top of page

Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư

Chương III

    Phóng sinh là để lòng từ bi phát sinh và cũng để cứu lấy sinh mệnh mình.

    Câu chuyện một vị tiến sĩ chiến thắng bệnh ung thư máu.

 

    Tôi có một người bạn đồng học, hiện là giáo sư một trường Đại học ở Mỹ, cũng là một nhà khoa học về thực phẩm rất có tiếng trên trường quốc tế. Khi anh đang học trung học, bỗng nhiên mắc phải một cơn bệnh nặng. Cha mẹ đưa đi xem bác sĩ khắp nơi, làm rất nhiều xét nghiệm cực khổ, một hôm ở Tổng y viện Vinh Dân, xét nghiệm thấy ở tấm phim X quang nơi phần ngực của anh, có một vết đen lạ. Nhưng lúc đó bác sĩ cũng chưa có kết quả chẩn đoán chính xác.

    Người bạn học này của tôi vì chịu rất nhiều đau khổ, nên tâm anh rất từ bi, hiểu được nỗi đau khổ của người khác. Lúc lên Đại học, anh bắt đầu học Phật, lại còn phát tâm thọ năm giới. Sau khi thọ giới, anh lại càng chí thành, tinh tấn.

 

    Vì kiên trì giữ giới, bỏ học vị thạc sĩ (master) sắp có được.

    Lúc đang học chương trình Master ở Mỹ, bài vở và việc thực nghiệm rất bận, mỗi ngày thức đến mười hai giờ đêm, hay một giờ sáng. Lâu ngày do học và làm việc quá sức, lại thiếu ngủ nghỉ, cũng như ăn uống thất thường, dần dần khiến anh xuất hiện một số triệu chứng, môi trở nên trắng bệch. Khi sắp lấy được học vị Thạc sĩ, lần cuối phải làm một cuộc thực nghiệm. Cuộc thực nghiệm này phải giết rất nhiều chuột mới có thể hoàn thành. Anh bản tính vốn từ bi, lại thêm tinh thần trì giới, nên kiên quyết không sát sinh, dứt khoát buông bỏ học vị Thạc sĩ sắp có. Người nhà và bạn bè đều trách: "Tại sao chịu cực khổ ở Mỹ lâu như vậy, cuối cùng lại bỏ đi? Mọi người chịu cực ở Mỹ cũng chỉ vì học vị này. Anh sắp có được tại sao lại bỏ? Chẳng lẽ chỉ vì không muốn giết chuột lại bỏ nó sao?..."

 

    Lòng từ bi, trí tuệ học Phật, vượt thắng dục vọng công danh.

    Anh là một người rất ôn hòa, nên không muốn biện luận gì cả. Nhưng tâm trí tuệ và từ bi học Phật của anh đã vượt thắng tâm công danh, lợi lộc của thế gian. Do đó anh đổi nghành học, không còn cần phải sát sinh để nghiên cứu. Anh lại cực khổ rất lâu, để cuối cùng có được học vị Thạc sĩ.

Mục Lục

   

    Tích lũy mệt nhọc lâu ngày thành bệnh. Mắc bệnh ung thư máu.

    Vì việc nghiên cứu, anh làm thực nghiệm nhiều năm, đến nửa đêm còn cần phải quan sát kết quả thực nghiệm. Thức đêm lâu ngày, ăn uống, sinh hoạt không điều độ, nhọc mệt nhiều năm, vượt quá sức chịu đựng, nên khi anh về nước, tôi phát hiện sắc mặt anh trắng bệch, dường như hồng huyết cầu trong người của anh đã giảm xuống nghiêm trọng. Thì ra lúc đó, bệnh ung thư máu của anh đã phát triển đến một giai đoạn rồi.

 

    Kết quả xét nghiệm, chỉ số đáng sợ, nhưng lại không hề gì.

    Bác sĩ xét nghiệm, trị liệu cho anh ở Mỹ, cũng chính là tác giả sách giáo khoa huyết dịch học của chúng ta, giáo sư Sheeling. Giáo sư xem qua bệnh trạng của anh, rồi lắc đầu, cho rằng không có phương pháp trị liệu nào tương đối tốt cả. Bạch huyết cầu của anh chỉ còn bằng một phần ba, một phần tư của người bình thường. Hồng huyết cầu còn lại cũng chưa được một nửa. Nếu mức huyết tiểu bản (platelet) thấp lẽ ra phải xuất huyết. Tôi lúc trước từng thấy bệnh nhân, có người huyết cầu thấp đến số năm mươi ngàn, thì đã xuất huyết khó mà cầm lại được. Còn huyết tiểu bản của anh chỉ có ba bốn mươi ngàn, nhưng trước giờ anh chưa từng xuất huyết, vẫn khoẻ mạnh.

 

    Tĩnh tâm niệm Phật, mỗi huyết cầu đều trở nên cao thủ võ lâm. Một cái có thể địch lại mười cái, trăm cái.

    Người bạn học này của tôi, đã trải qua đủ mọi xét nghiệm đau khổ. Anh cũng biết được tình trạng bệnh của mình, nên không muốn nhập viện trị bệnh. Anh kiên trì ăn chay, nhưng thay đổi nội dung thức ăn và ăn uống giữ gìn điều độ. Anh còn kiên trì niệm Phật, sinh hoạt bình thường, lại tiếp tục đeo đuổi học vị tiến sĩ ở trường Đại học Wisconsin tại Mỹ. Trong đám bạn bè, nếu không nói ra, không ai biết anh mắc phải chứng bệnh nghiêm trọng như vậy. Khi anh lo rằng huyết cầu của mình quá thấp, tôi bảo với anh: "Không sao đâu. Anh không cần phải lo lắng khi xem bản báo cáo xét nghiệm. Số huyết cầu của anh tuy ít, nhưng nếu mình biết chuyên tâm niệm Phật, tĩnh tâm trở lại, thì mỗi huyết cầu đều là cao thủ võ lâm, mỗi cái có thể địch lại mười cái, trăm cái. Giống như một vị tướng giỏi còn quý hơn một trăm tên lính quèn! Cần gì phải lo lắng với mấy con số trên giấy xét nghiệm, chỉ cần sống an lạc bình thường là được!"

   

               Quá khứ qua rồi chớ vấn vương

               Tương lai chưa đến chẳng lo lường
               Hiện tại tâm bình thường là đạo
               Niệm Phật tự nhiên sẽ kiết tường.

    Sớm tối tụng kinh niệm Phật vẫn lấy được bằng tiến sĩ như thường.

    Nói thực ra, với tình trạng như vậy, đối với người khác thì đã chết từ lâu, nhưng anh vẫn lấy được bằng tiến sĩ ở trường Đại học Mỹ. Anh không luận là mỗi ngày bận rộn bao nhiêu, vẫn sớm tối tụng kinh niệm Phật. Nhờ sức Phật gia hộ, cũng như nhờ sức công đức giữ giới không sát sinh, tâm thành niệm Phật, khiến anh có thể sống an lạc bình thường. Đây là sự cảm ứng âm thầm không thể nghĩ bàn.

 

    Duyên kỳ ngộ tôn trọng Phật pháp, hiếu kính chư tăng.

    Anh hết sức kính ngưỡng ân sư, hòa thượng Thích Sám Vân. Khi ân sư đến Mỹ hoằng pháp, anh đã sắp xếp thời giờ để có thể đích thân lái xe đưa sư phụ đi, lại còn thuê chiếc xe rất lớn, để thầy có thể nghỉ ngơi trong đó. Chiếc xe lớn như vậy, người khác lái không nổi, nhưng anh với sức khỏe yếu như vậy, vẫn hoan hỉ đích thân lái. Anh lại còn thỉnh sư phụ lưu trú ở nhà mình. Tôi cảm thấy anh quả thực đem tấm lòng của người con chí hiếu ra đối xử với sư phụ. Khi anh mua được một chiếc ghế mới ngồi rất êm và dễ chịu, câu đầu tiên của anh là: “Sau này khi sư phụ Sám Vân đến, tôi sẽ thỉnh sư phụ ngồi ở ghế này!” Kế đó anh quả thực chuẩn bị sẵn chiếc ghế này, để dành lần sau sư phụ đến ngồi. Lòng cung kính, gần gũi của anh với các bậc cao tăng, đại đức, quả nhiên có được sự gia hộ không thể nghĩ bàn.

    Khi Hòa thượng Sám Vân đến Mỹ, anh đến tham dự Phật thất do hòa thượng chủ trì. Một lần trong pháp hội, có một người Mỹ thuộc tôn giáo khác, không biết nhân duyên gì ông cũng đến chùa Trang Nghiêm ở New York. Lúc đó, vị người Mỹ này bỗng trông thấy toàn thân của Hòa thượng phóng ra ánh sáng chiếu soi đại chúng. Ông này lấy làm kỳ lạ, không nhịn nỗi, mới thố lộ với mọi người.

    Lúc ở chùa Trang Nghiêm, lão Pháp sư Hiển Minh là một vị rất từ bi và có nhãn lực sắc bén, nhìn qua là biết người bạn học này của tôi mắc bệnh. Ngài mới âm thầm nhờ một vị cư sĩ là một người tinh thông y học và dịch học. Ông vốn là một vị tướng lãnh trước đây, sau khi về hưu liền ẩn cư. Ngoài Pháp sư Hiển Minh ra, mọi người đều không biết ông là người tinh thông y học. Ông từ bi nhận lời nhờ của Pháp sư để khám bệnh cho bạn tôi, lại thường gọi điện đến thăm hỏi bệnh tình. Vị cư sĩ này dùng một số rau cải, trái cây phối hợp với nhau để trị liệu. Mọi người mắc bệnh này, phần lớn điều trị đến độ rụng tóc, lở môi, thường cần phải vô máu luôn, có thể nói là mỗi ngày phải nằm viện, còn phải bị cách ly. Nhưng bạn tôi mỗi ngày ăn trái cây và rau cải, lại mập mạnh ra và còn có thể tập thể thao, thường đánh cầu mỗi ngày từ một đến hai tiếng. Anh mỗi ngày đều hoan hỉ niệm Phật, trước giờ không cần phải vô máu.

 

    Mắc bệnh sáu bảy năm, không nỡ để cha mẹ biết.

    Anh bạn của tôi rất hiếu thảo, mắc bệnh nghiêm trọng và gặp nhiều trắc trở như vậy nhưng vẫn giấu, không cho cha mẹ biết. Chỉ có vợ của anh biết nên từ bi chăm sóc, phối hợp. Trải qua sáu bảy năm mà cha mẹ hoàn toàn không biết, bạn bè cũng không nhận ra. Anh nghĩ cha mẹ tuổi đã cao, lại đang sống ở Đài Loan, không nên để ông cụ bà cụ phải lo lắng phiền não về bệnh tình của mình.

         

    Từ bi, phước vô lượng. Trì giới, vui vô cùng. Phóng sinh là cứu lấy sinh mệnh của mình.

    Tôi nhận ra ai có tâm từ bi thì người đó có phước báu đặc biệt. Nói phóng sinh là khai phóng khiến lòng từ bi phát sinh. Anh thà bỏ học vị mà mọi người đeo đuổi để phóng sinh cho những con chuột thí nghiệm. Anh vốn vô sở cầu, chỉ vì không đành lòng trước nỗi khổ chúng sinh, lại tôn trọng giới luật của đức Phật nên không sát sinh.  Anh trong tình trạng bệnh nặng, lẽ ra phải chết, nhưng vẫn rất cảm kích nói với tôi rằng: “Tôi thực sự gặp phải cao nhân rồi!” Quả thực có người xuất hiện để cứu anh. Đó là vị dùng phương pháp trị liệu nhẹ nhàng không gây đau đớn hay phản ứng phụ giúp anh phục hồi sức khoẻ, tìm lại mạng sống. Anh lúc trước trong tình trạng “thà trì giới mà chết”, kết quả thành ra “không chết cũng không khổ.” Anh hiện nay còn có thể đến các nơi trên thế giới để diễn giảng học thuật, sắc mặt cũng hồng hào trở lại.

    Tôi có một người bạn bác sĩ chuyên khoa về huyết dịch, vốn học chung trường trước tôi mấy khóa. Khi biết về quá trình bệnh trạng của anh, người bạn bác sĩ này rất lấy làm kinh ngạc vì nhiều người mắc bệnh sau anh đã lìa đời. Nhưng huyết cầu của anh nhờ sức từ bi gia trì của Phật, một huyết cầu phát huy công năng của mười huyết cầu! Anh thể hội được sự diệu dụng bất khả tư nghì của Phật pháp, càng chuyên tâm học Phật. Anh bạn này của tôi có tâm từ bi, có phước báu đặc biệt. Bạn gái của anh cũng không như những người khác thay vì bỏ rơi anh, lại còn vui vẻ kết hôn và chăm sóc anh. Hai người mỗi ngày đều sống hạnh phúc, tươi cười, cùng nhau tu học.

         

    Một câu chuyện niệm Phật lý thú, không thể nghĩ bàn.

   Lại còn có câu chuyện lý thú, không thể nghĩ bàn. Vợ chồng anh bạn tôi thường tổ chức các khóa niệm Phật cùng tu chung với các Hoa kiều và du học sinh ở Mỹ. Một hôm mùa Đông, mọi người hẹn nhau ở nhà anh dự khóa niệm Phật bảy ngày. Bạn bè khắp nơi tụ họp. Có người lái xe đến từ xa cách đó đến ba giờ trong thời tiết tuyết lạnh trắng xóa. Không ngờ mẹ của anh ở Đài Loan bỗng nhiên nói muốn sang Mỹ. Vì bà cụ trước giờ phản đối việc học Phật, niệm Phật, nên vợ chồng anh biết bà cụ sẽ không vui, nếu ra mặt phản đối mạnh mẽ, lại ảnh hưởng đến những người có nhiệt tâm từ xa đến tham dự niệm Phật. Nên hai vợ chồng mới bàn nhau nhờ người em trai chăm sóc trước cho bà cụ ít ngày. Em trai của anh cũng du học ở Mỹ. Vợ chồng anh thành tâm cầu Phật gia hộ, giúp cho cả hai bên đều hoan hỉ, Phật sự được thành công không bị trở ngại. Mẹ của anh vừa đến, người em trai rước bà cụ về nhà mình ở trước ít hôm, tạm thời chưa đưa qua nhà anh mình. Bà cụ lấy làm lạ, khăng khăng bảo: “Tao cứ qua nhà nó xem sao!” Sau đó quả nhiên bà đi qua thật. Nhà hai anh em cách nhau không xa, đi bộ chỉ vài phút là đến. Bà trước đó cũng thường đi qua, biết đường rất rõ. Nhưng hôm đó thật lạ. Bà đi mấy tiếng đồng hồ mà cũng không tìm ra được nhà! Không ngờ bà đi sao lại gặp một công viên đẹp, mới ở đó chơi rất vui vẻ. Sau đó bà lại đi bộ về nhà người em nghỉ ngơi. Bà nghĩ thầm: “Lạ thật, sao lại tìm không ra nhà?” Bà không cam tâm, quyết định ngày mai một mình lại đi kiếm. Nhưng cũng thật lạ. Bà lại tìm không ra, chỉ gặp được công viên và ở đó chơi. Mãi đến khóa niệm Phật của họ kết thúc, bà cụ mới tìm được nhà của anh. Khi bà cụ tìm được càng cảm thấy kỳ lạ. Bà nghĩ: “Rõ ràng là gần lắm, ngay tại chỗ này, tại sao lúc trước mình đến tìm mỗi ngày lại không ra? Chẳng qua, mỗi ngày ra công viên chơi cũng rất vui!”

    Mọi người qua chuyện này cảm thấy sức Phật thực không thể nghĩ bàn. Mọi người cùng nhau họp lại niệm Phật, Bồ tát hộ pháp đồng gia hộ, sắp xếp đâu vào đó rất tốt đẹp.

    

     Chỉ lo gieo duyên, không cần lo người nhà không chịu học Phật.

    Mẹ của anh lúc bình thời tuy phản đối niệm Phật, nhưng thường nghe vợ chồng anh nói A Di Đà Phật riết rồi quen tai. Một hôm gặp động đất, bà ở nhà một mình nên rất sợ, nên luôn miệng A Di Đà Phật, A Di Đà Phật. Vì vậy chúng ta có thể hiểu, có người hiện giờ không chịu niệm Phật, nhưng chỉ cần nghe qua câu A Di Đà Phật, thì cũng như gieo hạt giống Phật vào trong tâm, nó bền chắc như kim cang, mãi nằm ở đó. Chỉ cần khi thời tiết nhân duyên chín mùi, thì hạt giống này sẽ nảy nở, ra hoa kết quả. Chỉ cần nghe qua A Di Đà Phật, lúc nguy hiểm là có thể khởi tác dụng, niệm ra được. Hiện nay, bà cụ mẹ của anh đã từ từ tin Phật, học Phật. Nhân duyên sẽ thay đổi, cho nên các bạn không cần phải lo người nhà không chịu học Phật, mà bất mãn, tranh cãi với họ. Nếu như vậy mình đã không hợp với Phật pháp rồi. Chỉ cần chúng ta thành tâm không thoái chuyển, người nhà cũng lần lần được cảm hóa, cảm ứng. Phật và Bồ tát chẳng phải cũng đã kiên nhẫn đợi chúng ta cả ngàn năm, vạn năm, cho đến vô số kiếp rồi hay sao? Bản thân chúng ta cũng vậy, cứ dần dà không chịu giác ngộ. Chúng ta phải thức tỉnh trước, mới có thể đánh thức kẻ khác!

 

    Ba lạy: cảm ân Phật, ân cha mẹ, thầy tổ, và cảm ân Liên xã.

   Người bạn này còn có một việc mà khiến tôi vô cùng cảm động. Khi anh còn học trường đại học Trung Hưng ở Đài Loan, vì được nghe lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng kinh, nên thường đến Liên xã ở Đài Trung tụng kinh niệm Phật sớm tối. Lúc đó anh có phát một lời nguyện: Chỉ cần anh còn ở Đài Trung, là mỗi ngày nhất định đến Liên xã lễ ba lạy, để cảm ân Phật, cảm ân cha mẹ, cảm ân sư trưởng, cảm ân mỗi vị thầy và các huynh đệ ở Liên xã. Sau khi phát nguyện, quả nhiên dù bận như thế nào, hoặc khi có việc lên Đài Bắc về Đài Trung đã mười một, mười hai giờ khuya, cửa Liên xã đã đóng, anh vẫn nhất định đến lễ, dù là đứng ngoài cửa lễ vào, chưa từng có một ngày gián đoạn.

         

    Nửa đêm về nước, không quên nguyện xưa.

   Ngày mà anh từ Mỹ trở về nước, người nhà ra phi trường Đào Viên đón, anh lái xe chở mọi người về quê ở Đài Nam, khi đi ngang qua Đài Trung đã mười một giờ đêm, anh bỗng cho xe rẽ vào thành phố Đài trung. Người nhà hỏi anh định làm gì. Anh im lặng không đáp, chỉ lặng lẽ lái xe đến Liên xã, rồi xuống xe bước đến trước cửa, theo lời nguyện xưa cung kính đảnh lễ ba lạy, mới lên xe tiếp tục lái về quê.

         

    Thệ nguyện an ủi tất cả bệnh nhân ung thư, khiến hết sợ hãi, sinh được tín tâm.

   Sau khi mắc bệnh, anh phát ra lời nguyện: Nguyện an ủi tất cả bệnh nhân bệnh ung thư máu khiến không còn sợ hãi, phát khởi lòng tin. Tôi tin rằng lời nguyện này của anh nhất định có thể đạt thành một cách viên mãn. Bởi vì Phật và Bồ tát xưa nay không bao giờ phụ lòng một người có tâm chí thành tha thiết.

         

    Tiền bạc nhiều bao nhiêu, học vị cao bao nhiêu, cũng không mua được mạng sống trong một phút.

   Khi mạng sống của chúng ta kết thúc, cho dù tiền bạc có nhiều bao nhiêu, học vị có cao bao nhiêu, cũng không cách nào mua được một phút sinh mệnh. Sinh mệnh đáng quý như vậy, cho dù là một con trùng nhỏ, chúng ta cũng không cách nào khiến nó đã chết rồi sống lại. Cho nên khi nó còn sống, phải biết trân quý nó, khiến nó tự do an lạc. Lúc bình thường dùng rất ít tiền bạc là có thể tránh được sự sợ hãi của loài vật khi bị giết, đem lại cho nó sự sống, sao ta lại không chịu làm? Khi chúng ta đối diện trước cái chết, hoặc bỗng nhiên mạng sống của mình bị thao túng trong tay kẻ khác, thì chúng ta sẽ thể nhận được tâm trạng khát vọng được phóng sinh như thế nào.

 

             Nhỏ bận học toán lý hóa
             Bằng cấp, cho người hâm mộ.
             Lớn bận làm ăn giao tiếp
             Già bệnh, chưa từng tỉnh ngộ.

             Bận đến khi mình sắp chết
             Ngoài Phật, ai người cứu độ?

bottom of page