top of page

Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư

Phần I

    Vướng phải bệnh ung thư hay bệnh nan y nào khác, phải làm cách nào đây?

    Giả sử bạn là một người tin Phật, niệm Phật đã đến trình độ tâm an nhiên, hoan hỷ, thì không cần phải nói gì nữa. Còn như bạn chưa chuẩn bị gì cả, mà bỗng nhiên phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư, hay một căn bệnh nan y nào khác, nên trong lòng đau khổ, cuộc sống đầy lo lắng bất an, không biết phải làm cách nào, vậy chúng ta có thể an ủi, khích lệ lẫn nhau.

    Tôi vốn là một bác sĩ trị bệnh ung thư, mà lại trở thành bệnh nhân ung thư! Có thể vì lý do này, bạn cho rằng tôi là một bác sĩ vừa dở lại vừa dốt, bản thân còn lo chưa xong, thì nói chi làm được việc gì.

    Vâng, quả thực là như vậy! Rất nhiều người cười tôi. Tôi cũng cảm thấy bản thân mình đáng cười, một người bác sĩ ngu dốt! Song thực ra, trên đời này, chẳng có một bác sĩ nào là không mắc bệnh. Càng tìm không ra một bác sĩ nào có thể bảo đảm rằng mình không bệnh, không chết!

    Cho nên, kinh nghiệm mà bản thân tôi trải qua, tuy có một chút đáng cười, song nếu như bạn từ bi không chê bỏ, xin thử kiên nhẫn lắng nghe. Cho dù là vài tờ báo cũ rách, cũng có thể giúp bạn gói chiếc bình hoa xinh đẹp, quý giá của mình, bảo vệ khiến nó không đến nỗi bị va vỡ; một ngọn nến với ánh sáng mờ nhạt mà lúc bình thường không đáng chú ý, lại có thể giúp bạn vượt qua một đêm gió bão, tối tăm, lúc không có điện.

     Xin bạn hãy xem tôi như vài tờ báo cũ rách, giúp bạn bảo vệ chiếc bình hoa quý giá của mình. Tôi cũng rất sẵn lòng làm một ngọn nến nhỏ, bầu bạn với bạn trong một đêm mưa bão tối tăm, thiếu ánh đèn soi sáng trong cuộc đời!

    Đường núi gập ghềnh tăm tối, nguyện cùng nhau kết bạn đồng hành.

 

    Những năm gần đây, thường có một số bạn mắc bệnh ung thư, do thấy các giáo sư ở Liên Xã Đài Trung lần lượt xuất bản những quyển sách nhỏ được ghi lại từ băng giảng của tôi, nên rất muốn mời tôi cùng thảo luận, học tập, và chia sẻ với nhau những trăn trở hay tâm đắc của mình sau khi mắc phải căn bệnh này.

Phần lớn những ai muốn tìm đến tôi, đều là người đã từng chịu khổ đau, đày ải:

Sách 

Mục Lục

Khổ vì bệnh tật hành hạ; khổ vì quá trình trị liệu; khổ vì những người bên cạnh không thông cảm; khổ vì bản thân lo sợ ám ảnh bởi cái chết; thậm chí có người còn khổ vì bị người thân, hay người yêu hắt hủi, ruồng bỏ!

Khi người ta đau khổ, ai cũng hy vọng có người có thể hiểu và thông cảm nỗi khổ trong lòng mình.

    Lúc sợ hãi đến nỗi giá lạnh cả tay chân, ai cũng kỳ vọng có đôi bàn tay Phật ấm áp, vĩ đại đến cứu độ kịp thời. 

Lúc vượt qua một đoạn đường núi gập ghềnh trong đêm đen, nếu có bạn đồng hành, mình luôn cảm thấy dễ đi hơn nhiều.

    Chỉ mong trong lúc bạn đau khổ, lo buồn, tôi có thể trở thành một người bạn đồng hành, cùng nhau vượt qua đoạn đường nhân sinh nhiều gập ghềnh và đen tối này!

 

    Thoát vòng sợ hãi, hết lòng phụng sự. Học sống một ngày, biết ơn một ngày; học sống một hôm, biết vui một hôm.

    Chúng ta đều là những con người giống nhau, biết khóc, biết cười, biết đau, biết khổ. Dòng máu của ai cũng đỏ, nước mắt của ai cũng mặn! Cho nên, khi gặp phải cảnh khốn khó phải bó tay, ai mà không khỏi lo lắng, sợ hãi?

Khi biết được trong thân có một cái bướu “ác tính”, không biết nó sẽ hành hạ mình như thế nào, hiếm có ai là không lo sợ!

    Khi biết rằng mình sắp chết, lại không biết chết rồi sẽ đi về đâu, ai lại không lo sợ, bàng hoàng?

    Tôi rất biết ơn sự dạy dỗ của chư Phật, Bồ tát, sư trưởng, cha mẹ và các vị thiện tri thức, đã giúp tôi thoát ra khỏi vũng tối sợ hãi này.

    Tôi cũng rất biết ơn tất cả bệnh nhân trong bệnh viện trước kia, đã thị hiện dạy cho tôi rất nhiều bài học. Tôi đã học được làm cách nào để sống qua những tháng ngày như thế này, và học sống một ngày là biết ơn một ngày; học sống một hôm là biết vui một hôm.

   Tôi cũng từng rất đau khổ; đau khổ đến mức không còn cách nào chịu đựng được nữa! Nhưng dựa vào đức tin, tôi đã tìm lại được những ngày tháng biết ơn và an lạc.

   Đã từng có người nghe đến đây lắc đầu bảo: Chúng tôi trước khi mắc bệnh đâu có đức tin như vậy; cũng không biết Phật là gì, làm sao mà có tâm biết ơn; Lo sợ đến chết đi được, làm sao mà thanh thản như bác sĩ! Xin bác sĩ hãy nói những điều thực dụng đối với chúng tôi, đừng dính dáng đến kinh Phật, hay những thuật ngữ khó hiểu.

   Cũng từng có một bệnh nhân bảo: Tôi hiện giờ còn tâm trí đâu mà đi nghiên cứu kinh Phật. Trong lòng lo lắng, mỗi ngày tôi đều tra cứu tài liệu y học, song càng xem lại càng sợ hãi! Có người khuyên nên đọc kinh Phật, nhưng tâm tôi luôn rối rắm, đọc thứ gì cũng không vô!

   Những lời nói này đã phản ảnh thực đúng tâm trạng khốn khó của tất cả người bệnh nói chung.

   Bản thân tôi không có công phu, cũng không có tư cách, khả năng giảng nói kinh Phật. Tôi chỉ có một số kinh nghiệm qua sự thấy nghe của mình, từ đó rút ra được những bài học và sức mạnh bổ ích, giúp mình tháo gỡ những vướng mắc trong tâm. Tuy những kinh nghiệm này rất nghèo nàn, song cũng có thể chia sẻ cùng bạn. Biết đâu căn cơ của bạn tốt, nhờ đó mà có thể sống vui vẻ, thanh thản hơn tôi nhiều!

 

    Vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật.

         

    Tôi rất thích lời giải thích Phật là gì của một vị Thiền sư. Đó là Ngài Đạo Tín. Ngài bảo: Vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật.[1]

    Như vậy, Phật chính là tâm luôn luôn vui vẻ, không có lo buồn!

   Trước hết, tôi xin kể ra đây một câu chuyện, hy vọng bạn có thể cảm nhận được đạo lý chứa đựng trong đó.

    Lúc tôi còn là sinh viên ở Học Viện Y Học, năm thứ hai phải học môn giải phẫu, nghiên cứu cấu tạo toàn bộ xương người. Ví dụ, miếng xương nào có những lỗ gì, có những mạch máu và dây thần kinh nào đi qua lỗ đó..., đều phải ghi nhớ kỹ không được sai sót. Thi rất là khó, không ít sinh viên bị rớt ở môn này. Tháng mười năm đó có kỳ nghỉ lễ, tôi tranh thủ thời gian trở về quê ở Đài Nam vài ngày. Nhưng sau kỳ nghỉ là kỳ thi, cho nên tuy về quê, tôi vẫn đem xương sọ theo để học. Chúng tôi học đều dùng xương sọ người thật.

    Tôi đem một cái xương sọ và vài nhánh xương tương đối phức tạp, đựng trong một túi xách đơn giản, ôm trước ngực, cùng mọi người chen nhau bước lên xe lửa trở về quê. Lúc đó, tôi chen tới chen lui trong dòng người đông đảo. Không ai biết trong túi đựng gì, nên ai cũng thản nhiên và không có chuyện gì xảy ra. Sau này tôi mới biết, nếu lúc đó mình đưa xương sọ và mấy khúc xương ra cho mọi người thấy, rồi bảo đó là xương người thật, có lẽ không ai dám đứng gần, không chừng còn nhường chỗ cho mình ngồi nữa!

   Thực ra, lúc đó tôi cảm thấy việc này rất bình thường. Bởi vì cha tôi là bác sĩ, trong nhà ai cũng nghĩ đó chỉ là công cụ dạy học mà thôi.

   Hôm sau có một người chị họ lớn hơn tôi hai tuổi đến chơi. Chị trông thấy tôi ngồi cầm xương sọ, đối chiếu với hình vẽ trên sách, đọc lẫm nhẫm tiếng Latin, nên hiếu kỳ đến chơi. Chị tươi cười cùng xem với tôi, lại còn cầm xương sọ lên, đùa bảo: “À, thì ra hai con mắt là hai cái lỗ sâu hoắm, còn lỗ mũi lại bằng phẳng, trông thực dễ thương!”

   Chị vừa xem vừa cười. Không biết lúc đó nghĩ sao tôi lại nói: “Những người này hiến xương cho chúng ta nghiên cứu, để sau này mình có thể cứu người, cho nên phải tỏ lòng kính trọng và biết ơn...”

   Tôi còn chưa nói xong, chị bỗng thét lên một tiếng, quăng xương sọ đang cầm trên tay ra thực xa, khóc mếu máo, trách tôi: “Sao không nói sớm đó là xương người thật?”

   Tôi vội vã xin lỗi, rồi đi nhặt lại xương sọ. Tôi nhìn thấy mặt chị xám xanh, nước mắt ràn rụa, đang ngồi run rẩy bên cạnh đàn dương cầm. Chị lại nhìn đôi tay của mình, một đôi tay vừa sờ qua xương người chết! Dường như chị rất ghê sợ nó, không biết phải làm sao? Bỏ đi không được, để đó thì lại ghê!

   Tôi thấy vậy mới nói: “Xin lỗi, thì ra chị không biết đó là xương người thật. Nhưng không phải lúc nãy chị đã xem rất hứng thú hay sao? Xương người cũng không có gì đáng sợ! Tụi em mỗi ngày đều ở chung với xương người để nghiên cứu. Chỉ cần có tâm cung kính là được.”

    Tôi lại còn phải nói nhiều và rất nhiều để an ủi chị. Sau đó chị mới hết khóc, cười nói vui vẻ trở lại. Nhưng từ đó về sau, chị không còn dám sờ đến mấy khúc xương này nữa!

    Vì sao tôi phải kể lể dài dòng như vậy?

     Bởi vì câu chuyện này đã cho bản thân tôi một bài học lớn. Đó là: con người ta thực ra đều sống với thế giới “quan niệm” của mình! Sọ người đó trước và sau không có gì khác nhau, nhưng thái độ tâm lý của chị tôi lại thay đổi một trời một vực! Thì ra, trước đó chị cho rằng nó chỉ là cái xương sọ giả, một công cụ dạy học làm bằng nhựa, nên không chút sợ hãi, lại thích thú vừa xem vừa cười. Sau đó chị lại cho rằng: “Thì ra đây là xương của người chết, thực là kinh khủng!” cho nên mới sợ đến nỗi mặt mày trắng bệch, vội quăng chiếc sọ đó ra xa!

     Cho dù là xương sọ thực, nếu trong quan niệm của mình cho nó là giả, thì cũng không có gì đáng sợ; ta có thể chơi đùa với nó một cách tự nhiên, vui vẻ. Khi mà trong quan niệm, ta lại đem xương sọ người đơn thuần liên tưởng đến những câu chuyện ma quỷ mà lúc nhỏ mình bị hù dọa hay tưởng tượng, thì nó sẽ trở thành một thứ hết sức kinh khủng!

    Đối với người không có liên tưởng viễn vông, xương người là thứ rất bình thường, bởi vì tất cả chúng ta ai cũng có một bộ! Bộ xương của mình được bao bọc bên ngoài bởi lớp thịt da, chẳng phải rất bình thường, không có chút gì đáng sợ hay sao?

    Nhưng người chị họ của tôi khi nghĩ nó là giả, thì đùa vui hết sức tự nhiên; đến khi biết nó là xương người, lại sợ đến phát khóc, trống ngực đánh dồn dập. Đây là chị bị “quan niệm” và óc tưởng tượng quá đáng của mình khống chế mới khiến như vậy.

    Chúng ta không nên cười chị. Vì thực ra mình cũng không khác gì. Chúng ta đều bị một số quan niệm và óc tưởng tượng lừa dối. Đây có thể gọi là: Sắc chẳng mê người, người tự mê; xương không đáng sợ, người tự sợ!

    Có rất nhiều lời nói, bản thân nó không làm người ta giận, nhưng người nghe lại tự mình nổi giận. Cũng vậy, ung thư không làm người ta sợ, mà người lại tự sợ. Cái sợ nầy, có thể khiến người đang không việc gì mà tim bỗng đập dồn dập, vốn khỏe mạnh mà lập tức suy sụp cả người!

 

    Trạng thái tâm lý, ý niệm có tính quyết định, có sức mạnh không thể nghĩ bàn.

 

    Khi tôi còn làm việc trong bệnh viện, từng phát hiện một sự thực như sau. Bệnh nhân ung thư trị liệu bằng phóng xạ hay hóa chất, do đó huyết cầu của họ phần lớn sẽ giảm. Nói chung, người bệnh vốn không biết số lượng huyết cầu mình bao nhiêu, và số lượng nhiều ít có ý nghĩa như thế nào, nhưng họ đều quan niệm số huyết cầu càng giảm thì càng không tốt. Bệnh viện có tiêu chuẩn, số lượng huyết cầu giảm đến mức độ nào thì phải tạm ngưng điều trị. Có một số người bệnh vì bạch huyết cầu giảm thấp, nên tạm thời nghỉ ngơi vài ngày. Khi họ ở nhà cảm thấy sức khỏe khá hơn, liền trở lại bệnh viện tái khám. Phần lớn những người này đều cho rằng huyết cầu của mình nhất định đã tăng lên. Nên khi bước vào phòng khám, họ thường tươi cười và nói với tôi: “Mấy hôm nay khá lên nhiều lắm, lại ăn ngon miệng!” Họ cũng vui vẻ đi thử máu lại, rồi đem phiếu xét nghiệm về cho tôi xem. Lúc tôi đang coi phiếu xét nghiệm, người bệnh đều hỏi: “Bạch huyết cầu của tôi bao nhiêu?”

    Nếu như tôi nói ra số liệu thực sự ghi trên phiếu, có thấp hơn so với lần trước, là điều mà họ không ngờ đến, thì dường như vẻ mặt ai cũng trầm xuống, tay chân như thoát lực, giọng nói yếu ớt: “Sao lại thấp như vậy?” Một lát nữa, họ có thể còn suy sụp đến mức không đủ sức đi về nhà!

    Chúng ta thử nghĩ xem, cũng là một thân này, mà trước sau chỉ có một giây mà đã khác nhau như trời vực! Chỉ cần nghe đến con số huyết cầu mà người ta không ngờ đến, thì tâm liền thất vọng và lo lắng! Tình trạng sức khỏe mà trước đây mình cho là đã khá hơn bỗng lập tức trở nên suy sụp, yếu đuối! Nó phát tác còn nhanh hơn bất cứ thuốc độc nào!

    Từ chỗ này chúng ta có thể nhận ra một đạo lý. Đó là tâm niệm của con người có tính quyết định và sức mạnh không thể nghĩ bàn!

 

   Tâm lý ảnh hưởng đến công năng miễn dịch.

    Thí nghiệm khoa học cho thấy, sự thay đổi trạng thái tâm lý quả thực có thể sinh ra một số vật chất ảnh hưởng đến sinh lý. Ví dụ lúc chúng ta nóng giận, trong cơ thể sẽ sinh ra độc tố rất giống hay tương đồng với nọc rắn.

    May mà gan của con người có công năng giải độc, nên những chất độc do nóng giận sinh ra này không đến nỗi khiến chúng ta mất mạng! Nếu công năng giải độc của ai kém yếu, hoặc cao huyết áp, hay người mắc bệnh tim, thì chất độc do nóng giận gây ra đủ để làm người đó mất mạng. Cho nên, việc “giải độc” triệt để cần phải ngay “tâm niệm” của mình mà hạ thủ công phu. Tâm niệm thay đổi, thân thể cũng thay đổi theo.

    Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia ở Mỹ có một công trình nghiên cứu cho thấy: Nhà nghiên cứu có thể đoán trước đúng một trăm phần trăm người bệnh có chiến thắng được bệnh ung thư trong vòng từ một đến hai tháng hay không. Điều mà nhà khoa học căn cứ không phải là khối u lớn hay nhỏ hay mọc ở chỗ nào, cũng không phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm theo máy móc, càng không phải là số liệu có được từ kết quả thử máu, mà hoàn toàn căn cứ vào “trạng thái tâm lý” của người bệnh! Tâm mới chính là gốc rễ của vấn đề!

    Có đến hàng ngàn công trình nghiên cứu cho thấy, do chịu áp lực nên khiến cho tuyến ngực teo lại, có nghĩa là công năng miễn dịch trở nên suy yếu. Theo kết quả thí nghiệm, những trạng thái tâm lý xấu như nóng giận, lo buồn v.v..., đều có thể đưa đến sự suy yếu công năng miễn dịch, khiến dễ sinh ra bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như khiến việc điều trị mất đi công hiệu. (Bởi vì, cần phải thông qua công năng miễn dịch của bản thân người bệnh, thì việc trị liệu mới có hiệu quả).

    Điều này cho thấy, tâm niệm có sức mạnh vô cùng. Cho nên cần phải đem tâm niệm của mình chuyển thành tâm niệm Phật. Phật chính là tâm sáng suốt, an vui, không có lo buồn. Nếu niệm Phật, tâm tự nhiên sẽ trở nên sáng suốt, an lạc và có sức mạnh. Tâm niệm Phật thì vừa có thể buông xả những áp lực, vừa có thể tránh được những độc tố sinh ra bởi những tâm lý xấu, lại vừa tăng trưởng sức miễn dịch.

    Chúng ta cần phải biết rằng, áp lực là do tâm mình tự  “tiếp nhận” lấy. Chỉ có những việc mà mình quá quan tâm, vướng mắc, mới có sức ép đè nặng lên tâm lý. Nếu thay đổi tâm niệm, không nghĩ rằng đó là gánh nặng, thì sức ép tự nhiên không còn tồn tại và mình cũng không phải “tiếp nhận” lấy gánh nặng này. Nếu chúng ta quyết tâm chỉ tiếp nhận ánh sáng của Phật (niệm Phật), thì không còn có tâm nào để tiếp nhận gánh nặng tâm lý đó nữa. Cho nên cần phải luyện tập: “Nhận hay không nhận là do tự tâm mình quyết định.”

 

    Vạn pháp do tâm tạo, niệm Phật an vui nhất.

 

    Nghiên cứu khoa học cho thấy, khi người ta vui vẻ, bộ não sẽ tiết ra chất hóa học, như chất Endorphins và Enkephalins. Chất Endorphins giúp tăng sản lượng tế bào T (lymphocyte), giống như tăng thêm số lượng cảnh vệ, hay quân đội. Còn chất Enkephalins giúp tế bào T tăng thêm sức mạnh để chiến thắng tế bào ung thư, đồng thời giúp tế bào T trở nên linh hoạt, có hiệu quả hơn.

    Cho nên “tâm niệm” chính là vị tổng chỉ huy của đội quân miễn dịch. Đây là kết quả thực nghiệm khoa học, cũng là chứng minh lời đức Phật dạy: “Vạn pháp duy tâm tạo.”

    Người niệm Phật nguyện sinh về thế giới Cực Lạc, chính là nguyện: Không có các khổ, chỉ hưởng an lạc; hay nói khác đi, chính là nguyện khiến tâm luôn ở trong trạng thái an lạc, vui vẻ. Phật A Di Đà còn được gọi là Phật Hoan Hỉ Quang, nên thường niệm Phật chính là thường hoan hỉ, thường tạo ra tất cả những chất tăng thêm sức miễn dịch. Cho nên đức Phật được xưng là Vô Thượng Y Vương, tức là vị Thầy thuốc vua của tất cả thầy thuốc! Còn hoan hỉ niệm Phật chính là thuốc bổ tốt nhất!

 

    Một tử tù bị lời nói, óc tưởng tượng dọa chết.

 

    Nhà tâm lý học từng làm một thí nghiệm đối với một người tử tù như sau. Họ bịt mắt một người tử tội và để anh nằm trên một chiếc giường, rồi bảo: “Chúng tôi sẽ cắt đứt gân máu nơi cổ tay anh, máu sẽ chảy ra từng giọt, từng giọt... Đến khi máu chảy hết, anh sẽ chết!”

    Nói xong, họ giả vờ dùng một vật gì đó gạch mạnh lên cổ tay anh ta, song thực ra không có rách da. Kế đó nhà tâm lý lại dùng nước mà nhiệt độ tương đồng mới nhiệt độ máu, nhiễu từng giọt, từng giọt lên tay anh ta, khiến anh có cảm giác thực sự là dòng máu ấm của mình đang chảy. Họ lại dùng một chiếc thùng thiếc đặt phía dưới cánh tay để hứng nước, khiến anh nghe được tiếng tí tách như máu đang nhỏ. Họ lại bảo: “Máu của anh đang chảy ra từng giọt một, chảy một lát sẽ hết máu. Bây giờ chỉ còn lại vài phút, thời gian sắp đến rồi!”

    Quả nhiên thời gian vừa đến, người tử tội đã thực sự chết đi vì sợ!

   Thực ra, anh chẳng có chảy một giọt máu nào, cũng không bị rách một chút da, mà hoàn toàn bị lời nói và cảnh tưởng tượng lừa dối mà chết đi tức tưởi.

    Đây là một thí nghiệm tương đối tàn nhẫn, chúng ta tạm gác qua vấn đề này có nhân đạo hay không, nhưng nó đã chỉ ra một sự thực: Tâm niệm và lòng tin có thể quyết định vận mệnh của chúng ta!

    Người tử tội này có thể bảo là một vị Bồ tát! Tuy rằng anh bị dọa sợ đến chết, nhưng kết quả cuộc thí nghiệm này giúp chúng ta phần nào hiểu và tin được đạo lý “tất cả do tâm tạo” của nhà Phật.

    Tôi thường kể cho người bệnh nghe về cuộc thí nghiệm này. Trước đó họ rất lo lắng, buồn khổ, nhưng sau khi thực sự hiểu được đạo lý này, họ biết rằng có thể dùng tâm niệm mình để thay đổi vận mệnh. Cho nên, họ không còn tự dọa lấy mình, dùng óc tưởng tượng hành hạ bản thân, oan uổng rước lấy lo sợ, đau khổ.

 

    Khơi dậy lòng tin, tế bào sẽ phấn chấn, an vui.

 

   Tôi còn nhớ, lúc nhỏ đã đọc qua một bài tập đọc, được phiên dịch từ tiếng nước ngoài. Sau khi đọc xong, tôi cảm động đến mức rơi lệ, mãi đến bây giờ vẫn còn ấn tượng rất sâu đậm. Bài văn kể lại câu chuyện một người bệnh nặng, cảm thấy rằng mình sắp chết. Mỗi ngày người đó nằm trên giường bệnh nhìn ra cửa sổ. Lúc đó mùa thu sắp qua, chuẩn bị bước vào mùa đông. Mùa đông ở nước ngoài rất lạnh, lá cây rơi rụng trơ trụi. Người bệnh nhìn lá rụng trong lòng rất cảm thương. Một hôm, người bệnh nằm mơ thấy có người bảo: “Khi những chiếc lá trên cây bên ngoài cửa sổ hoàn toàn rụng hết, sinh mệnh của anh cũng sẽ kết thúc.”

    Khi tỉnh dậy, nhớ đến giấc mộng đêm qua, anh càng bi quan. Mỗi ngày anh nhìn những chiếc lá rơi rụng mà lòng thấp thỏm âu lo, sức khỏe sa sút. Thực vậy, mỗi một chiếc lá rụng là tăng thêm một phần sợ hãi, và giảm đi một phần sức khỏe của anh.

    Có một vị bác sĩ nhân hậu đến thăm, nhận thấy vẻ bi thương của anh mới dọ hỏi và biết được đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, vị bác sĩ này nghĩ cách giúp đỡ. Sắp đến ngày có tuyết rơi, một buổi tối trời nổi cơn gió mạnh, giá rét căm căm, dường như tất cả những chiếc lá trên cây đều rơi rụng cả. Trong đêm tối người bệnh tuy không trông thấy bên ngoài, nhưng trong lòng đoan chắc rằng không còn chiếc lá nào trên cành, trong tâm hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng sáng sớm hôm sau, người bác sĩ nhân hậu đó lại đến, chỉ cội cây ngoài cửa sổ và bảo: “Anh xem, lá trên cây đều rơi rụng cả, song có một cành lá vẫn còn kia. Cơn gió mạnh tối qua dù có hung dữ đến đâu, cũng không làm nó rơi rụng. Đây thực là một phép mầu. Điều này cho thấy bệnh tình của anh nhất định cũng gặp được  phép mầu, sẽ bình phục trở lại!”

    Người bệnh nhìn ra ngoài khung cửa sổ, quả nhiên lá cây đều rụng sạch, chỉ còn lại những cành cây trơ trụi, khẳng khiu. Nhưng kỳ lạ sao, nếu nhìn kỹ, vẫn còn vài chiếc lá nguyên vẹn trên một cành cây. Nhìn thấy cảnh này, lại nghe lời bác sĩ khích lệ, tinh thần anh phấn chấn trở lại, cả người sung sướng, không bao lâu hết bệnh, trở lại bình thường.

    Các bạn có biết vì sao câu chuyện này khiến tôi cảm động và có ấn tượng sâu sắc hay không? Bởi vì những chiếc lá còn lại trên cành trải qua cơn giông bão, chính được vị bác sĩ nhân hậu đó vào lúc giữa đêm leo lên cây, tìm cách dán chặt chúng vào cành, nhằm để an ủi, khích lệ, giúp người bệnh có niềm tin, hy vọng, và vui vẻ sống.

    Những chiếc lá không rụng này tuy giả, nhưng lòng tin của người bệnh là thực, và sức mạnh mà nó sinh ra cũng là sự thực! Từ thực tế này, chúng ta có thể hiểu được “niềm tin” có sức mạnh mang tính quyết định! Chúng ta có thể quyết định thời gian còn lại của đời mình phải sống an lạc, vui vẻ, không bị bệnh tật ảnh hưởng! Đây là điều không ai có thể ngăn cản được chúng ta!

 

    Bào thai là khối u lớn nhất trong cơ thể.

 

    Tôi từng đọc qua một câu trong sách y học về khoa phụ sản: “Thai nhi là khối u lớn nhất trong cơ thể!” Quả thực, thai nhi trong bụng mẹ phân hóa, càng lúc càng lớn, người mẹ không thể nào khống chế được. Ngay cả nhóm máu của thai nhi cũng có thể khác với mẹ. Người mang thai là người mang trong người một sinh mệnh khác mà mình không thể khống chế. Trong sách còn bảo đó là khối u lớn nhất trong thân thể con người! Nhưng tâm lý của người mẹ lại không sợ hãi, phần lớn còn rất vui sướng. Đây là vì người mẹ nhìn thấy phần lớn người có mang đều không sao cả, cho nên tự nhiên không sợ hãi. Giả như, nhóm những người mắc bệnh ung thư chúng ta ai cũng có thể sống vui vẻ, an lạc, thì những người sau này mắc căn bệnh này cũng không có lo lắng, sợ hãi. Không ai quy định mắc bệnh ung thư là phải sầu thương ủ rủ, buồn khổ khóc lóc. Chúng ta có thể phấn chấn tinh thần, sống một cách thoải mái, tự tại.

 

    Bài học từ cây đu đủ.

 

    Chỗ tôi ở có trồng một cây đu đủ. Cây đu đủ này từng là vị bác sĩ và cũng là thầy của tôi. Sao lại nói như vậy? Có một dạo, dạ dày và ruột của tôi bị khối u ung thư bức ép, cho nên ăn uống đều khó khăn, người trở nên gầy ốm. Một hôm tôi tình cờ trông thấy cây đu đủ này. Thực vô cùng kinh ngạc! Thân cây đu đủ còn nhỏ hơn ống quyển chân tôi, chỉ lớn hơn bắp tay của tôi một chút. Lại nữa, nó cũng không cao, có thể nói đó là một cây đu đủ vừa thấp lại vừa nhỏ. Nhưng trên thân của nó lại trổ ra rất nhiều trái, đeo bám đến mấy lớp, ít lắm cũng hơn ba mươi trái! Mỗi trái đu đủ đều lớn hơn khối u ung thư của tôi. Nhưng cây đu đủ này không vì những trái vừa nhiều, vừa to, vừa nặng trên thân mà ngã xuống! Thậm chí nó còn mọc rất thẳng, không nghiêng một chút nào. Tôi nhìn nó mà lòng vô cùng xúc động trước sức sống kiên cường, nên bất giác nước mắt lưng tròng, tỏ lòng tôn kính bảo: “Đu đủ ơi, ngươi thực là vị thầy của ta, ta sẽ học hỏi nơi ngươi.”

    Muốn thực sự học được như cây đu đủ cũng không phải là điều dễ dàng. Nhưng chúng ta chẳng lẽ lại không bằng cây đu đủ vừa thấp vừa bé đó sao? Lẽ nào chúng ta lại yếu đuối như vậy?

    Từng có một vị dược sĩ trẻ tuổi mắc bệnh ung thư rất bi quan và cuộc sống của cô cũng trở nên ảm đạm như ngày tận thế! Song thực ra cô không đến nỗi gì cho lắm. Nếu không nói ra, bạn cũng không biết cô ta mắc bệnh. Bên ngoài cô mập mạp hồng hào, sắc mặt cũng không đến đỗi, nhưng bởi vì tinh thần cô ta rất khổ, nên giáo sư Viện Y Học đưa cô đến tìm tôi để cùng khích lệ lẫn nhau. Lúc cô đến, tôi đưa cô đi thăm cây đu đủ, nói với cô về bài học mà cây đu đủ đã dạy cho tôi. Cô nghe xong cảm động đến rơi nước mắt. Chúng tôi cùng nhau chắp tay hướng về cây đu đủ tỏ lòng kính trọng, phát tâm học tập đức tính kiên cường của nó. Trái đu đủ mọc từ thân cây ra, đã có thể mọc ra thì cũng có thể gánh vác! Bướu từ thân chúng ta mọc ra, thì chúng ta cũng có thể chịu đựng, xử lý thỏa đáng. Đây là niềm tin căn bản!

 

    Tiềm năng cơ thể con người là vô hạn.

 

    Thân thể của chúng ta vốn chỉ là một cái trứng thụ tinh bé tí trong lòng mẹ, thế mà nó đã phát triển thành đủ mọi giác quan. Những giác quan này tự mình lớn lên và đều có công năng khác nhau, có thể nói đó là một điều không thể nghĩ bàn! Cho dù bạn không quan tâm đến, da thịt bạn vẫn đổi mới mỗi ngày. Người không học ngành y có lẽ không biết rằng trong thân mình có những cơ quan nào. Nhưng tuy bạn không biết, chúng từ nhỏ vẫn giúp bạn làm rất nhiều việc tốt. Tiềm lực của chúng thực vô cùng.

    Trước đây, tôi được nghe thầy Tiêu Vũ Dung giảng Phật Pháp. Ngài dạy chúng tôi phải có tâm biết ơn đối với cơ thể. Ngài nói đã đến một việc rất lý thú. Đó là lúc chúng ta dùng cơm, chén đũa dính dầu mỡ nếu không dùng nước rửa chén để rửa thì không sao sạch được. Nhưng dạ dày và ruột chúng ta ăn biết bao nhiêu thứ dầu mỡ mà trước giờ mình đâu có cần nước rửa chén hay bất cứ thuốc tẩy rửa nào! Ruột và dạ dày tự nó biết xử lý mà không cần chúng ta dạy dỗ, can thiệp! Vậy bạn nói xem, có phải chúng ta có được một thân thể rất giỏi giang, rất khéo léo hay không? Nó thực sự có Phật tánh, lại còn có đầy đủ tiềm năng lớn mạnh trong đó. Cho nên chúng ta phải gắng sức khai phát, vận dụng tiềm năng này, mà không phải chỉ biết trách móc, chà đạp nó. Thông thường người ta hay: lúc chưa bệnh sống bê bối, vô độ, đó là chà đạp thân thể; lúc có bệnh lại trách móc nó!

 

    Ông chủ nên có lòng từ bi và biết ơn.

   Bạn thấy, tim của mình đã đập không ngừng từ nhỏ. Lúc chúng ta ngủ nó cũng không ngủ, vẫn tiếp tục đập, chưa từng xin chúng ta nghỉ phép một ngày, cũng như chưa từng có đình công! Nói ra, chúng rất cực khổ. Hiện nay, tuyệt đối tìm không ra một nhân viên nào làm việc hết lòng, hết sức như vậy. Cho nên khi các cơ quan trong thân mình thỉnh thoảng có mệt, có bệnh, chúng ta cũng nên cảm thông nỗi cực khổ mà đối xử với chúng với thái độ từ bi và biết ơn, cũng như cho chúng có cơ hội điều chỉnh và khôi phục. Chúng ta không nên một mực trách móc, bài xích, dường như có mối thù không đội trời chung với chúng, cần phải lập tức cắt bỏ, quyết phải tiêu diệt không chút lưu tình! Nếu bướu mọc nơi mà mình không thể cắt, không thể tiêu diệt ngay lập tức, thì mình lại lo sợ, bực bội, trách móc. Chúng ta thử nghĩ: Giả như bình thường có một ông chủ đối với nhân viên của mình không chút quan tâm, giúp đỡ, một khi nhân viên có chút gì sai lầm, lại muốn lập tức khai trừ! Bạn bảo xem ông chủ đó có quá đáng hay không? Tin rằng ông chủ mà như vậy thì nhân viên đều phản lại!

  

    Một ngày trước và sau khi phát hiện ung thư.

   Chúng ta thử nghĩ xem, một ngày trước khi phát hiện ra ung bướu, thì khối u đó vẫn tồn tại trong thân, vả lại kính thước lớn nhỏ vẫn giống nhau. Lúc ấy, mình mang khối u đi khắp nơi, làm việc và cười nói với mọi người. Vậy tại sao một khi trong đầu mình có ý niệm: “Tôi mắc bệnh ung thư,” thì thế giới trở nên mưa gió, tối tăm, không còn cười tươi được nữa! Chúng ta ai cũng biết, mỗi người khi sinh ra đều chú định sẵn có ngày sinh mệnh kết thúc. Đây không phải là điều mà khi mắc bệnh ung thư mới biết. Nếu mình vì sinh mệnh sẽ kết thúc mà lo sợ, thì lẽ ra từ khi sinh ra đã bắt đầu lo sợ rồi, mà không phải đợi khi bị tuyên bố là mắc bệnh ung thư mới lo sợ!

    Có thể chuyển hóa tế bào sai lầm.

    Thực ra tế bào ung thư vốn cũng là những tế bào tốt, như những công dân tốt, trong thân thể cũng ta. Do phải chịu bức ép, tổn thương, đả kích nên chúng mới bất đắc dĩ thay đổi, phân hóa thành những tế bào sai lầm. Những tế bào sai lầm này sẽ bị thân thể chúng ta quản chế. Bởi vì thân thể của chúng ta giống như một tổ chức xã hội, nó có hệ thống cảnh sát, đối với những tế bào mọc sai, thì bạch huyết cầu, lymphocyte của chúng ta có công năng phát hiện, quản chế và điều chỉnh. Giả sử lúc thể lực chúng ta suy yếu, cuộc sống không điều độ, thì công năng của hệ thống cảnh sát (hệ thống miễn dịch) sẽ trở nên suy yếu, khiến những tế bào mọc sai không được điều chỉnh, không biết cải đổi lỗi lầm. Chính những tế bào sai lầm này lại sinh ra những tế bào sai lầm đời thứ hai. Cứ như vậy tiếp tục sinh sản, dần dà chúng sẽ biến thành một đoàn thể tự phát triển, đây chính là “ung bướu.”

    Điều này giống như một đứa trẻ tốt, nhưng gặp phải hoàn cảnh xấu, thì nó cũng bị ảnh hưởng, tâm lý tốt sẽ dần dần thay đổi, trở nên xấu tính, rồi đi gia nhập băng đảng, chiếm cứ địa bàn, gây gỗ đánh nhau. Đây giống như là ung bướu.

    Nhưng ngược lại, đứa bé biến chất thành xấu đó cũng có thể trở lại người tốt! Chỉ cần chúng ta ta hiểu biết, giúp nó loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện khiến nó hư đốn.

    Đối với đứa bé đó, có người chủ trương cứ giết phứt đi là giải quyết được vấn đề. Song giết nó đi rồi sau đó có thực sự đã giải quyết được vấn đề hay không? Nếu hoàn cảnh xấu của toàn xã hội không thay đổi, thì sau này những đứa trẻ tốt khác cũng lại trở thành những đứa bé xấu. Vậy rốt cuộc phải giết đến mức độ nào đây?

    Đứa trẻ trở nên xấu là có nguyên nhân. Chúng ta cần phải hiểu rõ và loại trừ nguyên nhân đó, đồng thời cảm hóa, thì đứa trẻ sẽ trở nên tốt. Tế bào chúng ta cũng giống như vậy, không phải chỉ cần giải phẫu, giết sạch tất cả là được!

    Những người thuộc băng đảng có thể sửa đổi tu thành Phật, thì tế bào ung thư cũng có thể chuyển hoá thành tế bào lành mạnh.

    Tôi từng quen biết một số người xuất thân từ băng đảng, lại còn giao tiếp với họ rất vui vẻ. Tôi cũng tôn trọng họ. Họ không phải đều là xấu cả, thậm chí có người còn rất ưu tú, biết nhạy cảm với việc thiện. Chẳng qua trong một lúc nào đó do nhân duyên không tốt, họ có mối khổ tâm bất đắc dĩ, nhất thời không thể giải quyết, nên đã đi một bước sai lầm. Nếu có ai thực sự cảm thông cho lập trường và mối khổ tâm của họ, thì trong một niệm họ cũng có thể trở lại là người tốt. Sau khi Phật tánh thiện lương của họ được khai phát, thậm chí họ còn vượt qua một số người bình thường. Chúng ta biết rằng nhân duyên là cái có thể thay đổi. Tế bào cũng giống như vậy, có thể biến thành xấu, mà cũng có thể trở nên tốt.

 

    Tế bào ung thư có thể trở thành tế bào bình thường.

    Y học có một thí nghiệm về việc cấy nuôi tế bào ung thư. Lúc mà điều kiện được khống chế tốt, quả thực có thể khiến tế bào ung thư trở nên bình thường, rồi biến thành tế bào tốt. Chúng ta cần phải lắng lòng lại để phản tỉnh về nguyên nhân khiến những tế bào này trở nên xấu, rồi cố gắng dứt trừ nguyên nhân đó. Khi nhân duyên thay đổi, tế bào có thể trở nên tốt, hay ít ra chúng cũng không phát triển thêm.

 

    Một sinh mệnh khác, cũng chưa chắc đã làm hại chúng ta. Huống chi là tế bào trong tự thể.

    Chúng ta thử nghĩ xem, tế bào ung thư của mình có lớn như con mèo nhỏ hay không? Con chó hay con mèo nhỏ là một sinh mệnh khác, là một nhóm tế bào khác. Giả như một con chó nhỏ hay mèo nhỏ leo lên mình chúng ta, cũng chưa chắc đã làm hại chúng ta, huống chi ung bướu là một nhóm tế bào trong thân thể của mình. Nó lại còn nhỏ hơn con chó nhỏ, hay con mèo nhỏ. Vậy chúng ta có nhất thiết phải sợ nó không? Cho dù gặp phải rắn độc cũng không nhất thiết phải sợ! Ung bướu cũng chưa chắc gây cho chúng ta tai hại gì!

 

   Rắn mắt kính còn có thể cảm nhận lòng thành sám hối niệm Phật, huống chi là tế bào của mình.

   Chúng tôi có một vị thầy, là người hết sức chân thật. Một hôm vị thầy đó đi xe máy trên đường núi, do nhìn không rõ, thấy một sợi dây nằm vắt ngang qua đường, liền cho xe cán qua phần đuôi của nó. Lúc đó mới phát hiện đó là một con rắn, một con rắn mắt kính rất độc!

   Thầy không vì sợ mà cho xe chạy luôn. Thầy bước xuống xe, khởi tâm từ bi, xem con rắn có bị thương hay không. Con rắn lúc mới bị cán qua, liền vươn cao đầu và phần thân trên ngó thầy, xem chừng rất hung dữ, như là định xông tới. Thầy lúc đó không suy nghĩ gì cả, liền quỳ xuống chắp tay hướng về con rắn đảnh lễ như là lễ Phật, sám hối sự sơ suất của mình, sau đó còn niệm Phật cho con rắn. Con rắn đó thấy như vậy, dường như thực sự hiểu được ý của Thầy, liền cúi đầu xuống nằm im, sau đó từ từ bò đi khỏi.

   Chúng ta xem, một chúng sinh được gọi là rắn độc, còn cảm thông được tâm niệm từ bi mà thay đổi thái độ và hành vi, huống chi là một số tế bào bất đắc dĩ phải trở nên xấu trên thân chúng ta. Thực ra, năng lượng những tế bào nhỏ này rất yếu, sức ảnh hưởng của nó cũng không là bao. Chúng ta có một thân thể to lớn hơn nhiều, thì tâm niệm, năng lượng và sức ảnh hưởng cũng to lớn hơn nhiều. Về mặt lý luận, chúng ta lẽ ra có thể là thay đổi những tế bào nhỏ này mới đúng. Chỉ cần khéo léo vận dụng tâm niệm mạnh mẽ, phát huy sức ảnh hưởng tốt đẹp, thì chúng ta có thể thay đổi những tế bào ung thư nhỏ này. Huống chi chúng ta còn có Phật tánh rộng lớn vô biên và Phật lực bất khả tư nghì.

 

    Không cần phải sợ.

    Cần phải biết, dù chúng ta mắc bệnh ung thư vào thời kỳ nào, thì tế bào ung thư cũng không nhiều bằng tế bào lành mạnh. Thân thể chúng ta có bao nhiêu tế bào tốt? Có khoảng sáu mươi ngàn tỉ (60.000.000.000.000) tế bào tốt! Đây là một lực lượng vô cùng hùng hậu. Vậy tại sao lại bị một nhóm tế bào do nhân duyên xấu biến thành bệnh hoạn đánh bại? Về mặt lý luận, đây là điều không thể có được. Trừ khi nào tất cả tế bào lành mạnh đều bị sợ hãi đến mức không thể phấn chấn, phản kháng!

    Chúng ta có thể dùng một thí dụ để nhận ra lý này. Như một ngôi làng có rất nhiều thanh niên khỏe mạnh. Một hôm có một tên cướp đến đó giết sạch tất cả. Các vị nghĩ xem điều này có hợp lý không? Chẳng lẽ những thanh niên đó đều ngủ mê cả sao? Hay là đều sợ đến mức tay chân thoát lực? Phải biết thanh niên là người, mà tên cướp cũng là người, vì sao thanh niên phải khiếp sợ tên cướp đến mức như vậy? Tên cướp không sợ thanh niên, mà thanh niên lại sợ tên cướp, đây là điều hoàn toàn vô lý!

    Có một em bé chỉ mới ba tuổi được người hỏi: “Giả như bị người xấu bắt, định giết chết, thì em làm sao?” Em nghe xong, dõng dạc trả lời: “Thì cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật cho hắn nghe!”

    Em bé đó đã biết vận dụng sức mạnh và trí tuệ vốn có của Phật tánh! Tên cướp cũng có Phật tánh, nên vẫn có thể phát tâm từ bi và được cảm hoá. Thực ra, làm ăn cướp chỉ trong một niệm. “Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật” cũng trong một niệm! Cho nên chúng ta có thể tập hợp sức mạnh hùng hậu của sáu mươi ngàn tỉ tế bào lành mạnh để cảm hóa, cải thiện tế bào xấu, ít ra cũng không bị nó ảnh hưởng, nên có thể sống một cách an lạc!

    Tâm niệm và quan niệm quyết định vận mệnh và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có thể quan sát bản thân, giả như gặp phải chuyện bất như ý hay sợ hãi, có phải tim mình đập nhanh và mạnh lên không? Dạ dày chúng ta cũng đau thắt như sắp đi vệ sinh, tay chân trở nên giá lạnh, thậm chí có người còn run rẩy, đổ mồ hôi lạnh! Xin hỏi, chúng ta có từng suy nghĩ điều gì khiến tim mình đập nhanh, tay chân run rẩy hay không?

 

    Một niệm thay đổi, sáu mươi nghìn tỉ tế bào cũng thay đổi.

   Trước đây lúc chúng tôi thi môn giải phẫu học trong Y Học Viện, mọi người đều rất hồi hộp lo lắng, bởi vì phải vừa trả lời đề thi treo trên tử thi, vừa phải chạy quanh bàn mổ. Có một vị đồng học cảm khái bảo: “Lạ quá, hai chân cứ phát run, không biết đây là do dây thần kinh nào khống chế, mà muốn đừng run cũng không được!”

   Mọi người có nhận ra không: chỉ một tin tức đưa đến khiến mình thay đổi tâm niệm là sáu mươi ngàn tỉ tế bào liền thay đổi theo! Môi đang từ màu hồng liền chuyển sang xám xịt, cả người cũng nổi gai ốc!

   Có phải chúng ta thường dùng những tâm niệm áp lực, không vui này để bức ép sáu mươi ngàn tỉ tế bào tốt của mình. Hèn chi mà có một số tế bào nổi loạn! Giả như biết rằng sinh mệnh tạm thời này có lúc phải kết thúc, chúng ta sẽ biết trân trọng nó, sống một cách thong dong, tự tại, từ bi và hoan hỉ! Vậy chúng ta có nên tự làm cho thân tâm của mình chịu áp lực, khiến phải đau khổ đến lúc chết hay không?

   

    Cấp trên từ bi hoan hỉ, nhân viên mới vui vẻ hết lòng.

    Chúng ta thử nghĩ: Nếu cấp trên biết quan tâm và cảm thông, có phải chúng ta sẽ vui vẻ hết lòng làm việc? Còn gặp phải cấp trên hà khắc, bữa nào cũng nổi giận, trách cứ, đòi đuổi việc nhân viên, thì đương nhiên không ai hết lòng làm việc, thậm chí còn cố ý quấy rối, phản kháng, khiến cấp trên bị tổn thất!

    Tình hình tế bào toàn thân chúng ta cũng giống như vậy. Chúng là nhân viên của chúng ta. Là ông chủ, lẽ ra chúng ta nên dùng tâm niệm từ bi, an vui để khiến cho mỗi tế bào hoan hỉ làm tốt công việc và được đượm nhuần sức sống. Chúng ta nên để cho chúng có cơ hội nghỉ ngơi để tái tạo sức làm việc, máu huyết lưu thông để tiếp tế dưỡng khí và dưỡng chất một cách đầy đủ. Chúng ta thử nghĩ xem: khi chúng ta cảm thấy hoan hỉ và có tâm niệm tốt lành, thì có phải toàn thân đều cảm thấy thơ thới dễ chịu hay không? Chúng ta niệm Phật, niệm Pháp chính là đem tâm niệm của mình đặt vào trong trạng thái năng lượng cao nhất, từ bi hỉ xả thanh tịnh nhất. Trạng thái tâm niệm này sẽ sinh ra hiệu quả an ủi và khích lệ từng tế bào một trong cơ thể! Niệm Phật chính là cách vận dụng tâm niệm quý báu của mình một cách tốt đẹp nhất!

 

   Niệm Phật là môn trị liệu bằng âm ba vi diệu nhất, nhằm khai phát khả năng trị liệu tự nhiên của Phật tánh.

   Bản thân tôi niệm Phật không có thành tựu gì đặc biệt. Bởi vì sự hiểu biết của tôi rất cạn cợt, còn về phương diện thực hành thì cũng không được tinh tấn, thiết thực bằng người khác. Nhưng tôi có một kinh nghiệm nhỏ như sau. Đó là khi niệm Phật lập tức trong miệng liền tiết ra chất dịch rất ngọt, khiến cả ngày dù không uống nước cũng không cảm thấy khát, nên dù niệm Phật ra tiếng suốt buổi cũng không bị khan giọng, có lúc còn cảm thấy cả lục phủ ngũ tạng của mình đều mát mẻ, dường như mỗi tế bào đều hoan hỉ.

   Trên thế giới không có ai bắt buộc tôi phải niệm Phật; càng không có ai quy định mỗi ngày tôi phải niệm bao nhiêu câu Phật. Nhưng tôi cảm thấy niệm Phật thân tâm thực sảng khoái, thư thới, vượt hơn bất cứ sự hưởng thụ nào. Vì vậy tôi chọn lựa niệm Phật. Làn sóng tâm niệm Phật và làn sóng âm thanh niệm Phật khiến toàn thân chúng ta chấn động một cách vi diệu, dường như xoa bóp cho tất cả tế bào. Việc xoa bóp này rất nhẹ êm, rất tinh tế, khiến cho các tế bào trong trạng thái dễ chịu có thể phát huy công năng tốt nhất. Sự rung động tinh tế, vi diệu này, chỉ có khi nào thân tâm của mình buông thỏng, thư thới mới thể nhận được tương đối rõ ràng.

    Giới y học và âm nhạc từng cùng nhau nghiên cứu việc dùng âm nhạc để trị liệu. Những loại âm nhạc khác nhau có khả năng trị liệu khác nhau. Đây là điều mà các nhà khoa học đã chứng minh được qua thực nghiệm. Khi chúng ta mở rộng tấm lòng, toàn thân buông thư và niệm Phật theo âm vận nhất định, thì tin rằng còn hiệu quả hơn so với những âm nhạc bình thường. Bởi vì trong danh hiệu Phật đã hàm chứa tâm từ bi vĩ đại và trí tuệ thâm sâu cứu độ chúng sinh của đức Phật. Đồng thời, danh hiệu Phật cũng khai phát ánh sáng và năng lực công đức Phật tánh vốn có bên trong chúng ta! Năng lực công đức này đương nhiên cũng bao gồm năng lực trị liệu tâm bệnh và thân bệnh!

    Chúng ta niệm Phật có thể khai phát và hiển lộ năng lượng Phật tánh sẵn có nơi chính mình, giải quyết được rất nhiều vấn đề. Phật là người đã khai phát và hiển lộ năng lượng Phật tánh của mình đến mức viên mãn. Khi chúng ta niệm danh hiệu Phật, Ngài cũng sẽ theo bản thệ nguyện của mình mà đến hướng dẫn, giúp chúng ta đạt đến cảnh giới vĩnh viễn an vui, không còn lo buồn!

 

    Vọng tưởng chấp trước là rác bẩn.

    “Vui vẻ không buồn lo, gọi là Phật.” Trước đây khi còn ở Học viện Y Học, chúng tôi đã từng thảo luận qua câu này. Có một vị đồng học bảo: “Điều này không có gì kỳ diệu đặc biệt! Tôi cũng làm được. Tôi bây giờ vui vẻ không lo buồn, vậy hiện tại tức là Phật rồi!” Mọi người nghe xong đều phì cười! Có một sinh viên lớp trên liền trả lời: “Ngày mai giáo sư cho anh rớt, lại bị bạn gái bỏ rơi, thử xem anh còn vui vẻ không lo buồn được nữa không! Hay đến chừng đó mặt mày anh ủ dột, oán trời trách người!”

    Mọi người ai nấy đều cười! Anh bạn học đó cũng cười bảo: “Quả đúng như vậy! Cái Phật này của tôi rất ngắn ngủi! Một ông Phật bong bóng nước, không biết sẽ vỡ lúc nào!”

    Thực ra, Phật vốn nói với chúng ta: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể giác ngộ và vui vẻ không lo buồn. Nhưng trong tâm chúng ta đầy dẫy những vọng tưởng chấp trước. Vì vậy, mỗi ngày mình đều bị phiền não, chướng ngại và những tư tưởng lăng xăng dẫn dắt, khiến chúng ta không thể sống vui vẻ, an lạc. Do đó, sức mạnh và tiềm năng Phật tánh cũng không sao phát huy ra được. Thực ra, chúng ta ai cũng có thể quyết định: Buông bỏ những vọng tưởng chấp trước như đổ bỏ rác bẩn, để tận hưởng bản tánh thanh tịnh tự tại. Đây là điều mà không ai có thể ngăn cản chúng ta. Nhưng lạ lùng thay chúng ta cứ thích “chiếm hữu”! Chính là sự chiếm hữu đau khổ! Chúng ta ôm chặt lấy đau khổ, cam chịu với nó mà không sao thoát ra được.

    Mất đi phân dơ, được nhẹ nhàng.

    Một hôm, tôi nói với một người bạn: “Chị nghĩ xem, đi vệ sinh là được hay mất?”

    Cô ấy nghe xong cười lớn bảo: “Tôi đã sống và đi vệ sinh bốn mươi năm, thế mà vẫn chưa nghĩ đến vấn đề này!” Rồi cô ấy suy nghĩ một chút, lại bảo: “À, có lẽ là được, mà cũng có nghĩa là mất.”

    Tôi liền hỏi: “Chị được cái gì và mất cái gì?

    Cô nói: “Đơn giản là mất đi phân hôi thối, và được nhẹ nhàng, dễ chịu!”

    Tôi lại hỏi: “Phân có được kể là cái của chị hay không?

    Chị lại cười và bảo: “Vấn đề này thực tức cười! Nếu bạn bảo nó không phải là cái của mình, thì nó từng ở trong bụng, do ruột của mình  gia công tạo ra. Còn như bảo nó là cái của mình, tại sao nó lại không thể ở mãi trong bụng? Lại cũng không ai muốn giữ, mà phải bỏ nó ra ngoài.”

    Chúng ta thử suy nghĩ phân dơ từ đâu đến? Chúng ta phải cực khổ bôn ba kiếm tiền, lại cũng cực khổ mua đồ nấu ăn. Ăn xong cũng phải cực khổ tiêu hóa ra “kết quả” như vậy. Nhưng chúng ta không thể giữ lấy nó, phải bỏ ra mới được. Nếu không bài tiết ra ngoài mà giữ lại trong bụng sẽ rất nặng nề, khó chịu, vừa đau lại vừa khổ! Phải giải quyết xong thì mới dễ chịu!

 

    Tu hành như bài tiết phân dơ, buông bỏ phiền não, được thư thới.

    Trong quá trình tu học Phật Pháp, tôi chỉ được kể là có chút duyên với Phật mà thôi, không có tu hành bao nhiêu. Nhưng một chút kinh nghiệm này, khiến tôi cảm thấy tu hành như bài tiết phân dơ, xả bỏ những rác bẩn phiền não làm chướng ngại trong tâm, để được nhẹ nhàng, thư thới. Nếu chúng ta biết tiết kiệm sức lực và tinh thần tiêu tốn trong những vọng tưởng lăng xăng, thì thể lực của mình sẽ khá hơn rất nhiều. Còn như phân dơ trong bụng nếu không bài tiết ra ngoài, thì dùng bất cứ thuốc nào cũng không dễ chịu. Cũng vậy, rác bẩn phiền não làm chướng ngại trong tâm nếu không thực sự giải quyết được, thì niệm Phật sẽ không đắc lực, không được nhẹ nhàng, thư thới. Kinh Hoa Nghiêm nói:

         Tâm khéo an trú: không gì bằng,
         Ý thường thanh tịnh: niềm vui lớn.[2]

 

   Tâm niệm và hiệu quả điều trị của việc ăn uống.

   Do có nhiều người hỏi đến vấn đề ăn uống, nên nơi đây bàn qua vấn đề này.

 

   Đừng vì ăn uống mà tâm căng thẳng.

   Có rất nhiều người bệnh và gia quyến đã bỏ ra phần lớn thời gian và tâm trí trong việc tìm kiếm một loại thuốc đặc trị nào đó, như thuốc bí truyền, gia truyền, hay cách ăn uống có hiệu quả trị liệu đặc biệt. Thậm chí có người chưa hiểu được nguyên lý, phương pháp mà lại tuyệt thực lâu ngày. Vì bôn ba khắp nơi, lại cố ý miễn cưỡng mong cầu nên khiến tâm lý họ trở nên căng thẳng, tự gây thêm áp lực trong tâm. Vì vậy, thân tâm của họ không sao được điều hòa, nhẹ nhàng và an ổn thực sự, càng làm trở ngại cho công năng miễn dịch chính mình.

 

   Tâm cảnh khác nhau, mùi vị cũng khác nhau.

   Chúng ta có thể nhận ra: Đồng một thức ăn, nhưng nếu ăn với những trạng thái tâm lý khác nhau, thì mùi vị cũng khác nhau, và chất dinh dưỡng hấp thu lại càng khác nhau! Chúng ta hãy tự quan sát: Cùng một đĩa thức ăn, mà khi đói và khi no chúng ta nhìn lại có cảm giác toàn toàn khác nhau. Khi thi đậu và khi thi rớt, ăn cơm mùi vị cũng khác nhau xa. Lúc bị mắng và khi được khen, tình trạng tiêu hóa nhất định khác nhau. Đây là do vì tâm niệm sinh ra những làn sóng điện làm ảnh hưởng đến vật chất. Cho nên trạng thái tâm lý khác nhau cũng sinh ra chất men tiêu hóa khác nhau. Ví dụ, khi ăn uống, đối với thức ăn mà có sự chê chán, hay tâm trạng buồn bực, lo lắng, thì nước miếng sẽ bị biến chất, giảm số lượng kháng thể và men tiêu hóa, do đó sự co bóp của dạ dày và ruột cũng không tốt. Cho nên, dù có ăn thức ăn có bổ dưỡng đến đâu cũng không hấp thu được nhiều và lợi ích bao nhiêu.

 

    Tâm vui vẻ: hiệu quả trị liệu lớn, tâm hoan hỉ biết ơn: dinh dưỡng cao.

    Như đã nói qua, tâm niệm vui vẻ sẽ sinh ra vật chất làm tăng sức miễn dịch. Thân tâm buông lỏng, thư thới thì máu huyết sẽ lưu thông, dưỡng khí được đầy đủ, nước miếng bao gồm kháng thể và men tiêu hóa mới dồi dào. Tâm an định và đủ lòng tin thì chất nội tiết sẽ điều hòa đúng mức bình thường, cũng như có đầy đủ chất men để giải độc hay hấp thu dinh dưỡng.

   Người mà khi ăn uống trong lòng vui vẻ, biết ơn, cảm thấy ngon miệng, thì chất nội tiết tất nhiên sẽ điều hòa, chất men cũng rất dồi dào. Vì vậy, tuy cùng ăn một thức ăn, mà người đó hấp thu dinh dưỡng và được lợi ích nhiều hơn hẳn người khác. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, loại người này có hiệu quả trị liệu tốt nhất, chỉ cần ăn một chút gạo lức, gạo ngũ cốc, nhai kỹ khiến hoàn toàn tan vào trong nước miếng rồi nuốt từ từ, thì cũng hết được bệnh! Nguyên lý này, đức Phật đã sớm biết rõ từ gần ba ngàn năm trước, nên Ngài dạy chúng ta khi ăn cơm phải phát nguyện tốt đẹp và khéo dụng tâm.

    Khéo vận dụng tâm niệm cầu nguyện hạnh phúc cho chúng sinh, cho đến cầu nguyện hạnh phúc cho tế bào.

    Cho nên tâm niệm lúc ăn uống, như tâm biết ơn, tâm tán thán, tâm phát nguyện, tâm hoan hỉ niệm Phật..., còn quan trọng và có lợi ích hơn nhiều so với nội dung thực phẩm. Đức Phật dạy chúng ta khi ăn phải cầu nguyện:

             Khi con đang dùng cơm
          Nguyện tất cả chúng sinh
          Hưởng thức ăn  Thiền duyệt
          Ngập tràn tâm Pháp hỉ.[3]

    Đây là đức Phật dạy chúng ta khi ăn phải khéo vận dụng tâm niệm để điều hòa thân mình và tu tập công đức. Khéo dùng tâm phát nguyện tốt đẹp, cầu nguyện phước lành cho mỗi chúng sinh, mỗi tế bào đều ngập tràn niềm vui tột cùng của thiền định (thiền duyệt), và niềm hoan hỉ đến từ chân lý (pháp hỉ); dùng tâm biết ơn và chánh niệm để thọ thực. Đối trước thức ăn, không khởi tâm tham, sân, thì tâm niệm mới không “tự tạo ra độc tố!” Độc tố này chỉ trong một niệm đã sinh ra số lượng lớn đưa vào trong huyết dịch, còn tai hại hơn nhiều so với chất độc từ ngoài vào! Nếu ăn những thức ăn sạch sẽ, dinh dưỡng  mà trong tâm buồn giận, không vui, thì bao giờ cũng còn độc tố trong mình, không khi nào bài tiết ra hết!

    

---------------------------------------------------------------------------------

[1] Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Tứ Tổ Đạo Tín Khai thị cho Pháp Dung, hay còn được gọi là Lại Dung (ông Pháp Dung lười): “Đi đứng nằm ngồi, chạm mắt gặp duyên đều là diệu dụng của Phật, vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật.”

《景德傳燈錄》「行住坐臥觸目遇緣。總是佛之妙用快樂無憂。故名為佛。」(T51, no. 2076, p. 227, a26-27) Dịch giả chú.

[2] 《大方廣佛華嚴經》「心善安住無與等,意常清淨大歡悅」( T10, no. 279, p. 126, c19)

[3] Kinh Hoa Nghiêm: “Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sinh, thiền duyệt vi thực, pháp hỉ sung mãn.” 《大方廣佛華嚴經》「若飯食時,當願眾生,  禪悅為食,  法喜充滿。」(T10, no. 279, p. 71, c17-18)

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page