bé em đã trị liệu qua, mãi đến học trung học cấp II lại tái phát. Em trở lại bệnh viện, điều trị một giai đoạn, tóc trên đầu rụng sạch, bạch huyết cầu xuống còn rất thấp, đến nỗi phải nằm viện theo dõi và cách ly với mọi người. Lúc nào em cũng phải mang khẩu trang để tránh nhiễm bệnh. Đó là lúc em gần sắp tốt nghiệp cấp II. Em tha thiết muốn đi dự lễ tốt nghiệp. Nhưng vị bác sĩ điều trị cho em lại không đồng ý, vì thấy bệnh tình có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Ông không muốn vì việc tốt nghiệp mà em phải làm một việc quá mạo hiểm như vậy.

 

    Tiếng lòng của em bé.

    Hôm đó lúc tôi đến thăm, em đang ngồi trên giường mà rơi nước mắt, hết sức thất vọng. Em nói với tôi, em sống mà không biết phải làm gì, mỗi ngày nằm không trong phòng bệnh để chích thuốc, truyền dịch, thực sống chẳng bằng chết. Mẹ của em cũng không biết làm sao để an ủi. Em bé còn nhỏ như vậy, mà phải chịu sự giày vò khổ sở, trông thấy khiến tôi xót xa trong lòng.

 

    Nằm viện chưa chắc khỏi chết. Người ta nên sống quang minh, hoan hỷ và có ý nghĩa.

    Tôi cho rằng người ta sống phải có ánh sáng, có hy vọng, thì việc chịu khổ để trị liệu như vậy mới có ý nghĩa, cũng như có cơ hội bình phục. Thực ra, bất cứ vị bác sĩ nào cũng không thể bảo đảm bắt bệnh nhân nằm mãi trong bệnh viện là có thể tránh được cái chết. Cho nên tôi mới bảo với em: “Chúng ta cùng nhau niệm Phật, cầu Phật gia hộ cho em. Tôi ký giấy cho em tạm xuất viện để tham dự lễ tốt nghiệp.” Em nghe xong mở to mắt nhìn tôi, rất vui mừng hỏi: “Thưa bác sĩ, có thực không?” Tôi đáp: “Đương nhiên là thực rồi. Em hãy cố gắng niệm đức Phật A Di Đà là được.”

 

    Trị thân trước hết phải trị tâm.

    Sau khi tôi hứa với em, liền lén gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm lớp em ở trường. Tôi nói với cô: “Em bé này rất ngoan. Em luôn tha thiết muốn đến trường học, nhưng vì bệnh mãi không sao đi được. Em hiện giờ rất muốn dự lễ tốt nghiệp, nhưng bệnh tình hết sức nguy hiểm. Có rất nhiều học sinh khỏe mạnh mà không biết tự quý tiếc sức khỏe mình, không thích đi học. Nhưng em này trái lại dù bệnh tật hành hạ, chịu sự khổ sở của trị liệu, vẫn tha thiết đi học. Sự khổ sở này không phải những trẻ em bình thường khác có thể chịu nỗi. Niềm hy vọng duy nhất của em là đi dự lễ tốt nghiệp, mong cô giáo giúp đỡ. Nhờ cô giáo giúp phát cho em một phần thưởng trong ngày lễ tốt nghiệp để khích lệ. Xin thầy cô, các bạn học, cũng như tất mọi người, cùng nhau khích lệ, giúp đỡ em vượt qua cửa ải này của nhân sinh. Nếu về phía trường học không có kinh phí sẵn cho phần thưởng này, tôi xin ra tiền để mua. Phần thưởng càng lớn càng tốt, để em được hạnh phúc một phen. Bởi vì đã lâu lắm rồi, em chưa từng được sung sướng bao giờ…”

 

    Thầy trò nhiệt thành khích lệ. Em bé khổ nạn, lần đầu tiên tuơi cười trở lại.

    Cô giáo của em rất từ bi, rất thương em, liền đồng ý với tôi, quyết bàn bạc với nhà trường phát cho em một phần thưởng lớn, để khích lệ, động viên. Cuối cùng, tôi quả thực ký tên cho em tạm xuất viện, em cũng thực sự đi dự lễ tốt nghiệp, lại còn lãnh về một phần thưởng rất lớn. Em không biết việc tôi sắp đặt với cô giáo, cho nên cứ tươi cười luôn, vô cùng sung sướng thuật lại quang cảnh buổi lễ tốt nghiệp như thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi thấy em cười. Tôi cùng vui chung với em, vui đến nỗi nước mắt chảy tràn!

 

    Tâm hoan hỷ không thể nghĩ bàn. Huyết cầu mau chóng tăng lên.

    Tôi phát hiện sức mạnh của tâm thật to lớn vô cùng. Sức mạnh của tâm hoan hỉ thực không thể nghĩ bàn. Ở trên tôi đã nói qua, lúc sung sướng hạnh phúc, cơ thể sẽ tiết ra chất hóa học, làm tăng cường sức miễn dịch, tăng trưởng số lượng và chất lượng tuyến hạch (lymph). Cho nên em bé dự lễ tốt nghiệp về, chẳng những không có nguy hiểm gì, lại sau đó vài ngày, số lượng huyết cầu của em tăng lên thấy rõ, đến mức bình thường có thể xuất viện về nhà. Em bảo với tôi, nếu em được khỏe trở về nhà, thì việc đầu tiên là đàn dương cầm cho tôi nghe. Tôi hỏi em: “Em có biết dùng dương cầm để đàn A Di Đà Phật không? Vừa đệm đàn, vừa xướng danh hiệu Phật?”

    Em vui vẻ hứa về nhà sẽ đàn thử. Tôi tuy không rảnh đến nhà em nghe đánh đàn dương cầm, nhưng tôi đã nghe được tiếng Phật vang vọng từ cõi lòng em qua nụ cười rộ nở trên môi…

    Tôi chắp tay thầm cầu nguyện: “Kính nguyện đức Phật A Di Đà, vị Phật của ánh sáng hoan hỉ, dẫn dắt tất cả chúng sinh, dùng tâm hoan hỉ vượt qua cửa ải của nhân sinh.”

 

    Bài Học Từ Hai Vị Ung Thư Ngực

 

    Cùng một cảnh ngộ, nhưng không cùng tâm cảnh.

    Trong thời gian tôi còn phục vụ trong khoa ung bướu, có hai phòng chẩn đoán bệnh số 1 và số 2 nằm sát vách nhau. Giữa hai gian phòng này có một cánh cửa ăn thông. Một hôm tôi khám cho một vị phụ nữ tuổi hơn năm mươi ở phòng chẩn đoán bệnh số 1. Cô rất buồn khổ, cứ sụt sùi, khóc lóc mãi. Vì lúc đó có một loại thuốc mà bảo hiểm sức khỏe không trả tiền, khiến cô cảm thấy áp lực nặng nề từ hai phía bệnh tật và kinh tế, nên không dằn nỗi phải bật khóc.

     Cùng lúc đó ở phòng chẩn đoán bệnh số 2, có một vị mắc bệnh ung thư ngực chỉ hơn ba mươi tuổi đang chờ khám. Nghe người bệnh bên kia phòng khóc, liền đẩy cánh cửa ngăn ở giữa, đưa tay ra vẫy tôi, rồi móc hết số tiền có trong ví, đưa cho tôi bảo: “Bác sĩ à, xin giúp tôi tặng số tiền này cho vị bệnh nhân bên đó.” Cô nói với cặp mắt đỏ hoe: “Đều cùng là người gặp nạn như nhau.” Tôi nghe xong vô cùng cảm động, và cảm phục tinh thần Bồ tát của cô. Vì theo tôi được biết, hoàn cảnh của vị bệnh nhân trẻ tuổi này, thực ra còn khó khăn hơn cả vị kia. Đứa con còn trong tả đang đợi cô cho bú. Chồng cô đồng lương cũng chẳng khá gì, lại không có bảo hiểm sức khỏe. Cô từng giải phẫu ở bệnh viện khác, có thể nói có bao nhiêu dành dụm từ trước đến giờ đều đã xài hết. Cho nên khi cô được bác sĩ ngoại khoa ở bệnh viện khác giới thiệu đến đây để trị liệu bằng phóng xạ, cô từng vì lý do kinh tế mà dự định buông xuôi mạng sống của mình.

     

    Ra khỏi sự bi ai của chính mình, phát huy ánh sáng sinh mệnh.

    Cô nói với tôi: Hôm cô ta đến bệnh viện này khám lần đầu tiên, vừa đúng đọc được một câu mà chúng tôi viết trên bảng: “Giả sử ngày mai tận thế, đêm nay sen vẫn gieo trồng.”

    Đọc được câu trên cô như bừng tỉnh, khởi lòng can đảm, quyết tiếp tục sống, mới mượn tiền bên nhà mẹ để trị bệnh. Cô bảo: “Mạng sống quả thực là vô thường, đầy dẫy những khảo nghiệm đau thương. Tôi tuy không có năng lực gì, nhưng dù sao cũng có tấm lòng, hy vọng đem hết sức mọn của mình ra giúp những người cùng cảnh ngộ, đang chịu khổ đau, có thể lìa khổ được vui.”

    Tôi nghe lời nói này của cô, trong lòng vô cùng cảm động. Đồng là mắc bệnh ung thư ngực, có người vì mình mà buồn thương khóc lóc; có người buớc ra vũng tối buồn thương của bản thân, để lau nước mắt cho người khác, phát huy ánh sáng của sinh mệnh!

 

    Sống một ngày trồng sen một ngày, tự nhiên cả ao đều thơm ngát.

    Chúng ta thử nghĩ, việc trị liệu bệnh ung thư phải trải qua bao nhiêu khổ ải. Nếu đem mạng sống mà mình đổi lấy trăm cay nghìn đắng, rồi buồn thương, khóc lóc, chẳng phải đáng tiếc lắm sao? Tại sao chúng ta không cùng nhau trồng sen thơm thanh tịnh? Nếu biết sống một ngày là trồng sen một ngày, tự nhiên đầy ao sẽ nở hoa thơm ngát.

    Chúng ta tuy không có khả năng cống hiến lớn, nhưng dù một nụ cười cũng gọi là  bố thí rồi! Nếu trong lòng có thể sinh khởi một niệm từ bi, thì cho dù tật bệnh, nghèo khó đối với chúng ta cũng không chướng ngại.

 

             Chỉ cần một niệm từ bi khởi
         Bệnh, nghèo cũng chẳng có hề chi.

    Không để bị khổ vì mũi tên thứ hai.

    Đức Phật đối với đệ tử như thầy giáo đối với học trò. Nhưng nội dung đức Phật dạy đệ tử không phải là những môn như toán học, lịch sử, mà là phương pháp làm người, xử thế. Cho nên chúng ta có thể xem đức Phật là vị thầy dạy cách làm người. Đức Phật vì khảo nghiệm đệ tử, nên cũng có lúc đưa ra một số đề mục ứng dụng, xem mức độ thâm hiểu đạo lý của đệ tử như thế nào. Một lần đức Phật hỏi các đệ tử: “Người chưa hiểu Phật pháp sẽ gặp chuyện không  vui hay đau khổ. Người hiểu Phật pháp cũng gặp chuyện không vui hay đau khổ. Vậy người không hiểu Phật pháp và người hiểu Phật pháp khác nhau chỗ nào?”

    Các đệ tử mới thưa với đức Phật: “Kính mong đức Thế tôn hãy làm con mắt sáng, chỉ dạy cho chúng con.”

    Đức Phật dạy: “Người chưa hiểu được Phật pháp, khi gặp phải cảnh ngộ khổ đau, giống như trúng một mũi tên. Sau khi trúng mũi tên này, vì chấp trước vào mũi tên, tâm họ càng trở nên mê hoặc, sợ hãi và đau khổ, giống như người đã trúng mũi tên thứ nhất, rồi lại trúng thêm mũi tên thứ hai, chỉ càng làm họ thêm đau khổ. Nhưng người hiểu Phật pháp, nếu gặp phải việc khổ đau, sẽ bình tĩnh quán sát khổ đau, để dứt trừ khổ đau. Như người sau khi trúng một mũi tên, không để cho trúng thêm mũi tên thứ hai, thậm chí có thể nhổ bỏ mũi tên thứ nhất.”

    Đức Phật dạy chúng ta thân đã khổ, đừng để tâm cũng khổ. Đã khổ vì mũi tên thứ nhất, đừng khổ thêm vì mũi tên thứ hai!

 

    Hưởng vui mà mê lầm, cũng như trúng thêm mũi tên thứ hai.

    Về việc vui, đức Phật cũng dạy giống như vậy. Ví dụ có người trông thấy một đóa hoa đẹp, người hiểu Phật pháp cũng có đồng một cảm giác vui như người không hiểu Phật pháp, nhưng họ không mê lầm đánh mất chánh niệm. Nếu trong cái vui mà mình mê lầm đánh mất chánh niệm, thì đã trúng mũi tên thứ hai, đem lại đau khổ. Cho nên đức Phật dạy, người hiểu Phật pháp không nên khổ vì mũi tên thứ hai.

 

    Học Phật, là học trí tuệ để xử lý khổ đau. Đừng trách móc, đừng tự tìm phiền não vì như vậy là trúng tên liên tiếp.

    Chúng ta là người đang sống trong khổ đau, nên chín chắn thể nhận sự giáo hóa của đức Phật, học trí tuệ xử lý đau khổ của đức Phật. Ví dụ chúng ta bệnh nằm trên giường, nếu mỗi ngày cứ than van, oán trách mình sao bất hạnh mắc phải chứng nan y. Oán trách cổ họng đau đớn làm sao ăn cơm được đây? Oán trách mình sao phải chịu đựng đau khổ, xét thấy cả đời đâu có làm điều gì xấu, mà ông trời bắt mình phải chịu như vậy? Lo nghĩ đến con cái ở nhà không người chăm sóc, không biết phải làm cách nào? Lo lắng bệnh của mình có bình phục hay không? Cứ mãi phiền não, lo lắng như vậy, nên ban ngày ăn cơm không trôi, ban đêm lại thao thức không ngủ, ngay cả nằm mơ cũng nhăn mày sầu khổ. Chúng ta thử nghĩ, mình như vậy hỏi có ích lợi gì?

    Chúng ta mắc bệnh, đau đớn trên mặt thể xác giống như bị trúng một mũi tên thứ nhất. Giả như lại tự mình tìm phiền não, hết lo cái này, lại lo cái kia, hết oán điều này, lại trách điều nọ, thì khác nào lại tiếp tục trúng thêm mũi tên thứ hai, thứ ba, cho đến trúng liên tiếp nhiều mũi tên khác nữa, chỉ càng làm chúng ta đau khổ thêm mà thôi. Thân tâm vì thế càng hỗn loạn, khiến chúng ta mất đi trí tuệ và ánh sáng sẵn có, không cách nào giải quyết được vấn đề.

 

    Cách vi diệu nhất để nhổ tên: Niệm A Di Đà Phật.

    Cho nên là những người đau khổ, tốt nhất chúng ta có thể học theo lời Phật dạy, khiến tâm mình bình tĩnh, không để bị trúng thêm mũi tên thứ hai. Muốn tâm của mình được bình tĩnh, cách tốt nhất là niệm Phật. Niệm A Di Đà Phật. Chúng ta không luận là gặp phải bất cứ sự đau khổ, hay sung sướng như thế nào, cũng đều phải tập niệm A Di Đà Phật. Đây là phương pháp đơn giản lại mau chóng giúp chúng ta bình tĩnh trở lại. Chúng ta trong lòng quán tưởng ánh sáng của Phật, đem trí tuệ và lòng từ bi của Phật chan hòa, tràn đầy khắp thân tâm của mình. Một khi chúng ta không bị sự đau khổ bởi mũi tên thứ hai, thì sự đau khổ của mũi tên thứ nhất cũng mau chóng biến mất. Niệm A Di Đà Phật là phương pháp tốt nhất để nhổ những mũi tên độc này.

 

              Niệm Phật cõi lòng thật thanh thản
              Từ bi tỏa rạng khắp thế gian
              Oán thân bình đẳng chung hoan hỉ
              Cực Lạc là đây, chẳng nghĩ bàn!

 

    Người Anh Hùng Chiến Thắng Ung Thư Gan

    Một bệnh nhân xuất huyết nghiêm trọng, thở và ăn qua đường ống dây, mà chưa từng nhăn mày.

    Việc này xảy ra khi tôi còn là bác sĩ nội khoa trong bệnh viện. Vào một buổi tối, đúng vào ca trực của tôi, có một phụ nữ tuổi hơn năm mươi, vì đường ruột xuất huyết nên nhập viện. Lúc đó theo lệ thường trị liệu, chúng tôi cho ống dây qua đường mũi vào dạ dày bệnh nhân, đổ nước đá vào để cầm máu, rồi quan sát xem còn tiếp tục xuất huyết nữa không. Ai là người chịu qua cảnh xuyên ống dây vào mũi đến dạ dày đều biết mùi vị đó không dễ chịu chút nào. Nhưng khi tôi giúp cô xuyên ống dây qua mũi, tôi phát hiện vị này vô cùng bình tĩnh. Cô không có phản ứng khẩn trương lo sợ, hay kháng cự, ói mữa, thậm chí còn níu tay bác sĩ như những người khác. Cô bình tĩnh thậm chí đến mức không chau mày một chút, thực khiến tôi vô cùng khâm phục.

 

    Nằm trên xe đẩy bên lề đi, vẫn hoan hỉ, tinh tấn như giữa thiền môn thanh tịnh.

    Sau đó tôi khám sức khỏe cho cô, phát hiện phần gan bên phải sưng to, lại rất cứng, nên chuẩn bị hôm sau khám kỹ thêm. Lúc đó tôi thấy trên cánh tay cô có dấu sẹo đốt cúng dường khi thọ giới,[1] mới biết được cô là một Phật tử thuần thành và tu hành tinh tấn. Tối hôm đó vì hết phòng, cô phải tạm thời ngủ trên xe đẩy nằm ngoài hành lang. Đây là bệnh viện tổng hợp, do đó bệnh nhân rất đông, phòng bệnh thường xuyên không đủ, nên việc bệnh nhân ngủ trên xe đẩy nơi hành lang không phải là chuyện hiếm. Thường người bệnh gặp phải trường hợp này, nếu không phiền hà vì người đi qua lại ồn ào, cũng than phiền không có màn che, hay đi nhà vệ sinh bất tiện. Nói tóm lại, nếu có ai phải nằm ở hành lang, là tôi luôn nghe những lời phiền trách không bao giờ hết.

    Nhưng vị bệnh nhân nữ này lại vượt ra ngoài sức nghĩ tưởng của tôi. Tối hôm đó, công việc hết sức bận rộn, tôi hết chạy lo bên này, lại chạy lo cấp cứu bên kia, mãi tới năm giờ sáng mới tạm ổn. Khi tôi đi ngang qua chỗ cô đang nằm trên xe đẩy nơi hành lang, cô chắp tay nói: “A Di Đà Phật, thưa bác sĩ. Nơi này của các vị không khí rất tốt, hơn bốn giờ sáng tôi đã tụng xong thời kinh sáng!”

    Tôi lúc đó cảm động đến rơi nước mắt! Một người bệnh nặng trầm trọng, với ống dây xuyên qua mũi vào dạ dày, nằm trên hành lang bệnh viện suốt đêm, mà vẫn hoan hỉ, biết ơn, tinh tấn tu tập đúng thời khóa! Gặp người khác như cô chắc đã khổ sở, than trách lắm rồi. Nhưng cô vẫn hoan hỉ niệm Phật. Thực là đáng kính phục.

 

    Đối diện bệnh ung thư gan, vẫn từ bi, tự tại.

    Nhưng việc tôi sắp kể ra đây về cô lại còn đáng khâm phục hơn nhiều. Kết quả siêu âm hôm sau cho biết, gan của cô có một khối u. Khi làm sinh thiết mới xác định là ung thư gan. Bởi vì cô không cảm thấy đau, nên mới không phát hiện. Lúc đó tôi nghĩ cô là một người hiểu Phật pháp, lại có công phu tu hành, nên mới định nói thực bệnh tình cho cô hay. Song thực ra tôi cũng lo rằng, giả như cô nghĩ quẫn, chịu đựng không nỗi, thì biết làm sao đây? Bởi vì việc việc sống chết không phải là điều đơn giản. Nhưng suy nghĩ tới lui, cho rằng một người học Phật chân chánh cần phải đối diện với thực tế, cô cần biết để có sự chuẩn bị tâm lý, như vậy sẽ tốt hơn, nên cuối cùng tôi đã cho cô biết. Không ngờ cô rất thản nhiên, trả lời tôi như đã chuẩn bị sẵn: “Tôi chỉ cần sống một ngày, là làm một ít việc cho chúng sinh. Nếu ngày đó đến, tôi sẵn sàng ra đi. Cả đời tôi chỉ đợi một ngày này. Ngày Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi!”

    Nghe xong câu nói này, tôi cảm động không thốt ra lời, trong lòng thầm hổ thẹn. Tôi xét lại chính mình, không biết mình có được tấm lòng vĩ đại và thái độ thanh thản, tự tại như cô không? Theo cái nhìn của tôi, tuy cô không có tiền, không có thế lực, không có tiếng tăm, không có địa vị, chỉ biết âm thầm cống hiến bản thân, nhưng cô thực đáng tôn kính biết bao. Lòng kính ngưỡng của tôi đối với cô, như kính ngưỡng một vị Bồ tát!

 

    Lễ Phật bình thường, nhiệt thành phục vụ.

    Lúc đó một vị giáo sư bác sĩ trường Đại học Đài Bắc làm một cuộc tiểu phẫu cho cô, chuẩn bị cột lại mạch máu ở khối u trong gan. Nhưng vì mạch máu của cô quá cong vẹo, cho nên lần phẫu thuật đó thất bại. Cô xuất viện về nhà. Bác sĩ cho người nhà biết cô sống không bao lâu. Mấy tháng đầu tôi thường xuyên liên lạc với cô, biết rằng cô vẫn tham dự lễ Phật và làm việc từ thiện bình thường. Một thời gian sau, tôi không còn liên lạc với cô nữa. Một là vì công việc bận rộn, hai là vì mỗi lần định gọi điện thăm cô, trong lòng tôi luôn có một cảm giác bùi ngùi khó tả. Tuy biết rằng nếu cô không còn có mặt trên cuộc đời này, thì cô đã ở bên đức Phật A Di Đà để nghe pháp, tu hành, sau này lợi ích cho chúng sinh, nhưng tôi vẫn luôn nuối tiếc cô. Tôi tiếc vì thế giới khổ đau của chúng ta thực sự đang cần những con người như cô để làm gương, để giúp đỡ.

 

    Quên mình vì người, thân thể trái lại càng khỏe mạnh vượt quá bình thường.

    Thời gian thấm thoát trôi qua, đã hơn nhiều tháng so với thời gian mà bác sĩ cho biết theo thống kê y học bệnh ung thư nghiêm trọng như cô phải chấm dứt sinh mệnh. Một hôm tôi đến ngôi chùa mà cô vẫn thường xuyên đi lễ, để hỏi thăm một vị thầy trong đó về tình trạng sức khỏe của cô. Thú thực, lúc đó tâm trạng tôi rất lo lắng hồi hộp, vì e rằng phải nghe một tin xấu phủ phàng. Nhưng không ngờ, tôi được cho biết rằng, sức khỏe của cô rất tốt, vẫn thường giúp đỡ người khác học Phật, và phục vụ việc chăm sóc, an ủi cho những người già cả cô độc, hay tật nguyền, đau bệnh! Tôi nghe xong, ngẫng đầu lên, trông thấy tôn tượng đức Phật trong đại điện, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Tỉnh ngộ tinh thần quên mình vì người của chư Phật, Bồ tát. Ánh mắt đức Phật nhìn tôi như mĩm cười, lại dường như nước mắt lưng tròng.

 

    Không nên lo lắng còn sống được bao lâu. Chỉ cần sống được bao lâu, sống xứng đáng bấy lâu.

    Lúc đó, trong lòng tôi vô cùng cảm động. Bạn nghĩ xem, có biết bao nhiêu người bệnh, mỗi ngày đều hoảng hốt, lo lắng không biết mình sẽ sống được bao lâu. Nhưng theo tôi thấy, vấn đề không phải là sống được bao lâu, mà là sống như thế nào, có xứng đáng hay không, có ý nghĩa hay không. Nhiều người chỉ nghĩ cho riêng mình, không biết quan tâm đến người khác, cũng không biết trân trọng sinh mệnh hữu hạn của mình để cống hiến, để phục vụ, mà chỉ suy nghĩ những điều tiêu cực. Cuộc sống như vậy, dù sống một trăm năm, sống hai trăm năm, cũng là uổng phí vô ích. Vì như vậy, sống một ngày là phiền não một ngày, khổ đau một ngày, thậm chí sống một ngày lại phiền não, khổ đau đến trăm ngày! Vậy sống càng lâu, phiền não khổ đau càng nhiều. Như phải ăn một bát cơm khó ăn, nuốt không vô, mà lại không ăn không được. Bát cơm đó càng lớn chừng nào, ta lại càng phiền não, khổ đau chừng nấy.

    Tôi cho rằng người như vậy, phần lớn không phải chết vì bệnh, mà chết vì sợ bệnh, chết vì phiền não về bệnh!

 

    Người như cô, Phật và Bồ tát đã sớm sắp xếp đâu vào đấy cả rồi.

    Tôi cũng thường khi gặp phải những con người vĩ đại như vị phụ nữ này. Họ không lo lắng cho mình, chỉ nghĩ đến người khác, phụng hiến cho lợi ích chúng sinh. Kết quả bản thân họ lại trở nên khỏe mạnh, tốt đẹp. Họ thực sự không cần phải lo lắng cho mình, vì những người như vậy, chư Phật và Bồ tát sớm đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi! Những người này, dù khi mắc bệnh phải nằm viện, họ cũng có thể đem lại sự khích lệ, bài học lớn cho người khác. Thậm chí trong giai đoạn kết thúc sinh mệnh này, tinh thần vĩ đại này của cô vĩnh viễn sống mãi trong tâm tưởng của tôi, là vị thầy của tôi, là tấm gương sáng của tôi. Cho nên, cho dù là lúc nào, cho dù là khi nào, tôi cũng phải lưu truyền câu chuyện của cô, để hàng ngàn, hàng vạn người đang đau khổ như cô được biết: Dù là trong đau khổ, không nhất định phải chau mày than oán, chúng ta phải phấn phát tinh thần, phát huy ánh sáng của sinh mệnh, chúng ta không thể sống lãng phí đời sống này! Chúng ta có thể học tập vị phụ nữ này, tràn đầy đức tin, chỉ cần sống một ngày là vì chúng sinh làm một số việc. Đến ngày mà chúng ta phải trở về, đức Phật A Di Đà sẽ đến đón chúng ta!

--------------------------------------------------------------------------

[1] Theo truyền thống của Phật giáo Trung Quốc, người thọ Bồ tát giới tại gia có thể đốt hương trên cánh tay để cúng dường Tam Bảo, theo tinh thần của Giới Kinh Phạm Võng. Dịch giả chú.

bottom of page